Bản án 220/2020/KDTM-PT ngày 17/12/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 220/2020/KDTM-PT NGÀY 17/12/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HÓA

Trong ngày 16 và 17 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 248/2020/KTPT ngày 04/11/2020 về việc tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 639/2020/QĐXX-PT ngày 01/12/2020, giữa:

 * Nguyên đơn:

 Công ty cổ phần 3 ; có trụ sở tại: số 6, ngách 322/22/4 đường M, phường M, quận N, HN. Đại diện theo pháp luật: ông Lê Văn T, chức vụ: Giám đốc:

Người đại diện theo ủy quyền: ông Phạm Ngọc S, có địa chỉ tại: Lô 67, ngõ 136 T, phường Ya, quận C, HN.

* Bị đơn: Tổng công ty xây dựng công trình GT; có trụ sở tại: số 18 H, phường Q, quận Đ, HN; Người đại diện theo pháp luật: ông Hồ Tuấn S, chức vụ: Tổng giám đốc.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Đặng Đình Đ, sinh năm 1965, chức vụ: Phó tổng giám đốc; Ông Hoàng Mạnh H, sinh năm 1975, chức vụ: Phụ trách pháp chế; Ông Phạm Văn H, chức vụ: Phó giám đốc Ban KHKT; Ông Nguyễn Văn P, chức vụ: Cán bộ Ban Tài chính kế hoạch.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, vụ án có nội dung như sau:

1. Đại diện nguyên đơn trình bày:

Trong năm 2015, Công ty cổ phần 3 (sau đây gọi tắt là Công ty 3 ) và Tổng công ty xây dựng công trình GT (sau đây gọi tắt là T 8) đã cùng nhau ký 3 Hợp đồng nguyên tắc cung ứng, mua bán hàng hóa với nội dung bên bán hàng là Công ty 3, bên mua hàng là T 8 theo đó bên bán hàng nhận cung cấp hàng hóa, vật liệu xây dựng là Thép theo tiêu chuẩn cho bên mua để bên mua thi công xây dựng các công trình cầu đường trên địa bàn các địa phương khác nhau cụ thể như sau:

- Hợp đồng nguyên tắc số 036/HĐNT ngày 06/01/2015 và các đơn hàng, phụ lục đi kèm để bên mua thi công xây dựng cầu Cốc Pài, tỉnh Lào Cai.

- Hợp đồng nguyên tắc số 23A/HĐNT ngày 23/01/2015 và các đơn đặt hàng, phụ lục đi kèm để bên mua thi công xây dựng Gói 5, đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi - Hợp đồng nguyên tắc số 11/HĐNT ngày 11/5/2015 và các đơn đặt hằng, phụ lục đi kèm để bên mua thi công xây dựng Gói 5, đường cao tốc Đà Nãng- Quảng Ngãi.

- Quá trình thực hiện các hợp đồng nguyên tắc trên bên bán đã thực hiện đúng các điều khoản ký kết trong hợp đồng, đã giao hàng đúng và đủ cho bên mua thi công xây dựng các công trình.

Hai bên cũng đã thực hiện việc đối chiếu về số lượng hàng hóa được giao và công nợ còn tồn đọng, bên mua cũng đã thực việc thanh toán một phần số tiền trên giá trị hàng hóa đạt 63% tổng giá trị phải thanh toán.

Về đối chiếu công nợ hai bên đã có các biên bản đối chiếu công nợ như sau:

1- Tại biên bản ngày 31/8/2015, bên bán và bên mua là T 8 thừa nhận còn nợ bên bán số tiền chưa thanh toán là 3.528.528.667 đồng.

2- Tại biên bản ngày 31/8/2015, bên bán và bên mua là Xí nghiệp xây dựng cầu đường 2 thuộc T 8 thừa nhận còn nợ bên bán số tiền chưa thanh toán là 1.800.697.002 đồng và đến ngày 22/10/2015, Xí nghiệp xây dựng cầu đường 2 thanh toán trả bên mua 100.000.000 đồng đến ngày 20/7/2017 hai bên ký xác nhận lại số công nợ bên mua còn phải thanh toán trả bên bán là 1.700.697.002 đồng.

3- Tại biên bản ngày 09/9/2015, bên bán và bên mua là Xí nghiệp xây dựng cầu đường 1 thuộc T 8 bên mua thừa nhận còn nợ bên bán số tiền chưa thanh toán là 560.000.000 đồng và đến ngày 31/3/2017 hai bên ký xác nhận lại số công nợ bên mua còn phải thanh toán trả bên bán là 560.000.000 đồng.

Sau khi hai bên ký các biên bản đối chiếu công nợ như trên, bên mua đã thanh toán trả bên bán số tiền 3.500.000.0000đ cụ thể như sau:

- Lần 1: Ngày 05/02/2016 trả 1.500.000.000 đồng.

- Lần 2; Ngày 13/6/2016 trả 1.000.000.000 đồng.

- Lần 3: ngày 20/01/2017 trả 1.000.000.000 đồng.

Như vậy số tiền gốc bên mua còn phải trả cho bên bán tính đến nay là 2.289.225.669 đồng.

Nay bên bán yêu cầu bên mua phải thanh toán số tiền gốc như trên và số tiền lãi với mức lãi suất 9% năm đối với số tiền nợ gốc chưa thanh toán kể từ ngày bên mua vi phạm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng cụ thể như sau:

1- Đối với lãi chậm thanh toán của T 8 là:

- Nợ gốc 3.528.528.667 đồng từ ngày 31/8/2015 đến ngày 05/02/2016 là 158 ngày với lãi suất 9% năm và số tiền lãi là 139.376.882 đồng.

- Nợ gốc giảm dần do ngày 05/02/2016 thanh toán 1,5 tỷ đồng còn gốc 2.028.528.667đ từ ngày 06/02/2016 đến ngày 13/6/2016 là 128 ngày với lãi suất 9% năm là 64.912.917 đồng.

- Nợ gốc giảm dần còn 1.028.528.667 đồng từ ngày 14/6/2016 đến ngày 20/01/2017 là 220 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 56.569.076 đồng.

- Nợ gốc giảm dần còn 28.528.667đ từ ngày 21/01/2017 đến ngày 08/9/2020 là 1326 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 9.457.253 đồng.

2- Đối với số tiền lãi chậm thanh toán của Xí nghiệp xây dựng cầu đường 1 thuộc T 8 là nợ gốc 560.000.000 đồng từ ngày 09/9/2015 đến ngày 08/9/2020 là 1.826 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 255.640.000 đồng.

3- Đối với số tiền lãi chậm thanh toán của Xí nghiệp xây dựng cầu đường 2 thuộc T 8 là nợ gốc 1.700.697.000 đồng từ ngày 23/10/2015 đến ngày 08/9/2020 là 1782 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 757.660.514 đồng.

Tống số tiền lãi chậm thanh toán của T 8 là 1.283.516.632 đồng.

Công ty 3 yêu cầu T 8 phải thanh toán số tiền cả gốc và lãi là 3.596.251.373 đồng.

2. Đại diện bị đơn trình bày:

T 8 thừa nhận việc 2 bên có ký 03 hợp đồng nguyên tắc như trên là đúng. T 8 cũng thừa nhận hai bên đã ký các biên bản đối chiếu công nợ. Tuy nhiên, đến nay T 8 không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về số tiền gốc cũng như số tiền lãi mà nguyên đơn yêu cầu, cụ thể T 8 cho rằng các biên bản giao nhận hàng hóa không hợp lệ và không đúng thỏa thuận trong hợp đồng cụ thể là:

- Các bên không có biên bản tổng hợp khối lượng giao nhận hàng hóa được người đại diện hợp pháp của 2 bên ký như đã thỏa thuận trong hợp đồng.

- Người ký nhận hàng hóa không phải là người của T 8 cũng không phải là người được ủy quyền hợp pháp.

- Bên giao hàng không có văn bản ủy quyền hoặc văn bản thông báo trước cho T 8 thậm chí tại các biên bản giao hàng cấp cho xí nghiệp 2 thì bên giao hàng còn không ký biên bản.

- Hóa đơn thanh toán có nội dung không hợp lệ cụ thể trong biên bản giao hàng các bên ký nhận là Cây nhưng trong hóa đơn lại ghi là kg do đó các bên cần phải kiểm tra làm rõ các nội dung này.

- Trong hợp đồng ghi bên bán là Công ty 3 nhưng thực tế lại là đơn vị khác (CN CTCP Thép Việt Ý tại Đà Nẵng) mà chưa được 2 bên thống nhất bằng văn bản. Từ đó T 8 yêu cầu Công ty 3 làm rõ những nội dung trên để có cơ sở đối chiếu rõ khối lượng và giá trị công nợ của 2 bên.

Tại bản án sơ thẩm số 48/2020/KDTM-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Đ đã xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty 3 đối với bị đơn T 8 về việc thanh toán tiền còn nợ trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

- Xác nhận T 8 còn nợ Công ty 3 tổng số tiền nợ gốc và lãi là:

3.596.251.373 đồng. Trong đó nợ gốc là: 2.289.225.669 đồng, lãi là:

1.283.516.632 đồng.

- Buộc T 8 phải thanh toán trả Công ty 3 tổng số tiền là: 3.596.251.373 đồng và lãi suất phát sinh của số tiền nợ gốc chưa thanh toán tính từ ngày kế tiếp ngày xét xử cho đến khi thanh toán hết số tiền nợ gốc theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Ngoài ra bản án còn tuyên về phần án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

 Không đồng ý với bản án sơ thẩm, bị đơn là T 8 kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm hủy bản án số 48/2020/KDTM-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Đ ; Yêu cầu xem xét lại các số liệu, biên bản giao nhận hàng hóa không hợp lệ và không đúng thỏa thuận trong hợp đồng mà bị đơn đã trình bày trong bản tự khai.

Tại Tòa án cấp phúc thẩm và tại phiên tòa hôm nay:

- Đại diện bị đơn trình bày: vẫn giữ yêu cầu kháng cáo, đề nghị HĐXX phúc thẩm xem xét đánh giá toàn bộ khách quan vụ việc để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị đơn và xem xét áp dụng lãi suất tại thời điểm trả nợ gốc từng thời kỳ. Phía bị đơn đề xuất xin trả 70% nợ gốc và thành toán trong 06 tháng.

- Đại diện nguyên đơn trình bày: đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Không chấp nhận đề xuất giảm 30% nợ gốc của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bên không nộp thêm tài liệu chứng cứ mới.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội sau khi phân tích nội dung vụ án đã đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo vì kháng cáo của bị đơn là không có căn cứ.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa. Sau phần hỏi và tranh luận, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng:

- Đơn kháng cáo của bị đơn trong thời hạn luật định và đã nộp tạm ứng án phí phúc thẩm là hợp lệ.

- Về thẩm quyền giải quyết: tranh chấp giữa các đương sự là tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa. Bị đơn là Tổng công ty xây dựng công trình GT, có trụ sở tại: số 18, H, phường Q, quận Đ, HN. Căn cứ khoản 1 Điều 30, điểm b khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự thì Tòa án nhân dân quận Đ thụ lý và giải quyết sơ thẩm là đúng thẩm quyền.

[2]. Về nội dung:

Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn, Hội đồng xét xử NHẬN THẤY

Căn cứ lời khai các bên đương sự và tài liệu xuất trình kèm theo. Xét thấy các hợp đồng nguyên tắc đã ký kết như các bên đã thừa nhận ở trên đáp ứng đủ điều kiện của chủ thể ký kết hợp đồng và nội dung phù hợp với quy định của pháp luật nên các hợp đồng nguyên tắc trên có giá trị pháp lý bắt buộc các bên thi hành.

Căn cứ vào lời trình bày của các bên đương sự và các tài liệu chứng cứ do đương sự xuất trình. Có căn cứ để xác định: nguyên đơn đã thực hiện đúng các nghĩa vụ đã được thỏa thuận trong các hợp đồng nguyên tắc, tất cả các lần giao hàng đều căn cứ vào đơn đặt hàng của bị đơn về khối lượng và chất lượng hàng hóa, nguyên đơn không phải đơn vị thi công xây dựng mà chỉ là bên bán hàng hóa theo hợp đồng, đối với các công trình bị đơn có trách nhiệm thi công thì đã được bàn giao nghiệm thu và đưa vào khánh thành sử dụng, quá trình thực hiện các hợp đồng nguyên tắc trên các bên sau này đều đã ký các biên bản đối chiếu công nợ với nhau cụ thể như sau:

1. Tại biên bản ngày 31/8/2015, bên bán và bên mua là T 8 thừa nhận còn nợ bên bán số tiền chưa thanh toán là 3.528.528.667 đồng.

2. Tại biên bản ngày 31/8/2015, bên bán và bên mua là Xí nghiệp xây dựng cầu đường 2 thuộc T 8 thừa nhận còn nợ bên bán số tiền chưa thanh toán là 1.800.697.002 đồng và đến ngày 22/10/2015, Xí nghiệp xây dựng cầu đường 2 thanh toán trả bên mua 100.000.000đ đến ngày 20/7/2017 hai bên ký xác nhận lại số nợ bên mua còn phải thanh toán trả bên bán là 1.700.697.002đ 3. Tại biên bản ngày 09/9/2015, bên bán và bên mua là Xí nghiệp xây dựng cầu đường 1 thuộc T 8 bên mua thừa nhận còn nợ bên bán số tiền chưa thanh toán là 560.000.000 đồng và đến ngày 31/3/2017 hai bên ký xác nhận lại số nợ bên mua còn phải thanh toán trả bên bán là 560.000.000 đồng.

Tổng số tiền trong 03 biên bản này là 5.789.225.669 đồng.

Trong các biên bản đối chiếu công nợ này các bên đều xác nhận bên mua phải có nghĩa vụ thanh toán số tiền còn thiếu được hai bên ký xác nhận trong các biên bản. Sau khi ký các biên bản đối chiếu công nợ này phía bị đơn đã 3 lần thực hiện nghĩa vụ thanh toán cụ thể như sau:

Lần 1: Ngày 05/02/2016 trả 1.500.000.000 đồng. Lần 2; Ngày 13/6/2016 trả 1.000.000.000 đồng. Lần 3: ngày 20/01/2017 trả 1.000.000.000 đồng.

Tổng số nợ gốc đã thanh toán là 3,5 tỷ đồng. Số tiền bị đơn còn phải trả tiếp cho nguyên đơn là 2.289.225.667 đồng.

Xét những lý do bị đơn đưa ra để không đồng ý thanh toán số tiền gốc còn lại đối với nguyên đơn. Các bên không có biên bản tổng hợp khối lượng hàng hóa do người có thẩm quyền ký trước khi đối chiếu xác nhận công nợ thì thấy rằng Hợp đồng mua bán hàng hóa các bên ký không có thỏa thuận yêu cầu phải có biên bản tổng hợp.

Đối với lý do kháng cáo cho rằng trong các biên bản giao nhận hàng hóa người ký nhận không phải là người của T 8 xin tạm ngừng phiên tòa để xuất trình tài liệu chứng minh, HĐXX phúc thẩm đã tạm ngừng phiên tòa để phía bị đơn xuấ trình xong các tài liệu do bị đơn xuất trình hôm nay không có tài liệu nào xác định các người có tên trong biên bản giao nhận hàng hóa không phải là của bị đơn. Về nội dung này HĐXX phúc thẩm thấy biên bản đối chiếu công nợ do người có thẩm quyền của T 8 ký sau khi có các biên bản giao nhận hàng hóa nên có giá trị chứng minh và pháp lý cao hơn lập luận này của T 8 không có cơ sở để chấp nhận.

Các hóa đơn thanh toán ghi khối lượng là kg trong khi đó biên bản giao hàng lại là cây thép. Về nội dung này căn cứ vào giải trình của nguyên đơn và các chứng từ giao nhận đơn hàng của T 8 mà nguyên đơn xuất trình thấy rằng số liệu thép giao tính theo cây được quy đổi sang kg là đúng.

Tóm lại, căn cứ các biên bản đối chiếu công nợ đã được người có thẩm quyền 2 bên ký xác nhận trong đó đều xác định để ký các biên bản đối chiếu công nợ này các bên đều căn cứ vào: “ ...Đơn đặt hàng, biên bản đối chiếu khối lượng đã được 2 bên ký xác nhận...:”. Xét sự thừa nhận trên của hai bên chính là căn cứ pháp lý làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ của các bên theo đó nguyên đơn đã thực hiện đúng các hợp đồng nguyên tắc không còn nghĩa vụ gì nữa mà bên có nghĩa vụ chỉ là bên bị đơn phải có nghĩa vụ thanh toán trả tiền cho bên nguyên đơn với số tiền mà hai bên đã ký xác nhận, do đó lời khai của người đại diện theo ủy quyền của bị đơn cho rằng bên nguyên đơn có vi phạm như giao hàng không có biên bản tổng trọng lượng được người có thẩm quyền hai bên ký kết cũng như không có thông báo trước cho bên mua và giữa hóa đơn với biên bản giao nhận có sự mâu thuẫn về đơn vị đo lường, hoặc bên bán không phải Công ty cổ phần 3 mà là Thép Việt Ý chi nhánh Đà Nãng là không có căn cứ chấp nhận nên Tòa án sơ thẩm buộc bị đơn phải thanh toán trả nguyên đơn số tiền gốc còn thiếu chưa thanh toán là 2.289.225.669 đồng tỷ theo nội dung xác nhận công nợ giữa các bên đã ký là có căn cứ.

- Xét yêu cầu tính lãi của nguyên đơn căn cứ các hợp đồng nguyên tắc các bên đều thỏa thuận bên mua hàng chậm thanh toán thì đều phải chịu tiền lãi phát sinh với mức lãi suất quá hạn theo quy định lãi suất quá hạn bình quân liên Ngân hàng tại thời điểm chậm thanh toán. Năm 2015 lãi suất quá hạn liên Ngân hàng là 12% năm, tuy nhiên đến nay nguyên đơn chỉ yêu cầu tính lãi suất quá hạn 9% năm. Xét yêu cầu này của nguyên đơn là có căn cứ phù hợp pháp luật về Kinh doanh thương mại và Bộ luật Dân sự và có lợi cho bị đơn nên chấp nhận cần buộc bị đơn phải thanh toán trả nguyên đơn số tiền lãi quá hạn cụ thể chi tiết Tòa án sơ thẩm tính toán:

1- Đối với lãi chậm thanh toán của T 8:

- Nợ gốc 3.528.528.667đ từ ngày 31/8/2015 đến ngày 05/02/2016 là 158 ngày với lãi suất 9% năm và số tiền lãi là 139.376.882đ.

- Nợ gốc giảm dần do ngày 05/02/2016 thanh toán 1,5 tỷ còn gốc 2.028.528.667đ từ ngày 06/02/2016 đến ngày 13/6/2016 là 128 ngày với lãi suất 9% năm là 64.912.917đ.

- Nợ gốc giảm dần từ còn 1.028.528.667đ từ ngày 14/6/2016 đến ngày 20/01/2017 là 220 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 56.569.076đ.

- Nợ gốc giảm dần còn 28.528.667đ từ ngày 21/01/2017 đến ngày 08/9/2020 là 1326 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 9.457.253đ.

2- Đối với số tiền lãi chậm thanh toán của Xí nghiệp xây dựng cầu đường 1 thuộc T 8 là nợ gốc 560.000.000đ từ ngày 09/9/2015 đến ngày 08/9/2020 là 1826 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 255.640.000đ.

3- Đối với số tiền lãi chậm thanh toán của Xí nghiệp xây dựng cầu đường 2 thuộc T 8 là nợ gốc1.700.697.000đ từ ngày 23/10/2015 đến ngày 08/9/2020 là 1782 ngày với lãi suất 9% năm số tiền lãi là 757.660.514 đ.

Tòa án cấp phúc thẩm đã kiểm tra tính toán thấy là đúng. Như vậy, tống số tiền lãi bị đơn phải thanh toán trả nguyên đơn là 1.283.516.632 đồng.

Với các phân tích đánh giá nêu trên, HĐXX phúc thẩm thấy không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bị đơn và chỉ sửa án sơ thẩm về cách tuyên nghĩa vụ chậm thanh toán khi thi hành án.

Kết luận của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội tại phiên toà hôm nay phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ nên được chấp nhận.

[3]. Về án phí phúc thẩm: do sửa án sơ thẩm về cách tuyên nên bị đơn không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Bởi các lẽ trên, Căn cứ vào khoản 2 Điều 308 và điểm b khoản 5 Điều 314 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng:

- Khoản 1 Điều 30; điểm b khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 271; Điều 273; Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

- Khoản 1 Điều 24, Điều 4, Điều 50, Điều 306 Luật Thương mại:

- Điều 274, 280, 357 Bộ luật Dân sự năm 2005:

- Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/NQ-UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu án phí, lệ phí Tòa án:

Sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 48/2020/KDTM-ST ngày 08/9/2020 của Tòa án nhân dân quận Đ, thành phố Hà Nội.

Xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là Công ty cổ phần 3 đối với bị đơn là Tổng công ty xây dựng công trình GT-CTCP về việc thanh toán tiền còn nợ trong hợp đồng mua bán hàng hóa.

2. Buộc Tổng công ty xây dựng công trình GT-CTCP phải thanh toán cho Công ty cổ phần 3 số tiền tính đến ngày xét xử sơ thẩm (08/9/2020) là:

- Nợ gốc là: 2.289.225.669 đồng:

- Nợ lãi là: 1.283.516.632 đồng; Tổng cộng là: 3.572.742.301 đồng.

3. Kể từ ngày kế tiếp ngày xét xử sơ thẩm cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải thi hành theo mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015 quy định tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

4. Về án phí kinh doanh thương mại:

- Bị đơn là Tổng công ty xây dựng công trình GT-CTCP phải chịu án phí sơ thẩm là 103.925.000 đồng được trừ 2.000.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số 0014834 ngày 30/9/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội; Còn phải chịu 101.925.000 đồng.

- Hoàn trả Công ty cổ phần 3 số tiền 43.000.000 đồng tạm ứng án phí đã nộp tại Biên lai số 0009529 ngày 29/11/2019 của Chi cục thi hành án dân sự quận Đ, thành phố Hà Nội.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án; quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2014.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án 17/12/2020.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

573
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 220/2020/KDTM-PT ngày 17/12/2020 về tranh chấp hợp đồng mua bán hàng hóa

Số hiệu:220/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 17/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về