Bản án 28/2019/HSST ngày 31/07/2019 về tội chống người thi hành công vụ

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MƯỜNG CHÀ, TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 28/2019/HSST NGÀY 31/07/2019 VỀ TỘI CHỐNG NGƯỜI THI HÀNH CÔNG VỤ

Ngày 31 tháng 7 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện MC, tỉnh Điện Biên xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 29/2019/TLST-HS ngày 05 tháng 7 năm 2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử của Tòa án nhân dân huyện MC số: 30/2019/QĐXXST- HS ngày 18 tháng 7 năm 2019 đối với các bị cáo:

1. Sình A B (tên gọi khác: Không), sinh năm: 1963, tại huyện TC , tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng, nương; trình độ văn hóa: không; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Đạo tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Sình A M, sinh năm 1940 và bà Vì Thị C, sinh năm: 1942; vợ: Lù Thị H, sinh năm 1965 (là bị cáo trong cùng vụ án); bị cáo có 6 người con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 2008; tiền án :không. tiền sự: Ngày 9/5/2019 bị xử phạt vi phạm hành chính về lĩnh vực đất đai theo quyết định số 27/QĐ-UBND ngày 9/5/2019 của Ủy ban nhân dân xã HM. Bị cáo bị bắt tạm giam 12/4/2019. Có mặt tại phiên tòa.

2. Lù Thị H (tên gọi khác: Không), sinh năm: 1965, tại huyện TC, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng, nương; trình độ văn hóa: không; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Đạo tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; con ông Lù A K , sinh năm 1942 và bà Giàng Thị D , sinh năm: 1949; Chồng: Sình A B, sinh năm 1963 (là bị cáo trong cùng vụ án); bị cáo có 6 người con, con lớn sinh năm 1992, con nhỏ sinh năm 2008; tiền án tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam 12/4/2019. Có mặt tại phiên tòa.

3.  Thào A P (tên gọi khác: Không), sinh năm: 1994, tại huyện TC, tỉnh Điện Biên.

Nơi cư trú: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên; nghề nghiệp: Làm ruộng, nương; trình độ văn hóa: không; Dân tộc: Mông; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Đạo tin lành; Quốc tịch: Việt Nam; con bà Thào Thị P, sinh năm: 1969; vợ: Sình Thị X, sinh năm 1997; bị cáo có 2 người con, con lớn sinh năm 2015, con nhỏ sinh năm 2016; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt tạm giam 12/4/2019. Có mặt tại phiên tòa.

Người bào chữa:

- Người bào chữa cho bị cáo Sình A B: Ông Bùi Đình M – Sinh năm: 1958. Luật sư - Thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa

- Người bào chữa cho bị cáo Lù Thị H, Thào A P: Ông Phùng Việt H – Sinh năm: 1954. Luật sư - Thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

- Giàng A D (Giàng Chừ D) – Sinh năm: 1953 – Nơi cư trú: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Mùa A L – Sinh năm: 1980 – Nơi cư trú: Bản HLC A, xã HN, huyện MC, tỉnh Điện Biên.vắng mặt

- Kháng A L – Sinh năm: 1984 – Nơi cư trú: Bản HT, xã HL, huyện MC, tỉnh Điện Biên.vắng mặt

- Mùa A L – Sinh năm: 1986; - nơi cư trú: Bản HM 1, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên.Có mặt tại phiên tòa

- Hạng A D - Sinh năm: 1980; Mùa A T – Sinh năm: 1989 - nơi cư trú: Bản HM 1, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt.

- Lò Văn L – Sinh năm: 1982 - Nơi cư trú: Bản M, xã MT, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa

- Lường Phúc L – Sinh năm: 1962 - Nơi cư trú: Tổ 23, phường TT, thành phố ĐBP, tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa

- Mào Văn T– Sinh năm: 1980 – Nơi cư trú: Bản B, xã LN, tx ML, tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa

- Lê Ngọc S – Sinh năm: 1985 – Nơi cư trú: Tổ dân phố ĐT, thị trấn TC, huyện TC, tỉnh Điện Biên. Có mặt tại phiên tòa

- Sùng A S – Sinh năm: 1972; Hờ A Kh – Sinh năm: 1989; Thào A S – Sinh năm: 1988; Thào A P- Sinh năm: 1993; Giàng A S - Sinh năm: 1989 – Cùng nơi cư trú: Bản HM 1, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Đều vắng mặt

- Hồ A T - Sinh năm: 1978 – Nơi cư trú: Tổ dân phố số 06, thị trấn MC, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Sùng A P – Sinh năm: 1982 – Nơi cư trú: Bản NP, xã NS, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Giàng A T – Sinh năm: 1988 – Nơi cư trú: Đồn Công an PH, xã PH, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Giàng A L- Sinh năm: 1993 – Nơi cư trú: Tổ 03, thị trấn MC, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Sùng A T- Sinh năm: 1987 – Nơi cư trú: Tổ 04, thị trấn MC, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Lù Văn T – Sinh năm: 1982 – Nơi cư trú: Tổ 06, thị trấn MC, huyện MC, tỉnh Điện Biên.vắng mặt

- Trần Quang M - Sinh năm: 1991 – Nơi cư trú: Tổ 03, thị trấn MC, huyện MC, tỉnh Điện Biên. vắng mặt

- Nguyễn Văn Tuấn A - Sinh năm: 1995 – Nơi cư trú: Tổ 03, thị trấn MC, huyện MC, tỉnh Điện Biên.vắng mặt

- Sùng Giản T – Sinh năm: 1975 - Nơi cư trú: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Có mặt

- Giàng A T1 – Sinh năm: 1996; Sùng Súa V - Sinh năm: 1960; Vàng Thị D - sinh năm 1954; Giàng A C– Sinh năm: 1977; Giàng Thị M - Sinh năm: 1964 – Cùng cư trú tại: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Đều vắng mặt

Người làm chứng:

- Giàng A P – Sinh năm: 1990 – Nơi cư trú: Bản HM 1, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. văng mặt

- Lý A C – Sinh năm: 1961 – Nơi cư trú: Bản HT, xã HN, huyện MC, tỉnh Điện Biên.văng mặt

- Giàng Bia C - Sinh năm: 1976 – Nơi cư trú: Bản HM 1, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. văng mặt

- Sùng A S1 - Sinh năm: 1970; Lù A S – Sinh năm: 1990; Thào Vàng C - Sinh năm: 1980; Hờ Thị K - Sinh năm: 2000; Thào Thị S - Sinh năm:1995; Cùng cư trú tại: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Đều vắng mặt

- Sình Thị X - Sinh năm: 1997 – Trú tại: Bản HM 2, xã HM, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Có mặt

- Sùng A T1 - Sinh năm: 1980 – Nơi cư trú: Bản HLC B, xã HN, huyện MC, tỉnh Điện Biên. Có mặt

Người phiên dịch tiếng Mông: bà Vàng Thị D - trú tại: tổ 14, TT MC, huyện MC. Có mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Cuối năm 2018, đầu năm 2019, nhiều hộ gia đình ở bản HM 2, xã HM, huyện MC đã phá và lấn chiếm nhiều diện tích rừng sản xuất, trạng thái IIa tại khoảnh 1, 5 tiểu khu 529 thuộc diện tích rừng đã được UBND huyện MC giao đất, giao rừng cho cộng đồng dân cư bản HM 2, xã HM quản lý, bảo vệ và được chi trả dịch vụ môi trường rừng từ năm 2011 (dân bản gọi là khu B). Trước tình hình trên UBND huyện MC đã Quyết định thành lập Tổ công tác liên ngành gồm các đồng chí cán bộ, công chức Hạt kiểm lâm, Công an, phòng Tài nguyên môi trường huyện và một số cán bộ, công chức, viên chức của UBND xã HM và bản HM 2, do đồng chí Lường Phúc L, Phó hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện làm trưởng đoàn. Tổ công tác có nhiệm vụ: Kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ các vụ phá rừng trái phép; tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và tiến hành cắm biển báo “Cấm chặt phá rừng” và “Cấm lửa” trên diện tích rừng được giao cho bản HM 2 quản lý, bảo vệ (theo Quyết định số 1247/QĐ-UBND và Kế hoạch số 03/KH-TCTLN ngày 06/3/2019 của UBND huyện MC, Quyết định số 1425b/QĐ-UBND ngày 28/3/2019 của UBND huyện MC). Trong các hộ phá rừng, lấn chiến đất rừng trái phép có gia đình ông Sình A B bà Lù Thị H, gia đình ông Giàng Nhè D bà Sùng Thị S và nhiều hộ gia đình khác.

Khoảng 14 giờ ngày 04/4/2019, Tổ công tác liên ngành gồm 19 người do đồng chí Lường Phúc L làm Tổ trưởng tổ chức cắm biển báo “Cấm chặt phá rừng” và “Cấm lửa” tại khu rừng thuộc bản HM 2, xã HM. Khi biết và thấy Tổ công tác đi cắm biển báo, tại nhà Sình A B ở bản HM 2, xã HM, Sình A B đã trao đổi, bàn bạc với vợ là Lù Thị H, Giàng Nhè Dơ, Sùng Thị Súa và Giàng Thị Mỷ là Tổ công tác đi cắm biển báo không thông báo trưởng bản, không có giấy tờ chứng minh khu rừng trên đầu bản là rừng và nếu để Tổ công tác cắm các biển báo thì các gia đình cũng như nhân dân trong bản sẽ không được làm nương trên khu B và nếu phá rừng thì sẽ vi phạm pháp luật nên sẽ chặn Tổ công tác, không cho tổ công tác tiếp tục cắm biển báo ở khu rừng trên đồng thời yêu cầu Tổ công tác phải tháo các biển báo đã cắm. Sau đó B gọi và bảo con rể là Thào A P và vợ là Lù Thị H đi lấy cây gỗ dài khoảng 5m có đường kính khoảng 15cm ở hàng rào nhà Sình A Bánh (cạnh nhà B) mang xuống chặn ngang qua đường bê tông ngay phía dưới nhà và B dùng 2 đoạn dây vải buộc hai đầu cây gỗ vào hàng rào bên đường làm barie để chặn Tổ công tác. B tiếp tục nói với P lấy xe máy của Sình A Sử đi lên rừng theo dõi xem Tổ công tác cắm biển báo ở những vị trí nào. B nói H đi xuống đường kêu gọi người dân trong bản nên cùng chặn đoàn công tác, H chạy xuống đường hô to "Mọi người ơi, cán bộ đi cắm biển về rồi mọi người lên đây chặn cán bộ lại". Sau khi nghe H hô to đã có rất đông người dân trong bản đã đến khu vực đặt barie cùng với B, H, Dơ, Súa, Mỷ.

Khoảng gần 17 giờ cùng ngày, Tổ công tác về đến chỗ đặt barie thì bị B, P, H, D, P và nhiều người dân chặn lại không cho đi. Giàng Nhè Dơ đứng trước barie dùng tay chỉ về phía Tổ công tác đi cắm biển báo và nói "Chúng mày lên đấy làm gì, có giấy tờ gì không” và yêu cầu tố công tác phải quay lại tháo gỡ hết các biển báo đã cắm thì mới được đi. Đồng chí Lường Phúc Lâm cùng một số người trong tổ công tác đã giải thích khu vực cắm biển báo "Cấm chặt phá rừng, cấm lửa" là rừng đã được quy hoạch và chi trả tiền dịch vụ môi rừng nên tổ công tác không chấp nhận yêu cầu của người dân và yêu cầu người dân tháo barie để Tổ công tác đi. Do yêu cầu không được Tổ công tác thực hiện, B, H, P, Dơ đã đe dọa Tổ công tác nếu không quay lại tháo các biển báo thì sẽ không cho ai về kể cả đêm và không ai được đi ra khỏi khu vực đường bê tông đã quy định nếu cố tình đi sẽ bị đánh, sống chết không chịu trách nhiệm, Đồng chí Lường Phúc Lâm đã điện báo cho lãnh đạo xã HM và lãnh đạo huyện MC về sự việc trên. Khoảng 18 giờ 30 phút cùng ngày, các đồng chí lãnh đạo xã HM gồm: đồng chí Sùng A Sú Chủ tịch UBND xã; đồng chí Mùa A Lù, Phó Bí thư; đồng chí Hạng A De cán bộ địa chính, Sùng A Tủa cán bộ Công an huyện đến để vận động người dân tháo barie cho Tổ công tác về nhưng không được. Người dân yêu cầu đồng chí Sú phải giải quyết, yêu cầu Tổ công tác phải quay lại tháo các biển báo đã cắm và giải quyết cho người dân được làm nương trên khu vực rừng đó, các đồng chí lãnh đạo xã không nhất trí nên B nói với H, Dơ, P giữ luôn đoàn cán bộ xã cùng Tổ công tác không cho về, còn đồng chí Sùng A Tủa trong lúc giải thích đã bị Thào A P đấm vào lưng 02 phát nhưng trúng lưng 01 phát. Khoảng 01 giờ ngày 05/4/2019, đồng chí Giàng Bìa Chứ, Giàng A Chớ cùng một số đồng chí dân quân khác ở bản HM 1 mang cơm vào cho Tổ công tác nhưng B đã nói với Lù Thị H, Giàng Nhè Dơ đứng chặn đường ở barie không cho mang cơm vào cho Tổ công tác ăn. Sình A B, Lù Thị H, Giàng Nhè Dơ, Thào A P và một số người dân khác đã thay nhau canh giữ Tổ công tác trong cả đêm 04/4/2019, không cho Tổ công tác ăn uống, không cho đi ra khỏi vị trí quy định. Đến sáng ngày 05/4/2019, Tổ công tác và các đồng chí Lãnh đạo xã tiếp tục vận động nhưng những người tham gia chặn Tổ công tác vẫn ra yêu cầu phải tháo biển báo đã cắm và giải quyết khu rừng đó người dân được làm nương. Tổ công tác tiếp tục bị giữ tại đó, đến trưa ngày 05/4/2019 những người canh giữ mới cho các đồng chí dân quân mang cơm cho Tổ công tác ăn.

Khoảng 16 giờ ngày 05/4/2019, đoàn công tác của huyện do đồng chí Điêu Chính Huyến, Phó trưởng Công an huyện và đồng chí Lường Văn Toàn, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện vào làm việc với trưởng bản Sình A Sử và vận động thuyết phục những người đứng chặn đường. Đến 18 giờ cùng ngày, mọi người mới nhất trí cho tháo cây gỗ làm barie, đồng chí Giàng A Dính, Chủ tịch Hội người cao tuổi xã Huôi Mí ra tháo cây nhưng vẫn còn bị Lù Thị H ngăn lại không cho tháo chỉ khi Sình A Sử trưởng bản ra nói thì H mới nhất trí cho tháo cây chắn đường ra để tổ công tác được đi về.

Tại Bản Cáo trạng số: 30/CT-VKS-MC ngày 5/7/2019 của Viện kiểm sát nhân dân,huyện MC, tỉnh Điện Biên đã truy tố các bị cáo Sình A B, Lù Thị H, Thào A P về tội “Chống người thi hành công vụ” theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện MC, tỉnh Điện Biên giữ nguyên quan điểm truy tố các bị cáo về tội “Chống người thi hành công vụ” quy định tại điểm a khoản 2 Điều 330 Bộ luật hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử sơ thẩm:

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 330; khoản 1 Điều 38, điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Sình A B từ 2 năm 06 tháng đến 03 năm tù, Xử phạt bị cáo Lù Thị H từ 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 330; khoản 1 Điều 38 điểm s khoản 1, Điều 51 BLHS xử phạt bị cáo Thào A P 02 năm đến 02 năm 06 tháng tù

Về vật chứng vụ án. Đề nghị HĐXX áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 BLTTHS để xử lý vật chứng theo quy định của pháp luật.

Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm hình sự cho các bị cáo.

Tại phiên tòa, các bị cáo được giải thích về quyền yêu cầu, thay đổi, từ chối người bào chữa, Hội đồng xét xử đã thông báo cho các bị cáo việc ông Sình A Sử con của bị cáo Sình A B, Lù Thị H; vợ của bị cáo Thào A P là Sình Thị Xù có nhờ người bào chữa là các Luật sư Hoàng Ngọc Hiển, Bùi Tiến Soạn, Nguyễn Văn Thông - VPLS Đông Hà, thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội bào chữa cho các bị cáo. Tòa án nhân dân huyện MC đã thông báo cho các bị cáo trước khi xét xử và tại phiên tòa các bị cáo đều từ chối việc bào chữa của các luật sư Hoàng Ngọc Hiển, Bùi Tiến Soạn, Nguyễn Văn Thông, chỉ yêu cầu các luật sư Phùng Việt Hoa, Bùi Đình Minh bào chữa cho mình tại phiên tòa. Các bị cáo đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. Lời nói sau cùng bị cáo xin Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt và miễn án phí hình sự sơ thẩm cho bị cáo.

Người bào chữa cho bị cáo Thào A P, Lù Thị H không có ý kiến tranh luận về tội danh và điều luật mà Viện kiểm sát nhân dân huyện MC đã truy tố và bản luận tội của Kiểm sát viên. Đề nghị HĐXX xem xét đến điều kiện sinh sống của các bị cáo: Do bị cáo sinh sống ở vùng đặc biệt khó khăn; bản thân không được đi học, là lao động chính trong gia đình, có con còn nhỏ, hoàn cảnh kinh tế khó khăn; trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các bị cáo đã thành khẩn khai báo về hành vi phạm tội, có bố, ông ngoại của các bị cáo được tặng thưởng huân chương Chiến sỹ vẻ vang nên đề nghị HĐXX xem xét áp dụng điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51/BLHS xử phạt các Thào A P, Lù Thị H bị cáo ở mức án thấp nhất do Viện kiểm sát đề nghị là 24 tháng tù để bị cáo sớm trở về với gia đình và xã hội.

Người bào chữa cho bị cáo Sình A B có ý kiến không tranh luận về tội danh và khung hình phạt mà Viện kiểm sát đề nghị, sau khi phân tích nhân thân, điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo, bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội khi còn bị ảnh hưởng của tập quán du canh, du cư, hạn chế về nhận thức, mục đích để có đất để làm nương đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51/BLHS xử phạt bị cáo ở đầu khung của hình phạt.

Những người quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Tại phiên Tòa người có quyền lợi liên quan đến vụ án có mặt tại phiên tòa là ông Lường Phúc L , Mào Văn T , Lò Văn Liên, Lê Ngọc S , Mùa A L giữ nguyên lời khai và ý kiến như trong giai đoạn điều tra, truy tố đề nghị xét xử vụ án theo qui định và không yêu cầu các bị cáo bồi thường, không đưa ra thêm yêu cầu nào khác. Người có nghĩa vụ liên quan đến vụ án là ông Sùng Giản Thùng giữ nguyên lời khai như trong giai đoạn điều tra không đưa ra thêm ý kiến nào khác

Những người làm chứng có mặt tại phiên tòa là ông Sùng A T khẳng định và cam đoan lời khai của các bị cáo và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa là đúng sự thật và giữ nguyên các lời khai của mình như trong giai đoạn điều tra. bà Sình Thị X không có ý kiến nào khác tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

1. Tại phiên tòa, các bị cáo Sình A B, Lù Thị H, Thào A P đã khai nhận hành vi phạm tội của mình. HĐXX thấy rằng lời khai nhận tội của các bị cáo tại phiên tòa đã phù hợp với lời khai của các bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện MC, tỉnh Điện Biên thu thập trong quá trình giải quyết vụ án như Biên bản khám nghiệm hiện trường, lời khai của các bị cáo cũng phù hợp với lời khai của người người làm chứng như Giàng A Pùa, Lý A Cao, Giàng Bia Chứ, Sùng A Tú ,Sùng A Sính, Lù A Sình, Thào Vàng Chớ, H Thị Kía, Thào Thị Sự, Sình Thị Xù (BL 339 - 352, 369 - 376 lời khai người làm chứng) và phù hợp với lời khai của những người có quyền và nghĩa vụ liên quan như Giàng A Dính (Giàng Chừ Dính), Mùa A Lù , Kháng A Lồng , Mùa A Lâu, Lò Văn Liên, Lường Phúc Lâm, Mào Văn Thanh, Lê Ngọc Sơn, Sùng A Sú, Hờ A Khai, Thào A Sửu, Thào A Pao, Giàng A Sầu, Hồ A Tủa, Sùng A Phong, Giàng A Thủy, Giàng A Lử, Sùng A Tủa, Lù Văn Thắng, Trần Quang Mạnh, Nguyễn Văn Tuấn Anh, Giàng A Tàng, Sùng Súa Vừ, Vàng Thị Dính; Giàng A Chí, Giàng Thị Mỷ (bút lục số BL 252 - 335 lời khai các cán bộ Tổ công tác; BL 353 -368 lời khai người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan). Lời khai nhận của các bị cáo tại phiên tòa cũng hoàn toàn phù hợp lời khai của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và người làm chứng khai nhận tại phiên tòa xét xử công khai.

Do đó có đủ căn cứ kết luận vào hồi 17 giờ ngày 04/4/2019, tại khu vực đường dân sinh thuộc bản HM 2, xã HM, huyện MC, Sình A B, Giàng Nhè Dơ, Lù Thị H, Thào A P đã bàn bạc thống nhất và dùng cây gỗ làm barie, hô hào, lôi kéo nhiều người dân trong bản tham gia cùng chặn đường Tổ công tác liên ngành (gồm 19 người) đang thực hiện nhiệm vụ cắm biển báo “Cấm chặt phá rừng, cấm lửa” tại khu rừng thuộc bản Huồi Mí 2, xã HM theo Quyết định, Kế hoạch của UBND huyện MC và yêu cầu Tổ công tác phải tháo các biển báo đã cắm đồng tHi giải quyết cho dân được làm nương ở khu vực rừng trên. Tổ công tác không đồng ý thì bị giữ lại không cho về, không cho ăn và đe dọa dùng vũ lực. Tổ công tác bị giữ từ 17 giờ ngày 04/4/2019 đến 18 giờ ngày 05/4/2019.

HĐXX thấy rằng hành vi nêu trên của các bị cáo Sình A B, Lù Thị H, Thào A P là nguy hiểm cho xã hội, đã đủ yếu tố cấu thành tội “Chống người thi hành công vụ" Tội danh và hình phạt được quy định tại Điều 330 Bộ luật Hình sự. Do đó các bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự do pháp luật quy định. Trong vụ án trên các bị cáo đã thể hiện sự liên kết chặt chẽ, cố ý thực hiện tội phạm, có sự phân công, phân nhiệm cho các cá nhân, trong đó Sình A B là người cầm đầu, chỉ đạo các bị cáo khác thực hiện hành vi như lập barie bằng cây gỗ chặn đường, theo dõi tổ công tác, canh giữ cán bộ. Các bị cáo Lù Thị H, Thào A P và đối tượng Dơ thực hành tích cực bằng các hành vi: Lù Thị H hô hào bà con chặn tổ công tác, đứng chặn đường, chửi mắng đưa ra yêu cầu tổ công tác phải thảo biển báo cấm phá rừng, cấm lửa và giải quyết cho dân bản làm nương tại khu rừng thuộc diện được bảo vệ, ngăn cản không cho cán bộ ăn cơm, uống nước. Thào A P là người thực hiện theo sự chỉ đạo của B kéo cây làm barie chặn đường tổ công tác, theo dõi tổ công tác, dùng vũ lực đấm vào lưng đồng chí Sùng A Tủa và tham gia canh giữ tổ công tác. Do vậy có đủ căn cứ khẳng định hành vị của các bị cáo phạm tội thuộc trường hợp định khung “ có tổ chức”. Viện kiểm sát truy tố các bị cáo về tội Chống người thi hành công vụ theo qui định tại điểm a khoản 2 Điều 330/BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật. Những người bào chữa đồng thuận với quan điểm của Viện kiểm sát.

2. Xét về tính chất của vụ án HĐXX thấy rằng: Hành vi của bị cáo đã xâm phạm đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người đang thi hành công vụ và thông qua đó đã xâm phạm đến hoạt động của Nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công. Hành vi trên gây nguy hiểm và hậu quả xấu cho xã hội làm mất an ninh trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, đồng tHi xâm phạm đến trật tự hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức Nhà nước làm giảm hiệu lực quản lý của các cơ quan, tổ chức và xâm phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín của những người thi hành công vụ. Vì vậy, cần phải áp dụng hình phạt tương xứng đối với các bị cáo nhằm đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.

3.  Xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo:

Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Các bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Hội đồng xét xử thấy rằng tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, các bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, tỏ ra ăn năn hối hận về hành vi phạm tội của bản thân, bản thân các bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao, vùng kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, không được đi học do vậy nhận thức về pháp luật có phần hạn chế. Riêng bị cáo Sình A B, Lù Thị H có bố là ông Lù A Ký được nhà nước tặng thưởng Huân chương chiến sỹ vẻ vang. Các bị cáo là người thân thích trong một gia đình, bởi vậy hội đồng xét xử xét thấy cần xem xét áp dụng điểm s khoản 1, khoản 2, Điều 51/BLHS đối với Sình A B, Lù Thị H; áp dụng điểm s khoản 1 Điều 51/BLHS đối với Thào A P như đề nghị của vị đại diện Viện kiểm sát và người bào chữa cho các bị cáo để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo là cần thiết, thông qua đó thể hiện chính sách khoan hồng, giảm nhẹ của pháp luật đối với người phạm tội. Ngoài ra người bào chữa cho bị cáo Sình A B đề nghị Hội đồng xét xử xem xét đến điều kiện, hoàn cảnh phạm tội của bị cáo, để giảm nhẹ và xử phạt bị cáo ở mức khởi điểm của khung hình phạt, đại diện viện kiểm sát tranh luận không có cơ sở để xử phạt bị cáo Sình A B ở khởi điểm của khung hình phạt do bị cáo là người chủ mưu, chỉ đạo phân công các bị cáo khác thực hiện hành vi. Hội đồng xét xử chấp nhận quan điểm tranh luận của kiểm sát viên tại phiên tòa.

4. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra, Điều tra viên Công an huyện MC, tỉnh Điện Biên, Kiểm sát viên, Viện kiểm sát nhân nhân tỉnh huyện MC; trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện theo đúng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục, các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người bào chữa cho các bị cáo không người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đúng với qui định của pháp luật.

5. Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự và Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự:

- Tịch thu tiêu hủy một số công cụ phạm tội là 03(ba) chiếc ghế nhựa màu xanh, loại ghế có tựa, có chung kích thước; 06 (sáu) chiếc ghế nhựa màu đỏ, loại ghế có tựa, có chung kích thước; 01(một) chiếc bạt xanh ; 01 (một) Chiếc chiếu; 01 (một) túi ni lon màu trắng, túi niêm phong ký hiệu NS3A.

- Trả lại bị cáo Thào A P 01 (một) chiếc điện thoại cảm ứng màu bạc, mặt sau có chữ “SHARP” đã qua sử dụng, kèm sim, không kiểm tra tính năng bên trong. 01 (một) điện thoại bàn phím màu đen có viền đỏ, dưới màn hình có chữ “FPT” đã qua sử dụng, kèm sim, không kiểm tra tính năng bên trong. Do không sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội.

- Trả lại bị cáo Lù Thị H 01 (một) chiếc điện thoại Masstel, ký hiệu C208 màu đen nền đỏ cam, phía trên gắn chuỗi hạt tròn màu xanh, đỏ, nắp ốp sau bị rạn nứt, kèm sim, không kiểm tra tính năng bên trong. Do không sử dụng làm công cụ, phương tiện phạm tội.

6 .Về án phí:

Hội đồng xét xử thấy rằng: Các bị cáo đều sống trong vùng kinh tế đặc biệt khó khăn, thuộc hộ nghèo, trước khi xét xử đều có đơn xin miễn án phí do vậy hội đồng xét xử chấp nhận đề nghị của Kiểm sát viên và người bào chữa cần căn cứ Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm cho các bị cáo.

Đối với người có quyền liên quan đến vụ án là các cán bộ công an huyện, kiểm lâm huyện, cán bộ xã HM là các ông Giàng A Dính (Giàng Chừ Dính), Mùa A Lù , Kháng A Lồng , Mùa A Lâu, Lò Văn Liên, Lường Phúc Lâm, Mào Văn Thanh, Lê Ngọc Sơn . Sùng A Sú, H A Khai, Thào A Sửu ,Thào A Pao, Giàng A Sầu, Hồ A Tủa, Sùng A Phong, Giàng A Thủy ,Giàng A Lử, Sùng A Tủa, Lù Văn Thắng, Trần Quang Mạnh, Nguyễn Văn Tuấn Anh trước khi xét xử đều có đơn gửi Tòa án đề nghị không buộc các bị cáo bồi thường và đề nghị tòa án xét xử các bị cáo theo qui định của pháp luật. Nhưng người có mặt tại phiên tòa đều giữ nguyên ý kiến trong văn bản đề nghị của mình. Hội đồng xét xử thấy rằng ý kiến của những người có quyền liên quan đến vụ án là có căn cứ nên cần chấp nhận.

Hồ sơ vụ án còn thể hiện:

Giàng Nhè D đã bỏ trốn Cơ quan điều tra đã ra Quyết định truy nã nhưng chưa bắt được, Cơ quan CSĐT Công an huyện MC đã ra Quyết định tách vụ án để điều tra hành vi Chống người thi hành công vụ đối với Giàng Nhè D thành một vụ án riêng khi nào bắt được sẽ xử lý sau. Đối với hành vi phá rừng của Giàng A D, CQĐT đã khởi tố bằng một vụ án riêng.

Sình A B khai Sùng Giản T có bàn bạc và thống nhất trước với B về việc chặn giữ và yêu cầu Tổ công tác liên ngành, Cơ quan điều tra đã tiến hành điều tra, xác minh nhưng không có căn cứ xử lý đối với Sùng GiảnT. Do vậy hội đồng không xem xét trong cùng vụ án.

Sùng Thị M, Giàng Thị D, Sình A S, Sùng Thị S, Sùng Thị D, Cơ quan điều tra đã triệu tập nhưng các đối tượng không có mặt, tiến hành xác minh các đối tượng đang vắng mặt tại địa phương nên chưa thể xác minh làm rõ tính chất mức độ hành vi để xem xét xử lý trong cùng vụ án.

Đối với Giàng A T, Sùng Súa V, Vàng Thị D, Giàng A C, Giàng Thị M đều có lời khai tại cơ quan điều tra, lời khai của những người liên quan đều phù hợp với lời khai của các bị cáo và người làm chứng và những người có quyền lợi nghĩa vụ khác. Hành vi của những người này Viện kiểm sát không đề nghị xem xét nên hội đồng không xem xét trong cùng vụ án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố Sình A B, Lù Thị H, Thào A P phạm tội “Chống người thi hành công vụ”.

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 330; Điều 38; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 58 Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Sình A B 02 năm 06 tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt (12/4/2019). Xử phạt bị cáo Lù Thị H 02 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt (12/4/2019).

Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 330; điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 38; Điều 58 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Thào A P 02 năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt (12/4/2019)

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự. Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự.

- Tịch thu tiêu hủy một số công cụ các bị cáo dùng vào việc phạm tội:

+ 03(ba) chiếc ghế nhựa màu xanh, loại ghế có tựa, có chung kích thước: Cao 70cm, rộng 35 cm, từ mặt ghế xuống đất 35cm, tất cả được chồng lên và buộc chặt, dán giấy niêm phong, trên giấy niêm phong ghi “03 chiếc ghế nhựa màu xanh thu tại hiện trường bản HM 2 ngày 12/4/2019”.

+ 06 (sáu) chiếc ghế nhựa màu đỏ, loại ghế có tựa, có chung kích thước: Cao 70cm, rộng 49cm, từ mặt ghế xuống đất là 33cm, tất cả được chồng lên và buộc chặt, dán giấy niêm phong, trên giấy niêm phong ghi “06 chiếc ghế nhựa màu đỏ thu tại hiện trường bản

HM 2 ngày 12/4/2019

+ 01 (một) bao xác rắn màu đỏ (cam), được buộc chặt bằng dây thừng, có gắn niêm phong, trên giấy niêm phong dán có ghi “chiếc bạt xanh thu tại hiện trường bản HM 2 ngày 12/4/2019”.

+ 01 (một) bao tải màu trắng, được buộc bằng dây thừng, bên trên có giấy niêm phong, trên giấy niêm phong ghi “Chiếc chiếu thu tại hiện trường bản HM 2 ngày 12/4/2019”.

+ 01 (một) túi ni lon màu trăng, túi niêm phong ký hiệu NS3A, dùng băng dính màu đỏ dán kín mép lại. Mặt trước có các chữ ký của Nguyễn Minh Khánh, Thào A Dế, Thào Sua Vừ và điểm chỉ trỏ phải của Sình A B.

- Trả lại bị cáo Thào A P 01 (một) chiếc điện thoại cảm ứng màu bạc, mặt sau có chữ “SHARP” đã qua sử dụng, kèm sim, không kiểm tra tính năng bên trong. 01 (một) điện thoại bàn phím màu đen có viền đỏ, dưới màn hình có chữ “FPT” đã qua sử dụng, kèm sim, không kiểm tra tính năng bên trong.

- Trả lại bị cáo Lù Thị H 01 (một) chiếc điện thoại Masstel, ký hiệu C208 màu đen nền đỏ cam, phía trên gắn chuỗi hạt tròn màu xanh, đỏ, nắp ốp sau bị rạn nứt, kèm sim, không kiểm tra tính năng bên trong.

(Theo Biên bản giao, nhận vật chứng giữa Cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện MC Chi cục Thi hành án dân sự huyện MC, tỉnh Điện Biên ngày 5/7/2019).

3.  Về án phí: Căn cứ vào Điều 135, Điều 136/BLTTHS; điểm đ khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Miễn án phí hình sự sơ thẩm đối với bị cáo Sình A B, Lù Thị H, Thào A P.

4. Về quyền kháng cáo đối với bản án: Căn cứ vào các Điều 331, Điều 333 Bộ luật Tố tụng hình sự, bị cáo Sình A B, Lù Thị H, Thào A P có quyền kháng cáo bản án lên Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 31/7/2019). Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt tại phiên tòa được quyền kháng cáo những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (ngày 31/7/2019)

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo những vấn đề có liên quan đến quyền lợi và nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

391
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 28/2019/HSST ngày 31/07/2019 về tội chống người thi hành công vụ

Số hiệu:28/2019/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Mường Chà - Điện Biên
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 31/07/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về