TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 30/2019/HS-PT NGÀY 17/04/2019 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN
Ngày 17 tháng 4 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 17/2019/HSPT ngày 13 tháng 02 năm 2019 đối với bị cáo Nguyễn Vương Quốc T và đồng phạm. Do có kháng cáo của các bị cáo đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HS-ST ngày 20/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
- Các bị cáo có kháng cáo:
1. Họ và tên: Nguyễn Vương Quốc T, sinh năm 1989 tại Thành phố Hồ Chí Minh; Nơi cư trú: Tổ 01, ấp 6, xã T H, huyện H Q, tỉnh B P; nghề nghiệp Nhân viên tiếp thị; trình độ văn hóa 12/12; dân tộc Kinh; tôn giáo không; quốc tịch Việt Nam; con ông Nguyễn Tấn H và bà Vương Thị Thu T; bị cáo có vợ là chị Nguyễn Thị Hồng Đ và có 01 con sinh năm 2015; tiền án, tiền sự không; bị cáo được tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
2. Họ và tên: Nguyễn Thị Huệ N, sinh năm 1991 tại Vĩnh Long; Nơi cư trú: Tổ 02, ấp 8, xã T H, huyện H Q, tỉnh B P; nghề nghiệp Nhân viên Ngân hàng; trình độ văn hóa 12/12; dân tộc Kinh; tôn giáo Không; quốc tịch Việt Nam; con ông Nguyễn Văn Bé H (đã chết) và bà Trịnh Thị Hoàng C; bị cáo chưa có chồng con; tiền án, tiền sự không; bị cáo được tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
- Ngoài ra, còn có bị hại, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng không có kháng cáo và không bị kháng cáo, kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Trung tâm bảo trợ xã hội Tân Hiệp là cơ sở xã hội trực thuộc Sở lao động- Thương binh và Xã hội thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Trung Tâm) là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được cấp kinh phí hoạt động từ Ngân sách nhà nước và mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước theo qui định. Có chức năng thực hiện công tác bảo trợ xã hội cho các đối tượng lang thang, vô gia cư sống trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.
Để tiện cho việc quản lý và điều hành các trại viên, Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp có ban hành Quy chế in, quản lý và sử dụng tiền phiếu do trung tâm phát hành có đóng dấu của Trung tâm và chữ ký của Giám đốc hoặc phó giám đốc. Loại tiền phiếu này chỉ để cho các trại viên sử dụng mua bán, trao đổi ở căn tin của trung tâm và giữa các trại viên với nhau.
Năm 2013 Nguyễn Thị Huệ N được tuyển dụng vào làm việc tại Trung tâm bộ phận hồ sơ và phát tiền lương (là tiền phiếu do Trung tâm phát hành) cho các trại viên.
Năm 2015 Nguyễn Vương Quốc T được tuyển dụng vào Trung tâm bộ phận bảo vệ và giáo dục dạy nghề. Do làm trong Trung tâm nên N và T biết được thủ tục cần thiết để được hồi gia. Khi trại viên được hồi gia nếu có tiền phiếu do Trung tâm phát hành sẽ được đổi thành tiền thật theo giá trị trên tiền phiếu. Do muốn có tiền tiêu xài nên T đã bàn với N làm tiền phiếu giả sau đó liên hệ với trại viên nào muốn hồi gia, T sẽ lo thủ tục xác nhận nơi cư trú người thân của trại viên sau khi được hồi gia trại viên phải trả tiền bồi dưỡng cho T đồng thời T và N đưa tiền phiếu vào cho trại viên để khi được hồi gia đổi lấy tiền thật sau đó giao cho T và N.
Từ tháng 10/2016 T chuẩn bị 01 máy vi tính, 01 máy in, đặt mua trên mạng 01 con dấu giả của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp, mua 01 con dấu số sêri 06 số. T đã dùng máy vi tính để tạo ra loại phiếu giống như phiếu có mệnh giá 50.000đ của trung tâm sau đó in ra giấy A4 và cắt thành từng phiếu, đóng dấu sêri lên từng phiếu và giao cho N ký giả chữ ký của ông Nguyễn văn N phó giám đốc trung tâm và đóng dấu giả lên phiếu rồi đem ra tiệm photo để ép nhựa.
Lầm thứ nhất T và N làm giả tiền phiếu số lượng 750 tờ, lần thứ 2 làm 700 tờ và lần thứ 3 làm 1.200 tờ mệnh giá 50.000đ.
Cuối tháng 9/2016 T gặp trại viên Văn Tuấn V (tên gọi khác là Nguyễn Văn D) đặt vấn đề với V là T sẽ lo hồ sơ cho V được hồi gia với giá là 15.000.000đ V đồng ý nhưng nói không đủ tiền nên T đã đưa tiền phiếu giả cho V. T có hẹn với anh Cao Văn H là là cán bộ quản lý giáo dục dạy nghề của trung tâm ra quán cà phê Ánh Trăng tại xã Tân Hiệp nhờ anh H đưa 150 tờ tiền phiếu giả mệnh giá 50.000đ cho trại viên V với lý do hôm trước trại viên V có đưa cho N 150 tờ tiều phiếu nhưng do không có cán bộ quản lý của trại viên V đi cùng nên chưa lập thủ tục ký gửi được, vì sợ trại viên V được hồi gia không có tiền phiếu đổi tiền thật nên anh H đã nhận số tiền phiếu giao cho trại viên V.
Sau đó T liên lạc với anh Nguyễn Văn D là người nhà của trại viên Huỳnh Văn T đặt vấn đề sẽ lo làm thủ tục hồi gia cho T với số tiền 10.000.000đ anh Dũng đồng ý nhưng nói chưa có tiền. T lại tiếp tục nhờ anh H đem 200 tờ tiền phiếu giả để đưa cho trại viên T. T hứa sẽ trả công cho anh H mỗi lần 5.000.000đ. Cũng trong thời gian này, N liền gặp trại viên Lưu Thị Bích Tđặt vấn đề sẽ giúp cho hồi gia nếu được thì T trả công cho N 20.000.000đ. T đồng ý nhưng nói chưa có tiền nên N đã đưa cho T 400 tờ tiền phiếu giả mệnh giá 50.000đ cho T khi nào được giải quyết hồi gia, T đổi số tiền phiếu giả ra tiền thật và trả cho N. T đồng ý.
Để làm được hồ sơ hồi gia cho T và T, T đã mua 01 con dấu giả của Công an phường 8, quận 4, thành phố Hồ Chì Minh giá 3.500.000đ sau đó N lấy thông tin của trại viên T và T in mẫu phiếu trả lời xác minh của trung tâm, N ghi nội dung xác minh của Cảnh sát khu vực vào phiếu trả lời xác minh của trại viên T, T, T tự ký giả tên, đóng dấu tên của trung tá Vũ Minh Hợi – phó trưởng Công an phường 8 và đóng dấu giả Công phường 8 vào phiếu xác minh và đem ra bưu điện quận 10 chuyển phát nhanh cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp. Số tiền phiếu giả mà T đưa cho V 150 tờ đổi được 7.500.000đ, số tiền phiếu giả đưa cho T 200 tờ đổi được 8.000.000đ, số tiền phiếu giả N đưa cho T 400 tờ đổi được 12.000.000đ.
Ngoài ra, T còn đưa cho trại viên Phạm Hồng TH 02 lần tổng cộng 700 tờ tiền phiếu mệnh giá 50.000đ và nhờ trại viên TH đem vào đổi cho các trại viên khác theo tỉ lệ 100.000đ tiền phiếu lấy 50.000đ tiền thật. Đầu năm 2017 T tiếp tục làm giả 800 tờ tiền phiếu mệnh giá 20.000đ đưa cho trại viên TH để đổi theo cách thức như lần trước. TH đã đưa cho T nhiều lần được 6.000.000đ.
Tháng 4/2017 Trung tâm phát hiện các trại viên có sử dụng tiền phiếu giả trong trung tâm nên đã báo Công an điều tra. Quá trình điều tra, T và N đã thừa nhận toàn bộ hành vi làm giả tài liệu con dấu nhằm chiếm đoạt tài sản của trung tâm.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HS-ST ngày 20/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản đã Tuyên xử:
[1]. Về tội danh: Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T và Nguyễn Thị Huệ N phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Làm giả con dấu,tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
[2]. Về điều luật áp dụng và hình phạt: Áp dụng khoản 1 Điều 139, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, điểm g, i khoản
1 điều 48, các điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Vương Quốc T 01 (một) năm tù.
Áp dụng khoản 1 Điều 139 , điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, điểm g,i khoản 1 điều 48, các điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Huệ N 06 (sáu) tháng tù.
Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, điểm p khoản 1, 2 Điều 46, các điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Vương Quốc T 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Huệ N 02 (hai) năm tù.
Áp dụng Điều 50 bộ luật hình sự tổng hợp hình phạt: bị cáo Nguyễn Vương Quốc T chấp hành hình phạt chung là 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian tính tù từ ngày bắt thi hành án.
Bị cáo Nguyễn Thị Huệ N chấp hành hình phạt chung là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời gian tính tù từ ngày bắt thi hành án.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về phần trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.
Ngày 04/01/2019, các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T, Nguyễn Thị Huệ N có đơn kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt.
Tại phiên tòa, các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T, Nguyễn Thị Huệ N thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã xét xử, các bị cáo giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của mình và xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho các bị cáo;
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu: Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo thừa nhận đối với tội danh án sơ thẩm đã tuyên và chỉ xin giảm nhẹ hình phạt, hai bị cáo cung cấp thêm phiếu thu để chứng minh việc bồi thường khắc phục hậu quả của mình. Tuy nhiên, tình tiết này đã được cấp sơ thẩm xem xét theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đối với hai bị cáo với tội danh và khung hình phạt nêu trên là phù hợp nên không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của hai bị cáo giữ y án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T, Nguyễn Thị Huệ N khai nhận hành vi phạm tội như bản án sơ thẩm đã nhận định. Lời khai nhận của các bị cáo T, N là thống nhất với nhau, phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về thời gian, địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, đồng thời phù hợp với vật chứng của vụ án, những tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập có tại hồ sơ vụ án và được xét hỏi công khai tại phiên tòa. Như vậy, Hội đồng xét xử có đủ cơ sở để kết luận: Do muốn có tiền tiêu xài nên vào khoảng thời gian tháng 10 năm 2016 các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T và Nguyễn Thị Huệ N đã làm giả 02 phiếu trả lời xác minh có nơi tạm trú của Công an phường 7, quận Gò Vấp và làm giả 02 phiếu trả lời xác minh có nơi tạm trú của Công an phường 8, quận 4, thành phố Hồ Chí Minh gửi về cho trại viên tại Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp để được hồi gia sau đó lấy tiền công, do trại viên không đủ tiền thì T và N lấy tiền phiếu giả do T và N làm bằng cách thức bị cáo T đặt mua trên mạng con dấu và sử dụng vào việc đóng lên các loại tiền phiếu do chính bản thân bị cáo tạo ra, sau đó in số sêri lên và N thực hiện việc ký giả tên của phó Giám đốc trung tâm vào tiền phiếu rồi đem ép nhựa với mục đích lấy tiền của Trung tâm đưa cho các trại viên được hồi gia đổi tiền phiếu giả lấy tiền thật sau đó trại viên được hồi gia trả công cho các bị cáo với cách thức như trên các bị cáo đã nhiều lần làm giả ra 2650 tờ tiền phiếu mệnh giá 50.000đ và 700 tờ tiền phiếu mệnh giá 20.000đ và chiếm đoạt của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp số tiền 33.500.000đ và thu lợi bất chính số tiền 10.500.000đ của các trại viên Nguyễn Văn T và Văn Tuấn V từ việc làm phiếu trả lời xác minh.
Hành vi mà các bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của nhà nước và trật tự, uy tín của cơ quan Nhà nước trong lĩnh vực quản lý hành chính Nhà nước về con dấu, tài liệu là những khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ, ngoài ra còn gây mất trật tự trị an tại địa phương. Khi thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo là người đã trưởng thành, có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật nhưng các bị cáo vẫn cố tình thực hiện. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên bố các bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật hình sự và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức” theo điểm b khoản 2 Điều 267 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Đối với hành vi của Cao Văn H tại cấp sơ thẩm chỉ thừa nhận có chuyển 150 tờ mệnh giá 50.000đ từ bị cáo Nguyễn Vương Quốc T cho trại viên Văn Tuấn V, nhưng bị cáo T và người làm chứng Nguyễn Văn T khẳng định anh H có chuyển 200 tờ tiến phiếu mệnh giá 50.000đ cho T, ngoài ra T còn khai đã trả công cho anh H 5.000.000đ và 400 tờ tiền phiếu mệnh giá 50.000đ. Đối với hành vi của Phạm Hồng TH nhận số tiền phiếu giả của bị cáo T mục đích để đổi tiền thật cho các Trại viên theo tỷ lệ 2 – 1 (100.000đ tiền phiếu đổi lấy 50.000đ tiền mặt). Bản thân TH biết rõ quy định trong trung tâm nhưng TH đã nhiều lần đổi phiếu tiền giả cho các Trại viên khác trong Trung tâm Tân Hiệp đưa cho bị cáo T nhiều lần tổng cộng 6.000.000 đồng. Hành vi của H, TH thực hiện có dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho T và N đối với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Mặc dù, Viện kiểm sát đã nhiều lần trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra; Tòa án cấp sơ thẩm đã nhiều lần trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ vai trò của H và TH nhưng Cơ quan điều tra không chứng minh cũng như không làm rõ được vai trò của H, TH trong vụ án. Vì vậy, Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết.
[2]. Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy:
Đây là vụ án mang tính chất đồng phạm giản đơn, cả hai bị cáo T, N đều chung mục đích thực hiện tội phạm là cùng trực tiếp tham gia vào quá trình làm giả Phiếu trả lời xác minh xác nhận tạm trú cho trại viên, làm giả con dấu của Công an phường 8, quận 4, TP. HCM và làm giả tiền phiếu nhằm chiếm đoạt tiền của Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp. Như vậy, trong thời gian từ tháng 09 năm 2016 đến tháng 4 năm 2017 các bị cáo T, N đã nhiều lần thực hiện hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và xâm hại đến tài sản của nhà nước nên phải chịu các tình tiết tăng nặng “phạm tội nhiều lần” và “xâm phạm tài sản của nhà nước” được quy định tại các điểm g, i khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009 là phù hợp, đúng quy định của pháp luật.
[3]. Xét kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Các bị cáo T, N là người có nhân thân tốt; chưa có tiền án, tiền sự; quá trình điều tra, xét xử các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; các bị cáo đã chủ động nộp 7.000.000đ để khắc phục một phần hậu quả cho Trung Tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp và được đại diện theo ủy quyền của bị hại có yêu cầu xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, được sửa đổi, bổ sung năm 2009. Tại phiên tòa phúc thẩm hai bị cáo cung cấp thêm chứng cứ đã bồi thường khắc phục thêm cho Trung tâm Bảo trợ xã hội Tân Hiệp 15 triệu đồng, tuy nhiên tình tiết này đã được cấp sơ thẩm xem xét. Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự để xử phạt các bị cáo T mức án tổng hợp hình phạt cả hai tội danh là 03 năm 06 tháng tù, bị cáo N mức án tổng hợp hình phạt cả hai tội danh là 02 năm 06 tháng tù là phù hợp, không nặng tương xứng với hành vi phạm tội của các bị cáo; do vậy kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo không được chấp nhận.
Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.
Án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được được chấp nhận nên các bị cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; Không chấp nhận kháng cáo xin được giảm nhẹ hình phạt của các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T, Nguyễn Thị Huệ N;
Giữ nguyên Bản án hình sự sơ thẩm số 02/2018/HS-ST ngày 20/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước.
Tuyên bố các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T, Nguyễn Thị Huệ N phạm tội: “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Áp dụng khoản 1 Điều 139, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, điểm g, i khoản 1 Điều 48, các Điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Vương Quốc T 01 (một) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, điểm p khoản 1, 2 Điều 46, các Điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Vương Quốc T 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”
- Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt của cả 02 tội danh, buộc bị cáo Nguyễn Vương Quốc T phải chấp hành hình phạt chung là 03 (ba) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.
- Áp dụng khoản 1 Điều 139, điểm b, p khoản 1, 2 Điều 46, điểm g, i khoản 1 Điều 48, các điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Huệ N 06 (sáu) tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
- Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 267, điểm p khoản 1, 2 Điều 46, các Điều 20, 53, 33 của Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009: Xử phạt bị cáo Nguyễn Thị Huệ N 02 (hai) năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”
- Áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự, tổng hợp hình phạt của cả 02 tội danh, buộc bị cáo Nguyễn Thị Huệ N phải chấp hành hình phạt chung là 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo đi chấp hành án.
Án phí hình sự phúc thẩm: Các bị cáo Nguyễn Vương Quốc T, Nguyễn Thị Huệ N mỗi bị cáo phải chịu 200.000 đồng.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 30/2019/HS-PT ngày 17/04/2019 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản
Số hiệu: | 30/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 17/04/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về