TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
BẢN ÁN 30/2020/DS-PT NGÀY 17/02/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN
Trong các ngày 10 và 17 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 384/2019/TLPT-DS ngày 23 tháng 12 năm 2019 về việc “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2019/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 51/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 01 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trương Tấn T, sinh năm 1974;
Địa chỉ: Ấp H, xã T, huyện C, tỉnh Long An.
- Bị đơn:
1. Ông Trần Trung T1, sinh năm 1951;
2. Bà Huỳnh Thị Ngọc A, sinh năm 1953;
Cùng địa chỉ: Ấp 4, xã L, huyện C, tỉnh Long An.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Trần Hồng B, Công ty Luật TNHH Một thành viên P, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Anh Mai Văn T sinh năm 1979;
2. Chị Trần Ngọc Bích T sinh năm 1981;
Cùng địa chỉ: Đường P, Phường X, Quận Y, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Người kháng cáo: Bị đơn ông Trần Trung T1 và bà Huỳnh Thị Ngọc A
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 17 tháng 5 năm 2019 và các lời khai trong quá trình tham gia tố tụng tại Tòa án cấp sơ thẩm, nguyên đơn ông Trương Tấn T cũng như người đại diện hợp pháp của nguyên đơn Nguyễn Anh T trình bày:
Vào năm 2015, ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A có vay của ông Trương Tấn T số tiền là 230.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC, thời hạn vay là 01 năm kể từ ngày 19 tháng 10 năm 2015, không thỏa thuận lãi suất. Số tiền này ông T1, bà A vay dùm cho con gái là Trần Ngọc Bích T và con rể Mai Văn T nên con gái ông T1 có viết giấy tay vay số tiền và có ký tên vào. Sau khi vay, ông T1, bà A có trả được số tiền là 93.000.000 đồng. Đến năm 2017 thì không trả nữa, mặc dù ông T nhiều lần yêu cầu ông T1 bà A trả nợ nhưng ông bà vẫn hứa hẹn mà không trả. Sau này, ông T biết được tài sản ông T1 bị kê biên thi hành án nên ông T đến đòi thì ông T1 có trả được 20.000.000 đồng. Như vậy, tổng cộng ông T, bà A đã trả được số tiền là 113.000.000 đồng. Đối với số tiền 50.000.000 đồng mà ông T1 trả khi giao xe Kia là trả cho bà C (chị của ông T) đối với nợ riêng của bà C nên ông T không đồng ý trừ vào khoản nợ của ông T. Mặc dù ông T1, bà A vay dùm cho anh T, chị T số tiền trên nhưng khi giao tiền thì ông T giao trực tiếp cho ông T1, bà A nên phía nguyên đơn chỉ yêu cầu ông T1, bà A trả số tiền còn nợ lại sau khi trừ số tiền đã trả là 117.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC, không yêu cầu tính lãi quá hạn đến thời điểm xét xử. Tuy nhiên, đối với số tiền 117.000.000 đồng yêu cầu ông T1, bà A trả lãi trong giai đoạn thi hành án theo mức lãi suất quy định của pháp luật.
Bị đơn ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A trình bày:
Vào năm 2010, ông bà có vay số tiền 100.000.000đồng của ông T (tên thường gọi là Thật), nhưng là vay dùm cho con rể là Mai Văn T và con gái Trần Ngọc Bích T, lãi suất thỏa thuận là 10%/tháng. Ông T đưa tiền 02 đợt: đợt 1 là 50.000.000 đồng, đợt 2 là 03 lượng vàng SJC tương đương 50.000.000 đồng, ông T đưa bằng vàng. Khi vay không có lập văn bản, ông bà trả lãi đúng như thỏa thuận đến năm 2013 là khoản 85.000.000 đồng thì gặp khó khăn nên không trả lãi nữa. Tuy nhiên, thời điểm trả lãi thì ông bà chỉ đưa trực tiếp không có lập văn bản xác nhận nên không cung cấp được cho Tòa án. Khi không trả lãi được thì ông T có lấy chiếc xe KIA (1T4) của ông bà để trừ nợ nên ông bà phải thuê xe khác mỗi ngày 1.500.000 đồng trong vòng 06 tháng để làm ăn. Sau 06 tháng thì ông T trả lại xe cho ông bà nhưng yêu cầu phải đưa 50.00.000 đồng (tương đương 02 lượng vàng SJC) nên ông bà đồng ý đưa 50.000.000 đồng cho chị của ông T là bà C và sau khi nhận xe đã sửa chữa hết 5.000.000 đồng. Sau đó, con rể Mai Văn T đã trả góp đến tháng 9 năm 2019 là 93.000.000 đồng và 20.000.000 đồng tại cơ quan Thi hành án Cần Giuộc. Nếu số tiền 50.000.000 đồng mà ông bà đã trả cho bà C, ông T không đồng ý thì ông bà đồng ý trừ vào giấy nợ của bà C.
Như vậy, số tiền ông bà vay của ông T đã trả được 93.000.000 đồng + 85.000.000 đồng + 20.000.000 đồng = 198.000.000 đồng.
Số tiền 50.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC là do vợ chồng ông bà vay của ông T để cho con gái ông bà sử dụng nên ông bà đồng ý trả là 50.000.000 đồng + 108.000.000 đồng (tương đương 03 lượng vàng SJC) = 158.000.000 đồng – 93.000.000 đồng – 20.000.000 đồng = 45.000.000 đồng. Con gái ông bà sẽ hỗ trợ trả số tiền trên. Tại phiên tòa sơ thẩm, ông T1 bà A đồng ý trả cho ông T số tiền là 230.000.000 đồng – 198.000.000 đồng = 32.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC nhưng yêu cầu trả góp hàng tháng.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Mai Văn T trình bày:
Anh thống nhất với trình bày của ông T1, bà A về việc vay tiền của ông T năm 2010. Giấy vay tiền mà ông T cung cấp là do vợ anh viết vào lúc ông T kêu người đến bao vây đe dọa xưởng làm của anh. Do tình thế bị ép buộc nên vợ anh mới ghi số tiền 230.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC. Chứ thực tế chỉ có vay 100.000.000 đồng theo lời trình bày của bà A. Hiện nay, anh vẫn trả góp cho ông T mỗi tháng là 2.000.000 đồng, đưa cho mẹ ông T nhận. Số tiền anh góp được là 93.000.000 đồng.
Nay ông T khởi kiện thì anh chị sẽ hỗ trợ trả số tiền còn lại là 32.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC. Do từ khi vay đến nay vợ chồng anh đã trả tiền lãi rất nhiều rồi nên không đồng ý trả lãi nữa.
Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Trần Ngọc Bích T trình bày:
Khoảng năm 2010, vợ chồng chị làm ăn có vay của ông Trương Tấn T số tiền là 50.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC. Sau đó, vợ chồng chị có đóng tiền lãi 10% mỗi tháng, khi đóng lãi không có làm giấy tờ và không nhớ số tiền đã đóng được là bao nhiêu. Sau đó, không có khả năng trả lãi thì cha mẹ chị có trả cho ông T một thời gian được khoảng 85.000.000 đồng thì ngưng trả. Đến năm 2013, ông T mới yêu cầu chị viết giấy vay tiền thừa nhận số tiền 230.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC.
Giấy vay tiền viết dưới tiêu đề là giấy mượn tiền ngày 19 tháng 10 năm 2015 là do chị viết và ký tên nhưng thời điểm chị viết là năm 2013 chứ không phải là năm 2015, chị cho rằng có sự chỉnh sửa năm. Nay ông T khởi kiện thì anh chị sẽ hỗ trợ trả số tiền còn lại là 45.000.000 đồng. Do từ khi vay đến nay chị đã trả tiền lãi rất nhiều rồi nên không đồng ý trả lãi nữa, số tiền 230.000.000 đồng chỉ có 50.000.000 đồng tiền vốn, còn lại 180.000.000 đồng tiền lãi. Chị T đồng ý hỗ trợ cha mẹ trả số tiền là 32.000.000 đồng và 03 lượng vàng SJC. Hiện nay, vợ chồng chị vẫn trả góp cho mẹ của ông T nên đề nghị vẫn trả góp. Đối với số tiền 93.000.000 đồng đã trả góp thì ngày 04 tháng 11 năm 2019 chị có cung cấp nội dung ghi âm với mẹ ông T về việc vợ chồng chị đã trả số tiền 93.000.000 đồng.
Vụ án được Tòa án cấp sơ thẩm tiến hành hòa giải nhưng các đương sự không thỏa thuận được với nhau.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2019/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc đã căn cứ vào khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 91 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 463, 466 Bộ luật Dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án đã tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trương Tấn T yêu cầu ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A có trách nhiệm trả lại tiền vốn vay và vàng còn nợ.
2. Buộc ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A trả cho ông Trương Tấn T số tiền là 117.000.000 đồng và 03 (ba) lượng vàng SJC.
3. Kể từ ngày 06 tháng 11 năm 2019 cho đến khi thi hành án xong khoản tiền 117.000.000 đồng nêu trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015 tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
4. Án phí dân sự sơ thẩm: Ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A thuộc trường hợp được miễn án phí. Hoàn lại cho ông Trương Tấn T tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.825.000 đồng theo biên lai thu số 3456 ngày 13/6/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo, quyền và nghĩa vụ thi hành án của các đương sự.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19 tháng 11 năm 2019 các bị đơn ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A làm đơn kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy toàn bộ bản án sơ thẩm với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự không thỏa thuận được với nhau, nguyên đơn ông Trương Tấn T vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, trình bày cho rằng số tiền 230.000.000đồng và 03 lượng vàng SJC ông T cho ông T1 và Ánh vay không cho anh T chị T vay, do ông T1 bà A vay dùm cho anh T chị T nên đưa giấy nợ cho anh T chị T ký vào từ trước, ngày tháng năm trong giấy nợ do bà A ghi từ trước, việc có sửa ngày tháng trong giấy nợ hay không ông T không biết, chỉ xác định thời điểm cho vay là vào năm 2015. Lúc giao nhận tiền không có mặt của anh T và chị T. Đến khi không còn khả năng trả thì chị T có góp thay bà A ông T1 số tiền 93.000.000đồng, người trực tiếp nhận số tiền này là bà Trần Thủy T mẹ ruột của ông T, ông T có nhận của bà A số tiền 50.000.000đồng nhưng ông T chỉ nhận dùm cho bà C do bà A ông T1 nợ bà C, tuy nhiên hiện nay ông T không còn liên hệ với bà C, không cung cấp được địa chỉ của bà C nên không thể mời bà C đến Tòa án, ngoài khoản nợ này giữa ông T và ông T1 bà A không có giao dịch bất kỳ khoản nợ nào khác. Bị đơn ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, trình bày cho rằng số nợ này thực chất chuyển từ khoản nợ 50.000.000đồng và 03 lượng vàng từ năm 2010 nhưng bà A không có giấy tờ thể hiện, số tiền này bà A vay dùm cho con gái và con rễ là chị T và anh T, đã trả lãi rất nhiều nhưng không có giấy tờ ký nhận cũng không có người làm chứng, đối với số tiền 50.000.000đồng trả khi nhận lại xe Kia, bà A giao trực tiếp cho ông T do ông T lấy xe của bà A ông T1, số tiền này là trả vào khoản nợ của ông T, bà A chỉ biết bà C do ông T dẫn bà C đến, nhưng không biết bà C là ai, không trả cho khoản nợ của bà C. Chị T và anh T trình bày cho rằng số tiền nợ 230.000.000đồng và 03 lượng vàng là do chị T và anh T vay, việc ký tên vào giấy nợ là do bị ông T ép buộc. Sau khi viết giấy nợ chị T có góp trả cho ông T số tiền 93.000.000đồng, được thể hiện trong sổ ghi chú của các hai bên và trong đĩa ghi âm mà chị T nộp tại Tòa án cấp sơ thẩm.
Luật sư Trần Hồng B phát biểu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ vụ án về Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án vì các lý do sau đây.
Thứ nhất, nguyên đơn khởi kiện đưa ra chứng cứ chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là giấy mượn nợ ngày 19 tháng 10 năm 2015, tuy nhiên trong giấy nợ này người đứng ra vay tiền là anh Mai Văn T và chị Trần Ngọc Bích T, sau đó chính anh T chị T là người góp tiền cho ông T, như vậy nghĩa vụ trả nợ thuộc về anh T và chị T. Tuy nhiên phía nguyên đơn khởi kiện ông T1 bà A là không đúng đối tượng khởi kiện. Thứ hai, trong đơn khởi kiện ông T trình bày ông T1 bà A đã trả số tiền 85.000.000đồng, còn chị T trình bày đã góp được số tiền 93.000.000đồng, Tòa án cấp sơ thẩm chưa thu thập chứng cứ làm rõ vấn đề này.
Thứ tư, vụ án có liên quan đến bà C là chị của ông T, khi ông T1 bà A có đưa trả số tiền 50.000.000đồng nhưng Tòa án cấp sơ thẩm chưa làm rõ.
Tuy nhiên sau khi Tòa án cấp phúc thẩm tiến hành đối chất giữa các bên thì đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm căn cứ vào kết quả đối chất trừ số tiền ông T1 bà A đã trả cho ông T để buộc ông T1 bà A trả cho ông T số tiền còn lại, sửa bản án sơ thẩm.
Kiểm sát viên Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Long An phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc chấp hành pháp luật tố tụng trong giai đoạn xét xử phúc thẩm cho rằng: Tòa án cấp phúc thẩm và các đương sự chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự. Kháng cáo của phía bị đơn trong thời hạn luật định đủ điều kiện để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
Xét đơn kháng cáo của các bị đơn ông Trần Trung T1 và bà Huỳnh Thị Ngọc A thấy rằng: Căn cứ vào giấy mượn tiền ngày 19/10/2015, đơn khởi kiện ngày 17/5/2019, bản tự khai của ông T và lời trình bày của bị đơn bà A, ông T1, bà T, ông T2 có cơ sở khẳng định ông T1 bà A đứng ra vay tiền ông T dùm cho bà T, ông T2 nhưng số tiền này do ông T1, bà A nhận tiền sau đó chuyển giao lại cho con gái và con rể của mình. Việc này cũng đã được ông T1, bà A thừa nhận nên việc ông T khởi kiện yêu cầu bà A, ông T1 trả tiền là có căn cứ, đúng quy định.
Ông T1, bà A trình bày tại phiên tòa sơ thẩm ông T1, bà A đã trả cho ông T 198.000.000đồng nhưng không có chứng cứ chứng minh. Phía nguyên đơn thừa nhận ông T1, bà A đã trả 93.000.000đồng, đây là tình tiết không phải chứng minh.
Ngoài ra, ông T1 bà A còn kháng cáo yêu cầu xem xét lại số tiền 50.000.000đồng đã đưa cho ông T để lấy lại xe Kia (1T4), ông T1 bà A trình bày không biết bà C là ai, không đưa số tiền này cho bà C. Tại phiên tòa phúc thẩm ông T xác định số tiền 50.000.000đồng này do ông nhận, ông T cũng không thể mời bà C đến để đối chất. Do đó, đề nghị Tòa án cấn trừ số tiền 50.000.000đồng ông T đã nhận vào số tiền ông T1 bà A nợ ông T. Kháng cáo của bị đơn có cơ sở chấp nhận một phần, đề nghị Hội đồng xét xử sửa bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Đơn kháng cáo của các bị đơn ông Trần Trung T1 bà Huỳnh Thị Ngọc A được làm đúng theo quy định tại Điều 272 và được gửi đến Tòa án trong thời hạn quy định tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng Dân sự nên được chấp nhận để xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Ông Trương Tấn T khởi kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản mà đối tượng là số tiền và vàng đối với các bị đơn là ông Trần Trung T1 và bà Huỳnh Thị Ngọc A. Trong đơn khởi kiện và trong biên bản hòa giải ngày 25 tháng 9 năm 2019, ông T yêu cầu ông T1 bà A trả số tiền 233.000.000đồng trong đó gồm 125.000.000đồng tiền vay và 108.000.000đồng tương đương với 3 lượng vàng SJC. Tại phiên tòa sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của nguyên đơn yêu cầu ông T1 bà A trả số tiền 117.000.000đồng và 03 lượng vàng SJC. Ông T1 bà A chỉ thừa nhận vay số tiền 100.000.000đồng dùm cho con gái và con rể nhưng đã trả được 198.000.000đồng, chỉ còn nợ lại 32.000.000đồng và 03 lượng vàng SJC. Tòa án cấp sơ thẩm đã buộc ông T1 bà A trả số tiền 117.000.000đồng cùng 03 lượng vàng SJC nên ông T1 bà A đã kháng cáo.
[3] Xét yêu cầu kháng cáo của các bị đơn thấy rằng:
[3.1] Về số tiền vay: Trong giấy tay ngày 19 tháng 10 năm 2015, số tiền vay được xác định là 230.000.000đồng và 03 lượng vàng SJC, ông T1 bà A cho rằng chỉ vay 50.000.000đồng và 03 lượng vàng SJC tương đương 50.000.000đồng vào năm 2010 nhưng không đưa ra bất cứ chứng cứ nào chứng minh cho lời trình bày của mình. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà A có xuất trình một giấy tay photocopty ghi ngày 29 tháng 8 năm 2010 với tiêu đề “Giấy bán đất” nhưng được xác lập giữa ông Trần Trung T1 và bà Lâm Thị Minh Châu không thể hiện có sự liên quan đến số nợ tranh chấp giữa các bên nên không chấp nhận trình bày của phía bị đơn. Ông T1 bà A, anh T chị T thừa nhận ký tên vào giấy nợ nhưng cho rằng bị ép buộc, trình bày có nhiều mâu thuẫn nhau, tại phiên tòa phúc thẩm, những người này trình bày cho rằng ông T khống chế buộc anh T chị T ký tên vào sau đó đưa cho bà A ông T1 đề nghị bà A ông T1 ký tên vào, trong khi đó tại giai đoạn xét xử sơ thẩm và trong bản tự khai ngày 20 tháng 9 năm 2019 (BL 36) thì chị T và anh T trình bày người trực tiếp yêu cầu anh T chị T ký tên vào giấy nợ là ông T1 và bà A và tất cả cùng đồng ý với số nợ trong giấy nợ. Chính vì vậy không có cơ sở xác định việc ký tên vào giấy nợ là có sự ép buộc nên chấp nhận trình bày của nguyên đơn về số nợ được xác định trong giấy nợ.
[3.2] Về mức lãi suất thỏa thuận: Các đương sự trình bày có khác nhau về khoản tiền lãi, ông T không xác định mức lãi suất thỏa thuận, tuy nhiên tại phiên tòa sơ thẩm người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày cho rằng việc vay không có lãi, ông T đồng ý trừ khoản tiền bà A ông T1 đã trả vào số tiền đã vay nên xác định trình bày của phía nguyên đơn là vay không lãi, trong khi đó phía bà A cũng như chị T trình bày việc vay nợ có thỏa thuận lãi là 10%/tháng nhưng không được thể hiện trong giấy tay vay nợ, vì vậy cần chấp nhận lời trình bày của nguyên đơn là việc vay số tiền 230.000.000đồng và 3 lượng vàng SJC là không có lãi là có lợi cho phía bị đơn.
[3.3] Về số tiền đã trả: Ông T1 bà A trình bày đã trả cho ông T rất nhiều tiền lãi nhưng không xác định được bao nhiêu cũng không có chứng cứ chứng minh nên không có căn cứ để xác định số tiền bà A đã trả. Các bên trình bày thống nhất, chị T đã góp được cho ông T do bà Trần Thủy T nhận là 93.000.000đồng, được thể hiện trong sổ ghi nợ của bà Thủy T và sổ ghi nợ của chị T cùng đoạn ghi âm được các bên thừa nhận. Tòa án cấp sơ thẩm không đưa bà Thủy T vào tham gia tố tụng là có thiếu sót, tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, bà Thủy T có mặt trình bày thống nhất với trình bày của chị T được ông T thừa nhận số tiền này nên không cần phải hủy bản án để đưa bà Thủy T vào tham gia tố tụng, ngoài ra bà A ông T1 còn trả được cho ông T 20.000.000đồng, tổng cộng là 113.000.000đồng. Đối với số tiền 50.000.000đồng bà A giao trả, ông T cho rằng đã nhận dùm bà C do bà A trả cho bà C, nhưng ông T không xác định được khoản nợ nào của bà C, trong khi đó bà A ông T1 không thừa nhận biết bà C, không có căn cứ nào cho thấy ông T nhận tiền dùm bà C, ngoài ra giữa ông T và bà A không có mối quan hệ vay tiền nào khác, ông T không cung cấp địa chỉ của bà C nên cần phải chấp nhận lời trình bày của bà A ông T1 đã trả số tiền 50.000.000đồng cho khoản nợ 230.000.000đồng. Như vậy tổng số tiền đã trả là 163.000.000đồng, còn lại số tiền 67.000.000đồng và 03 lượng vàng. Do đó cũng không cần phải hủy bản án về Tòa án cấp sơ thẩm để đưa bà C vào tham gia tố tụng, do ông T không cung cấp địa chỉ của bà C cũng không có chứng cứ xác nhận có số nợ nào giữa bà A và bà C.
[3.4] Về trách nhiệm trả nợ: Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phía ông T1 bà A cho rằng ông T khởi kiện yêu cầu bà A trả nợ trong khi người ký tên vào giấy nợ là anh T chị T là không đúng đối tượng khởi kiện, trong khi đó ông T1 bà A trình bày ông T1 bà A là người đứng ra vay tiền dùm anh T và chị T, ông T1 bà A đồng ý trả nợ chỉ không đồng ý với số nợ do ông T đưa ra, vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm buộc trách nhiệm trả nợ của ông T1 bà A là có căn cứ.
[4] Từ những nhận định trên có cơ sở chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông T1 bà A, sửa một phần bản án sơ thẩm.
[5] Về án phí: Ông T1 bà A phải chịu án phí trên số tiền trả cho ông T, nhưng là đối tượng được miễn án phí theo Điều 2 Luật Người cao tuổi, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án. Ông T phải chịu án phí đối với số tiền bị bác yêu cầu là 50.000.000đồng.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;
Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của các bị đơn ông Trần Trung T1 bà Huỳnh Thị Ngọc A.
Sửa một phần Bản án dân sự sơ thẩm số 95/2019/DS-ST ngày 05 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cần Giuộc.
Căn cứ vào Điều 26; Điều 37, Điều 39 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015; Điều 471, 474, 476 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 357, 468 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 2 Luật Người cao tuổi; Điều 12, 14, 27, 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trương Tấn T yêu cầu ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A có trách nhiệm trả lại tiền vốn vay và vàng còn nợ.
Buộc ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A liên đới trả cho ông Trương Tấn T số tiền là 67.000.000 đồng và 03 (ba) lượng vàng SJC.
Khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) bên có nghĩa vụ chưa thi hành xong số tiền trên thì còn phải trả cho bên được thi hành án khoản tiền lãi suất theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS năm 2015 tương ứng với số tiền và thời gian chưa thi hành, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.
Bác yêu cầu của ông T yêu cầu ông T1 bà A trả số tiền 50.000.000đồng.
Về án phí: Ông Trần Trung T1, bà Huỳnh Thị Ngọc A không phải chịu án phí.
Ông Trương Tấn T phải chịu 2.500.000đồng án phí phần bị bác yêu cầu nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 5.825.000 đồng theo biên lai thu số 3456 ngày 13-6-2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Long An, ông T được hoàn trả lại 3.325.000đồng.
Trong trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 30/2020/DS-PT ngày 17/02/2020 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản
Số hiệu: | 30/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Long An |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 17/02/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về