Bản án 21/2018/HS-ST ngày 29/03/2018 về tội trộm cắp tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN EAKAR, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 21/2018/HS-ST NGÀY 29/03/2018 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

Ngày 29/3/2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk. Tòa án nhân dân huyện EaKar mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 05/2018/HSST, ngày 19/02/2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 12/2018/QĐXXHS-ST, ngày 14/3/2018 đối với bị cáo:

1. Phạm Văn Đ. Sinh năm 1990; Tại: Huyện D, tỉnh Bắc Giang; Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 5, xã B, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; Nghề nghiệp: Làm nông; Trình độ văn hóa: 12/12; Con ông Phạm Văn T, sinh năm 1964 và con bà Nguyễn Thị B sinh năm 1965, hiện đang làm nông và sinh sống tại thôn 5, xã B, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; Bị cáo có vợ là Nguyễn Thị N, sinh năm 1997 và có 01 con sinh năm 2015, hiện nay đang sinh sống tại thôn 5, xã B, huyện P, tỉnh Đắk Lắk; Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Ngày 29/3/2013 bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 01 năm 03 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Đến ngày 22/01/2014 thì chấp hành xong hình phạt tù.

Bị cáo bị bắt tạm giữ từ ngày 6/7/2017 đến ngày 12/7/2017, được tại ngoại theo quyết định cho bảo lĩnh số 22 ngày 12/7/2017 của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện EaKar. (Bị cáo có mặt tại phiên tòa)

- Người đại diện hợp pháp của bị cáo: Ông Phạm Văn T Sinh năm: 1964.

Trú tại: Thôn 5, xã B, huyện P, tỉnh Đắk Lắk. (Có mặt)

- Người bị hại: Ông Nguyễn Công T Sinh năm 1982.

Trú tại: Tổ dân phố 10, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kon Tum. (Vắng mặt)

- Người làm chứng:

1/. Ông Phan Văn D  Sinh năm: 1993.

Trú tại: Thôn 6, xã Đ, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)

2/. Ông Cao Trọng H Sinh năm: 1987.

Trú tại: Thôn 2, xã E, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. (Vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 16 giờ 00 phút ngày 05/7/2017, Phạm Văn Đ điều khiển xe môtô biển kiểm soát 98B2-032.43 đi chơi. Sau đó, Đ mang xe môtô đến nhà ông Cao Trọng H, sinh năm 1987 ở thôn 2, xã E, huyện EaKar cầm với số tiền 3.000.000đ (Ba triệu đồng) để lấy tiền tiêu xài cá nhân.

Do đã tiêu xài hết tiền, không còn tiền chuộc lại xe nên Đ nảy sinh ý định trộm cắp tài sản bán lấy tiền chuộc lại xe môtô đã cầm cố cho ông H. Đ đi bộ trên đường quốc lộ 26 từ km62, thị trấn EaKar, huyện EaKar hướng lên thị trấn EaKar, huyện EaKar tìm xem có nhà ai sơ hở tài sản để trộm cắp. Đến khoảng 21 giờ cùng ngày, Đ đi đến cổng chào huyện EaKar thuộc thôn 6, xã EaKar, huyện EaKar thì phát hiện 01 xe môtô biển kiểm soát 82U1-001.90 của anh Nguyễn Công T (Sinh năm 1982, trú tại tổ dân phố 10, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kon Tum) đang dựng ở trong lán xây dựng bên trái đường theo hướng đi của Đ. Đ đi vào thì thấy xe môtô có cắm sẵn chìa khóa xe, thấy người trong lán đã ngủ say nên Đ bật chìa khóa xe và dắt xe môtô ra ngoài đường quốc lộ 26, khởi động máy, điều khiển xe môtô đi về hướng thành phố Buôn Ma Thuột để tìm nơi tiêu thụ. Khi Đ điều khiển xe môtô đi đến đoạn đường quốc lộ 26 thuộc xã Ea Phê, huyện Krông Pắc thì bị lực lượng Công an huyện Krông Pắc phát hiện và bắt giữ cùng tang vật. Sau đó, chuyển Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện EaKar điều tra theo thẩm quyền.

Vật chứng thu giữ gồm: 01 xe môtô biển kiểm soát 82U1-001.90, số khung 1720GY023208, số máy E3T6E186605.

Tại bản kết luận định giá tài sản số 22/KL-ĐGTS ngày 07/7/2017 của Hội đồng định giá tài sản số 396 huyện EaKar, kết luận: Xe môtô biển số 82U1-001.90 có trị giá 16.000.000đ (Mười sáu triệu đồng).

Tại kết luận giám định pháp y tâm thần số 97/KLGĐTC, ngày 12/12/2017, của trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên, Bộ y tế kết luận: Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội bị cáo Phạm Văn Đ hạn chế khả năng nhận thức và hạn chế khả năng điều khiển hành vi.

Tại bản cáo trạng số 09/KSĐT-HS ngày 09/02/2018, Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKar, tỉnh Đắk Lắk đã truy tố bị cáo Phạm Văn Đ về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa bị cáo Phạm Văn Đ đã khai nhận hành vi phạm tội của mình như đã nêu trên, bị cáo đồng ý kết luận giám định pháp y tâm thần số 97/KLGĐTC, ngày 12/12/2017, của trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên, Bộ y tế nên bị cáo không có ý kiến gì, ngoài ra bị cáo khẳng định tại thời điểm bị cáo phạm tội cho đến tại phiên tòa hôm nay bị cáo hoàn toàn minh mẫn, đủ sức khỏe để làm việc với các cơ quan tiến hành tố tụng, bị cáo đã được Tòa án giải thích về quyền mời luật sư bào chữa hoặc được cơ quan tiến hành tố tụng chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo, tuy nhiên bản thân bị cáo hoàn toàn đủ khả năng tự bào chữa cho mình, vì vậy bị cáo không mời luật sư bào chữa và có biên bản từ chối việc chỉ định luật sư bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Phạm Xuân T trình bày: Tôi là cha đẻ của bị cáo Phạm Văn Đ, là chủ sở hữu chiếc xe môtô biển kiểm soát 98B2-032.43 nhãn hiệu SYM, số máy 98B203243, số khung 98B203243, nguồn gốc chiếc xe nói trên là do tôi mua của ông Chu Xuân T, trú tại xóm D, xã G, huyện D, tỉnh Bắc Giang vào ngày 20/3/2016. Sau khi tôi mua chiếc xe nói trên tôi đã cho vợ chồng Phạm Văn Đ sử dụng để làm phương tiện làm ăn, sự việc vào ngày 05/7/2017 con tôi Phạm Văn Đ mang chiếc xe môtô đến nhà ông Cao Trọng H cầm cố lấy số tiền 3.000.000đ tiêu xài cá nhân thì tôi không có ý kiến hay yêu cầu gì. Tôi đồng ý với kết luận giám định pháp y tâm thần số 97/KLGĐTC, ngày 12/12/2017, của trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên, Bộ y tế đã xác định con tôi Phạm Văn Đ bị bệnh động kinh và tôi đã được Tòa án giải thích về quyền mời luật sư bào chữa hoặc được Tòa án chỉ định luật sư bào chữa cho con tôi Phạm Văn Đ, tuy nhiên tôi xét thấy bản thân tôi và Phạm Văn Đ hoàn toàn đủ khả năng tự bào chữa được, vì vậy trong quá trình tham gia tố tụng chúng tôi không mời luật sư bào chữa và có biên bản từ chối việc chỉ định luật sư bào chữa của các cơ quan tiến hành tố tụng.

Tại phiên tòa hôm nay, vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKar giữ quyền công tố tại phiên tòa, sau khi đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo đã giữ nguyên quan điểm truy tố bị cáo Phạm Văn Đ về tội “Trộm cắp tài sản”. Và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm h, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015. Xử phạt bị cáo Phạm Văn Đ từ 09 đến 12 tháng tù.

Các biện pháp tư pháp:

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện EaKar trả lại cho ông Nguyễn Công T 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha Sirius biển kiểm soát 82U1-001.90, số khung 1720GY023208, số máy E3T6E186605.

- Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại ông Nguyễn Công T không yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm nên không đề cập để giải quyết.

Bị cáo Phạm Văn Đ đồng ý với bản cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKar, không có ý kiến tranh luận gì.

Người đại diện hợp pháp của bị cáo là ông Phạm Xuân T đồng ý với bản cáo trạng và luận tội của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKar, không có ý kiến tranh luận gì.

Tại phần lời nói sau cùng bị cáo Phạm Văn Đ đã tỏ ra thái độ ăn năn hối cải và xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ mức hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

Xét lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay là hoàn toàn phù hợp với lời khai nhận tội của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp của bị cáo, người bị hại, người làm chứng, phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác đã thu thập có lưu trong hồ sơ vụ án là hoàn toàn thực tế khách quan. Như vậy, Hội đồng xét xử xét thấy đã có đủ cơ sở pháp lý để chứng minh hành vi của bị cáo Phạm Văn Đ đã phạm vào tội “Trộm cắp tài sản”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự.

Tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự quy định:

“Người nào trộm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng, hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản, hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.

Vận dụng điều luật nêu trên, đối chiếu với hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử cần áp dụng mức hình phạt sao cho thỏa đáng để vừa đề cao được tính nghiêm minh của pháp luật, đồng thời qua đó giáo dục riêng đối với bản thân bị cáo Phạm Văn Đ, bên cạnh đó còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa chung trong toàn xã hội.

Xét tính chất, hành vi của bị cáo gây ra là vi phạm pháp luật hình sự, bởi lẽ hành vi của bị cáo đã trực tiếp xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của ông Nguyễn Công T trái pháp luật, gây hoang mang, bất bình trong cộng đồng dân cư xung quanh, làm ảnh hưởng xấu đến trật tự trị an trên địa bàn địa phương.

Xét về ý thức: Bị cáo là người có đầy đủ khả năng nhận thức được hành vi của mình, bị cáo nhận thức được rằng việc bị cáo lén lút lấy trộm tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Nguyễn Công T là hành vi vi phạm pháp luật. Song xuất phát từ ý thức coi thường pháp luật, bản chất chây lười lao động nhưng lại muốn chiếm đoạt tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác để tiêu xài cá nhân nên bị cáo đã thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, truy tố và đưa ra xét xử bị cáo về tội “Trộm cắp tài sản” theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 là phù hợp, thỏa đáng.

Xét về nhân thân: Bị cáo có nhân thân xấu, vào ngày 29/3/2013 bị Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xử phạt 01 năm 03 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Tại bản án hình sự phúc thẩm số 103/2013/HSPT, ngày 29/3/2013 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk. Đến ngày 22/01/2014 thì chấp hành xong hình phạt tù. Với hành vi nêu trên của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy cần cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian nhất định, để trong quá trình giáo dục, cải tạo bị cáo nhận thức được hành vi sai trái của mình, từ đó hoàn thiện lối sống để khi tái hòa nhập cộng đồng bị cáo trở thành công dân sống có ích cho gia đình và xã hội.

Tuy nhiên, xét về nhân thân: Bị cáo phạm tội nhưng gây thiệt hại không lớn, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, đã được người bị hại làm đơn xin bãi nại về trách nhiệm dân sự và trách nhiệm hình sự, bị cáo bị bệnh động kinh theo kết luận giám định pháp y tâm thần số 97/KLGĐTC, ngày 12/12/2017, của trung tâm pháp y tâm thần khu vực Tây Nguyên, Bộ y tế. Vì vậy, Hội đồng xét xử cần áp dụng các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm h, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét trong quá trình lượng hình đối với bị cáo, thể hiện tính nhân đạo, khoan hồng của pháp luật nhà nước ta đối với người phạm tội.

Bị cáo bị bệnh động kinh, tuy nhiên trong quá trình tham gia tố tụng bị cáo và người đại diện hợp pháp của bị cáo không mời luật sư bào chữa và có biên bản từ chối người bào chữa, vì vậy Tòa án không chỉ định luật sư bào chữa cho bị cáo.

Các biện pháp tư pháp:

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện EaKar trả lại cho ông Nguyễn Công T 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha Sirius biển kiểm soát 82U1-001.90, số khung 1720GY023208, số máy E3T6E186605.

- Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại ông Nguyễn Công T không yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm nên Hội đồng xét xử không đề cập để giải quyết.

Xét thấy, Viện kiểm sát nhân dân huyện EaKar truy tố bị cáo Phạm Văn Đ về tội “Trộm cắp tài sản”, theo khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999 là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức đề nghị về hình phạt, về trách nhiệm dân sự, xử lý vật chứng là hoàn toàn có căn cứ pháp lý nên Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ quan điểm của Viện kiểm sát.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Phạm Văn Đ phạm tội: “Trộm cắp tài sản”.

- Áp dụng khoản 1 Điều 138 Bộ luật hình sự năm 1999, điểm h, q, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Xử phạt: Bị cáo Phạm Văn Đ 09 (Chín) tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày bắt thi hành án, bị cáo được khấu trừ thời gian bắt tạm giữ, tạm giam từ ngày 6/7/2017 đến ngày 12/7/2017.

Các biện pháp tư pháp:

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự năm 2015, Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.

Chấp nhận việc cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện EaKar trả lại cho ông Nguyễn Công T 01 xe môtô nhãn hiệu Yamaha Sirius biển kiểm soát 82U1 -001.90, số khung 1720GY023208, số máy E3T6E186605.

- Về trách nhiệm dân sự: Người bị hại ông Nguyễn Công T không yêu cầu bị cáo bồi thường gì thêm nên Hội đồng xét xử không đề cập để giải quyết.

- Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Phạm Văn Đ phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm.

Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị cáo được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Người bị hại được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết hợp lệ theo quy định của pháp luật.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

260
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 21/2018/HS-ST ngày 29/03/2018 về tội trộm cắp tài sản

Số hiệu:21/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ea Kar - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 29/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về