Bản án 17/2019/TCDS-ST ngày 24/05/2019 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản (gia súc thả rông)

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN Đ, TỈNH QUẢNG NAM

BẢN ÁN 17/2019/TCDS-ST NGÀY 24/05/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỞ HỮU TÀI SẢN (GIA SÚC THẢ RÔNG)

Vào các ngày 26 tháng 4 và ngày 24 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Đ, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 42/2017/TLST-TCDS ngày 15 tháng 11 năm 2017 về việc Tranh chấp quyền sở hữu tài sản (gia súc thả rông)theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 01/2019/QĐXXST-DS ngày 27/3/2019 giữa:

- Nguyên đơn: Ông Trần Văn N; trú tại thôn A, xã T, huyện Đ, tỉnh Quảng Nam, có mặt.

- Bị đơn: Ông Lê Xuân H; trú tại thôn A, xã T, huyện Đ, tỉnh Quảng Nam, có mặt.

- Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Nguyễn Thị H; trú tại thôn A, xã T, huyện Đ, tỉnh Quảng Nam, vắng mặt.

- Nhân chứng:

1. Ông Phạm Hùng A, vắng mặt.

2. Ông Hồ Xuân H, vắng mặt.

3. Ông Ngô Văn P, vắng mặt.

4. Ông Lê C, vắng mặt.

Cùng trú tại thôn A, xã T, huyện Đ, tỉnh Quảng Nam.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 06 tháng 10 năm 2017 và tại phiên tòa Ông Trần Văn N trình bày như sau: Nguyên trước đây gia đình của ông có mua của ông Huỳnh T 01 con trâu cái nuôi giống qua nhiều năm và gia đình ông chăn giữ đến tháng 10/2017 có 24 con trâu thả trong rừng thuộc lòng hồ Khe Tân. Trong số trâu đó có 01 con trâu nghé đực được đẻ vào tháng 12 năm 2013 đến tháng 5 năm 2014 ông bắt được con nghé đực và sau đó thả ra. Đến ngày 11 tháng 8 và ngày 12 tháng 8 năm 2017 ông Ngô P phát hiện có 02 con trâu bị mắc bẩy, ông P có điện thoại ông vào xem có phải con trâu của ông N. Khi ông N đi vào rừng có rủ ông Lê Xuân H cùng vào. Đến nơi, ông N đến nhận con trâu cái, ông H đi đến chỗ con trâu đực và ông H nhận con trâu đực là của ông H. Ông N có hỏi ông H “ông nói trâu đực của ông thì nó có xoáy bướm gì” ông H trả lời “trâu ông có 2 xoáy tiền và 2 xoáy hậu”, do ông H trả lời thiếu xoáy “trật trìa” nên ông N không đồng ý để ông H dắt trâu và ông N nói với ông H giữ nguyên con trâu đang mắc bẫy để nhờ chính quyền địa phương can thiệp nhưng 3 ngày sau ông H tự ý dắt con trâu đi nơi khác. Ông N khẳng định ông H không có con trâu đực, con trâu này là của gia đình ông vì chỉ nó mới có cái xoáy “trật trìa” có nhiều người trong làng biết như ông Phạm Hùng A, ông Hồ Xuân H, ông Ngô Văn P, ông Hồ Xuân T và ông Lê C.

Trước đây do ông Lê Xuân H bắt con trâu đực về chăn giữ nên ông N khởi kiện yêu cầu Tòa án nhân dân huyện Đ buộc ông Lê Xuân H trả lại con trâu đực cho ông. Nhưng vào tháng11/2017 giữa ông và ông H đã thỏa thuận ông H giao con trâu cho ông N giữ chờ Toà án xét xử, nên nay ông N đề nghị Tòa án xác định con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông.

Tại bản tự khai ngày 30 tháng 11 năm 2017, các biên bản hòa giải và tại phiên tòa, bị đơn ông Lê Xuân H trình bày: Ông có nuôi trâu thả trong lòng hồ khe Tân cách đây 5 đến 6 năm còn lại một con trâu nghé đã thành trâu nái có đẻ ra một con trâu đực, ông thường xuyên thăm ngó trâu, có lần đi cùng với anh T ông chỉ cho ông T biết con trâu đực. Ông T có nói với ông là con trâu đực bắt về bán đi để lớn lên nó đi bậy mất. Sau đó không bao lâu thì bị các ông C, ông T ông Đ đuổi con trâu đực đi vì trâu phá keo lá tràm của mấy ổng. Ông đi tìm mãi sau 01 năm ông tìm được và có cho nó ăn cỏ và chăm sóc nó và có quay phim chụp hình nó đến sáng ngày 12 tháng 8 năm 2017 thì ông N nói với ông “Có gài bẫy bắt được một con trâu đực, chú vào xem thử phải trâu chú không”. Ông liền đi cùng với ông N vào rừng nhìn trâu và nói với ông N “Trâu chú đó N nghe”, N nói “Trâu chú thật hả”. Lúc đó có ông P, ông P hỏi ông H “Trâu anh dạn, anh có biết xoáy của nó không”. Ông H trả lời “Có biết, nghé mình có một xoáy mặt đóng bên phải đuôi mắt một tý, còn xoáy tiền xoáy hậu đủ, xoáy tiền đóng hơi lùi về sau”. Lúc đó P nói xỏ mũi luôn, ông H nói “Trâu mình dạn để từ từ dỗ xỏ mũi cũng được” P sau đó đi làm. Ông H tiến hành cột trâu xỏ mũi trâu đực. Ông N ngồi bên lúc đó phát hiện ông H nói thiếu cái xoáy trật trìa, ông N nói “Chú nói trật, trâu này là trâu của tôi, tôi không cho chú dắt con trâu” nhưng theo ông H vì ông thường chăm sóc con trâu này nên mới xỏ mũi được trâu chứ ông N không dám lại gần con trâu vì sợ trâu lạ người nên trâu tấn công.

Sau khi xỏ mũi trâu, ông H dắt trâu về nhà nuôi dưỡng, ông N khiếu nại đến UBND xã T hòa giải không thành ông N khởi kiện ra Tòa án yêu cầu ông H trả trâu, đến tháng 9 năm 2017 do đau ốm không có người chăn giữ, ông có báo với UBND xã T giải quyết nhưng xã không giải quyết nên ông bán trâu, nhưng sau đó bị giữ lại, vào ngày 28 tháng 11 năm 2017 giữa ông và ông N đã thỏa thuận giao con trâu cho ông N giữ chờ Toà án xét xử. Trong thời gian chờ đợi Tòa án xét xử nhiều lần ông đã yêu cầu ông N giao lại con trâu cho ông giữ nhưng ông N không chịu giao trâu và cam kết tại Tòa trong thời gian chăn dắt trâu ông N không tính ngày công. Nay ông khẳng định con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông nên đề nghị Tòa án buộc ông N giao con trâu lại cho ông.

Tại các biên bản lấy lời khai các nhân chứng ông Phạm Hùng A, ông Hồ Xuân H, ông Ngô Văn P và ông Lê C, không xác định được con trâu tranh chấp là của ai.

Nhân chứng Ngô Văn P thì cho biết cả ông N và ông H mỗi người đều có 01 con nghé đực.

Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ vào ngày 05 tháng 7 năm 2018 xác định hình ảnh con trâu trong Video do ông H cung cấp và con trâu đực đang tranh chấp có phần đầu giống nhau.

Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án:

1. Về việc tuân thủ pháp luật của thẩm phán: Từ khi thụ lý vụ án đến thời điểm này thì thẩm phán đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về việc đưa vụ án ra xét xử, thời hạn gửi hồ sơ cho Viện kiểm sát cũng như việc gửi các văn bản tố tụng cho VKS và những người tham gia tố tụng.

2. Về việc chấp hành pháp luật của Hội đồng xét xử: Tại phiên tòa hôm nay, thẩm phán và hội đồng xét xử đã điều hành phiên tòa diễn ra nghiêm túc, chấp hành đúng các quy định của BLTTDS về các thủ tục, trình tự tiến hành đảm bảo các quyền của các đương sự khi tham gia phiên tòa.

3. Về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Các đương sự đã nhận đầy đủ thông báo thụ lý vụ án, quyết định đưa vụ án ra xét xử và đã chấp hành đúng quy định của BLTTDS.

4. Về quan điểm giải quyết vụ án: Trên cơ sở lời khai của các đương sự được thẩm tra tranh luận tại phiên tòa: Việc ông N lý giải con trâu đang tranh chấp là của mình vì ngoài các xoáy ông H mô tả ra thì con trâu này còn có đặc điểm là có thêm cái xoáy “Trật trìa”. Và để chứng minh là con trâu này là của ông có nhân chứng là ông Lê Hùng A biết lúc con trâu này ba tháng tuổi khi đó ông đang dắt trâu ăn thì gặp ông A và chính ông A phát hiện con nghé ông có xoáy “Trật trìa”. Ngoài ra ông không có chứng cứ gì khác. Về phía ông H chứng minh con Trâu tranh chấp là của mình bởi trước đó vào năm 2017 ông thường xuyên vào thăm và cho ăn, trong lúc cho trâu ăn ông có quay video và chụp hình (lý do ông quay phim chụp hình vì sợ sau này trâu thả trong núi thất lạc ông sẽ nhận ra). Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, Tòa án nhân dân huyện Đ đã tiến hành thẩm định tại chổ trên cơ sở con trâu đang tranh chấp với con trâu trong hình ảnh video mà ông H cung cấp kết luận 4/5 đặc điểm tương đồng giống nhau. Ngoài ra căn cứ vào bản kê khai về việc trâu, bò thả rông trong núi duy chỉ có ông N khai không đầy đủ (cụ thể không xác định được số lượng trâu đực, trâu cái là bao nhiêu), vì vậy việc ông H nhận con trâu tranh chấp thược sở hữu của mình là có cơ sở.

Từ những chứng cứ trên, quan điểm Viện kiểm sát nhân dân huyện Đ về vụ án như sau: Đề nghị HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn N và con trâu đang tranh chấp thuộc sở hữu của bị đơn ông Lê Xuân H.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Ông Năm cho rằng ông H không có con trâu đực; nhưng tại lời khai của ông Ngô Văn P thì ông H và ông N đều có con trâu đực. Tại các văn bản cam kết với UBND xã T về việc bắt trâu thả rông trong rừng về ông H khai ông có 10 con trâu thả trong rừng, trong đó có 4 con trâu đực và 6 con trâu cái, còn ông N khai có 24 con trâu thả trong rừng nhưng không có khai bao nhiêu đực và bao nhiêu trâu cái, trong khi đó 16 hộ có văn bản cam kết với UBND xã T đều khai rõ số lượng trâu bò và số lượng con đực, con cái.

[2] Ông N khai ông biết được con trâu đang tranh chấp lúc trâu 5 tháng tuổi, vào tháng 5 năm 2014, có các nhân chứng biết con trâu này là của ông như ông Phạm Hùng A, ông Hồ Xuân H, ông Ngô Văn P, ông Hồ Xuân T và ông Lê C, nhưng tại các lời khai của các nhân chứng ở UBND xã T và tại Tòa án các nhân chứng đều khai không biết con trâu đang tranh chấp là của ai.

[3] Ông N cho rằng con trâu đực của ông có cái xoáy “trật trìa” con trâu đang tranh chấp cũng có xoáy “trật trìa” cho nên nó là trâu của ông N, lập luận này không có cơ sở xác định được quyền sở hữu con trâu của ông N, vì cũng còn nhiều con có xoáy “trật trìa”.

[4] Ngày 28 tháng 12 năm 2017 Tòa án đã có quyết định số 03/2017/QĐ-CCTLCC yêu cầu ông N và ông H cung cấp mẫu của các con trâu có cùng huyết thống để giám định ADN nhưng các ông N và ông H đến nay vẫn không cung cấp được mẫu nên không xác định được ADN của con trâu đang tranh chấp nên không có cơ sở khoa học xác định con trâu đang tranh chấp thuộc sở hữu của ông N hay ông H.

[5] Ngày 12 tháng 3 năm 2018 Tòa án nhân dân huyện Đ có thông báo số 01/TB-TA về việc tìm kiếm chủ sở hữu có trâu bị thất lạc. Thông báo công khai trên thông tin tại các xã T và C nơi mà nhân dân có thả trâu trong rừng T, ai có trâu thất lạc thì đến nhận trâu nhưng không ai đến nhận trâu.

Đi với ông Ngô Văn P, người đầu tiên phát hiện con trâu tranh chấp, nói là không phải trâu của ông P và ông không có yêu cầu quyền lợi gì về con trâu, việc tramh chấp con trâu là do ông H và ông N tự giải quyết.

Như vậy việc tranh chấp con trâu đến nay chỉ có ông N và ông H. Tại phiên tòa hôm nay ông N và ông H đề nghị HĐXX căn cứ vào các chứng cứ đã có để xét xử, cả 2 không yêu cầu chờ lấy mẫu để giám định ADN.

Nhng chứng cứ ông N và ông H đưa ra và lời khai của các nhân chứng đều không có chứng cứ để chứng minh con trâu thuộc quyền sở hữu của ai. Ông N thì khi phát hiện con trâu nghé vào tháng 5 năm 2014 lúc đó con trâu được 5 tháng tuổi và từ đó về sau thì không gặp con trâu cho tới khi bắt được vào ngày 12/8/2017.

Ông H thì phát hiện con trâu lúc mới 3 tháng tuổi, sau đó trâu nghé bị thất lạc và đến tháng 6 năm 2017 mới phát hiện được con trâu và có vào rừng chăm sóc con trâu, để chứng minh ông cung cấp cho Tòa án thẻ nhớ có ghi đoạn video ông H chăm sóc con trâu đang tranh chấp.

Từ những vấn đề nêu trên, HĐXX không có cơ sở chấp nhận yêu cầu của ông Trần Văn N: Yêu cầu HĐXX xác định con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông N.

Hi đồng xét xử xét thấy hai ông N và ông H cùng nhận được con trâu tại một thời điểm và bắt đầu xảy ra tranh chấp từ đó, tại Uỷ ban nhân dân xã T và tại Tòa án nhân dân huyện Đ hai ông thỏa thuận với nhau về việc thay nhau chăn giữ con trâu và không ai tính tiền công, cho đến khi Tòa án xét xử xong vụ án.

Sau khi bắt được con trâu thì ông H chăn giữ từ ngày 12 tháng 8 năm 2017 đến ngày 28 tháng 11 năm 2017 bàn giao lại con trâu cho ông N chăn giữ từ đó đến nay.

Hai ông đều có công trong việc chăm sóc nuôi dưỡng con trâu, tới thời điểm hiện nay không có ai ngoài hai ông đến nhận con trâu, ông Ngô Văn P người phát hiện con trâu đầu tiên từ chối việc nhận trâu. Áp dụng Điều 231 (xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc) của Bộ Luật dân sự. HĐXX nghĩ nên cho ông Trần Văn N và ông Lê Xuân H cùng sở hữu con trâu đang tranh chấp, mỗi người đươc quyền sỡ hữu ½ giá trị con trâu.

Vào ngày 26 tháng 4 năm 2019 ông Trần Văn N và ông Lê Xuân H thống nhất định giá con trâu đang tranh chấp là 30.000.000 đồng. Hiện tại ông N đang chăn giữ con trâu. HĐXX nghĩ nên tiếp tục giao con trâu cho ông N được nhận con trâu, ông N có trách nhiệm thối trả ½ giá trị con trâu cho ông Lê Xuân H là 15.000.000 đồng.

Về án phí: Ông Trần Văn N phải chịu án phí về phần yêu cầu không được Tòa án chấp nhận, ông N và ông H phải chịu án về phần tài sản được chia. Theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các Điều 147, Điều 203 Bộ luật Tố tụng dân sự, Áp dụng Điều 231, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự, Áp dụng Nghị quyết 326/2016/UBTVQH ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 14 về mức thu, miễn, giảm thu, nộp, quản lý, sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử: Không chấp nhận yêu cầu của ông Trần Văn N về việc yêu cầu Tòa án xác định con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu của ông.

Tuyên con trâu đang tranh chấp thuộc quyền sở hữu chung của ông Trần Văn N và ông Lê Xuân H, ông N và ông H mỗi người được quyền sỡ hữu ½ giá trị con trâu. Ông N được tiếp tục giữ con trâu và thối trả cho ông H số tiền 15.000.000 đồng (Mười lăm triệu đồng).

Kể từ ngày ông Lê Xuân H có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông Trần Văn N không trả đủ số tiền trên thì hàng tháng ông N còn phải chịu một khoản tiền lãi cho ông H do chậm trả tiền được xác định là 10%/năm.

Về án phí: Buộc ông Trần Văn N phải chịu số tiền án phí sơ thẩm là 1.500.000 đồng được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông N đã nộp 500.000 đồng theo biên lai thu số 0010847 ngày 15 tháng 11 năm 2017 của chi cục thi hành án dân sự huyện Đ, ông N còn phải nộp 1.000.000 đồng tiền án phí, ông Lê xuân H phải chiụ 750.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, nguyên đơn, bị đơn có mặt có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam xét xử phúc thẩm.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1761
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 17/2019/TCDS-ST ngày 24/05/2019 về tranh chấp quyền sở hữu tài sản (gia súc thả rông)

Số hiệu:17/2019/TCDS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Điện Bàn - Quảng Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 24/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về