Bản án 272/2018/HS-PT ngày 19/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 272/2018/HS-PT NGÀY 19/11/2018 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 19 tháng 11 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 344/2018/HS-PT ngày 22/10/ 2018. Do có kháng nghị của Viện kiểm sát, đối với bản án hình sự sơ thẩm số 33/2018/HS-ST ngày 11/9/2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 344 /QĐXXPT ngày 30 tháng 10 năm 2018.

Bị cáo bị kháng nghị.

Nguyễn Phúc T, sinh ngày 18 tháng 9 năm 1980 tại tỉnh Thừa Thiên Huế; nơi đăng ký HKTT: thành phố H; chỗ ở: thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế; nghề nghiệp: Nguyên Trưởng phòng kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn I; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông Vĩnh D, sinh năm 1952 và bà Dương Thị T, sinh năm 1957; Vợ: Nguyễn Thị Minh T, sinh năm 1981; con: Nguyễn Phúc Quý G, sinh năm 2007 và Nguyễn Phúc Quý H sinh năm 2016; Tiền án, tiền sự: Không.

Bị tạm giam từ ngày 10/08/2017 cho đến nay. Có mặt tại phiên tòa.

- Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Phúc T: Ông Bùi Quốc H, Luật sư của Công ty Luật N, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế. Địa chỉ: thành phố H. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Công ty Trách nhiệm hữu hạn I (gọi tắt Công ty I) được Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu cấp Giấy chứng nhận đầu tư hoạt động số 492023000014, kể từ ngày 26/5/1995 cho đến nay. Công ty có trụ sở chính tại Khu Công nghiệp C, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. Văn phòng chi nhánh đặt tại số thành phố Hồ Chí Minh. Công ty con là Công ty trách nhiệm hữu hạn IĐ (gọi tắt là IĐ), có trụ sở tại thành phố Đà Nẵng. Ngành nghề kinh doanh của Công ty là: Xay xát lúa mì, sản xuất, chế biến và kinh doanh thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Nguyễn Phúc T là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty TNHH I (Công ty I), được giao nhiệm vụ phụ trách khu vực miền Trung kể từ ngày 22/2/2010. Trong khoảng thời gian này, T tham gia đánh bạc trên mạng Internet dẫn đến thua bạc phải đi vay mượn tiền với lãi suất cao của nhiều người như: Ông T1, Ông H, bà V, bà G (đều không rõ họ tên thật và địa chỉ, số điện thoại liên lạc). Toàn bộ số tiền vay mượn được, T tiếp tục sử dụng để đánh bạc, tiêu xài cá nhân và trả nợ gốc hoặc lãi. Đến đầu năm 2015, T đã thiếu nợ của những người này một số tiền rất lớn mà bản thân T không có khả năng chi trả, nên nảy sinh ý đồ gian dối muốn chiếm một số lượng lớn thức ăn chăn nuôi (loại bột cám mì) của Công ty I sản xuất ra, đem bán để lấy tiền trả nợ, tiêu xài và đánh bạc tiếp. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là quản lý toàn bộ các khách hàng có hợp đồng mua bán bột cám mì với Công ty I tại khu vực miền Trung, T có nhiệm vụ trực tiếp đặt hàng giúp, điều phối việc đặt hàng và làm thủ tục xuất hàng ra khỏi kho,… T đã dùng các thủ đoạn gian dối như: Lợi dụng Công ty TNHH T (gọi tắt là Công ty T, do bà Đặng Thị P làm Giám đốc) là khách hàng lâu năm, có uy tín đối với Công ty I, lại do T trực tiếp phụ trách phân phối hàng hóa cho Công ty này. Khi Công ty T đặt mua hàng bột cám mì, T tự ý đặt mua thêm một khối lượng lớn khác với danh nghĩa của Công ty T, hoặc T gửi thư điện tử đến Ban Giám đốc Công ty I xin thêm hạn mức mua bột cám mì cho Công ty T với nhiều lý do khác nhau (nhưng trên thực tế Công ty T không có nhu cầu). Ngoài ra, T còn nói dối Công ty T phải xin đặt mua thêm hạn mức bột cám mì nếu không thời gian tới sẽ tăng giá, Công ty T tưởng thật liền đặt hàng với số lượng lớn. Sau đó, T trực tiếp liên hệ với nhân viên phân phối hàng hóa và bộ phận kho hàng của Công ty I để cung cấp các thông tin gian dối, yêu cầu xuất hàng cho công ty T (kèm theo hóa đơn bán hàng). Toàn bộ xe nhận hàng với số lượng hàng bao nhiêu, nhận ở kho nào, ngày giờ nhận hàng,… đều do T trực tiếp bố trí và thực hiện. Bằng thủ đoạn này, ngoài số lượng hàng bột cám mì Công ty T mua bán thật, T đã lấy được một số lượng lớn bột cám mì khác ra khỏi kho Công ty I (dưới danh nghĩa Công ty T) để chiếm đoạt. Đồng thời, để che giấu số tiền bán hàng chiếm đoạt được, T còn nói dối Ban Lãnh đạo Công ty I là Công ty T đang gặp khó khăn trong kinh doanh, chưa có tiền để thanh toán ngay số lượng hàng bột cám mì vừa mua, nhưng do Công ty T là khách hàng có uy tín lâu năm nên cần gia hạn kéo dài việc trả nợ cho công ty T và phải tiếp tục bán hàng cho Công ty T. Mặt khác, T nói dối với Ban Lãnh đạo I và nhân viên kế toán là hóa đơn VAT mua hàng và các bản đối chiếu công nợ mà Công ty I gửi qua đường bưu điện cho Công ty T thường hay bị thất lạc, nên T sẽ trực tiếp nhận tại Kế toán Công ty hoặc tại kế toán kho hàng rồi giao lại cho Công ty T, nhưng thực tế T giữ lại toàn bộ số hóa đơn VAT và các bản đối chiếu công nợ này để tránh bị Công ty T phát hiện. Đồng thời, đối với những hóa đơn bán hàng của Công ty I này, T yêu cầu kế toán công ty hoặc kế toán kho hàng ghi hóa đơn xuất bán theo từng lần bán hàng hoặc ghi gộp nhiều ngày xuất hàng trong cùng một hóa đơn. Tin tưởng T nói thật nên tất cả các đề xuất của T đều được ban lãnh đạo Công ty I và nhân viên của các bộ phận kế toán, kho hàng, bảo vệ đồng ý thực hiện theo yêu cầu, không có ai nghi ngờ gì. Còn Công ty T do T quản lý trực tiếp việc mua bán hàng và khi thanh toán tiền cho Công ty I đều phải thông qua T. Vì vậy, mọi người đều tin tưởng T mà không phát hiện hành vi gian dối.

Toàn bộ số hàng bột cám mì chiếm đoạt được, T dùng thủ đoạn tiêu thụ như sau: T nói dối anh Nguyễn Quang T2 (là giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn H, có trụ sở tại tỉnh Thanh Hóa, chuyên kinh doanh mua bán thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm) là T có một số lượng lớn bột cám mì bán với giá nội bộ Công ty, thấp hơn giá bình thường 1kg từ 200 đồng đến 300 đồng, cho một đại lý khách hàng mới thành lập ở tỉnh Quảng Nam, nhưng họ chưa có khách hàng tiêu thụ, nếu Anh T2 có nhu cầu mua sẽ bán lại cho. Anh T2 tin tưởng T nói thật nên đồng ý giới thiệu cho anh ruột mình là ông Nguyễn Quang T3 làm chủ trang trại chăn nuôi lợn tại tỉnh Thanh Hóa (theo Quyết định số 3685/QĐ-UBND ngày 26/12/2014 của chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Thanh Hóa). T thống nhất với Anh T2 về cách thức giao nhận tiền và hàng là: Khi anh T3 muốn mua bao nhiêu bột cám mì thì sẽ điện báo cho Anh T2, rồi Anh T2 sẽ điện báo cho T biết để làm tất cả các thủ tục về xuất hóa đơn và xuất hàng ra khỏi kho của Công ty I. Anh T2 sẽ trực tiếp thuê giúp xe ô tô để chở toàn bộ số hàng cám mì từ kho của Công ty I đến trang trại chăn nuôi lợn của anh T3. Sau khi anh T3 nhận hàng tại trang trại của mình xong sẽ trả chi phí tiền thuê xe trực tiếp cho các lái xe này, rồi anh T3 đến ngân hàng làm lệnh gửi tiền mua bột cám mì, từ tài khoản của anh T3 vào tài khoản cá nhân của T do Anh T2 cho từ trước. Quá trình mua bán, anh T3 hoàn toàn không biết T mà chỉ nhờ Anh T2 giao dịch giúp với T. Khi nào nhận được hàng chở đến thì anh T3 mới thanh toán tiền cho T sau. Vì mua hàng để chăn nuôi lợn hằng ngày nên anh T3 cũng không cần lấy các hóa đơn VAT bán hàng để lưu giữ. Với thủ đoạn này, anh T3 và Anh T2 hoàn toàn không biết số lượng bột cám mì do T chiếm đoạt của Công ty I bán cho mình. Sau khi mua bột cám mì về anh T3 sử dụng toàn bộ để chăn nuôi lợn hết nên cũng không có cơ sở để thu hồi số hàng này trả lại cho Công ty I.

Bằng các thủ đoạn gian dối nêu trên, từ ngày 06/01/2015 đến ngày 24/01/2017, Nguyễn Phúc T đã thực hiện 112 lần chiếm đoạt số lượng 2.323.000 kg bột cám mì của Công ty I

Đến đầu tháng 02/2017, Công ty I thấy số tiền nợ của Công ty T quá lớn, nên làm việc trực tiếp với Công ty T để đối chiếu công nợ thì phát hiện ra hành vi gian dối của Nguyễn Phúc T. Ngày 16/02/2017, Công ty I làm đơn tố cáo gửi Cơ quan Công an tỉnh Thừa Thiên Huế (kèm theo toàn bộ chứng từ, tài liệu chứng minh).

Ngày 02/8/2017, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định trưng cầu định giá tài sản qua hồ sơ số 02. Tại bản kết luận định giá tài sản số 2189 ngày 23/8/2017, Hội đồng định giá tài sản trong Tố tụng hình sự tỉnh Thừa Thiên Huế xác định 2.323.000 kg bột cám mì, tại thời điểm chiếm đoạt có giá trị là 10.951.700.000 đồng.

Như vậy, Nguyễn Phúc T đã chiếm đoạt của Công ty I 2.323.000 kg bột cám mì có giá trị là 10.951.700.000 đồng. Sau đó, T bán cho anh Nguyễn Quang T3 được số tiền là 9.632.600.000 đồng. Anh T3 đã 64 lần đến Ngân hàng X (X) và 04 lần đến Ngân hàng Y chuyển tiền vào tài khoản của T tại Ngân hàng Zsố 14022878542025 (Ngân hàng Z), để thanh toán đầy đủ số tiền mua hàng bột cám mì là 9.632.600.000 đồng. Sau đó, T rút ra toàn bộ sử dụng để trả tiền chơi cá độ bóng đá và tiền vay nặng lãi hết cho các đối tượng (đều không rõ họ tên thật và địa chỉ, số điện thoại liên lạc) gồm:

- Ông T1 2.500.000.000 đồng.

- Ông H 2.700.000.000 đồng.

- Bà V 3.200.000.000 đồng.

- Bà V (khác) 300.000.000 đồng.

- Bà G 300.000.000 đồng.

- Trả cho một số người khác (cũng không nhớ rõ họ tên và địa chỉ) 632.600.000 đồng.

Quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã thu giữ gồm:

1. Ngày 10/8/2017, thu giữ của Nguyễn Phúc T một túi niêm phong đựng các loại giấy tờ, tài liệu. Ngày 16/11/2017, Cơ quan điều tra đã tiến hành mở niêm phong kiểm tra các loại giấy tờ, tài liệu này thấy không liên quan đến vụ án, nên ngày 09/3/2018 ra Quyết định xử lý vật chứng số 01/PC46 bằng hình thức trả lại cho T (bà Nguyễn Thị Minh Trang là vợ của T nhận thay theo giấy ủy quyền do T viết ngày 16/11/2017).

- Ngày 22/3/2018, thu giữ của bà Nguyễn Thị Minh Trang (vợ của bị cáo T) nộp 10.000.000 đồng (mười triệu đồng chẵn) để bồi thường thay cho T.

2. Thu giữ các tài liệu của Công ty I:

- 52 tờ hóa đơn GTGT (bản gốc) (T khai đã làm mất 01 tờ hóa đơn số 0009096), 54 tờ hóa đơn GTGT (bản sao) và 87 Bản đối chiếu công nợ (bản gốc) của Công ty I xuất bán hàng cho Công ty TNHH T bị T chiếm đoạt, cất giữ ở nhà riêng của mình. Sau khi bị Công ty I phát hiện vào tháng 02/2017 thì T nộp lại cho Công ty I, Công ty I nộp lại cho Cơ quan điều tra.

- Bản sao 54 tập hồ sơ xuất hàng gồm: Hóa đơn GTGT, Lệnh xuất kho, Phiếu cân xe đối với 2.323.000 kg hàng bột cám mỳ và các sổ ghi chép theo dõi việc xuất hàng tại kho của Công ty I tại thành phố Đà Nẵng và thành phố Bà Rịa- Vũng Tàu.

- Bản sao tập thư điện tử Nguyễn Phúc T tự ý viết và gửi cho các cá nhân làm việc tại Công ty I Việt Nam xin cấp thêm bột cám mì cho Công ty T.

- Bản sao giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh của Công ty I, giấy tờ chứng nhận chức vụ của Nguyễn Phúc T, chức vụ của các Giám đốc phụ trách tài chính, kinh doanh của công ty I, các giấy tờ ủy quyền tham gia tố tụng trong vụ án của Công ty I.

- Chính sách tín dụng của Công ty I.

- Bản sao lý lịch cá nhân, chứng minh nhân dân, hộ khẩu và thư giới thiệu của Nguyễn Phúc T cho Công ty I.

- Bản sao đơn đặt hàng; Hợp đồng phân phối hàng hóa của Công ty I cho Công ty T.

3. Thu giữ một số tài liệu của Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên T gồm:

- Bản sao Giấy phép kinh doanh, các bản sao bản đối chiếu công nợ giữa Công ty T với Công ty I.

- Các bản sao bản đối chiếu công nợ giữa Công ty T với Công ty H.

- 02 hợp đồng kinh tế giữa Công ty T và Công ty H (bản sao).

4. Thu giữ một số tài liệu của Công ty TNHH H do ông Nguyễn Quang T2 làm Giám đốc gồm: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hai hợp đồng kinh tế ngày 01/01/2015 và 02/01/2016 ký với Công ty T, các hóa đơn GTGT, Lệnh chi tiền, tờ khai thuế GTGT, các danh sách hàng hóa mua vào, báo cáo tài chính của Công ty H tại kỳ thuế các năm 2014, 2015, 2016 (bản sao).

5. Thu giữ của ông Nguyễn Quang T3 một số tài liệu gồm: Bản sao Quyết định số 3865 ngày 26/12/2014 của Ủy ban nhân dân huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho phép ông Nguyễn Quang T3 chăn nuôi lợn trang trại, các bảng kê chuyển tiền cho Nguyễn Phúc T năm 2015, 2016, 2017. Các bản gốc Lệnh chi tiền tại Ngân hàng X (X) cho Nguyễn Phúc T từ ngày 11/11/2015 đến ngày 19/01/2017.

6. Thu giữ tại Ngân hàng cổ phần công thương Việt Nam chi nhánh tỉnh Thanh Hóa (X) gồm: Bản sao các Lệnh chi tiền từ tại khoản của anh Nguyễn Quang T3 vào tài khoản của Nguyễn Phúc T số 14022878542025 tại Ngân hàng Z chi nhánh Huế.

7. Thu giữ tại Ngân hàng Y gồm: Bản sao các Lệnh chuyển tiền từ tài khoản của anh Nguyễn Quang T3 vào tài khoản của Nguyễn Phúc T, bản gốc sổ phụ tài khoản tiền gửi của ông Nguyễn Quang T3 từ ngày 01/01/2015 đến ngày 24/11/2017 của Ngân hàng Y chi nhánh Thanh Hóa đến tài khoản của Nguyễn Phúc T số 14022878542025 tại Ngân hàng Z chi nhánh Huế.

8. Thu giữ tại Ngân hàng (Z) gồm: Bảng sao bảng kê các đợt chuyển tiền của anh Nguyễn Quang T3 vào tài khoản của Nguyễn Phúc T số 14022878542025 tại Ngân hàng Z chi nhánh Huế. Sổ phụ kiêm giấy báo nợ/có của khách hàng Nguyễn Phúc T tại Ngân hàng Z chi nhánh Huế từ ngày 01/10/2014 đến ngày 06/02/2017. Các giấy chuyển tiền đều thể hiện T đã nhận đủ số tiền anh T3 chuyển là 9.632.600.000 đồng.

Về vật chứng của vụ án: Toàn bộ giấy tờ, tài liệu cơ quan điều tra đã thu giữ hiện đang lưu giữ trong hồ sơ vụ án. Ngày 29/5/2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ra Quyết định số 08 chuyển vật chứng là số tiền 10.000.000 đồng (Theo biên bản cơ quan điều tra đã thu giữ gửi tại Kho bạc nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế) đến Cơ quan Thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế để phục vụ công tác xét xử và thi hành án.

Với nội dung trên tại bản án hình sự sơ thẩm số 33/2018/HS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2018 của tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định: Tuyên bố bị cáo Nguyễn Phúc T phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng Điểm a, Khoản 4, Điều 139 năm 1999; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điểm c Khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Phúc T 16 (mười sáu) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giam 10/08/2017.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về trách nhiệm dân sự, xử lý tang vật và quyền kháng cáo.

Ngày 24 tháng 9năm 2018 Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có kháng nghị số 1647/QĐ –KNPT- P3 kháng nghị bản án nêu trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tại phiên tòa phúc thẩm hôm nay, Viện Kiểm sát vẫn giữ nguyên quyết định kháng nghị và đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng nghị, xử tăng hình phạt đối với bị cáo.

Luật sư bào chữa cho bị cáo đề nghị hội đồng xét xử giữ nguyên quyết định án sơ thẩm.

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ có tại hồ sơ vụ án, lời khai nhận của bị cáo, ý kiến người bào chữa và kết quả tranh luận tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét đánh giá khách quan toàn diện và đầy đủ chứng cứ. Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Trong khoảng thời gian từ ngày 06/01/2015 đến ngày 24/01/2017, lợi dụng mình là Trưởng phòng kinh doanh khu vực miền Trung, bị cáo Nguyễn Phúc T đã sử dụng các thủ đoạn gian dối như: Lợi dụng khi Công ty T đặt mua hàng bột cám mì, T tự ý đặt mua thêm một khối lượng lớn khác với danh nghĩa của Công ty T, hoặc T gửi thư điện tử đến Ban Giám đốc Công ty I xin thêm hạn mức mua bột cám mì cho Công ty T với nhiều lý do khác nhau (nhưng trên thực tế Công ty T không có nhu cầu). Sau đó, T trực tiếp liên hệ với nhân viên phân phối hàng hóa và bộ phận kho hàng của Công ty I để cung cấp các thông tin gian dối, yêu cầu xuất hàng cho Công ty T (kèm theo hóa đơn bán hàng). Đồng thời, để che giấu số tiền bán hàng chiếm đoạt được, T còn nói dối Ban Lãnh đạo Công ty I là Công ty T đang gặp khó khăn trong kinh doanh, chưa có tiền để thanh toán ngay số lượng hàng bột cám mì vừa mua, nhưng do Công ty T là khách hàng có uy tín lâu năm nên cần gia hạn kéo dài việc trả nợ cho Công ty T và phải tiếp tục bán hàng cho Công ty T. Mặt khác, T nói dối với Ban Lãnh đạo I và nhân viên kế toán là hóa đơn VAT mua hàng và các bản đối chiếu công nợ mà Công ty I gửi qua đường bưu điện cho Công ty T thường hay bị thất lạc, nên T sẽ trực tiếp nhận tại Kế toán Công ty hoặc tại kế toán kho hàng rồi giao lại cho Công ty T, nhưng thực tế T giữ lại toàn bộ số hóa đơn VAT và các bản đối chiếu công nợ này để tránh bị Công ty T phát hiện. Với những thủ đoạn này, bị cáo T đã thực hiện liên tục 112 lần chiếm đoạt số lượng 2.323.000kg bột cám mì của Công ty I, qua định giá có giá trị là 10.951.700.000 đồng. Thông qua ông Nguyễn Quang T2, giám đốc Công ty TNHH H, bị cáo T đã bán toàn bộ số bột cám mì chiếm đoạt được cho anh trai ông Tùng là ông Nguyễn Quang T3, chủ trại chăn nuôi lợn ở huyện triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa với giá rẻ hơn giá bán của Công ty I lấy 9.632.600.000 đồng tiêu xài cá nhân.

Nguyễn Phúc T bị Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế xử phạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 139 của Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, có căn cứ pháp luật.

[2] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát; Hội đồng xét xử xét thấy. Bị cáo chiếm đoạt tài sản trong một thời gian dài. Hành vi của bị cáo thể hiện sự táo bạo, liều lĩnh, xem thường kỷ cương pháp luật. Bị cáo lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao là Trưởng phòng kinh doanh của Công ty I để đưa ra các thông tin gian dối đối với Lãnh đạo và nhân viên I nhằm chiếm đoạt tài sản, nên đã phạm vào tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội” quy định tại c khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự. Tài sản chiếm đoạt là đặc biệt lớn (10.951.700.000 đồng) nhưng khắc phục thiệt hại số tiền rất ít (10.000.000 đồng). Án sơ thẩm xử phạt bị cáo mức án 16 năm tù là chưa nghiêm khắc chưa đáp ứng cuộc đấu tranh phòng ngừa tội phạm trong tình hình hiện nay. Do vậy kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là có căn cứ đúng pháp luật.

Vì các lẽ nêu trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Chấp nhận kháng nghị số: 1647/QĐ –KNPT- P3 ngày 24 tháng 9 năm 2018 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Sửa một phần quyết định về hình phạt của bản án hình sự sơ thẩm số: 33/2018/HS-ST ngày 11 tháng 9 năm 2018 của Tòa án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế.

Áp dụng Điểm a, Khoản 4, Điều 139 năm 1999; Điểm b, s Khoản 1, Khoản 2 Điều 51; Điểm c Khoản 1 Điều 52 của Bộ luật hình sự năm 2015;

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Phúc T 17 (mười bảy) năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt tạm giam 10/08/2017.

Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, và không bị kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

543
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 272/2018/HS-PT ngày 19/11/2018 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:272/2018/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về