TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG
BẢN ÁN 201/2020/DS-PT NGÀY 25/09/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG
Ngày 25 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 227/2020/TLPT-DS ngày 27 tháng 7 năm 2020 về: “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2020/DS-ST ngày 28/05/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 1588/2020/QĐ-PT ngày 07 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam; địa chỉ: thành phố Hà Nội;
Người đại diện theo uỷ quyền: Bà Trần Thị Thu N – Chức vụ: Phó giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Việt Nam – Chi nhánh huyện Q, tỉnh Quảng Bình (theo Quyết định số 09/QĐ-NHCS ngày 06/01/2020 của Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam - Phòng giao dịch huyện Q); có mặt.
2. Bị đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1967; địa chỉ: huyện Q, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:
3.1- Ông Tưởng Đình T, sinh năm 1966; địa chỉ: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; Người đại diện theo ủy quyền có bà Nguyễn Thị H (theo văn bản ủy quyền ngày 16/9/2020), có mặt.
3.2- Anh Tưởng Văn B, sinh năm 1990, địa chỉ: xã Q, huyện Q, tỉnh Quảng Bình; Người đại diện theo uỷ quyền có bà Nguyễn Thị H (theo văn bản lập ngày 15/5/2020), có mặt.
4. Người kháng cáo: Bà Nguyễn Thị H, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
[1] Theo Đơn khởi kiện ngày 22/4/2019 và đơn khởi kiện bổ sung ngày 06/6/2019 của nguyên đơn, nội dung trình bày như sau:
Từ ngày 25/02/2009 đến ngày 14/03/2012, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội huyện Q đã cho vay gia đình bà Nguyễn Thị H vay theo diện sinh viên trang trải chi phí việc học tập cho Tưởng Văn B với số tiền 31.600.000 đồng theo theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ; theo sổ vay vốn có mã khách hàng số 3000022733 kèm Sổ lưu tờ rời theo dõi Cho vay - Thu nợ - Dư nợ số 6000003000004660. Quá trình thực hiện hợp đồng từ khi vay đến nay gia đình bà H chỉ trả được số tiền 1.905.901đ mà không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng như Hợp đồng đã ký kết, nên số nợ vay đã quá hạn kể từ ngày 09/05/2018. Dư nợ của gia đình bà Nguyễn Thị H vay cho sinh viên Tưởng Văn B tính đến ngày 20/03/2019 với số tiền là: 47.467.043 đồng, trong đó: Nợ gốc: 31.600.000 đồng, nợ lãi: 15.867.043 đồng (lãi trong hạn: 15.329.551 đồng, lãi quá hạn: 537.492 đồng).
Số tiền cho vay không có bảo đảm tiền vay (cho vay thông qua tổ TK&VV do Hội Phụ nữ xã Q, huyện Q làm ủy thác).
Tính đến ngày xét xử 28/5/2020 số tiền nợ là: 50.676.036 đồng, trong đó: Nợ gốc: 31.600.000đ, nợ lãi: 19.076.036 đồng và yêu cầu gia đình bà Nguyễn Thị H tiếp tục trả lãi khoản vay phát sinh kể từ ngày xét xử trở về sau.
[2] Bị đơn bà Nguyễn Thị H trình bày: Bà H thừa nhận gia đình đã ký 02 giấy vay vốn tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam – Chi nhánh huyện Q để cho 02 con trai là Tưởng Văn B và Tưởng Văn T đi học (vay theo diện sinh viên). Tuy nhiên quá trình vay vốn Bà đã thực hiện đúng nghĩa vụ và đã hết nợ cho Ngân hàng gần 70 triệu đồng, nên hiện nay gia đình không còn nợ Ngân hàng nữa. Trong các lần trả nợ bà đã trả tiền cho Ngân hàng thông qua bà Trần Thị G – Phụ nữ xóm và bà Trịnh Thị H – Phó Hội phụ nữ xã Q. Trong các lần trả nợ thì có 02 lần nộp 27.600.000đ vào ngày 19/6/2016 và 7.300.000đ bà Trịnh Thị H nhận mà không có phiếu Thu, còn lại các lần khác đều có phiếu thu.
[3] Bà Nguyễn Thị H vào ngày 16/7/2019 có yêu cầu phản tố với nội dung:
Quá trình Bà vay vốn cho con trai là Tưởng Văn T đi học Đại học Nông nghiệp Hà Nội, khi vay vốn sẽ vay cho cháu học hết Đại học nhưng khi vay đến năm thứ ba thì Ngân hàng không cho vay nữa làm cháu phải bỏ học giữa chừng. Đề nghị Ngân hàng phải chịu trách nhiệm trong khoản vay này.
Ngày 19/9/2019, bị đơn bà Nguyễn Thị H có đơn thay đổi yêu cầu phản tố với nội dung: Bà không yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phải bồi thường đối với Hợp đồng vay của anh Nguyễn Văn T; Bà chỉ yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phải bồi thường cho anh Tưởng Văn B. Theo Hợp đồng thì Ngân hàng phải cho con bà là Tưởng Văn B vay đến tháng 9/2013 (04 năm có 08 kỳ) nhưng mới vay được 07 kỳ số tiền 31.600.000 đồng thì cắt Hợp đồng đã làm thiệt hại cho con Nguyễn Văn B. Vì vậy bà không đồng ý trả nợ và yêu cầu Ngân hàng phải bồi thường. Tại phiên tòa sơ thẩm, bà H chính thức yêu cầu phía Ngân hàng bồi thường cho bà số tiền 50.000.000 đồng.
- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Tương Đình T tại bản tự khai lập ngày 13/12/2019 trình bày: Ông đồng ý với ý kiến của bà Nguyễn Thị H (vợ ông) đã trình bày. Việc Ngân hàng chấm dứt không có con ông tiếp tục vay để trang trãi học hành, làm cho gia đình ông lâm vào tình cảnh khó khăn nên ông không đồng ý trả nợ và đồng ý với yêu cầu phản tố đòi bồi thường của bà H.
[4] Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 04/2020/DS-ST ngày 28 tháng 5 năm 2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết định:
Căn cứ Điều 280, Điều 281, Điều 282, Điều 299, Điều 351, Điều 563, Điều 466, Điều 468 của Bộ luật Dân sự: Chấp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam: Buộc bà Nguyễn Thị H trả nợ cho Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam tính đến ngày 28/5/2020 với số tiền: 50.676.036 đồng (Trong đó nợ gốc là 31.600.000đ, nợ lãi: 19.076.036 đồng) theo Sổ vay vốn có mã khách hàng số 3000022733 kèm Sổ lưu tờ rời theo dõi Cho vay - Thu nợ - Dư nợ số 6000003000004660.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo.
[5] Kháng cáo: Ngày 03-6-2020 bà Nguyễn Thị H kháng cáo với yêu cầu: Bà đã thực hiện nghĩa vụ trả tiền hàng tháng từ năm 2008 đến 2012, phía Ngân hàng đã sai Hợp đồng thì phải thanh toán phần nghĩa vụ mà Bà thực hiện với số tiền 39.215.000 đồng. Đền bù cho cháu Tưởng Văn T phải bỏ học giữa chừng số tiền 50.000.000 đồng, đền bù cho Tưởng Văn B số tiền đã vay Ngân hàng nông nghiệp Roon số tiền 30.000.000 đồng vốn + tiền lãi.
[6] Tại phiên tòa phúc thẩm:
Người kháng cáo giữ nguyên Đơn kháng cáo. Bà Nguyễn Thị H thừa nhận chỉ mới trả lãi hàng tháng cho các kỳ vay trước đó của trường hợp Tưởng Văn B; khi Ngân hàng tự ý dừng việc cho vay từ Kỳ thứ 8 thì Ngân hàng đã vi phạm Hợp đồng, Gia đình bà H không phải chịu thực hiện trả nợ vay và lãi suất nữa, Ngân hàng vi phạm Hợp đồng nên tự chịu, Bà không có nghĩa vụ trả nợ vay nữa. Đồng thời do dừng hợp đồng vay làm cho gia đình bà gặp khó khăn, phải đi vay nóng ngoài xã hội cho Tưởng Văn B tiếp tục được học, nên Ngân hàng phải bồi thường.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng tham gia phiên tòa có ý kiến: Thẩm phán và Thư ký phiên tòa phúc thẩm và những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định như sau:
[1] Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng về thẩm quyền và các thủ tục tố tụng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Đơn kháng cáo của bị đơn là hợp lệ.
[2] Xét kháng cáo về việc thực hiện hợp đồng cho vay và thanh toán hợp đồng vay: Từ ngày 25/02/2009 đến ngày 14/03/2012, Phòng giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam, chi nhánh huyện Q đã cho gia đình bà Nguyễn Thị H vay vốn theo đối tượng sinh viên. Tại thời điểm ký Hợp đồng vay vốn thì trong hộ gia đình bà Nguyễn Thị H được xác định số người lao động là 2/6 số nhân khẩu trong gia đình, bà H là người đứng tên vay vốn, ông Tưởng Đình T là người thừa kế quyền và nghĩa vụ đối với khoản vay cho con Tưởng Văn B trang trãi chi phí học tập tại trường Đại học Đà Lạt. Quá trình vay vốn hộ gia đình bà Nguyễn Thị H đã được nhận số tiền 31.600.000 đồng, cho vay không có tài sản đảm bảo (cho vay thông qua Hội Phụ nữ xã Q, huyện Q), lãi suất vay 05,%, lãi suất quá hạn 0,65%, được điều chỉnh lãi vay theo Quyết định 853/QĐ-TTg ngày 01/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ mức lãi vay 0,65%/tháng tính từ ngày 01/8/2011.
Bà Nguyễn Thị H và ông Tưởng Đình T đều thừa nhận việc gia đình ông bà đã vay tại Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam – Chi nhánh huyện Q, tỉnh Quảng Bình số tiền 31.600.000đ cho con Tưởng Văn B trang trãi việc học tại Trường Đại học Đà Lạt. Quá trình thực hiện hợp đồng bà H chỉ mới trả được số tiền lãi là 1.905.901đ, mà không thực hiện việc trả nợ đúng theo Hợp đồng, nên từ ngày 09/05/2018 số nợ vay trở thành nợ quá hạn nên nguyên đơn khởi kiện yêu cầu bà Nguyễn Thị H phải có nghĩa vụ trả nợ cho Ngân hàng với số tiền tính đến ngày 20/3/2019 là: 47.467.043 đồng, trong đó: Nợ gốc: 31.600.000 đồng, nợ lãi: 15.867.043 đồng (lãi trong hạn: 15.329.551 đồng, lãi quá hạn: 537.492 đồng). Tính đến ngày xét xử sơ thẩm 28/5/2020, với số tiền: 50.676.036 đồng, trong đó: Nợ gốc: 31.600.000đ, nợ lãi: 19.076.036 đồng. Các chứng từ vay và trả đều rõ ràng và phù hợp với sự thừa nhận của các đương sự. Vì vậy, bản án sơ thẩm buộc bà Nguyễn Thị H trả nợ gốc và lãi theo yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn là có căn cứ.
[3] Xét kháng cáo về yêu cầu phản tố của bị đơn:
Ngày 16/7/2019 bị đơn bà Nguyễn Thị H có đơn yêu cầu phản tố sau đó ngày 19/9/2019, bị đơn bà Nguyễn Thị H có đơn thay đổi yêu cầu phản tố với nội dung: Bà không yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phải bồi thường đối với Hợp đồng vay của anh Nguyễn Văn T. Bà yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam phải bồi thường cho anh Tưởng Văn B. Theo hợp đồng thì Ngân hàng phải cho con bà vay đến tháng 9/2013 nhưng mới vay đến kỳ II năm 2012 thì cắt hợp đồng đã làm thiệt hại cho con Nguyễn Văn B. Vì vậy bà H cho rằng Ngân hàng đã tự ý chấm dứt hợp đồng nên đã vi phạm hợp đồng, đo đó Bà không còn trách nhiệm phải trả khoản vay này và yêu cầu Ngân hàng bồi thường thiệt hại số tiền 50.000.000 đồng.
Ngân hàng chính sách xã hội thực hiện việc cho vay theo đối tượng học sinh, sinh việc theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/09/2007 của Thủ tướng Chính phủ, quy trình cho vay được thực hiện theo các văn bản hướng dẫn, theo đó thì đối tượng vay vốn học sinh sinh viên đủ điều kiện được vay trước hết phải có Giấy xác nhận của Trường học nơi học sinh sinh viên đang tham gia học tập và xác nhận của Chính quyền địa phương để được lập danh sách đề nghị cho vay. Theo danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn lập ngày 10/02/2009 và được Ngân hàng chính sách huyện Q phê duyệt trong đó có danh sách bà Nguyễn Thị H được vay số tiền 32.000.000đ với thời hạn 96 tháng. Bà Nguyễn Thị H đã ký giấy vay với Ngân hàng chính sách để vay vốn cho con Tưởng Văn B trang trãi học tập tại Trường Đại học Đà Lạt. Quá trình vay vốn giải ngân theo từng kỳ học tập đúng như phía bị đơn bà Nguyễn Thị H trình bày và chứng từ giải ngân của Ngân hàng. Việc gia đình bà H không được vay vốn ở Kỳ thứ 8 là do hộ gia đình bà H không được UBND xã Q lập danh sách đề nghị cho vay vốn trình Ngân hàng chính sách xã hội.
Tại Công văn số 16/UBND ngày 26/3/2020 của UBND xã Q có nội như sau: “Căn cứ theo văn bản của Ngân hàng chính sách xã hội huyện Q về việc hướng dẫn lập danh sách đối tượng cho vay theo Quyết định số 157 của Thủ tướng Chính phủ. Trách nhiệm của UBND xã Q đã thông báo cho tất cả các hộ có con, em theo học tại các trường Đại học hoặc tương đương Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp... có nhu cầu vay vốn, được UBND xã xem xét xác nhận vào đơn vay thì mới đủ điều kiện vay. Việc gia đình bà Nguyễn Thị H không được vay vốn có một phần trách nhiệm của UBND xã Q. Tuy nhiên, do căn cứ vào Công văn số 2547/NHCSTDSV ngày 15/10/2010 của Ngân hàng chính sách xã hội và Thông tư số 34/2011/TT-BLĐTBXH ngày 24/4/2011 về xác nhận diện khó khăn tài chính vay vốn học sinh sinh viên, do đó việc hộ gia đình bà H không được vay vốn là do bà H không thuộc đối tượng quy định của các văn bản trên”.
Do đó, trường hợp bà H không được vay vốn ở kỳ thứ 8 của sinh viên Tưởng Văn B không thuộc lỗi của Ngân hàng chính sách mà do gia đình bà H không đủ điều kiện và không được Địa phương xác nhận nên Ngân hàng không thể tiếp tục cho vay. Điều đó thể hiện, nguyên đơn Ngân hàng chính sách sách hội Việt Nam không tự ý chấm dứt hợp đồng. Mặt khác, anh Tưởng Văn B đã có bằng Kỹ sư do trường Đại học Đà Lạt cấp ngày 27/12/2012, như vậy anh B đã tốt nghiệp Đại học tại Đà Lạt chứ không phải bỏ học giữa chừng như đơn phản tố của bà Nguyễn Thị H. Việc Ngân hàng cho vay là để hỗ trợ cho sinh viên học tập, ngoài ra thì sinh viên đó phải tự trang trãi chi phí học tập bằng nhiều nguồn kinh phí tự túc. Vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy yêu cầu phản tố của bà Nguyễn Thị H là không có căn cứ chấp nhận.
[4] Bản án sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Ngân hàng chính sách xã hội Việt Nam là có căn cứ, đúng pháp luật. Bà Nguyễn Thị H không có chứng cứ mới làm thay đổi nội dung vụ án nên không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
[5] Về án phí dân sự phúc thẩm, người kháng cáo bà Nguyễn Thị H phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ vào khoản 1 Điều 308, Điều 313 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Không chấp nhận kháng cáo của bà Nguyễn Thị H, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm 04/2020/DS-ST ngày 28-5-2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình.
2. Về án phí dân sự phúc thẩm bà Nguyễn Thị H phải chịu là 300.000 đồng, nhưng được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp là 300.000 đồng theo biên lai thu số 0007896 ngày 19/6/2020 của Cục thi hành án dân sự tỉnh Quảng Bình. Bà Nguyễn Thị H đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.
3. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật từ ngày hết thời hiệu kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 201/2020/DS-PT ngày 25/09/2020 về tranh chấp hợp đồng tín dụng
Số hiệu: | 201/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân cấp cao |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 25/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về