Bản án 171/2021/DS-PT ngày 28/09/2021 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ cà phê, vay tiền

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK 

BẢN ÁN 171/2021/DS-PT NGÀY 28/09/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GỬI GIỮ CÀ PHÊ, VAY TIỀN

Ngày 28 tháng 9 năm 2021, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 120/2021/TLPT-DS ngày 14 tháng 7 năm 2021 về việc “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ cà phê, vay tiền”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2021/DS-ST ngày 10/05/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 123/2021/QĐ-PT ngày 09 tháng 8 năm 2021, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Công ty trách nhiệm hữu hạn H; địa chỉ: Số 80 đường H, tổ dân phố 7, phường Đ, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Văn H, chức vụ: Giám đốc; có đơn xin vắng mặt.

Người đại diện ủy quyền của ông Huỳnh Văn H theo văn bản ủy quyền ngày 01/10/2020: Ông Nguyễn Đăng K; địa chỉ: Thôn 6, xã P, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

2. Bị đơn:

2.1 Bà Ưng Thị M, sinh năm 1967; vắng mặt.

2.2 Bà Ưng Thị P, sinh năm 1978; vắng mặt.

Cùng địa chỉ: Thôn 6, xã N, huyện K, tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P theo văn bản ủy quyền ngày 25/5/2020: Ông Nguyễn Xuân P; địa chỉ: Hẻm 122A/6 đường T, phường E, Tp. B, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

3.1. Bà Đỗ Thị R, sinh năm 1964; chức vụ: Phó Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn H; có đơn xin vắng mặt.

3.2. Chị Huỳnh Thị Thảo H, chức vụ: Kế toán viên Công ty trách nhiệm hữu hạn H; có mặt.

Cùng địa chỉ: Số 80 đường H, tổ dân phố 7, phường Đ, thị xã B, tỉnh Đắk Lắk.

4. Người kháng cáo: Bị đơn bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Nguyễn Đăng K trình bày:

Từ ngày 21/12/2017, Công ty trách nhiệm hữu hạn H (sau đây gọi tắt là Công ty) với bà Ưng Thị M, bà Ưng Thị P có thỏa thuận mua bán cà phê, tiêu, nông sản với nhau theo hình thức gửi cà phê vay tiền nhưng chưa lập hợp đồng. Việc mua bán dựa trên sự tin tưởng nên sổ sách, chứng từ các bên tự lập, quản lý và sử dụng, chỉ có bà M, bà P xem và ký nhận vào sổ của Công ty, Công ty chưa từng xem sổ sách của bà M, bà P. Công ty đã nhiều lần đưa cho bà P, bà M bảng tính nợ gốc, lãi cũng như nhắn tin về số lượng cà phê gửi và số tiền nợ, lãi suất để đối chiếu công nợ, phía bà M, bà P đều không có ý kiến gì.

Ngày 06/11/2018, Công ty và bà M, bà P đối chiếu công nợ, kết quả bà M, bà P còn gửi cho Công ty số lượng 74.482kg cà phê nhân xô và tổng số tiền gốc đã ứng là 2.311.056.000 đồng. Các bên lập và ký “Hợp đồng gửi cà vay tiền”, chốt số cà phê gửi và tiền vay như trên đồng thời thỏa thuận lãi suất là 1%/tháng, theo đó tiền lãi từ 21/12/2017 đến 30/11/2018 là 256.800.000 đồng cụ thể như sau:

- Ngày 21/12/2017 ứng 610.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 222 ngày, tiền lãi 45.140.000 đồng.

- Ngày 21/12/2017 ứng 50.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 222 ngày, tiền lãi là 3.700.000 đồng.

- Ngày 22/12/2017 ứng 150.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 221 ngày, tiền lãi là 11.050.000 đồng.

- Ngày 02/01/2018 ứng 600.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 210 ngày, tiền lãi là 42.000.000 đồng.

- Ngày 30/01/2018 ứng 300.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 182 ngày, lãi là 18.200.000 đồng.

- Ngày 01/02/2018 ứng 300.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 180 ngày, lãi là 18.000.000 đồng.

- Ngày 01/02/2018 ứng 400.000.000 đồng, lãi 1% tính đến ngày 30/7/2018 là 180 ngày, lãi là 24.000.000 đồng.

- Ngày 30/5/2018 nợ tiêu số tiền 1.056.000 đồng (không tính lãi).

- Ngày 30/7/2018 bà M, bà P trả số tiền mặt 100.000.000 đồng.

Tổng tiền lãi tính trên số tiền gốc 2.310.000.000 đồng từ ngày 30/7/2018 đến 30/11/2018 là 94.710.000 đồng.

Tổng số tiền lãi các khoản vay là 256.800.000 đồng. Số tiền lãi vay tạm tính ghi trên hợp đồng ngày 06/11/2018 là hoàn toàn trùng khớp với số tiền lãi thực tế.

Cũng theo hợp đồng đã ký ngày 06/11/2018, nếu giá trị lô hàng thế chấp tính theo giá thị trường thấp hơn số tiền vay cộng với tiền lãi thì bà M, bà P phải có nghĩa vụ làm tăng giá trị lô hàng thế chấp bằng cách cân thêm cà phê hoặc trả bớt tiền vay cho Công ty khi Công ty thông báo. Trường hợp bà M, bà P không thực hiện thì Công ty có quyền đơn phương thanh toán hợp đồng bằng cách bán số cà phê gửi kho theo giá thị trường để thu hồi gốc và lãi vay. Hợp đồng tuy chỉ có một mình bà M ký nhưng bà P sau đó cũng đồng ý bằng miệng và tiếp tục gửi cà phê vay tiền.

Đến ngày 31/12/2018, Công ty yêu cầu bà M, bà P trả tiền lãi cho các khoản đã vay tổng cộng 280.067.000 đồng (bao gồm tính thêm lãi từ 01/12/2018 đến 31/12/2018) nhưng hai bà không trả và đề nghị chuyển số tiền lãi này thành khoản vay để tính lãi nên Công ty đồng ý.

Sau đó, hai bên vẫn tiếp tục mua bán cà phê, nông sản với nhau, bà M, bà P đã gửi thêm cho Công ty số lượng cà phê là 103.675,3 kg và vay thêm số tiền là 2.559.170.000 đồng, cũng với lãi suất thỏa thuận là 1%/tháng như Hợp đồng đã ký ngày 06/11/2018. Việc gửi cà phê và vay tiền dựa trên Hợp đồng ngày 06/11/2018 và sự tin tưởng nhau nên các bên không lập thêm hợp đồng nào khác, nhưng trên thực tế việc cho vay có tính lãi, vì khoản tiền này quá lớn, Công ty cũng phải đi vay từ nơi khác để cho bị đơn vay lại. Bà M, bà P chỉ trả được cho Công ty 3 lần tiền lãi tổng cộng 300.000.000 đồng, cụ thể:

- Ngày 07/8/2019 trả 100.000.000 đồng.

- Ngày 10/10/2019 trả 100.000.000 đồng.

- Ngày 25/12/2019 trả 100.000.000 đồng.

Việc bị đơn không thừa nhận có thỏa thuận về lãi suất 1%/tháng là không có căn cứ, bởi trước đó bị đơn thừa nhận trong tin nhắn có trả lãi cho Công ty số tiền là 300.000.000 đồng. Cụ thể nội dung tín nhắn“Hôm tháng 12 đã tính lãi cộng vào trả lãi 300trăm triệu và gửi thêm vô 5tấn cà phê rồi chờ giá lên mới bán chứ gửi vào bán giá này không bán được” nếu thực tế không có thỏa thuận lãi thì tại sao bà M, bà P trả tiền lãi là 300.000.000 đồng.

Đến cuối năm 2019, Công ty có đưa cho bà M, bà P bảng tính lãi và chốt nợ đến hết 31/12/2019 như sau:

- Ngày 01/01/2019, số tiền vay 2.311.056.000 đồng, lãi 1%, đến ngày 31/12/2019 là 365 ngày, tiền lãi là 281.178.480 đồng.

- Ngày 01/01/2019 số tiền vay 280.670.000 đồng (lãi chuyển vay), lãi 1% đến ngày 31/12/2019 là 365 ngày, tiền lãi là 34.148.183 đồng.

- Ngày 08/11/2018 vay 20.000.000 đồng, 419 ngày, tiền lãi là 2.793.333 đồng.

- Ngày 15/11/2018 vay 50.000.000 đồng, 412 ngày, tiền lãi là 6.866.667 đồng.

- Ngày 19/11/2018 vay 1.200.000 đồng, là 408 ngày, tiền lãi là 163.200 đồng.

- Ngày 23/11/2018 vay 500.000.000 đồng, là 404 ngày, tiền lãi là 67.333.333 đồng.

- Ngày 28/11/2018 vay 300.000.00000 đồng, là 399 ngày, tiền lãi là 39.900.000 đồng.

- Ngày 03/12/2018 vay 700.000.000 đồng, là 394 ngày, tiền lãi là 91.933.333 đồng. đồng đồng.

- Ngày 04/12/2018 vay 300.000.000 đồng, là 393 ngày, tiền lãi là 39.300.000 - Ngày 04/12/2018 vay 640.000.000 đồng, là 393 ngày, tiền lãi là 83.840.000 - Ngày 01/3/2019 vay 47.970.000 đồng (bù giá tiêu 10.000.000 đồng) còn lại là 37.970.000 đồng, lãi 1%, ngày trả 31/12/2019 là 306 ngày, tiền lãi là 3.872.940 đồng.

Tổng số tiền vay gốc là 5.150.896.000 đồng. Tổng tiền lãi là 651.329.470 đồng. Tổng nợ tiền gốc và lãi là 5.802.225.470 đồng, tiền lãi đã trả là 300.000.000 đồng, tiền vay còn lại là 5.502.225.470 đồng. Bị đơn thống nhất số tiền Công ty đã đối chiếu và đồng ý cộng tiền gốc và lãi vào nợ gốc do không có tiền trả.

Đến ngày 04/02/2020, giá cà phê trên thị trường rớt xuống còn 31.000 đồng/kg, Công ty đã gọi điện, nhắn tin cho bà M yêu cầu bà M, bà P đến Công ty để tăng lượng cà phê ký gửi hoặc trả bớt số tiền vay nhưng bị đơn cố tình không hợp tác. Để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của Công ty, Công ty đã tiến hành cắt giá và tính lãi như sau:

- Số lượng cà phê gửi là 178.157,3kg, giá cắt lỗ ngày 04/02/2020 là 31.000 đồng/kg, thành tiền 5.522.876.300 đồng.

- Tính lãi vay năm 2020 từ ngày 01/01/2020 đến ngày 04/02/2020 đối với số tiền 5.502.225.470 đồng, lãi 1%/tháng, số ngày là 35 ngày, tiền lãi là 64.192.625 đồng. Tổng nợ gốc và lãi là 5.566.417.625 đồng.

Như vậy, bị đơn còn nợ Công ty số tiền là 5.566.417.625 đồng - 5.522.876.300 = 43.541.325 đồng. Như vậy, sau khi trừ đi giá trị số lượng cà phê đã gửi thì bà M, bà P còn nợ Công ty 43.541.325 đồng.

Ngày 07/02/2020, Công ty đã gửi Thông báo cắt lỗ cho Hợp đồng gửi cà phê vay tiền cho bà M, bà P biết và thanh toán số tiền còn nợ lại nhưng bà M, bà P vẫn không thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng. Do đó, Công ty khởi kiện yêu cầu Tòa án buộc bà M, bà P phải liên đới trả cho Công ty 43.541.325 đồng. Đối với số tiền lãi bà M, bà P đã trả 300.000.000 đồng được Công ty trừ vào tổng số tiền lãi đã trả.

Đối với các yêu cầu phản tố của bị đơn, Công ty có ý kiến như sau:

Về yêu cầu chấm dứt hiệu lực của hợp đồng gửi cà phê vay tiền ngày 06/11/2018 nguyên đơn không có ý kiến gì vì hợp đồng trên đã chấm dứt tại thời điểm Công ty thông báo cắt lỗ.

Về yêu cầu của bà M, bà P buộc Công ty phải trả cho hai bà số tiền 1.088.157.850 đồng Công ty không đồng ý, bà M, bà P đưa ra giá cà phê nhân xô ngày 07/9/2020 với 34.500 đồng/kg là không có cơ sở, vì theo hợp đồng đã ký ngày 06/11/2018 các bên thỏa thuận nếu giá trị lô hàng thế chấp tính theo giá thị trường thấp hơn số tiền vay cộng tiền lãi mà bà M, bà P không cân thêm cà phê hoặc trả bớt tiền vay thì Công ty có quyền đơn phương thanh lý hợp đồng. Như vậy, giá cà phê phải tính tại thời điểm Công ty thanh lý hợp đồng ngày 04/02/2020 là 31.000 đồng/kg.

Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn là ông Nguyễn Xuân P trình bày:

Từ ngày 21/12/2017, bị đơn và Công ty TNHH H có mua bán cà phê, tiêu, nông sản với nhau. Việc mua bán, ứng tiền trên cơ sở tin tưởng nhau nên đều được ghi trong một quyển sổ duy nhất do Công ty lập, quản lý, sử dụng. Đến ngày 06/11/2018, bị đơn và Công ty đối chiếu công nợ (số liệu đối chiếu từ ngày 21/12/2017 đến ngày 30/11/2018), kết quả bị đơn đã giao cho Công ty số lượng cà phê nhân xô quy chuẩn là 753.357kg. Trong đó, đã chốt bán 675.875kg tương đương với số tiền 25.347.248 đồng (bảng số 1) số lượng cà phê chưa chốt giá chuyển sang gửi kho là 753.357kg - 687.875kg = 74.482kg. Trong khi đó, bị đơn đã nhận tiền ứng 2.311.056.000 đồng.

Sau khi đối chiếu công nợ, bị đơn và Công ty tiến hành ký hợp đồng gửi cà phê ứng tiền, theo hợp đồng thỏa thuận ngày 06/11/2018, bị đơn gửi cho Công ty số lượng 74.482kg cà phê nhân xô quy chuẩn và chuyển số tiền ứng 2.311.056.000 đồng thành tiền vay với lãi suất 1%/tháng. Đồng thời, các bên cũng tạm tính tiền lãi từ ngày 06/11/2018 đến đến 30/11/2018 là: 2.311.056.000 đồng x 1%/tháng x 24 ngày = 18.489.000 đồng. Như vậy tổng số tiền gốc và lãi vay là: 2.329.545.000 đồng. Tuy nhiên do sơ suất nên trong hợp đồng ghi số tiền lãi không đúng dẫn đến số tiền vay và tiền lãi sai so với thực tế, bị đơn không để ý nên chỉ ký mà không đọc lại; mặt khác, hợp đồng cũng do Công ty lập, quản lý, theo dõi mà không đưa cho bị đơn bản nào nên bị đơn không biết về sai sót khi tính lãi tiền vay. Hợp đồng chỉ có Công ty và bà M ký nhưng toàn bộ nội dung đều được bà P đồng ý và thực hiện.

Từ ngày 06/11/2018 (thực tế từ ngày 03/11/2018) đến tháng 3/2019, bị đơn và Công ty vẫn tiếp tục mua bán cà phê, nông sản với nhau, bị đơn đã giao cho Công ty số lượng 215.874,4kg cà phê nhân xô quy chuẩn, trong đó đã chốt bán 112.199,4kg tương đương số tiền 3.813.260.000 đồng (bảng 4). Số lượng cà phê chưa chốt giá chuyển sang gửi kho là 215.874,4kg - 112.199,4kg = 103.675,3 kg cà phê nhân xô. Trong khi đó, bị đơn đã ứng nhận tiền chốt giá bán cà phê là 6.362.430.000 đồng (bảng 5) - 3.813.260.000 đồng = 2.549.170.000 đồng.

Đến ngày 25/12/2019, bị đơn đã trả bớt cho Công ty số tiền gốc là 100.000.000 đồng, số tiền còn lại bị đơn còn nợ là: 2.549.170.000 đồng - 100.000.000 đồng = 2.449.170.000 đồng, đồng thời bị đơn còn gửi tại Công ty 103.675,3 kg cà phê nhân xô. Việc mua bán, ứng tiền cũng được ghi trong một quyển sổ duy nhất do Công ty lập, quản lý, sử dụng.

Ngày 04/02/2020, Công ty gửi tin nhắn, sau đó gửi thông báo về việc cắt lỗ (Stop-Loss) cho hợp đồng gửi cà vay tiền với tổng số lượng cà phê 178.157,3kg cà phê nhân xô quy chuẩn. Tuy nhiên, sổ sách duy nhất ghi chép việc mua bán, hợp đồng, bảng kê giao hàng, nhận tiền do Công ty lập, quản lý, sử dụng nhưng không đưa ra để đối chiếu công nợ nên khi bị đơn kiểm tra thì số lượng cà phê và số tiền ứng mà Công ty đưa ra là không đúng với thực tế giao dịch mua bán, ứng tiền, sai cách tính lãi của hợp đồng ngày 06/11/2018, tính lãi với những khoản tiền không có thỏa thuận về lãi suất. Do đó, bị đơn không đồng ý nên hai bên chưa thống nhất được việc giải quyết tranh chấp. Mặt khác, giá cà phê do Công ty đưa ra để hai bên thỏa thuận cắt lỗ là quá thấp so với thị trường nên bị đơn không chấp nhận.

Như vậy, giữa bị đơn và Công ty đang tồn tại hai khoản công nợ. Cụ thể:

- Về khoản công nợ theo hợp đồng ngày 06/11/2018, bị đơn đang gửi kho cho Công ty 74.482kg cà phê nhân xô và ứng 2.311.056.000 đồng với lãi suất 1%/tháng. Đồng thời, tạm tính tiền lãi từ ngày 06/11/2018 đến 30/11/2018 là: 2.311.056.000 x 1%/tháng x 24 ngày = 18.489.000 đồng.

Tổng số tiền gốc và lãi vay là: 2.329.545.000 đồng (1).

Theo thỏa thuận hợp đồng, khi giá cà phê xuống dưới 35.000 đồng thì bị đơn phải làm tăng giá trị lô hàng hoặc trả bớt tiền ứng cho Công ty nên ngày 07/8/2019 bị đơn đã trả 100.000.000 đồng và ngày 10/10/2019 trả tiếp 100.000.000 đồng nhưng Công ty cho rằng đây là số tiền trả lãi là chưa đúng với việc thỏa thuận mua bán. Mặt khác, theo giá cà phê tại thời điểm ngày 04/02/2020 do Công ty đưa ra là 31.000 đồng/kg thì giá trị 74.482 kg cà phê gửi kho là: 31.000 đồng/kg x 74.482 kg = 2.308.942.000 đồng.

Tổng giá trị cà phê gửi kho và bị đơn trả nợ là: 2.308.942.000 đồng + 200.000.000 đồng = 2.508.942.000 đồng (2).

Như vậy, Công ty đang còn nợ bị đơn trong việc thanh lý hợp đồng là (2) – (1): 2.508.942.000 đồng - 2.329.545.000 đồng = 179.397.000 đồng.

Bị đơn đã cố gắng để duy trì hợp đồng, sau khi cân đối thì Công ty còn phải trả cho bị đơn là 179.397.000 đồng, nhưng Công ty đơn phương thanh toán hợp đồng buộc bị đơn phải chấp nhận mà không được ý kiến là trái với quy định của pháp luật và thỏa thuận của các bên. Do đó, để không làm phức tạp trong việc giải quyết vụ án, bị đơn chấp nhận chấm dứt hiệu lực và không ai còn công nợ lẫn nhau trong hợp đồng ngày 06/11/2018.

- Về khoản công nợ từ ngày 03/11/2018 đến ngày 01/3/2019, trong đó bị đơn đã gửi cho Công ty 103.675,3 kg cà phê nhân xô và ứng số tiền là: 2.449.170.000 đồng (1) thì đây là công nợ gửi cà phê ứng tiền thông thường, các bên không có thỏa thuận về thời điểm chốt giá, mức giá chốt và cũng không thỏa thuận về lãi suất.

Theo giá cà phê tại thời điểm bị đơn làm đơn phản tố là 34.500 đồng/kg thì tổng giá trị cà phê gửi kho tương đương số tiền là: 103.675,3 kg x 34.500 đồng/kg = 3.576.797.850 đồng (2).

Như vậy, Công ty phải trả cho bị đơn số tiền là (2) – (1): 3.576.797.850 đồng - 2.449.170.000 đồng = 1.127.627.850 đồng.

Ngoài ra, bị đơn không còn nợ Công ty khoản nợ nào khác, yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết:

- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty buộc bị đơn phải trả số tiền 43.541.325 đồng.

- Tuyên bố hợp đồng ngày 06/11/2018 chấm dứt hiệu lực, không ai còn công nợ lẫn nhau.

- Buộc ông Huỳnh Văn H, bà Đỗ Thị R và Công ty liên đới trả cho bị đơn số tiền là 1.127.627.850 đồng.

Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị đơn thay đổi từ yêu cầu ông H, bà R phải liên đới với Công ty trả cho bị đơn 1.127.627.850 đồng xuống còn phải trả 1.088.157.850 đồng và phải chịu lãi suất chậm trả kể từ ngày bị đơn có đơn yêu cầu thi hành án.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà Đỗ Thị R, chị Huỳnh Thị Thảo H thống nhất lời khai của đại diện nguyên đơn.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 15/2021/DS-ST ngày 10/5/2021 của Toà án nhân dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:

- Căn cứ các Điều 120; 288; 357; 433; 422; 423; 424; 427; 463; 468 và 469 của Bộ luật Dân sự.

- Căn cứ khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 4, 5 Điều 26 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn H: Buộc bị đơn bà Ưng Thị M, bà Ưng Thị P phải liên đới trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn H số tiền 39.442.876 đồng.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn bà Ưng Thị M, bà Ưng Thị P về việc chấm dứt hiệu lực Hợp đồng gửi cà vay tiền ngày 06/11/2018.

Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Ưng Thị P và bà Ưng Thị M về việc không đồng ý trả số tiền nợ 43.451.325 đồng (số tiền tính toán lại là 39.442.876 đồng).

- Không chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn bà Ưng Thị M, bà Ưng Thị P về việc yêu cầu ông Huỳnh Văn H, bà Đỗ Thị R và Công ty trách nhiệm hữu hạn H phải liên đới trả cho bị đơn số tiền 1.088.157.850 đồng.

Ngoài ra, Bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 17/5/2021, bị đơn bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P kháng cáo toàn bộ Bản án sơ thẩm và đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu phản tố của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn giữ nguyên đơn khởi kiện, bị đơn giữ nguyên nội dung đơn phản tố và đơn kháng cáo.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

Về thủ tục tố tụng: Trong quá trình thụ lý, giải quyết vụ án, Thẩm phán và Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự; các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.

Về nội dung: Đề nghị HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự. Chấp nhận một phần đơn kháng cáo của bị đơn: Sửa Bản án sơ thẩm về quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng gửi giữ cà phê và vay tài sản”, không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Công ty trách nhiệm hữu hạn H, chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn bà Ưng Thị M, Ưng Thị P, buộc Công ty trách nhiệm hữu hạn H phải thanh toán lại số tiền còn thiếu sau khi khấu trừ số tiền bị đơn nợ là 240.470.000 đồng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên tòa, kết quả tranh luận tại phiên tòa, lời trình bày của các đương sự, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định:

[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn được nộp trong thời hạn luật định, bị đơn đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo quy định nên được xem xét vụ án theo trình tự phúc thẩm là phù hợp.

[2] Về nội dung:

[2.1] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, HĐXX thấy:

[2.1.1] Các bên thừa nhận giữa Công ty với bà M và bà P nhiều lần thực hiện giao dịch mua bán nông sản với nhau theo hình thức Công ty cho bà M, bà P ứng tiền (vay tiền), bà M, bà P mua nông sản trong dân gửi kho của Công ty, số lượng cà phê gửi kho đồng thời dùng bảo đảm cho số tiền đã vay, tổng tiền vay gốc còn nợ là 5.150.896.000 đồng, tổng số cà phê còn gửi là 178.157,3kg; việc mua bán, thỏa thuận diễn ra liên tục từ ngày 21/12/2017 đến trước ngày 06/11/2018, Công ty chỉ lập sổ sách theo dõi số lượng cà phê gửi, chốt bán và số tiền vay gốc không thể hiện thỏa thuận tính lãi suất đối với số tiền vay đồng thời được bà M, bà P ký nhận trực tiếp trong sổ mà không lập hợp đồng. Đến ngày 06/11/2018, các bên đối chiếu, ký hợp đồng gửi cà phê vay tiền. Cụ thể nội dung hợp đồng “Bên B có gửi cà phê nhân xô cho bên A số lượng 74.482kg, bên A cho bên B vay số tiền 2.311.056.000, với lãi suất 1%/tháng và lãi tính đến ngày 30/11/2018 là 256.800.000 đồng. Tổng 2.606.856.000 đồng. Hai bên thống nếu giá trị lô hàng thế chấp tính theo giá thị trường thấp hơn số tiền vay cộng với lãi (tức là giá cà phê thị trường giảm xuống đến 35.000 đồng/kg) thì bên B phải có nghĩa vụ làm tăng giá trị lô hàng thế chấp bằng cách cân thêm cà phê cho bên A hoặc trả bớt tiền vay cho bên A khi bên A thông báo. Trong trường hợp bên A đã thông báo cho bên B mà bên B không chấp hành thì bên A có quyền đơn phương thanh toán hợp đồng bằng cách bán số cà gửi kho theo giá thị trường để thu gốc và lãi vay mà bên B không được quyền khiếu nại”.

Xét thấy, Công ty cho rằng các bên thỏa thuận miệng với nhau đối với số tiền bà M, bà P vay từng lần xuyên suốt quá trình mua bán kể cả sau thời gian ngày 06/11/2018 đều áp dụng tính lãi 1%/tháng là có căn cứ. Bởi lẽ, các bên thực hiện giao dịch rất nhiều lần, trong thời gian dài, liên tục từ ngày 21/12/2017 đến 06/11/2018, mặc dù trong sổ theo dõi không thể hiện có thỏa thuận lãi suất, tuy nhiên tại Hợp đồng lập ngày 06/11/2018 thể hiện tổng số tiền lãi tính đến ngày 30/11/2018 là 256.800.000 đồng là hoàn toàn phù hợp với lời khai của nguyên đơn, phù hợp với quá trình (thói quen) giao dịch giữa các bên, phù hợp với bảng kê chi tiết tính lãi suất do nguyên đơn cung cấp (BL 11,12), phù hợp với Hợp đồng gửi cà phê vay tiền (BL 19) và phù hợp với quy định của Điều 468 của Bộ luật dân sự. Sau ngày các bên ký Hợp đồng gửi cà vay tiền (ngày 06/11/2018), tại sổ theo dõi của Công ty thể hiện liền mạch từng hàng, từng trang, được cộng dồn từng khoản tiền vay, từng khoản gửi cà phê, trừ từng khoản đã chốt bán trong đó bao gồm cả số lượng cà phê gửi kho, số tiền vay và lãi suất trước ngày 06/11/2018 và được thể hiện trong cùng một sổ theo dõi đồng thời được bà M, bà P ký xác nhận. Ngoài ra, mục đích của công ty là kinh doanh vì lợi nhuận, trong khi số lượng nông sản bà M, bà P gửi kho có thỏa thuận khi nào có nhu cầu thì bà M, bà P được quyền chốt bán theo giá thị trường mà không phải trả chi phí lưu kho, bảo quản. Do đó, toàn bộ số tiền bà M, bà P đã vay trong toàn bộ quá trình giao dịch đều có thỏa thuận tính lãi suất 1%/tháng là phù hợp thực tế, với lẽ thường, phù hợp với nội dung tin nhắn bà M thừa nhận trả 300.000.000 đồng tiền lãi, toàn bộ số lượng cà phê gửi kho sau ngày 06/11/2018 đều dùng bảo đảm cho số tiền vay gốc, tiền lãi và thỏa thuận lãi nhập gốc và tiếp tục tính lãi (BL 05) của cả quá trình giao dịch, chứ không tách biệt và chỉ bảo đảm cho khoản vay trước ngày 06/11/2018 là hoàn toàn phù hợp với cam kết “nếu giá trị lô hàng thế chấp tính theo giá thị trường thấp hơn số tiền vay cộng với lãi (tức là giá cà phê thị trường giảm xuống đến 35.000 đồng/kg) thì bên B phải có nghĩa vụ làm tăng giá trị lô hàng thế chấp bằng cách cân thêm cà phê cho bên A hoặc trả bớt tiền vay cho bên A khi bên A thông báo” và sau ngày 06/11/2018 bà M, bà P cân thêm cà phê, trả lãi vay là hoàn toàn phù hợp với toàn bộ quá trình giao dịch chứ không riêng đối với hợp đồng ngày 06/11/2018.

[2.1.2] Xét yêu cầu của Công ty buộc bà M, bà P phải trả 43.541.325 đồng.

HĐXX thấy: Tính đến ngày 06/11/2018, bà M, bà P còn gửi 74.482kg cà phê và vay 2.311.056.000 đồng gốc, tiền lãi tính đến ngày 31/12/2018 là 280.067.000 đồng, các bên thống nhất chuyển số tiền lãi trong năm 2018 nhập vào nợ gốc là phù hợp với sổ theo dõi Công ty cung cấp. Từ sau ngày 06/11/2018 đến ngày 01/3/2019, bà M, bà P tiếp tục gửi kho số lượng còn lại 103.675,3kg cà phê nhân xô và vay nhiều lần tổng 2.559.170.000 đồng. Tổng tiền vay gốc 5.150.896.000 đồng (đã bao gồm 280.067.000 đồng tiền lãi của năm 2018 chuyển qua nợ vay gốc), tiền lãi tính đến ngày 31/12/2019 là 651.329.470 đồng. Tổng số cà phê còn gửi là 178.157,3kg, tổng nợ gốc và nợ lãi là 5.802.255.470 đồng.

[2.1.3] Xét lời khai của nguyên đơn cho rằng bà M, bà P đã trả 300.000.000 đồng nợ lãi cụ thể: Ngày 07/8/2019 trả 100.000.000 đồng; ngày 10/10/2019 trả 100.000.000 đồng và ngày 25/12/2019 trả 100.000.000 đồng là có căn cứ phù hợp với tin nhắn ngày 04/02/2020 từ điện thoại bà M gửi đến điện thoại bà Ry với nội dung “hôm tháng 12 đã tính lãi cộng vào trả lãi 300trăm triệu” và ngày 05/02/2020 “...chị biểu tính lãi cộng vào thì em đã nộp vô 300trăm và 5tấn cà rồi chứ sao không chị nói trả lãi rồi cộng vào...”. Vì vậy số tiền lãi tính đến ngày 31/12/2019 là 651.329.470 đồng - 300.000.000 đồng = 351.329.470 đồng.

Xét các bên chưa có thỏa thuận cộng số tiền lãi 351.329.470 đồng vào nợ gốc để tiếp tục tính lãi vay trong năm 2020 nên cần tính lại tiền lãi của số tiền gốc 5.150.896.000 đồng từ ngày 01/01/2020 đến ngày 04/02/2020 là 5.150.896.000 đồng x 1%/tháng x 35 ngày : 30 = 60.093.786 đồng. Như vậy, tổng số tiền lãi tính đến ngày 04/02/2020 là 351.329.470 đồng + 60.093.786 đồng = 411.423.256 đồng. Tổng cộng gốc và lãi là 5.562.319.256 đồng.

Xét để bảo đảm nghĩa vụ trả nợ, tại Hợp đồng gửi cà phê vay tiền ngày 06/11/2018 các bên thỏa thuận nếu lô hàng thế chấp tính theo giá thị trường thấp hơn số tiền vay cộng với lãi (tức là giá cà phê thị trường giảm xuống đến 35.000 đồng/kg) thì bà M, bà P phải có nhghĩa vụ làm tăng giá trị lô hàng thế chấp bằng cách cân thêm cà phê cho Công ty hoặc trả bớt tiền vay cho Công ty khi được thông báo; trường hợp bà M, bà P không thực hiện thì Công ty có quyền đơn phương thanh toán hợp đồng bằng cách bán số cà phê gửi tại kho để thu hồi gốc và lãi. Thực tế vào ngày 04/02/2020, giá cà phê hạ còn 31.000 đồng/kg, phía Công ty đã thông báo cho bị đơn biết (thể hiện qua tin nhắn) nhưng bị đơn không thực hiện nên ngày 07/02/2020 Công ty H đã gửi thông báo về việc cắt lỗ đến bà M, bà P. Do đó, Công ty thông báo cắt lỗ, tính giá trị cà phê thị trường tại thời điểm cắt lỗ ngày 04/02/2020 với giá 31.000 đồng/kg và thanh lý hợp đồng là phù hợp như nhận định và phân tích tại mục [2.1]. Cụ thể 178.157,3kg x 31.000 đồng/kg = 5.522.876.300 đồng.

Xét bà M, bà P còn nợ tổng gốc và lãi là 5.562.319.256 đồng, được khấu trừ 5.522.876.300 đồng giá trị cà phê gửi kho nên còn phải trả cho Công ty 39.442.956 đồng là có căn cứ. Công ty khởi kiện yêu cầu bà M, bà P phải trả 43.541.325 đồng, Bản án sơ thẩm tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bà M, bà P phải trả cho Công ty 39.442.956 đồng nhưng không tuyên bác một phần yêu cầu khởi kiện của Công ty đối với số tiền 4.098.369 đồng và không buộc Công ty phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận là vi phạm, tuy nhiên không làm khác nghĩa vụ của bị đơn và sau khi xét xử sơ thẩm Công ty không kháng cáo nên cấp phúc thẩm khắc phục tuyên lại cho phù hợp, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[3] Xét lời khai nại, yêu cầu phản tố và kháng cáo của bị đơn, HĐXX thấy:

[3.1] Xét lời khai nại không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, thấy rằng: Bà M, bà P thừa nhận và thống nhất về phương thức mua bán, số lượng cà phê nhân xô gửi Công ty, tổng số tiền vay gốc còn lại và lãi suất 1%/ tháng. Tuy nhiên, cho rằng thỏa thuận tính lãi suất 1%/tháng chỉ áp dụng đối với hợp đồng gửi cà phê vay tiền lập ngày 06/11/2018 với số tiền vay gốc 2.311.056.000 đồng và tính lãi từ ngày 06/11/2018 đến 30/11/2018 thành tiền là 18.489.000 đồng là không có căn cứ. Bởi lẽ, lãi suất thỏa thuận được tính cho toàn bộ các khoản vay của toàn bộ quá trình mua bán như nhận định và phân tích tại mục [2.1]. Do đó, không có căn cứ để chấp nhận lời khai nại của bị đơn. Bản án sơ thẩm nhận định lời khai của bị đơn không đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là yêu cầu phản tố là không đúng với quy định tại khoản 2 Điều 200 của Bộ luật tố tụng dân sự, cấp phúc thẩm cần sửa án sơ thẩm xác định lại cho phù hợp, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[3.2] Xét yêu cầu tuyên chấm dứt hiệu lực của hợp đồng gửi cà vay tiền lập ngày 06/11/2018 và công nhận các bên không còn công nợ với nhau, thấy rằng: Bà M, bà P cho rằng: Hợp đồng ngày 06/11/2018, các bên thỏa thuận tính lãi 1%/tháng đối với số tiền vay gốc 2.311.056.000 đồng, tính từ ngày 06/11/2018 đến 30/11/2018 thành tiền 18.489.000 đồng, đã trả bớt 200.000.000 đồng tiền gốc nên Công ty còn nợ bà M, bà P 179.397.000 đồng nhưng do không muốn làm phức tạp thêm tình trạng tranh chấp nên đồng ý xóa bỏ khoản tiền này không bên nào còn nợ nhau, số tiền lãi 256.800.000 đồng ghi trong hợp đồng là do tính sai. Xét lời khai của bà M, bà P không có tài liệu chứng cứ để chứng minh, không được Công ty thừa nhận và không phù hợp với số tiền lãi được thể hiện trong hợp đồng và bảng kê tính lãi cũng như sổ sách theo dõi do Công ty cung cấp, nội dung tin nhắn thừa nhận trả lãi nên không được chấp nhận.

Xét hợp đồng ngày 06/11/2018, các bên không có thỏa thuận thời hạn chấm dứt hợp đồng mà chỉ thỏa thuận với nội dung “Hai bên thống nhất nếu giá trị lô hàng thế chấp tính theo giá thị trường thấp hơn số tiền vay cộng với lãi (tức là giá cà phê thị trường giảm xuống đến 35.000 đồng/kg) thì bên B phải có nghĩa vụ làm tăng giá trị lô hàng thế chấp bằng cách cân thêm cà phê cho bên A hoặc trả bớt tiền vay cho bên A khi bên A thông báo. Trong trường hợp bên A đã thông báo cho bên B mà bên B không chấp hành thì bên A có quyền đơn phương thanh toán hợp đồng bằng cách bán số cà phê gửi kho theo giá thị trường để thu gốc và lãi vay mà bên B không được quyền khiếu nại”. Với thỏa thuận như trên, sau khi lập hợp đồng ngày 06/11/2018 bà M,bà P đã nhiều lần cân gửi thêm cà phê và tiếp tục vay thêm tiền, trả một phần lãi, giữa các bên không có thỏa thuận tách biệt thành hai giai đoạn trước và sau ngày ký hợp đồng (06/11/2018) mà quá trình vay tiền, gửi và chốt giá bán cà phê vẫn được các bên thực hiện cộng dồn, khấu trừ cho nhau liên tục trong cùng một sổ theo dõi bao gồm cả số lượng cà phê và tiền vay theo hợp hợp đồng đã ký, khi giá cà phê thị trường xuống dưới 35.000 đồng/kg Công ty cân đối số lượng cà phê gửi với tiền vay, tiền lãi và nhắn tin thông báo cắt lỗ, đơn phương chấm dứt hợp đồng. Do đó, Bản án sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bà M, bà P, tuyên chấm dứt hợp đồng gửi cà phê vay tiền giữa các bên là phù hợp.

[3.3] Xét yêu cầu buộc ông Huỳnh Văn H, bà Đỗ Thị R và Công ty TNHH H phải liên đới trả cho bà M, bà P 1.088.157.850 đồng, bà M, bà P cho rằng lãi suất 1%/tháng các bên thỏa thuận chỉ áp dụng đối với số tiền 2.311.056.000 đồng từ ngày 06/11/2018 đến ngày 30/11/2018, còn trước và sau thời gian này các bên không thỏa thuận tính lãi. Riêng số tiền vay 2.559.170.000 đồng và số lượng cà phê gửi 103.675,3kg thực hiện sau ngày 06/11/2018 chỉ là việc mua bán thông thường nên không áp dụng thỏa thuận về lãi cũng như cam kết khác theo hợp đồng ngày 06/11/2018. HĐXX thấy: Lãi suất thỏa thuận 1%/tháng áp dụng cho toàn bộ quá trình vay là có căn cứ như nhận định và phân tích tại mục [2]. Ngoài ra, xét sổ sách nguyên đơn cung cấp (BL01-10), nội dung giao dịch từ ngày 21/12/2017 đến ngày 30/7/2018 mặc dù không thể hiện lãi suất thỏa thuận nhưng đã được xác nhận trong hợp đồng gửi cà vay tiền, từ ngày 08/11/2018 về sau tất cả các lần gửi cà phê, chốt bán, vay tiền đều được bà M, bà P ký xác nhận trong sổ từng khoản và được thể hiện cộng dồn vào số lượng gửi cà phê 74.482kg, số tiền vay 2.311.056.000 đồng trước đó và nhằm thực hiện đúng cam kết cân thêm cà hoặc trả bớt tiền vay khi giá trị lô hàng thế chấp tính thấp hơn số tiền vay cộng với lãi (tức là giá cà phê thị trường giảm xuống đến 35.000 đồng/kg). Do đó, bà M, bà P yêu cầu tính giá cà phê 34.500 đồng/kg tại thời điểm nộp đơn phản tố, yêu cầu phải trả 1.088.157.850 đồng là không có căn cứ. Bản án sơ thẩm không chấp nhận là có căn cứ, phù hợp với cả quá trình giao dịch.

[3.4] Xét cần chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, cần sửa bản án sơ thẩm theo nhận định và phân tích trên.

[4] Về án phí: Do sửa bản án sơ thẩm nên cần tính lại án phí như sau:

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận một phần nên cần buộc bị đơn bà P, bà M phải liên đới chịu án phí đối với phần yêu cầu của nguyên đơn được chấp nhận là 1.972.000 đồng, bị đơn bị bác một phần yêu cầu phản tố nên phải chịu 44.644.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu phản tố, được khấu trừ vào số tiền 26.400.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo các biên lai thu tiền số AA/2019/0011644 ngày 25/9/2020, 60AA/2021/0003578 và 60AA/2021/0003579 cùng ngày 24/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Bà Ưng Thị P, bà Ưng Thị M còn phải chịu 20.216.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Cần buộc nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được chấp nhận là 300.000 đồng, khấu trừ số tiền 1.089.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số AA/2019/0006494 ngày 21/4/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk, được trả lại 789.000 đồng.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Do được chấp nhận một phần kháng cáo, sửa án sơ thẩm nên bị đơn không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308; Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

- Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P;

Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 15/2021/DS-ST ngày 10/5/2021 của Tòa án nhân dân huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn H.

- Buộc bị đơn bà Ưng Thị M, bà Ưng Thị P phải liên đới trách nhiệm trả cho Công ty trách nhiệm hữu hạn H số tiền 39.442.956 đồng (Ba mươi chín triệu bốn trăm bốn mươi hai nghìn chín trăm năm mươi sáu đồng).

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015.

- Bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Công ty trách nhiệm hữu hạn H đối với yêu cầu buộc bị đơn bà Ưng Thị M, bà Ưng Thị P phải trả số tiền nợ 4.098.369 đồng (Bốn triệu không trăm chín mươi tám nghìn ba trăm sáu mươi chín đồng).

2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của bị đơn bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P:

- Tuyên chấm dứt hiệu lực của Hợp đồng gửi cà phê vay tiền giữa Công ty trách nhiệm hữu hạn H với bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P.

- Bác một phần yêu cầu phản tố của bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P đối với yêu cầu buộc ông Huỳnh Văn H, bà Đỗ Thị R và Công ty trách nhiệm hữu hạn H phải liên đới trả cho bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P số tiền 1.088.157.850 đồng (Một tỷ không trăm tám mươi tám triệu một trăm năm mươi bảy nghìn tám trăm năm mươi đồng).

3. Về án phí: Áp dụng Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 4,5 Điều 26, khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH 14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Tòa án.

- Về án phí dân sự sơ thẩm:

Buộc bà Ưng Thị P, bà Ưng Thị M phải liên đới chịu 46.616.000 đồng (Bốn mươi sáu triệu, sáu trăm mười sáu nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 26.400.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo các biên lai thu tiền số AA/2019/0011644 ngày 25/9/2020, 60AA/2021/0003578 và 60AA/2021/0003579 cùng ngày 24/5/2021 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Bà Ưng Thị P, bà Ưng Thị M còn phải nộp 20.216.000 đồng (Hai mươi triệu hai trăm mười sáu nghìn đồng) tiền án phí dân sự sơ thẩm.

Buộc Công ty TNHH H phải chịu 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ số tiền 1.089.000 đồng đã nộp tạm ứng án phí theo biên lai thu tiền số AA/2019/0006494 ngày 21/4/2020 của Chi cục thi hành án dân sự huyện K, tỉnh Đắk Lắk. Công ty TNHH H được trả lại 789.000 đồng (Bảy trăm tám mươi chín nghìn đồng) tạm ứng án phí đã nộp.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Ưng Thị M và bà Ưng Thị P không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, số tiền 600.000 đồng tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai số 60AA/2021/0003578 và 60AA/2021/0003579 cùng ngày 24/5/2021 được khấu trừ vào số tiền án phí phải chịu.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7,9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

218
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 171/2021/DS-PT ngày 28/09/2021 về tranh chấp hợp đồng gửi giữ cà phê, vay tiền

Số hiệu:171/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về