Bản án 21/2021/DS-PT ngày 24/02/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 21/2021/DS-PT NGÀY 24/02/2021 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI TÀI SẢN

Ngày 24 tháng 02 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 224/2020/TLPT-DS ngày 28 tháng 12 năm 2020 về việc “tranh chấp bồi thường thiệt hại về tài sản”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2020/DS-ST ngày 15/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 14/2021/QĐPT-DS ngày 04 tháng 02 năm 2021 giữa các đương sự:

Nguyên đơn:

1. Ông Đặng Văn B - sinh năm 1967

2. Anh Đặng Văn N – sinh năm 1986

3. Anh Đặng Văn C – sinh năm 1988

4. Bà Đặng Thị M – sinh năm 1951

Cùng địa chỉ: ấp Mười H, xã Vĩnh T, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

5. Anh Đặng Văn L – sinh năm 1986 Địa chỉ: ấp Vĩnh T, xã Vĩnh T, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

- Bị đơn: Ông Võ Quốc K – sinh năm 1963 và bà Đỗ Thị H - sinh năm 1964;

Cùng địa chỉ: ấp Mười H, xã Vĩnh T, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

(các đương sự có mặt tại phiên tòa)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn ông Đặng Văn B trình bày: Ông canh tác đất trồng lúa diện tích 17 công đất tầm 3 mét, giáp ranh với đất của ông K và bà H (trong đó, đất của ông chỉ có 08 công, còn 09 công là ông thuê của ông Cao Văn N giá thuê là 2.000.000đồng/năm/1công). Đất của ông K, bà H đã chuyển mục đích nuôi tôm. Gần 10 năm nay, vợ chồng ông K cho người khác thuê nuôi tôm, trong thời gian người thuê đất nuôi tôm thực hiện đúng kỹ thuật nên hạn chế được nước mặn thấm qua đất ruộng của ông, suốt thời gian này, ông không bị thiệt hại gì lớn. Đến đầu năm 2019, vợ chồng ông K không cho thuê nữa và tự nuôi tôm, từ tháng 5 đến tháng 8/2019, ông K, bà H bơm nước mặn vào ruộng tôm tràn bờ, đồng thời, ông bà không kiểm tra bờ bao nên để nước mặn rò rỉ qua đất của ông cùng với các hộ lân cận dẫn đến việc lúa bị nhiễm mặn làm lúa của ông bị hư hỏng hoàn toàn 13 công. Khi vụ việc xảy ra, ông có yêu cầu chính quyền địa phương và cán bộ Phòng nông Nghiệp huyện Gò Quao xuống xác minh thiệt hại và kết luận lúa của ông bị thiệt hại do bị nhiễm độc mặn nguyên nhân nước mặn từ ruộng tôm của ông K, bà H tràn qua. Do vậy, ông B yêu cầu ông K, bà H phải bồi thường thiệt hại thực tế tổng cộng là 22.000.000 đồng (hai mươi hai triệu đồng) cụ thể từng khoản sau đây:

Tiền thuê đất 09 công x 1.000.000 đồng x 01 vụ Hè thu = 9.000.000đồng; Tiền chi phí thực tế đã bỏ ra để sản xuất lúa mỗi công bằng 1.000.000 đồng gồm: Lúa giống, phân, tiền thuê xới đất 13 công x 1.000.000 đồng = 13.000.000 đồng.

Do lúa ông đã thu hoạch quy ra giá trị được 6.048.000đ. Ông B thống nhất khấu trừ phần giá trị này, nên chỉ khởi kiện yêu cầu ông K, bà H phải bồi thường cho ông số tiền 22.000.000 đồng - 6.048.000 đồng = 15.952.000 đồng;

Anh Đặng Văn L trình bày: Anh canh tác đất trồng lúa diện tích 09 công đất tầm 3 mét, giáp ranh với đất của ông K và bà H. Đầu năm 2019, vợ chồng ông K bơm nước mặn vào ruộng tôm tràn bờ, đồng thời ông bà không kiểm tra bờ bao nên để nước mặn rò rỉ qua đất ruộng lúa của anh cùng với các hộ lân cận dẫn đến việc lúa bị nhiễm mặn làm lúa của anh bị hư hỏng hoàn toàn 09 công. Do vậy, anh L yêu cầu ông K, bà H phải bồi thường thiệt hại thực tế chi phí đã bỏ ra để thực hiện sản xuất lúa mỗi công bằng 1.000.000 đồng gồm: Lúa giống, phân, tiền thuê xới đất 09 công x 1.000.000đồng = 9.000.000 đồng.

Sau khi anh thu hoạch lúa quy ra giá trị được 5.875.000đ. Anh L thống nhất khấu trừ phần lúa đã thu hoạch được, nay chỉ khởi kiện yêu cầu ông K, bà H bồi thường thiệt hại cho anh với số tiền 9.000.000 đồng - 5.875.000 đồng = 3.125.000 đồng.

Anh Đặng Văn C trình bày: Anh canh tác đất trồng lúa diện tích 10 công đất tầm 3 mét, giáp ranh với đất của ông K và bà H, toàn bộ đất này là anh thuê của bà Thị N giá thuê là 2.000.000 đồng/năm/1 công. Từ tháng 5 đến tháng 8/2019, ông K, bà H bơm nước mặn vào ruộng tôm tràn bờ, đồng thời ông bà không kiểm tra bờ bao nên để nước mặn rò rỉ qua đất của anh dẫn đến việc lúa bị nhiễm mặn làm lúa của anh bị hư hỏng hoàn toàn 05 công. Anh C yêu cầu ông K, bà H phải bồi thường thiệt hại thực tế tổng cộng là 10.000.000đồng (mười triệu đồng) cụ thể từng khoản sau đây:

Tiền thuê đất 05 công x 1.000.000đồng x 1 vụ hè thu = 5.000.000 đồng; Tiền chi phí thực tế đã bỏ ra để thực hiện sản xuất lúa mỗi công bằng 1.000.000 đồng gồm: Lúa giống, phân, tiền thuê xới đất 05 công x 1.000.000 đồng = 5.000.000 đồng.

Sau khi thu hoạch lúa quy ra giá trị được 333.000 đồng. Anh thống nhất khấu trừ phần giá trị lúa đã thu hoạch, nay anh khởi kiện yêu cầu ông K, bà H bồi thường thiệt hại cho anh với số tiền: 10.000.000 đồng - 333.000 đồng = 9.667.000 đồng.

Anh Đặng Văn N trình bày: Anh canh tác đất trồng lúa diện tích 12 công đất tầm 3 mét, giáp ranh với đất của ông K và bà H. Đất này là anh thuê của ông Đặng Văn K và bà Nguyễn Thị R, giá thuê là 2.000.000 đồng/năm/1 công. Đầu năm 2019, vợ chồng ông K bơm nước mặn vào ruộng tôm tràn bờ, đồng thời ông bà không kiểm tra bờ bao nên để nước mặn rò rỉ qua đất của anh dẫn đến đất bị nhiễm mặn làm lúa của anh bị hư hỏng hoàn toàn 05 công. Anh N yêu cầu ông K, bà H phải bồi thường thiệt hại thực tế tổng cộng là 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) cụ thể từng khoản sau đây:

Tiền thuê đất 05 công x 1.000.000 đồng x 1 vụ hè thu = 5.000.000 đồng; Tiền chi phí thực tế đã bỏ ra để thực hiện sản xuất lúa mỗi công bằng 1.000.000 đồng, gồm: Lúa giống, phân, tiền thuê xới đất 05 công x 1.000.000 đồng = 5.000.000 đồng.

Sau khi anh thu hoạch lúa quy ra giá trị được 2.830.500đ. Anh N thống nhất khấu trừ phần giá trị lúa, nay chỉ yêu cầu ông K, bà H bồi thường thiệt hại cho anh số tiền: 10.000.000 đồng - 2.830.500 đồng = 7.169.500 đồng.

Bà Đặng Thị M trình bày: Bà canh tác đất trồng lúa diện tích 02 công đất tầm 3 mét, giáp ranh với đất của ông K và bà H. Đầu năm 2019, vợ chồng ông K bơm nước mặn vào ruộng tôm tràn bờ, đồng thời ông bà không kiểm tra bờ bao nên để nước mặn rò rỉ qua đất của bà dẫn đến việc lúa của bà bị nhiễm mặn và hư hỏng hoàn toàn 02 công. Bà M khởi kiện yêu cầu ông K, bà H phải bồi thường thiệt hại thực tế chi phí đã bỏ ra để thực hiện sản xuất lúa mỗi công bằng 1.750.000 đồng gồm: Lúa giống, phân, tiền thuê xới đất 02 công x 1.750.000 đồng = 3.500.000 đồng. Sau đó, bà M đã thay đổi yêu cầu khởi kiện chỉ yêu cầu ông K, bà H bồi thường cho bà chi phí đầu tư sản xuất lúa với số tiền là 2.000.000 đồng.

Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa bị đơn ông Võ Quốc K và bà Đỗ Thị H trình bày: Ông bà có 10 ha đất canh tác chung cánh đồng và giáp ranh với các nguyên đơn nhưng do canh tác lúa không hiệu quả nên ông bà đã bắt đầu nuôi tôm từ năm 2000, đến năm 2004 thì UBND xã Vĩnh T có quy hoạch cho nuôi tôm bên khu vực ruộng của ông bà và có tổ chức họp dân. Gia đình ông bà nuôi tôm đến năm 2009 thì mới cho anh Nguyễn Văn T1 ở Bạc Liêu thuê đất. Ông T1 nuôi tôm từ năm 2010 đến cuối năm 2018 thì trả đất lại cho ông bà. Đến vụ Hè Thu năm 2019 (từ tháng 5 đến tháng 8/2019) ông bà trực tiếp nuôi tôm và xảy ra tranh chấp với các nguyên đơn. Ông bà thừa nhận, trong quá trình nuôi tôm có nước mặn thấm qua ruộng lúa của các nguyên đơn nhưng không đồng ý theo yêu cầu bồi thường của các nguyên đơn, lý do là đất của ông bà nằm trong vùng quy hoạch nuôi tôm (có sơ đồ kèm theo), do các nguyên đơn không chịu chuyển sang nuôi tôm nên xảy ra sự việc là không phải lỗi của ông bà.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2020/DS-ST ngày 15/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Gò Quao đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là ông Đặng Văn B, anh Đặng Văn L, anh Đặng Văn C, anh Đặng Văn N và bà Đặng Thị M.

Buộc ông Võ Quốc K, bà Đỗ Thị H phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho các nguyên đơn lần lượt là: Ông Đặng Văn B là 15.952.000đ (mười lăm triệu, chín trăm năm mươi hai nghìn đồng), anh Đặng Văn L là 3.125.000đ (ba triệu, một trăm hai mươi lăm nghìn đồng), anh Đặng Văn C là 9.667.000đ (chín triệu, sáu trăm sáu mươi bảy nghìn đồng), anh Đặng Văn N là 7.169.500đ (bảy triệu, một trăm sáu mươi chín nghìn, năm trăm đồng) và bà Đặng Thị M là 2.000.000đ (hai triệu đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí, lãi suất chậm thi hành án và quyền kháng cáo theo quy định.

Ngày 30 tháng 10 năm 2020, ông Võ Quốc K, bà Đỗ Thị H kháng cáo với nội dung: Không đồng ý bồi thường theo yêu cầu của các nguyên đơn. Yêu cầu Tòa án xác định lại thiệt hại thực tế tại thời điểm 45 ngày tuổi theo biên bản xác minh ngày 18/7/2019 của Phòng Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Gò Quao và các ngành liên quan; Xác định lỗi của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh T trong công tác quy hoạch và đưa Uỷ ban nhân dân xã Vĩnh T tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.

Tại phiên tòa phúc thẩm: các nguyên đơn vẫn giữ nguyên ý kiến.

Bị đơn ông K, bà H vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu quan điểm:

Về việc chấp hành pháp luật: Từ khi thụ lý cho đến trước khi tuyên án, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Về nội dung vụ án: ông B, anh L, anh N, anh C và bà M có đất làm ruộng giáp ranh với đất nuôi tôm của ông K, bà H. Việc ông K, bà H nuôi tôm nhưng không đảm bảo các quy định, bơm nước mặn để tràn qua các ruộng giáp ranh gây thiệt hại về lúa. Theo biên bản xác minh thiệt hại của Phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gò Quao ngày 15 và ngày 18/7/2019 xác định lúa được 45 ngày tuổi bị thiệt hại nguyên nhân do nhiễm độc mặn từ vuông tôm của ông Võ Quốc K tràn qua. Các nguyên đơn khởi kiện chỉ yêu cầu bồi thường thiệt hại chi phí tiền thuê đất, chi phí lúa giống, phân và công xới đất, các chi phí này hợp lý. Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông K, bà H bồi thường cho các nguyên đơn là phù hợp. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự không chấp nhận kháng cáo của ông K, bà H, giữ y bản án sơ thẩm số 59/2020/DS-ST ngày 15/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa và ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về thiệt hại thực tế xảy ra: Theo biên bản xác minh thiệt hại của Phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn huyện Gò Quao ngày 15 và ngày 18/7/2019 xác định: các hộ trồng lúa được 45 ngày tuổi bị thiệt hại (lúa chết, vàng, cây kém phát triển và không có khả năng phục hồi), nguyên nhân do nhiễm độc mặn từ vuông tôm của ông Võ Quốc K tràn qua, mức độ thiệt hại cụ thể:

1. Hộ ông Đặng Văn B lúa bị thiệt hại trên 80% trên diện tích 13 công tầm 3m; thiệt hại 15% trên diện tích 04 công tầm 3m.

2. Hộ ông Đặng Văn L lúa bị thiệt hại trên 80% trên diện tích 09 công.

3. Hộ ông Đặng Văn N lúa bị thiệt hại trên 80% trên diện tích 05 công tầm 3m; thiệt hại 15% trên diện tích 07 công tầm 3m.

4. Hộ ông Đặng Văn C lúa bị thiệt hại trên 80% trên diện tích 04 công tầm 3m; thiệt hại 6,5% trên diện tích 04 công.

5. Hộ bà Đặng Thị M lúa bị thiệt hại trên 80% trên diện tích 02 công tầm 3m; thiệt hại 15% trên diện tích 02 công tầm 3m.

Tại Công văn số 11/CV-UBND ngày 02/7/2020 và Công văn số 23/CV- UBND ngày 24/9/2020 của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh T, huyện Gò Quao xác định đất của ông K, bà H nằm trong vùng quy hoạch tôm - lúa, giáp ranh với vùng quy hoạch sản xuất chuyên hai vụ lúa. Trong quá trình nuôi tôm, ông K, bà H bơm nước cao, bờ bao không đảm bảo làm nước mặn xâm nhập qua khu vực trồng lúa của các hộ sản xuất lúa như ông B, anh N, anh L, anh C, bà M.

Như vậy, có thể xác định, thiệt hại về lúa của các hộ ông B, anh L, anh N, anh C, bà M là do quá trình canh tác nuôi tôm của ông K, bà H không đảm bảo quy định dẫn đến nước mặn xâm nhập qua các hộ làm lúa liền kề. Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông K, bà H bồi thường thiệt hại cho các hộ nêu trên là có căn cứ, phù hợp các quy định tại Điều 584, 585 và 589 Bộ luật dân sự năm 2015.

Việc ông K, bà H cho rằng ông bà nuôi tôm theo đúng quy hoạch, việc nước mặn từ vuông tôm của bà xâm nhập qua các hộ trồng lúa lân cận là do công tác quy hoạch của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh T không đúng quy định khi một khu vực lại quy hoạch vừa trồng lúa, vừa nuôi tôm nên ông bà không chịu trách nhiệm bồi thường và yêu cầu đưa Ủy ban nhân dân xã Vĩnh T tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Xét thấy, yêu cầu của ông bà không có cơ sở xem xét, bởi lẽ việc chủ trương Nhà nước quy hoạch vùng đất nuôi tôm hay trồng lúa nhằm mục đích tạo điều kiện cho các hộ sản xuất phát triển nông nghiệp, tuy nhiên việc sản xuất nông nghiệp, nuôi tôm hay trồng lúa thì các hộ sản xuất vẫn phải đảm bảo các quy định của pháp luật để không làm ảnh hưởng, cản trở hoặc gây hại đến lợi ích hợp pháp của người khác. Phần đất nuôi tôm của ông K, bà H trước đây đã cho người khác thuê nuôi tôm, hộ thuê đất của ông K, bà H nuôi tôm gần 10 năm nhưng không gây thiệt hại cho các hộ trồng lúa xung quanh, cho đến năm 2019 khi ông K, bà H lấy đất lại trực tiếp nuôi tôm, để nước mặn xâm nhập qua đất ruộng lúa, gây thiệt hại cho các hộ trồng lúa. Từ đó, cho thấy thiệt hại gây ra cho các hộ trồng lúa không phải do công tác quy hoạch của Ủy ban nhân dân xã Vĩnh T mà do quá trình canh tác nuôi tôm của ông K, bà H không đảm bảo gây thiệt hại cho các hộ ông B, anh N, anh C, anh L, bà M.

Ngoài ra, ông K, bà H yêu cầu Tòa án xác định lại diện tích và thiệt hại thực tế tuy nhiên tại phiên tòa phúc thẩm, ông K, bà H không cung cấp được chứng cứ chứng minh Biên bản xác minh ngày 18/7/2019 của Phòng Nông Nghiệp và phát triển nông thôn là không khách quan, không đúng thực tế.

[2] Căn cứ xác định mức bồi thường thiệt hại:

1. Ông Đặng Văn B: Chi phí đầu tư để sản xuất lúa bình quân 1.000.000 đồng/công x 13 công = 13.000.000 đồng. Tiền thuê đất 9 công/01 vụ lúa = 9.000.000 đồng. Lúa sau khi thu hoạch bán được 6.048.000 đồng. Ông B yêu cầu ông K, bà H bồi thường số tiền: 13.000.000đ + 9.000.000đ - 6.084.000 đ = 15.952.000 đồng.

2. Anh Đặng Văn L: Chi phí đầu tư để sản xuất lúa bình quân 1.000.000 đồng/công x 09 công = 9.000.000 đồng. Lúa sau khi thu hoạch anh L bán được 5.875.000 đồng. Anh L yêu cầu ông K, bà H bồi thường số tiền: 9.000.000đ - 5.875.000 đ = 3.125.000 đồng.

3. Anh Đặng Văn C: Chi phí đầu tư để sản xuất lúa bình quân 1.000.000 đồng/công x 05 công = 5.000.000 đồng. Tiền thuê đất 5 công/01 vụ lúa = 5.000.000 đồng. Lúa sau khi thu hoạch bán được 333.000 đồng. Anh C yêu cầu ông K, bà H bồi thường số tiền: 5.000.000đ + 5.000.000đ - 333.000 đ = 9.667.000 đồng.

4. Anh Đặng Văn N: Chi phí đầu tư để sản xuất lúa bình quân 1.000.000 đồng/công x 05 công = 5.000.000 đồng. Tiền thuê đất 5 công/01 vụ lúa = 5.000.000 đồng. Lúa sau khi thu hoạch bán được 2.830.500 đồng. Anh N yêu cầu ông K, bà H bồi thường số tiền: 5.000.000đ + 5.000.000đ - 2.830.500 đ = 7.169.500 đồng.

5. Bà Đặng Thị M: Chi phí đầu tư để sản xuất lúa bình quân 1.000.000 đồng/công x 02 công = 2.000.000 đồng. bà M yêu cầu ông K, bà H bồi thường số tiền: 2.000.000 đồng.

Xét thấy yêu cầu bồi thường thiệt hại của các nguyên đơn nêu trên là có căn cứ, số tiền yêu cầu bồi thường thiệt hại là chi phí thuê đất và chi phí đầu tư sản xuất phù hợp, cấp sơ thẩm buộc ông K, bà H bồi thường 15.952.000đ cho ông B, 3.125.000đ cho anh L, 9.667.000đ cho anh C, 7.169.500đ cho anh N và 2.000.000đ cho bà M là đúng quy định.

Từ những nhận định nêu trên, Hội đồng xét xử thống nhất với đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang không chấp nhận kháng cáo của ông K, bà H, giữ y bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

[3] Về án phí: Do ông K, bà H kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí dân sự phúc thẩm và án phí dân sự sơ thẩm theo quy định pháp luật, tuy nhiên ông K được miễn nộp án phí phúc thẩm do có thân nhân là liệt sĩ.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 584, Điều 585, Điều 589 Bộ luật dân sự 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn ông Võ Quốc K và bà Đỗ Thị H. Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 59/2020/DS-ST ngày 15/10/2020 của Tòa án nhân dân huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của các nguyên đơn là ông Đặng Văn B, anh Đặng Văn L, anh Đặng Văn C, anh Đặng Văn N và bà Đặng Thị M.

Buộc ông Võ Quốc K, bà Đỗ Thị H phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho các nguyên đơn lần lượt là: Ông Đặng Văn B là 15.952.000đ (mười lăm triệu, chín trăm năm mươi hai nghìn đồng), anh Đặng Văn L là 3.125.000đ (ba triệu, một trăm hai mươi lăm nghìn đồng), anh Đặng Văn C là 9.667.000đ (chín triệu, sáu trăm sáu mươi bảy nghìn đồng), anh Đặng Văn N là 7.169.500đ (bảy triệu, một trăm sáu mươi chín nghìn, năm trăm đồng) và bà Đặng Thị M là 2.000.000đ (hai triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

2. Về án phí:

+ Án phí dân sự sơ thẩm: Miễn nộp án phí dân sự có giá ngạch số tiền 1.119.712đ (một triệu, một trăm mười chín nghìn, bảy trăm mười hai đồng) cho ông Võ Quốc K. Bà Đỗ Thị H phải nộp án phí dân sự có giá ngạch số tiền 1.119.712đ (một triệu, một trăm mười chín nghìn, bảy trăm mười hai đồng).

Anh Đặng Văn N được nhận lại số tiền 250.000đ (hai trăm năm mươi nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004282, ngày 12/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Anh Đặng Văn C được nhận lại số tiền 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004281, ngày 12/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Ông Đặng Văn B được nhận lại số tiền 550.000đ (năm trăm năm mươi nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004284, ngày 12/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Anh Đặng Văn L được nhận lại số tiền 220.000đ (hai trăm hai mươi nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004283, ngày 12/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

Bà Đặng Thị M được nhận lại số tiền 150.000đ (một trăm năm mươi nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0004286, ngày 12/8/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang.

+ Án phí dân sự phúc thẩm: miễn nộp án phí phúc thẩm cho ông K. Bà H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm là 300.000 đồng, được khấu trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số 0009525 ngày 30/10/2020 của Chi cục Thi hành án huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang. (đã thực hiện xong).

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

338
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2021/DS-PT ngày 24/02/2021 về tranh chấp bồi thường thiệt hại tài sản

Số hiệu:21/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/02/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về