TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 239/2020/DS-PT NGÀY 04/11/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY VÀ NỢ HỤI
Ngày 04 tháng 11 năm 2020 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Cà Mau xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 243/2020/TLPT-DS ngày 18 tháng 9 năm 2020 về việc tranh chấp hợp đồng vay và nợ hụi.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 92/2020/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 218/2020/QĐ-PT ngày 06 tháng 10 năm 2020 giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Phạm Thu H, sinh năm 1985 (Có mặt):
Địa chỉ: Số 61B, đường Tr, khóm 4, phường 8, thành phố C, tỉnh C.
Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền bà H: Ông Trương L2, sinh năm 1981; địa chỉ: Số 20, đường Nguyễn Bình, ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau (Có mặt).
- Bị đơn: Bà Nguyễn Chăm L1, sinh năm 1987 (Có mặt):
Địa chỉ: Ấp H, xã T, huyện C, tỉnh C ..
Tạm trú: Ấp Th, xã L, thành phố C, tỉnh C.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Ông Nguyễn Văn N, sinh năm 1987 (Vắng mặt):
Địa chỉ: Ấp P, xã P, huyện C, tỉnh C ..
- Người kháng cáo: Bà Phạm Thu H, là nguyên đơn.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Theo đại diện của nguyên đơn trình bày:
Bà Phạm Thu H có cho bà Nguyễn Chăm L1 vay tiền và tham gia hụi nhiều lần, cụ thể như sau:
Đối với tiền vay:
+ Lần 1: Vào ngày 18/10/2018 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 5.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1 đóng lãi đến hết 17/8/2019 thì không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 18/8/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm bà L1 còn nợ vốn là 5.000.000 đồng, lãi 915.000 đồng.
+ Lần 2: Vào ngày 18/11/2018 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 7.500.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1 đóng lãi đến hết tháng 7/2019 thì không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 18/8/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm bà L1 còn nợ vốn là 7.500.000 đồng, lãi 1.372.000 đồng.
+ Lần 3: Vào ngày 22/12/2018 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 8.500.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1 đóng lãi đến hết tháng 7/2019 thì không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 22/8/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm còn nợ vốn là 8.500.000 đồng, lãi 1.536.000 đồng.
+ Lần 4: Vào ngày 22/01/2019 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 13.770.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1 đóng lãi đến hết tháng 7/2019 thì không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 22/8/2019 cho đến ngày xét xử sơ thẩm còn nợ vốn là 13.770.000 đồng, lãi 2.489.000 đồng.
+ Lần 5: Vào ngày 24/02/2019 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 9.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1 đóng lãi đến hết tháng 7/2019 thì không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 24/8/2019 đến ngày xét xử còn nợ vốn là 9.000.000 đồng, lãi 1.617.000 đồng.
+ Lần 6: Vào ngày 13/09/2019 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 11.370.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 13/9/2019 đến ngày xét xử còn nợ vốn là 11.370.000 đồng, lãi 1.894.000 đồng.
+ Lần 7: Vào ngày 11/11/2019 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 17.270.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1 không đóng lãi và trả vốn. Tính từ ngày 11/11/2019 đến ngày xét xử còn nợ vốn là 17.270.000 đồng, lãi 2.356.000 đồng + Lần 8: Vào ngày 21/4/2019 dl, bà L1 hỏi vay số tiền 3.000.000 đồng, lãi suất thỏa thuận 20%/năm. Quá trình vay, bà L1, ông N ký vào biên nhận. Tính từ ngày 21/4/2019 đến ngày xét xử còn nợ vốn là 3.000.000 đồng, lãi 744.000 đồng.
Đối với nợ hụi: Bà H có mở nhiều dây hụi do bà làm chủ hụi, có cho bà L1 tham gia nhiều chưng, không tranh chấp nhưng có hai chưng đã hốt cụ thể như sau:
+ Hụi mở ngày 4/02/2019 loại hụi 1.000.000 đồng, gồm 21 chưng, tháng khui 01 lần, đến tháng 10 năm 2020 mãn, bà Chăm L1 hốt ở kỳ đầu với số tiền 13.500.000 đồng, bà H đã giao đủ tiền hụi cho bà L1. Bà L1 đã đóng hụi đến hết tháng 7/2019 thì ngưng đóng hụi. Tính từ tháng 8/2019 đến tháng 12/2019 bà L1 còn nợ lại 5 kỳ hụi chết với số tiền 5.000.000 đồng, lãi chậm đóng là 783.000 đồng.
+ Hụi mở ngày 4/08/2018, loại hụi 1.000.000 đồng, gồm 30 chưng, tháng khui 01 lần, mãn hụi vào tháng 9/2020, bà L1 hốt ngày 13/4/2019 số tiền 20.730.000 đồng, bà H đã giao đủ tiền hụi. Bà L1 đã đóng hụi đến hết tháng 7/2019 thì ngưng đóng hụi. Tính từ tháng 8/2019 đến ngày xét xử bà L1 còn nợ lại 5 kỳ hụi chết với số tiền 5.000.000 đồng, lãi chậm đóng là 973.000 đồng.
Tại phiên tòa sơ thẩm, Nguyên đơn yêu cầu bị đơn đóng hụi chết đến tháng 12/2019 không yêu cầu đến ngày xét xử. Tổng số tiền bà H yêu cầu bà Chăm L1 cùng với ông N phải có nghĩa vụ thanh toán nợ cho bà H tiền hụi và tiền vay còn nợ là 99.899.000 đồng. Trong đó: số tiền nợ gốc là 85.410.000 đồng, nợ lãi 14.489.000 đồng.
- Theo bà Nguyễn Chăm L1 trình bày:
Bà Chăm L1 thừa nhận có việc vay tiền và ký biên nhận nợ như lời nguyên đơn trình bày. Sau mỗi lần vay tiền bà có ký biên nhận nợ cho bà H. Do việc giao dịch vay của bà và bà H nhiều nên bà không nhớ được tổng số tiền vay, thời gian vay và số tiền đã thanh toán. Trong quá trình vay, bà có tham gia chơi hụi do bà H làm chủ hụi đúng như bà H trình bày. Do hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nên bà đã hốt hai chưng hụi 1.000.000 đồng để trừ nợ vay cho bà H. Theo nội dung giấy tính tiền hốt chưng hụi ngày 13/4/2019, bà H đã viết giấy giao cho bà, sau khi trừ đi tất cả các khoản tiền bà thiếu nợ vay, bà H còn trả lại cho bà số tiền 4.480.000 đồng. Bà đã trả hết tiền nợ vay nhưng bà H không có trả lại biên nhận nợ cho bà. Sau đó, do hoàn cảnh gặp nhiều khó khăn nên bà chỉ đóng hụi cho bà H đến tháng 9/2019 thì ngưng không đóng nữa. Tính đến ngày 11/11/2019 bà thừa nhận còn nợ tiền hụi của bà H tổng số tiền 17.270.000 đồng. Bà Chăm L1 xác định bà là người trực tiếp vay tiền và tham gia chơi hụi của bà H, không liên quan đến ông N. Nay bà đồng ý thanh toán cho bà H số tiền hụi còn nợ 17.270.000 đồng và tiếp tục thanh toán tiền hụi chết theo kỳ cho bà H.
- Theo ông Nguyễn Văn N trình bày:
Ông và bà Chăm L1 là vợ chồng, có đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước. Trong thời gian chung sống vợ chồng phát sinh mâu thuẫn nên không sống chung hơn 01 năm. Hiện tại ông về huyện Cái Nước sinh sống nhưng vẫn chưa ly hôn. Trong thời gian làm tại Công ty Minh Phú, ông có biết bà Chăm L1 có vay số tiền 6.000.000 đồng đã thanh toán xong cho bà H. Việc vay tiền chỉ thỏa thuận miệng không làm hợp đồng. Ông cũng có tham gia chơi hụi 500.000 đồng do bà L1 làm chủ hụi nhưng thời gian quá lâu không nhớ. Khoảng năm 2019, bà H có đến nhà đòi tiền hụi và tiền vay nên giữa ông, bà H, bà Chăm L1 xảy ra tranh chấp. Ông xác định không có nợ hụi và nợ vay của bà H, nên không đồng ý trả nợ theo yêu cầu của bà H.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số:92/2020/DS-ST ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân thành phố Cà Mau QUYẾT ĐỊNH
- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thu H buộc bà Nguyễn Chăm L1 và ông Nguyễn Văn N thanh toán cho bà H tổng số nợ hụi là 21.119.000 đồng.
- Không chấp nhận yêu cầu của bà Phạm Thu H số tiền vay vốn và lãi 88.333.000 đồng.
Ngoài ra, án sơ thẩm còn tuyên về lãi suất chậm trả, án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
Ngày 04/8/2020, bà Phạm Thu H có đơn kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà H.
Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Trương L2 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo của bà H.
Phần tranh luận tại phiên toà: Các đương sự không có ý kiến tranh luận.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên toà phát biểu:
Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ án; của Hội đồng xét xử và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng tại phiên tòa đúng quy định pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thu H, giữ nguyên bản án sơ thẩm .
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Nguyên đơn (bà Phạm Thu H) khởi kiện yêu cầu bị đơn (bà Nguyễn Chăm L1) thanh toán khoản tiền vay và tiền hụi còn nợ với tổng số tiền là 99.899.000 đồng (trong đó vốn 85.410.000 đồng, lãi 14.489.000 đồng). Bà Chăm L1 xác định khoản tiền vay đã thanh toán xong, chỉ còn nợ còn nợ bà H tiền hụi 17.270.000 đồng; bà Chăm L1 đồng ý thanh toán cho bà H số tiền hụi còn nợ 17.270.000 đồng và tiếp tục thanh toán tiền hụi chết theo kỳ cho bà H. Xét kháng cáo của bà H, Hội đồng xét xử XÉT THẤY
[2] Đối với yêu cầu nợ vay:
[2.1] Tại phiên tòa, đại diện nguyên đơn cho rằng các lần vay nợ là riêng nhau không nhập lãi thành vốn, do bị đơn có mua đồ sinh hoạt và thiếu nhiều khoảng khác nhau, từ đó nguyên đơn ghi ra tờ giấy nhỏ cho bị đơn xem nếu thống nhất thì nguyên đơn yêu cầu bị đơn ký vào các tờ biên nhận nợ. Còn bị đơn cho rằng các biên nhận nợ trên bị đơn không nhận tiền, chỉ nhận một lần số tiền khoảng 8.000.000 đồng; các biên nhận này do bị đơn vay nguyên đơn số tiền 13.000.000 đồng là tiền vốn, nên vào ngày 04/2/2019 bị đơn hốt chưng hụi loại 1.000.000 đồng được số tiền là 13.500.000 đồng, đã đối trừ với số tiền bị đơn nợ của nguyên đơn, bị đơn còn nợ lại nguyên đơn số tiền là 4.210.000 đồng. Đến ngày 24/2/2019, bị đơn có viết tờ biên nhận vay 9.000.000 đồng cho nguyên đơn, trong đó đã cộng số tiền bị đơn nợ thành 9.000.000 đồng. Đến tháng 4/2019 bị đơn tiếp tục hốt chưng hụi 1.000.000 đồng được số tiền 20.730.000 đồng; nguyên đơn tiếp tục trừ số tiền bị nợ 16.250.000 đồng, bị đơn còn thừa lại số tiền 4.480.000 đồng. Các lần vay trước đã thanh toán xong nhưng nguyên đơn không trả lại biên nhận cho bị đơn. Thời gian này bị đơn phải đóng hụi chết của 02 chưng hụi đã hốt, và 01 chưng hụi sống của ông N chồng bị đơn, nên bị đơn có yêu cầu nguyên đơn đóng hụi dùm; tính đến ngày 11/11/2019 bị đơn và nguyên đơn chốt lại nợ 17.270.000 đồng thành tờ biên nhận.
[2.2] Tại hồ sơ, bị đơn có cung cấp tài liệu chứng cứ là 02 giấy (BL47,48) thể hiện nội dung đối trừ số tiền bị đơn hốt hụi với số tiền bị đơn nợ nguyên đơn, phù hợp với nội dung trình bày của bị đơn. Tại phiên toà, nguyên đơn cũng thừa nhận 02 giấy đối trừ nay do chính nguyên đơn ghi. Mặt khác, tại các văn bản nguyên đơn cung cấp cho Tòa án từ bút lục 134 đến bút lục 151 là các tin nhắn giữa nguyên đơn và bị đơn thì các tin nhắn chỉ thể hiện nguyên đơn đòi bị đơn trả khoản tiền hụi chưa đóng, hoàn toàn không đề cập đến tiền vay. Trong khi đó nếu theo yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thì bị đơn còn nợ nguyên đơn số tiền vay lớn hơn nhiều lần so với số tiền nợ hụi, đồng thời trong tin nhắn của nguyên đơn cho bị đơn có nội dung: Tất cả biên nhận 2 vợ chồng của em là 1 trăm ba mươi mấy triệu đó suy nghĩ kỹ nghe em Chăm Nhẫn.
[2.3] Với các căn cứ nêu trên, có cơ sở chứng minh các khoản tiền vay đến tháng 4/2019 bị đơn đã thanh toán xong cho nguyên đơn, nhưng nguyên đơn không giao trả lại giấy biên nhận cho bị đơn như bị đơn trình bày là có căn cứ.
[3] Đối với yêu cầu nợ hụi:
[3.1] Bị đơn cho rằng do hốt hụi tháng 4/2019 chưa đóng hụi nên tiếp tục nợ và ký xác nhận vào biên nhận ngày 13/9/2019 số tiền 11.370.000 đồng nguyên đơn cùng bị đơn ký tờ biên nhận chốt nợ. Nguyên đơn xác định tờ biên nhận ngày 13/9/2019 là chốt nợ của từng tháng, chứ không phải chốt nợ tiền hụi như bị đơn trình bày. Xét lời trình bày của nguyên đơn, bị đơn thấy rằng: Bị đơn hốt hụi vào tháng 4/2019, nên phải đóng lại hụi chết từ tháng 5 đến tháng 9/2019; nhưng bị đơn không đóng hụi là 5 tháng x 2 chưng x 1.000.000 đồng, tương ứng với số tiền là 10.000.000 đồng. Ngoài ra, bị đơn còn thiếu tiền hụi sống 5 lần x 800.000 đồng (nguyên đơn trình bày bỏ hụi thấp nhất là 200.000 đồng, loại hụi 1.000.000 đồng) bằng 4.000.000 đồng. Tổng cộng bị đơn nợ nguyên đơn số tiền hụi là 14.000.000 đồng; đối trừ với số tiền nguyên đơn nợ bị đơn 4.480.000 đồng, còn lại 9.520.000 đồng; nếu không đóng hụi chết, thì bị đơn phải đóng lãi mỗi tháng 200.000 đồng x 5 lần bằng 1.000.000 đồng, tổng cộng bằng 10.520.000 đồng và tiền lãi hụi chết tương ứng với số tiền 11.370.000 đồng, cho nên phù hợp với biên nhận ngày 13/9/2019. Do đó, có cơ sở xác định biên nhận ngày 13/9/2019 với số tiền 11.370.000 đồng là biên nhận chốt nợ tiền hụi giữa nguyên đơn với bị đơn, chứ không phải là biên nhận nợ tiền vay.
[3.2] Tiếp theo, do bị đơn không có khả năng thanh toán tiền hụi còn nợ cho nguyên đơn, nên tiếp tục ký tờ biên nhận ngày 11/11/2019 với số tiền là 17.270.000 đồng. Cụ thể nợ hụi từ tháng 9 chốt nợ hụi đến tháng 10 không đóng hụi chết nên 02 chưng hụi chết và 01 chưng hụi sống, bằng 2.800.000 đồng, cộng với biên nhận ngày 13/9/2019 bằng 14.170.000 đồng, cùng với việc tính lãi như nguyên đơn đã yêu cầu phù hợp với việc tính số tiền bằng 17.270.000 đồng. Cho nên biên nhận ngày 11/11/2019 là biên nhận chốt nợ hụi đến ngày 11/11/2019. Nếu tính đến tháng 12/2019, thì bị đơn còn phải đóng hụi chết cho nguyên đơn thêm số tiền là 2.000.000 đồng (02 chưng hụi chết x 1.000.000 đồng). Tổng số tiền nợ hụi là 17.270.000 đồng + 2.000.000 đồng = 19.270.000 đồng.
[3.3] Về lãi suất: Thời gian được chấp nhận tính lãi suất từ ngày 11/12/2019 đến ngày xét xử sơ thẩm ngày 17/7/2020 bằng 19.270.000 đồng x 8 tháng 07 ngày x 1,66%/ tháng = 1.849.000 đồng.
[4] Do đó, cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu của nguyên đơn, buộc bị đơn thanh toán tiền nợ hụi bằng số tiền 21.119.000 đồng; không chấp nhận yêu cầu buộc bị đơn thanh toán tiền vay và lãi vay số tiền 88.333.000 đồng là có căn cứ.
[5] Từ phân tích trên, cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thu H, giữ nguyên bản án sơ thẩm như đè nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Cà Mau tham gia phiên tòa là phù hợp.
[6] Án phí dân sự phúc thẩm bà Phạm Thu H phải chịu theo quy định.
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị nên không đặt ra xem xét.
Vì các lẽ trên:
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Không chấp nhận kháng cáo của bà Phạm Thu H.
Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 92/2020/DS-ST ngày 20 tháng7 năm 2020 của Toà án nhân dân thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Phạm Thu H .
Buộc bà Nguyễn Chăm L1 và ông Nguyễn Văn N thanh toán cho bà Phạm Thu H tổng số tiền nợ hụi là 21.119.000 đồng.
Kể từ ngày bà H có đơn yêu cầu thi hành án cho đên khi thi hành xong khoản tiền nêu trên thì hàng tháng bà Chăm L1, ông N còn phải chịu thêm khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.
Không chấp nhận một phần yêu cầu của bà Phạm Thu H về việc buộc bà Nguyễn Chăm L1 và ông Nguyễn Văn N thanh toán cho bà H nợ vay vốn và lãi vay số tiền 88.333.000 đồng.
Án phí dân sự sơ thẩm: Bà Nguyễn Chăm L1 và ông Nguyễn Văn N phải chịu số tiền 1.055.000 đồng. Bà Phạm Thu H phải chịu số tiền 4.417.000 đồng. Ngày 09/01/2020, bà H đã dự nộp số tiền 2.169.000 đồng theo biên lai thu số 0001294 và ngày 03/2/2020 bà H đã dự nộp số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu số 0001351 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau, đối trừ bà H còn phải nộp tiếp số tiền 1.948.000 đồng.
Án phí dân sự phúc thẩm bà Phạm Thu H phải chịu số tiền 300.000 đồng. Ngày 04/8/2020 bà H đã dự nộp số tiền 300.000 đồng theo biên lai thu số 0002249 của Chi cục thi hành án dân sự thành phố Cà Mau được đối trừ chuyển thu án phí.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 239/2020/DS-PT ngày 04/11/2020 về tranh chấp hợp đồng vay và nợ hụi
Số hiệu: | 239/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 04/11/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về