Bản án 19/2018/DS-ST ngày 13/07/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN HỒNG NGỰ, TỈNH ĐỒNG THÁP

BẢN ÁN 19/2018/DS-ST NGÀY 13/07/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT 

Trong các ngày 16 tháng 5, ngày 08 tháng 6, ngày 06 và 13 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 247/2017/TLST-DS ngày 18 tháng 10 năm 2017, về tranh chấp quyền sử dụng đất, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 19/2018/QĐXXST-DS ngày 18 tháng 4 năm 2018, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ông D, sinh năm 1960; địa chỉ cư trú: đường Z, phường Y, thị xã Z, tỉnh An Giang; có mặt.

2. Bị đơn:

2.1. Ông B, sinh năm 1966; địa chỉ cư trú: ấp A, xã B, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp; có mặt khi xét xử, vắng mặt lúc tuyên án không có lý do.

2.2. Ông C, sinh năm 1975; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, tỉnh Đồng Tháp; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn B và C: Bà Th là Luật sư cộng tác viên của Chi nhánh X thuộc Trung tâm Trợ giúp Pháp lý Nhà nước tỉnh Đồng Tháp; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà M, sinh năm 1965; địa chỉ cư trú: ấp A, xã B, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp; vắng mặt.

3.2. Chị H, sinh năm 1982; địa chỉ cư trú: A, xã B, thị xã H, tỉnh Đồng Tháp; vắng mặt.

3.3. Cụ N, sinh năm 1941; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

3.4. Chị D1, sinh năm 1975; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

3.5. Anh V, sinh năm 1998; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

Ông B là người đại diện theo ủy quyền của bà M (Văn bản ủy quyền ngày 09 tháng 01 năm 2015).

Ông C là người đại diện theo ủy quyền của bà N, D1, V (các Văn bản ủy quyền cùng ngày 09 tháng 01 năm 2015).

4. Người làm chứng:

4.1. Ông G, sinh năm 1948; địa chỉ cư trú: ấp A, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

4.2. Ông T, sinh năm 1946; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

4.3. Ông L, sinh năm 1946; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

4.4. Ông H1, sinh năm 1947; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

4.5. Ông K, sinh năm 1937; địa chỉ cư trú: ấp B, xã L, huyện H, Đồng Tháp; vắng mặt.

4.6. Bà L, sinh năm 1967; địa chỉ cư trú: đường Đ, phường L, thị xã T, tỉnh An Giang; vắng mặt.

4.7. Anh H2, sinh năm 1977; địa chỉ cư trú: đường H, phường X, quận Y, TP.HCM; vắng mặt.4.8. Ngân Hàng N; địa chỉ: ấp T, xã T, huyện H, tỉnh Đồng Tháp; vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại Đơn khởi kiện đề ngày 29 tháng 4 năm 2014, trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn ông D, trình bày: Nguồn gốc phần đất tranh chấp, diện tích 06 công tầm cắt (7.800m2), tọa lạc tại ấp A, xã L, huyện H, Đồng Tháp, là của cha ông tên T1 (tên ở ngoài là D2, đã chết năm 1995), cho ông H3 thuê vào khoản năm 1983 - 1984. Vào thời điểm đó, Nhà nước quy định diện tích đất canh tác tính trên nhân khẩu, nếu gia đình ít người thì không được làm nhiều đất, nên ông H3 cho ông C1 thuê lại canh tác 03 công tầm cắt (3.900m2). Giá thuê 1,5 giạ lúa/01 công/01 năm. Đến năm 1989, ông D2 cho ông phần đất trên, không có làm giấy tờ. Vì ông thường đi làm ăn xa không tiện canh tác nên ông tiếp tục cho ông H3 và ông C1 thuê hết 06 công tầm cắt (7.800m2) đất. Việc cho thuê có làm hợp đồng bằng giấy tay vào ngày 26/02/1989, do cha ông trực tiếp viết giấy, giá thuê đất 01 năm là 1,5 giạ lúa/01 công (1.300m2), không có để thời hạn thuê, khi nào ông muốn sử dụng thì cho hay sẽ lấy lại, nếu không thực hiện đúng theo hợp đồng thì ông lấy đất lại. Do vợ ông H3 và ông C1 có bà con nên hợp đồng thuê chỉ để ông H3 đứng tên chứ không để tên ông C1. Nhưng khi ông đến lấy lúa thuê đất thì cả ông H3 và ông C1 hoặc vợ là N đều tính ra tiền trả cho ông đầy đủ từ năm 1989 cho đến năm 2012, có những người đi chung với ông qua lấy tiền thuê đất như ông M1, G chứng kiến. Người biết nguồn gốc đất, là ông K, người thuê đất trước đó trả lại cho cha ông, sau đó mới cho ông H3 và ông C1 thuê. Đến năm 2013 thì gia đình ông C1 không chịu trả tiền thuê đất nữa và nói số đất trên đã mua rồi. Ông kiện đến Ủy ban nhân dân xã L thì được biết ông C1 đã lấy phần đất thuê của ông cho lại con là B và C. Hiện nay, ông H3 và ông C1 đều đã chết, nhưng vợ ông C1 là bà N vẫn còn sống. Phần đất tranh chấp ông chưa được cấp giấy chứng nhận, nhưng khi ông kiện thì mới biết ông B và ông C đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trước đây ông yêu cầu ông B trả lại 277m2 đất, thuộc thửa đất số 1008 và 1.493m2 thuộc thửa đất 965 tờ bản đồ số 04 và yêu cầu ông C trả lại 2.755m2 đất, thuộc thửa đất số 990, tờ bản đồ số 04 tọa lạc tại xã L, huyện H, Đồng Tháp. Tại biên bản hòa giải ngày 27/01/2015, ông yêu cầu ông B và C trả giá trị đất cho ông là 140.000.000đ. Nhưng hiện nay hoàn cảnh của ông B và ông C khó khăn nên tại phiên tòa ông thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ yêu cầu ông B và ông C trả lại thành quả lao động cho ông với số tiền 60.000.000đ. Trong đó, ông B phải trả 25.000.000đ, ông C phải trả 35.000.000đ.

Bị đơn, ông B, cũng là đại diện bà M, trình bày: Nguồn gốc phần đất đang tranh chấp là của cha ông tên C1, đã chết năm 2010, mua lại của ông D2 là cha của ông D từ trước năm 1975, với diện tích khoảng 04 công tầm cắt, không biết bao nhiêu mét vuông. Khi Nhà nước đào kênh, không nhớ năm, thì múc đất mất khoảng 01 công, nên còn lại 03 công tầm cắt. Lúc trước thì cha ông thuê đất của ông H3, sau đó ông D2 đến nói đất của ông D2 và bán đất luôn cho cha ông. Việc mua bán đất có làm giấy tờ hay không thì ông không biết. Cha ông đã sử dụng đất ổn định lâu dài. Khi ông lập gia đình (năm 1990) thì cha đã cho ông 1,5 công tầm cắt, ông sử dụng liên tục đến nay. Ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu không nhớ năm, nhưng đổi lại giấy mới năm 2006. Còn lại 1,5 công tầm cắt thì cha ông tiếp tục sử dụng và đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không nhớ năm. Khi cha chết mới để lại cho em út là C, tiếp tục làm nuôi mẹ. C đã thực hiện xong thủ tục và đứng tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ trước đến nay cha và mẹ ông là N không có trả tiền thuê đất cho ông D, chỉ có đóng thuế cho Nhà nước, khi Nhà nước bỏ thuế thì không có nộp thuế nữa. Ông không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông D. Ông không thống nhất trả giá trị đất cho ông D là 60.000.000đ. Ông tự nguyện trả lại cho ông D 1,5 chỉ vàng coi như công ông D đi tới lui và để cho êm xui.

Bị đơn, ông C, cũng là đại diện của bà N, V, D1, trình bày: Ông là em ruột của ông B. Ông thống nhất hoàn toàn theo ý kiến trình bày của ông B, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 990, tờ bản đồ số 4, ông đang thế chấp vay vốn Ngân hàng N 20.000.000đ, phần đất tranh chấp với ông D là của cha ông để lại cho anh em ông, lúc ông còn nhỏ do anh trai ông là B1 sử dụng, sau này ông B1 để lại cho ông và ông B sử dụng mấy chục năm nay, không ai tranh chấp. Ông không chấp nhận yêu cầu của ông D, ông tự nguyện trả lại cho ông D 1,5 chỉ vàng coi như công ông D đi tới lui và để cho êm xui.

* Phần các đương sự không thống nhất được:

Nguyên đơn, ông D yêu cầu ông B trả lại thành quả lao động cho ông số tiền 25.000.000đ, ông C trả thành quả lao động cho ông số tiền 35.000.000đ.

Bị đơn, ông B và ông C không chấp nhận yêu cầu của ông D. Ông B và ông C mỗi người tự nguyện trả cho ông D 1,5 (Một phẩy năm) chỉ vàng 24kra 9999.

Tại Văn bản ngày 13 tháng 6 năm 2018, Ngân Hàng N do ông T2 là Giám đốc Phòng giao dịch huyện H đại diện có ý kiến, trình bày: Ông C còn nợ gốc Ngân hàng 20.000.000đ. Ngân hàng không tham gia trong vụ án tranh chấp đất này, lý do, ông C đủ khả năng trả nợ Ngân hàng, phần diện tích đất không tranh chấp của ông C đảm bảo trả nợ gốc, lãi.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 21 tháng 6 năm 2018, bà L, trình bày: Bà là con của cụ T1, tự D2 (đã chết năm 1995) và cụ L1 (đã chết năm 1990). Cha mẹ bà có 03 người con là anh D, chị N1 (chị N1 đã chết năm 2000, có chồng nhưng đã ly hôn, có một người con tên H2) và bà. Phần đất anh D tranh chấp với ông B, ông C là của bà nội bà tên S để lại cho cha bà. Lúc cha bà còn sống, bà có cùng cha bà đến nhà ông C1 thu tiền cho thuê đất. Vài năm sau cha bà chết có nhờ ông G đi thu tiền. Sau đó thì bà không đi thu nữa, mà do anh D đi thu tiền cho đến nay. Lúc còn sống, cha bà đã định đoạt phần đất trên cho ông D xong. Lúc cha cho đất ông D thì mẹ và chị N1 còn sống, đều đồng ý việc cho đất và không có ý kiến gì. Do đó, nay ông D kiện ông B, ông C đòi lại đất thì bà không có tranh chấp gì với ông D, ông B, ông C. Ông D đòi được đất thì ông D hưởng bà không có yêu cầu gì đối với phần đất đang tranh chấp.

Tại bản khai ngày 05 tháng 7 năm 2018, anh H2 trình bày: Anh là con của bà N1, đã chết. Mẹ anh là con của cụ T1 và cụ L1. Phần đất ông D tranh chấp với ông B, ông C là do ông ngoại để lại cho ông D lúc còn sống. Lúc đó, mẹ anh cũng đồng ý và không có ý kiến gì. Do đó, nay ông D kiện ông B, ông C đòi lại đất, anh không có yêu cầu gì đối với phần đất tranh chấp.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 19 tháng 6 năm 2018, ông G, trình bày: Ông có mối quan hệ họ hàng xa với ông D. Phần đất ông D đang tranh chấp với ông B, ông C là của ông D2 (Cha ông D), cho ông C1 thuê, cho thuê từ năm nào thì ông không rõ vì lúc đó ông còn nhỏ đi học. Đến sau năm 1975, có vài lần ông cùng với ông D2 đi thu tiền thuê đất của C1. Sau này ông D2 chết, đất để lại cho ông D, ông cũng có đi cùng ông D một hai lần đến nhà ông C1 thu tiền thuê đất, còn việc ông C1 có mua bán đất với ông D2 hay không thì ông không rõ.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 15 tháng 6 năm 2018, ông T, trình bày: Ông không có quan hệ bà con gì với ông D, ông B, ông C, chỉ là người ở xóm. Theo ông biết nguồn gốc đất tranh chấp là của ông D2 là cha của ông D. Trước năm 1975, thì ông thấy ông X sử dụng, nhưng ông không biết là thuê, mướn như thế nào. Sau năm 1975, thì ông thấy ông C1 là cha của ông B, ông C sử dụng. Ông là người có trâu đi cày, bừa thuê, có làm cho đất của ông C1 thì ông nghe ông C1 nói lại là đất này ông C1 đã mua rồi. Còn mua của ai, làm giấy tờ ra sao thì ông không biết. Lúc đó, đất làm rất xấu, làm rất khó khăn và ít có lãi, đôi khi còn bị lỗ. Việc ông D2 hay ông D có lấy tiền cố đất, thuê đất gì không thì ông không biết.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 15 tháng 6 năm 2018, ông L, trình bày: Ông không có quan hệ bà con gì với ông D, có bà con với bà N. Ông nội của ông là ông ngoại của bà N. Bà N là mẹ của ông B, ông C. Về nguồn gốc đất tranh chấp giữa ông D2, ông D với ông B, ông C như thế nào thì ông không biết. Ông chỉ biết phần đất đó do ông H3 làm rồi chia lại cho ông C1 là cha của ông B, ông C. Nói chung, phần đất của ông C1 ông không rõ nguồn gốc của ai và thuê mướn như thế nào, chỉ biết ông C1 đã sử dụng đất từ khoản năm 1975, do ông H3 giao lại. Riêng phần đất của ông H3 để lại cho ông thì nguồn gốc là của ông D2, nên ông có thỏa thuận trả thành quả lao động cho ông D, Ủy ban nhân dân huyện H đã ra Quyết định công nhận hòa giải thành rồi.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 15 tháng 6 năm 2018, ông H1, trình bày: Ông có quan hệ bà con xa với ông D. Phần đất tranh chấp giữa ông D với ông B, ông C là của bà S (bà nội của ông D) cho ông X (K) thuê từ năm 1975. Sau đó, ông X có chia lại cho ông C1 sử dụng. Qua lời kể của ông D2 khi gặp ông thì nói là đi thu tiền cho thuê đất. Đất đã để lại cho ông C1 thuê rồi. Việc trao đổi thuê đất, hay mua bán giữa ông D2 với ông C1 như thế nào thì ông không biết. Ông cũng không rõ ông C1 sử dụng đất từ năm nào.

Tại Biên bản lấy lời khai ngày 15 tháng 6 năm 2018, ông K, trình bày: Ông không có quan hệ bà con gì với ông D, ông B, ông C. Vào khoản năm 1975, ông có mướn đất của bà S, là bà nội của ông D, 10 công đất ruộng để canh tác. Khoảng năm 1983, ông trả lại cho ông D2, con bà S, 06 công. Ông mua lại 04 công, trả tiền cho ông D2, không nhớ số tiền. Sau này, ông đi đăng ký và đã được cấp giấy. Phần đất còn lại 06 công mà ông trả, ông D2 cho ai thuê hay bán cho ai ông không biết. Nguồn gốc đất ông C1 sử dụng thì ông không biết. Ông không biết việc ông D2 có cho ông C1 thuê đất hay không. Cũng không biết việc họ có trao đổi mua bán gì với nhau không. Ông không rõ ông C1 sử dụng đất từ năm nào.

Luật sư Th trình bày ý kiến tranh luận: Căn cứ vào văn bản cung cấp thông tin của Ủy ban nhân dân huyện H thì nguồn gốc đất tranh chấp giữa ông D với ông B, ông C, thì nguồn gốc đất này ông C1 được Nhà nước cấp năm 1992. Ông C1 đã sử dụng từ trước năm 1975, sau đó ông C1 tặng cho lại các con là ông C và ông B. Việc tặng cho là phù hợp với pháp luật và ông B, ông C cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Gia đình ông C1 đã sử dụng phần đất này ổn định lâu dài trải qua các thời kỳ chính sách đất đai của nhà nước nhưng không có ai tranh chấp. Đến năm 2014, ông D mới tranh chấp, căn cứ lời nói của ông và tờ giao kèo thuê đất giữa ông với ông H3 là chưa có căn cứ. Việc ông D cho rằng gia đình ông có đi thu tiền thuê đất của ông C1 từ năm 1982 đến năm 2013, nhưng sau khi nhà nước cải cách chính sách đất đai và Luật đất đai năm 1987 đã nghiêm cấm việc mua bán, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, chỉ nộp thuế cho nhà nước. Luật đất đai 2013, tại khoản 5 Điều 26 Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được Nhà nước giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai. Từ những phân tích đó cho thấy việc ông D yêu cầu ông B trả lại thành quả lao động số tiền 25.000.000đ và ông C 35.000.000đ là không có cơ sở. Đề nghị Tòa án không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của ông D. Tuy nhiên, qua quá trình hòa giải ông B, ông C tự nguyện trả cho ông D mỗi người 1,5 chỉ vàng 24kra, do lúc hòa giải ở cơ sở thì Ủy ban xã có động viên để không tranh chấp kéo dài, cho êm xui, tuy nhiên không hòa giải thành. Nhưng đến phiên tòa hôn nay ông B và ông C vẫn giữ nguyên ý kiến này, nên đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận sự tự nguyện của ông B, ông C.

Kiểm sát viên phát biểu ý kiến: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng đúng theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Về nội dung vụ án: Đề nghị không chấp nhận yêu cầu của ông D vì đất ông C1, B, C sử dụng ổn định, lâu dài theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015. Công nhận sự tự nguyện của ông B, ông C mỗi người trả cho ông D 1,5 chỉ vàng 24kra.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Đây là vụ án tranh chấp về quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Hồng Ngự, theo quy định tại khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự, khoản 1 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013.

[2] Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan nên Tòa án vẫn tiến hành xét xử theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[3] Tại phiên tòa, nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, chỉ đòi lại tiền thành quả lao động, không đòi lại đất. Việc nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu nên Hội đồng xét xử chấp nhận theo quy định tại khoản 2 Điều 5, khoản 1 Điều 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[4] Về nội dung tranh chấp: Xét yêu cầu của ông D yêu cầu ông B trả lại thành quả lao động cho ông số tiền 25.000.000đ, ông C trả thành quả lao động cho ông số tiền 35.000.000đ là chưa có căn cứ để chấp nhận, vì:

[5] Vào thời điểm ông D ký lại hợp đồng cho thuê đất với ông H3 vào ngày 26 tháng 02 năm 1989 (không có ký hợp đồng nào với ông C1) thì thời điểm này Luật Đất đai năm 1987 đang có hiệu lực thi hành. Tại Điều 5 có quy định: “Nghiêm cấm việc mua, bán, lấn, chiếm đất đai, phát canh thu tô dưới mọi hình thức, nhận đất được giao mà không sử dụng, sử dụng không đúng mục đích, tự tiện sử dụng đất nông nghiệp, đất có rừng vào mục đích khác, làm huỷ hoại đất đai.”. Như vậy, vào thời điểm này cho dù mua, bán hay thuê, mướn là vi phạm điều cấm của Luật.

[6] Ông D thừa nhận ông C1 đã sử dụng đất từ năm 1982 cho đến khi ông D khởi kiện năm 2014 là đã trên 30 năm. Như vậy, ông C1, ông B, ông C đã được xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu…”. Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015 tương đồng với quy định tại Điều 255 Bộ luật Dân sự năm 1995 và Điều 247 của Bộ luật Dân sự năm 2005. Ông C1, ông B, ông C sử dụng đất ổn định, được Nhà nước công nhận, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Theo quy định tại khoản 5 Điều 26 Luật Đất đai năm 2013 quy định: “Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã được giao theo quy định của Nhà nước cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”. Do đó, không chấp nhận yêu cầu của ông D.

[7] Xét việc ông B và ông C tự nguyện mỗi người trả cho ông D chi phí đi lại 1,5 chỉ vàng 24kra 9999 là không trái quy định của pháp luật nên công nhận.

[8] Đối với việc ông C vay tiền của Ngân hàng chưa có tranh chấp nên Tòa án không xem xét.

[9] Từ nhận định trên, chấp nhận đề nghị của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn và của Kiểm sát viên.

[10] Về án phí: Căn cứ vào các Điều 144 và 147 của Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015; khoản 1 và 3 Điều 14, khoản 1 Điều 27 của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009, Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo Pháp lệnh: Ông D phải chịu tiền án phí dân sự sơ thẩm là 3.000.000đ. Ông D có khó khăn về kinh tế, được Ủy ban nhân dân phường X, thị xã Y, tỉnh An Giang xác nhận, nên chấp nhận cho ông được miễn nộp 50%, còn lại phải chịu 1.500.000đ, trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 4.525.000đ, trả lại cho ông D 3.025.000đ.

[11] Về chi phí tố tụng: Căn cứ các Điều 157, 158, 165 và 166 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, ông D phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản số tiền 4.165.000đ, đã nộp chi xong.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 5, 26, 35, 39, 91, 92, 144, 147, 157, 158, 165, 166, 227, 228 và 244 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 236 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 5 của Luật Đất đai năm 1987; các Điều 26, 179 của Luật Đất đai năm 2013; các Điều 14, 27 và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo của Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009,

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông D, yêu cầu ông B trả lại thành quả lao động cho ông số tiền 25.000.000đ, ông C trả thành quả lao động cho ông số tiền 35.000.000đ.

2. Công nhận sự tự nguyện của đương sự: Ông B và ông C mỗi người trả cho ông D 1,5 (Một phẩy năm) chỉ vàng 24kra 9999.

3. Về án phí: Ông D chịu 1.500.000đ án phí dân sự sơ thẩm, trừ vào tiền tạm ứng án phí đã nộp 4.525.000đ theo lai thu tiền số 020910 ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, được nhận lại số tiền 3.025.000đ (Ba triệu không trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

4. Về chi phí tố tụng khác: Ông D phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản số tiền 4.165.000đ, đã nộp chi xong.

5. Về nghĩa vụ chậm thi hành án: Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự năm 2015.

6. Hướng dẫn thi hành án dân sự: Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án Dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án Dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án Dân sự.

7. Về quyền kháng cáo: Các đương sự có quyền làm đơn kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án (13/7/2018); đối với đương sự không có mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo được tính từ ngày họ nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

405
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 19/2018/DS-ST ngày 13/07/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:19/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thành phố Hồng Ngự - Đồng Tháp
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về