TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BÁ THƯỚC, TỈNH THANH HÓA
BẢN ÁN 22/2020/HSST NGÀY 01/09/2020 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 01 tháng 09 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 15/2020/HSST ngày 07 tháng 07 năm 2020. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 17/2020/QĐXXST-HS ngày 04/08/2020 và Quyết định hoãn phiên tòa số: 01/2020/HSST- QĐ ngày 19 tháng 08 năm 2020 đối với bị cáo:
Hà Thị S; Tên gọi khác: Không; Giới tính: Nữ.
Sinh ngày 23 tháng 8 năm 1979, tại xã Kỳ Tân, huyện Bá Thước, Tỉnh Thanh Hóa.
Nơi cư trú: Thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
Nghề nghiệp: Làm ruộng; Dân tộc: Thái; Trình độ văn hóa: 1/12; con ông Hà Văn Hoàn; sinh năm 1954 và bà: Hà Thị Hin; sinh năm 1954; chồng: Phạm Văn Năm; sinh năm 1974; Có 02 (hai) con lớn sinh năm 2006, nhỏ sinh năm 2007; Tiền án: Không. Tiền sự: 01, Ngày 26/12/2019 Hà Thị Sa bị Chủ tịch UBND xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm hại sức khỏe của người khác”. Đến nay Hà Thị S chưa chấp hành Bị cáo bị bắt tạm giam kể từ ngày 11/05/2020 cho đến nay. Hiện bị cáo đang bị tạm giam tại Trại Tạm giam Công an tỉnh Thanh Hóa. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Người bào chữa cho bị cáo: Ông Trịnh Văn Thịnh - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.
Người bị hại:
- Trương Thị Hoàng; Sinh năm: 1952 Nơi cư trú: Thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Phạm Văn Linh; Sinh năm: 1975 Nơi cư trú: Thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Có mặt.
Người làm chứng:
- Trương Thị Thủy; Sinh năm: 1971. Có mặt.
- Phạm Thị Xoan; Sinh năm: 2006. Có mặt.
- Phạm Văn Năm; Sinh năm: 1974. Có mặt.
- Phạm Văn Nghị; Sinh năm: 1975. Có mặt.
- Phạm Văn Khoa; Sinh năm: 1975. Có mặt.
Đều cư trú: Thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 00 giờ ngày 14 tháng 10 năm 2019 khi Hà Thị S, sinh năm 1979 đang nằm ngủ ở nhà thì nghe tiếng động trên mái nhà do bị ném đá và tiếng chửi bới của Phạm Văn Linh sinh năm 1975 ở cùng thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa. Do có mâu thuẫn từ trước và nghĩ Linh ném đá vào nhà mình nên S lên khu đất phía sau nhà giáp ranh với đất nhà Linh nhặt 03 (ba) nửa viên gạch (loại gạch đỏ 2 lỗ) rồi ném 01 (một) nửa viên vào mái nhà Linh, 01 (một) nửa viên vào khu bể nước nhà Linh, còn 01 (một) nửa viên S để tại vị trí Sa đứng ném. Sau khi ném xong, S thấy Trương Thị Thủy sinh năm 1971 là vợ của Linh dùng đèn pin rọi vào mặt S và nói “sao mày ném nhà tao” S lại nói “chồng mày ném nhà tao trước, tao ném lại nhà mày xem có xót không”. Trong lúc Thủy và S đang cãi nhau thì Linh đi ra khu bể nước nhà mình, thấy vậy S nói với Linh “mày muốn chết thì sang với tao, hôm nay tao cho con mày không có bố”. Nghe S nói vậy, Linh đi lên rồi bước sang hàng rào nhưng bị mắc một chân tại hàng rào dây thép gai cùng lúc đó Linh thấy bị đau ở vùng đầu bên phải nên theo quán tính Linh lao tới vị trí S đang đứng với mục đính để đánh nhau với S, rồi giữa Linh và S vật lộn với nhau. Do bị Linh đè lên người nên S dùng hai tay túm tóc Linh và dùng miệng cắn vào tai trái của Linh. Thấy S và Linh vật lộn với nhau thì Thủy và Phạm Thị Xoan sinh năm 2006 là con gái của S vào can ngăn nhưng không được nên Thủy kêu cứu thì có bà Trương Thị Hoàng sinh năm 1952 là mẹ đẻ của Linh từ nhà chạy đến. Còn Xoan chạy về nhà gọi bố là Phạm Văn Năm sinh năm 1974 lên để can ngăn. Khi Năm chạy từ nhà lên thấy S đang bị Linh đè trên người nên Năm lao vào kéo Linh ra, giữa Năm và Linh xảy ra vật lộn với nhau, cả hai ngã xuống rãnh đất gần chuồng trâu nhà Linh (Linh nằm dưới còn Năm nằm đè lên trên người Linh). Lúc S đứng dậy đã xảy ra xô xát, giằng co, giành giật cây gậy, dạng gậy luồng cứng với bà Hoàng rồi S đứng dậy đập liên tiếp nhiều cái vào người bà Hoàng. Bà Hoàng đến gần chỗ Năm và Linh đang vật lộn quỳ xuống chắp hai tay van xin S nhưng S vẫn dùng gậy đánh về phía bà Hoàng làm bà Hoàng bị thương. Sau đó được anh Phạm Văn Khoa sinh năm 1975 và Phạm Văn Nghị sinh năm 1975 cùng ở thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước đến can ngăn thì Năm, Xoan, S đi về nhà, Phạm Văn Linh và Trương Thị Hoàng được người nhà đưa đi cấp cứu tại bệnh viện đa khoa huyện Bá Thước.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 697/2019/TTPY ngày 26/11/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận: Tại thời điểm giám định pháp y về thương tích: Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với Trương Thị Hoàng được tính theo phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể (Điều 4 – Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế) là 15% (mười lăm phần trăm).
Tại bản kết luận giám định pháp y về cơ chế hình thành thương tích số 754/2019/TTPY ngày 20/12/2019 của trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận: Vết thương mặt ngoài 1/3 dưới cẳng tay trái kích thước 2 x0,5cm của Trương Thị Hoàng là do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật tày có cạnh, hoặc vật có cạnh sắc hoặc vật có cạnh sắc nhọn làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm và gãy 1/3 giữa xương trụ trái, đã được điều trị, hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùng mặt ngoài 1/2 dưới cẳng tay trái và hình ảnh gãy 1/3 xương trụ trái; Vết thương xước da ở cánh tay phải kích thước 2 cm; Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật tày có cạnh, hoặc vật sắc nhọn, làm tổn thương rách da, mô mềm, đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùng mặt trước 1/2 trên cánh tay phải; 1/3 giữa mặt sau cánh tay phải có vết thương 2 x 0,5cm sắc: Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật tày có cạnh, hoặc vật có cạnh sắc nhọn làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm.
Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùng mặt sau 1/3 giữa cẳng tay phải; Vùng cổ tay phải có vết thương kích thước 2 x 0,5cm cạnh sắc: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật tày có cạnh, hoặc vật có cạnh sắc nhọn; làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương mềm vùng mặt sau trong cổ tay phải; Mu bàn tay phải có vết thương kích thước 3 x 0,5cm cạnh sắc: Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật tày có cạnh, hoặc vật có cạnh sắc nhọn; làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị;
hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùngmu bàn tay phải; Vùng lưng phải sưng nề thâm tím theo chiều ngang kích thước 6 x 2cm: Do tác động của ngoại lực, tạo nên bởi vật tày, hoặc vật tày có cạnh; làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm xước trợt da nông vùng lưng phải; Sưng nề, bầm tím vùng mông phải kích thước 10 x 5cm: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật tày, hoặc vật tày có cạnh; làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại không còn sẹo vết thương mềm, không có di chứng tổn thương cơ quan chức năng do chấn thương; Cẳng tay sưng nề, bầm tím ấn đau ở mặt ngoài 1/3 giữa dưới: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật tày; làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại không còn sẹo vết thương mềm, không có di chứng tổn thương cơ quan chức năng do chấn thương; Tại thời điểm giám định pháp y về cơ chế hình thành thương tích: Không đủ chứng cứ khoa học và các dữ liệu khách quan để xác định chính xác chiều hướng tác động và lực tác động của vật gây thương tích.
Tại bản kết luận giám định pháp y về thương tích số 692/2019/TTPY ngày 26/11/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận: Tại thời điểm giám định pháp y về thương tích: Tổng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích gây nên đối với Phạm Văn Linh được tính theo phương pháp xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể (Điều 4 – Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12/6/2014 của Bộ y tế) là 13% (mười ba phần trăm).
Tại bản kết luận giám định pháp y về cơ chế hình thành thương tích số 751/2019/TTPY ngày 20/12/2019 của Trung tâm pháp y tỉnh Thanh Hóa kết luận: Vết thương vùng trán đỉnh phải kích thước 6 x 1cm cạnh sắc sâu xát xương: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật có cạnh sắc. Làm tổn thương rác da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùng trán đỉnh phải; Vết thương rách ngang tai trái, rách ngang toàn bộ sụn vành tai trái: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật có cạnh sắc. Làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm xuyên thấu ngang vành tai trái; Mặt trong ngón chân phải có vết thương kích thước 1 x 0,5cm: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật tày có cạnh, hoặc vật có cạnh sắc, hoặc vật có cạnh sắc nhọn. Làm tổn thương rách da, cơ, mô mềm. Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùng ngón I bàn chân phải; Nhiều vết xây xước nhỏ vùng lưng hai bên: Do tác động của ngoại lực; tạo nên bởi vật tày có cạnh. Đã được điều trị; hiện tại còn di chứng sẹo vết thương phần mềm vùng lưng phải; Tại thời điểm giám định pháp y về cơ chế hình thành thương tích: Không đủ chứng cứ khoa học và các dữ liệu khách quan để xác định chính xác chiều hướng tác động và lực tác động của vật gây thương tích.
Về vật chứng của vụ án:
Ngày 15/10/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bá Thước đã tiến hành truy tìm vật chứng là 01 (một) gậy luồng dài khoảng 01 mét, đường kính khoảng 5cm tại khu vực đồi sau nhà Hà Thị Sa giáp ranh với nhà của Phạm Văn Linh nhưng không thu được.
Về trách nhiệm dân sự:
Ngày 04/6/2020, bị hại Trương Thị Hoàng yêu cầu Hà Thị S phải bồi thường về tổn hại sức khỏe số tiền là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng). Hiện tại Hà Thị S chưa bồi thường số tiền trên.
Ngày 04/6/2020, Phạm Văn Linh yêu cầu Hà Thị S phải bồi thường về tổn hại sức khỏe số tiền là 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng). Hiện tại Hà Thị S chưa bồi thường số tiền trên.
Tại bản cáo trạng số 17/CT -VKSBT - TA, ngày 06/07/2020, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hoá đã truy tố bị cáo Hà Thị S về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 134 của Bộ luật hình sự. Tại phiên toà, đại diện VKSND huyện Bá Thước giữ nguyên quyết định truy tố, đồng thời đề nghị HĐXX áp dụng điểm đ khoản 2 điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51 và điều 38 Bộ luật Hình sự, xử phạt Hà Thị S từ 30 tháng đến 36 tháng tù, thời hạn cấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam ( 11/05/2020). Về trách nhiệm dân sự: Đối với thương tích của bà Trương Thị Hoàng, đề nghị HĐXX buộc bị cáo Sa phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại sức khỏe cho bà Hoàng theo quy định của pháp luật.
Riêng thương tích của Phạm Văn Linh cần tách phần yêu cầu bồi thường dân sự của Phạm Văn Linh trong một vụ án khác. Buộc bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
Ý kiến trình bày của người bào chữa cho bị cáo: Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đề nghị HĐXX áp dụng 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm i, s khoản 1 và khoản 2 điều 51 Bộ luật Hình sự, xử phạt Hà Thị Sa từ 24 tháng đến 30 tháng tù. Đề nghị chấp nhận một phần yêu cầu bồi thường thiệt hại sức khỏe của bà Hoàng đối với bị cáo S theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
[1] Tại phiên toà hôm nay, bị cáo Hà Thị S đã nhận tội như nội dung bản cáo trạng đã truy tố. Lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra; lời khai của người bị hại; lời khai của những người làm chứng; vị trí, đặc điểm thương tích trên thân thể người bị hại; kết luận giám định; cùng với những tài liệu chứng cứ khác đã được thu thập có trong hồ sơ. Hội đồng xét xử có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 00 giờ ngày 14/10/2019 tại thôn Quyết Thắng, xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa do mâu thuẫn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày dẫn đến Hà Thị S và Phạm Văn Linh xô sát với nhau, bà Trương Thị Hoàng lên can ngăn thì bị S dùng gậy luồng là dùng hung khí nguy hiểm đánh, gây thương tích cho bà Hoàng với tỉ lệ tổn thương cơ thể là 15% (mười lăm phần trăm). Hành vi của Hà Thị Sa đã phạm vào điểm đ khoản 2 điều 134 của Bộ luật Hình sự.
[2] Hành vi của bị cáo mang tính chất nghiêm trọng, nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe của người khác được pháp luật bảo vệ, gây dư luận xấu và làm hoang mang trong quần chúng nhân dân, làm mất trật tự trị an trên địa bàn. Đối với Hà Thị S đã có 01 tiền sự, bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm hại sức khỏe của người khác” chưa chấp hành, nhưng không chịu lấy đó làm bài học để tu dưỡng đạo đức, rèn luyện bản thân lại tiếp tục có hành vi phạm tội. Hội đồng xét xử xét thấy, cần xét xử bị cáo một mức án nghiêm minh, tương xứng với tính chất hành vi phạm tội của bị cáo, cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhằm răn đe, giáo dục riêng và phòng ngừa chung.
[3] Xét về tình tiết tăng nặng giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Bị cáo phạm tội không có tình tiết tăng nặng nhưng có 01 tiền sự bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm hại sức khỏe của người khác”. Có 02 tình tiết giảm nhẹ là “Thành khẩn khai báo” và có “ bố đẻ và mẹ đẻ đều là người có công với đất nước là thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước, có ông nội và bà nội được tặng thưởng huân chương kháng chiến hạng ba, bà nội được nhà nước truy tặng bà mẹ Việt Nam anh hùng “ quy định tại điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo phạm tội xuất phát từ mâu thuẫn trong sinh hoạt hàng ngày, thiếu kiềm chế được bản thân. Vì vậy, cần xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, để bị cáo có cơ hội sửa chữa lỗi lầm, cải tạo sớm trở về đoàn tụ gia đình trở thành người công dân có ích cho xã hội, thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật nhà nước ta.
Đối với tiền sự của Hà Thị S. Hội đồng xét xử xét thấy: Ngày 12/06/2019, Hà Thị S bị Trưởng công an xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm hại hoặc thuê người khác xâm hại đến sức khỏe của người khác”, phạt tiền 2.000.000 đồng, Tính từ đó đến ngày phạm tội bị cáo chưa chấp hành. Tuy nhiên đến ngày 26/12/2019 Chủ tịch UBND xã Thiết Ống ra quyết định hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính của trưởng công an xã Thiết Ống với lý do Quyết định xử phạt của công an xã ghi tên người bị xử phạt là Hà Thị X không chính xác. Tên người bị xử phạt theo hồ sơ là Hà Thị S mới chính xác. Không ghi địa chỉ để người vi phạm đến nộp tiền phạt; không có biên bản giao cho người bị xử phạt để người bị xử phạt đến chấp hành. Ngày 26/12/2019 Hà Thị S bị Chủ tịch UBND xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm hại sức khỏe của người khác”. Đến nay Hà Thị S chưa chấp hành. Như vậy việc chủ tịch UBND xã Thiết Ống hủy quyết định xử phạt vi phạm hành chính của trưởng công an xã Thiết Ống là manh tính chất hành chính do có sai sót trong việc ra quyết định, không làm thay đổi bản chất sự việc. Việc Hà Thị S có hành vi vi phạm là thực tế và tính đến ngày Chủ tịch UBND xã Thiết Ống, huyện Bá Thước, tỉnh Thanh Hóa ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi “xâm hại sức khỏe của người khác” ( ngày 26/12/2019 ) thì S vẫn chưa chấp hành quyết định xử phạt của trưởng công an xã Thiết Ống trước đó và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính nên việc xác định Sa có 01 tiền sự là đúng quy định của pháp luật
[4] Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại là bà Trương Thị Hoàng yêu cầu Hà Thị S phải bồi thường về tổn hại sức khỏe số tiền là 50.000.000 đồng (năm mươi triệu đồng).
Theo quy định tại điều 590 Bộ luật dân sự và hướng dẫn tại phần II Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/7/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, cần chấp nhận cho bà Trương Thị Hoàng được bồi thường các khoản sau:
Tiền viện phí điều trị tại bệnh viện đa khoa huyện Bá Thước: 156.720 đồng, bà Hoàng đã nộp số tiền này nên bị cáo S phải bồi thường cho bà Hoàng; Tiền bồi dưỡng, ăn uống, phục hồi sức khỏe một lần 5.000.000 đồng; Tiền thiệt hại mất thu nhập từ ngày 14/10/2019 đến ngày 22/10/2019, tổng là 9 ngày x 200.000 đồng/1 ngày là 1.800.000 đồng; Tiền thuê người chăm sóc trong thời gian điều trị ở viện 9 ngày x 200.000đ/1ngày = 1.800.000 đồng; tiền tổn thất tinh thần 8 tháng x 1.490.000đ/1tháng = 11.920.000 đồng. Ngoài ra tổn hại sức khỏe do bị cáo S gây ra đối với bà Hoàng phải phẫu thuật một cánh tay nên bà Hoàng phải cần thêm 30 ngày để phục hồi chức năng cơ thể và phải chịu thiệt hại do thu nhập bị mất vì vậy cần chấp nhận cho bà Hoàng số tiền bồi thường do thu nhập bị mất là 30 ngày x 200.000 đồng/1 ngày = 6.000.000 đồng.
Đối với số tiền chi phí tại bệnh viện Bá Thước 3.536.803 đồng, số tiền này Bảo hiểm đã chi trả nên bà Hoàng không được bồi thường số tiền này Tổng cộng 26.676.720 đồng. Buộc bị cáo Hà Thị S phải bồi thường thiệt hại về sức khỏe cho bà Hoàng số tiền 26.676.720 đ ( Hai mươi sáu triệu sáu trăm bẩy mươi sáu nghìn bẩy trăm hai mươi đồng ) là phù hợp pháp luật.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe 45.000.000 đồng (bốn mươi lăm triệu đồng) của anh Phạm Văn Linh. Xét thấy, chỉ có căn cứ xác định thương tích vết rách ngang tai trái, rách ngang toàn bộ sụn vành tai trái tổn hại 3% (ba phần trăm) là do Hà Thị S dùng răng cắn. Còn thương tích 10% của vết thương phần mềm vùng trán đỉnh phải, vùng ngón I bàn chân phải, vùng lưng phải, số lượng sẹo ít, kích thước từ nhỏ đến lớn thì không xác định được ai là người gây thương tích cho anh Linh ( Lời khai của anh Linh không nhìn thấy S cầm đồ vật hay hung khí gì, không thấy S đánh; lời khai của bà Hoàng không biết ai gây thương tích cho Linh; lời khai của chị Thủy không xác định được, không thấy S dùng vật gì để đánh gây thương tích cho anh Linh ). Vì vậy, cần dành quyền khởi kiện dân sự cho anh Phạm Văn Linh trong một vụ án dân sự khác khi có đủ tài liệu chứng cứ là phù hợp pháp luật.
[5] Về án phí: Bị cáo Hà Thị S phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm là 26.676.720 đ x 5% = 1.333.836 đồng làm tròn bằng 1.333.000 đ ( Một triệu ba trăm ba mươi ba nghìn đồng ).
[6] Về hành vi, quyết định tố tụng của điều tra viên Cơ quan điều tra công an huyện Bá Thước và kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân huyện Bá Thước trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự và thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và người bị hại không có ý kiến hoặc khiếu nại gì. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
- Căn cứ: Điểm đ khoản 2 điều 134, điểm s khoản 1, khoản 2 điều 51 và điều 38 Bộ luật Hình sự; Khoản 2 điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; Khoản 1 điều 584 và điều 590 Bộ luật dân sự; điểm a khoản 2 điều 482 Bộ luật tố tụng dân sự; Khoản 1 điều 6, điểm a khoản 1 điều 23, khoản 4 điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án.
- Tuyên bố: Bị cáo Hà Thị S phạm tội “ Cố ý gây thương tích”.
- Xử phạt: Hà Thị S 30 ( Ba mươi ) tháng tù. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày tạm giam (11/05/2020). Tiếp tục tạm giam bị cáo trong thời hạn 45 ( bốn mươi lăm ) ngày kể từ ngày tuyên án để bảo đảm cho việc thi hành án.
- Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Hà Thị S phải bồi thường cho bà Trương Thị Hoàng số tiền 26.676.720 đ ( Hai mươi sáu triệu sáu trăm bẩy mươi sáu nghìn bẩy trăm hai mươi đồng ) - Khoản tiền bồi thường thiệt hại về sức khỏe được thi hành ngay, mặc dù bản án có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm.
Kể từ khi bà Trương Thị Hoàng có đơn yêu cầu thi hành án, nếu bị cáo Hà Thị S chưa thi hành án khoản tiền bồi thường thiệt hại, thì hàng tháng bị cáo Sa phải chịu thêm khoản tiền lãi quy định tại điều 357 BLDS trên số tiền phải thi hành án, tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
Trường hợp bản án được thi hành theo điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại điều 30 Luật thi hành án dân sự.
- Án phí: Bị cáo Hà Thị S phải nộp 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm và 1.333.000 đ ( Một triệu ba trăm ba mươi ba nghìn đồng ) án phí dân sự sơ thẩm.
Án xử công khai sơ thẩm, có mặt bị cáo, người bị hại bà Trương Thị Hoàng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan anh Phạm Văn Linh. Bị cáo Hà Thị S và bà Trương Thị Hoàng có quyền kháng cáo bản án này trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Anh Phạm Văn Linh được quyền kháng cáo bản án về phần trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Bản án 22/2020/HSST ngày 01/09/2020 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 22/2020/HSST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Bá Thước - Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 01/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về