Bản án 16/2019/KDTM-ST ngày 28/05/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

BẢN ÁN 16/2019/KDTM-ST NGÀY 28/05/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG

Trong các ngày 24 và 28/5/2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xét xử sơ thẩm công khai vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 09/2016/TLST-KDTM ngày 18/3/2016, về việc “Tranh chấp hợp đồng tín dụng”. Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm số 103/2019/QĐXXST-KDTM ngày 19/4/2019; Quyết định hoãn phiên tòa số 130/2019/QĐST-KDTM ngày 07/5/2019, giữa:

Nguyên đơn: Ngân hàng TMCP C

Trụ sở: Số 108 phố T, quận H, thành phố Hà Nội Người đại diện theo pháp luật: Ông Lê Đức T - Chủ tịch Hội đồng quản trị

Người đại diện theo ủy quyền: Bà Đỗ Thị Bích M, ông Dương Quang T, ông Nguyễn Việt T, bà Nguyễn Thu T, ông Lê Chiến T, ông Lương Trung H, bà Đỗ Ngọc A (Giấy ủy quyền số 104/UQ-HĐQT-NHCT18 ngày 18/02/2019)

Bị đơn: Công ty TNHH T

Trụ sở: Số 21, phố T, phường T, quận H, thành phố Hà Nội

Người đại diện theo pháp luật: Bà Lê Thị T - Chức vụ: Giám đốc Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

Bà Lê Thị T1 sinh 1967, ông Đỗ Anh T2 sinh 1964, anh Đỗ Thành A sinh 1993, chị Đỗ Thảo N sinh 1999 Cùng trú tại: Số 21, phố T, phường T, quận H, thành phố Hà Nội

(Ông Chiến T, ông H có mặt tại phiên tòa; Bị đơn và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan gồm bà T1, ông T2, anh A, chị N vắng mặt lần thứ 2)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các lời khai của Nguyên đơn có nội dung:

Ngân hàng TMCP C (Gọi là Ngân hàng) có ký kết 02 Hợp đồng tín dụng với Công ty TNHH T (Gọi là Công ty T). Nội dung các hợp đồng thể hiện việc Ngân hàng cho Công ty T vay tiền để thanh toán tiền mua bánh kẹo các loại với Công ty Bánh kẹo H; Thời hạn cho vay là 04 tháng; Lãi suất cho vay thả nổi, lãi quá hạn bằng 150% lãi cho vay trong hạn.

Thực hiện thỏa thuận, Ngân hàng tiến hành giải ngân cho Công ty T số tiền vay theo các Hợp đồng, cụ thể như sau:

STT

Số HĐ

Khế ước vay

Ngày giải ngân

Số tiền vay

Thời hạn trả nợ

1

01.08/2012

01

01/8/2012

1.683.000.000

03/12/2012

2

2009/2012

01

20/9/2012

80.000.000

21/01/2012

02

25/09/2012

100.000.000

25/01/2013

03

28/9/2012

75.000.000

28/01/2013

04

01/10/2012

100.000.000

04/02/2013

05

19/10/2012

130.000.000

19/02/2012

06

24/10/2012

110.000.000

25/02/2012

07

01/11/2012

85.000.000

01/03/2013

08

10/11/2012

304.000.000

11/3/2013

09

15/11/2012

450.000.000

15/3/2013

10

21/11/2012

366.000.000

21/3/2013

Tổng cộng

3.483.000.000

Tài sản bảo đảm cho các khoản vay của 02 Hợp đồng tín dụng nêu trên là toàn bộ ngôi nhà 01 tầng diện tích 25,3m2 gn liền với đất và giá trị quyền sử dụng 45,1m2 tại số 21, phố T, quận H, Hà Nội thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà Lê Thị T1 và ông Đỗ Anh T2. Đến thời điểm xét xử, Công ty T mới thanh toán được một phần nợ như sau:

Hp đồng số 01/08/2013: Trả được 341.000.000đ (gốc) + 87.103.611đ (lãi). Hợp đồng số 2009.2012: Trả được 326.000.000đ (gốc) và 34.923.236 (lãi) sau đó không trả nữa. Ngân hàng khởi kiện yêu cầu Công ty T phải thanh toán trả các khoản tiền gốc của 02 hợp đồng là: 2.816.000.000đ (gốc) và tiền lãi trong hạn: 1.995.803.097đ cùng tiền lãi chậm thanh toán: 955.547.417đ. Tổng cộng: 5.767.350.514đ. Trường hợp Công ty không trả được nợ thì đề nghị cho xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Bà Lê Thị T1 - Người đại diện theo pháp luật của Công ty TNHH T và là người thế chấp tài sản bảo đảm cho các khoản vay của Công ty T tại Ngân hàng vắng mặt tại tất cả các buổi làm việc ở Tòa án, chống đối không cho Hội đồng kiểm tra tại chỗ vào kiểm tra tài sản thế chấp, không khai báo, không xuất trình tài liệu chứng cứ theo yêu cầu của Tòa án. Bà T1 có bản tự khai duy nhất tại Tòa án quận Hai Bà Trưng có nội dung: Công ty T đã vay vốn của Ngân hàng từ năm 2008. Suốt thời 6 năm vay vốn của Ngân hàng (2008- 2013) từng tháng, từng năm Công ty đã nộp đầy đủ tiền lãi cho Ngân hàng ước tính khoảng 3.000.000.000đ. Do khủng hoảng kinh tế toàn cầu, Công ty gặp khó khăn, công nhân mất việc làm, Công ty đóng cửa nhưng Ngân hàng đã thu trước hạn 1 khoản nợ gốc 800.000.000đ. Kể từ khi Công ty không nộp được tiền lãi thì Ngân hàng dùng nhiều biện pháp lý tài sản thế chấp: Dán giấy quanh nhà, phát mại tài sản, về UBND phường Trương Định bán đấu giá tài sản…trên báo Hà Nội mới. Yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng về 02 khoản vay của Công ty T tại các Hợp đồng tín dụng số 0108.2012 ngày 01/8/2012 và 2009 ngày 20/9/2012 cùng với tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất tại số 21, phố T, phường T, quận H, Hà Nội đề nghị Tòa án xem lại vì đây là hợp đồng tái cơ cấu.

Đi với nhà đất thế chấp số 21, phố T thì nhà đứng tên vợ chồng bà T1 - ông T2 trên giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu nhưng khi mua nhà, vợ chồng bà không đủ tiền nên chị chồng tên Đỗ Thị Ánh T3 hiện đang định cư tại Cộng hòa Liên bang Đức đã góp thêm cho mua nhà và bỏ toàn bộ tiền ra xây dựng thành nhà 05 tầng như hiện tại với mục đích để kinh doanh và làm ăn chung.

Trước yêu cầu đòi nợ và xử lý tài sản bảo đảm của Ngân hàng, bà T1 đề nghị Tòa án xem xét giúp đỡ Công ty khắc phục hậu quả dần dần tháo dỡ trả tiền vay Ngân hàng và đòi lại sự công bằng cho bà Đỗ Thị Ánh T3 đã đầu tư xây dựng khối tài sản trên mảnh đất đã thế chấp.

Ông Đỗ Anh T2, anh Đỗ Thành A, chị Đỗ Thảo N vắng mặt tại tất cả các buổi làm việc, tại các phiên hòa giải và tiếp cận công khai chứng cứ.

Tại phiên tòa: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị Tòa án buộc Bị đơn phải thanh toán trả toàn bộ số tiền nợ gốc và nợ lãi tính đến ngày xét xử sơ thẩm 24/5/2019. Trường hợp Bị đơn không trả thì đề nghị cho xử lý tài sản bà T1, ông T2 để thu hồi nợ.

Bà T1, ông T2, anh A, chị N vắng mặt tại phiên tòa lần thứ hai.

Đi diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án có nội dung chính:

Tòa án thụ lý, giải quyết vụ án theo Quyết định chuyển vụ án từ Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng. Vụ án bị kéo dài do Bị đơn và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan chống đối, không bao giờ có mặt tại Tòa án, chính đại diện Viện Kiểm sát thành phố Hà Nội đã nhiều lần phải đồng hành cùng thẩm phán và thư ký Tòa án Hà Nội tiến hành đi tống đạt và niêm yết các văn bản tố tụng của Tòa án cho Bị đơn và người liên quan nhưng đều bị chống đối, không cho Hội đồng kiểm tra tại chỗ vào nhà làm việc. Không có cơ sở xác định nhà đất tại số 21, phố T, quận H là tài sản thuộc sở hữu chung của bà T3, đây là tài sản thuộc sở hữu chung của bà T1 và ông T2 nên việc bà T1, ông T2 thế chấp cho Ngân hàng là hợp pháp. Đề nghị HĐXX chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, buộc Công ty T phải thanh toán toàn bộ số nợ gốc còn thiếu và nợ lãi. Trong trường hợp Bị đơn không trả nợ thì chấp nhận yêu cầu xử lý tài sản bà T1, ông T2 đã thế chấp.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Về tư cách tham gia tố tụng ca bà Đỗ Thị Ánh T3: Bà Lê Thị T1 cho rằng nhà đất thuộc quyền sở hữu của vợ chồng bà tại địa chỉ số 21, phố T, quận H là tài sản chung của cả bà T3 (chị gái ông T2), toàn bộ tiền xây dựng ngôi nhà này cũng là của bà T3 bỏ ra nhưng không có chứng cứ chứng minh. Chỉ dựa vào lời khai này của bà T1, Tòa án nhân dân quận Hai Bà Trưng ban hành Quyết định chuyển vụ án lên Tòa án thành phố Hà Nội giải quyết với lý do “có nhân tố nước ngoài” là không thỏa đáng. Trong suốt quá trình tố tụng tại Tòa án Hà Nội, bà T1 tỏ thái độ bất hợp tác, không chịu khai báo, không chịu đến Tòa, không cho Hội đồng kiểm tra tại chỗ vào xem xét tài sản liên quan đến yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng, không có bất cứ chứng cứ, tài liệu nào nộp cho Tòa để chứng minh việc góp vốn mua nhà hay bỏ tiền ra xây dựng nhà của bà T3.

Khi thế chấp nhà của bà T1, ông T2 là nhà 01 tầng nhưng khi Tòa án kết hợp cùng các cơ quan có thẩm quyền tiến hành kiểm tra tại chỗ (mặc dù không vào được nhà do đương sự chống đối) nhưng đứng ngoài nhìn vào thì ngôi nhà nêu trên là 02 tầng. Tại phiên tòa sơ thẩm, đại diện Ngân hàng trình bày: Khi ông T2, bà T1 thế chấp nhà là 01 tầng nhưng hiện tại nhà đã được xây dựng thêm 01 tầng nữa, khi xây dựng thêm 01 tầng mặc dù đang là cơ quan quản lý tài sản thế chấp nhưng Ngân hàng cũng không được ông T2, bà T1 xin phép xây dựng thêm, quan điểm của Ngân hàng thì tài sản phát sinh sau khi thế chấp vẫn thuộc về Ngân hàng.

Như đã nhận định ở phần trên, giả sử việc bà Tuyết góp tiền vào mua nhà và xây dựng nhà là có thật nhưng đấy chỉ là việc thỏa thuận trong nội bộ của gia đình bà T1, ông T2 và bà T3, về mặt pháp luật thì chỉ bà T1 và ông T2 có quyền sở hữu nhà đất nêu trên nên ông bà tự nguyện thế chấp cho Ngân hàng thì hợp đồng thế chấp là hợp pháp và có hiệu lực thi hành với các bên. Bà T3 không phải là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong vụ án tranh chấp do Ngân hàng khởi kiện. Nếu sau này bà T3 với ông T2, bà T1 có tranh chấp về phần đóng góp xây dựng nhà sẽ được giải quyết bằng vụ án khác khi các bên có đơn yêu cầu và có chứng cứ hợp pháp.

Về thủ tục tố tụng: Bà T1, ông T2 cùng các con mặc dù đã được Tòa án triệu tập hợp lệ tham gia tố tụng nhưng cố tình vắng mặt tại tất cả các buổi làm việc, hòa giải, tiếp cận, công khai chứng cứ và tại phiên tòa là đã tự tước bỏ cơ hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt các đương sự.

Về yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng: Qua nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ do Ngân hàng xuất trình cùng lời khai của Ngân hàng, HĐXX thấy rằng: 02 Hợp đồng tín dụng mà Ngân hàng ký kết cùng Công ty T kèm theo 11 Khế ước nhận nợ của Công ty T, đều được ký kết tự nguyện và đúng thẩm quyền, đúng trình tự, Công ty T đã nhận được đủ số tiền vay theo 02 Hợp đồng đã ký kết. Bà T1 cho rằng Hợp đồng tín dụng số 0108.2012/HĐTD-TT ngày 01/8/2012 và Hợp đồng tín dụng số 2009.2012/HĐTD-TT ngày 20/9/2012 là các hợp đồng tái cơ cấu nhưng không có chứng cứ, chứng minh.

Kiểm tra bảng thuyết trình tính lãi của Ngân hàng đã nộp tại Tòa án, Hội đồng xét xử thấy rằng: Ngân hàng tính lãi theo đúng cam kết về lãi trong từng Hợp đồng tín dụng, mặc dù Khế ước nhận nợ ghi lãi suất cho vay trong hạn 13%/năm nhưng theo Nguyên đơn trình bày đây là mức lãi tại thời điểm giải ngân và được tính thả nổi đúng như quy định trong hợp đồng. Căn cứ các quyết định về điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng từ thời điểm các bên ký kết hợp đồng đến thời điểm xét xử sơ thẩm đã được điều chỉnh đúng như thỏa thuận của hai bên trong hợp đồng nên yêu cầu khởi kiện của Nguyên đơn được chấp nhận. Theo các Hợp đồng tín dụng cùng các Khế ước nhận nợ đã ký kết thì Công ty T đã vi phạm về thời hạn thanh toán nên yêu cầu khởi kiện của Ngân hàng buộc Công ty phải trả tiền vay cả gốc và lãi có căn cứ chấp nhận.

Về yêu cầu xử lý tài sản đối với tài sản thế chấp bảo đảm cho Hợp đồng tín dụng, Hội đồng xét xử thấy rằng: Hợp đồng thế chấp tài sản này đều được ký kết bởi chủ tài sản có quyền sở hữu hợp pháp đối với tài sản đem thế chấp, khi ký kết hợp đồng các chủ thể đều tự nguyện, nội dung thỏa thuận không trái với quy định của pháp luật và đã được công chứng, chứng thực của cơ quan có thẩm quyền nên hợp đồng có hiệu lực thi hành đối với các bên.

Từ những nhận định trên:

Áp dụng khoản 3 Điều 35; Khoản 1 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Áp dụng các Điều 463, 466, 468 - Bộ luật dân sự năm 2015.

Áp dụng Điều 91 Luật các tổ chức tín dụng.

Áp dụng Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án năm 2009.

QUYẾT ĐỊNH

1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc thanh toán nợ theo Hợp đồng tín dụng của Ngân hàng TMCP C đối với Công ty TNHH T.

Công ty TNHH T phải thanh toán trả Ngân hàng TMCP C 2.816.000.000đ (nợ gốc) và 2.016.625.355đ (lãi trong hạn) cùng 965.958.547đ (lãi quá hạn). Tổng cộng: 5.798.583.902đ Kể từ sau ngày xét xử sơ thẩm (24/5/2019) Công ty TNHH T còn tiếp tục phải chịu lãi suất đối với khoản tiền gốc chưa thanh toán theo mức lãi suất quy định tại các Hợp đồng tín dụng và các khế ước nhận nợ đã ký kết.

2. Trường hợp Công ty TNHH T không trả nợ, Ngân hàng có quyền đề nghị Cơ quan có thẩm quyền xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ số 21, phố T, phường T, quận H, thành phố Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở số 10107375015 ngày 02/01/2002, hồ sơ gốc số 18.2002.QĐUB/262.2002 mang tên bà Lê Thị T.

Trường hợp phải xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ thì ngoài các đương sự trong vụ án đang quản lý, sử dụng tài sản thế chấp thì những người đang cùng quản lý, sử dụng tài sản thế chấp hoặc có tên trong sổ hộ khẩu thường trú tại tài sản thế chấp cùng phải có nghĩa vụ chấp hành việc thi hành án.

3. Án phí: Công ty TNHH T phải chịu 113.798.583đ tiền án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm. Hoàn trả Ngân hàng TMCP C 51.580.100đ tiền tạm ứng án phí đã nộp BL 02273 ngày 11/6/2015 tại Chi cục thi hành án dân sự quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.

Các đương sự có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày, Ngân hàng kể từ ngày tuyên án, Công ty TNHH T, bà T1, ông T2, anh A, chị N kể từ ngày nhận hoặc niêm yết bản án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

352
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2019/KDTM-ST ngày 28/05/2019 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:16/2019/KDTM-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nội
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 28/05/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về