Bản án 18/2019/DS-PT ngày 31/05/2019 về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

BẢN ÁN 18/2019/DS-PT NGÀY 31/05/2019 VỀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG

Ngày 31 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở, Toà án nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế mở phiên toà xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 02/2019/TLPT-DS ngày 05 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Do nguyên đơn là ông Trần L kháng cáo đối với bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/DS-ST ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 29/2019/QĐPT-DS ngày 26 tháng 02 năm 2019, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Trần L, sinh năm 1953. Nơi cư trú: thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1947. Nơi cư trú: thôn T, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt (theo giấy ủy quyền ngày 15 tháng 10 năm 2018).

- Bị đơn: Công ty C, địa chỉ: thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Cao Xuân T - Giám đốc Công ty. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Cao Xuân T:

Ông Hà Cảnh B, sinh năm 1968, Phó Giám đốc Công ty. Địa chỉ: tổ 4, phường H, thị xã HT, tỉnh Thừa Thiên Huế (theo giấy ủy quyền ngày 16 tháng 5 năm 2019).

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

+ Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1953. Nơi cư trú: thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị S:

Ông Nguyễn Văn D, sinh năm 1947. Nơi cư trú: thôn T, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt (theo giấy ủy quyền ngày 15 tháng 10 năm 2018).

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị S: Luật sư Trần Nhật Nam - Luật sư ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế. Có mặt.

+ Công ty Cổ phần xây dựng giao thông T, địa chỉ: Lô 77 đường P, phường V, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn Đăng Bảo - Tổng Giám đốc Công ty. Vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Đăng Bảo: Ông Võ Văn H, địa chỉ: Lô 77 đường P, phường V, thành phố H, tỉnh Thừa Thiên Huế (theo văn bản ủy quyền số 34/UQ-CT ngày 11 tháng 3 năm 2019). Có đơn xin xét xử vắng mặt.

- Người kháng cáo: Ông Trần L, có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của các bên đương sự trong quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

- Tại đơn khởi kiện đề ngày 03/5/2017, đơn xin thay đổi yêu cầu khởi kiện ngày 14/9/2018, các tài liệu chứng cứ trong hồ sơ vụ án và lời khai tại phiên tòa, nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày như sau:

Từ giữa năm 2014, Công ty C tiến hành khai thác đá tại mỏ đá Khe Diều thuộc thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế. Quá trình khai thác đá, do chấn động của việc nổ mìn và đá văng đã làm cho ngôi nhà của ông L bị rạn nứt, 02 ngôi mộ của bố mẹ ông L bị hư hỏng, tiếng động nổ mìn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bà Nguyễn Thị S (vợ ông L). Do đó, ông L yêu cầu Tòa án buộc Công ty C phải bồi thường thiệt hại cho ông L gồm: Bồi thường thiệt hại do hư hỏng đối với ngôi nhà số tiền 193.800.000 đồng; hai ngôi mộ của bố mẹ ông L là cụ Trần Y D và cụ Nguyễn Thị C số tiền 41.950.000 đồng; bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Nguyễn Thị S số tiền 40.000.000 đồng. Tổng cộng 275.750.000 đồng.

Sau đó, phía Công ty C đã hỗ trợ số tiền 25.000.000 đồng cho ông L để sửa chữa lại hai ngôi mộ của cha, mẹ ông L nên ông L đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với 02 ngôi mộ trên. Tuy nhiên, đến ngày 14/9/2018, ông Trần L có đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết buộc Công ty C phải bồi thường thiệt hại đối với 02 ngôi mộ trên với tổng số tiền 7.000.000 đồng, trong đó: 2.000.000 đồng tiền tu sửa giao cù và 5.000.000 đồng tiền tạ lăng sau khi tu sửa.

Vì vậy, tổng các khoản thiệt hại mà ông Trần L yêu cầu Công ty C bồi thường là 240.800.000 đồng, trong đó: Thiệt hại đối với ngôi nhà là 193.800.000 đồng; thiệt hại đối với 02 ngôi mộ là 7.000.000 đồng; bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Nguyễn Thị S 40.000.000 đồng.

- Phía bị đơn là Công ty C trình bày:

Công ty bắt đầu hoạt động khai thác đá tại mỏ đá D, thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2014. Khi nổ mìn khai thác đá, công ty đã thực hiện đầy đủ các quy trình theo đúng quy định của pháp luật và quy định của Uỷ ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã cấp phép cho công ty và thực hiện đầy đủ các quy trình, quy chuẩn QC:02/BCT-2008 của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, phía ông Trần L đã có đơn khiếu nại và hành vi cản trở hoạt động của công ty nên Công ty đã hỗ trợ cho gia đình ông L 02 lần với số tiền 56.000.000 đồng, trong đó có 24.000.000 đồng sữa chữa lăng mộ cha mẹ ông L.

Sau đó, Công ty đã mời Công ty Công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ là đơn vị đo chấn động do Sở Công Thương tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì và các ban ngành tham gia đã dùng thiết bị máy BLASTMATE III để xác định chấn động do nổ mìn và khoảng cách nhà dân và công trình gần nhất (bằng máy định vị JPS). Theo kết luận của Hội đồng giám sát đo chấn động nổ mìn bằng thiết bị máy BLASTMATE III và máy định vị JPS đã xác định nhà ông Trần L cách vị trí nổ mìn là 630 mét, căn cứ vào các quy định của việc nổ mìn thì ngôi nhà, hai ngôi mộ và vợ ông Trần L không bị ảnh hưởng gì. Do đó, yêu cầu khởi kiện bồi thường thiệt hại của ông Trần L là không có cơ sở, Công ty không chấp nhận.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Công ty T trình bày: Công ty được nhà nước cho thuê đất và khai thác mỏ đá D tại xã L. Do việc khai thác đá mỏ D không hiệu quả nên Công ty đã chuyển giao toàn bộ quyền khai thác, sản xuất kinh doanh cho Công ty C từ năm 2014 cho đến nay, Công ty C chịu 100% trách nhiệm liên quan về vấn đề lãi, lỗ và các rủi ro phát sinh. Công ty không còn tham gia bất kỳ hoạt động nào liên quan đến việc khai thác đá tại D nên không có trách nhiệm gì trong vụ án này.

- Đại diện Ủy ban nhân dân xã LT và Ủy ban nhân dân huyện PL cho biết: Nhà ông Trần L ở khu vực đông dân cư, cách khu vực khai thác đá mỏ Diều 01 cánh đồng, khoảng cách 630 mét. Ngoài nhà của ông L thì còn có nhiều nhà của các hộ dân khác cũng ở gần khu vực khai thác mỏ đá nhưng đều không có ý kiến gì đối với việc khai thác đá của Công ty C. Hoạt động của Công ty C đảm bảo, chưa có vi phạm gì, người dân và chính quyền địa phương không có ý kiến gì. Trước đây, ông Trần L nhiều lần có hành vi cản trở hoạt động khai thác của Công ty C, Ủy ban nhân dân xã và huyện đều đã làm việc, hòa giải nên phía Công ty C đã hỗ trợ cho gia đình ông Trần L 02 lần với số tiền 56.000.000 đồng, ông L cam kết sẽ không thắc mắc khiếu nại gì, nhưng sau đó ông Trần L vẫn tiếp tục có nhiều hành vi cản trở việc khai thác đá và khởi kiện Công ty C ra Tòa án.

Ngày 12/7/2018, Hội đồng định giá đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và định giá thiệt hại ngôi nhà của ông Trần L như sau: Nhà của ông Trần L: Loại nhà cấp 4 (dài 7 m, rộng 6,9 m) được xây dựng năm 1992, chi phí xây dựng nhà mới (dài 7,5 m, rộng 7,4 m): Diện tích 55,5 m2 x 2.850.000 đồng = 158.175.000 đồng. Chi phí khắc phục, sửa chữa các vết nứt của ngôi nhà: 13.461.902 đồng. Đối với 02 ngôi mộ không phát hiện có hư hỏng.

Ngày 09/10/2018, do ông Trần L có đơn yêu cầu thay đổi phần bồi thường đối với phần lăng mộ nên Hội đồng định giá đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ và xác định trên phần giao cù mộ bà Nguyễn Thị C có bị gãy hỏng. Hội đồng định giá về thiệt hại đối với giao cù như sau: Công đục tháo dỡ giao cù: 115.000 đồng; vật liệu, công đúc gắn giao cù mới: 1.034.000 đồng. Tổng cộng chi phí khắc phục thiệt hại đối với phần dao cù là 1.149.700 đồng.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/DS - ST ngày 19/11/2018, Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế đã quyết định: Căn cứ khoản 6 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 147, Điều 149 và Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự. Áp dụng Điều 584, Điều 585 của Bộ luật dân sự 2015; tuyên xử:

Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty C bồi thường cho ông Trần L số tiền 240.800.000 đồng, gồm các khoản bồi thường thiệt hại đối với ngôi nhà số tiền 193.800.000 đồng; bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Nguyễn Thị S số tiền 40.000.000 đồng; bồi thường thiệt hại đối với 02 ngôi mộ là 7.000.000 đồng.

Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.

Ngày 29/11/2018, nguyên đơn là ông Trần L có đơn kháng cáo đối với bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/DS - ST ngày 19/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế với lý do: Không đồng ý với quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm, yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xét xử lại vụ án theo quy định của pháp luật, buộc Công ty C phải bồi thường số tiền 240.800.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Văn D vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và nội dung kháng cáo. Người đại diện theo ủy quyền cho Công ty C vẫn giữ nguyên quan điểm, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị S đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm với lý do: ông Hà Cảnh B không đủ tư cách tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/11/2018 vì giấy ủy quyền do ông Phạm Thế P ký ngày 12/11/2018, nhưng đến ngày 14/11/2018 ông Cao Xuân T là người đại diện theo pháp luật mới của Công ty C; bà S là người bị khuyết tật nhưng không có người giám hộ; phải xác định bà S là đồng nguyên đơn với ông L vì nhà là tài sản chung của vợ chồng bà S ông L.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia phiên tòa phát biểu:

- Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, việc chấp hành pháp luật của những người tham gia tố tụng là đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự và không có sai sót gì để kiến nghị khắc phục. Việc kháng cáo đúng thời hạn và chủ thể.

- Đối với nội dung của bản án sơ thẩm:

Đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm với lý do: ông Hà Cảnh B không đủ tư cách tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/11/2018 vì giấy ủy quyền do ông Phạm Thế Pg ký ngày 12/11/2018, nhưng đến ngày 14/11/2018 ông Cao Xuân Tn là người đại diện theo pháp luật mới của Công ty C; cấp sơ thẩm lấy kết quả đo chấn động ngày 15/10/2015 làm căn cứ giải quyết vụ án trong khi vụ án thụ lý ngày 14/7/2017 là không đúng; cần giám định tổn thất tinh thần của bà S để có căn cứ giải quyết vụ án.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra và kết quả tranh luận tại phiên tòa phúc thẩm. Trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của nguyên đơn, bị đơn và những người tham gia tố tụng khác; quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa; Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

- Đơn kháng cáo của nguyên đơn đúng chủ thể và có nội dung phù hợp theo quy định tại Điều 271 và Điều 272 của Bộ luật tố tụng dân sự; còn trong thời hạn kháng cáo và đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 273 và khoản 2 Điều 276 của Bộ luật tố tụng dân sự nên được chấp nhận để đưa ra xem xét giải quyết, xét xử phúc thẩm.

- Từ ngày 14/11/2018 ông Cao Xuân T là người đại diện theo pháp luật của Công ty C. Ông Hà Cảnh B tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/11/2018 theo giấy ủy quyền do ông Phạm Thế P là người đại diện theo pháp luật cũ của Công ty C ký ngày 12/11/2018 khi chưa có ý kiến của ông Cao Xuân Tn là không đúng. Tuy nhiên, tại văn bản trình bày ý kiến ngày 16/5/2019 ông Cao Xuân Tn hoàn toàn đồng ý việc ông Hà Cảnh B tham gia tố tụng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 19/11/2018 và đồng ý với phán quyết của Tòa án cấp sơ thẩm. Do đó, không có cơ sở để chấp nhận ý kiến của người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị S cũng như của Kiểm sát viên tại phiên tòa.

- Tuy ông L bà S là vợ chồng, nhưng chỉ mình ông L là người làm đơn khởi kiện đến Tòa án nên ông L là người tham gia tố tụng với tư cách nguyên đơn theo quy định tại khoản 2 Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự. Đối với bà Nguyễn Thị S, Tòa án cấp sơ thẩm xác định là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là đúng theo quy định tại khoản 4 Điều 68 Bộ Luật tố tụng dân sự.

- Tại phiên tòa, ông L là chồng bà S, ông D là người được bà S ủy quyền, đều đã khẳng định bà S hoàn toàn minh mẫn, nghe và nhận biết được tất cả những vấn đề liên quan vụ án. Bà S chỉ phát âm không rõ nên ông D là người được ủy quyền trình bày những nội dung liên quan vụ án theo ý chí của bà S. Do vậy, ý kiến của kiểm sát viên tại phiên tòa và người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà Nguyễn Thị S cho rằng bà S phải có người giám hộ và trợ giúp viên pháp lý tại cấp sơ thẩm là không cần thiết. Ngoài ra, không có tài liệu, chứng cứ gì chứng minh bà S cần phải có người giám hộ. Hơn nữa, bà S không có kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị về vấn đề này.

Do vậy, không có cơ sở để chấp nhận ý kiến của luật sư và quan điểm của kiểm sát viên tại phiên tòa để hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm.

- Về đơn đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của ông Trần L yêu cầu cấm Công ty C tiếp tục nổ mìn để khai thác đá: tại phiên tòa hôm nay, ông Trần L và đại diện theo ủy quyền của ông L là ông Nguyễn Văn D tự nguyện rút toàn bộ nội dung đơn, nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn thấy rằng:

[2.1] Xét điều kiện hoạt động khai thác đá của Công ty C: Ngày 13/9/2014, Công ty T và Công ty C ký kết hợp đồng kinh tế số 01/2014/HĐKT về việc liên doanh đầu tư hợp tác khai thác, sản xuất đá xây dựng tại mỏ đá Mỏ Diều, thuộc thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ngày 16/3/2015, Công ty C được Phòng cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự để làm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện là sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để khai thác đá tại D. Đến ngày 23/3/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế cấp giấy phép số 15/GP-UBND cho phép Công ty C được sử dụng vật liệu nổ công nghiệp để nổ mìn thi công khai thác đá làm vật liệu xây dựng tại mỏ đá Mỏ Diều.

Như vậy, hoạt động khai thác đá của Công ty C tại mỏ đá Mỏ D thuộc thôn TC, xã LT, huyện PL, tỉnh Thừa Thiên Huế là hợp pháp.

[2.2] Phía nguyên đơn là ông Trần L cho rằng, quá trình khai thác đá, Công ty C đã nổ mìn gây chấn động làm ngôi nhà của ông bị rạn nứt, 02 ngôi mộ của bố mẹ ông bị hư hỏng và tiếng động nổ mìn làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tinh thần của bà Nguyễn Thị S (vợ ông L), nên Công ty C phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông, cụ thể:

- Đối với thiệt hại về ngôi nhà bị rạn nứt với số tiền 193.800.000 đồng:

Nhà của ông Trần L bị rạn nứt từ trước tháng 10 năm 2015. Do có khiếu nại của ông Trần L, các cơ quan có thẩm quyền đã tiến hành lập hội đồng để đo chấn động nổ tại Mỏ đá KD ngày 15/10/2015. Tòa án cấp sơ thẩm sử dụng kết quả đo chấn động nổ tại Mỏ đá KD ngày 15/10/2015 để làm căn cứ giải quyết vụ án là có căn cứ, đúng pháp luật.

Tại biên bản đo chấn động vụ nổ tại mỏ đá Mỏ Diều ngày 15/10/2015 với đại diện các cơ quan có liên quan gồm: Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế, Ban quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, Ủy ban nhân dân huyện Phú Lộc, Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, Công an huyện Phú Lộc, Ủy ban nhân dân xã LT, Công ty C đã cùng nhau tiến hành giám sát việc đo chấn động tại khu vực nổ mìn của đơn vị đo chấn động là Công ty công nghiệp hóa chất mỏ Trung Trung Bộ. Vị trí nổ mìn tại thời điểm khảo sát: cách biên mỏ về hướng Tây khoảng 100 m; vị trí đặt máy đo tại bờ ruộng cách bãi mìn 300 m, cách vị trí nổ mìn có nhà dân gần nhất (nhà ông L) 630 m; khối lượng thuốc nổ 634 kg; phương pháp nổ mình vi sai kíp điện. Trước và sau khi nổ mìn đoàn đã kiểm tra thử máy và máy hoạt động tốt.

Kết quả đo sóng chấn động bằng máy Blastmate III: Máy không nhận được tín hiệu do ảnh hưởng nổ mìn quá thấp (từ 2Hz đến 250Hz thì máy mới nhận được tín hiệu đo), so sánh với QCVN 02:2008/BCT cho thấy quy mô và phương pháp nổ của bãi mìn đều đảm bảo an toàn cho các công trình gần nhất cần bảo vệ và không có tác động đến sức khỏe của con người.

Như vậy, không có cơ sở xác định việc nổ mìn khai thác đá của Công ty C làm rạn nứt, hư hỏng nhà của ông L. Cho nên, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông L về việc buộc Công ty C bồi thường thiệt hại về ngôi nhà là có căn cứ.

- Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại 02 ngôi mộ của cụ ông Trần Y D và cụ bà Nguyễn Thị C (cha mẹ ông L), thấy rằng: Ngày 12/7/2018, Hội đồng định giá và Tòa án đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ thì 02 ngôi mộ này đều không có hư hỏng nên ông L đã rút yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với 02 ngôi mộ trên. Đến ngày 14/9/2018, ông L cho rằng Công ty C đã nổ mìn làm hư hỏng bộ phận dao cù của ngôi mộ cụ Nguyễn Thị Cương nên đã khởi kiện bổ sung yêu cầu Công ty C phải bồi thường thiệt hại với số tiền 7.000.000 đồng; qua kết quả định giá xác định thiệt hại thực tế là 1.149.700 đồng. Tuy nhiên, ông Trần L không có tài liệu, chứng cứ chứng minh vết nứt gãy của dao cù trên phần mộ bà Nguyễn Thị C do việc khai thác đá của Công ty C gây ra; đồng thời Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét, thẩm định tại chỗ xác định: Hiện trạng phần tiếp giáp với ngôi mộ cụ bà Nguyễn Thị Cg có hàng rào B40 và khu vực trồng keo ngăn cách với khu vực nổ mìn của Công ty C và không có đá từ khu vực nổ mìn rơi xuống xung quanh ngôi mộ. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường thiệt hại ngôi mộ cụ bà Nguyễn Thị C là có cơ sở.

- Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tổn thất tinh thần của bà Nguyễn Thị S (vợ ông L) với số tiền 40.000.000 đồng, thấy rằng: Theo các giấy tờ điều trị của bà S thì bà S đã nhiều lần nhập viện để điều trị và phẫu thuật u dây thần kinh số 8 (u dây thần kinh thính giác), cụ thể: Giấy ra viện ngày 29/8/2007, ngày 16/01/2009 và ngày 13/6/2009; giấy chứng nhận phẫu thuật ngày 21/8/2007 và ngày 13/6/2009. Quá trình giải quyết vụ án, ông L cũng thừa nhận bà S bị bệnh này trước khi Công ty C hoạt động khai thác đá. Do đó, không có căn cứ để chứng minh bệnh lý của bà Nguyễn Thị S là do tiếng động nổ mìn khai thác đá của Công ty C trực tiếp gây ra. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu bồi thường tổn thất tinh thần là đúng pháp luật.

[3] Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản: Do yêu cầu khởi kiện không được chấp nhận nên Tòa án cấp sơ thẩm tuyên buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm và chi phí xem xét thẩm định, định giá tài sản là đúng quy định của pháp luật.

Như vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông Trần L, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

[4] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên người kháng cáo phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Xử: Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn là ông Trần L, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

- Áp dụng khoản 6 Điều 26, khoản 1 Điều 35, Điều 147, Điều 149 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 584, Điều 585 của Bộ luật dân sự 2015;

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc buộc Công ty C bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho ông Trần L các khoản thiệt hại gồm: thiệt hại đối với ngôi nhà 193.800.000 đồng; thiệt hại đối với 02 ngôi mộ 7.000.000 đồng; bồi thường tổn thất tinh thần cho bà Nguyễn Thị S 40.000.000 đồng. Tổng cộng 240.800.000 đồng (Hai trăm bốn mươi triệu tám trăm nghìn đồng).

2. Về án phí, lệ phí: Áp dụng Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Buộc ông Trần L phải chịu 10.040.000 đồng. Ông L đã nộp 6.443.750 đồng, còn phải nộp thêm số tiền 3.596.250 đồng.

- Về lệ phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản: Buộc ông Trần L phải chịu 2.000.000 đồng. Ông L đã nộp đủ.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Buộc ông Trần L phải chịu 300.000 đồng. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

673
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 18/2019/DS-PT ngày 31/05/2019 về yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Số hiệu:18/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thừa Thiên Huế
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 31/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về