Bản án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 278/2019/DS-PT

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH

BẢN ÁN 278/2019/DS-PT NGÀY 19/11/2019 VỀ TRANH CHẤP LIÊN QUAN ĐẾN YÊU CẦU TUYÊN BỐ VĂN BẢN CÔNG CHỨNG VÔ HIỆU

Trong ngày 19 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 342/2019/TLPT-DS ngày 22-10-2019 về việc tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 51/2019/DS-ST ngày 30/08/2019 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo.

Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 312/2019/QĐPT-DS ngày 28 tháng 10 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Bà Trần Thị K, sinh năm 1956. Cư trú tại: Số 3891, Tổ 10, ấp S, xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh (có mặt).

2. Bà Trần Thị G, sinh năm 1962. Cư trú tại: Số 1262, Tổ 10, ấp A, xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh (có mặt).

- Bị đơn: Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh. Địa chỉ: Khu phố Rạch Sơn, thị trấn G, huyện G, tỉnh Tây Ninh.

Người đại diện hợp pháp của Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh là: Ông Trần Hùng N, sinh năm 1966, chức vụ: Trưởng phòng là người đại diện theo pháp luật (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Lut sư Phạm Văn T3 – Công ty Luật TNHH MTV B, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Tây Ninh (có mặt).

- Người kháng cáo: Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện đề ngày 27-9-2018 và các lời khai trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn bà Trần Thị K và bà Trần Thị G trình bày:

Cha mẹ bà K là cụ Nguyễn Văn T2 sinh năm nào, chết năm nào không nhớ và cụ Trần Thị T1, sinh năm 1926 (chết năm 2014), cụ T2 và cụ T1 chung sống có 02 người con gồm: Bà Trần Thị T và bà Trần Thị K. Ngoài ra, trước đó cụ T1 chung sống với cụ Phạm Văn S có 03 người con gồm Phạm Văn S1 và Phạm Văn Đ (đã chết lúc nhỏ không có vợ con), Phạm Văn C (sinh năm 1947, chết năm 1969, không có vợ con). Kế tiếp cụ T2 có 02 người con như đã trình bày. Sau đó, cụ T1 tiếp tục chung sống với cụ Phạm Văn K1 có một người con là bà Trần Thị G. Trong thời gian cụ T1 chung sống với cụ S có tạo lập được phần đất diện tích khoảng 10.000 m2. Lúc cụ S còn sống, cụ T1 đã phân chia diện tích đất này cho 03 người con gồm: bà T diện tích khoảng 2.200 m2, bà K diện tích khoảng 2.100 m2, bà G diện tích khoảng 1.700 m2, sau khi được chia đất thì bà T và bà G đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác, lúc cụ T1 phân chia đất cụ S không biết do cụ S lúc này không chung sống với cụ T1, khi bà T và bà G chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người khác thì cụ S mới biết nhưng cũng đồng ý. Diện tích đất còn lại là 2.928 m2 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp cho cụ T1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01463QSDĐ/110 ngày 20-01-1994.

Đến ngày 24-12-2010 cụ T1 có đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân, ngày 28-12-2010 cụ T1 có giấy chứng nhận sức khỏe, cùng ngày 28-12-2010 cụ T1 có lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất 2.928 m2 cho bà Trần Thị T, di chúc được công chứng tại Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh. Đến ngày 11-7- 2017 là ngày giỗ của cụ T1 thì bà K và bà G mới biết là cụ T1 có di chúc để lại cho bà T. Từ đó đến nay bà K có khiếu nại việc xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 là không đúng pháp luật nhưng không được giải quyết. Nay bà K và bà G yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng di chúc của cụ Trần Thị T1 đã được Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng số 544 quyển số 03TP/CC- SCC/HĐGD ngày 28-12-2010 là vô hiệu.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh là ông Trần Hùng N trình bày:

Vào ngày 28-12-2010, Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh có công chứng di chúc của cụ Trần Thị T1 số 544 quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD. Tại thời điểm giao dịch công chứng, người lập di chúc có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, có giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, giấy chứng nhận khám sức khỏe đủ điều kiện lập di chúc, ý chí tự nguyện của người lập di chúc, không có dấu hiệu lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép. Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng di chúc của cụ T1 là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục công chứng và các văn bản luật khác có liên quan. Khi cụ Trần Thị T1 chết ngày 05-8-2014 đến ngày 03-9-2014, người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc là bà Trần Thị T đến yêu cầu công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc. Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh có công chứng văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc số 131 quyển số 01TP/CC-SCC/HĐGD. Ngày 29-12-2014, Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh có công chứng văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc số 249 quyển số 01TP/CC-SCC/HĐGD, do cập nhật điều chỉnh từ lưới cũ chuyển sang lưới mới có sự thay đổi tăng diện tích đất. Việc người khởi kiện bà K và bà G yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng di chúc của cụ Trần Thị T1 đã được Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng số 544 quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 28-12-2010 là vô hiệu, nếu Tòa án xét thấy có đủ cơ sở pháp lý thì tiến hành giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ti bản án dân sự sơ thẩm số 51/2019/DS-ST ngày 30-8-2019 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Tây Ninh đã quyết định:

Căn cứ vào Điều 26,27,147 của Bộ luật Tố tụng dân sự; điểm c khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; các Điều 122, 127, 137 của Bộ luật Dân sự năm 2005;

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị K và bà Trần Thị G.

Tuyên bố di chúc của cụ Trần Thị T1 đã được Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng số 544 quyển số 03TP/CC-SCC/HĐGD ngày 28-12-2010 là vô hiệu.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí tố tụng khác, quyền và nghĩa vụ thi hành án, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 16 tháng 9 năm 2019, người đại diện hợp pháp của Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh là ông Trần Hùng N có đơn kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm, với lý do:

- Thứ nhất, Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng di chúc của cụ T1 là hoàn toàn đúng theo quy định pháp luật về trình tự, thủ tục công chứng, tuân thủ về nội dung và hình thức theo quy định của pháp luật dân sự tại thời điểm công chứng. Đơn xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 chỉ nhằm để xác định tài sản là của cụ T1 và không có tranh chấp tại thời điểm công chứng chứ không bắt buộc phải theo mẫu để công chứng di chúc theo Luật Công chứng và Bộ luật Dân sự.

- Thứ hai, di chúc của cụ T1 đã có hiệu lực pháp luật vào năm 2014 khi cụ T1 chết và bà Trần Thị T cũng đã thực hiện việc kê khai di sản thừa kế. Bà Trần Thị T chết ngày 27-4-2018, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa chị Trần Thị Mỹ H là người thừa kế duy nhất của bà Trần Thị T tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị Trần Thị Mỹ H, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ti phiên tòa phúc thẩm, Phòng Công chứng S yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện vì khi bà K, bà G có đơn khởi kiện thì thời hiệu khởi kiện vụ án đã hết.

Ti phiên tòa phúc thẩm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Phòng Công chứng S - Luật sư Phạm Văn T3 trình bày: - Đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 lập ngày 24-10-2019 đã được UBND xã A, huyện T xác nhận đúng thực tế tại thời điểm ngày 24-10- 2019, cụ T1 sống độc thân và tài sản để di chúc không ai tranh chấp. Do đó, Phòng Công chứng S thực hiện thủ tục công chứng Di chúc của cụ T1 lập ngày 28-10-2010 là đúng quy định của pháp luật.

- Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm công nhận di chúc là hợp pháp với các lý do sau đây: Tài sản trong di chúc là quyền sử dụng đất diện tích 2.928 m2, thửa số 3105, 602 tọa lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh, là tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của cụ T1, do UBND huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho cụ T1 đứng tên vào ngày 20-01-1994, đây là tài sản riêng của cụ T1, không ai tranh chấp. Căn cứ vào Điều 56 của Luật Công chứng, Điều 652 của Bộ luật Dân sự, văn bản công chứng Di chúc ngày 28-10-2019 là đúng về mặt nội dung và hình thức.

- Bà Trần Thị T là người thừa kế theo di chúc của cụ Trần Thị T1 nhưng bà T đã chết vào năm 2018, người con duy nhất của bà T là chị Trần Thị Mỹ H, đồng thời cũng là người đang trực tiếp quản lý sử dụng di sản của cụ T1. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm không đưa chị H tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

- Theo quy định tại Khoản 6 Điều 26 của Bộ luật Tố tụng dân sự, yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là loại việc dân sự nhưng Tòa án cấp sơ thẩm thụ lý vụ án là không đúng quy định pháp luật.

- Về thời hiệu khởi kiện: Thời hiệu yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu (theo việc dân sự) là 01 năm, bà K, bà G cho rằng thời điểm các bà biết Di chúc lập ngày 28-10-2019 của cụ T1 là vào ngày 11-7-2017, tính đến ngày bà K, bà G khởi kiện vào 27-9-2018 là quá thời hạn 01 năm. Tòa án cấp sơ thẩm xác định vẫn còn thời hiệu khởi kiện là không đúng quy định của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng thời hiệu khởi kiện hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

Ti phiên tòa, Kiểm sát viên phát biểu ý kiến:

Về tố tụng: Hội đồng xét xử, Thẩm phán và Thư ký phiên tòa đã tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Việc chấp hành của người tham gia tố tụng thực hiện đúng theo quy định của Bộ luật tố tụng Dân sự.

Về nội dung: Tòa án cấp sơ thẩm đưa thiếu người tham gia tố tụng là chị Trần Thị Mỹ H và không thu thập đầy đủ chứng cứ là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về quyền khởi kiện: Theo quy định tại Điều 52 của Luật Công chứng năm 2014, người có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu là “Công chứng viên, người yêu cầu công chứng, người làm chứng, người phiên dịch, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có quyền đề nghị Tòa án tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu khi có căn cứ cho rằng việc công chứng có vi phạm pháp luật”. Ngày 27-9-2018, bà Trần Thị K và bà Trần Thị G là con của cụ Trần Thị T1 có đơn khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng di chúc của cụ Trần Thị T1 lập ngày 28-12-2010 được Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng số 544 quyển số 03TP/CC- SCC/HĐGD ngày 28-12-2010 là vô hiệu.

Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, bà Trần Thị K và bà Trần Thị G đều trình bày thống nhất khi còn sống cụ Phạm Văn S và cụ Trần Thị T1 tạo lập được phần đất diện tích 10.000 m2 ta lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh. Khi còn sống, cụ T1 đã phân chia quyền sử dụng đất này cho 03 người con gồm: bà T diện tích khoảng 2.200 m2, bà K diện tích khoảng 2.100 m2, bà G diện tích khoảng 1.700 m2. Diện tích đất còn lại là 2.928 m2 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp cho cụ T1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 01463QSDĐ/110 ngày 20-01-1994, cụ Phạm Văn S biết nhưng không phản đối. Như vậy bà K và bà G đã được cụ T1 phân chia tài sản trước khi cụ T1 chết và quyền sử dụng đất diện tích 2.928 m2, thửa số 3105, 602 tọa lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh chỉ có cụ T1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cụ T1 có toàn quyền định đoạt theo quy định tại Điều 197 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

Mt khác, nội dung Di chúc của cụ T1 lập ngày 28-12-2010 cũng không đề cập gì đến bà Trần Thị K và Trần Thị G, không liên quan đến quyền, nghĩa vụ của bà K, bà G; bà K và bà G cũng không phải là người làm chứng di chúc. Do đó, bà K và bà G không có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng di chúc của cụ T1 lập ngày 28-12-2010 vô hiệu, không có quyền khởi kiện theo Điều 186, 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà K và bà G có quyền khởi kiện và thụ lý giải quyết vụ án là không đúng quy định tại điểm a khoản 1 Điều 192 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

2. Về thời hiệu khởi kiện:

Ti Văn bản sửa đổi, bổ sung văn bản khai nhận di sản thừa kế theo di chúc ngày 29-12-2014 (bút lục số 54, 55) của bà Trần Thị T thể hiện cụ T1 đã chết vào lúc 09 giờ ngày 05-8-2014 nên Di chúc của cụ T1 lập ngày 28-12-2010 tại Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh đã có hiệu lực pháp luật vào ngày 05-8- 2014.

Trong quá trình bà T kê khai nhận di sản thừa kế của cụ T1, thực hiện thủ tục sang tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cơ quan có thẩm quyền đã thực hiện thủ tục niêm yết công khai theo quy định của pháp luật nên bắt buộc bà K và bà G phải biết văn bản công chứng di chúc của cụ T1 nhưng bà K và bà G không ai khiếu nại và không có ý kiến gì. Ngày 21-01-2015, bà T đã được Ủy ban nhân dân huyện T cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với diện tích 3.493,4 m2 ta lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH13444 (do chuyển từ lưới cũ sang lưới mới năm 2005 nên có sự thay đổi tăng diện tích). Tính từ ngày 21-01-2015 đến ngày bà K, bà G khởi kiện vào ngày 27-9-2018 là quá thời hạn 02 năm nên theo quy định tại khoản 1 Điều 132, điểm d khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015 đã hết thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án tuyên bố văn bản công chứng di chúc vô hiệu. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai thời điểm tính thời hiệu khởi kiện và nhận định thời hiệu khởi kiện vẫn còn, không hỏi các bên đương sự về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện theo Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Tại phiên tòa phúc thẩm, phía bị đơn yêu cầu áp dụng thời hiệu khởi kiện, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm chưa xem xét áp dụng thời hiệu khởi kiện tại giai đoạn xét xử sơ thẩm nên Hội đồng xét xử áp dụng thời hiệu khởi kiện theo yêu cầu của bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm, hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e khoản 1 Điều 217 Bộ luật tố tụng dân sự là phù hợp.

3. Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm xác định đối tượng khởi kiện là văn bản công chứng di chúc của Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh và xem xét hiệu lực của Di chúc lập ngày 28-12-2010 của cụ T1. Khi Tòa án xem xét tính hiệu lực của Di chúc lập ngày 28-12-2010 của cụ T1 thì ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được hưởng thừa kế theo di chúc là bà T. Bà T đã chết vào ngày 27-4-2018 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa những người thừa kế của bà T vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Ti biên bản lấy lời khai ngày 12-11-2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh, chị Trần Thị Mỹ H khai chị là người thừa kế duy nhất của bà T. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà K, bà G xác định chị H là người con duy nhất của bà T và là người đang trực tiếp quản lý di sản thừa kế của cụ T1 nhưng Tòa án cấp sơ thẩm không đưa chị H tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan để làm rõ về người thừa kế của bà T là xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của chị H.

4. Về tính hiệu lực Di chúc của cụ Trần Thị T1 lập ngày 28-12-2010:

4.1 Quyn sử dụng đất diện tích 2.928 m2, thửa số 3105, 602 tọa lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh chỉ có cụ T1 đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên cụ T1 lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất này cho bà T là quyền tự định đoạt của cụ T1, phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 648, điểm b khoản 1 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

4.2 Di chúc lập ngày 28-12-2010 tại Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh đối với quyền sử dụng đất diện tích 2.928 m2, thửa số 3105, 602 tọa lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh (bút lục số 42) có chữ ký, chữ viết ghi tên cụ Trần Thị T1 dưới mục Người lập di chúc và được Công chứng viên chứng nhận cụ T1 đã tự nguyện lập di chúc, đã đọc lại di chúc và đồng ý toàn bộ nội dung ghi trong Di chúc, đã ký vào Di chúc trước sự có mặt của công chứng viên, đúng theo quy định tại Điều 41, 48 của Luật Công chứng năm 2006. Tại thời điểm cụ T1 lập Di chúc ngày 28-12-2010, cụ T1 cung cấp Giấy chứng nhận sức khỏe của Trung tâm Y tế huyện G ngày 28-12-2010 (bút lục số 39) thể hiện tại thời điểm ngày 28-12-2010 tinh thần của cụ T1 còn minh mẫn, sáng suốt, tiếp xúc tốt. Do đó, cụ T1 đủ điều kiện lập di chúc theo khoản 1 Điều 647 của Bộ luật Dân sự năm 2005 và đảm bảo điều kiện di chúc hợp pháp theo điểm a khoản 1 Điều 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005.

4.3 Bà K và bà G khởi kiện yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu với lý do Đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 không đúng sự thật và không tuân thủ về mặt hình thức theo quy định của pháp luật.

Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, bà K và bà G đều trình bày thống nhất rằng cụ T1 có 03 người chồng, chồng thứ nhất là cụ Phạm Văn S có 03 người con gồm Phạm Văn Sanh và Phạm Văn Đ (đã chết lúc nhỏ không có vợ con), Phạm Văn C (sinh năm 1947, chết năm 1969, không có vợ con); chồng thứ hai của cụ T1 là cụ T2, có 02 người con là bà Trần Thị K và bà Trần Thị T; chồng thứ ba của cụ T1 là ông Phạm Văn K1 có 01 người con là bà Trần Thị G. Như vậy, cụ T1 có 06 người con nhưng đã chết lúc nhỏ 02 người, 01 người chết năm 1969, chỉ còn sống 03 người con là bà K, bà T và bà G. Trong quá trình giải quyết vụ án, bà K và bà G không trình bày thời gian chung sống vợ chồng của cụ T1 với từng người trong khoảng thời gian nào, giấy tờ chứng nhận kết hôn, quan hệ vợ chồng hợp pháp của cụ T1 tại thời điểm ngày 24-12-2010. Tại phiên tòa phúc thẩm, bà K và bà G trình bày sau giải phóng và tại thời điểm năm 2010, chồng cụ T1 đã chết, cụ T1 sống độc thân, không ai tranh chấp tài sản của cụ T1.

Xét thấy, Đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 nhằm để xác định cụ T1 sống độc thân, tài sản là của cụ T1, không ai có tranh chấp và cụ T1 có toàn quyền định đoạt đối với tài sản của cụ là quyền sử dụng đất diện tích 2.928 m2 ta lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh. Mặc dù Đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 ghi ngày 24-12-2010 không đúng theo mẫu quy định của pháp luật nhưng đảm bảo về mặt nội dung, do cụ T1 tự kê khai và đúng thực tế về tình trạng hôn nhân của cụ T1 vào thời điểm ngày 24-12-2010.

Do đó, Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh căn cứ vào hồ sơ công chứng do cụ T1 cung cấp, trong đó có Đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân để thực hiện công chứng di chúc cho cụ T1 đối với phần đất diện tích 2.928 m2, thửa số 3105, 602 tọa lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh là đúng theo quy định của pháp luật. Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ vào Đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 ghi ngày 24-12-2010 không đúng mẫu để tuyên bố Di chúc lập ngày 28-12-2010 của cụ T1 vô hiệu là thiếu căn cứ.

5. Từ những nhận định trên, xét thấy Tòa án cấp sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, bà K và bà G không có quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện đã hết nên căn cứ vào điểm e, g khoản 1 Điều 217, Điều 311 của Bộ luật Tố tụng dân sự cần hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.

6. Về án phí:

6.1 Về án phí dân sự sơ thẩm: - Do bà K và bà G không có quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện đã hết, Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án theo điểm e, g khoản 1 Điều 217, Điều 311 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 nên theo khoản 3 Điều 218 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, bà K và bà G không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm.

- Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm.

6.2 Về án phí dân sự phúc thẩm: Do hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án nên Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 192, 217, 218, 308, 311 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 52 của Luật Công chứng năm 2014; Điều 197, 648, 652 của Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 132, điểm a, d khoản 1 Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH ngày 30-12-2016 về án phí, lệ phí Tòa án;

1. Hủy bản án sơ thẩm số 51/2019/DS-ST ngày 30-8-2019 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Tây Ninh và đình chỉ giải quyết vụ án.

2. Về án phí:

2.1.Về án phí dân sự sơ thẩm:

- Bà Trần Thị K và bà Trần Thị G không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm. Hoàn trả cho bà Trần Thị G số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 0009072 ngày 19-4-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Tây Ninh.

- Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh không phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm.

2.2. Về án phí dân sự phúc thẩm: Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng đã nộp theo biên lai thu số 0009691 ngày 23-9-2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện G, tỉnh Tây Ninh.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1188
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án về tranh chấp liên quan đến yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng vô hiệu số 278/2019/DS-PT

Số hiệu:278/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tây Ninh
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 19/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về
Cha mẹ bà K là cụ Nguyễn Văn T2 sinh năm nào, chết năm nào không nhớ và cụ Trần Thị T1, sinh năm 1926 (chết năm 2014), cụ T2 và cụ T1 chung sống có 02 người con gồm: Bà Trần Thị T và bà Trần Thị K. Ngoài ra, trước đó cụ T1 chung sống với cụ Phạm Văn S có 03 người con gồm Phạm Văn S1 và Phạm Văn Đ (đã chết lúc nhỏ không có vợ con), Phạm Văn C (sinh năm 1947, chết năm 1969, không có vợ con). Kế tiếp cụ T2 có 02 người con như đã trình bày. Sau đó, cụ T1 tiếp tục chung sống với cụ Phạm Văn K1 có một người con là bà Trần Thị G.

Khi còn sống cụ Phạm Văn S và cụ Trần Thị T1 tạo lập được phần đất diện tích 10.000 m2 tọa lạc tại xã A, huyện T, tỉnh Tây Ninh. Khi còn sống, cụ T1 đã phân chia quyền sử dụng đất này cho 03 người con gồm: bà T diện tích khoảng 2.200 m2, bà K diện tích khoảng 2.100 m2, bà G diện tích khoảng 1.700 m2. Diện tích đất còn lại là 2.928 m2 do Ủy ban nhân dân huyện T cấp cho cụ T1 đứng tên, cụ Phạm Văn S biết nhưng không phản đối.

Đến ngày 24-12-2010 cụ T1 có đơn xin xác nhận tình trạng hôn nhân, ngày 28-12-2010 cụ T1 có giấy chứng nhận sức khỏe, cùng ngày 28-12-2010 cụ T1 có lập di chúc để lại toàn bộ diện tích đất 2.928 m2 cho bà Trần Thị T, di chúc được công chứng tại Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh. Đến ngày 11-7- 2017 là ngày giỗ của cụ T1 thì bà K và bà G mới biết là cụ T1 có di chúc để lại cho bà T. Từ đó đến nay bà K có khiếu nại việc xác nhận tình trạng hôn nhân của cụ T1 là không đúng pháp luật nhưng không được giải quyết.

Nay bà K và bà G yêu cầu tuyên bố văn bản công chứng di chúc của cụ Trần Thị T1 đã được Phòng Công chứng S tỉnh Tây Ninh công chứng số 544 quyển số 03TP/CC- SCC/HĐGD ngày 28-12-2010 là vô hiệu.

Bản án sơ thẩm đã Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị K và bà Trần Thị G.

Tòa án cấp phúc thẩm đã Hủy bản án sơ thẩm số 51/2019/DS-ST ngày 30-8-2019 của Tòa án nhân dân huyện G, tỉnh Tây Ninh và đình chỉ giải quyết vụ án: Tòa án cấp sơ thẩm xác định sai thời điểm tính thời hiệu khởi kiện và nhận định thời hiệu khởi kiện vẫn còn, không hỏi các bên đương sự về việc áp dụng thời hiệu khởi kiện theo Điều 184 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.