TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN L N, TỈNH B G
BẢN ÁN 16/2020/DS-ST NGÀY 14/08/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Ngày 14 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện LN, tỉnh BG xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 66/2019/TLST-DS, ngày 27 tháng 12 năm 2019 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 32a/2020/QĐST-DS ngày 12/6/2020; Quyết định hoãn phiên toà số 45/2020/QĐST-DS ngày 07/7/2020 và Quyết định hoãn phiên toà số 59/2020/QĐST-DS ngày 04/8/2020 giữa các bên đương sự:
* Nguyên đơn: Ông Trần Văn A, sinh năm 1979 (Có mặt). Trú quán: Thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
* Bị đơn:
1. Ông Lục Văn B, sinh năm 1960 (Vắng mặt).
Trú quán: Thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
2. Ông Lục Văn C, sinh năm 1962 (Vắng mặt).
Người đại diện theo uỷ quyền của bị đơn ông Lục Văn C: Anh Lục Văn D, sinh năm 1995 (Vắng mặt).
Cùng trú quán: Thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
* Những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
1. Ủy ban nhân dân huyện LN, tỉnh BG.
Người đại diện theo ủy quyền ông Mai Văn E, Chức vụ: Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện LN (Vắng mặt, nhưng có đơn xin xử vắng mặt).
2. Hạt kiểm lâm huyện LN, tỉnh BG.
Người đại diện theo uỷ quyền: Ông Đào Văn G, Chức vụ: Cán bộ kỹ thuật Hạt kiểm lâm huyện LN (Vắng mặt, nhưng có đơn xin xử vắng mặt).
3. Chị Phùng Thị H, sinh năm 1977 (Có mặt).
4. Anh Trần Văn I, sinh năm 2000.
5. Anh Trần Văn K, sinh năm 2003.
Chị H, anh I và anh K đều uỷ quyền cho ông Trần Văn A đại diện. (Có mặt). (Giấy uỷ quyền ghi ngày 10/3/2020).
6. Bà Nguyễn Thị L, sinh năm 1954 (Vắng mặt), 7. Anh Trần Văn M, sinh năm 1978 (Vắng mặt).
8. Chị Trần Thị N, sinh năm 1990 (Vắng mặt).
9. Chị Trần Thị O, sinh năm 1990 (Vắng mặt).
Cùng trú quán: Thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
10. Anh Trần Văn P, sinh năm 1994 (Vắng mặt).
Trú quán: Thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh BG.
11. Bà Nịnh Thị Q, sinh năm 1959 (Vắng mặt).
12. Anh Lục Văn R, sinh năm 1994 (Vắng mặt).
Cùng trú quán: Thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
13. Anh Lục Văn D, sinh năm 1995 (Vắng mặt).
14. Ông Lục Văn S, sinh năm 1937.
15. Bà Hoàng Thị T, sinh năm 1938.
16. Bà Nịnh Thị V, sinh năm 1962.
Ông S, bà T và bà V đều uỷ quyền cho anh Lục Văn D đại diện. Cùng trú quán: Thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện,đơn bổ sung và những lời khai tiếp theo trong quá trình giải quyết tại Toà án nguyên đơn ông Trần Văn A trình bày:
Gia đình ông với gia đình ông Lục Văn B và ông Lục Văn C là quan hệ hàng xóm, gia đình ông có diện tích đất liền kề với diện tích đất của hộ gia đình ông Lục Văn B và hộ ông Lục Văn C. Đất của gia đình ông có nguồn gốc trước đây là của ông Trần Văn P (Chết năm 2017), ông P bố ông được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/351 QĐ-UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 đất; địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Với diện tích đất trên, vợ chồng ông thường xuyên canh tác và trồng các loại cây gồm: Cây vải thiều, cây bạch đàn; đến năm 2016 gia đình ông phát hiện gia đình B và gia đình ông C đã lấn chiếm đất của gia đình.
Năm 2016 gia đình ông đã gửi đơn ra UBND xã Đèo Gia và Toà án nhân dân huyện LN để giải quyết nhưng Toà án nhân dân huyện LN lại trả lại đơn khởi kiện không biết lý do tại sao. Năm 2019, gia đình ông lại tiếp tục có đơn đề nghị UBND xã Đèo Gia giải quyết, nhưng quá trình hoà giải tại UBND xã Đèo Gia, phía gia đình ông B và ông C không chấp hành nên không giải quyết được.
Nay ông đề nghị Toà án giải quyết buộc hộ gia đình ông Lục Văn B phải trả lại cho gia đình ông theo diện tích đo đạc là 9112,5m2 đất; buộc hộ ông Lục Văn C phải trả lại cho gia đình anh theo diện tích đo đạc là 2058,5m2 đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Trần Văn P, địa chỉ thửa đất tại thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
Đối với những cây bạch đàn hộ ông C trồng trên đất nay đã đến tuổi thu hoạch, ông chấp nhận để gia đình ông C thu hoạch để trả lại đất cho gia đình canh tác, sử dụng, còn đối với cây trên đất của hộ ông B còn nhỏ chưa đến tuổi canh tác đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Tại bản tự khai, biên bản lấy lời khai và những lời khai tiếp theo tại Toà án các bị đơn trình bày:
1. Ông Lục Văn B trình bày:
Hộ gia đình ông có 03 khẩu gồm; Ông, vợ ông là bà Nịnh Thị Q và con trai là Lục Văn R. Gia đình ông mua đất của ông Nịnh Văn Đặng trú quán tại thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện LN với diện tích 01 ha (tức 10.000m2) đất vào năm 2004, khi mua đất, thì trên đất chưa trồng loại cây gì, hai bên khi mua đất không làm giấy tờ gì, ông Đặng bàn giao đất chỉ ranh giới cho ông trên thực địa và giao cho ông bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng ông sử dụng ổn định. Năm 2019 phát sinh tranh chấp, khi gia đình ông đảo đất thì gia đình anh A sang đòi đất, ranh giới giữa phần đất nhà ông và phần đất nhà anh A có 01 mốc xác định, trên đỉnh núi có 01 cây (cây đã bị chặt) đường kính gốc khoảng 20 - 30 cm, ranh giới cuối thửa đất ở chân núi thì không rõ ràng, không có mốc xác định. Việc mua đất và trồng cây trên đất là do vợ chồng ông trồng, các con không liên quan và cũng không có công sức đóng góp gì.
Nay anh A khởi kiện đòi vợ chồng ông trả lại diện tích đất theo như kết quả đo đạc với diện tích là 9112,5m2 đất ông không nhất trí, vì đất cũng đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nịnh Văn Đặng, nhưng đến nay chưa làm thủ tục sang tên ông.
2. Ông Lục Văn C trình bày:
Diện tích rừng của gia đình ông có giáp ranh với diện tích đất rừng nhà ông Trần Văn P, nay anh A đang sử dụng, đất của gia đình ông đã chia thành 04 khoảnh nhỏ cho các em, con ông làm riêng, cụ thể: Vợ chồng ông và anh Tịch con trai ông làm một phần, ông Lục Văn T (em ruột) làm một phần, ông Lục Văn Q (em ruột) làm một phần. Con trai ông Lục Văn M không trồng rừng ở đây mà làm ở chỗ khác. Phần đất rừng mà anh A đang đòi gia đình ông thuộc khoảnh do vợ chồng ông đang canh tác; cây trồng trên đất tất cả đều là bạch đàn. Cây bạch đàn trên phần đất tranh chấp gia đình ông đã được thu 02 lần, lần này mọc lại đã được 03 năm tuổi, bắt đầu thu hoạch được, đường kính gốc khoảng 10cm.
Gia đình ông hiện nay có 05 khẩu gồm: Bố ông Lục Văn S, sinh năm 1937 và mẹ bà Hoàng Thị T, sinh năm 1938, ông Lục Văn C, vợ Nịnh Thị V và con Lục Văn D (Tịch chưa kết hôn). Bố mẹ ông (cụ S, cụ T) ở cùng vợ chồng ông từ trước khi được giao đất. Tuy nhiên, thời điểm được giao đất bố mẹ ông đã nhiều tuổi, sức khỏe yếu nên hai cụ không trồng rừng bao giờ, chỉ có vợ chồng ông làm.
Ông đề nghị Tòa án không đưa bố mẹ ông vào tham gia tố tụng.
Khoảng trước năm 1999, chính quyền chia đất cho dân trồng rừng. Gia đình ông, gia đình ông Trần Văn P (bố anh A), gia đình ông Nịnh Văn Đặng (sau bán cho ông B - bà Q), gia đình ông Việt - bà Hồng, gia đình ông Khoa … cùng được Kiểm lâm chia đất thời điểm đó. Khi chia đất thì cán bộ không cắm mốc ranh giới mà chỉ các điểm ranh giới phía dưới chân đồi (đoạn giáp ruộng) và trên đỉnh (chỗ có mốc ranh giới với Cống Luộc) cho các gia đình. Các gia đình tự phát cây rừng làm 01 đường thẳng từ dưới lên trên nối các điểm mốc cán bộ chỉ để xác định ranh giới đất được chia. Do đó ông không biết chính xác diện tích đất gia đình ông được chia là bao nhiêu. Gia đình ông đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ông sẽ nộp cho Tòa án bảo sao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sau. Đất nhà ông một bên giáp đất nhà ông P (anh A), một bên còn lại giáp đất gia đình ông Việt - bà Hồng và gia đình ông Khoa. Từ trước đến nay gia đình không cắm mốc, làm hàng rào quanh đất, ranh giới giữa phần đất của gia đình ông và phần đất của gia đình anh A không rõ ràng, chỉ có thể xác định ranh giới tương đối qua cây trồng trên đất. Hết phần cây trồng của gia đình ông là hết đất của gia đình. Ông xác định gia đình trồng cây trên toàn bộ diện tích đất của gia đình không lấn chiếm đất của gia đình anh A. Đến khoảng năm 2017 (2-3 năm trước) thì anh A mới vào trồng cây bạch đàn ở đoạn phía dưới, còn phía trên thì anh A vẫn bỏ đất trống. Phần đất anh A trồng cây không lấn chiếm đất của gia đình ông.
Nay anh A kiện đòi gia đình ông phải trả lại diện tích là 2058,5m2 đất ông không đồng ý, ông xác định gia đình không lấn chiếm đất của hộ gia đình anh A.
Tại bản tự khai,biên bản ghi lời khai và những lời khai tiếp theo tại Toà án những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trình bày:
1. Người đại diện theo uỷ quyền của UBND huyện LN - Ông Mai Văn E trình bày:
Sau khi nghiên cứu, xem xét hồ sơ, tài liệu liên quan tôi có ý kiến như sau: Ngày 30/8/1999, UBND huyện LN ban hành Quyết định số 351/QĐ-UB V/v cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho 712 hộ gia đình, cá nhân với tổng số 1098 giấy chứng nhận, trong đó có hộ ông Trần Văn P được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ 00866 với diện tích 20.000m 2 đất RTS tại lô 1a, thời hạn sử dụng tháng 11/2045, tại thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện LN. Trong quá trình lập hồ sơ, xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định 351/QĐ-UB nêu trên được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đồng thời không có khiếu nại, khiếu kiện gì.
Theo kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện LN thực hiện ngày 12/5/2020 thì thửa đất của hộ ông Trần Văn P (nay ông P đã chết, con ông là Trần Văn A làm đại diện) đang tranh chấp với ông Lục Văn B, Lục Văn C có diện tích là 21.117,5m2, nhiều hơn so với Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho hộ ông Trần Văn P là 1.117,5m2. Việc chênh lệch diện tích là do phương pháp đo đạc (trước đo bằng phương pháp thủ công, nay đo đạc bằng máy điện tử có độ chính xác cao hơn).
Đề nghị Toà án nhân dân huyện LN xem xét các tài liệu, chứng cứ để phán xét mang lại sự công bằng cho nhân dân. Do công việc bận, ông đề nghị được vắng mặt phiên tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải tại Tòa án, đồng thời xin vắng mặt tại tất cả các phiên xét xử của Tòa án.
2. Người đại diện theo uỷ quyền của Hạt kiểm lâm huyện LN ông Đào Văn G trình bày:
Sau khi nghiên cứu xem xét hồ sơ, tài liệu có liên quan xác định như sau: Trong năm 1995 thực hiện kế hoạch giao đất lâm nghiệp theo Nghị định số 02/CP, ngày 15/1/1994 của Chính phủ, ban hành bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Hạt Kiểm lâm huyện LN đã thực hiện kế hoạch giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình tại xã Đèo Gia nói riêng cũng như trên địa bàn huyện nói chung đều đúng theo quy định của pháp luật.
Việc giao đất lâm nghiệp cho hộ ông Trần Văn P, thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia năm 1995 cũng như các hộ gia đình khác cùng thời điểm đều được giao trực tiếp ngoài thực địa và được khoanh vẽ trên bản đồ địa hình bằng phương pháp khoanh góc đối diện, đường ranh giới các lô đất cơ bản dựa trên địa hình theo đường dông, đường khe hoặc lấy mốc từ những tảng đá lớn ... là chính cho nên tương đối dễ nhận biết. Nguồn gốc đất lúc giao cơ bản là đất trống đồi núi trọc, hoặc đất trống có cây rừng tái sinh và cây bụi mọc rải rác. Khi đi giao đất ngoài thực địa đều có đầy đủ các thành phần chính như cán bộ địa chính xã, Ban quản lý thôn cùng tất cả các hộ gia đình có nhu cầu nhận đất lâm nghiệp đi cùng, thập trí còn có cả lãnh đạo UBND xã cùng đi. Việc khoanh vẽ bản đồ và tính toán diện tích lô đất lâm nghiệp giao cho các hộ gia đình khi đấy đều được làm thủ công do vậy độ chính xác là không cao như đo bằng các thiết bị điện tử như hiện nay. Việc giao đất lâm nghiệp như những năm 1995 trước đây. Sau khi có kế hoạch giao đất lâm nghiệp, dựa trên quỹ đất lâm nghiệp hiện có của các xã. Hạt Kiểm lâm cùng với UBND xã triển khai công tác giao đất lâm nghiệp đến các địa bàn thôn còn quỹ đất. Ban quản lý thôn đã triển khai tới toàn thể nhân dân trong thôn, sau khi được nghe các chế độ chính sách của nhà nước, các hộ gia đình có nhu cầu nhận đất lâm nghiệp tiến hành làm đơn xin nhận đất lâm nghiệp gửi về ban quản lý thôn và UBND xã. Sau khi tổng hợp hết các đơn xin nhận đất của các hộ gia đình xong. Hạt Kiểm lâm cử các bộ Kỹ thuật xuống phối hợp với UBND xã tiến hành giao đất cho các hộ gia đình. Thời gian thực hiện giao đất ngoài thực địa thường vào giữa hoặc nửa cuối năm mới thực hiện được. Sau khi giao ngoài thực địa song thì các bộ kỹ thuật chuyển về làm nội nghiệp tính toán diện tích và lên bản đồ thành quả, thường là khoảng 1-2 tháng sau mới xong và trình UBND huyện phê duyệt. Sau khi giao đất ngoài thực địa xong đến khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho hộ ông Trần Văn P cũng như các hộ gia đình khác thời gian đấy hầu như không có khiếu nại, khiều kiện gì.
Vậy đề nghị Tòa án nhân dân huyện LN xem xét giải quyết theo quy định.
Do công việc bận, ông xin đề nghị được vắng mặt phiên tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải tại tòa án, đồng thời xin vắng mặt tại tất cả các phiên xét xử của Tòa án.
3. Chị Phùng Thị H trình bày:
Chị nhất trí như ý kiến của anh A chồng chị trình bầy, đất hiện nay tranh chấp là của ông Trần Văn P đã được cấp GCNQSD đất (ông Phú chết năm 2017) để lại cho vợ chồng canh tác sản xuất. Chị đề nghị Toà án LN buộc hộ gia đình ông Lục Văn B phải trả lại cho gia đình diện tích là 9112,5 m2đất, hộ ông Lục Văn C phải trả lại cho gia đình tôi diện tích 2058,5m2 đất trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Trần Văn P; địa chỉ thửa đất thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia , LN. Đối với những loại cây bạch đàn hộ ông C trồng trên đất đã đến tuổi thu hoạch, gia đình ông C thu hoạch để trả lại đất cho gia đình tôi sở hữu, sử dụng, còn đối với cây trên đất của hộ ông B còn nhỏ chưa đến tuổi canh tác đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
Chị uỷ quyền cho anh A đại diện tham gia tố tụng từ đầu cho đến khi giải quyết xong vụ án và xin vắng mặt tại các buổi làm việc tại toà án.
4. Bà Nguyễn Thị L trình bày:
Bà là mẹ của anh Trần Văn A và là vợ ông Trần Văn P (đã chết năm 2017).
Ông Trần Văn P được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ–UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Bà xác định diện tích đất trên là của vợ chồng anh A, bà không đòi hỏi đề nghị gì. Nay hộ gia đình ông B và hộ gia đình ông C lấn chiếm đất phải trả lại cho vợ chồng anh A sử dụng, bà xin vắng mặt tại các buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải và cho đến khi xét xử xong vụ án.
5. Anh Trần Văn P trình bày:
Anh là con của ông Trần Văn P và bà Nguyễn Thị L. Bố anh ông Trần Văn P được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Nay hộ giá đình ông B và hộ gia đình ông C lấn chiếm đất phải trả lại cho vợ chồng anh A con bà sử dụng. Anh đã xây dựng gia đình ở riêng tại thôn Thanh Lương, xã Quang Thịnh, huyện Lạng Giang, tỉnh BG, anh không đòi hỏi yêu cầu gì đối với vợ chồng anh A, xin vắng mặt tại các buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải và cho đến khi xét xử xong vụ án.
6. Anh Trần Văn I trình bày:
Anh là con của anh A bà Triệu, ông nội anh là Trần Văn P được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Nay hộ giá đình ông B và hộ gia đình ông C lấn chiếm đất phải trả lại cho gia đình anh canh tác sản xuất, anh uỷ quyền toàn bộ cho anh A bố anh đại diện, xin vắng mặt tại các buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải và cho đến khi xét xử xong vụ án.
7. Anh Trần Văn K trình bày:
Anh là con của anh Trần Văn A và bà Phùng Thị H. Anh mới lớn lên chưa làm gì phụ giúp được gia đình, đất đai hiện đang tranh chấp anh không biết, anh đã uỷ quyền cho bố anh Trần Văn A đại diện gia đình để giải quyết tranh chấp với các hộ ông Lục Văn B và Lục Văn C. Anh xin vắng mặt tại các buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải và cho đến khi xét xử xong vụ án.
8. Anh Trần Văn M trình bày:
Anh là con ông Phú và bà Năm, bố anh ông Phú được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG vợ chồng anh A có quyền sử dụng, anh đã có gia đình riêng không đòi hỏi gì nữa. Nay hộ gia đình ông B và hộ gia đình ông C lấn chiếm đất phải trả lại cho gia đình vợ chồng anh A canh tác sản xuất, anh xin vắng mặt buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải xét xử.
9. Chị Trần Thị N trình bày:
Chị là con ông Phú và bà Năm, bố chị ông Phú được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ-UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG vợ chồng anh A có quyền sử dụng, chị đã có gia đình riêng không đòi hỏi gì nữa. Nay hộ gia đình ông B và hộ gia đình ông C lấn chiếm đất phải trả lại cho gia đình vợ chồng anh A canh tác sản xuất, chị xin vắng mặt buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải xét xử.
10. Chị Trần Thị O trình bày:
Chị là con ông Phú và bà Năm, bố chị ông Phú được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG vợ chồng anh A có quyền sử dụng, chị đã có gia đình riêng không đòi hỏi gì nữa. Nay hộ gia đình ông B và hộ gia đình ông C lấn chiếm đất phải trả lại cho gia đình vợ chồng anh A canh tác sản xuất, chị xin vắng mặt tại các buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải xét xử.
11. Bà Nịnh Thị Q trình bày:
Bà nhất trí như lời khai của ông B chồng bà trình bày, gia đình bà mua của nhà ông Nịnh Văn Đặng 1ha đất vào năm 2004, khi mua đất hai bên không làm giấy tờ gì, ông Đặng bàn giao đất chỉ danh gới cho ông trên thực địa và giao cho ông bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vợ chồng ông sử dụng ổn định. Năm 2019 phát sinh tranh chấp, khi gia đình ông đảo đất thì gia đình anh A sang đòi đất, danh gới giữa phần đất nhà ông và phần đất nhà anh A có 01 mốc xác định, trên đỉnh núi có 01 cây (cây đã bị chặt) đường kính gốc khoảng 20 – 30 cm, ranh giới cuối thửa đất ở chân núi thì không rõ ràng, không có mốc xác định. Việc mua đất là do vợ chồng bà mua và trồng cây trên đất, các con không liên quan không có công sức đóng góp gì.
Nay anh A khởi kiện đòi vợ chồng bà trả lại diện tích đất theo như kết quả đo đạc với diện tích là 9112,5m2 bà không nhất trí.
12. Anh Lục Văn R trình bày:
Anh là con của ông Lục Văn B và bà Nịnh Thị Q, anh đang ở cùng ông B bà Q. Diện tích đất hiện đang tranh chấp với hộ gia đình anh Trần Văn A thì diện tích đất của gia đình anh có giáp ranh với đất nhà anh A, gia đình anh với gia đình anh A là quan hệ hàng xóm.
Theo như bố mẹ anh khai có được ông Nịnh Văn Đặng (không nhớ năm sinh) chuyển nhượng 10.000m2 đất vào năm 2004, việc chuyển nhượng đất như thế nào anh không biết. Việc anh A khởi kiện đòi trả lại diên tích đất tranh chấp anh không nhất trí, đề nghị Toà án xem xét giải quyết theo quy định. Anh đề nghị Tòa án không mở lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đối với anh.
13. Anh Lục Văn D trình bày:
Anh là con trai của ông Lục Văn C và bà Nịnh Thị V, gia đình anh có diện tích rừng ở thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN liền kề với diện tích rừng của gia đình anh Trần Văn A. Trên phần đất rừng này gia đình anh đã chia thành 03 khoảnh nhỏ để trồng rừng sản xuất, cụ thể: Bố mẹ và anh làm một phần, ông Lục Văn Trường (chú ruột) làm một phần, ông Lục Văn Q (chú ruột) làm một phần. Anh trai Lục Văn Mạnh không trồng rừng ở đây mà làm ở chỗ khác. Phần đất rừng mà anh A đang đòi gia đình anh thuộc khoảnh do bố mẹ và anh trồng. Cây trồng trên đất tất cả đều là bạch đàn. Cây bạch đàn trên phần đất tranh chấp đã được thu 2 đợt, lần này mọc lại đã được 3 năm, bắt đầu thu hoạch được, đường kính gốc khoảng 10cm. Anh làm rừng cùng bố mẹ từ năm 2010. Từ năm 2010, anh không thấy gia đình anh A trồng cây trên đất, phần đất của anh A vẫn bỏ không. Đến khoảng năm 2017 thì anh A mới bắt đầu trồng bạch đàn, anh A chỉ trồng bạch đàn trên một phần đất ở đoạn dưới, còn phía trên thì đến nay vẫn là đất trống. Phần đất anh A trồng cây không lấn chiếm đất của gia đình anh. Về việc anh A kiện đòi gia đình anh diện tích đất là 2058,5m2 thì anh không đồng ý, gia đình anh không trồng cây trên đất của gia đình anh A. Anh đề nghị Tòa án không mở lại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đối với anh.
Tại biên bản xem xét thẩm định ngày 12/5/2020 xác định tài sản tranh chấp như sau:
Diện tích đất cấp cho hộ ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG nay vợ chồng ông Trần Văn A đang canh tác, xác định thực tế gia đình ông Lục Vắn B và Lục Văn C cũng đang canh tác như sau:
Diện tích đất của hộ gia đình ông A nằm ở giữa, một bên là đất gia đình ông B và một bên là đất gia đình ông C đang canh tác; giữa đất gia đình ông B và gia đình ông A không có ranh giới rõ ràng có một mốc giới ở chân núi (đoạn giáp ruộng) là khe cạn; còn mốc giới phía trên đỉnh núi thì không có. Giữa đất gia đình ông C và gia đình ông A đang canh tác không có ranh giới rõ ràng, có 01 mốc giới trên đỉnh núi là gốc cây (đã bị chặt), mốc giới giữa chân núi là hòn đá đường kính khoảng 2m; mốc giới trên đỉnh núi là cây bạch đàn, đường kính gốc khoảng 09 cm; đo theo hiện trạng xác định:
Trên đất tranh chấp giữa nhà ông A và nhà ông B có 230 cây bạch đàn loại đường kính từ 02 – 05 cm;
Trên đất tranh chấp nhà ông A với nhà ông C có 200 cây bạch đàn loại đường kính gốc từ 05 – 10 cm.
Tại biên bản định giá tài sản lập ngày 12/5/2020 xác định giá trị tài sản như sau:
1. Diện tích đất ông Lục Văn B đang sử dụng là 9112,5m2 x 8.000đ/m2 = 72.900.000đ; trên đất có 230 cây bạch đàn (đường kính gốc từ 02 – 05 cm) x 51.000đ/cây = 11.700.000đ;
Cộng là: 84.630.000đ (Tám mươi tư triệu sáu trăm ba mươi nghìn đồng).
2.Diện tích đất tranh chấp của ông Lục Văn C đang sử dụng là 2058,5m2 x 8.000đ/m2 = 16.468.000đ; trên đất có 200 cây bạch đàn (đường kính gốc 05 – 10 cm) x 109.000đ/ cây = 21.800.000đ;
Cộng là: 38.268.000đ (Ba mươi tám triệu hai trăm sáu tám nghìn đồng).
Đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện LN tham gia phiên toà đã phát biểu ý kiến về thủ tục tố tụng của Thẩm phán từ khi thụ lý vụ án, Hội đồng xét xử, Thư ký, các đương sự tại phiên toà và đường lối giải quyết vụ án cụ thể sau:
+ Thủ tục tố tụng: Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký tại phiên toà đúng quy định của pháp luật: Việc giải quyết vụ án từ khi thụ lý tới thời điểm này thấy rằng Thẩm phán thụ lý đúng thẩm quyền tại các Điều 95, 96 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015. Tuy nhiên đối với những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chưa chấp hành theo quy định tại các Điều 70 và Điều 73 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
+ Điều luật áp dụng: Áp dụng Điều 4, Điều 5, Điều 100, Điều 166, Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 91, Điều 93, Điều 147, Điều 149, Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự;
điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/UBTVQH 14, ngày 30/12/2016, Nghị quyết của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Toà án;
Xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn ông Trần Văn A.
+ Buộc hộ ông Lục Văn B phải trả lại cho hộ gia đình ông Trần Văn A diện tích 9112,5m2 đất trị giá 72.900.000đ; trong giấy CNQSD đất của hộ ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Hộ gia đình ông Trần Văn A được sử dụng 230 cây bạch đàn (đường kính gốc từ 02 - 05 cm) do hộ gia đình ông B trồng trị giá 11.700.000đ.
Nhưng hộ gia đình ông Trần Văn A phải có nghĩa vụ trả tiền giá trị 230 cây bạch đàn cho hộ gia đình ông B trị giá 11.700.000đ.
Buộc hộ gia đình ông Lục Văn C phải khai thác thu hoạch 200 cây bạch đàn(đường kính gốc 05 - 10 cm) trên đất, để trả lại cho hộ ông Trần Văn A diện tích là 2058,5m2 đất trị giá 16.468.000đ; trong giấy CNQSD đất của hộ ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 đất, địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
+ Về chi phí tố tụng: Buộc hộ ông Lục Văn B và hộ ông Lục Văn C phải có nghĩa vụ liên đới trả lại cho ông Trần Văn A số tiền 8.900.000đ (Tám triệu chín trăm nghìn đồng) cụ thể:
Hộ ông Lục Văn B phải trả cho ông Trần Văn A số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đông).
Hộ ông Lục Văn C phải trả cho ông Trần Văn A số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng chẵn).
+ Án phí: Ông Trần Văn A và các bị đơn ông Lục Văn B, Lục Văn C đều là hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nên được miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và được thẩm tra tại phiên toà, căn cứ vào kết quả hỏi và tranh tụng tại phiên toà. Sau khi thảo luận và nghị án Hội đồng xét xử Toà án nhân dân huyện LN nhận định:
[1] Thủ tục tố tụng: Ông Mai Văn E đại diện cho UBND huyện LN; ông Đào Văn G đại diện cho Hạt kiểm lâm huyện LN, chị Trần Thị O, chị Trần Thị N, anh Trần Văn M, Trần Văn K, Trần Văn I, Trần Văn P, Nguyễn Thị L, Phùng Thị H đều xin vắng mặt tại các buổi tiếp cận công khai chứng cứ, hoà giải và cho đến khi xét xử xong vụ án.
Ông Lục Văn S, sinh năm 1937, bà Hoàng Thị T, sinh năm 1938 đều là bố mẹ của bị đơn ông Lục Văn C, bà Nịnh Thị V, sinh năm 1962 là vợ ông Lục Văn C và ông Lục Văn C đều uỷ quyền toàn bộ cho anh Lục Văn D đại diện.
Đối với ông Nịnh Văn Đặng theo ông Lục Văn B khai vào năm 2004, ông được Đặng bán cho 01 ha đất (10.000m2), quá trình giải quyết xác định ông Nịnh Văn Đặng là người liên quan trong vụ án, nhưng qua xác minh theo sổ sách lưu trữ Hk11 (lập năm 2011) của Công an xã Đèo Gia, huyện LN thì không có tên ông Nịnh Văn Đặng từ năm 2011 đến nay, ông Nịnh Văn Đặng không đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
Đối với ông Lục Văn C trình bày gia đình ông cũng đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Toà án yêu cầu và ấn định thời gian cho ông C, giao nộp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Toà án, nhưng cho đến nay ông C cũng không cung cấp.
Các bị đơn và những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều không có mặt, phiên toà đã phải hoãn đến lần hai và cho đến hôm nay vẫn vắng mặt.
Căn cứ Điều 227, Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, Toà án xét xử theo thủ tục chung.
[2] Quan hệ tranh chấp: Ông Trần Văn A khởi kiện đối với ông Lục Văn B và Lục Văn C lấn chiếm đất của hộ gia đình ông đã được cấp GCNQSD đất, các đương sự đều có hộ khẩu thường trú tại thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia , huyện LN, tỉnh BG. Xác định đây là vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” theo quy định tại khoản 9 Điều 26 và Điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết tại Toà án nhân dân huyện LN, nên được xem xét về nội dung vụ án.
[3] Nội dung vụ án: Năm 1995 thực hiện kế hoạch giao đất lâm nghiệp theo Nghị định số 02/CP, ngày 15/01/1994 của Chính phủ, ban hành bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp. Để thực hiện nghị định trên, Hạt Kiểm lâm huyện LN đã phối hợp cùng với các ban ngành, thôn, bản của xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG giao đất lâm nghiệp cho các hộ gia đình tại xã Đèo Gia nói riêng cũng như trên địa bàn huyện nói chung theo quy định.
Qua đó thấy việc giao đất lâm nghiệp cho hộ ông Trần Văn P, trú tại thôn Cống Luộc, xã Đèo Gia năm 1995 cũng như các hộ gia đình khác trong thôn xã cùng thời điểm đều được giao trực tiếp ngoài thực địa và được khoanh vẽ trên bản đồ địa hình bằng phương pháp khoanh góc đối diện, đường ranh giới các lô đất cơ bản dựa trên địa hình theo đường dông, đường khe hoặc lấy mốc từ những tảng đá lớn... Nguồn gốc đất lúc giao cơ bản là đất trống đồi núi trọc, hoặc đất trống có cây rừng tái sinh và cây bụi mọc rải rác. Khi đi giao đất ngoài thực địa đều có đầy đủ các thành phần như cán bộ địa chính xã, Ban quản lý thôn cùng tất cả các hộ gia đình có nhu cầu nhận đất lâm nghiệp đi cùng.
Hộ ông Trần Văn P (ông Phú chết năm 2017), được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Khi ông Phú còn sống thì vợ chồng ông A con ông Phú vẫn thường xuyên canh tác sản xuất trên mảnh đất này.
Năm 2016, gia đình ông A phát hiện hộ gia đình ông Lục Văn B và Lục Văn C có lấn chiếm đất của gia đình, gia đình ông A đã viết đơn đề nghị UBND xã Đèo Gia giải quyết về việc hộ ông C và ông B lấn chiếm đất, nhưng cũng không giải quyết được. Nay ông A khởi kiện đề nghị Toà án buộc hộ ông Lục Văn B phải trả lại diện tích lấn chiếm là 9112,5m2 đất và hộ ông C diện tích lấn chiếm là 2058,5m2 đất trong GCNQSD đất được cấp cho hộ ông Trần Văn P, do UBND huyện LN cấp số 00866/QSDĐ/351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG.
Theo kết quả đo đạc thực tế thì thấy ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG nay vợ chồng ông Trần Văn A canh tác sử dụng thì thấy:
Đối với diện tích đất của hộ gia đình ông Trần Văn P được cấp nay vợ chồng ông A đang canh tác nằm ở giữa, một bên gia đình ông B và một bên là gia đình ông C đang canh tác; giữa đất gia đình ông B và gia đình ông A không có ranh gới rõ ràng có một mốc giới ở chân núi (đoạn giáp ruộng) là khe cạn; còn mốc giới phía trên đỉnh núi thì không có. Giữa đất của gia đình ông C và gia đình ông A không có ranh giới rõ ràng, có 01 mốc giới trên đỉnh núi là gốc cây (đã bị chặt), mốc giới giữa chân núi là hòn đá đường kính khoảng 2m; mốc giới trên đỉnh núi là cây bạch đàn, đường kính gốc khoảng 09 cm; theo kết quả đo đạc hiện trạng hiện trạng trên thực địa xác định:
Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Trần Văn P được cấp hiện nay hộ ông Lục Văn B đang canh tác lấn chiếm sử dụng là 9112,5m2 đất trị giá 72.900.000đ; trên đất có 230 cây bạch đàn (đường kính gốc từ 02 – 05 cm) trị giá 11.700.000đ;
Trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của hộ ông Trần Văn P được cấp hiện nay hộ ông Lục Văn C đang canh tác lấn chiếm sử dụng là 2058,5m2 đất trị giá 16.468.000đ; trên đất có 200 cây bạch đàn (đường kính gốc 05 – 10 cm) trị giá 21.800.000đ;
Như vậy diện tích được cấp trong GCNQSD đất là 20.000m2 , nhưng theo kết quả đo đạc hiện trạng thửa đất thì diện tích thửa đất của hộ ông Trần Văn P mà vợ chồng ông A đang canh tác với diện tích đất ông Lục Văn B, ông Lục Văn C đang canh tác cộng lại có tổng diện tích là 21.117,5m2 đất, diện tích nhiều hơn so với giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho hộ ông Trần Văn P là 1.117,5m2. Việc chênh lệch diện tích trên đại diện cho UBND huyện và đại diện cho Hạt kiểm lâm huyện LN đều có quan điểm là do phương pháp đo đạc trước đây đo bằng phương pháp thủ công, nay đo đạc bằng máy điện tử có độ chính xác cao hơn, diện tích đất tăng trên theo tỷ lệ được cho phép.
Tại phiên toà hôm nay, nguyên đơn ông Trần Văn A vẫn giữa nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Toà án buộc phía bị đơn hộ ông Lục Văn B và hộ ông Lục Văn C phải trả lại diện tích theo kết quả trích đo để gia đình canh tác sản xuất, lời khai của các bị đơn không nhát trí, các đương sự không thoả thuận được với nhau.
Quan điểm của UBND huyện và Hạt kiểm lâm huyện LN cũng đã khẳng định rằng: Trong quá trình lập hồ sơ, xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Quyết định 351/QĐ-UB (H), ngày 30/8/1999 nêu trên được thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục quy định, đồng thời không có khiếu nại, khiếu kiện gì.
Hội đồng xét xử xét thấy: Trong quá trình giải quyết ông Lục Văn B trình bầy được ông Nịnh Văn Đặng chuyển nhượng và đã xuất trình Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nịnh Văn Đặng tại số sổ 00983/ QSDĐ/351/QĐ – UB (H) ngày 30/8/1999, tại thửa lô 2a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 12/2045 với diện tích là 10.000m2 đất , địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG. Nhưng trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên ông Nịnh Văn Đặng chưa hề thể hiện ông Nịnh Văn Đặng chuyển nhượng đất cho ông Lục Văn B theo qui định.
Theo sơ đồ diện tích đất ông Đặng (ông B canh tác) được cấp liền kề giáp danh với hộ ông Trần Văn P (anh A canh tác), còn đối với hộ ông Lục Văn C diện tích đất cũng liền kề. Do vậy xác định các bên đương sự canh tác, sử dụng đã lấn chiếm sang đất của nhau, nay ông A khởi kiện đòi hộ ông B và hộ ông C phải trả lại diện tích đất lấn chiếm là có căn cứ.
Buộc hộ ông Lục Văn B phải trả lại cho hộ gia đình ông Trần Văn A diện tích 9112,5m2 đất trị giá 72.900.000đ; trong giấy CNQSD đất của hộ ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 đất, địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG có các cạnh góc ABC cụ thể: AB = 72,8m; AC = 27, 2m + 95,2 m + 204,8m; BC = 110,5m + 202,8m.
Hộ gia đình ông Trần Văn A được sử dụng 230 cây bạch đàn (đường kính gốc từ 02 - 05 cm) do hộ gia đình ông B trồng trị giá 11.700.000đ.
Nhưng buộc hộ gia đình ông Trần Văn A phải có nghĩa vụ trả tiền giá trị 230 cây bạch đàn cho hộ gia đình ông B trị giá 11.700.000đ.
Đối với diện tích là 2058,5m2 đất trị giá 16.468.000đ hiện hộ gia đình ông Lục Văn C đang canh tác, trên đất có 200 cây bạch đàn (đường kính gốc 05 - 10 cm) trị giá 21.800.000đ, đã đến tuổi khai thác thu hoạch được, do vậy buộc hộ gia đình ông Lục Văn C phải khai thác thu hoạch 200 cây bạch đàn trên đất để trả lại cho hộ ông Trần Văn A diện tích là 2058,5m2 đất trị giá 16.468.000đ; trong giấy CNQSD đất của hộ ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG có các cạnh góc DĐE cụ thể như sau: DĐ = 33,6m; DE = 135,7m; ĐE = 47.0m + 17,4m + 24,3m + 25,2m + 12,0m.
Đối với diện tích đất (1.117,5m2) tăng hơn so với GCNQSD đất sau này anh A liên hệ với cơ quan chuyên môn để cấp giấy theo quy định.
[5] Án phí: Do yêu cầu của ông Trần Văn A là nguyên đơn khởi kiện được chấp nhận, còn đối với bị đơn ông Lục Văn C và Lục Văn B không được chấp nhận lẽ ra phải chịu án phí có giá ngạch so với giá trị tài sản khởi kiện phải chịu. Nhưng ông Trần Văn A, Lục Văn C và Lục Văn B đều là hộ cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế quá khó khăn theo quy định của Chính phủ. Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Toà án. Nên miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Trần Văn A, ông Lục Văn B và ông Lục Văn C.
[6] Chi phí tố tụng: Ông Trần Văn A đã phải tạm ứng chi cho việc thẩm định và định giá tài sản là 4.700.000đ và tiền lấy kết quả trích đo theo hoá đơn tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện LN là 4.200.000đ. Tổng cộng là 8.900.000đ (Tám triệu chín trăm nghìn đồng chẵn). Khoản tiền này do yêu cầu khởi kiện của anh A được chấp nhận nên ông B và ông C mỗi người phải chịu ½ số tiền trên là 4.450.000đ để trả lại cho ông A cụ thể:
Buộc hộ ông Lục Văn B phải trả cho ông Trần Văn A số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng);
Buộc hộ ông Lục Văn C phải trả cho ông Trần Văn A số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng);
[7] Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn, người liên quan có quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Áp dụng: Các Điều 4, Điều 5, Điều 100, Điều 166, Điều 202 và Điều 203 Luật Đất đai năm 2013; Điều 138, Điều 166, Điều175, Điều 579 và Điều 688 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 91, Điều 93, Điều 149, Điều 156, Điều 165, Điều 227, Điều 228, Điều 271, Điều 273 và Điều 280 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí lệ phí Toà án;
Xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Trần Văn A.
1.1. Buộc hộ gia đình ông Lục Văn B phải trả cho hộ ông Trần Văn A diện tích là 9112,5m2 đất trị giá 72.900.000đ (Bẩy mươi hai triệu chín trăm nghìn đồng chẵn); trong GCNQSD đất hộ ông Trần Văn P được UBND huyện LN cấp số 00866/QSDĐ/ 351 QĐ - UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 đất địa chỉ thửa đất thôn Đèo Gia, xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG, có các cạnh góc ABC cụ thể: AB = 72,8m; AC = 27, 2m + 95,2 m + 204,8m; BC = 110,5m + 202,8m. Hộ ông Trần Văn A có quyền trông nom sử dụng 230 cây bạch đàn (đường kính gốc từ 02 - 05 cm) trị giá 11.700.000đ (Mười một triệu bẩy trăm nghìn đồng).
Buộc hộ ông Trần Văn A phải có nghĩa vụ trả tiền 230 cây bạch đàn trị giá 11.700.000đ (Mười một triệu bẩy trăm nghìn đồng) cho hộ ông Lục Văn B.
1.2. Buộc hộ gia đình ông Lục Văn C phải khai thác thu hoạch 200 cây bạch đàn (đường kính gốc 05 - 10 cm) trên đất trị giá 21.800.000đ ( Hai mươi mốt triệu tám trăm nghìn đồng), để trả lại cho hộ ông Trần Văn A diện tích là 2058,5m2 đất trị giá 16.468.000đ (Mười sáu triệu bốn trăm sáu mươi tám nghìn);
trong giấy CNQSD đất của hộ ông Trần Văn P, được UBND huyện LN cấp số 00866/QSDĐ/351 QĐ – UB (H), ngày 30/8/1999 tại thửa lô 1a, mục đích sử dụng rừng tái sinh (RTS), thời hạn sử dụng tháng 11/2045 với diện tích là 20.000m2 đất, địa chỉ thửa đất tại xã Đèo Gia, huyện LN, tỉnh BG, có các cạnh góc DĐE cụ thể như sau: DĐ = 33,6m; DE = 135,7m; ĐE = 47.0m + 17,4m + 24,3m + 25,2m + 12,0m.
(Có sơ đồ đo đạc hiện trạng thửa đất kèm theo bản án) Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất hai bên thỏa thuận nhưng không được vượt quá 20%/năm; nếu không có thỏa thuận thì mức lãi suất 10%/năm tương ứng với thời gian chưa thi hành án.
2. Án phí: Miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm cho ông Trần Văn A, ông Lục Văn B và ông Lục Văn C.
3. Chi phí tố tụng: Buộc hộ ông Lục Văn B và hộ ông Lục Văn C phải có nghĩa vụ liên đới trả lại cho ông Trần Văn A tổng số tiền 8.900.000đ (Tám triệu chín trăm nghìn đồng) cụ thể:
Hộ ông Lục Văn B phải trả cho ông Trần Văn A số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng).
Hộ ông Lục Văn C phải trả cho ông Trần Văn A số tiền 4.450.000đ (Bốn triệu bốn trăm năm mươi nghìn đồng).
4. Quyền kháng cáo: Đương sự có mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đương sự vắng mặt có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án tống đạt hợp lệ.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người thi hành án phải tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7a, 7b, 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 16/2020/DS-ST ngày 14/08/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 16/2020/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Lục Ngạn - Bắc Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 14/08/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về