TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
BẢN ÁN 20/2019/DS-PT NGÀY 20/11/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 20 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 19/2019/TLPT-DS ngày 14/8/2019, về tranh chấp “Tranh chấp Hợp đồng tín dụng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 08/07/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Điện Biên bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 27/2019/QĐ-PT ngày 14/10/2019; Quyết định hoãn phiên tòa số 25/2019/QĐ-PT ngày 14/11/2019 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ngân hàng Chính sách xã hội; Địa chỉ: số A, phố B, phường L, quận M, thành phố Hà Nội.
Người đại diện theo pháp luật của nguyên đơn: Ông Dương Quyết T - Chức vụ: Tổng Giám đốc.
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Ngọc N - Chức vụ: Giám đốc phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đ (Theo Quyết định số 2751/QĐ- NHCS của Tổng giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội ngày 19/6/2018 về việc giao nhiệm vụ đối với cán bộ).
Người đại diện theo ủy quyền của ông Trần Ngọc N: Ông Nguyễn Viết T1- Chức vụ: Phó Giám đốc phụ trách phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đ; Địa chỉ: Bản P, xã X, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
2. Bị đơn:
2.1. Ông Lò Văn C, sinh năm 1962.
2.2. Ông Trần Văn K, sinh năm 1963.
2.3. Ông Trần Văn K1, sinh năm 1975.
2.4. Ông Cà Văn A, sinh năm 1982.
2.5. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1968.
2.6. Ông Vũ Tiến M, sinh năm 1958.
2.7. Ông Vũ Đình U, sinh năm 1960.
2.8. Ông Quàng Văn L, sinh năm 1980.
2.9. Bà Bùi Thị D, sinh năm 1990.
Đều ở địa chỉ: Đội C, xã H, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
2.10. Bà Hà Thị P, sinh năm 1986;
Trú tại: Đội C1, xã H, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
3. Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
3.1. Bà Lò Thị M1 - SN 1963 (Vợ ông Lò Văn C).
3.2. Bà Nguyễn Thị H1 - SN 1963 (Vợ ông Trần Văn K).
3.3. Bà Lò Thị T2 (Vợ ông Cà Văn A).
3.4. Bà Bùi Thị V - SN 1988 (Con bà Nguyễn Thị H).
3.5. Bà Vũ Thị N - SN 1961 (Vợ ông Vũ Tiến M).
3.6. Bà Bùi Thị T3 - SN 1968 (Vợ ông Vũ Đình U).
3.7. Bà Nguyễn Thị H2 (Vợ ông Trần Văn K1).
3.8. Bà Hà Thị V1 - SN 1983 (Vợ ông Quàng Văn L).
Đều ở địa chỉ: : Đội C, xã H, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
3.9. Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên;
Địa chỉ: Số A1, tổ dân phố D, đường T, phường N, thành phố P, tỉnh Điện Biên.
Người đại diện: Ông: Đàm Xuân T4 - Chức vụ: Giám đốc chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên.
3.10. Ông Ngô Thanh C1; Đơn vị công tác: Phòng Kiểm tra kiểm toán nội bộ - Chi nhánh Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh Điện Biên.
3.11. Ông Lò Xuân C2; Đơn vị công tác: Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
4. Người làm chứng:
4.1. Bà Lò Thị K2;
Trú tại: Đội C, xã H, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
4.2. Ông Hà Văn D1 và bà Lò Thị T5;
Trú tại: Đội C, xã H, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
4.3. Bà Nguyễn Thị C3, Nơi công tác: Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ, tỉnh Điện Biên. 4.4. Bà Đặng Thị Thúy L1, Nơi công tác: Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
5. Đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan: Ông Tạ Đình T6; Chức vụ, nơi công tác: Bí thư Đoàn xã H, huyện Đ, tỉnh Điện Biên.
6. Người kháng cáo:
6.1. Ông Lò Văn C, sinh năm 1962.
6.2. Ông Trần Văn K, sinh năm 1963.
6.3. Ông Cà Văn A, sinh năm 1982.
6.4. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1968.
(Cả 04 người kháng cáo đều là Bị đơn trong vụ án).
Những người được Tòa án triệu tập và có mặt tại phiên tòa phúc thẩm gồm: Ông T1, ông C, ông K, ông A, bà H, bà L; bà C vắng mặt có lý do.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Trong đơn khởi kiện ngày 12/7/2017, bản tự khai, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa sơ thẩm, ông Nguyễn Viết T1 trình bày:
1. Theo Khế ước vay vốn số 6000006300068253 ngày 13/7/2011 giữa Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (sau đây viết tắt là NHCSXH) huyện Đ với Ông Lò Văn C thì vào ngày 14/7/2011 Ông Lò Văn C có nhận tiền vay chương trình cho vay hộ nghèo số tiền: 20.000.000đ (Hai mươi triệu đồng chẵn); Lãi suất 0,65%/ tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay (0,845%); Thời gian cho vay: 36 tháng.
Ngày đến hạn theo hợp đồng phải nộp gốc là 06/7/2014, do ông C chưa có điều kiện trả nợ và có đơn đề nghị gia hạn nợ nên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ đã tiến hành gia hạn nợ làm 2 lần:
Lần 1 thời gian 12 tháng từ ngày 7/7/2014 đến ngày 06/7/2015. Lần 2 thời gian 06 tháng từ ngày 7/7/2015 đến ngày 06/01/2016.
Hiện khoản vay trên đã quá hạn từ ngày 05/02/2016, số tiền gốc chưa trả tính đến ngày 08/7/2019 là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng chẵn).
Tổng số tiền lãi phải trả đến 08/7/2019 là: 14.159.832 đồng; Số tiền lãi đã trả là 6.629.997 đồng; Số tiền lãi chưa trả bao gồm: Tiền lãi trong hạn chưa trả từ ngày 05/11/2015 đến ngày 04/02/2016 là 696.370 đồng, tiền lãi quá hạn từ 05/02/2016 đến ngày 08/7/2019 là 6.833.465 đồng, tổng lãi chưa trả là 7.529.835 đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện yêu cầu ông C phải trả tổng số tiền gốc và lãi tính đến ngày 08/7/2019 là: 20.000.000 đồng + 7.529.835 đồng = 27.529.835 đồng.
2. Theo khế ước vay vốn số 6000006300068255 ngày 13/07/2011 giữa Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ với Ông Trần Văn K, vào ngày 14/7/2011 Ông Trần Văn K có nhận tiền vay chương trình cho vay hộ nghèo số tiền: 20.000.000 đ (Hai mươi triệu đồng chẵn); Lãi suất 0,65%/ tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay (0,845%); Thời gian cho vay: 36 tháng.
Ngày đến hạn theo hợp đồng 06/7/2014, do ông K chưa trả được nợ, có đơn gia hạn nợ nên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ đã tiến hành gia hạn nợ làm 2 lần:
Lần 1 thời gian 12 tháng từ ngày 07/7/2014 đến ngày 06/7/2015. Lần 2 thời gian 06 tháng từ ngày 07/7/2015 đến ngày 06/01/2016.
Hiện khoản vay trên đã quá hạn từ ngày 05/02/2016; Số tiền gốc chưa trả tính đến ngày 08/7/2019 là 20.000.000 đ (Hai mươi triệu đồng chẵn).
Tổng số tiền lãi phải trả đến 08/7/2019 là: 14.159.832 đồng; Số tiền lãi đã trả: 6.629.997 đồng; Số tiền lãi chưa trả: Lãi trong hạn: Từ ngày 05/11/2015 đến ngày 04/02/2016 là 696.370 đồng, lãi quá hạn từ 05/02/2016 đến ngày 08/7/2019 là 6.833.465 đồng, tổng lãi chưa trả là 7.529.835 đồng Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện yêu cầu ông K phải trả tổng số tiền gốc và lãi tính đến ngày 08/7/2019 là: 20.000.000 đồng + 7.529.835 đồng = 27.529.835 đồng.
3. Theo khế ước vay vốn số 6000006300050941 ngày 13/7/2011 giữa Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ với Ông Cà Văn A, ngày 15/7/2011 ông Cà Văn A có nhận tiền vay chương trình cho vay hộ nghèo, số tiền: 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng chẵn); Lãi suất 0,65%/ tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay (0,845%); Thời gian cho vay: 36 tháng.
Ngày đến hạn theo hợp đồng 06/07/2014; Do ông A chưa có điều kiện trả nợ và có đơn gia hạn nợ nên Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ đã tiến hành gia hạn nợ 02 lần:
Lần 1 thời gian 12 tháng từ ngày 7/7/2014 đến ngày 6/7/2015, Lần 2 thời gian 06 tháng từ ngày 7/7/2015 đến ngày 6/1/2016.
Hiện khoản vay trên đã quá hạn từ ngày 5/2/2016. Số tiền gốc chưa trả tính đến ngày 08/7/2019 là 20.000.000 đồng (Hai mươi triệu đồng chẵn).
Tổng số tiền lãi phải trả đến 08/7/2019 là: 14.155.499 đồng; số tiền lãi đã trả: 6.625.663 đồng, số tiền lãi chưa trả gồm: Lãi trong hạn: Từ ngày 05/11/2015 đến ngày 04/02/2016 là 696.370 đồng, lãi quá hạn từ 05/02/2016 đến ngày 08/7/2019 là 6.833.465 đồng, tổng lãi là 7.529.836 đồng Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện yêu cầu ông A phải trả tổng số tiền gốc và lãi tính đến ngày 08/7/2019 là: 20.000.000 đồng + 7.529.835 đồng = 27. 529.835 đồng.
4. Theo Khế ước vay vốn số 6000006300068262 ngày 13/07/2011 giữa Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ với Bà Nguyễn Thị H, ngày 14/7/2011 bà Nguyễn Thị H có nhận tiền vay chương trình cho vay hộ nghèo với số tiền: 30.000.000đ (Ba mươi triệu đồng chẵn), lãi suất 0,65%/ tháng, lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất khi cho vay (0,845%).Thời gian cho vay: 60 tháng. Ngày đến hạn theo hợp đồng 06/07/2016.
- Ngày 5/8/2016 Bà Nguyễn Thị H đã trả số tiền gốc là 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng chẵn).
Hiện khoản vay trên đã quá hạn từ ngày 05/08/2016; Số tiền gốc chưa trả đến ngày 08/7/2019 là 20.000.000 đ (Hai mươi triệu đồng chẵn).
Tổng số tiền lãi phải trả đến 08/7/2019 là: 17.899.065 đồng; Số tiền lãi đã trả: 10.599.330 đồng; Số tiền lãi chưa trả: Lãi hàng tháng của số tiền 30.000.000 đồng, bà H trả đầy đủ đến 05/10/2015. Từ ngày 05/11/2015 đến ngày 04/8/2016 chỉ trả một phần lãi.
+ Lãi trong hạn chưa trả từ ngày 05/11/2015 đến ngày 04/8/2016 là: 662.830 đồng. Lãi quá hạn từ 05/8/2016 đến ngày 08/7/2019 là 6.636.905 đồng; Tổng lãi là 7.299.735 đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội khởi kiện yêu cầu bà H phải trả tổng số tiền gốc và lãi tính đến ngày 08/7/2019 là: 20.000.000 đồng + 7.299.735 đồng = 27.299.735 đồng.
Bên cạnh đó, căn cứ vào các khế ước vay vốn, NHCSXH còn khởi kiện yêu cầu các ông, bà có tên sau phải trả các khoản tiền còn nợ - bao gồm:
- Ông Trần Văn K1 phải trả tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến ngày 08/7/2019 là: 20.000.000 đồng + 7.529.836 đồng = 27. 529.836 đồng;
- Ông Vũ Tiến M phải trả tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến ngày 08/7/2019 là: 20.000.000 đồng + 10.591.527 đồng = 30.591.527 đồng;
- Ông Vũ Đình U phải trả tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến ngày 08/7/2019 là: 12.000.000 đồng + 3.644.094 đồng = 15.644.094 đồng;
- Bà Hà Thị P phải trả tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến ngày 08/7/2019 là: 10.000.000 đồng + 3.646.624 đồng = 13.646.624 đồng;
- Ông Quàng Văn L phải trả tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến ngày 08/7/2019 là: 6000.000 đồng + 2.158.697 đồng = 8.158.697 đồng;
- Bà Bùi Thị D phải trả tổng số tiền gốc và lãi phải trả tính đến ngày 08/7/2019 là: 10.000.000 đồng + 3.675.768 đồng = 13.675.768 đồng.
Quá trình giải quyết vụ án, các bị đơn đều thừa nhận đã vay và được giải ngân số tiền trên theo đúng đối tượng như quan điểm trình bày của ông Nguyễn Viết T1. Tuy nhiên các bị đơn không nhất trí về vấn đề trả nợ gốc và lãi sau khi vay và có ý kiến chung như sau:
Sau khi có đoàn kiểm tra của Ngân hàng chính sách về kiểm tra các hộ vay vốn vào ngày 05/10/2015 được mấy hôm thì ông Lò Văn P1 là Tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn tự tử chết và ông P1 tiêu hủy tất cả các sổ sách giấy tờ liên quan đến việc thu nộp tiền vay của các hộ dân, ông Lò Văn P1 chết là đổ nợ lên đầu nhân dân vì ông P1 đã thu tiền của nhân dân không nộp cho Ngân hàng, việc ông P1 chết có liên quan đến việc thu nộp tiền gốc của các bị đơn.
Các hộ dân cho rằng không biết quy định phải nộp gốc trực tiếp tại ngân hàng, lãi nộp qua tổ trưởng là ông Lò Văn P1 nên đều nộp gốc và lãi qua ông Lò Văn P1, sau khi ông P1 tự tử chết vào ngày 07/10/2015 thì Ngân hàng mới yêu cầu nộp gốc tại điểm giao dịch tại xã và tại Ngân hàng.
Đến nay, Ngân hàng không chấp nhận việc các hộ dân đã nộp số tiền gốc trả qua ông P1 và khởi kiện yêu cầu các hộ dân phải trả số tiền gốc và lãi cho ngân hàng theo khế ước đã ký với các bị đơn nên các bị đơn không nhất trí.
Ý kiến của ông Nguyễn Viết T1: Theo quy định của Ngân hàng và theo hợp đồng ủy nhiệm giữa Ngân hàng và tổ tiết kiệm vay vốn (với ông Lò Văn P1 là tổ trưởng) thì ông P1 chỉ được thu tiền lãi hàng tháng và tiền gửi tiết kiệm (nếu có), còn tiền gốc cá nhân vay vốn phải nộp trực tiếp tại các điểm giao dịch của Ngân hàng hoặc nộp trực tiếp tại Ngân hàng. Còn việc các bị đơn cho rằng đã nộp hết gốc cho ông Lò Văn P1 thì phải chịu trách nhiệm đối với việc nộp không đúng của mình, bởi Ngân hàng không ủy thác cho tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn thu tiền gốc của các bị đơn. Phía Ngân hàng đã nộp đầy đủ các tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện của mình là có căn cứ và đúng pháp luật, đề nghị Tòa án xem xét buộc các bị đơn phải trả gốc và lãi theo khế ước đã ký.
Ý kiến ông Tạ Đình T6: Vào quý II năm 2014 đại diện tổ chức xã hội là đoàn thành niên có ký hợp đồng ủy thác với Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ và tiếp nhận công việc ủy thác vay vốn từ hội nông dân chuyển sang. Ông T6 thừa nhận trước thời điểm ông P1 chết, tổ chức chính trị xã hội không được tham gia xác nhận vào giấy gia hạn nợ. Sau khi ông Lò Văn P1 tự tử chết thì ngân hàng mới thắt chặt các thủ tục liên quan đến thu gốc, lãi và các thủ tục gia hạn nợ được tiến hành chặt chẽ có xác minh, xác nhận của bên được ủy thác cho vay và được tiến hành theo đúng quy định của Ngân hàng. Về quá trình thu gốc cho vay: Trước khi ông P1 chết, ông T6 biết có trường hợp hộ dân vẫn nộp tiền gốc cho tổ trưởng trả hộ. Mặc dù ngân hàng có quy định không cho tổ trưởng thu gốc để nộp song các các hộ dân vẫn nộp tiền gốc cho tổ trưởng trả hộ nên tổ trưởng vẫn thu để nộp cho Ngân hàng. Vào khoảng tháng 9 năm 2015, khi đi kiểm tra việc sử dụng vốn vay tại hộ ông Hà Văn P2 cùng đội C, xã H do quá hạn nợ mà không trả ngân hàng, được biết ông P2 cũng đã nộp cho ông Lò Văn P1 song ông P1 đã xâm tiêu không nộp cho Ngân hàng; ông P1 cũng đã thừa nhận có thu của ông P2 12.000.000 đồng song không nộp trả Ngân hàng sau đó ông Lò Văn P1 đã vay tiền để nộp trả số tiền gốc đã thu của ông P2 để trả cho Ngân hàng.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 08 tháng 7 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Điện Biên quyết định:
Căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 2 Điều 91; khoản 1 Điều 227, Điều 228; Điều 233, Điều 235 và các Điều 271, Điều 273 Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ khoản 3 Điều 302; Điều 308; Điều 471; khoản 1 Điều 474 Bộ luật dân sự năm 2005;
Căn cứ khoản 2 Điều 91, khoản 3 Điều 94 Luật các tổ chức tín dụng năm 2010;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu trả tiền gốc và tiền lãi, buộc các bị đơn sau phải trả số tiền gốc còn lại, cụ thể như sau:
- Ông Lò Văn C phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
- Ông Trần Văn K phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
- Ông Trần Văn K1 phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
- Ông Cà Văn A phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
- Ông Vũ Tiến M phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
Không chấp nhận yêu cầu trả tiền lãi của đại diện Nguyên đơn đối với ông C, ông K, ông K1, ông A, ông M do Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ có lỗi trong việc thực hiện nhiệm vụ với tổng số tiền lãi tính đến ngày 08/7/2019 là: 40.710.868 đồng (Bốn mươi triệu, bảy trăm mười ngàn, tám trăm sáu tám đồng).
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án 08/7/2019) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi đối với số nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất nợ quá hạn mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện trả gốc và lãi đối với các bị đơn sau (Tiền lãi tính đến ngày 08/7/2019):
- Bà Nguyễn Thị H phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền tổng gốc và lãi là: 20.000.000 đồng + 7.299.735 đồng = 27.299.735 đồng.
- Ông Vũ Đình U phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền tổng gốc và lãi là: 12.000.000 đồng + 3.644.094 đồng = 15.644.094 đồng. - Chị Hà Thị P phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền tổng gốc và lãi là: 10.000.000 đồng + 3.646.624 đồng = 13.646.624 đồng.
- Anh Quàng Văn L phải cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền tổng gốc và lãi là: 6000.000 đồng + 2.158.697 đồng = 8.158.697 đồng.
- Chị Bùi Thị D phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền tổng gốc và lãi là:10.000.000 đồng + 3.675.768 đồng = 13.675.768 đồng.
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án 08/7/2019) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi đối với số nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất nợ quá hạn mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
Ngoài ra Bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí DSST, quyền kháng cáo và việc thi hành án dân sự.
Ngày 19/7/2019, TAND huyện Đ nhận được đơn kháng cáo của các ông, bà: Lò Văn C, Trần Văn K, Cà Văn A, Nguyễn Thị H với nội dung không nhất trí với nội dung bản án sơ thẩm đã tuyên về việc buộc ông C, ông K, ông A phải có nghĩa vụ trả số tiền gốc cho Ngân hàng là 20.000.000đ; buộc bà H phải có nghĩa vụ trả số tiền gốc và lãi cho Ngân hàng là 27.299.735 đồng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, các đương sự kháng cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo.
- Ông Trần Văn K trình bày: Ông K thực hiện việc vay vốn tại NHCSXH từ năm 2008, ông K có được nhận Sổ vay vốn và tiết kiệm do ngân hàng phát hành. Khi thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc và lãi từ năm 2008, có lần ông K trực tiếp đi trả cho cán bộ ngân hàng, có lần nhờ qua ông tổ trưởng tổ vay vốn trả giúp; Các lần trả tiền đều có xác nhận của cán bộ ngân hàng. Năm 2011, ông K có vay 20.000.000đ của NHCSXH và ký xác nhận vào sổ vay vốn, ông K trực tiếp giữ sổ vay vốn và thực hiện việc trả lãi hàng tháng cho tổ trưởng là ông Lò Văn P1.
Ngày 13/7/2013, ông P1 đến thu tiền lãi, ông K đã đưa cho ông P1 10.000.000 đồng tiền gốc và 130.000 đồng tiền lãi cùng với Sổ vay vốn của gia đình ông K nhờ ông P1 trả hộ cho ngân hàng. Sau đó, ông K tiếp tục trả lãi hàng tháng cho ông P1 là 65.000đ.
Tại cuộc họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày 08/11/2013 tại Đội C, xã H, vợ ông K là người trực tiếp đi họp và về thông báo kết quả phiên họp cho ông K biết.
Đến ngày 05/7/2014, ông K tiếp tục đưa 10.000.000 đồng tiền gốc và 65.000 đồng nhờ ông P1 trả Ngân hàng giúp ông K. Việc ông K đưa tiền gốc cho ông P1 nhờ ông P1 trả Ngân hàng là xuất phát từ sự tín nhiệm tin tưởng dành cho ông P1, không lập giấy ủy quyền, không được sự đồng ý của Ngân hàng. Việc trả tiền gốc, tiền lãi hàng tháng thì ông K chỉ ký vào sổ tay của ông P1, sau mỗi lần trả tiền, ông K không được ông P1 giao cho tài liệu hoặc biên lai thu tiền, tuy nhiên vì tin tưởng ông P1 nên ông K cũng không thắc mắc gì. Ông K cho rằng gia đình ông đã trả hết tiền gốc và lãi cho ngân hàng nên ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không đồng ý trả 20.000.000 đồng tiền gốc cho Ngân hàng như bản án sơ thẩm đã tuyên.
- Ông Lò Văn C trình bày: Năm 2011, ông C trực tiếp nhận số tiền 20.000.000 đồng vay của NHCSXH, ông C đã ký vào các thủ tục vay vốn, ký xác nhận số tiền vay trong sổ vay vốn, ông C được cán bộ NHCSXH giao Sổ vay vốn và tiết kiệm nhưng sau đó ông Lò Văn P1 đã bảo ông C đưa sổ vay vốn cho ông P1 giữ hộ; ông C đã trả tiền gốc cho ông P1 làm 2 lần: Lần 1 trả 10.000.000 đồng vào cuối năm 2013, lần 2 trả 10.000.000 đồng vào cuối năm 2014, tiền lãi hàng tháng vẫn trả cho ông P1 nhưng ông P1 không có biên lai thu cho ông. Việc trả tiền gốc, tiền lãi hàng tháng thì ông C chỉ ký vào sổ tay của ông P1, không có tài liệu gì chứng minh, không có ai làm chứng. Việc ông C đưa tiền gốc cho ông P1 nhờ ông P1 trả Ngân hàng là xuất phát từ sự tín nhiệm tin tưởng dành cho ông P1, không lập giấy ủy quyền, không được sự đồng ý của Ngân hàng.
Tại cuộc họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày 08/11/2013 tại Đội C, xã H, vợ ông C là người trực tiếp đi họp và về thông báo kết quả phiên họp cho ông C biết.
Gia đình ông C đã trả hết số tiền gốc và lãi theo thỏa thuận cho Ngân hàng nên ông không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không đồng ý trả 20.000.000 đồng tiền gốc cho Ngân hàng như bản án sơ thẩm đã tuyên.
- Ý kiến ông Cà Văn A: Năm 2011, ông A là người trực tiếp nhận số tiền 20.000.000đ của NHCSXH theo Sổ vay vốn. Ông A không được nhận sổ vay vốn do ngân hàng cấp. Về số tiền gốc ông A đã trả làm 3 lần: Lần 1 trả 7.000.000 đồng tiền gốc vào tháng 7/2013, sau đó tiếp tục trả lãi với số tiền 84.500 đồng, đến 16/5/2014 trả số tiền gốc là 10.000.000 đồng, 16/7/2014 trả với số tiền gốc 3.000.000 đồng và trả số tiền lãi tương ứng với số tiền gốc còn lại, tổng số tiền gốc gia đình ông A đã trả là 20.000.000 đồng. Việc trả gốc và trả lãi chỉ ghi vào sổ tay của ông P1 chứ không có giấy tờ, tài liệu gì chứng minh. Việc ông A đưa tiền gốc cho ông P1 nhờ ông P1 trả Ngân hàng là xuất phát từ sự tín nhiệm tin tưởng dành cho ông P1, không lập giấy ủy quyền, không được sự đồng ý của Ngân hàng. Ông A có nhận thấy việc nhờ ông P1 trả giúp tiền gốc là không đúng quy định của Ngân hàng.
Tại cuộc họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày 08/11/2013 tại Đội C, xã H, vợ ông A là người trực tiếp đi họp. Gia đình ông A đã trả hết số tiền gốc và lãi theo thỏa thuận cho Ngân hàng thông qua ông P1 nên ông A không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không đồng ý trả 20.000.000 đồng tiền gốc cho Ngân hàng như bản án sơ thẩm đã tuyên.
- Bà Đặng Thị Thúy L1 trình bày: Quá trình giải ngân cho các hộ gia đình, bà L1 đã giao tiền và sổ vay vốn cho người đại diện của các chủ hộ, giải thích nghĩa vụ trả gốc và trả lãi cho họ biết theo đó thì việc trả gốc do người vay trả trực tiếp cho ngân hàng.
- Bà Nguyễn Thị H trình bày: Bà H là người trực tiếp nhận số tiền 30.000.000đ của NHCSXH, được ký vào Sổ vay vốn và được nhận sổ vay vốn do Cán bộ ngân hàng đưa cho. Bà H đã quản lý Sổ vay vốn, thực hiện trả lãi theo quy định. Bà H đã 02 lần đưa tiền gốc nhờ ông P1 trả cho ngân hàng, cụ thể: Lần 1: vào ngày 05/12/2012 bà H đưa cho ông P1 10.000.000 đồng và Sổ vay vốn của gia đình nhờ ông P1 trả Ngân hàng giúp bà H; sau ngày 05/12/2012 bà H có hỏi ông P1 lấy lại Sổ vay vốn nhưng ông P1 không đưa, bà H cũng không thắc mắc; lần 2 vào 05/11/2013 bà H đưa cho ông P1 10.000.000 đồng tiền gốc và tiền lãi tương ứng để ông P1 trả cho Ngân hàng. Việc trả gốc và trả lãi chỉ ghi vào sổ tay của ông P1 chứ không có giấy tờ, tài liệu gì chứng minh. Việc bà H đưa tiền gốc cho ông P1 nhờ ông P1 trả Ngân hàng là xuất phát từ sự tín nhiệm tin tưởng dành cho ông P1, không lập giấy ủy quyền, không được sự đồng ý của Ngân hàng.
Tại cuộc họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày 08/11/2013 tại Đội C, xã H, bà H là người đi họp; quá trình họp có nhiều nội dung, tại cuộc họp ông P1 tiếp tục được tín nhiệm bầu làm tổ trưởng tổ vay vốn, các nội dung khác bà H không nhớ.
Sau khi ông P1 tự tử chết vào ngày 07/10/2015, bà H trực tiếp mang 10.000.00 đồng tiền gốc trả cho ngân hàng vào ngày 5/8/2016. Khi làm việc với ngân hàng bà H mới biết là số tiền gốc 20.000.000 đồng bà đưa cho ông P1 chưa được ông P1 trả cho ngân hàng. Nay ngân hàng yêu cầu bà H trả số tiền gốc là 20.000.000 đồng và số tiền lãi phát sinh, bà H không không đồng ý trả tiền cho Ngân hàng vì bà H đã trả số tiền 20.000.000 đồng cho ngân hàng thông qua ông P1.
Tại phần tranh tụng trong phiên tòa phúc thẩm, Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên nhận xét: Quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Thẩm phán chủ tọa và những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng đã tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và ý kiến của các đương sự tại phiên tòa, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên áp dụng khoản 1 Điều 308/BLTTDS: không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông C, ông K, ông A và bà H, giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 05 ngày 08/7/2019 của TAND huyện Đ.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Căn cứ nội dung đơn khởi kiện, các tài liệu chứng cứ kèm theo Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật có tranh chấp là tranh chấp hợp đồng tín dụng và thuộc thẩm giải quyết của Tòa án nhân dân cấp huyện theo khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự để thụ lý và giải quyết là đúng thẩm quyền. Sau khi xét xử sơ thẩm, ông C, ông K, ông A và bà H gửi đơn kháng cáo trong hạn luật định nên đơn kháng cáo hợp lệ.
[2] Căn cứ vào nội dung khởi kiện, các tài liệu do đương sự xuất trình và do TAND huyện Đ thu thập và quá trình tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm thấy rằng:
[2.1] Lời khai của ông T1 – đại diện cho nguyên đơn khẳng định: Quy trình xây dựng hồ sơ cho vay vốn, quá trình giải ngân, thu tiền lãi, tiền gốc của Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đ đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Sau mỗi phiên giao dịch định kỳ tại UBND xã H, phía ngân hàng luôn in bảng sao kê dư nợ đối với các hộ vay và niêm yết công khai tại Bảng thông tin điểm giao dịch đặt tại UBND xã để các hộ vay vốn biết và đối chiếu.
Việc các hộ dân đưa tiền gốc cho tổ trưởng tổ vay vốn trả cho ngân hàng là không đúng quy định, vi phạm thỏa thuận đã ký kết. Đến nay, các hộ gia đình ông K, ông C, ông A và bà H chưa trả tiền cho ngân hàng nên đề nghị Tòa án giữ nguyên nội dung bản án sơ thẩm.
[2.2] Phía ông C, ông K và bà H thừa nhận: Quá trình vay vốn Ngân hàng chính sách được các gia đình thực hiện từ năm 2008 và 2009, các gia đình được Ngân hàng CSXH cấp sổ vay vốn để theo dõi và quản lý.
Quá trình vay vốn tại NHCSXH, các tổ viên có được tham dự các buổi sinh hoạt, tập huấn định kỳ do Tổ trưởng tổ vay vốn và cán bộ Ngân hàng, cán bộ Đoàn xã H tổ chức và được tham gia cuộc họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày 08/11/2013 tại Đội C, xã H (BL 488).
Đối với khoản vay xác lập năm 2011, ông C, ông K và ông A, bà H là người trực tiếp làm thủ tục kê khai vay vốn và trực tiếp nhận tiền tại điểm giao dịch. Chữ ký trong sổ vay vốn đối với số tiền gốc (thời điểm vay vào tháng 7/2011) đúng là chữ ký của ông C, ông K và ông A, bà H.
Khi thực hiện việc trả tiền gốc cho NHCSXH, ông C, ông K, ông A, bà H đều mang tiền đưa trực tiếp cho ông Lò Văn P1 – tổ trưởng tổ vay vốn và ký vào sổ tay của ông P1, tuy nhiên ông P1 không đưa biên lai hay giấy tờ gì xác nhận việc nhận tiền để trả gốc, trả lãi cho các hộ gia đình. Ông C, ông K, ông A, bà H không xuất trình được tài liệu nào chứng minh việc đã đưa tiền cho ông P1 và đã trả đủ số tiền gốc cho ngân hàng.
[2.3] Đối chiếu lời khai của nguyên đơn và các bị đơn với các tài liệu có trong hồ sơ, HĐXX phúc thẩm đánh giá như sau:
* Tại Văn bản số 316/NHCS ngày 02/5/2003 (BL 286) quy định:
“... điểm c mục 11.3: Khi được vay tiền, bên cho vay sẽ cấp Sổ tiết kiệm và vay vốn cho hộ nghèo để sử dụng lâu dài cho nhiều lần vay.
...mục 12.1: Bên cho vay tổ chức việc thu nợ gốc trực tiếp tới từng hộ vay...”
Trên thực tế, các hộ vay vốn đã được NHCSXH cấp Sổ vay vốn để tự theo dõi quá trình trả nợ, tại trang bìa thứ 2 của Sổ vay vốn cấp có in về quyền và nghĩa vụ của bên cho vay và hộ vay; tại trang bìa thứ 4 có in Hướng dẫn sử dụng sổ vay vốn. Theo các quy định in trên Sổ vay vốn thì Hộ vay phải trả nợ gốc và tiền lãi vay theo thỏa thuận trong sổ vay vốn; mỗi lần giao dịch: vay, trả nợ, trả lãi... người vay hoặc người thừa kế phải mang sổ đến điểm giao dịch Ngân hàng tại xã hoặc trụ sở Ngân hàng nơi cấp sổ.
* Theo Luật tín dụng 2010, Nghị định số 78/2002/CP Ngày 04/10/2002 của Chính phủ; Quyết định số 15/QĐ-HĐQT ngày 05/3/2013 và các văn bản Hướng dẫn do NHCSXH Việt Nam ban hành thấy rằng:
- Văn bản số 2934/NHCS-TDNN ngày 02/12/2011 của NHCSXH (BL 276) Hướng dẫn:
“2. Quy trình thu lãi, thu tiền gửi tiết kiệm bằng Biên lai; thu nợ, thu lãi bằng chuyển khoản từ tiền gửi tiết kiệm và chi trả tiền gửi tiết kiệm cho tổ viên Tổ TK&VV.
- Đối với tổ viên: Mỗi lần nộp tiền, tổ viên nhận lại Biên lai và phải lưu giữ Biên lai để làm cơ sở chứng minh cho số tiền lãi, tiền tiết kiệm đã nộp cho Tổ trưởng; đồng thời tổ viên tự kiểm tra, đối chiếu về: số dư nợ vay, số dư tiền gửi tiết kiệm, số tiền lãi còn nợ Ngân hàng và thông báo cho Ngân hàng nếu có chênh lệch. Trường hợp tổ viên trả nợ bằng chuyển khoản từ tiền gửi tiết kiệm thì phải lưu giữ Phiếu chuyển khoản”.
- Tại Biên bản Họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn ngày 08/11/2013 có đại diện của các tổ viên tham gia (BL 488) thể hiện: Mục II. Quy ước hoạt động:
5.
d) ...Riêng việc trả nợ gốc tổ viên phải nộp trực tiếp cho NHCS.
e) Mỗi lần nộp tiền lãi phải ký vào Bảng kê lãi (Bảng kê 13/TD) đồng thời nhận Biên lai thu lãi; tiến hành kiểm tra đối chiếu về tiền gốc, tiền lãi còn nợ NHCS...
g) Tổ viên phải giữ Sổ vay vốn và Biên lai thu lãi.
- Trên cơ sở Biên bản Họp kiện toàn Ban quản lý Tổ tiết kiệm và vay vốn, cùng ngày 08/11/2013 NHCSXH đã ký Hợp đồng ủy nhiệm v/v thu lãi, thu tiền gửi... với ông Lò Văn P1 - Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn Đội C, xã H (BL 22), theo Hợp đồng này thì ông P1 chỉ được NHCSXH ủy nhiệm thu tiền lãi không được ủy nhiệm thu tiền nợ gốc.
Như vậy, các hộ gia đình là thành viên tổ vay vốn hoàn toàn nắm được quy định về việc trả gốc phải do các hộ gia đình vay vốn thực hiện trả trực tiếp cho Ngân hàng chứ không trả qua tổ trưởng hoặc người thứ 3, tuy nhiên vì lòng tin với ông P1 nên ông K, ông C, ông A và bà H đã đưa tiền nợ gốc và nhờ ông P1 trả giúp.Việc nhờ ông P1 trả tiền gốc là thỏa thuận tự nguyện giữa hai bên nhưng không được sự đồng ý của NHCSXH là vi phạm nội dung thỏa thuận khi ký kết vay vốn. Quá trình xét xử, ông K, ông C, ông A và bà H cũng thừa nhận không trực tiếp trả số tiền gốc 20.000.000đ cho Ngân hàng theo thỏa thuận, do vậy bản án sơ thẩm tuyên xử buộc ông K, ông C, ông A phải trả số tiền gốc 20.000.000 đồng và buộc bà H phải trả cho Ngân hàng số tiền gốc và lãi là: 20.000.000 đồng + 7.299.735 đồng = 27.299.735 đồng là có căn cứ và đúng quy định của pháp luật.
Việc ông K, ông C, ông A và bà H đưa tiền gốc cho ông P1 trả ngân hàng nhưng ông P1 đã chiếm dụng và không trả cho ngân hàng sẽ được xem xét giải quyết trong vụ án khác khi các gia đình có đơn khởi kiện.
[3] Từ những phân tích, đánh giá nêu trên thấy rằng: nội dung kháng cáo của K, ông C, ông A và bà H là không có cơ sở nên không được chấp nhận.
[4] Án phí dân sự phúc thẩm: Yêu cầu kháng cáo của ông K, ông C, ông A và bà H không được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận nên theo quy định tại khoản 2 Điều 148/BLTTDS; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm c khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thì ông K, ông C và bà H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đ, tỉnh Điện Biên; Ông Cà Văn A được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308/BLTTDS; khoản 2 Điều 148/BLTTDS; điểm đ khoản 1 Điều 12, điểm c khoản 1 Điều 24, khoản 1 Điều 29 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.
Tuyên xử:
1. Không chấp nhận nội dung kháng cáo của ông Trần Văn K, ông Lò Văn C, ông Cà Văn A và bà Nguyễn Thị H; giữ nguyên bản án sơ thẩm số 05/2019/ DS- ST ngày 08/7/2019 của Tòa án nhân dân huyện Đ, tỉnh Điện Biên, cụ thể:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đối với yêu cầu trả tiền gốc và tiền lãi, buộc các bị đơn sau phải trả số tiền gốc còn lại, cụ thể như sau:
- Ông Lò Văn C phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
- Ông Trần Văn K phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
- Ông Cà Văn A phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền gốc 20.000.000 đồng theo khế ước đã ký với Ngân hàng.
...
Kể từ ngày tiếp theo của ngày xét xử sơ thẩm (ngày tuyên án 08/7/2019) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải trả khoản tiền lãi đối với số nợ gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất nợ quá hạn mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng cho đến khi thanh toán xong khoản nợ gốc này.
2. Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện trả gốc và lãi đối với các bị đơn sau (Tiền lãi tính đến ngày 08/7/2019):
- Bà Nguyễn Thị H phải trả cho Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Đ số tiền tổng gốc và lãi là: 20.000.000 đồng + 7.299.735 đồng = 27.299.735 đồng.
...” Các nội dung khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
3. Án phí dân sự phúc thẩm: Buộc ông Trần Văn K, ông Lò Văn C, và bà Nguyễn Thị H phải chịu án phí DSPT nhưng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo Biên lai số: AA/2016/0003218 ngày 23/7/2019; Biên lai số: AA/2016/0003219 ngày 23/7/2019; Biên lai số: AA/2016/0003220 ngày 23/7/2019 (ông Trần Văn K, ông Lò Văn C, và bà Nguyễn Thị H đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm). Ông Cà Văn A được miễn án phí dân sự phúc thẩm.
4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (20/11/2019).
Bản án 20/2019/DS-PT ngày 20/11/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 20/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Điện Biên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 20/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về