Bản án 30/2020/HS-ST ngày 26/06/2020 về tội cố ý gây thương tích, giết người và hủy hoại tài sản

A ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 30/2020/HS-ST NGÀY 26/06/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH, GIẾT NGƯỜI VÀ HỦY HOẠI TÀI SẢN

Trong các ngày 24 và 26 tháng 6 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 20/2020/TLST-HS ngày 20 tháng 4 năm 2020 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 23/2020/QĐXXST-HS ngày 08 tháng 6 năm 2020 đối với các bị cáo:

1/- Ngô N (Tên gọi khác: Lộ) Sinh năm 1994, tại C, Kiên Giang. Nơi cư trú: Tổ 3, ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang; chỗ ở: Tổ 3, ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 6/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: V Nam; con ông Ngô O và bà Đỗ Thị M; vợ Phạm Thị Thu T; Con: 01 người con sinh năm 2017; tiền sự: Không; tiền án: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 06/4/2019. Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

2/- Đặng V – Sinh năm 1996, tại C, Kiên Giang. Nơi cư trú: Ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang; chỗ ở: Ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: V Nam; con ông Đặng Quốc C và bà Nguyễn Thị Kim L; tiền sự: Không; tiền án: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 03/7/2019. Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

3/- Huỳnh H (Tên gọi khác: Nhí) Sinh năm 1997, tại C, Kiên Giang. Nơi cư trú: Ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang; Chỗ ở: Ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang; nghề nghiệp: làm thuê; trình độ học vấn: 8/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; quốc tịch: V Nam; con ông Huỳnh Ngọc C và bà Phạm Thùy L; tiền sự: Không; tiền án: Không. Bị cáo bị bắt tạm giữ, tạm giam ngày 03/7/2019. Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

- Người bào chữa theo yêu cầu cho 03 bị cáo: Luật sư Phạm Văn C – Thuộc văn phòng Luật sư Phạm Văn C, đoàn Luật sư tỉnh Kiên Giang (Có mặt).

- Những người bị hại:

1/- Ông Lâm Văn U – Sinh năm: 1997. (Có mặt) Địa chỉ: Ấp A, xã V, huyên C, tỉnh Kiên Giang.

2/- Bà Lâm Thị Bé B – Sinh năm: 1986. (Có mặt) Địa chỉ: Ấp Q, xã Vĩnh P, huyên C, tỉnh Kiên Giang.

- Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Ngô O, sinh năm 1962 (cha bị cáo N) (có mặt) Địa chỉ: Ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang

2. Bà Đỗ Thị M, sinh năm 1965 (mẹ bị cáo N) (có mặt) Địa chỉ: Ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang

* Những người làm chứng:

1/. Bà NLC1– Sinh năm: 2002 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp Q, xã Vĩnh Hòa P, huyên C, tỉnh Kiên Giang.

2/. Ông NLC2– Sinh năm: 1992 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp 1, xã T, huyện V, tỉnh Kiên Giang.

3/. Bà NLC3– Sinh năm: 1970 (vắng mặt) Địa chỉ: Ấp 1, xã Vĩnh Hòa P, huyên C, tỉnh Kiên Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 20 giờ ngày 05/4/2019, Ngô N sinh ngày 15/02/1994, nơi cư trú: ấp A, xã V, huyện C, tỉnh Kiên Giang, sau khi đi uống bia ở nhà anh Ngô Văn T h về đến nhà tình cờ nghe chị Ngô Thị B và bà Đỗ Thị M (là chị ruột và mẹ ruột của N) nói chuyện về việc bà Cô Thị H là vợ sau của ông Ngô O (cha ruột của N) nói xấu gia đình N. Nghe vậy, N liền điện thoại cho ông O để kêu bà H xuống nhà nói chuyện. N đợi khoảng 10 phU nhưng không thấy bà H đến nên lấy xe môtô chạy xuống xã Vĩnh Hòa P, huyện C hỏi thăm thì tìm gặp nhà bà H tại ấp 1, xã Vĩnh Hòa P, huyện C nhưng thấy cửa nhà khóa và không có ai ở nhà. N đến nhà trọ của Lâm Văn Lùng (con ruột của bà H) để tìm nhưng cũng không thấy bà H đâu. N chạy xe đi thì gặp Nguyễn Văn K kêu K đi công chuyện với N thì K đồng ý đi. N chở K đến nhà bà H thì thấy cửa nhà vẫn còn khóa nên N đi vào lấy miếng ván dài khoảng 01 mét, rộng khoảng 30cm đập vào cửa chính và đồng hồ điện nhiều cái. N chở K chạy về đến cầu chợ Tà Niên thì gặp Lâm Văn U (con trai bà H) đang chạy xe về. N kêu U dừng xe lại và nói: “Mày kêu mẹ mày lên nói chuyện với nhà tao”. U không trả lời nên N dùng tay đánh vào đầu U một cái, U tăng ga xe bỏ chạy. N chở K về gần nhà thì K xuống xe, sau đó N chạy về nhà anh T cùng Đặng V và một số người bạn uống bia tiếp.

Sau khi bị N đánh, U chạy xe về nhà, thấy cửa nhà bị đập phá nên mở ra kiểm tra bên trong thì không phát hiện gì. Do sợ N đến gây sự nên U đem dao tự chế dài 67 cm, cán nhựa màu đen, lưỡi bằng kim loại, mũi bầu ra phía trước để phòng thân. Sau đó, U chạy xe về nhà cũ ở ấp A, xã V để lánh mặt N. Tại đây, U đã gọi điện cho bà H hay sự việc, bà H gọi điện cho Lâm Thị B (chị ruột U) nên B đã gọi điện kêu U về nhà tại ấp 1, xã Vĩnh Hòa P. Do sợ trên đường về gặp N nên U kêu NLC2 (em bà con cô cậu với U) đưa về. Khi U vừa về đến nhà thì gặp B kêu U đến công an xã Vĩnh Hòa P trình báo vụ việc bị N đập phá nhà.

Sau khi trình báo vụ việc, Công an xã Vĩnh Hòa P đã cử ông Phạm Văn Kiển là Công an viên đến ghi nhận sự việc. Lúc này, U gọi điện cho N kêu xuống nhà, sẳn có Công an xã để giải quyết việc N đập phá nhà. N nghe xong nghĩ U kêu xuống nhà U để đánh nhau nên kêu Đặng V ra ngoài và nói “U kêu xuống nhà nói chuyện”. N kêu V gọi cho Huỳnh H chuẩn bị sẳn dao tự chế đến chở N và V xuống nhà U. Thời điểm này, H đang chạy xe ngoài đường, khi nhận được cuộc gọi từ V, H đã quay về nhà lấy 02 cây dao tự chế H đặt mua trên mạng internet để phía trước xe và chạy đến rước N cùng V. Khi H đến gặp V và N thì N lấy 02 cây dao trên xe H đưa cho V một cây dao tự chế lưỡi bằng kim loại dài 37cm, cán gỗ dài 13 cm, mũi bằng; N giữ 01 cây dao tự chế dài khoảng 50cm, cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại, mũi nhọn. Sau đó, N chỉ đường cho H chạy xe đi đến nhà U.

Sau khi gọi cho N xong, U có nói với ông Kiển về việc một lúc nữa N sẽ xuống để giải quyết việc N đập phá nhà, U kêu ông Kiển đợi N xuống. Ông Kiển ngồi đợi khoảng 20 phút không thấy N đến nên kêu U chạy xe đưa ông Kiển về Công an xã rồi về nhà đóng cửa ngủ, M sẽ giải quyết. Khi U đưa ông Kiển về xong, U quay lại đậu xe cặp lộ trước nhà U. Lúc này, H chở N và V chạy đến. Vừa thấy U, N xuống xe chạy đến đưa dao lên cao chém xuống vùng đầu U 02 đến 03 cái. U chụp cây dao để sẵn phía trước lùm cây gần đó cầm trên tay bước lui ra lộ, lúc này H và V áp sát U thì bị U dùng dao tự chế chém lại, H dùng tay đánh vào mặt U một cái, V cầm dao tự chế chém vào tay làm rơi dao xuống đường nên U bỏ chạy vào trong nhà. Lúc này, N chạy theo và chém vào lưng U, đến hàng ba nhà, U bị trượt té nằm sấp, N chém vào phía sau cổ U một cái. U cố đứng dậy chạy vào nhà cùng Lâm Thị B kéo cửa lại. N dùng chân đá cửa dạt ra. Lúc này, U chụp được 01 cây dao yếm để chỗ đồ nghề sửa xe quơ ra phía sau một cái và cầm dao bỏ chạy ra phía sau lùm cây trốn đồng thời quăng bỏ cây dao.

Khi vào được nhà, N thấy Lâm Thị B đứng nên dùng tay đẩy B ngã và chạy theo U nhưng không kịp, N đi ra bãi đất trống bên ngoài tìm U cũng không gặp, N quay trở vô nhà tìm U lần thứ hai nhưng cũng không gặp. N quay ra lộ thì thấy H và V bị thương nên quay vô nhà chém vào cửa kính phòng ngủ rồi đi xuống nhà bếp chém vào cánh tủ lạnh 02 cái. Xong N quay ra phòng khách thấy Lâm Thị B đang đứng khóc nên quay xuống bếp lấy cái chảo đi lên đánh vào đầu B làm gãy cán chảo, sau đó N quăng bỏ cán chảo và đi ra lộ. N thấy chiếc xe hiệu VISON của Lâm Thị B đang đậu ngoài lộ nên dùng dao chém nhiều cái vào giàn áo xe. Lúc này, Nguyễn Văn Đ (Duy) chạy xe đến, N leo lên xe Đ và kêu Đ chở ra Bệnh viện để xem thương tích của H và V, trên đường đi N ném bỏ cây dao ở ven đường. Khi đến Bệnh viện do không vào được nên N kêu D chở về nhà và đến Công an đầu thú, sau đó bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C tạm giữ, khởi tố, tạm giam về hành vi “Cố ý gây thương tích”. Riêng U được mọi người đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang đến ngày 12/4/2019 thì xuất viện, thương tích 42%. Lâm Thị B bị thương tích 02%. Tổng giá trị tài sản của Lâm Thị B do Ngô N hủy hoại là 11.695.900 đồng. Đến ngày 27/6/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh Kiên Giang quyết định khởi tố bị can và Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Đặng V và Huỳnh H về tội “Cố ý gây thương tích”. Đến ngày 01/11/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện C, tỉnh Kiên Giang quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Ngô N, Đặng V và Huỳnh H về tội “Giết người”.

Trong quá trình điều tra và truy tố, các bị can có thái độ thành khẩn khai báo.

Gia đình bị can Ngô N đã khắc phục cho bị hại Lâm Văn U 20.000.000 đồng và khắc phục cho Lâm Thị B 14.500.000 đồng. Bị can Ngô N sau khi thực hiện hành vi phạm tội ra đầu thú. Các bị can phạm tội “Giết người” chưa đạt.

* Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích: 324/KL-PY, ngày 27/5/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận đối với Lâm Văn U – Sinh năm: 1997:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Sẹo mềm vùng trán – đỉnh trái, vùng đỉnh – chẩm trái, vùng hông – lưng phải, cánh tay phải (vùng vai – cánh tay), ngón II tay phải và ngón II tay trái.

- Sẹo xơ cứng vùng thái dương – đỉnh phải, vùng cổ sau bên phải, vùng lưng trái, vùng vai trái, cẳng tay phải.

- Nứt (đứt), vỡ lún 2 bản xương sọ vùng đỉnh phải.

- Gãy (đứt) xương mỏm cùng vai trái. Hiện tại xương chưa liền.

- Mẻ (đứt) 1/3 trên xương trụ phải. Hiện tại xương chưa liền.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại ở:

- Vùng trán – đỉnh trái là: 01% (Một phần trăm).

- Vùng thái dương – đỉnh phải là: 33% (Ba mươi ba phần trăm).

- Vùng đỉnh – chẩm trái là : 04% (Bốn phần trăm).

- Vùng cổ sau bên phải là: 11% (Mười một phần trăm).

- Vùng lưng trái là: 11% (Mười một phần trăm).

- Vùng hông – lưng phải là: 01% (Một phần trăm).

- Vùng vai trái là: 16% (Mười sáu phần trăm).

- Vùng cánh tay phải là: 04% (Bốn phần trăm).

- Vùng cẳng tay phải là: 09% (Chín phần trăm).

- Ngón II tay phải là: 01% (Một phần trăm).

- Ngón II tay trái là: 01% (Một phần trăm).

3. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 42% (Bốn mươi hai phần trăm).

4. Vật gây thương tích:

- Thương tích vùng trán – đỉnh trái, vùng thái dương – đỉnh phải, vùng đỉnh – chẩm trái, vùng cổ sau bên phải, vùng lưng trái, cánh tay phải (vùng vai – cánh tay), cẳng tay phải, ngón II tay phải và ngón II tay trái do vật sắc gây nên; Vật chứng (cây dao đánh số 1, 2 và 3) gửi giám định gây được các thương tích này.

- Thương tích vùng hông – lưng phải do vật có góc cạnh gây nên; Vật chứng (phần thanh chắn của cây dao đánh dấu số 2) gửi giám định gây được thương tích này.

* Tại Kết luận giám định: 4019/C09B, ngày 16/10/2019 của Phân viện Khoa học hình sự tại thành phố Hồ Chí Minh, kết luận như sau:

Dấu vết màu nâu trên lưỡi dao gửi giám định là máu người, có kiểu gen trùng với AND của Lâm Văn U (sinh năm 1997, thường trú tại ấp I, xã Vĩnh Hòa P , huyện C, tỉnh Kiên Giang).

* Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích: 384/KL-PY, ngày 19/6/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận đối với Huỳnh H - sinh năm: 1997:

1. Dấu hiệu chính qua giám định:

- Sẹo sơ cứng vùng bụng hông trái và cẳng tay trái.

- Rách màng xương sườn số X bên trái, đã được phẫu thuật khâu màng xương.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại ở:

- Vùng bụng hông trái là: 13% (Mười ba phần trăm).

- Vùng cẳng tay trái là: 11% (Mười một phần trăm).

3. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 15% (Mười lăm phần trăm).

4. Vật gây thương tích: Vật sắc; vật chứng (cây dao đánh dấu số 1, 2 và 3) gửi giám định gây được các thương tích trên.

* Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích: 403/KL-PY, ngày 20/7/2019 của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận đối với Đặng V - sinh năm 1996:

1.Dấu hiệu chính qua giám định:

- Sẹo sơ cứng vùng cẳng – cổ tay trái.

- Đứt gân duỗi ngón I, II, III, IV tay trái. Hiện tại còn hạn chế chức năng vận động khớp cổ tay và các ngón tay.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 25% (Hai mười lăm phần trăm).

3. Vật gây thương tích: Vật sắc; Vật chứng (cây dao đánh dấu số 1, 2 và 3) gửi giám định gây được thương tích trên.

* Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích: 107/KL-PY, ngày 18/02/2020 của Trung tâm Pháp y tỉnh Kiên Giang kết luận đối với Lâm Thị B - sinh năm 1986:

1.Dấu hiệu chính qua giám định:

Sẹo mềm vùng trán – đỉnh trái và vùng mặt bên trái.

2. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là: 02% (Hai phần trăm).

3. Vật gây thương tích: Thương tích do vật tày có cạnh gây nên.

4. Về thẩm mỹ: Thương tích không gây ảnh hưởng thẩm mỹ. (B út lục 102- 104).

* Bản kết luận định giá tài sản số: 20/KL-HĐTĐGTS ngày 17/6/2019 của Hội đồng thẩm định giá tài sản trong tố tụng hình sự Ủy ban nhân dân huyện C, tỉnh Kiên Giang kết luận:

1. 01 bộ cửa kéo đài loan loại 02 cánh có giá trị là 8.849.300 đồng. Bằng chữ: (Tám triệu tám trăm bốn mươi chín ngàn ba trăm đồng).

2. 01 tấm kính cửa buồng có giá là 163.300 đồng.

Bằng chữ: (Một trăm sáu mươi ba ngàn ba trăm đồng).

3. 01 bộ giàn áo xe mô tô có giá là 2.683.300 đồng.

Bằng chữ: (Hai triệu sáu trăm tám mươi ba ngàn ba trăm đồng).

Tổng tài sản có giá trị là 11.695.900 đồng.

Bằng chữ: (Mười một triệu sáu trăm chín mươi lăm ngàn chín trăm đồng).

* Vật chứng trong vụ án thu giữ gồm có:

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 67cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi bầu, nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán gỗ, mũi bằng.

- 01 cái chảo bằng kim loại màu đen (loại chảo chống dính), đường kính 29cm, bị gãy phần cán.

- 01 cán chảo màu đen dài 19cm; - 01 áo sơ mi dài tay sọc đỏ - trắng.

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu đỏ (loại dép tổ ông).

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu xanh-đen (loại dép quay kẹp).

- Nhiều sợi lông tóc để trong phong bì; - 01 mảnh kính có hoa văn.

Xét thấy những vật chứng trên có liên quan đến vụ án và không còn giá trị sử dụng nên đề nghị tịch thu tiêu hủy theo quy định tại khoản 2 Điều 106 – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Riêng cây dao tự chế mà Ngô N dùng chém Lâm Văn U và cây dao yếm của Lâm Văn U dùng làm hung khí chống trả lại Ngô N lúc ở trong nhà U (theo lời trình bày của N và U) đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức truy tìm nhưng không thu hồi được.

* Về phần trách nhiệm dân sự:

- Bị hại Lâm Văn U yêu cầu bồi thường chi phí điều trị 12.790.000 đồng, ngày công lao động 1.600.000 đồng và tổn thất tinh thần 30.000.000 đồng. Tổng cộng: 44.390.000 đồng. Gia đình bị cáo Ngô N đã bồi thường cho U số tiền 20.000.000 đồng. Hiện bị hại Lâm Văn U yêu cầu các bị cáo bồi thường số tiền còn lại là 24.390.000 đồng.

- Bị hại Lâm Thị B đã nhận đủ số tiền bồi thường do tài sản bị thiệt hại và không yêu cầu bồi thường gì thêm.

- Bị cáo Đặng V yêu cầu Lâm Văn U bồi thường chi phí điều trị 4.455.007 đồng, ngày công lao động 17.600.000 đồng và tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.

- Bị cáo Huỳnh H yêu cầu Lâm Văn U bồi thường chi phí điều trị 952.637 đồng, ngày công lao động 15.400.000 đồng và tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.

Tại bản Cáo trạng số: 21/CT – VKSTKG – P2 ngày 20/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang đã truy tố bị cáo Ngô N về tội “Giết người; Cố ý gây thương tích Hủy hoại tài sản” theo điểm n khoản 1 Điều 123; khoản 1 Điều 134 và khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các bị cáo Đặng V Huỳnh H về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 * Tại phiên tòa, bị hại Lâm Thị B tự nguyện rút yêu cầu khởi tố, đề nghị không xử lý hình sự đối với bị cáo Ngô N về tội Cố ý gây thương tích, và xin giảm nhẹ hình phạt cho ba bị cáo; về phần trách nhiệm dân sự đã nhận đủ nên không yêu cầu bồi thường gì thêm. Bị hại Lâm Văn U xin giảm nhẹ hình phạt cho ba bị cáo và tự thỏa thuận cấn trừ số tiền phải bồi thường với các bị cáo, ngoài ra không yêu cầu gì thêm.

* Tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát giữ quyền công tố luận tội và tranh luận như sau: Vị đại diện Viện kiểm sát quyết định giữ nguyên quyết định truy tố bị cáo Ngô N về tội “Giết người; Cố ý gây thương tích và Hủy hoại tài sản”, theo điểm n khoản 1 Điều 123; khoản 1 Điều 134 và khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các bị cáo Đặng V Huỳnh H về tội “Giết người” theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và nhận định: Bắt nguồn từ một mâu thuẫn rất nhỏ nhưng với bản tính hung hăng, Ngô N là người khởi xướng rủ rê H và V thực hiện hành vi giết người. Năm dùng dao chém nhiều nhát vào vùng đầu bị hại Lâm Văn U, khi U bỏ chạy trượt té Năm đuổi theo chém vào vùng cổ và lưng của U, không dừng lại ở đó, Năm tiếp tục đuổi theo U vào nhà để chém tiếp, điều này thể hiện sự quyết liệt thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo. Đặng V là người cầm dao chém vào tay bị hại U, còn H dùng tay đấm vào mặt U. Chính hành vi của ba bị cáo đã gây thương tích cho bị hại U, việc U không chết là ngoài ý muốn của các bị cáo. Hành vi của Ngô V cùng với Ngô N dùng dao chém bị hại gây thương tích là hành vi đồng phạm giúp sức tích cực; còn hành vi của Huỳnh H thể hiện khi bị cáo N rủ đi đánh nhau thì đồng ý, mang theo hai cây dao tự chế và cùng chạy xe tới chở V và N tới nhà bị hại, nên đây cũng là hành vi giúp sức tích cực.

Hành vi của bị cáo N dùng chảo đánh vào đầu bị hại Lâm Thị B là hành vi cố ý gây thương tích. Tuy nhiên, tại phiên tòa, bị hại Lâm Thị B tự nguyện rút yêu cầu khởi tố hình sự đối với bị cáo Ngô N về tội “Cố ý gây thương tích”, nên đề nghị HĐXX chấp nhận đình chỉ giải quyết đối với tội Cố ý gây thương tích của bị cáo N.

Các bị cáo nhận thức được hành vi dùng dao chém nhiều nhát vào người bị hại là gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người bị hại nhưng với bản tính hung hăng, côn đồ các bị cáo chọn cách giải quyết bằng bạo lực. Hành vi của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm tới sức khỏe tính mạng của người khác một cách trái pháp luật, gây mất trật tự trị an tại địa phương. Do đó, cần phải xử phạt các bị cáo mức án tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị cáo đã gây ra.

Tuy nhiên, cần xem xét cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ sau: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa các bị cáo thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, các bị cáo phạm tội giết người chưa đạt, bị hại xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo N sau khi phạm tội đã ra đầu thú, tác động tích cực gia đình khắc phục cho bị hại U 20.000.000 đồng, cho bị hại B số tiền 14.500.000 đồng, bản thân các bị cáo là người chưa có tiền án, tiền sự. Từ những căn cứ trên đề nghị Hội đồng xét xử:

- Về hình phạt:

+ Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123, khoản 1 Điều 178, điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57, Điều 58, Điều 55, Điều 17 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Xử phạt:

1/ Bị cáo Ngô N Mức án từ 12 năm tù đến 14 năm tù về tội “Giết người”; Mức án từ 09 đến 12 tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung của 02 tội buộc bị cáo phải chấp hành chung là từ 12 năm 09 tháng đến 15 năm tù.

+ Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123, điểm s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57, Điều 58, Điều 17 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Xử phạt:

2/- Bị cáo Đặng V Mức án từ 09 đến 10 năm tù về tội “Giết người”.

+ Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123, điểm s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57, Điều 58, Điều 17 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Xử phạt:

3/- Bị cáo Huỳnh H Mức án từ 09 đến 10 năm tù về tội “Giết người”.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự và Điều 590 Bộ luật dân sự: Tôn trọng sự tự thỏa thuận giữa các bị cáo và bị hại ông Lâm Văn U: Tại phiên tòa, bị hại U yêu cầu các bị cáo phải bồi thường số tiền còn lại là 24.390.000 đồng, bị cáo H yêu cầu bị hại U phải bồi thường chi phí điều trị và tổn thất tinh thần 16.352.000 đồng; bị cáo V yêu cầu U phải bồi thường chi phí điều trị 4.455.007 đồng, ngày công lao động 17.600.000 đồng và tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật. Tại phiên tòa, các bị cáo và bị hại U đã tự nguyện thỏa thuận khấu trừ cho nhau số tiền phải bồi thường, coi như bên phía bị hại đã bồi thường đủ cho hai bị cáo H và V, và các bị cáo cũng đã bồi thường xong cho phía bị hại U. Các bên không còn phải bồi thường gì nữa.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 2 Điều 106 – Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

Xét thấy những vật chứng có liên quan đến vụ án không còn giá trị sử dụng nên đề nghị tịch thu tiêu hủy theo quy định gồm:

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 67cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi bầu, nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán gỗ, mũi bằng.

- 01 cái chảo bằng kim loại màu đen (loại chảo chống dính), đường kính 29cm, bị gãy phần cán.

- 01 cán chảo màu đen dài 19cm; - 01 áo sơ mi dài tay sọc đỏ - trắng.

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu đỏ (loại dép tổ ông).

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu xanh-đen (loại dép quay kẹp).

- Nhiều sợi lông tóc để trong phong bì;

- 01 mảnh kính có hoa văn.

Riêng cây dao tự chế mà Ngô N dùng chém Lâm Văn U và cây dao yếm của Lâm Văn U dùng làm hung khí chống trả lại Ngô N lúc ở trong nhà U (theo lời trình bày của N và U) đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức truy tìm nhưng không thu hồi được nên đề nghị không xét.

* Tại phiên tòa, uật sư Phạm Văn C phát biểu quan điểm bào chữa cho 03 bị cáo như sau:

- Thống nhất với Viện kiểm sát về đề nghị đình chỉ giải quyết tội Cố ý gây thương tích đối với bị cáo Ngô N, chỉ xét xử bị cáo Năm về tội Giết người và Hủy hoại tài sản. Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết sau trong quá trình lượng hình đối với bị cáo Ngô N:

Thứ nhất, nguyên nhân xảy ra vụ án: Trong vụ án này bị hại có một phần lỗi là tạo ra sự hiểu lầm, khi bị cáo N gặp U tại chợ và N có đánh U một cái vào mặt thì U nói N “Chờ đó”, cộng với việc vào ban đêm bị hại U lại điện cho bị cáo lúc bị cáo đang uống rượu và cũng không nói là có công an đến giải quyết, nên làm bị cáo hiểu lầm là xuống để hai bên giải quyết với nhau;

Thứ hai, đề nghị áp dụng khoản 3 điều 57 Bộ luật hình sự để xem xét hình phạt cho các bị cáo không quá ¾ mức hình phạt của điều luật.

Thứ ba, về tình tiết giảm nhẹ đối với bị cáo N: Sau khi phạm tội bị cáo ra đầu thú; trong quá trình điều tra và xét xử bị cáo ăn năn hối cải, thật thà khai báo, bị cáo đã khắc phục cho bị hại nên đề nghị HĐXX áp dụng điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS cho bị cáo, bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự, bị hại đề nghị giảm án. Mức án mà Viện kiểm sát đề nghị đối với bị cáo Năm quá nghiêm khắc nên đề nghị HĐXX xử bị cáo mức án nhẹ hơn.

- Đối với bị cáo V và H: Trong quá trình điều tra và xét xử tại phiên tòa, hai bị cáo thật thà khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, hoàn cảnh gia đình bị cáo V rất khó khăn, bản thân chưa có tiền án, tiền sự, là nạn nhận bị U gây thương tích, giúp sức vai trò thứ yếu; tại phiên tòa bị cáo H, V đã thỏa thuận cấn trừ tiền trách nhiệm dân sự với bị hại U, bị hại U xin giảm nhẹ hình phạt cho hai bị cáo...Từ những căn cứ trên đề nghị HĐXX áp dụng các điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 2 Điều 54 BLHS làm tình tiết giảm nhẹ cho hai bị cáo mức án thấp hơn mức án Viện kiểm sát đề nghị nhằm thể hiện sự khoan hồng pháp luật.

ời nói sau cùng của các bị cáo: Các bị cáo N, V và H đã biết hành vi phạm tội của mình là sai trái, là vi phạm pháp luật, các bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho 03 bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau: [1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Kiên Giang, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục đúng quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người bào chữa, bị hại, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan…không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi bị truy tố của các bị cáo: Tại phiên tòa, các bị cáo Ngô N, Đặng V và Huỳnh H khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung bản Cáo trạng đã nêu. Lời khai của các bị cáo phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra, phù hợp lời khai của người làm chứng và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án, qua đó thể hiện: Khoảng 20 giờ ngày 05/4/2019, Ngô N sau khi đi uống bia về thì nảy sinh mâu thuẫn với bà Cô Thị H nên N đi tìm bà H để giải quyết mâu thuẫn. N lấy xe môtô chạy xuống nhà bà H tại ấp 1, xã Vĩnh Hòa P, huyện C nhưng thấy cửa nhà khóa. N đi vào lấy miếng ván dài khoảng 01 mét, rộng khoảng 30cm đập vào cửa chính và đồng hồ điện nhiều cái. Khi gặp Lâm Văn U thì N kêu U dừng xe lại đồng thời dùng tay đánh vào đầu U một cái. U chạy xe về nhà, thấy cửa nhà bị đập phá sợ N đến gây sự nên U đem dao tự chế dài 67 cm, cán nhựa màu đen, lưỡi bằng kim loại, mũi bầu ra phía trước để phòng thân và đến công an xã Vĩnh Hòa P trình báo. Lúc này, U gọi điện cho N kêu xuống nhà để giải quyết sự việc. N kêu Đặng V gọi điện thoại cho Huỳnh H chuẩn bị dao tự chế đến chở N và V xuống nhà U để đánh nhau thì H đồng ý. H về nhà lấy 02 cây dao tự chế để phía trước xe và chạy đến rước N và V. Khi H đến, N lấy 02 cây dao trên xe H đưa cho V một cây dao tự chế lưỡi bằng kim loại dài 37cm, cán gỗ dài 13 cm, mũi bằng; N giữ 01 cây dao tự chế dài khoảng 50cm, cán bằng gỗ, lưỡi bằng kim loại, mũi nhọn. Khi cả ba đến nhà U, vừa thấy U, N xuống xe chạy đến đưa dao lên cao chém xuống vùng đầu U 02 đến 03 cái. U chụp cây dao để sẵn phía trước lùm trước nhà cầm trên tay, khi H và V áp sát U thì bị U dùng dao tự chế chém lại, H dùng tay đánh vào mặt U một cái, V cầm dao tự chế chém vào tay làm rơi dao xuống đường nên U bỏ chạy vào nhà. N chạy theo và chém vào lưng U, đến hàng ba nhà, U bị trượt té nằm sấp, N chém vào phía sau cổ U. U chạy vào nhà cùng Lâm Thị B kéo cửa lại thì N dùng chân đá cửa dạt ra. U chụp được 01 cây dao yếm để chỗ đồ nghề sửa xe quơ ra phía sau và bỏ chạy ra phía sau lùm cây trốn. Tìm không gặp U nên N quay ra lộ thì thấy H và V bị thương nên vô nhà dùng dao tự chế chém vào cửa kính phòng ngủ và cánh tủ lạnh 02 cái. N quay ra phòng khách thấy Lâm Thị B đang đứng khóc nên quay xuống bếp lấy cái chảo đi lên đánh vào đầu B làm gãy cán chảo. N đi ra ngoài thấy chiếc xe hiệu VISON của B đang đậu nên dùng dao chém nhiều cái vào giàn áo xe. Qua giám định Lâm Văn U bị thương tích 42%; Lâm Thị B bị thương tích 02%; tổng giá trị tài sản của Lâm Thị B do Ngô N hủy hoại là 11.695.900 đ ồng.

Do đó, có đủ cơ sở để kết luận Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang truy tố bị cáo Ngô N về tội “Giết người, Cố ý gây thương tích và Hủy hoại tài sản” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123, khoản 1 Điều 134 và khoản 1 Điều 178 Bộ luật Hình sự; các bị cáo Đặng V, Huỳnh H về tội “Giết người” theo quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là đúng người, đúng tội, đúng quy định của pháp luật.

Tại phiên tòa, bị hại Lâm Thị B đã tự nguyện rút yêu cầu khởi tố hình sự đối với bị cáo Ngô N về tội “Cố ý gây thương tích”. Xét thấy, việc rút yêu cầu của bị hại Ba là hoàn toàn tự nguyện và phù hợp với quy định pháp luật nên HĐXX căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự đình chỉ xét xử tội “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Ngô N.

[3] Xét tính chất mức độ thực hiện hành vi phạm tội của các bị cáo: Trong vụ án này, giữa các bị cáo và bị hại không hề có mâu t huẫn gì lớn trước đó. Bị cáo N sau khi đi nhậu về, nghe loáng thoáng cuộc nói chuyện giữa mẹ và chị gái mình về việc Cô Thị H (vợ sau của ông O – cha bị cáo N) nói xấu gia đình mình nên bị cáo đã tự đi tìm bà H để giải quyết sự việc. Mục đích của bị cáo là đi tìm bà H để giải quyết sự việc nhưng khi chạy tới nhà không tìm được bà H thì bị cáo đập phá tài sản, sau đó khi được bị hại U gọi điện để xuống giải quyết việc bị cáo đập phá tài sản (có công an xuống) thì bị cáo lại hiểu là U kêu bị cáo xuống để hai bên tự giải quyết với nhau nên bị cáo đã kêu V gọi điện cho H kêu H mang hai cây dao tự chế theo và lấy xe moto chạy tới chở V và N xuống nhà U. Khi tới nhà U, thấy U đang đứng giữa lộ thì N cầm dao chém từ trên đầu U hai, ba nhát, khi U bỏ chạy trượt té thì N dùng dao chém vào vùng cổ, lưng của U và rượt theo truy sát U vào nhà, tìm không thấy U, N quay vô nhà đập phá cửa kính phòng ngủ và dùng dao chém vào cánh cửa tủ lạnh, sau đó ra sau bếp lấy chảo đập vào đầu bị hại B gây thương tích và đi ra ngoài sân thấy chém vào chiếc xe máy đang đậu trước nhà.

Bản thân các bị cáo nhận thức và biết được, tính mạng, sức khỏe và tài sản của công dân là bất khả xâm phạm, là vốn quý, luôn được pháp luật tôn trọng và bảo vệ, mọi hành vi xâm phạm trái phép đều xử lý nghiêm. Lẽ ra, khi bị cáo N nghe chị và mẹ nói lại việc người bên gia đình của hại nói không đúng về chuyện gia đình mình, thì bị cáo bình tĩnh, tìm hiểu rõ thực hư như thế nào, từ đó tìm cách giải quyết cho êm đẹp hoặc nhờ đến người có thẩm quyền can thiệp nhằm tránh những chuyện đáng tiếc có thể xảy ra khi bản thân không kiềm chế được mới phải. Trái lại lẽ đó, với bản tính hung hăng, côn đồ, bị cáo chọn cách giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực, nên đã chủ động rủ thêm đồng bọn là 02 bị cáo H và V mang theo hung khí đến nhà bị hại để đánh nhau rồi dẫn đến hành vi Giết người và gây thương tích cho các bị hại...Chưa dừng lại, bị cáo N còn có hành vi đập phá tài sản trong nhà của bị hại Ba, điều này thể hiện ý thức xem thường pháp luật ở bị cáo rất cao. Trong vụ án này, bị hại U không chết là may mắn và ngoài ý muốn của các bị cáo.

Xét vai trò của các bị cáo thấy rằng, trong vụ án này bị cáo N là người khởi xướng vụ việc, là người chủ mưu, rủ hai bị cáo H và V đi tới nhà bị hại để đánh nhau; hai bị cáo H và V là đồng phạm giúp sức tích cực, khi được bị cáo N rủ đi đánh nhau cũng như mang theo dao tự chế để làm hung khí thì tất cả đều thống nhất ý chí, bị cáo H mặc dù không trực tiếp dùng dao chém bị hại U nhưng bị cáo là người trực tiếp mang theo hai cây dao tự chế, dùng xe mô tô đến chở N và V đi gây án, khi đến nơi H dùng tay đấm vào mặt bị hại U một cái, còn bị cáo V dùng dao tự chế chém vào tay của bị hại U...thể hiện sự hung hăng côn đồ ở các bị cáo.

Hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người khác một cách trái pháp luật, làm tổn hại lớn về sức khỏe cũng như về mặt tinh thần cho những người bị hại, đã gây nên căm phẫn bất bình trong dư luận quần chúng nhân nhân và gây mất trật tự trị an tại địa phương. Vì vậy, đứng trước phiên tòa hôm nay, các bị cáo phải chịu trách nhiệm về hành vi đã gây nên, Hội đồng xét xử nghĩ cần tuyên cho các bị cáo mức án nghiêm, mới tương xứng với tính chất hậu quả hành vi của các bị cáo đã gây ra. Trong vụ án này, bị cáo N cùng lúc phạm nhiều tội, do đó cần phải tuyên cho bị cáo N mức án nghiêm và cao hơn 02 bị cáo V, H mức án của 02 bị cáo V và H là ngang nhau nhằm mục đích cải tạo, giáo dục lại các bị cáo để trở thành những người công dân tốt, sống có ích cho gia đình và xã hội cũng như có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.

[4] Xét về tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

- Về tình tiết tăng nặng: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

- Về tình tiết giảm nhẹ: Trong suốt quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo đã tỏ thái độ thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải, thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Bị cáo N sau khi phạm tội đã ra đầu thú, tác động tích cực gia đình khắc phục bồi thường chi phí điều trị cho bị hại U và khắc phục toàn bộ chi phí điều trị thương tích và sửa chữa tài sản cho bị hại B. Tại phiên tòa, hai bị cáo H, V và bị hại U đã tự thỏa thuận cấn trừ tiền bồi thường cho nhau, coi như hai bên đã bồi thường xong. Trước khi phạm tội, bản thân các bị cáo là người có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự; tại phiên tòa, người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Các bị cáo phạm tội chưa đạt. Nên cần áp dụng quy định tại điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự để xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo.

[5] Xét đề nghị của đại diện Viện kiểm sát về việc đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội và đề nghị áp dụng các tình tiết giảm nhẹ tại điểm b và s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự cho bị cáo Ngô N, áp dụng điểm s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự cho 02 bị cáo H và V là phù hợp nhận định của HĐXX nên chấp nhận. Tuy nhiên, Vị đại diện Viện kiểm sát không đề nghị HĐXX áp dụng điểm b khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự làm tình tiết giảm nhẹ thêm cho hai bị cáo H, V là thiếu sót. Bởi: Tại phiên tòa, bị hại U và hai bị cáo V, H đã tự thỏa thuận về việc bồi thường cho nhau, cụ thể là cấn trừ phần trách nhiệm dân sự mà các bên phải có trách nhiệm bồi thường cho nhau (02 bị cáo V, H đã bồi thường hết số tiền còn lại là 24.390.000 đồng cho bị hại U và ngược lại bị hại U cũng đã bồi thường xong số tiền mà hai bị cáo V và H tiền chi phí điều trị, công lao động, tổn thất tinh thần...mặc dù hành vi của bị hại U chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự nhưng việc gây thương tích của bị hại U cho hai bị cáo thì bị hại U phải có trách nhiệm bồi thường); Do đó, HĐXX xét thấy việc tự nguyện thỏa thuận bồi thường như trên giữa các bị cáo và bị hại là phù hợp, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51 BLHS, nghĩ cần áp dụng tình tiết giảm nhẹ này cho hai bị cáo là cần thiết. Cũng như mức án mà Viện kiểm sát đề nghị xử phạt các bị cáo như trên là có phần nghiêm. Mặt khác, tại phiên tòa những người bị hại tha thiết xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo... Vì vậy, HĐXX giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo thấp hơn mức án mà Vị đại diện Viện kiểm sát đã đề nghị cũng đủ nghiêm.

[6] Xét đề nghị của Luật sư bào chữa cho các bị cáo: Luật sư đề nghị áp dụng tình tiết giảm nhẹ tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự làm tình tiết giảm nhẹ cho ba bị cáo và đề nghị HĐXX xử phạt ba bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của Viện kiểm sát là phù hợp nên chấp nhận. Tuy nhiên, Luật sư cho rằng, hai bị cáo V và H là đồng phạm giúp sức thứ yếu trong vụ án, từ đó đề nghị áp dụng khoản 2 Điều 54 Bộ luật hình sự cho hai bị cáo là không phù hợp nên HĐXX không chấp nhận. Bởi, khi được bị cáo N rủ đi xuống nhà bị hại để đánh nhau thì H và V đồng ý, H mang theo hai cây dao tự chế, chạy đến chở bị cáo Năm và V cùng đi, đến nơi V dùng dao tự chế chém vào tay bị hại; do đó hai bị cáo V và H có vai trò đồng phạm giúp sức tích cực chứ không phải đồng phạm thứ yếu như quan điểm của Luật sư nên HĐXX bác đề nghị này của Luật sư là thỏa đáng. Đồng thời, Luật sư còn cho rằng trong vụ án này nguyên nhân có một phần lỗi của người bị hại Lâm Văn U là không đúng. Bởi, Luật sư cho rằng, chính câu nói của bị hại U nói với N khi gặp ở chợ là “Chờ đó” và tới 10 giờ tối U gọi điện kêu N xuống nhà giải quyết công việc mà không nói rõ là có công an xuống giải quyết đã tạo ra sự hiểu lầm cho N, tuy nhiên HĐXX xét thấy đây không phải là tạo ra sự hiểu lầm mà do suy nghĩ chủ quan của bị cáo N, bị cáo tự hiểu là U nói như vậy là xuống để hai bên tự giải quyết, nên quan điểm này của Luật sư là không phù hợp nên không chấp nhận.

[7] Về trách nhiệm dân sự:

+ Tại phiên tòa, bị hại ông Lâm Văn U yêu cầu bị cáo Ngô N phải bồi thường các khoản, gồm:

- Tiền toàn bộ chi phí điều trị = 12.790.000 đồng - Tiền ngày công lao động = 1.600.000 đồng.

- Tiền tổn thất tinh thần = 30.000.000 đồng. Tổng cộng: 44.390.000 đồng.

Tại phiên tòa, các bị cáo thống nhất đồng ý bồi thường tổng số tiền trên trên theo yêu cầu của bị hại Lâm Văn U. Trong quá trình điều tra, gia đình bị cáo Ngô N đã bồi thường trước cho bị hại U số tiền 20.000.000 đồng. Vì vậy, các bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường cho bị hại U số tiền còn lại là 24.390.000 đồng.

+ Đối với bị hại bà Lâm Thị B, trong quá trình điều tra, gia đình các bị cáo đã thỏa thuận bồi thường xong thiệt hại tài sản cho bị hại B, tại phiên tòa bà B không yêu cầu bồi thường gì thêm nên HĐXX không xét.

+ Tại phiên tòa:

Bị cáo Đặng V yêu cầu bị hại Lâm Văn U bồi thường các khoản gồm:

- Tiền chi phí điều trị = 4.455.007 đồng, - Tiền ngày công lao động bị mất thu nhập = 17.600.000 đồng - Tiền tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.

Bị cáo Huỳnh H yêu cầu bị hại Lâm Văn U bồi thường các khoản gồm:

- Tiền chi phí điều trị = 952.637 đồng - Tiền ngày công lao động bị mất thu nhập = 15.400.000 đồng - Tiền tổn thất tinh thần theo quy định pháp luật.

Tại phiên tòa, các bị cáo và bị hại U thỏa thuận khấu trừ số tiền còn lại mà các bị cáo phải bồi thường cho bị hại U và số tiền mà hai bị cáo V và H yêu cầu bị hại U phải bồi thường, xem như hai bên đã bồi thường xong, không yêu cầu gì thêm. HĐXX xét thấy đây là sự tự nguyện thỏa thuận bồi thường giữa các bị cáo với người bị hại U là phù hợp nên ghi nhận sự thỏa thuận này, coi như các bị cáo đã bồi thường xong cho bị hại U và bị hại U cũng đã bồi thường xong cho hai bị cáo H và V.

Đối với số tiền ông Ngô O đã bỏ ra để bồi thường thay cho bị cáo Ngô N cho bị hại Lâm Văn U và Lâm Thị B, tại phiên tòa ông O không yêu cầu bị cáo Năm trả lại nên HĐXX không xem xét.

[8] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 BLHS và Điều 106 BLTTHS Đối với các vật chứng, gồm:

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi nhọn. nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 67cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi bầu, - 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán gỗ, mũi bằng.

- 01 cái chảo bằng kim loại màu đen (loại chảo chống dính), đường kính 29cm, bị gãy phần cán.

- 01 cán chảo màu đen dài 19cm; - 01 áo sơ mi dài tay sọc đỏ - trắng.

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu đỏ (loại dép tổ ông).

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu xanh-đen (loại dép quay kẹp).

- Nhiều sợi lông tóc để trong phong bì;

- 01 mảnh kính có hoa văn.

Xét thấy những vật chứng trên có liên quan đến vụ án và không còn giá trị sử dụng nghĩ cần tuyên tịch thu tiêu hủy là cần thiết.

Theo quyết định chuyển vật chứng số 13/ QĐ-VKS-P2 ngày 20/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang.

Riêng cây dao tự chế mà Ngô N dùng chém Lâm Văn U và cây dao yếm của Lâm Văn U dùng làm hung khí chống trả lại Ngô N lúc ở trong nhà U (theo lời trình bày của N và U) đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang tổ chức truy tìm nhưng không thu hồi được nên không xét.

[9] Về án phí: Căn cứ Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.000đồng (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự: Đình chỉ giải quyết tội “Cố ý gây thương tích” đối với bị cáo Ngô N.

2. Tuyên bố: Bị cáo Ngô N (tên gọi khác: Lộ) phạm các tội “Giết người Hủy hoại tài sản”, theo điểm n khoản 1 Điều 123 và khoản 1 Điều 178 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017; các bị cáo Đặng V Huỳnh H (tên gọi khác: Nhí) đều phạm tội “Giết người”; theo điểm n khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

+ Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123, khoản 1 Điều 178, điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, khoản 3 Điều 57, Điều 58, Điều 55, Điều 17 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Xử phạt:

1/ Bị cáo Ngô N (tên gọi khác: Lộ) – 11 (Mười một) năm tù về tội “Giết người” 09 (Chín) tháng tù về tội “Hủy hoại tài sản”. Tổng hợp hình phạt chung của 02 tội buộc bị cáo Ngô N phải chấp hành là 11 (Mười một) năm 09 (Chín) tháng tù. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 06/4/2019.

+ Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123, điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, khoản 3 Điều 57, Điều 58, Điều 17 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Xử phạt:

2/- Bị cáo Đặng V 08 (Tám) năm tù về tội “Giết người”. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 03/7/2019.

+ Áp dụng: Điểm n khoản 1 Điều 123, điểm b và s khoản 1, khoản 2 Điều 51, khoản 1 Điều 54, khoản 3 Điều 57, Điều 58, Điều 17 và Điều 38 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

* Xử phạt:

3/- Bị cáo Huỳnh H (tên gọi khác: Nhí) – 08 (Tám) năm tù về tội “Giết người”. Thời điểm chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 03/7/2019.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, tuyên tịch thu tiêu hủy các vật chứng, gồm:

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 67cm, cán bọc nhựa màu đen, mũi bầu, nhọn.

- 01 cây dao tự chế bằng kim loại dài 50cm, cán gỗ, mũi bằng.

- 01 cái chảo bằng kim loại màu đen (loại chảo chống dính), đường kính 29cm, bị gãy phần cán.

- 01 cán chảo màu đen dài 19cm;

- 01 áo sơ mi dài tay sọc đỏ - trắng.

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu đỏ (loại dép tổ ông).

- 02 chiếc dép bằng nhựa màu xanh-đen (loại dép quay kẹp).

- Nhiều sợi lông tóc để trong phong bì;

- 01 mảnh kính có hoa văn.

Theo quyết định chuyển vật chứng số 13/QĐ -VKS-P2 ngày 20/4/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang.

4. Về án phí: Căn cứ Điều 135, 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án:

Buộc mỗi bị cáo phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo: Báo cho bị cáo, bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 (Mười lăm) ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm (Ngày 26/6/2020).

Trưng hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự. Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

214
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 30/2020/HS-ST ngày 26/06/2020 về tội cố ý gây thương tích, giết người và hủy hoại tài sản

Số hiệu:30/2020/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/06/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về