Bản án 22/2019/HS-PT ngày 22/01/2019 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK  

BẢN ÁN 22/2019/HS-PT NGÀY 22/01/2019 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB

Ngày 22 tháng 01 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự phúc thẩm thụ lý số: 422/2018/TLPT-HS, ngày 11/12/2018 đối với bị cáo Phạm Hữu C, về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”. Do có kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 23/2018/HS-ST ngày 13/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo bị kháng cáo:

Họ và tên: Phạm Hữu C, sinh năm 1974 tại tỉnh Hưng Yên; nơi cư trú: Buôn T, xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Lái xe; trình độ học vấn: 6/12; dân tộc: Kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: Không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Phạm Hữu H (đã chết) và Nguyễn Thị T, sinh năm 1942; bị cáo có vợ là Trịnh Thị P, sinh năm 1982 và có 02 con, con lớn sinh năm 2002, con nhỏ sinh năm 2009; tiền án, tiền sự: Không có; bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, hiện đang tại ngoại, có mặt.

Người bị hại: Ông Phan Thế Đ (đã chết).

Người đại diện hợp pháp cho người bị hại: Chị Phan Thị Hải Y, sinh năm 1978, là con ruột của bị hại; địa chỉ: Tổ dân phố X, phường N, thị xã G, tỉnh Đắk Nông, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại: Luật sư Lê Xuân Anh P - Công ty Luật trách nhiệm hữu hạn T, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào khoảng 20 giờ ngày 12/02/2018, Phạm Hữu C điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 47C-179.xx đi từ thành phố P, tỉnh Gia Lai đi trên đường H về thành phố B, tỉnh Đắk Lắk. Đến khoảng 23 giờ 15 phút cùng ngày, C điều khiển xe đi đến Km 1718 + 200 thuộc địa bàn Buôn K, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk thì bất ngờ ngủ gật và đánh tay lái về bên phải theo hướng đi của xe ô tô. Khi bị cáo Chính giật mình tỉnh lại thì phát hiện có người đi bộ cùng chiều phía trước (là ông Phan Thế Đ), cách khoảng 10 mét và sát lề đường bên phải, C đạp phanh xe để tránh tai nạn nhưng không kịp và xe ô tô do C điều khiển va chạm với ông Đ, lúc này C đánh tay lái sang trái cho xe đi đúng làn đường rồi phanh lại cho xe dừng lại bên lề đường bên phải. Sau đó, C xuống xe thấy ông Đ nằm bất động trên mặt đường nên đón xe ô tô khác đưa ông Đ đi bệnh viện cấp cứu. Hậu quả ông Đ chết trên đường đi cấp cứu.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường vụ tai nạn giao thông và biên bản dựng lại hiện trường xác định: Đoạn đường nơi xảy ra tai nạn là đoạn đường thẳng thuộc Km 1718 + 200 đường H thuộc địa bàn buôn K, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Đoạn đường đi theo hai hướng chính, một hướng đi về thị xã Buôn Hồ, một hướng đi về hướng huyện E. Mặt đường của đoạn đường nơi xảy ra tai nạn được trải nhựa bằng, phẳng, khô ráo, rộng 11m. Trên mặt đường ở giữa có vạch kẻ sơn màu vàng, đứt quãng, rộng 0,10m; hai bên mép đường có vạch kẻ sơn màu trắng, liền, rộng 0,20m. Mép đường bên phải theo hướng đi E - thị xã B có biển báo hiệu giao nhau với đường không ưu tiên. Lấy mép đường bên phải theo hướng đi huyện E - thị xã B làm mép đường chuẩn. Lấy cột mốc 1718-H2 làm điểm mốc cố định, xác định:

Nạn nhân đã được tổ chức đưa đi cấp cứu. Tại hiện trường, xe ô tô tải biển kiểm soát 47C-179.xx được ký hiệu (4): nằm thẳng đứng trên mặt đường. Đầu xe quay về hướng thị xã B, đuôi xe quay về hướng huyện E. Từ tâm trục bánh xe trước bên phải đo vào mép đường chuẩn là 0,25m. Từ tâm trục bánh xe sau bên phải đo vào mép đường chuẩn là 0,55m.

Tại hiện trường trên mặt đường để lại vết phanh lốp màu đen kích thước (5,40 x 0,17)m được kí hiệu (1) có chiều hướng huyện E - thị xã B. Điểm đầu vết phanh đo vào mép đường chuẩn là 2,40m; điểm cuối vết phanh đo vào mép đường chuẩn là 1,80m.

Tại hiện trường để lại vùng mảnh vỡ kích thước (1,25x0,90)m được ký hiệu (2) từ tâm vùng mảnh vỡ đo vào mép đường chuẩn là 2,45m; đo vào điểm cuối vết phanh lốp (1) là 24,70m.

Tại hiện trường trên mặt đường để lại vùng vết máu kích thước (0,25x0,10)m được ký hiệu (3) từ tâm vùng vết máu đo vào mép đường chuẩn là 2,80m; đo vào tâm vùng mảnh vỡ (2) là 16,30m và đo vào tâm trục bánh xe sau bên phải ô tô tải biển kiểm soát 47C-179.xx là 33,50m.

Lấy điểm đầu vết phanh lốp (1) đo vào trụ mốc số 1718-H2 là 20,70m và đo vào biển báo hiệu giao nhau với đường không ưu tiên là 7m.

Căn cứ vào các dấu vết để lại trên hiện trường, vị trí cuối cùng của phương tiện và các tài liệu thu thập được xác định điểm va chạm đầu tiên giữa xe ô tô tải và người đi bộ nằm tại vị trí được ký hiệu (x) đo vào mép đường chuẩn là 0,70m, đo

vào điểm cuối của vết phanh lốp (1) là 4,90m và đo vào điểm mốc cố định là 30,45m.

Tại Bản kết luận pháp y tử thi số 121/PY-T.Th ngày 23/3/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Đ kết luận nguyên nhân chết đối với nạn nhân Phan Thế Đ: Hôn mê, suy hô hấp không hồi phục do chấn thương sọ não nặng. Vỡ sọ/TNGT.

Tại Bản án hình sự sơ thẩm số: 23/2018/HS-ST ngày 13/9/2018 của Tòa án nhân dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 260; điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự. Tuyên bố: Bị cáo Phạm Hữu C phạm tội: “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Xử phạt: Phạm Hữu C 01 (một) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk giám sát giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp cùng Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trong trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Phạm Hữu C phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng cho đại diện gia đình người bị hại với số tiền 145.880.000đ (một trăm bốn mươi lăm triệu tám trăm tám mươi nghìn đồng), được khấu trừ số tiền 109.500.000đ (một trăm linh chín triệu năm trăm nghìn đồng) bị cáo đã bồi thường. Bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường cho đại diện gia đình người bị hại là chị Phan Thị Hải Y số tiền 36.380.000đ (ba mươi sáu triệu ba trăm tám mươi nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về xử lý vật chứng, án phí và tuyên quyền kháng cáo của bị cáo và đương sự theo quy định của pháp luật.

Sau khi xét xử sơ thẩm, người đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn kháng cáo với nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không cho bị cáo được hưởng án treo và đề nghị tăng mức bồi thường thiệt hại.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện hợp pháp của người bị hại vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo; bị cáo Phạm Hữu C đã khai nhận toàn bộ hành vi mà bị cáo đã thực hiện đúng như nội dung vụ án đã được tóm tắt nêu trên.

Quá trình tranh luận tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk đã phân tích đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Hữu C về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là có căn cứ và đúng pháp luật. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, có nhân thân tốt và có nơi cư trú rõ ràng, đủ điều kiện được hưởng án treo, nên mức hình phạt 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm mà bản án sơ thẩm xử phạt đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra. Do đó kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại yêu cầu không cho bị cáo được hưởng án treo là không có căn cứ chấp nhận. Về phần trách nhiệm dân sự: Các khoản bồi thường mà bản án sơ thẩm đã tuyên buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại là thỏa đáng và phù hợp với quy định của pháp luật, nên yêu cầu tăng bồi thường là không có cơ sở để xem xét.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử: Căn cứ điểm a khoản 1 Điều355, Điều 356 Bộ  luật tố tụng hình sự. Không chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại, giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt và phầntrách nhiệm dân sự. Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 260; điểm b, s khoản 1 Điều 51, Điều 65 của Bộ luật hình sự; Xử phạt: Phạm  Hữu C 01 (một) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm kể từ ngày tuyên án sơ thẩm; về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Phạm Hữu C phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng cho người đại diện gia đình người bị hại với số tiền 145.880.000đ, được khấu trừ số tiền 109.500.000đ mà bị cáo đã bồi thường và số tiền 36.380.000 đồng bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện K vào ngày 28/12/2018 để bồi thường cho gia đình người bị hại. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị tiếp tục có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại trình bày ý kiến cho rằng: Nội dung kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại về hình phạt là có căn cứ, bởi lẽ bị cáo điều khiển xe trong tình trạng sức khỏe không đảm bảo dẫn đến buồn ngủ và gây tai nạn, việc gây tai nạn dẫn đến cái chết cho người bị hại là hoàn toàn do lỗi của bị cáo, do đó việc cho bị cáo được hưởng án treo là không phù hợp và không đảm bảo việc răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội. Về phần trách nhiệm dân sự: Yêu cầu kháng cáo đề nghị tăng mức bồi thường là có căn cứ chấp nhận, vì một số khoản thiệt hại như tiền ăn uống, xây nhà mồ, tiền cúng mở cửa mả, cầu siêu, là những khoản chi theo phong tục tập quán và thực tế có chi nên cấp sơ thẩm không chấp nhận những khoản tiền này là không đúng; đồng thời việc gây nên cái chết cho người bị hại hoàn toàn do lỗi của bị cáo, nên phần bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần mà cấp sơ thẩm đã tuyên bằng 60 tháng lương cơ bản là thấp và không phù hợp. Luật sư đề nghị sửa bản án sơ thẩm theo hướng không cho bị cáo được hưởng án treo và tăng bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần là 100 tháng lương tối thiểu, đồng thời xem xét chấp nhận các khoản về tiền ăn uống, nhà mồ, tiền cúng cầu siêu một khoản nhất định theo kê khai yêu cầu của gia đình bị hại.

Người đại diện hợp pháp của bị hại nhất trí với phần trình bày của Luật sư và không bổ sung gì thêm; bị cáo không tranh luận, bào chữa gì và chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo được hưởng án treo, về trách nhiệm dân sự thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

Qua tranh luận, đối đáp, đại diện Viện kiểm sát, người đại diện hợp pháp của bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại và bị cáo vẫn giữ nguyên ý kiến như đã trình bày trên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

 [1] Lời khai của bị cáo Phạm Hữu C tại phiên tòa phúc thẩm là phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 23 giờ 15 phút, ngày 12/02/2018, bị cáo Phạm Hữu C có giấy phép lái xe theo quy định, điều khiển xe ô tô tải biển kiểm soát 47C-179.xx đi từ hướng huyện E về thị xã B, tỉnh Đắk Lắk. Khi đi đến đoạn đường Km 1718 + 200, đường H, thuộc buôn K, xã C, huyện K, tỉnh Đắk Lắk do ngủ gật và không tập trung quan sát nên đã đánh tay lái xe về phía bên phải theo hướng đi và đầu xe ô tô do C điều khiển đã va chạm vào ông Phan Thế Đ là người đang đi bộ cùng chiều sát bên lề đường bên phải theo hướng đi của xe ô tô, gây tai nạn, hậu quả làm ông Phan Thế Đ bị tử vong. Do đó, bản án sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phạm Hữu C về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” là có căn cứ pháp lý và đảm bảo đúng người, đúng tội.

 [2] Đối với kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại, Hội đồng xét xử xét thấy:

 [2.1] Về hình phạt: Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến tính mạng của người bị hại, đồng thời còn gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự an toàn giao thông của địa phương, do đó bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội đã thực hiện. Tuy nhiên, sau khi gây tai nạn bị cáo đã có trách nhiệm bồi thường một phần thiệt hại cho gia đình bị hại và sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền bồi thường theo bản án sơ thẩm đã tuyên là 36.380.000 đồng, để bồi thường thiệt hại; bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, hiện nay hoàn cảnh gia đình bị cáo khó khăn; bản thân bị cáo có nhân thân tốtvà có nơi cư trú rõ ràng, bị  cáo phạm tội với lỗi vô ý nên không cần thiết phải cáchly bị cáo với xã  hội mà cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo tự cải tạo tại chỗ, dưới sự giám sát, giáo dục của chính quyền địa phương và gia đình là phù hợp, như vậy cũng đảm bảo được việc cải tạo, giáo dục bị cáo. Xét thấy, mức hình phạt 01 năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 năm mà bản án sơ thẩm đã xử phạt bị cáo Phạm Hữu C là thỏa đáng và tương xứng với tính chất, mức độ do hành vi phạm tội của bị cáo đã gây ra, quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ pháp luật. Do đó, kháng cáo của người đại diện hợp pháp của bị hại đề nghị tăng hình phạt và không cho bị cáo được hưởng án là không có căn cứ để chấp nhận và cần giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt là phù hợp.

 [2.2] Về trách nhiệm dân sự: Bản án sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho đại diện gia đình người bị hại các khoản với số tiền 145.880.000 đồng, trong đó các khoản về tiền thuê xe, dọn vệ sinh tại bệnh viện, tiền nước uống, hoa quả cúng, đất mộ và dịch vụ tang lễ là thực tế và phù hợp. Tuy nhiên khoản bù đắp tổn thất về tinh thần mức 60 tháng lương cơ bản với số tiền 83.400.000 đồng, là chưa phù hợp và thấp so với quy định của pháp luật, do đó cần chấp nhận kháng cáo và sửa bản án sơ thẩm về phần dân sự theo hướng tăng phần bồi thường khoản bù đắp tổn thất về tinh thần do tính mạng bị xâm phạm bằng 90 tháng lương cơ bản là phù hợp. Đối với yêu cầu của gia đình bị hại đề nghị xem xét buộc bị cáo bồi thường các khoản về: Tiền chợ nấu ăn 03 ngày là 8.820.000 đồng, tiền nhà mồ 62.000.000 đồng, tiền thuê thầy cúng tổng cộng là 17.000.000 đồng. Xét thấy, các khoản này là không đúng theo quy định của pháp luật, nên không có căn cứ chấp nhận. Như vậy, cần buộc bị cáo phải bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại các khoản như sau: Tiền thuê xe đưa đi cấp cứu là 2.000.000 đồng; tiền dọn vệ sinh tại bệnh viện là 500.000 đồng; tiền thuê xe chở thi thể về tỉnh Đắk Nông là 3.000.000 đồng; nước uống là 480.000 đồng; hoa quả cúng là 1.500.000 đồng; tiền mua đất xây mộ là 15.000.000 đồng; dịch vụ tang lễ là 40.000.000 đồng và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tương đương với 90 tháng lương cơ bản là 125.100.000 đồng. Tổng cộng các khoản bị cáo phải bồi thường là 187.580.000 đồng, được khấu trừ số tiền 109.500.000 đồng mà bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại và số tiền 36.380.000 đồng mà bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk theo biên lai thu số AA/2012/10844 ngày 28/12/2018 để bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm, bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường số tiền là 41.700.000 đồng.

 [3] Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Do sửa án sơ thẩm về phần bồi thường thiệt hại, nên án phí dân sự sơ thẩm bị cáo phải chịu có thay đổi, cụ thể bị cáo phải chịu án phí dâm sự sơ thẩm là 41.700.000 đồng x 5% = 2.085.000 đồng.

Án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận một phần và sửa bản án sơ thẩm nên người đại diện hợp pháp của người bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

 [4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị, nên Hội đồng xét xử không xem xét và đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

 [1] Căn cứ điểm a, điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 356, điểm b khoản 2 Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự.

Không chấp nhận kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại về phần hình phạt; chấp nhận một phần kháng cáo của người đại diện hợp pháp của người bị hại về phần trách nhiệm dân sự; giữ nguyên bản án sơ thẩm về hình phạt và sửa bản án sơ thẩm về phần trách nhiệm dân sự.

 [1.1] Áp dụng: Điểm a khoản 1 Điều 260; điểm b, điểm s khoản 1 Điều 51; Điều 65 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Hữu C 01 (một) năm tù nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 02 (hai) năm tính từ ngày tuyên án sơ thẩm, về tội “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.

Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã E, thành phố B, tỉnh Đắk Lắk, để giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Trường hợp bị cáo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

 [1.2] Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017; Điều 584, Điều 585 và Điều 591 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Buộc bị cáo Phạm Hữu C phải bồi thường cho người đại diện hợp pháp của người bị hại các khoản như sau: Tiền thuê xe đưa đi cấp cứu là 2.000.000 đồng; tiền dọn vệ sinh tại bệnh viện là 500.000 đồng; tiền thuê xe chở thi thể về tỉnh Đắk Nông là 3.000.000 đồng; nước uống là 480.000 đồng; hoa quả cúng là 1.500.000 đồng; tiền mua đất xây mộ là 15.000.000 đồng; dịch vụ tang lễ là 40.000.000 đồng và tiền bù đắp tổn thất về tinh thần tương đương với 90 tháng lương cơ bản là 125.100.000 đồng. Tổng cộng các khoản bị cáo phải bồi thường là 187.580.000 đồng, được khấu trừ số tiền 109.500.000 đồng mà bị cáo đã bồi thường cho gia đình bị hại và số tiền 36.380.000 đồng mà bị cáo đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk theo biên lai thu số AA/2012/10844 ngày 28/12/2018 để bồi thường theo quyết định của bản án sơ thẩm, bị cáo còn phải tiếp tục bồi thường số tiền là 41.700.000 đồng (Bốn mươi mốt triệu bảy trăm nghìn đồng).

 [2] Về án phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Án phí dân sự sơ thẩm: Bị cáo Phạm Hữu C phải chịu 2.085.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

Án phí phúc thẩm: Người đại diện hợp pháp của bị hại không phải chịu án phí phúc thẩm.

 [3] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm, không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

277
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 22/2019/HS-PT ngày 22/01/2019 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB 

Số hiệu:22/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 22/01/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về