Bản án 189/2018/DS-PT ngày 30/11/2018 về tranh chấp đòi trả tiền

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI ĐÀ NẴNG

BẢN ÁN 189/2018/DS-PT NGÀY 30/11/2018 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TRẢ TIỀN

Vào ngày 30 tháng 11 năm 2018 tại Trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 191/2018/TLPT-DS ngày 14 tháng 9 năm 2018 về: “Tranh chấp về đòi trả tiền”.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2018/DS-ST ngày 16/07/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 191A/2018/QĐ-PT ngày 24 tháng 10 năm 2018, giữa các đương sự:

* Nguyên đơn: Ông Phạm Phú P; cư trú tại: thành phố Đà Nẵng, có đơn xin xét xử vắng mặt.

* Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Phú P là ông Trần Tuấn L, Luật sư của Công ty TNHH hai thành viên Luật H, địa chỉ thành phố Đà Nẵng, có mặt.

* Bị đơn: Bà Đỗ Thị Kim S; cư trú tại: thành phố Đà Nẵng, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn ông Phạm Phú P, trình bày:

- Ông và bà Đỗ Thị Kim S có mối quan hệ quen biết từ khi học phổ thông; vào khoảng cuối năm 2008 đầu năm 2009, bà S nói với ông là có hai suất nhà biệt thự mua với giá ưu đãi tại khu biệt thự P (thuộc quận S, thành phố Đà Nẵng), nếu ông mua thì bà S để lại cho một suất (một căn biệt thự). Tin lời bà S nên ông đồng ý mua một căn (đã xây phần thô, không đổ tầng) tại góc ngã tư, có diện tích đất 230m2, với giá trọn gói là 1,2 tỷ đồng. Để có tiền mua căn biệt thự bà S để lại, ông đã bán một lô đất và giao tiền trực tiếp cũng như chuyển khoản cho bà S nhiều lần từ năm 2009 đến năm 2013 với tổng số tiền là 672.000.000 đồng.

- Sau này vì nghi ngờ có sự gian dối nên ngày 11-5-2016 ông hẹn gặp bà S, rồi cùng lập một giấy xác nhận với nội dung ông đã chuyển khoản và giao tiền mặt cho bà S tổng cộng 672.000.000 đồng. Sau ngày viết giấy ông có gặp bà S hai lần để hỏi về căn biệt thự nhưng bà S nói dự án bị chậm trễ. Tuy nhiên, qua thông tin từ bạn bè thì ông được biết dự án khu biệt thự P đã hoàn thành và đã giao hết cho người mua từ lâu, hiện không còn căn nào nên ông đã nhiều lần yêu cầu bà S hoàn trả lại tiền đã giao nhưng bà đều né tránh.

- Nay ông yêu cầu bà S hoàn trả lại cho ông số tiền bà S đã nhận của ông là 672.000.000 đồng và tiền lãi tính từ ngày 28-9-2010 đối với số tiền 182.000.000 đồng; tiền lãi tính từ ngày 04-10-2010 đối với số tiền 40.000.000 đồng; tiền lãi tính từ ngày 11-5-2016 đối với số tiền 450.000.000 đồng; toàn bộ các khoản tiền nói trên ông yêu cầu tính lãi đến ngày Tòa án xét xử vụ án 16-7-2018, theo mức lãi 9%/ năm là 243.049.500 đồng. Như vậy, tổng cộng tiền gốc và lãi ông yêu cầu bà S trả là 915.049.500 đồng.

Bị đơn bà Đỗ Thị Kim S, trình bày:

- Bà và ông Phạm Phú P quen biết từ khi học phổ thông năm 1991; sau đó, năm 1998 bà Sng định cư tại Bỉ. Năm 2005, bà về nước thì gặp lại ông P và có người bạn nhờ bà giúp đỡ ông P trong lúc đang gặp hoàn cảnh khó khăn nên bà đã giúp; bà cho ông P vay tiền nhiều lần và ông P cũng hoàn trả đàng hoàng. Khoảng tháng 9 năm 2010, ông P đến nhà bà chơi thì đã nghe cuộc điện thoại mà bà trao đổi với một người môi giới bất động sản; theo đó thì bà đã đồng ý mua hai căn biệt thự (dự án chưa triển khai) gần khu P với số tiền phải đặt cọc trước là 222.000.000 đồng/căn. Biết được thông tin trên thì ông P đã đề nghị và bà đã nhượng lại cho ông một căn; sau đó ông P đã hai lần chuyển tiền cho bà 222.000.000 đồng mà bà đã đặt cọc; tuy nhiên sau này do không thực hiện được việc mua hai căn biệt thự nên họ đã trả lại tiền cho bà và bà đã trả lại cho ông Phong.

- Đối với Giấy xác nhận, ghi ngày 11-5-2016, bà trình bày nguồn gốc như sau: Vào lúc 15 giờ ngày 29-4-2016, ông P điện thoại mời bà đến quán cà phê Hiland ở số 74 đường Bạch Đằng; khi gặp tại đây thì ông P nói đang có dự án chung vốn với mấy người bạn mở quán cà phê quy mô lớn ở Hội An nên hỏi vay tiền của bà, nhưng bà không có tiền để cho vay; nên ông P nhờ bà lập một giấy xác nhận mà theo đó thì bà đã nhận của ông P một số tiền để mua nhà, đất; lý do của ông P đưa ra là nếu ông chứng minh được có nguồn tiền hoặc tài sản từ đâu đó thì những người bạn kia sẽ ứng trước cho phần hùn vào quán cà phê của ông P. Nên lúc này ông P đã viết phác thảo ra giấy nội dung số tiền ông đã chuyển cho bà liên quan đến mua căn biệt thự khu P; tuy nhiên, thấy nội dung ông P nhờ có liên quan đến nhiều người nên bà đã không đồng ý và nói với ông P là bà sẽ suy nghĩ giải pháp khác tốt hơn để không ảnh hưởng đến ai khác. Sau đó vài ngày ông P và bà gặp nhau tại quán cà phê Hiland ở khách sạn H đường H, tại đây ông P lấy tờ giấy ra và viết các nội dung của giấy xác nhận trên, lúc đó ông P vừa nói vừa viết nên khi ông viết xong và nói bà ký thì bà đã ký mà không đọc lại. Sau khi ký xong ông P dặn bà là có ai hỏi thì nói có mua giúp cho ông P căn biệt thự tại khu P như nội dung giấy xác nhận nêu trên.

- Nay ông P khởi kiện bà đòi lại tiền nhờ mua căn biệt thự tại khu P là không đúng nên bà không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kiện của ông P.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 44/2018/DS-ST ngày 16/7/2018 của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã quyết định:

Căn cứ khoản 1 Điều 37, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 227, Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166, Điều 688 của Bộ luật dân sự; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện tranh chấp về đòi trả tiền của ông Phạm Phú P đối với bà Đỗ Thị Kim S.

Tuyên xử:

1. Buộc bà Đỗ Thị Kim S phải trả lại cho ông Phạm Phú P số tiền 672.000.00 đồng (Sáu trăm bảy mươi hai triệu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ theo lãi suất thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

2. Không chấp nhận yêu cầu của ông Phạm Phú P đối với bà Đỗ Thị Kim S về đòi số tiền lãi 243.049.500 đồng (Hai trăm bốn mươi ba triệu, không trăm bốn mươi chín ngàn, năm trăm đồng).

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về phần án phí và quyền kháng cáo theo quy định pháp luật.

Ngày 23/7/2018, bà Đỗ Thị Kim S kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Theo nội dung đơn kháng cáo, bà Đỗ Thị Kim S đề nghị TAND Cấp cao tại Đà Nẵng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Phú P về việc đòi lại số tiền 672.000.000đ như Bản án dân sự sơ thẩm đã tuyên xử.

Ngày 31/7/2018, ông Phạm Phú P kháng cáo một phần Bản án dân sự sơ thẩm đề nghị chấp nhận yêu cầu của ông về đòi lãi 243.049.500 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, trong phần tranh luận người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Ông Phạm Phú P là ông Trần Tuấn L chỉ yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện, buộc bà Đỗ Thị Kim S phải trả tiền lãi của khoản nợ 672.000.000đ (Sáu trăm bảy hai triệu đồng) tính từ ngày mà ông P nộp đơn khởi kiện (ngày 20/7/2016) với mức lãi suất 9%/năm cho đến ngày xét xử phúc thẩm.

Phát biểu của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa: Sau khi phân tích nội dung vụ án, Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 357, Điều 446 và Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015 chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông Phạm Phú P. Buộc bà Đỗ Thị Kim S phải trả lãi suất do trả chậm đối với số tiền 672.000.000đ (Sáu trăm bảy hai triệu đồng) kể từ ngày ông P có đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra và kết quả tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy:

{1}. Đối với kháng cáo của bà Đỗ Thị Kim S:

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án cho thấy: Do có quen biết bạn bè với nhau, vào năm 2009, ông Phạm Phú P có nhờ bà Đỗ Thị Kim S mua hộ một căn biệt thự tại Khu biệt thự P thuộc quận S, thành phố Đà Nẵng. Theo ông P khai từ ngày 28/9/2010 đến ngày 11/5/2016 đã chuyển cho bà S tổng cộng số tiền 672.000.000đ. Còn bà S khai chỉ thừa nhận có 02 lần nhận tiền, số tiền là 222.000.000đ. Nhưng sau khi không mua được căn biệt thự thì đã trả tiền lại cho ông P, lời khai của bà S cũng không cung cấp tài liệu, chứng cứ gì về việc đã trả lại tiền cho ông P.

Như vậy, việc ông P nhờ bà S mua giúp căn biệt thự như đã nêu trên là có thật. Tuy nhiên, hai bên trình bày không thống nhất về số tiền ông P đã chuyển cho bà S là bao nhiêu? Bà S đã nhận từ ông P bao nhiêu? Xem xét tài liệu đề ngày 29/4/2016 do bà S chụp lại và cung cấp cho Tòa án, cũng như tài liệu giấy xác nhận ngày 11/5/2016 do ông P giao nộp thì bà S đều thừa nhận chữ ký trên các tài liệu nói trên là của bà S. Ông P cũng thừa nhận tài liệu do bà S chụp và cung cấp cũng là chữ ký của mình. Hai bên đương sự đều thừa nhận những tài liệu do phía bên kia cũng cấp thì chứng cứ này không cần phải chứng minh theo quy định tại Điều 92 Bộ luật Tố tụng dân sự. Việc bà S cho rằng việc bà ký vào giấy xác nhận đề ngày 11/5/2016 là nhằm để giúp cho ông P chứng minh có tài sản để ông P góp vốn làm ăn chung với người khác, chứ thật sự ông P không giao số tiền 672.000.000đ cho bà S. Xét thấy lời trình bày của bà S là không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh, xem xét Giấy xác nhận, ghi ngày 11-5- 2016 thì bà S đã xác định là chữ ký của mình, nội dung Giấy chứng nhận cho thấy bà S đã xác nhận nhiều lần nhận tiền của ông P để mua căn biệt thự cho ông P, nên Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá chứng cứ nêu trên và buộc bà S phải trả lại số tiền 672.000.000đ cho ông P là có căn cứ, đúng pháp luật. Do vậy cần bác kháng cáo của bà Đỗ Thị Kim S.

{2}. Xem xét kháng cáo của ông Phạm Phú P về khoản tiền lãi 243.049.500đ phát sinh từ khoản tiền 672.000.000đ. Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng: Như đã phân tích ở trên, việc ông P đã chuyển 672.000.000đ cho bà S là để mua giúp tài sản căn biệt thự. Không phải là khoản tiền do bà S vay mượn hay lừa đảo để chiếm đoạt. Khi giao dịch hai bên cũng không thỏa thuận về lãi suất, do vậy trong khoản thời gian ông P chưa đòi lại tiền thì khoản tiền này không phát sinh tiền lãi.

Nhưng vào tháng 5/2016 sau nhiều lần ông P đòi tiền thì bà S không trả, ông P đã có đơn gửi đến yêu cầu cơ quan Công an thành phố Đà Nẵng tố cáo bà S về hành vi lừa đảo. Cơ quan công an xác định đây chỉ là quan hệ dân sự nên hướng dẫn ông P khởi kiện đến Tòa án để giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 20/7/2016 ông P đã nộp đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 305; Khoản 4 Điều 474 Bộ luật Dân sự năm 2005, cũng như quy định tại Khoản 4, Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 thì sau thời điểm ông P phát hiện bà S không mua căn biệt thự như đã hứa hẹn và có đơn khởi kiện đòi lại số tiền 672.000.000đ nhưng bà S không trả thì số tiền này phải được tính lãi chậm trả, kể từ thời điểm ông P đòi lại. Theo lời trình bày của ông P sau khi phát hiện bà S không mua căn biệt thự như đã hứa hẹn thì ông P đã nhiều lần đòi tiền nhưng không được. Nhưng qua xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì chỉ có lời khai của ông P và một số bản phô tô biên bản làm việc tại cơ quan Công an thành phố Đà Nẵng, không đủ cơ sở xác định được thời điểm ông P đòi bà S trả tiền, do vậy Hội đồng xét xử chỉ chấp nhận thời điểm ông P đòi lại tiền là ngày Tòa án cấp sơ thẩm nhận đơn khởi kiện của ông P, (ngày 20/7/2016). Vì vậy, chỉ xác định thời gian ông P gửi đơn khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết để xác định thời điểm được tính lãi theo yêu cầu của ông P kể từ ngày 20/7/2016 cho đến ngày xét xử phúc thẩm (30/11/2018) là 02 năm 04 tháng 10 ngày. Đối với mức lãi suất theo yêu cầu của ông P 9% /năm là không vượt quá mức lãi suất do pháp luật quy định nên cần chấp nhận. Do Tòa án cấp sơ thẩm đã đánh giá, nhận dịnh và áp dụng pháp luật không đúng, làm ảnh hưởng quyền và lợi ích hợp pháp đối với ông P nên Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của nguyên đơn, sửa lại Bản án sơ thẩm đối vói phần lãi suất chậm trả.

Từ sự phân tích nêu trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận yêu cầu tính lãi chậm trả của ông P tương ứng với thời gian từ ngày 20/7/2016 đến ngày 30/11/2018 (ngày xét xử phúc thẩm) số tiền lãi bà S phải trả cho ông P là: 142.800.000đ (672.000.000đ x 9%/năm) x 02 năm 04 tháng 10 ngày).

Như vậy, tổng cộng buộc bà S phải trả cho ông P số tiền 814.800.000đ (Tám trăm mười bốn triệu đồng, trong đó tiền gốc: 672.000.000đ; Tiền lãi: 142.800.000đ).

Về án phí dân sự sơ thẩm, theo quy định tại Khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án, bà Đỗ Thị Kim S phải chịu phần án phí tương ứng phần yêu cầu của ông P mà được Tòa án chấp nhận, ông P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với phần Tòa án không chấp nhận, do vậy cần sửa lại phần án phí dân sự sơ thẩm như sau: Bà Đỗ Thị Kim S phải chịu 36.420.000đ (Ba mươi sáu triệu bốn trăm hai mươi nghìn đồng), ông P phải chịu 5.012.475đ (làm tròn 5.012.000đ (Năm triệu không trăm mười hai nghìn đồng). Ông P đã nộp 24.512.000đ (Hai mươi bốn triệu năm trăm mười hai nghìn đồng) tại các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: 000880 ngày 03/8/2016 và biên lai số: 000951 ngày 22/11/2016 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, ông P được hoàn trả lại số tiền 19.500.000đ (Mười chín triệu năm trăm nghìn đồng).

Về án phí dân sự phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo của bà Đỗ Thị Kim S, nên bà S phải chịu 300.000đ án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ nêu trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Khoản 2 Điều 308, 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự.

Bác kháng cáo của bà Đỗ Thị Kim S về việc yêu cầu Tòa án không chấp nhận trả khoản tiền 672.000.000đ (Sáu trăm bảy hai triệu đồng) cho ông Phạm Phú P. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện và kháng cáo của ông Phạm Phú P về khoản tiền lãi đối với số tiền 672.000.000đ (Sáu trăm bảy hai triệu đồng), lãi suất 9%/năm, thời gian tính từ ngày 20/7/2016 đến ngày xét xử phúc thẩm.

Áp dụng: Điều 166; Điều 357; Khoản 4, Điều 466; Khoản 2, Điều 468; Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Xử buộc bà Đỗ Thị Kim S phải trả cho ông Phạm Phú P số tiền 672.000.000đ (Sáu trăm bảy hai triệu đồng) và khoản tiền lãi phát sinh từ ngày 20/7/2016 đến ngày30/11/2018 số tiền 142.800.000đ (Một trăm bốn hai triệu tám trăm nghìn đồng). Tổng cộng: gốc và lãi là 814.800.000đ (Tám trăm mười bốn triệu tám trăm nghìn đồng).

Về án phí dân sự sơ thẩm: Áp dụng Khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án. Bà Đỗ Thị Kim S phải chịu 36.420.000đ (Ba mươi sáu triệu bốn trăm hai mươi nghìn đồng), ông P phải chịu 5.012.475đ (làm tròn 5.012.000đ (Năm triệu không trăm mười hai nghìn đồng). Ông P đã nộp 24.512.000đ (Hai mươi bốn triệu năm trăm mười hai nghìn đồng) tại các Biên lai thu tiền tạm ứng án phí số: 000880 ngày 03/8/2016 và biên lai số: 000951 ngày 22/11/2016 của Cục thi hành án dân sự thành phố Đà Nẵng, ông P được hoàn trả lại số tiền 19.500.000đ (Mười chín triệu năm trăm nghìn đồng).

Về án phí dân sự phúc thẩm: Áp dụng: Điều 29, Nghị quyết 326/NQUBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.

Bà Đỗ Thị Kim S phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi đối với số tiền chậm thực hiện nghĩa vụ theo lãi suất thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

486
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 189/2018/DS-PT ngày 30/11/2018 về tranh chấp đòi trả tiền

Số hiệu:189/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/11/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về