Bản án 27/2020/HNGĐ-ST ngày 29/09/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN THỐNG NHẤT – TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 27/2020/HNGĐ-ST NGÀY 29/09/2020 VỀ LY HÔN, TRANH CHẤP NUÔI CON KHI LY HÔN

Ngày 29 tháng 9 năm 2020 tại Hội trường A Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 232/2020/TLST - HNGĐ ngày 23 tháng 6 năm 2020 về việc: “Ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 21/2020/QĐXXST- HNGĐ ngày 26 tháng 8 năm 2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 45/2020/QĐST – HNGĐ ngày 15/9/2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà T – sinh năm: 1973; Trú tại: ấp PN, xã GT3, huyện TN, tỉnh Đồng Nai. (Vắng mặt)

2. Bị đơn: Ông M – sinh năm: 1972; Nơi đăng ký thường trú : ấp PN, xã GT3, huyện TN, tỉnh Đồng Nai; Nơi hiện đang cư trú: ấp TN, xã GK, huyện TN, tỉnh Đồng Nai. (Vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Ti đơn khởi kiện đề ngày 17 tháng 6 năm 2020 và trong quá trình giải quyết, nguyên đơn bà T trình bày:

Bà và ông M tìm hiểu nhau khoảng 2 năm thì kết hôn với nhau, việc kết hôn là tự nguyện, đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã QT, huyện TN, tỉnh Đồng Nai vào ngày 18/5/1996, số đăng ký kết hôn số 41.

Trong quá trình chung sống vợ chồng xảy ra rất nhiều mâu thuẫn, xung đột với nhau. Kể từ khi kết hôn với ông M cho đến nay chưa ngày nào bà cảm thấy được hạnh phúc và bình yên, do vợ chồng liên tục cải vã. Khi các con còn nhỏ ông M thường đánh đập bà, có những lúc bà phải đi khâu đầu. Trong hơn 20 năm chung sống bà liên tục bị bạo hành, đánh đập nhưng bà đều nhịn nhục bỏ qua rất nhiều lần vì nghĩ đến việc gìn giữ gia đình để các con có cha mẹ đầy đủ. Nhưng đến nay ông M vẫn không hề thay đổi. Việc vợ chồng xảy ra mâu thuẫn, ông M bạo hành liên tục đối với bà đã ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển bình thường của các con, làm các cháu không thể tập trung trong việc học hành. Nay bà muốn Tòa án giải quyết cho bà được ly hôn với ông M để bà và các con cũng được giải thoát, để có được cuộc sống yên bình và ổn định.

Về con chung: Bà và ông M có 3 con chung là TU– sinh ngày 01/10/1997; A – sinh ngày 24/9/2003; P – sinh ngày 19/02/2005. Khi ly hôn bà T yêu cầu được trực tiếp nuôi A và P. Đối với cháu TU đã thành niên và có khả năng lao động tự nuôi sống bản thân nên bà không có yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về cấp dưỡng nuôi con chung: Bà T không yêu cầu.

Về nợ, về tài sản: Theo bà T là không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Bị đơn ông M mặt dù đã được Tòa án tống đạt hợp lệ Thông báo thụ lý vụ án, giấy triệu tập, thông báo phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, còn khai chứng cứ và hòa giải; thông báo hòa giải; quyết định xét xử, quyết định hoãn phiên tòa nhưng ông đều vắng mặt. Tại biên bản lấy lời khai ngày 04/8/2020 ông M có lời khai trình bày:

Ông M thừa nhận ông và bà T là vợ chồng, có đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật, đăng ký tại UBND xã QT vào ngày 18/5/1996. Quá trình chung sống vợ chồng vẫn hạnh phúc không xảy ra mâu thuẫn gì cả. Tuy nhiên khoảng tháng 7 năm 2020 ông phát hiện bà T thường xuyên nấu cơm mang đi cho người khác, mặc dù ông đã nhắc nhở nhiều lần nhưng bà T không nghe, ông hỏi nấu cơm cho ai thì bà T không trả lời. Do có hỏi nhiều lần nhưng bà T vẫn không nói nên ông có lớn tiếng đòi đập bếp thì bà T đã dọn hết đồ đi ra ngoài sinh sống. Không biết lý do tại sao nhưng cách đây một năm rưỡi vợ chồng đã sống ly thân nhau. Từ ngày bà T dọn đồ ra ngoài ở đến nay vợ chồng không liên lạc với nhau. Ông M nhận thấy mâu thuẫn vợ chồng không lớn, ông còn thương vợ, ngoài ra ông là người theo đạo Thiên Chúa nên không đồng ý ly hôn.

Về con chung: ông M thừa nhận vợ chồng có 3 con chung là TU– sinh ngày 01/10/1997; A – sinh ngày 24/9/2003; P – sinh ngày 19/02/2005. Trường hợp vợ chồng ly hôn thì tùy các con, do các con chung là con gái nên ông không có yêu cầu trực tiếp nuôi dưỡng, ông đồng ý giao con cho bà T trực tiếp nuôi con chung.

Về cấp dưỡng nuôi con chung: Ông không cấp dưỡng nuôi con chung.

Về nợ, về tài sản: Theo ông M là không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

* Quá trình giải quyết vụ án con chung của bà T, ông M trình bày:

Cháu P trình bày: Hiện đang sống chung với mẹ, trường hợp cha mẹ không sống chung nữa thì cháu có nguyện vọng được sống chung với mẹ, vì cháu có tình cảm và thân thiết với mẹ hơn, ba không chăm sóc con tốt bằng mẹ.

Cháu A trình bày: Trường hợp cha mẹ không sống chung nữa thì cháu có nguyện vọng được sống chung với mẹ, vì trước giờ chỉ có mẹ là người yêu thương và chăm sóc cho cháu nhất.

* Theo biên bản xác M ngày 04/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất, xác M về tình trạng hôn nhân, nguyên nhân phát sinh tranh chấp giữa bà T, ông M: Tại công an phụ trách ấp TK vào ngày 04/8/2020, cho biết không nắm rõ được mâu thuẫn do ông, bà không báo cho địa phương biết. Tại Hội phụ nữ xã GK cho biết, hội phụ nữ không nắm được mâu thuẫn của vợ chồng T, M do đương sự không báo cho hội phụ nữ biết. Tại biên bản xác M ngày 04/8/2020, trưởng ấp Tây Nam có biết bà T và ông M có xảy ra mâu thuẫn, khoảng 3 tháng nay bà T không sống chung cùng nhà với ông M, còn nguyên nhân cụ thể vì sao mâu thuẫn thì ban ấp không biết do đương sự không báo cho ban ấp biết.

* Quá trình giải quyết vụ án Tòa án có thu thập lời khai của người làm chứng là TI – mẹ đẻ của bà T: Bà TI trình bày do không sống chung nhà nên không nắm rõ được mâu thuẫn giữa vợ chồng T và M. Nhưng bà cũng thường nghe T kể lại về mâu thuẫn của vợ chồng, cũng đã nhiều lần bà khuyên giải nhưng giữa vợ chồng T, M không có sự thay đổi.

* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát: Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: nguyên đơn, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa thực hiện đúng quy định pháp luật tố tụng.

Về việc giải quyết tranh chấp: đề nghị chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của bà T; giao con chung A và P cho bà T được trực tiếp nuôi dưỡng, về cấp dưỡng: không đặt ra xem xét do đương sự chưa yêu cầu; Về chia tài sản không đặt ra xem xét; Bà T phải chịu án phí theo quy định.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phân tích, đánh giá, nhận định đầy đủ, khách quan về các tình tiết của vụ án như sau:

[1] Về tố tụng:

[1.1] Nguyên đơn bà T khởi kiện ly hôn, tranh chấp về nuôi con khi ly hôn, bị đơn ông M hiện đang sinh sống tại ấp TN, xã G, huyện TN, tỉnh Đồng Nai nên vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai theo quy định tại khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35 và điểm a khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[1.2] Ông M đã được triệu tập xét xử hợp lệ đến lần thứ hai nhưng vẫn vắng mặt tại phiên tòa, không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên Hội đồng xét xử căn cứ điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự tiến hành xét xử vắng mặt ông M.

[1.3] Nguyên đơn bà T vắng mặt tại phiên tòa, nhưng có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt nên căn cứ vào Điều 228 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[2] Về nội dung:

[2.1] Bà T, ông M sau khi tìm hiểu đã tự nguyện kết hôn, có đăng ký kết hôn theo quy định tại Ủy ban nhân dân xã QT, huyện TN, tỉnh Đồng Nai vào ngày 18/5/1996, số đăng ký kết hôn số 41, thời điểm kết hôn bà T và ông M đủ độ tuổi kết hôn theo quy định pháp. Căn cứ vào Điều 131 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014, áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập là các Điều 5, 6, 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có căn cứ để xác định hôn nhân giữa bà T và ông M có giá trị pháp lý, được pháp luật tôn trọng và bảo vệ.

[2.2] Sau khi thụ lý, Tòa án đã thực hiện việc cấp, tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho ông M để ông M thực hiện quyền, nghĩa vụ của ông M nhưng ông M đều vắng mặt.

[2.3] Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình vợ chồng có nghĩa vụ thương yêu, chung thủy, tôn trọng, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ, thực hiện các công việc trong gia đình. Vợ chồng có nghĩa vụ sống chung với nhau, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác hoặc do yêu cầu của nghề nghiệp. Qua lời khai của bà T được ông M thừa nhận, theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự quy định những tình tiết sự kiện không phải chứng M. Có căn cứ xác định vợ chồng đã vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, cụ thể: Vợ chồng đã vi phạm nghĩa vụ sống chung, bà T đã tự dọn đồ ra ngoài ở vào tháng 7/2020. Trước khi dọn đi mặc dù vợ chồng vẫn ở chung nhà nhưng cách đó khoảng 18 tháng vợ chồng sống ly thân nhau. Sau khi bà T dọn đồ ra ngoài ở, vợ chồng không qua lại thăm nom, chăm sóc gì đến nhau, ông M cũng không có sự quan tâm chăm sóc gì đến bà T, bà T cũng bỏ mặc ông M sống ra sao thì sống. Cho đến khi bà T nộp đơn ly hôn, được Tòa án thụ lý giải quyết đến nay đã hơn 6 tháng nhưng trong suốt quá trình Tòa án thụ lý, giải quyết ông M không đến Tòa án làm việc, qua đó cho thấy ông M không quan tâm đến yêu cầu, tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của vợ, để mặc cho bà T muốn làm sao thì làm. Tòa án tổ chức hòa giải nhưng ông M đều vắng mặt, qua đó cho thấy không có thiện chí muốn đoàn tụ gia đình. Tại biên bản xác M ngày 04/8/2020, trưởng ấp Tây Nam có biết bà T và ông M có xảy ra mâu thuẫn, khoảng 3 tháng nay bà T không sống chung cùng nhà với ông M. Từ những phân tích trên có căn cứ để kết luận vợ chồng đã vi phạm nghiêm trọng quyền và nghĩa vụ của vợ chồng, làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không còn, mục đích hôn nhân không đạt được, Tòa án cũng đã tiến hành hòa giải nhưng không được nên căn cứ vào Điều 56 Luật hôn nhân và gia đình Hội đồng xét xử nhận thấy yêu cầu ly hôn của bà T là có căn cứ, cần chấp nhận cho bà T được ly hôn.

[2.4] Xem xét yêu cầu được trực tiếp nuôi con chung của bà T: Bà T và ông M có 3 con chung là TU – sinh ngày 01/10/1997; A – sinh ngày 24/9/2003; P – sinh ngày 19/02/2005.

Trong đó cháu T đã thành niên và có khả năng lao động nên bà T không có yêu cầu gì.

Bà T yêu cầu được trực tiếp nuôi con chung là A, P, hai cháu đều có nguyện vọng được ở trực tiếp với mẹ. Ông M cũng đồng ý giao hai con chung cho bà T trực tiếp nuôi dưỡng. Nên có căn cứ chấp nhận yêu cầu của bà T, giao cho bà T được trực tiếp nuôi A – sinh ngày 24/9/2003; P – sinh ngày 19/02/2005.

[2.5] Về cấp dưỡng nuôi con chung: Bà T không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

Tuy nhiên theo quy định tại Điều 107; Điều 110, Điều 116 của Luật hôn nhân và gia đình thì bà có quyền tự thỏa thuận với ông M về việc cấp dưỡng nuôi con chung, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định.

[2.6] Về nợ, về tài sản chung của vợ chồng: Bà T không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét, giải quyết.

[3] Bà T là nguyên đơn trong vụ án này nên phải chịu án phí dân sự sơ thẩm.

[4] Các bên đương sự được quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

[5] Xét đề nghị của Viện kiểm sát về đường lối giải quyết vụ án là phù hợp nhận định trên của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 92; khoản 4 Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228, Điều 235 và Điều 266; 273 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Điều 5, 6, 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 1986;

- Điều 19, 56, 57, 81, 82, 83, 107; 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014;

- Điểm a khoản 5 Điều 27 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14.

2. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Hoàng Thị Trinh T

- Về quan hệ hôn nhân: Cho ly hôn giữa bà T và ông M.

- Về người trực tiếp nuôi con chung: Giao cho bà T được trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung A – sinh ngày 24/9/2003 và P – sinh ngày 19/02/2005.

- Về cấp dưỡng nuôi con chung: Bà T không yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Về tài sản chung, nợ chung: Bà T không yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn:

Ông M không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với mẹ, có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con. (Theo Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình) Bà T trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu người không trực tiếp nuôi con thực hiện nghĩa vụ theo quy định tại Điều 82 Luật hôn nhân và gia đình; yêu cầu người không trực tiếp nuôi con cùng các thành viên gia đình tôn trọng quyền được nuôi con của mình; bà T và gia đình không được cản trở ông M thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

4. Về nghĩa vụ chịu án phí: Bà T phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp là 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai số 0006065 ngày 18/6/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Bà T đã nộp đủ án phí.

5. Về quyền kháng cáo: Bà T, ông M được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, tính từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết theo quy định pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

157
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 27/2020/HNGĐ-ST ngày 29/09/2020 về ly hôn, tranh chấp nuôi con khi ly hôn

Số hiệu:27/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Thống Nhất - Đồng Nai
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 29/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về