Bản án 22/2019/HS-ST ngày 12/11/2019 về tội giả mạo trong công tác

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN NA RÌ - TỈNH BẮC KẠN

BẢN ÁN 22/2019/HS-ST NGÀY 12/11/2019 VỀ TỘI GIẢ MẠO TRONG CÔNG TÁC

Ngày 12 tháng 11 năm 2019, tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện Na Rì, tỉnh Bắc Kạn, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 21/2019/TLST-HS, ngày 23/9/2019, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 22/2019/QĐXXST-HS ngày 29/10/ 2019 đối với bị cáo:

ơng Thị Kiều S, sinh ngày 02/7/1985, tại: huyện N, Bắc Kạn; Nơi ĐKHKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn B, xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn; nghề nghiệp: Công chức; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: Tày; giới tính: Nữ; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Lương Văn K (đã chết) và bà Lành Thị H; có chồng là Phạm Hồng T và 01 con; tiền sự, tiền án: Không; bị cáo tại ngoại (có mặt).

- Người bào chữa cho bị cáo: Bà Đỗ Thị X - Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Bắc Kạn (vắng mặt);

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Ông Nguyễn Duy H, sinh năm 1970; trú tại: Thôn N, xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (vắng mặt).

+ Ông Hoàng Đức D, sinh năm 1969; trú tại: Thôn B, xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (có mặt).

+ Bà Hoàng Thị H, sinh năm 1970; trú tại: Thôn K, xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn (vắng mặt).

+ Bà Bàn Thị V, sinh năm 1978 (vắng mặt);

+ Bà Bàn Thị P, sinh năm 1963 (vắng mặt).

Đều trú tại: Thôn C, xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

ơng Thị Kiều S, là Công chức Văn phòng HĐND - UBND xã K, huyện N, với chức năng, nhiệm vụ: Tham mưu, giúp UBND xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của UBND xã trong các lĩnh vực: Văn phòng, Thống kê, đầu mối thủ tục hành chính, tổ chức nhân sự, thi đua khen thưởng, kỷ luật trong khối UBND xã K, là người trực tiếp quản lý con dấu của UBND xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Trong các năm từ 2014 đến 2018, S có vay tiền của một số người dân trên địa bàn xã K, huyện N, trong đó: Vay bà Hoàng Thị H: 118.000.000đ (một trăm mười tám triệu đồng); Bàn Thị V: 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng); Bàn Thị P: 20.000.000đ (hai mươi triệu đồng). Đến tháng 4, tháng 5 năm 2018, thời hạn S phải trả nợ, nhưng không có tiền trả, nên S xin gia hạn thời gian trả nợ. Những người cho vay trên đồng ý cho S gia hạn, nhưng yêu cầu S viết lại giấy vay tiền và có xác nhận của UBND xã K, S đồng ý, nên S đã viết 05 tờ giấy vay tiền của bà Hoàng Thị H, Bàn Thị V, Bàn Thị P; trong đó: 03 tờ giấy vay tiền của bà Hoàng Thị H đều ghi ngày 23/5/2018, một tờ vay của bà H 120.000.000đ (một trăm hai mươi triệu đồng), một tờ vay của bà H 70.000.000đ (bẩy mươi triệu đồng); 01 tờ giấy ghi ngày 16/5/2018, S vay của bà Bàn Thị V: 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng); một tờ giấy ghi ngày 12/4/2018, S vay của bà Bàn Thị P: 30.000.000đ (ba mươi triệu đồng) số giấy vay tiền trên đều do tự tay S viết, trong đó: Gồm cả tiền gốc và tiền lãi hàng tháng. Sau khi viết xong các tờ giấy vay tiền trên, S ghi rõ họ và tên, rồi đưa cho bà H, V, P cùng ký xác nhận vào các tờ giấy vay tiền. Khi đã có các chữ ký của bà H, V, P, lợi dụng nhiệm vụ và quyền hạn được giao, S đã ký giả mạo chữ ký của ông Nguyễn Duy H - Chủ tịch UBND xã vào 03 tờ giấy vay tiền trên, sau đó tiếp tục ký giả mạo chữ ký của ông Hoàng Đức D - phó chủ tịch UBND xã vào các tờ giấy vay tiền do S tự viết ra. Sau khi ký giả mạo các chữ ký của ông H và ông D vào các giấy vay tiền, S tự dùng con dấu của UBND xã K, đóng lên các chữ ký mà S vừa ký giả mạo, rồi dùng dấu chức danh, dấu tên của 02 ông, đóng vào phía dưới dấu của UBND xã K, khi làm xong 05 tờ giấy vay tiền có các chữ ký giả mạo của Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND xã K, S đưa cho bà H, V, P giữ. Mục đích để bà H, V, P tin tưởng các giấy vay tiền đã có xác nhận của UBND xã K, huyện N, để đồng ý cho S gia hạn thêm thời hạn trả nợ.

Cuối năm 2018, đầu năm 2019, S vẫn không trả nợ được theo thời hạn ghi trên giấy, nên bà H, V, P đã mang các giấy vay tiền trên, đến UBND xã K gặp ông Nguyễn Duy H và ông Hoàng Đức D, đề nghị can thiệp giúp. Sau khi xem các tờ giấy vay tiền trên, ông H và ông D phát hiện các chữ ký xác nhận trong các giấy vay tiền trên, có đóng dấu của UBND xã, chữ ký của ông H và ông D, đều không phải là chữ ký của hai ông, mà là chữ ký bị giả mạo.

Ngày 25/3/2019, ông H và ông D đã thống nhất để ông D viết đơn trình báo sự việc đến Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N.

Ngày 02/4/2019, các bà H, V, P đã giao nộp 04 tờ giấy vay tiền nêu trên cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N, tỉnh Bắc Kạn.

Ngày 18/4/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N trưng cầu giám định viên phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn, giám định chữ ký và con dấu. Mẫu cần giám định là: 01 tờ giấy vay tiền ngày 25/6/2018 của Lương Thị Kiều S với Bàn Thị V, phía dưới có chữ ký của bên vay là Lương Thị Kiều S, xác nhận của UBND xã K đóng dấu tròn đỏ và dấu tên mực đỏ của ông Hoàng Đức D (bản gốc); 01 tờ giấy vay tiền của Lương Thị Kiều S với Bàn Thị P, giấy có dòng kẻ ô li, giấy đề ngày 12/4/2018 (dương). Phần dưới có chữ ký của bên cho vay là Bàn Thị P, người vay là Lương Thị Kiều S, người làm chứng là Triệu Văn S, xác nhận của UBND xã K có đóng dấu tròn đỏ và dấu tên mực đỏ của ông Hoàng Đức D (bản gốc); 02 tờ giấy vay tiền đều ghi ngày 23/5/2018, cả hai tờ giấy đều có chữ ký của bên vay là Lương Thị Kiều S, bên cho vay là Hoàng Thị H, xác nhận của UBND xã K có đóng dấu tròn đỏ và dấu tên mực màu đỏ của ông Nguyễn Duy H (bản gốc). Mẫu cần so sánh là 01 biên bản xác minh thu thập hồi 14 giờ 30 phút ngày 02/4/2019 của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N, có mẫu chữ ký, mẫu dấu tên của ông Nguyễn Duy H, ông Hoàng Đức D và mẫu dấu tròn của UBND xã K.

Tại bản kết luận số: 07/KTHS-GĐTL, ngày 26/4/2019 của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Bắc Kạn, kết luận: Chữ ký đứng tên "Hoàng Đức D" trên 02 tờ giấy vay tiền ghi ngày 12/4/2018 và ngày 26/5/2018 với chữ ký mẫu so sánh của ông Hoàng Đức D không phải do cùng một người ký ra; chữ ký đứng tên "Nguyễn Duy H" trên 02 tờ giấy vay tiền cùng ghi ngày 23/5/2018 với chữ ký mẫu so sánh của ông Nguyễn Duy H không phải do cùng một người ký ra; hình dấu tròn màu đỏ trên 04 tờ giấy vay tiền với hình dấu mẫu so sánh của UBND xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn là do cùng một con dấu đóng ra.

Ngày 24/5/2019, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện N khám xét nhà của Lương Thị Kiều S, phát hiện trong túi đựng giấy tờ trong buồng ngủ có 02 tờ giấy vay tiền ghi ngày 23/5/2018, giữa Lương Thị Kiều S với Hoàng Thị H (01 tờ giấy vay tiền ghi vay số tiền 120.000.000đ, 01 tờ giấy ghi vay số tiền 70.000.000đ, cả hai tờ giấy vay tiền này đều là bản photocoppy không phải bản gốc và không có chứng thực).

Quá trình điều tra, Lương Thị Kiều S đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, nguyên nhân do chưa có tiền trả nợ, nên S đã viết các giấy vay nợ tiền trên, rồi ký giả mạo các chữ ký của ông Nguyễn Duy H - chủ tịch UBND xã và ông Hoàng Đức D - Phó chủ tịch UBND xã. Mục đích để những người cho S vay tiền cho ra hạn thêm thời hạn trả tiền mà S đã vay trước đó. Ngoài ra, S còn khai nhận, có vay của bà Triệu Thị T 30.000.000đ, ông Bàn Văn V 25.000.000đ , ông Bàn Tiến M 20.000.000đ, ông Lý Văn L 15.000.000đ, ông Triệu Văn C 5.000.000đ. Những người này đều trú tại xã K, huyện N, và vay của Lê Đức T trú tại tổ nhân dân P, thị trấn Y, huyện N số tiền 62.000.000đ, nhưng các giấy vay tiền này không có xác nhận của chính quyền địa phương.

Vật chứng của vụ án gồm:

- 02 tờ giấy vay tiền ghi ngày 23/5/2018, do Lương Thị Kiều S viết với nội dung vay tiền giữa S với bà Hoàng Thị H, có chữ ký giả của ông Nguyễn Duy H (bản gốc).

- 01 tờ giấy vay tiền ghi ngày 26/5/2018, do Lương Thị Kiều S viết và ký giả chữ ký của ông Hoàng Đức D, nội dung S vay tiền với bà Bàn Thị V (bản gốc).

- 01 tờ giấy vay tiền ghi ngày 14/4/2018, do Lương Thị Kiều S viết và ký giả chữ ký của ông Hoàng Đức D, nội dung S vay tiền với bà Bàn Thị P (bản gốc).

(Số vật chứng là tài liệu, chứng cứ trên được lưu theo hồ sơ vụ án).

Tại bản cáo trạng số 21/CT-VKS-NR ngày 20/9/2019, Viện kiểm sát nhân dân huyện N, tỉnh Bắc Kạn, truy tố Lương Thị Kiều S về: "Tội giả mạo trong công tác" theo điểm c khoản 2 Điều 359 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa: Bị cáo thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, như nội dung Cáo trạng đã nêu và đề nghị Hội đồng xét xử xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

- Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông H, ông D, bà H, bà V, bà P đều có đơn xin xét xử vắng mắt và nêu quan điểm: Không có yêu cầu gì đối với bị cáo.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N, giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo theo cáo trạng. Đề nghị HĐXX tuyên bố: Lương Thị Kiều S phạm: "Tội giả mạo trong công tác". Áp dụng điểm c khoản 2, khoản 5 Điều 359; Điều 41; điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt: Lương Thị Kiều S từ 33 đến 36 tháng tù cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 tháng. Phạt bổ sung: Cấm quản lý con dấu của UBND xã K, huyện N trong thời hạn từ 01 đến 02 năm tính từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật. Đề nghị HĐXX lưu hồ sơ vụ án các tài liệu, chứng cứ là giấy vay tiền có chữ ký giả mạo.

Người bào chữa cho bị cáo: Bà Đỗ Thị X có đơn xin vắng mặt, trong đơn nêu quan điểm: Bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự, có nơi cư trú rõ ràng, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Vì vậy, đề nghị HĐXX xem xét áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo từ 18 đến 24 tháng.

Căn cứ vào các chứng cứ và tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Tn cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại hành vi, quyết định của những người tiến hành tố tụng Điều tra viên, Kiểm sát viên cũng như việc vắng mặt của những người liên quan. Như vậy, các hành vi, quyết định tố tụng của những người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Về hành vi phạm tội: Tại phiên tòa, bị cáo khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai tại cơ quan Điều tra, lời khai của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan và các tài liệu, chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra, đủ cơ sở kết luận: Lương Thị Kiều S có vay tiền của bà Hoàng Thị H, Bàn Thị V, Bàn Thị P để làm kinh tế gia đình và chi phí cho chồng đi lao động xuất khẩu, nhưng kinh doanh bị thua lỗ, chồng không gửi tiền về trả nợ, nên đến hạn trả nợ không có tiền để trả, do không chịu nổi áp lực đòi nợ của những người đã cho vay, nên từ ngày 12/4/2018, đến ngày 26/5/2018, S tự mình viết ra 04 tờ giấy vay tiền của bà Hoàng Thị H, Bàn Thị V, Bàn Thị P rồi ký giả mạo chữ ký của các ông Nguyễn Duy H, là chủ tịch UBND xã và ông Hoàng Đức D, là Phó chủ tịch UBND xã, rồi dùng con dấu của UBND xã K, đóng lên 04 chữ ký mà S đã ký giả mạo chữ ký của ông H và ông D, rồi dùng dấu chức danh, dấu tên, đóng dưới dấu đỏ hình tròn của UBND xã K, huyện N, rồi đưa tờ giấy đó cho bà H, V, P giữ. Mục đích để bà H, V, P tin tưởng cho S được kéo dài thêm thời gian trả nợ.

Hành vi nêu trên của bị cáo đã xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước. Hội đồng xét xử kết luận: Lương Thị Kiều S phạm: "Tội giả mạo trong công tác" quy định tại điểm c khoản 2 Điều 359 Bộ luật hình sự.

Điều luật có nội dung:

“1. Người nào vì vụ lợi hoặc động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:

a, …;

c, Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả”.

[3]. Về nhân thân, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:

Bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án; tiền sự; bị cáo không có tình tiết tăng nặng; có các tình tiết giảm nhẹ sau: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình. Bị cáo là người có nhiều thành tích xuất sắc trong quá trình công tác tại UBND xã K, nên được tặng nhiều Giấy khen, cụ thể: Được Chủ tịch UBND huyện N, tỉnh Bắc Kạn tặng Giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 tại quyết định số: 2505/QĐ-UBND ngày 20/6/2016; được Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Bắc Kạn tặng Giấy khen vì đã hoàn thành tốt công tác thống kê xã, phường, thị trấn năm 2016 tại số: 723/QĐ-CTK ngày 28/11/2016. Ngoài ra, bị cáo còn có ông nội là Lương Văn C và ông ngoại là Lành Văn C là người có công với nước, được Hội đồng Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì tại số: 397 ngày 13/8/1985 và ngày 15/8/1985 và có ông Phạm Hồng D là ông nội bên chồng được Nhà nước tặng Huân chương kháng chiến hạng ba. Do vậy, bị cáo được hưởng 03 tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm s, v khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự.

[4]. Đánh giá về quan điểm truy tố, đề nghị của Viện kiểm sát: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện N tại phiên tòa giữ nguyên Quyết định truy tố như nội dung bản Cáo trạng, quan điểm truy tố của Viện kiểm sát là có căn cứ. Mức hình phạt của Viện kiểm sát đề nghị áp dụng hình phạt tù cho bị cáo hưởng án treo. HĐXX xét thấy, mức hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị áp dụng đối với bị cáo nằm trong khung hình phạt mà bị cáo bị truy tố và phù hợp với hành vi phạm tội của bị cáo.

[5]. Căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân bị cáo, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, xét thấy: Bị cáo có nhân thân tốt, có việc làm và chỗ ở ổn định, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, trong đó có 02 tình tiết quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật hình sự, nên có thể quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt bị truy tố, áp dụng hình phạt tù treo đối với bị cáo, cũng đủ răn đe, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung; hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo làm công việc liên quan đến quản lý con dấu, trong thời hạn 01 năm từ ngày bản án có hiệu lực; bị cáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, không có tiền trả nợ vay, dẫn đến hành vi phạm tội. Mục đích phạm tội không mang tính vụ lợi, nên không áp dụng hình phạt tiền.

[6]. Đối với việc vay tiền giữa bị cáo với bà Hoàng Thị H, Bàn Thị V, Bàn Thị P, là giao dịch dân sự đã được Tòa án nhân dân huyện N giải quyết theo quan hệ giao dịch dân sự, và đã ban hành Quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự về việc vay nợ trên. Việc các giấy vay tiền có chữ ký giả mạo những người liên quan không có yêu cầu gì, nên không xem xét. Tại phiên tòa, vắng mặt bà H, V, P, ông H, trong đơn xin vắng mặt nêu quan điểm, không có yêu cầu gì đối với bị cáo, nên không xét; ông D có mặt tại phiên tòa , nêu quan điểm không có yêu cầu gì đối với bị cáo, nên Hội đồng xét xử không xem xét. Những người khác như bà Triệu Thị T, Bàn Văn V, Bàn Tiến M, Lý Văn L, Triệu Văn C, Lê Đức T, là những người cho Lương Thị Kiều S vay tiền. Nếu có yêu cầu đòi nợ với số tiền cho vay, thì có quyền gửi đơn khởi kiện đến Tòa án, để được giải quyết việc vay mượn trên, theo quy định của pháp luật dân sự.

[7] Về án phí: Bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Lương Thị Kiều S phạm "Tội giả mạo trong công tác".

2. Hình phạt: Áp dụng điểm c khoản 2 và khoản 5 Điều 359; điểm s, v khoản 1 và khoản 2 Điều 51; Điều 41, Điều 54, Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt: Lương Thị Kiều S 30 (ba mươi) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách 60 (sáu mươi) tháng tính từ ngày tuyên án sơ thẩm. Hình phạt bổ sung: Cấm bị cáo làm công việc liên quan đến quản lý con dấu trong thời hạn 01(một) năm, kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật; do bị cáo có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, nên không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền.

Giao bị cáo cho UBND xã K, huyện N, tỉnh Bắc Kạn giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách. Nếu bị cáo có thay đổi nơi cư trú thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

"Trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người được hưởng án treo phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo".

3.Về án phí: Áp dụng Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, buộc bị cáo Lương Thị Kiều S phải chịu 200.000,đ (hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

4. Quyền kháng cáo: Bị cáo có mặt có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án;

nhng người liên quan vắng mặt có quyền kháng cáo phần liên quan trong hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1002
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2019/HS-ST ngày 12/11/2019 về tội giả mạo trong công tác

Số hiệu:22/2019/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Na Rì - Bắc Kạn
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/11/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về