Bản án 23/2017/HS-ST ngày 06/11/2017 về tội giết người

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SÓC TRĂNG

BẢN ÁN 23/2017/HS-ST NGÀY 06/11/2017 VỀ TỘI GIẾT NGƯỜI 

Trong ngày 06 tháng 11 năm 2017, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng tiến hành xét xử công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 24/2017/HSST, ngày 03 tháng 10 năm 2017.

1. Họ và tên bị cáo: Sơn Văn B (Tên gọi khác: L, S), sinh ngày 30/4/1993; Đăng ký hộ khẩu thường trú: ấp P, xã L, huyện T, tỉnh Sóc Trăng; Chỗ ở: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Quốc tịch: Việt Nam; Dân tộc: Khmer; Tôn giáo: Không; Trình độ học vấn: 9/12; Con ông Sơn C (T), sinh năm 1960; con bà Lý Thị Kim S, sinh năm 1969; Anh chị em ruột: có 04 người (lớn nhất sinh năm 1985, nhỏ nhất sinh năm 1998); Tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị bắt từ ngày 02/11/2012, đến ngày 02/3/2013 đưa bị cáo đi bắt buộc chữa bệnh. Đến ngày 31/5/2017 Cơ quan Công an nhận lại đối tượng sau bắt buộc chữa bệnh và tiếp tục giam cho đến nay. (bị cáo có mặt)

2. Người đại diện hợp pháp của bị cáo: Bà Lý Thị Kim S, sinh năm 1969; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng; mẹ bị cáo B (có mặt);

3. Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trần Vĩnh K – Luật sư Văn phòng luật sư Hoàng K, Đoàn luật sư tỉnh Sóc Trăng. (có mặt).

Người bị hại: Ông Thạch S năm 1985; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng (chết).

Người đại diện hợp pháp bị hại:

4.1 Ông Thạch S1, sinh năm 1950; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng, cha bị hại S (có mặt);

4.2 Bà Thạch Thị S3, sinh năm 1958; Nơi cư trú: Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng, mẹ bị hại S (có mặt);

5. Người phiên dịch tiếng Khmer: Bà Sơn Hồng Vân- Phóng viên báo Sóc Trăng.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bị cáo Sơn Văn B bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng truy tố về hành vi phạm tội như sau:

Vào khoảng 17 giờ 30 phút ngày 02/11/2012 Sơn Văn B đi chơi lễ dâng bông tại chùa Lâm Đồ thuộc ấp Lâm Dồ, xã Đại Ân, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng cùng với các bạn gồm Lâm Thanh T (L), Danh T (T), Lâm Gi P (L), Triệu Ngọc L, Lý Minh T, Lâm Hoàng L (L), Thạch H, Sơn Sô G, Lâm L và Thạch P, cùng ngụ Ấp B, xã T, huyện T, tỉnh Sóc Trăng, khi đến chùa thì gặp Sơn Văn N (em ruột B), tất cả cùng tham gia lễ dâng bông. Đến khoảng 20 giờ thì cả nhóm đến nhà máy của Sơn Văn B uống rượu, khi nhóm của B gặp nhóm của Thạch S gồm: Thạch S, Sơn T, Lâm N, Lâm N, Đào B cùng đang chơi tại lễ dâng bông. Do hai nhóm đã từng có mâu thuẫn với nhau, nên khi thấy T thì L(em ruột P) nhào vô đánh T, lúc này hai nhóm đánh nhau, B đang ở gần đó nghe thấy đánh nhau nên mở cốp xe lấy cây dao bấm bỏ vào túi quần đi đến nơi Thạch S và N (em ruột B) đang đánh nhau, B liền lấy cây dao ra đâm về phía hong phải của S một nhát, S bỏ chạy thì B đâm thêm 01 nhát nữa vào vùng lưng bên trái, sau đó B chạy về nhà máy của mình, còn Thạch S thì được mọi người đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.

Cơ quan điều tra thu giữ gồm: 01 miếng bìa gỗ số đo (80x12)cm; 04 đôi dép lào; ốp và vãi bên trong nón bảo hiểm; 02 nón bảo hiểm; 01 cây dao xếp.

Tại bản kết luận giám định về tử thi số 229/TT-PY, ngày 02/11/2012 của Trung tâm pháp y tỉnh Sóc Trăng đã kết luận:

- Vết rách da hình bầu dục vùng lưng trái, kích thước 02 x 0,9cm. Vết có bờ sắc nhọn, một cạnh hướng vào trong, vết xì ra nhiều chất dịch bọc màu đỏ, vết có chiều hướng từ dưới lên, từ ngoài vào trong, từ phải qua trái, xuyên vào lồng ngực

- Khoang ngực trái chứa khoảng 1.000ml máu loãng. Thùy dưới phổi trái ở mặt sau có 01 lỗ thủng hình bầu dục, kích thước 1,5x1cm, sâu 6,5cm.

- Nạn nhân chết do vết thương thấu ngực thủng phổi mất máu cấp.

* Tại bản kết luận giám định pháp y tâm thần số 61/PYTT-PVPN, ngày 18/02/2013 của Viện pháp y tâm thần Trung ương – Phân viện phía nam, kết luận đối với Sơn Văn B:

1. Về y học:

+ Trước, trong và sau khi gây án: Rối loạn cảm xúc không ổn định, suy nhược thực tổn (F06.6-ICD.10).

+ Hiện tại: Bệnh chưa ổn định.

2. Về pháp luật:

+ Tại thời điểm gây án: Đương sự có năng lực nhận thức và điều khiển hành vi nhưng bị hạn chế do bệnh.

Hiện tại: Chưa đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật

3. Đề nghị:

+ Áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh khi ổn định sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan pháp luật: áp dụng tình tiết giảm nhẹ khi xét xử.

* Bản kết luận giám định pháp y tâm thần sau thời gian điều trị bắt buộc số 224/KLBB-VPYTW ngày 17/5/2017 của Viện pháp y tâm thần Trung ương Biên Hòa, đã kết luận:

- Bị bệnh: Rối loạn cảm xúc không ổn định, suy nhược thực tổn (F06.6 –ICD.10)

- Hiện tại bệnh đã ổn định, không cần thiết điều trị bắt buộc nữa, đương sự có đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi để làm việc với cơ quan pháp luật.

Về trách nhiệm dân sự: Đại diện hợp pháp cho bị hại Thạch S yêu cầu bị cáo và gia đình bồi thường tiền tổn thất tinh thần và chi phí mai táng tổng số tiền là 154.000.000 đồng; bị cáo đã tác động gia đình khắc phục cho gia đình bị hại số tiền 80.000.000 đồng, nhưng gia đình bị hại không nhận.

Tại bản Cáo trạng số 16/QĐ-KSĐT ngày 04/8/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng truy tố bị cáo Sơn Văn B về tội “Giết người" theo Điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự.

Tại phiên tòa, Kiểm sát viên giữ quyền công tố Nhà nước đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận Cáo trạng số 16/QĐ-KSĐT ngày 04/8/2017 của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng và tuyên bố bị cáo Sơn Văn B phạm tội “Giết người”. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ: Bị cáo thành khẩn khai báo; Bị cáo có nhân thân tốt, không tiền án, tiền sự; Bị cáo là dân tộc Khmer; Bị cáo tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại nhưng gia đình bị hại không nhận; Khi phạm tội bị cáo bị bệnh hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 93; Điểm b, p, n Khoản 1, Khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự và tuyên phạt bị cáo Sơn Văn B từ 14 năm tù đến 16 năm tù;

Về phần trách nhiệm dân sự: Tại tòa người đại diện hợp pháp cho bị hại Thạch S yêu cầu bị cáo và gia đình bồi thường tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật và chi phí mai táng là 34.000.000 đồng. Người đại diện hợp pháp cho bị cáo đồng ý bồi thường tiền mai táng phí là 34.000.000đ cần ghi nhận sự thỏa thuận này giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại, đối với tiền tổn thất tinh thần bà S3 yêu cầu giải quyết theo quy định của pháp luật là 60 tháng lương tối thiểu, ông Sọi, bà Sết yêu cầu 120.000.000đ. Đề nghị xem xét mức bồi thường theo quy định của pháp luật.

Về xử lý vật chứng và án phí đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.

Người bào chữa cho bị cáo trình bày:

Về tội danh thống nhất với truy tố của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng không tranh luận thêm. Về các tình tiết giảm nhẹ: thống nhất với đề nghị của vị Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng tại phiên tòa. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét áp dụng thêm các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo: ăn năn hối cải thể hiện qua việc bị cáo sau khi phạm tội nói với gia đình mang 80.000.000đ sang nhà người bị hại bồi thường nhưng gia đình người bị hại không nhận và áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo điểm q khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 (theo điểm t khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017) cụ thể là bị cáo đã có sự phối hợp dẫn cơ quan điều tra truy tìm và thu giữ con dao là hung khí gây án, giúp cơ quan điều tra sớm kết thúc điều tra vụ án, điều này được cơ quan điều tra ghi nhận trong kết luận điều tra. Bị cáo phạm tội có tính chất côn đồ nhưng không hung hãn, chỉ lén lút đứng sau đâm bị hại. Bị cáo có 05 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét xử phạt bị cáo mức khởi điểm là 12 năm.

Tại phiên tòa bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Tại phiên tòa người đại diện hợp pháp của người bị hại yêu cầu xử phạt bị cáo 20 năm tù.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa cho bị cáo, bị cáo và người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Sóc Trăng, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Kiểm sát viên trong quá trình quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự thủ tục quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Tại phiên toà hôm nay bị cáo thừa nhận:

Tại tòa, bị cáo có lúc khai không nhớ gì trước đây nhưng có lúc bị cáo khai bị cáo nhớ là bị cáo có dùng cây dao xếp đâm bị hại khi bị cáo thấy bị hại đánh em của bị cáo là Sơn Văn N. Bị cáo đâm bị hại 2 dao, 1 dao phía sau lưng và 01 dao phía trước không nhớ trúng ở đâu, sau khi đâm bị hại trên đường về bị cáo bỏ cây dao cách nhà của bị cáo khoảng hơn 10 mét, sau đó bị cáo có dẫn Công an đi đến chỗ bỏ cây dao nên Công an có thu giữ cây dao mà bị cáo đâm bị hại. Bị cáo có tự làm lại việc bị cáo đâm bị hại và Công an có chụp hình bị cáo và tự khai toàn bộ sự việc bị cáo đã đâm bị hại.

Tại tòa người làm chứng Lâm L trình bày: cây dao mà Cơ quan Công an thu giữ là cây dao trước đây bị cáo mua khi đi Thành phố với L. Lúc bị cáo đi chơi cùng với nhóm và sau khi ấu đả về nhà thì bị cáo tỉnh táo bình thường và có nói với mọi người khi nhậu ở nhà bị cáo là “Lúc nãy đánh nhau ở Chùa tao đã đâm trúng thằng S”.

Những người làm chứng là bạn của bị cáo là Danh T, Lâm Gi P, Lý Minh T, Thạch H, Thạch P đều khai thống nhất khi việc đánh nhau xong, những người này về nhà bị cáo B nhậu tiếp thì nghe B nói có đâm S.

Tại tòa, bà Lý Thị Kim S – mẹ ruột của bị cáo trình bày: khi bị cáo mới bị bắt bị cáo có kêu bà mang tiền lại nhà bị hại bồi thường. Khi cơ quan điều tra lấy lời khai của bị cáo có bà tham gia thì bị cáo vẫn tỉnh táo, bị cáo tự khai việc bị cáo đâm bị hại, không ai ép buộc bị cáo khai.

[3] Đối với lời khai nhận tội và mức độ hành vi phạm tội của bị cáo thì thấy, lời thừa nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người làm chứng (bút lục 158- 224), phù hợp với các bản kết luận giám định pháp y về tử thi (bút lục 67), biên bản khám nghiệm hiện trường (bút lục 68- 69); Biên bản thu giữ hung khí gây án (bút lục 89-90); Kết luận giám định số 2435/C54B ngày 10/12/2012 dấu vết trên con dao bấm xếp và dấu vết ghi thu tại hiện trường là máu của nạn nhân Thạch S (bút lục 96a) và các chứng cứ khác mà cơ quan điều tra đã thu thập trong hồ sơ vụ án. Giữa bị cáo và người bị hại không có quen biết và không có mâu thuẫn, nhưng khi giữa nhóm của bị cáo với nhóm của bị hại xảy ra đánh nhau thì bị cáo lấy dao để trong cốp xe bỏ vào túi quần và chạy đến chỗ em của bị cáo là Sơn Văn N và bị hại Thạch S đang đánh nhau, bị cáo đứng sau lưng bị hại S và dùng dao đâm vào người bị hại S, khi bị hại định bỏ chạy bị cáo tiếp tục đâm bị hại 01 dao dẫn đến bị hại tử vong. Hành vi này của bị cáo thể hiện tính côn đồ nên cấu thành tội “Giết người” theo Điểm n Khoản 1 Điều 93 Bộ luật Hình sự. Vì vậy, Cáo trạng số 16/QĐ-KSĐT ngày 04/8/2017 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Sóc Trăng truy tố bị cáo Sơn Văn B về tội danh và khung hình phạt nêu trên là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan cho bị cáo.

Hành vi phạm tội của bị cáo đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, bị cáo không những tước đi tính mạng của bị hại S một cách trái pháp luật mà còn xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội, gây xôn xao dư luận. Do đó, đối với bị cáo cần phải xử lý nghiêm, cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, có như thế mới đủ điều kiện và thời gian cải tạo, răn đe và giáo dục bị cáo trở thành người có ích cho xã hội sau này và có tác dụng phòng ngừa tội phạm chung cho toàn xã hội.

[4] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như: bị cáo thành khẩn khai báo; bị cáo có nhân thân tốt, không tiền án, tiền sự; bị cáo là người dân tộc Khơ me; Khi phạm tội bị cáo là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức và điều khiển hành vi; Bị cáo tác động gia đình bồi thường thiệt hại cho gia đình bị hại 80.000.000đ nhưng gia đình bị hại không nhận, quy định tại các điểm p, n, b Khoản 1, Khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự. Đề nghị của Luật sư bào chữa cho bị cáo về việc áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ „ăn năn hối cải” và tình tiết giảm nhẹ quy định tại Điểm q Khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự 1999 (theo Điểm t Khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi bổ sung năm 2017) là không căn cứ chấp nhận.

[5] Trách nhiệm dân sự:

Tại tòa người đại diện hợp pháp cho bị hại Thạch S yêu cầu bị cáo và gia đình bồi thường tiền tổn thất tinh thần theo quy định của pháp luật và chi phí mai táng là 34.000.000 đồng. Người đại diện hợp pháp cho bị cáo đồng ý bồi thường tiền mai táng phí là 34.000.000đ cần ghi nhận sự thỏa thuận này giữa gia đình bị cáo và gia đình người bị hại.

Đối với tiền tổn thất tinh thần bà Lý Thị Kim S yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật là 60 tháng lương tối thiểu; ông Sọi, bà Sết yêu cầu xem xét theo quy định của pháp luật là 120.000.000đ. Xét thấy, vụ án xảy ra vào ngày 02/11/2012 các bên không thỏa thuận được mức bồi thường bù đắp tổn thất tinh thần nên việc bà S3 yêu cầu bồi thường tiền tổn thất tinh thần bằng 60 tháng lương tối thiểu = 78.000.000đ là phù hợp với khoản 2 Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005 nên có căn cứ chấp nhận. Yêu cầu tiền bù đắp tổn thất tinh thần 120.000.000đ của gia đình người bị hại là có căn cứ chấp nhận một phần. Cần buộc bị cáo và bà S3 có trách nhiệm bồi thường cho ông Thạch S1 và bà Thạch Thị S3 tiền bù đắp tổn thất về tinh thần số tiền 78.000.000đ.

Tổng cộng buộc bị cáo và bà Lý Thị Kim S có trách nhiệm bồi thường cho ông Thạch S1 và bà Thạch Thị S3 tiền chi phí mai táng và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tổng số tiền 112.000.000đ.

[6] Về xử lý vật chứng vụ án: Vật chứng thu giữ gồm: 01 (một) miếng bìa gỗ số đo (80x12) cm; 01 (một) đôi dép lào màu đen, chiếc bên phải bị đứt quai; 01 (một) đôi dép lào màu đen, ở giữa có sọc trắng; 01 (một) đôi dép lào màu đen có hoa văn màu trắng; 01(một) đôi dép lào màu da bò, trên dép có dòng chữ “ANYTHING”; Ốp và vãi bên trong nón bảo hiểm; 01 (một) cái nón bảo hiểm màu xanh, trên nón có dòng chữ “ONE”; 01 (một) cái nón bảo hiểm màu đỏ bị vỡ; 01 (một) cây dao bấm xếp có cán bằng kim loại màu trắng dài 11 cm, hai bên cán có ốp 02 (hai) miếng gỗ, lưỡi bằng kim loại màu trắng có 1 cạnh sắc, chót lưỡi có mũi nhọn, lưỡi dao dài 09 cm, do là công cụ phạm tội và không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

[7] Về án phí: bị cáo là người bị kết án nên phải chịu án phí hình sự, dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Sơn Văn B (tên gọi khác là L, S) phạm tội “Giết người";

Áp dụng Điểm n Khoản 1 Điều 93; Điểm b, n, p Khoản 1 và Khoản 2 Điều 46; Điều 33 Bộ luật Hình sự.

Tuyên xử: Phạt bị cáo Sơn Văn B (tên gọi khác là L, S) 14 (mười bốn) năm tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 02/11/2012;

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng các Điều 604, Điều 605, Điều 606, Điều 610 Bộ luật Dân sự năm 2005;

Buộc bị cáo Sơn Văn B (tên gọi khác là L, S) và bà Lý Thị Kim S có trách nhiệm liên đới bồi thường các khoản chi phí mai táng, tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người đại diện hợp pháp của người bị hại là ông Thạch S1 và bà Thạch Thị S3 số tiền là 112.000.000đ (Một trăm mười hai triệu đồng). Người đại diện nhận các khoản tiền này là ông Thạch S1.

Khi bản án có hiệu lực pháp luật, người đại diện hợp pháp cho bị hại S là ông Thạch S1, bà Thạch Thị S3 có đơn yêu cầu thi hành án mà bị cáo Sơn Văn B (tên gọi khác là L, S) và bà Lý Thị Kim S không bồi thường số tiền nêu trên thì hàng tháng bị cáo và bà S3 phải chịu tiền lãi theo Khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015;

Về xử lý vật chứng: Áp dụng các Điểm a, đ Khoản 2 Điều 76 Bộ luật Tố tụng hình sự;

Tịch thu tiêu hủy gồm:

- 01 (một) miếng bìa gỗ số đo (80x12) cm;

- 01 (một) đôi dép lào màu đen, chiếc bên phải bị đứt quai;

- 01 (một) đôi dép lào màu đen, ở giữa có sọc trắng;

- 01 (một) đôi dép lào màu đen có hoa văn màu trắng;

- 01 (một) đôi dép lào màu da bò, trên dép có dòng chữ “ANYTHING”;

- Ốp và vải bên trong nón bảo hiểm;

- 01 (một) cái nón bảo hiểm màu xanh, trên nón có dòng chữ “ONE”;

- 01 (một) cái nón bảo hiểm màu đỏ bị vỡ;

- 01 (một) cây dao bấm xếp có cán bằng kim loại màu trắng dài 11 cm, hai bên cán có ốp 02 (hai) miếng gỗ, lưỡi bằng kim loại màu trắng có 1 cạnh sắc, chót lưỡi có mũi nhọn, lưỡi dao dài 09 cm.

Về án phí:

Án phí hình sự sơ thẩm bị cáo Sơn Văn B (tên gọi khác là L, S) phải nộp là 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng);

Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch: bị cáo Sơn Văn B (tên gọi khác là L, S) và bà Lý Thị Kim S phải liên đới nộp 5.600.000đ (Năm triệu sáu trăm ngàn đồng).

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự;

Báo cho bị cáo, người bào chữa, người đại diện hợp cho bị cáo; người đại diện hợp pháp cho người bị hại được quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án để yêu cầu Toà án nhân dân cấp cao tại thành phố Hồ Chí Minh xét xử theo trình tự phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

373
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 23/2017/HS-ST ngày 06/11/2017 về tội giết người

Số hiệu:23/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Sóc Trăng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 06/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về