TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG
BẢN ÁN 17/2020/DS-PT NGÀY 12/05/2020 VỀ TRANH CHẤP LỐI ĐI CHUNG
Ngày 12 tháng 5 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 11/2020/TLPT-DS ngày 10 tháng 02 năm 2020 về “Tranh chấp lối đi chung” Do có kháng cáo của nguyên đơn Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 27/2020/QĐ-PT ngày 28-4-2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ
Địa chỉ: Thôn T, xã B, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Đặng Quốc A (giấy ủy quyền ngày 08/5/2020)
Địa chỉ: Xã Q, huyện T, tỉnh Đồng Nai – có mặt.
2. Bị đơn: Anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H1
Địa chỉ: Thôn T, xã B, huyện Đ, tỉnh Đắk Nông – có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
1. Theo đơn khởi kiện, quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, nguyên đơn anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ trình bày:
Cuối năm 2017, gia đình tôi nhận chuyển nhượng của vợ chồng anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H 01ha rẫy cà phê. Do vị trí đất mua ở trên đỉnh đồi phía sau rẫy của anh H, hai bên thỏa thuận anh H và chị H phải để lại cho gia đình tôi một con đường đi lên rẫy. Việc thỏa thuận thể hiện trong giấy sang nhượng đất rẫy và giấy thỏa thuận về đường đi, trong đó thể hiện một con đường rộng 2,8m, dài từ trên đầu rẫy xuống hết rẫy của anh H, đồng thời anh H và chị H yêu cầu vợ chồng tôi phải cho những hộ có rẫy phía sau là anh Lê Văn T, anh Triệu Văn D và anh Sách Văn L đi cùng. Do có thỏa thuận như vậy, vợ chồng tôi mới đồng ý mua rẫy.
Cuối tháng 01/2019, vợ chồng anh H và chị H múc hố ngăn cản không cho gia đình tôi và các hộ phía sau sử dụng con đường nói trên, gia đình tôi đã yêu cầu Uỷ ban nhân dân xã B giải quyết nhưng không thành. Vì vậy chúng tôi khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc anh H và chị H phải trả lại con đường đi như lúc thỏa thuận mua rẫy. Cụ thể con đường nằm giữa phân đôi rẫy của anh H và chị H với tứ cận như sau:
- Phía Đông (điểm bắt đầu con đường): Giáp đường đi chung của xóm 2,8m;
- Phía Tây (điểm cuối con đường): Giáp đất của anh H, chị H dài 2,8m;
- Phía Nam giáp hàng cà phê của anh H và chị H dài khoảng 180m;
- Phía Bắc giáp hàng cà phê của anh H và chị H dài khoảng 180m.
Quá trình giải quyết vụ án, anh H và chị H có mở một con đường khác giáp bờ biên đất của anh H và chị H để cho chúng tôi và những hộ dân phía sau sử dụng, nhưng do con đường này không thể đi lại, chúng tôi yêu cầu gia đình anh H và chị H phải trả lại con đường cũ giữa rẫy như thỏa thuận ban đầu.
2. Bị đơn anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H trình bày:
Tháng 12 năm 2017, chúng tôi có bán cho vợ chồng anh T, chị Đ 01ha rẫy cà phê và thỏa thuận để một lối đi cho anh T và chị Đ lên rẫy. Do gia đình chưa sắp xếp được vị trí nên tạm thời cho anh T và chị Đ đi nhờ qua lối mòn giữa hai hàng cà phê trong vườn của gia đình (con đường hiện đang tranh chấp).
Thời gian đầu chỉ có gia đình anh T cùng một số hộ dân đi lại nên chưa xảy ra phức tạp gì, sau này có rất nhiều người lạ và bộ đội thường xuyên hành quân đi qua vườn. Việc này gây rất nhiều khó khăn, phiền phức cho gia đình tôi. Hiện nay gia đình có con nhỏ mới sinh cần sự yên tĩnh, ngoài ra việc đi lại bằng xe cày ảnh hưởng rất nhiều đến cà phê của gia đình (gãy cành cà) và thường xuyên bị mất trộm hoa quả (đang được công an huyện Tuy Đức điều tra).
Do những bất tiện và phiền phức như trên, gia đình tôi đã chủ động thuê máy múc, phá 1 hàng cà phê, san ủi mở một con đường khác để anh T cùng các hộ dân phía sau đi lại, nhưng anh T và chị Đ không sử dụng. Anh T cho rằng con đường cũ thì dễ đi, con đường mới mở thì khó đi nên không đi và gây khó khăn cho gia đình tôi.
Tại thời điểm mua bán rẫy, giấy thỏa thuận là gia đình tôi chỉ có nghĩa vụ để đất cho anh T và chị Đ làm đường đi lên rẫy, không thỏa thuận phải mở đường cho anh T và chị Đ, cũng không thỏa thuận bán con đường như anh T, chị Đ trình bày. Vì vậy gia đình tôi không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn yêu cầu trả lại con đường cũ.
Đối với con đường mới mở, gia đình tôi đã thuê máy múc, máy ủi san lấp 04 lần với tổng chi phí khoảng 20.000.000 đồng, gia đình tôi tự nguyện chịu toàn bộ chi phí nói trên, không yêu cầu anh T và các hộ dân đi nhờ phải trả lại tiền.
Tại Kết quả xem xét thẩm định tại chỗ và lồng ghép bản đồ xác định:
* Con đường đi cũ (năm 2015) có diện tích 530,7 m2, có tứ cận:
- Hướng Đông (điểm bắt đầu con đường): Giáp đường đi chung của xóm rộng 2,8m;
- Hướng Tây (điểm cuối con đường): Giáp đất anh H, chị H dài 2,8m;
- Hướng Nam giáp hàng cà phê của anh H và chị H dài khoảng 183,97m;
- Hướng Bắc giáp hàng cà phê của anh H và chị H dài khoảng 183,97m.
Độ dốc cao nhất 25%.
Con đường này nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA-202018 do Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Đức cấp ngày 31/12/2010 mang tên anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H, đất tọa lạc tại tại thôn T, xã B , huyện Đ, tỉnh Đắk Nông.
* Con đường đi mới mở (năm 2019) có diện tích 561m2, có tứ cận:
- Hướng Đông giáp đường liên thôn rộng 4m;
- Hướng Tây giáp đất anh Đinh Đại H rộng 3,9m;
- Hướng Nam giáp đất anh Nguyễn Đức H1 dài 150m;
- Hướng Bắc giáp đất anh Đinh Đại H dài 150m.
Độ dốc cao nhất 25%.
Con đường này có 82,5m2 nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BA-202018 do Uỷ ban nhân dân huyện Tuy Đức cấp ngày 31/12/2010 mang tên anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H, phần còn lại chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng anh H và chị H quản lý sử dụng ổn định, không có tranh chấp.
Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi nghe anh T trình bày đường mới mở khó đi lại do nhỏ hẹp và dốc, anh H, chị H đề nghị Hội đồng xét xử tạm ngừng phiên tòa để thực địa kiểm tra con đường mới mở và thực nghiệm việc cho xe đi lại trên con đường này.
Tại biên bản xác minh thực địa của Hội đồng xét xử ngày 18/11/2019, con đường do anh H, chị H mới mở có độ dốc cao nhất 25%, hiện trạng thực tế tại thời điểm kiểm tra đường bằng phẳng, thông thoáng, không bị cây cối che khuất tầm nhìn. Tại góc cua đường liên thôn, chiều rộng của đường là 4m, góc cua trên đầu rẫy 3,9m, chiều rộng lòng đường trung bình 3,0m và xe máy chở thêm 01 người đi lại bình thường, xe cày đi lại tốt, chiều dài của đường mới mở (150m) ngắn hơn so với chiều dài con đường cũ (183,97m).
Đối với con đường cũ (đang tranh chấp) có độ dốc cao nhất 25%, hiện trạng thực tế tại thời điểm kiểm tra đường không bằng phẳng, góc cua quanh co, gồ ghề, lối đi lại là tận dụng khoảng đất trống giữa hai hàng cà phê, xung quanh bị tán cây cà phê, cây ăn trái và cành cây che khuất tầm nhìn, chỗ hẹp nhất của con đường cũ là 1,5m, chỗ rộng nhất là 2,8m. Trên đường đi thỉnh thoảng có đỗ bê tông để khỏi trơn trợt, xe máy có thể chạy được, xe cày đi lại khó khăn, vướng tán cà phê ở hai bên (cà phê của anh H), chiều dài con đường cũ (183,97m) dài hơn chiều dài con đường mới mở (150m).
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 18/2019/DS-ST ngày 22/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Tuy Đức đã quyết định: Áp dụng khoản 9 Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 163, khoản 2 Điều 164, Điều 169 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 166; Điều 170; Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Ghi nhận việc anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H tự nguyện mở con đường mới cho anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ cùng các hộ dân lân cận đi lại.
Buộc nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí đo đạc tổng cộng là 4.000.000 đồng.
Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo. Ngày 02/12/2019, nguyên đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.
Tại phiên tòa phúc thẩm, đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Đặng Quốc A trình bày: Trong vụ án này, bị đơn đã vi phạm 3 nội dung, cụ thể: Vi phạm thỏa thuận mua bán đất (bởi nếu không có đường đi, nguyên đơn sẽ không mua rẫy), vi phạm về việc sử dụng bất động sản liền kề và tự ý hủy hoại con đường đi chung, trong đó có đường ống tưới nước. Hậu quả là 01 năm nay nguyên đơn không có đường vào rẫy để canh tác, sản xuất, gây thiệt hại lớn đến kinh tế gia đình.
Bên cạnh đó, bản án sơ thẩm đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng về việc xem xét thẩm định và nhận định, đánh giá chứng cứ không toàn diện, khách quan. Bởi, mặc dù giấy mua bán rẫy không thể hiện tứ cận con đường nhưng đã thể hiện chiều dài, chiều rộng, và là con đường đi cụ thể, duy nhất, đã hiện diện tại thời điểm mua bán đất mà từ trước đến nay mọi người vẫn cùng sử dụng.
Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm: Tại thời điểm mua bán rẫy, gia đình bị đơn chỉ thỏa thuận có nghĩa vụ để đất cho anh T và chị Đ làm đường đi lên rẫy, không thỏa thuận phải mở đường cho anh T và chị Đ, cũng không thỏa thuận bán con đường như anh T, chị Đ trình bày.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Nông tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục tố tụng trong việc xét xử vụ án; các bên đương sự thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật; về nội dung: Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ Luật tố tụng dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu lưu trong hồ sơ và kết quả xét hỏi, tranh tụng tại phiên toà, Hội đồng xét xử xét thấy:
[1]. Về tố tụng: Nguyên đơn nộp đơn kháng cáo trong thời hạn luật định, đã đóng tạm ứng án phí đầy đủ, vì vậy, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Nông giải quyết theo thủ tục phúc thẩm là đúng quy định.
[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo của nguyên đơn đối với toàn bộ bản án sơ thẩm, HĐXX xét thấy:
[2.1]. Căn cứ giấy sang nhượng đất và giấy đường đi, anh T, chị Đ cho rằng, năm 2017, khi vợ chồng anh H bán rẫy cho anh T, chị Đ là đã bán luôn con đường đi giữa rẫy của anh H cho anh chị. Do con đường này thuộc quyền sử dụng hợp pháp của anh chị, nên yêu cầu anh H và chị H phải trả lại con đường.
Bị đơn anh H, chị H cho rằng, anh chị chỉ bán rẫy, không bán con đường. Căn cứ giấy sang nhượng đất và giấy đường đi, anh chị chỉ có trách nhiệm chừa lại một phần đất để anh T, chị Đ làm lối đi lên rẫy, không có trách nhiệm phải làm đường để anh T, chị Đ đi qua.
HĐXX xét thấy: Tại Giấy sang nhượng đất (không đề ngày tháng năm) thể hiện: “Tôi Đinh Đại H sang nhượng cho ông bà Vũ Văn T 01ha đất cà phê, gồm có đường đi cả trên lẫn dưới, đường nước tưới từ suối đi lên có 01 cái ao bên sát Hà Hợp”. Tại Giấy đường đi (không đề ngày tháng năm) thể hiện: “Tôi Đinh Đại H có bán cho ông Vũ Văn T 01ha cà phê. Với thỏa thuận đường đi từ trên đến dưới 280m…Ghi nhớ: Có cho ba nhà trên đi cùng…Nếu đi có quét vào cà phê cũng không bắt đền”.
Xét nội dung 02 văn bản nêu trên, thấy: Tại giấy đường đi không thể hiện nội dung anh H chị H bán cho anh T chị Đ con đường đi (đang tranh chấp). Tại giấy sang nhượng đất thể hiện “sang nhượng 01 ha đất cà phê, gồm có đường đi” là không rõ ràng nội dung bán hay không bán.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 404 Bộ luật Dân sự về Giải thích hợp đồng:
“1. Khi hợp đồng có điều khoản không rõ ràng thì việc giải thích điều khoản đó không chỉ dựa vào ngôn từ của hợp đồng mà còn phải căn cứ vào ý chí của các bên được thể hiện trong toàn bộ quá trình trước, tại thời điểm xác lập, thực hiện hợp đồng.
2. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau thì phải giải thích theo nghĩa phù hợp nhất với mục đích, tính chất của hợp đồng.
3. Khi hợp đồng có điều khoản hoặc ngôn từ khó hiểu thì phải được giải thích theo tập quán tại địa điểm giao kết hợp đồng.
4. Các điều khoản trong hợp đồng phải được giải thích trong mối liên hệ với nhau, sao cho ý nghĩa của các điều khoản đó phù hợp với toàn bộ nội dung hợp đồng.
5. Trường hợp có sự mâu thuẫn giữa ý chí chung của các bên với ngôn từ sử dụng trong hợp đồng thì ý chí chung của các bên được dùng để giải thích hợp đồng.
6. Trường hợp bên soạn thảo đưa vào hợp đồng nội dung bất lợi cho bên kia thì khi giải thích hợp đồng phải theo hướng có lợi cho bên kia”.
Như vậy, mặc dù câu chữ không thể hiện rõ ràng, nhưng xét mục đích, nội dung hợp đồng và ý chí các bên, trong vụ án này, việc anh H chị H chỉ bán đất rẫy và thống nhất để lại một phần đất trong vườn của mình làm lối đi cho anh T, chị Đ sử dụng đi lên rẫy (đi nhờ) là phù hợp. Bởi không ai bán con đường đi qua giữa rẫy của mình. Do đó, quan điểm của nguyên đơn về việc bị đơn đã bán con đường tranh chấp cho mình là không có căn cứ.
[2.2]. Do con đường cũ gây nhiều bất tiện trong sinh hoạt, anh H, chị H đã thống nhất mở một con đường mới bên hông rẫy của anh chị để gia đình anh T và các hộ khác đi nhờ. Tuy nhiên, anh T không chấp nhận sử dụng con đường mới mà yêu cầu anh H chị H phải trả lại đúng con đường cũ với lý do đường mới dốc, nhỏ hẹp, không thể đi lại.
Tuy nhiên, căn cứ biên bản xem xét thẩm định và biên bản xem xét thực địa của HĐXX sơ thẩm, thấy: Đối chiếu, so sánh giữa hai con đường thì con đường do anh H, chị H mới mở là bằng phẳng, thông thoáng, thuận tiện, dễ đi lại hơn con đường cũ.
Anh T còn trình bày dù anh H, chị H có đổ nhựa, hay làm bê tông thêm nữa trên con đường mới mở thì anh chị cũng không đi, mà chỉ đi lại trên con đường cũ. Về điều này, HĐXX xét thấy: Tại Điều 254 của Bộ luật dân sự 2015 về quyền về lối đi qua quy định:
“1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc … có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.
Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi…
2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thoả thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên…”.
Xét con đường đang tranh chấp gây nên nhiều phức tạp trong sinh hoạt cũng như việc trông coi, bảo quản tài sản trong vườn nhà anh H và chị H, do đó, việc anh H, chị H mở một con đường khác để các hộ đi nhờ là hoàn toàn phù hợp. Việc anh T nhất định yêu cầu đi lại con đường cũ là không thiện chí, gây bất tiện, phiền hà cho gia đình anh H là chủ sở hữu lối đi chung.
[2.3]. Tại giấy sang nhượng đất rẫy và giấy thỏa thuận đường đi, anh H, chị H thỏa thuận sẽ có trách nhiệm chừa một con đường có chiều rộng 2,8m, chiều dài hết rẫy cho anh T, chị Đ đi lại, tuy nhiên các bên không thỏa thuận cụ thể con đường nói trên nằm tại vị trí cụ thể nào. Vì vậy không có cơ sở để chấp nhận yêu cầu khởi kiện của anh T, chị Đ buộc anh H, chị H phải trả lại lối đi chung là con đường được hình thành năm 2015 giữa vườn cà phê của anh H và chị H.
Từ những phân tích nêu trên, HĐXX xét thấy không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn.
[3]. Về án phí: Do kháng cáo không được chấp nhận, nguyên đơn phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308, Điều 148 của Bộ Luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí và lệ phí tòa án, tuyên xử:
1. Không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
2. Ghi nhận việc anh Đinh Đại H và chị Trần Thị Tuyết H tự nguyện mở con đường mới cho anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ cùng các hộ dân lân cận đi lại trên con đường có diện tích 561m2, với tứ cận:
- Hướng Đông giáp đường liên thôn rộng 4m;
- Hướng Tây giáp đất anh Đinh Đại H rộng 3,9m;
- Hướng Nam giáp đất anh Nguyễn Đức H1 dài 150m;
- Hướng Bắc giáp đất anh Đinh Đại H dài 150m.
3. Về án phí:
3.1. Án phí sơ thẩm: Buộc anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 500.000đ (năm trăm nghìn đồng) đã nộp theo biên lai số 0000713 ngày 21/3/2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
Trả lại cho anh T và chị Đ số tiền 200.000đ (hai trăm nghìn đồng).
3.2. Án phí phúc thẩm: Buộc anh Vũ Văn T và chị Lại Thị Đ phải chịu 300.000đ (ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số 0002649 ngày 02/12/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông.
4. Về chi phí tố tụng: Do yêu cầu không được chấp nhận, nguyên đơn phải chịu toàn bộ chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, chi phí đo đạc là 4.000.000đ, được khấu trừ vào số tiền đã nộp.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 17/2020/DS-PT ngày 12/05/2020 về tranh chấp lối đi chung
Số hiệu: | 17/2020/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Nông |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 12/05/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về