Bản án 16/2018/HS-ST ngày 16/03/2018 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TÂN PHÚ, TỈNH ĐỒNG NAI

BẢN ÁN 16/2018/HS-ST NGÀY 16/03/2018 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH ĐKPTGTĐB

Ngày 16 tháng 3 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 12/2018/TLST-HS ngày 31 tháng 01 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 14/2018/QĐXXST-H ngày 01 tháng 3 năm 2018, đối với bị cáo:

Trần Minh K - sinh năm 1996, tại Đồng Nai; Nơi cư trú: Số nhà 199/2/4, Tổ 1, Ấp T, xã S, huyện P, tỉnh Đ; nghề nghiệp: Thợ xây; trình độ học vấn: 07/12; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Thiên chúa; quốc tịch: Việt Nam; con ông Trần Đức H - sinh năm 1967 và bà Lưu Thị Thanh T - sinh năm 1972; bị cáo là con thứ 04 trong gia đình có 07 anh chị em, chưa có vợ con; tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo được tại ngoại. (có mặt)

- Người bị hại: Vũ Thị H - sinh năm: 1934 (chết ngày 25/9/2017)

- Người đại diện hợp pháp của bị hại:

1. Ông Vũ Đức H - sinh năm 1925; Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Đ (vắng).

2. Ông Vũ Đức K - sinh năm 1958; Địa chỉ: Số nhà 139A, đường T, phường L, thành phố B, tỉnh L (vắng).

3. Ông Vũ Kim L - sinh năm 1965; Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện T, tỉnh Đ (vắng).

4. Bà Vũ Thị P - sinh năm 1969; Địa chỉ: Ấp P, xã, huyện T, tỉnh Đ (vắng).

5. Bà Vũ Thị P1 - sinh năm 1980; Địa chỉ: Số nhà 50, Tổ 1, ấp Đ, xã T, huyện T, tỉnh Đ (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Trần Minh K có giấy phép lái xe hạng A1 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cấp ngày 08/6/2015. Vào khoảng 06 giờ 45 phút, ngày 25/9/2017, K điều khiển xe mô tô biển số kiểm soát 60B3-390.87 lưu thông trên đường Đa Tôn hướng ra Quốc Lộ 20 với vận tốc khoảng 35km/h, khi đến km 01+700 thuộc ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú, K quan sát thấy bà Vũ Thị H đi bộ sát mép đường phải cùng chiều ở phía trước, cách đầu xe của K khoảng 15m, K tiếp tục điều khiển xe chạy bình thường để vượt bà H. Tuy nhiên, khi đến gần bà H thì có 02 (hai) xe chạy ngược chiều với K, do sợ va chạm với xe chạy ngược chiều nên K thắng gấp, đồng thời điều khiển xe về phía bên phải theo chiều lưu thông của K, lúc này do đường trơn nên xe mô tô do K điều khiển trượt dài một đoạn, phần tay lái xe mô tô của K đụng vào tay trái của bà H, làm bà H ngã xuống đường, xe mô tô của K mất thăng bằng sau đó cũng ngã xuống đường. Hậu quả vụ tai nạn làm bà H chết khi đang trên đường đi cấp cứu, K bị xây xát nhẹ, xe mô tô hư hỏng nhẹ.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông thể hiện: Mặt đường Đa Tôn rộng 5m10, trời sáng, mặt đường ướt do đã có mưa trước đó. Xe mô tô của K đổ nghiêng về phía bên phải, đầu xe hướng ra Quốc lộ 20, tâm bánh sau cách mép đường phải 1m60, tâm bánh trước cách mép đường phải 1m70, có vết trượt dài 3m60, đầu vết trượt cách mép đường phải 1m30, đuôi vết trượt cách mép đường phải 1m60, vết phanh dài 3m nằm trên phần đường phải; vết máu nằm trên phần đường phải và hành lang đường bộ phải; điểm đụng nằm trên phần đường phải cùng chiều lưu thông của K và bà H.

Tại Kết luận Giám định pháp y về tử thi số 284/TT/2017 ngày 13/10/2017 của Trung tâm Pháp y thuộc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai thể hiện: Nguyên nhân chết của bà H là do chấn thương sọ não gây nứt sọ chẩm trái, chảy máu nội soi.

Sau khi tai nạn xảy ra Bị cáo K và gia đình đã tự nguyện bồi thường cho gia đình người bị hại số tiền là 45.000.000đ, người đại diện hợp pháp cho người bị hại đã nhận đủ số tiền trên và không có yêu cầu gì khác. Đồng thời có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo K.

Tại bản Cáo trạng số 10/CT-VKSTP-ĐN ngày 30 tháng 01 năm 2018 của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú truy tố bị cáo Trần Minh K về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ” theo khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên quan điểm truy tố và đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các điểm b, p khoản 1 Điều 46; khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo hình phạt tù, với mức án từ 06 (sáu) tháng đến 08 (tám) tháng tù; Bị cáo đã thực hiện trách nhiệm dân sự, đại diện hợp pháp của người bị hại không có yêu cầu gì khác, nên đề nghị không xem xét. Ngoài ra đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị Hội đồng xét xử trả lại Giấy phép lái xe cho bị cáo và quyết định về án phí hình sự sơ thẩm.

Tại phiên tòa, K khai nhận vào thời điểm chuẩn bị điều khiển xe vượt bà H, do gương chiếu hậu bị mờ nên bị cáo có quay đầu về phía sau để quan sát phương tiện lưu thông, khi quay đầu lại về phía trước thì mới phát hiện hai xe mô tô chạy ngược chiều, lúc này do khoảng cách quá gần nên bị cáo buộc phải thắng xe gấp và đánh tay lái sang phải, dẫn đến va chạm với bà H. Ngoài ra bị cáo thừa nhận, tại thời điểm xảy ra tai nạn, bà H đang đi bộ sát mép lề đường cùng chiều lưu thông của bị cáo.

Bị cáo nhận thức được hành vi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ của bị cáo như trên là vi phạm pháp luật, không có ý kiến gì về tội danh mà đại diện Viện kiểm sát truy tố. Tuy nhiên, bị cáo có đề nghị xin được hưởng án treo bởi lẽ, bị cáo phạm tội lần đầu, sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo đã tích cực thăm hỏi, động viên và hỗ trợ các chi phí (cấp cứu, mai táng) cho gia đình người bị hại, đại diện hợp pháp của người bị hại có đơn đề nghị miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Bà Vũ Thị P1 thừa nhận, sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo và gia đình bị cáo đến động viên, thăm hỏi gia đình người bị hại và hỗ trợ các chi phí mai táng cho người bị hại với tổng số tiền 45.000.000đ, bà và những người đại diện hợp pháp khác của người bị hại đã đồng ý xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự cho bị cáo, không có yêu cầu gì khác về dân sự. Đối với tội danh và hình phạt mà đại diện Viện kiểm sát đề nghị, bà P1 có ý kiến như sau: Bản thân bị cáo đã nhận thức được hành vi vi phạm, bị cáo có khả năng tự cải tạo, giáo dục nên đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Bà P1 cho biết, những người đại diện hợp pháp khác của người bị hại gồm: ông K, ông L, bà P (là con ruột của người bị hại) đã nhận được giấy triệu tập của Tòa án nhưng do làm ăn xa, có công việc bận, mặt khác đã có ủy quyền cho bà đại diện nên tại phiên tòa hôm nay những người này vắng mặt; ông H (chồng của người bị hại) hiện tuổi cao, trí lực giảm sút, nên cũng không thể tham gia phiên tòa.

Bị cáo nói lời sau cùng như sau: Bị cáo cảm thấy ân hận về hành vi của mình, bị cáo mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng:

Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện Tân Phú, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa bị cáo, những người đại diện hợp pháp của người bị hại không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

Quá trình điều tra, những người đại diện hợp pháp của người bị hại gồm có ông Vũ Đức K, ông Vũ Kim L, bà Vũ Thị P có văn bản ủy quyền cho bà Vũ Thị P1 đại diện (Bút lục số 70, 71, 72), tuy nhiên nội dung và phạm vi ủy quyền không rõ ràng, nên các văn bản ủy quyền này không được chấp nhận. Đối với ông Vũ Đức H (93 tuổi), trí lực đã giảm sút, không đủ minh mẫn để cung cấp lời khai tại Cơ quan điều tra (Bút lục số 82); ông H, ông K, ông L, bà P vắng mặt tại phiên tòa, nhưng quá trình điều tra thể hiện những người này không có yêu cầu gì khác về dân sự, việc vắng mặt những người này không làm ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 191 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, tiến hành xét xử vắng mặt ông H, K, ông L, bà P.

Bị cáo thực hiện hành vi có dấu hiệu của tội phạm vào tháng 9/2017, qua so sánh đối chiếu giữa Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009)Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì khoản 1 Điều 260 Bộ luật Hình sự năm 2015 không có lợi cho bị cáo hơn so với khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999. Do đó, Hội đồng xét xử căn cứ Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 tháng 6 năm 2017 của Quốc Hội, áp dụng Bộ luật Hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) để xét xử bị cáo.

[2] Về tội danh và khung hình phạt:

Tại phiên tòa, bị cáo Trần Minh K thành khẩn khai nhận: Vào khoảng 06 giờ 45 phút, ngày 25/9/2017, bị cáo điều khiển xe mô tô biển số kiểm soát 60B3-390.87 lưu thông theo hướng từ ấp Đa Tôn ra Quốc lộ 20. Khi ra đến km 01+700 thuộc ấp Thanh Trung, xã Thanh Sơn là đoạn đường thẳng, không có chướng ngại vật che khuất tầm nhìn, đường trơn trượt do có mưa trước đó, bị cáo phát hiện bà Vũ Thị H đang đi bộ sát mép lề phải đường, cách đầu xe của bị cáo Khoảng 15m. Bị cáo quay đầu về phía sau để nhìn xe phía sau mình, sau đó điều khiển xe vượt bà H, khi đến gần bà H, bị cáo mới phát hiện hai xe mô tô đang chạy ngược chiều đến. Do sợ va chạm với hai xe mô tô ngược chiều nên bị cáo đạp thắng gấp, đồng thời đánh tay lái sang phải, xe mô tô bị cáo trượt trên đường, phần tay lái bên trái của xe mô tô va đụng vào tay trái của bà H làm bà H té ngã xuống đường. Hậu quả vụ tai nạn làm bà H chết trên đường đi cấp cứu, bị cáo bị xây xước nhẹ, xe mô tô bị hư hỏng nhẹ.

Xét lời khai nhận tội của bị cáo là phù hợp với lời khai của người đại diện hợp pháp của bị hại, biên bản khám nghiệm hiện trường, sơ đồ hiện trường, kết luận giám định pháp y về tử thi và các chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Hành vi thiếu chú ý quan sát, không giảm tốc độ đến mức an toàn trong điều kiện đường trơn trượt khi tham gia giao thông, dẫn đến xảy ra tai nạn của bị cáo đã vi phạm khoản 23 Điều 8 Luật Giao thông đường bộ và khoản 11 Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải, quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng khi tham gia giao thông đường bộ;

Khoản 11 Điều 5 Thông tư số 91/2015/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2015 của Bộ Giao thông vận tải quy định:

“Điều 5: .....Các trường hợp phải giảm tốc độ: Người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ phải giảm tốc độ thấp hơn tốc độ tối đa cho phép (có thể dừng lại một cách an toàn) trong các trường hợp sau:

11. Trời mưa; có sương mù, khói, bụi; mặt đường trơn trượt, lầy lội, có nhiều đất đá, cát bụi rơi vãi”.

Khoản 23 Điều 8 Luật giao thông đường bộ quy định:

“23. Hành vi vi phạm quy tắc giao thông đường bộ, hành vi khác gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông”.

Xét về yếu tố lỗi trong vụ án: Căn cứ vết máu nằm trên phần đường phải và hành lang đường bộ phải để lại trên hiện trường, phù hợp lời thừa nhận tại phiên tòa của bị cáo, có cơ sở xác định rằng, bà H khi tham gia giao thông đã đi sát mép đường phải, chấp hành đúng quy định theo khoản 1 Điều 32 của Luật giao thông đường bộ. Điều 32 Luật giao thông đường bộ quy định: “Người đi bộ phải đi trên hè phố, lề đường; trường hợp đường không có hè phố, lề đường thì người đi bộ phải đi sát mép đường”.

Như vậy, nguyên nhân để xảy ra vụ tai nạn giao thông là hoàn toàn thuộc về bị cáo. Hậu quả vụ tai nạn làm chết một người với lỗi vô ý do cẩu thả. Từ đó, có đủ cơ sở để kết luận hành vi của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự. Cáo trạng số 10/CT-VKSTP-ĐN ngày 30/01/2018, truy tố bị cáo về tội danh và hình phạt như đã nêu trên là đúng người, đúng tội.

[3] Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, việc bị cáo không chấp hành các quy tắc an toàn giao thông đường bộ, không những xâm phạm đến trật tự an toàn giao thông công cộng, mà còn gián tiếp gây thiệt hại đến tính mạng của người tham gia giao thông; việc đưa bị cáo ra xét xử là cần thiết, cần có mức án đủ nghiêm, tương xứng với hậu quả hành vi của bị cáo gây ra nhằm cải tạo, giáo dục bị cáo chấp hành nghiêm pháp luật và răn đe phòng ngừa chung cho xã hội.

[4] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Bị cáo không có tình tiết tặng nặng trách nhiệm hình sự.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; sau khi tai nạn xảy ra, bị cáo đã cùng gia đình đến thăm hỏi gia đình người bị hại, tự nguyện bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả, được người đại diện hợp pháp cho người bị hại bãi nại về dân sự và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo; bị cáo có nhân thân tốt, phạm tội lần đầu. Đây là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được áp dụng cho bị cáo theo quy định tại các điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự.

[6] Về căn cứ quyết định hình phạt:

Bị cáo đã thực sự ăn năn, hối cải, nhận ra lỗi lầm, bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Do đó, Hội đồng xét xử xét áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999, xử phạt bị cáo mức án dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà khoản 1 Điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định.

Tại phiên tòa, người đại diện hợp pháp của người bị hại (bà P1) và bị cáo cùng có đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo, đồng thời xem xét cho bị cáo được hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Như đã nhận định ở trên, bị cáo phạm tội với lỗi do vô ý, có nhiều tình tiết giảm nhẹ, không có tình tiết tăng nặng, được đại diện hợp pháp của người bị hại đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, đáng được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Tại khoản 3 Điều 29 Bộ luật Hình sự năm 2015 còn quy định: “Người thực hiện tội phạm nghiêm trọng do vô ý hoặc tội phạm ít nghiêm trọng gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm hoặc tài sản của người khác, đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và được người bị hại hoặc người đại diện hợp pháp của người bị hại tự nguyện hòa giải và đề nghị miễn trách nhiệm hình sự, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự”.

Tuy nhiên, lỗi để xảy ra tai nạn giao thông trong vụ án này hoàn toàn thuộc về bị cáo, hậu quả xảy ra là nghiêm trọng. Việc cho bị cáo được hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự cho bị cáo trong tình hình tai nạn giao thông và các vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đang ngày càng gia tăng trên địa bàn huyện là không phù hợp, không đủ sức để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội. Do đó, đề nghị được hưởng án treo của bị cáo và đề nghị xin cho bị cáo được hưởng án treo hoặc miễn trách nhiệm hình sự của người đại diện hợp pháp cho người bị hại là không có cơ sở chấp nhận.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Người đại diện hợp pháp của người bị hại đã nhận khoản tiền tổng cộng 45.000.000đ (bao gồm các khoản tiền mai táng phí, tổ chức tang lễ và khoản tiền bồi thường thiệt hại). Tại phiên tòa, đại diện hợp pháp của người bị hại (bà P1) không có yêu cầu bổ sung nên Hội đồng xét xử không xem xét. Đối với những người đại diện hợp pháp khác của người bị hại vắng mặt tại phiên tòa, nếu có phát sinh yêu cầu thì có quyền khởi kiện bằng vụ án khác.

[8] Về xử lý vật chứng và các tài liệu khác có tại hồ sơ vụ án: Xe mô tô biển số 60B3 - 390.87 là tài sản hợp pháp của bị cáo K, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai trao trả cho bị cáo là phù hợp quy định của pháp luật; Giấy phép lái xe số 750152009924 của bị cáo K, cần áp dụng khoản 3 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự, trả tài liệu này cho bị cáo.

[9] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào:

- Khoản 1 Điều 202; điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 1999 (Sửa đổi, bổ sung năm 2009);

- Khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136; Điều 191 Bộ luật Tố tụng hình sự; Điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

1. Tuyên bố bị cáo Trần Minh K phạm tội: “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”.

Xử phạt bị cáo Trần Minh K 04 (bốn) tháng tù. Thời hạn tù của bị cáo được tính từ ngày bị cáo chấp hành án.

2. Trả lại cho bị cáo Giấy phép lái xe số 750152009924 do Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai cấp ngày 08 tháng 6 năm 2015 (Tài liệu hiện được Tòa án lưu giữ theo biên bản giao nhận 31/01/2018 giữa Tòa án và Viện kiểm sát nhân dân huyện Tân Phú, khi án có hiệu lực pháp luật sẽ tiến hành trao trả cho bị cáo).

3. Về án phí: Buộc bị cáo Trần Minh K phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự năm 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014).

4. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bà P1 được quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày tuyên án; ông Hạnh, ông Kiểm, ông Lương, bà Phương được quyền kháng cáo trong hạn 15 (mười lăm) ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

261
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2018/HS-ST ngày 16/03/2018 về tội vi phạm quy định ĐKPTGTĐB

Số hiệu:16/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Phú - Đồng Nai
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 16/03/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về