Bản án 16/2017/KDTM-PT ngày 31/07/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

BẢN ÁN 16/2017/KDTM-PT NGÀY 31/07/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG TÍN DỤNG 

Ngày 31 tháng 7 năm 2017, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 08/2017/TLPT-KDTM ngày 15 tháng 5 năm 2017 về việc tranh chấp hợp đồng tín dụng.

Do Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện I, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 463/2017/QĐ-PT ngày 26 tháng 6 năm 2017 và Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số 566/2017/QĐ-PT ngày 20 tháng 7 năm 2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Ngân hàng A, địa chỉ: Số 2 Đường B, quận C, thành phố Hà Nội.

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn: Ông D, chức vụ: Trưởng phòng Kế hoạch kinh doanh Chi nhánh Ngân hàng A (theo Giấy ủy quyền số ngày17/7/2017). Có mặt.

2. Bị đơn: Bà E, sinh năm 1967 và ông F, sinh năm 1967; cùng địa chỉ: Thôn G, xã H, huyện I, thành phố Hải Phòng. Bà E có mặt, ông F vắng mặt.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn: Ông J, sinh năm 1964, địa chỉ: Số37/78/430 Đường K, Quận L, thành phố Hải Phòng (theo Giấy ủy quyền ngày 31/10/2016). Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông M - Luật sư Văn phòng Luật sư N thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng. Có mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Văn phòng Công chứng O, địa chỉ: Số 42 đường P, Phố Q, thị trấn I, huyện I, thành phố Hải Phòng.

Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Bà R, Công chứng viên, Trưởng văn phòng đại diện. Vắng mặt.

4. Người kháng cáo: Bị đơn bà E và ông F.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1.  Tóm tắt nội dung, quyết định của Tòa án cấp sơ thẩm

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ thể hiện:Ngày 19/7/2014, Chi nhánh Ngân hàng A tại huyện I, Hải Phòng (viết tắt là Ngân hàng I) và bà E (đã được chồng là ông F ủy quyền, theo Giấy ủy quyền ngày 21/11/2013) ký kết Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-2014 30201/HĐTD với nội dung: số tiền vay là 300.000.000 đồng; mục đích vay: mua thóc; thời hạn vay 12 tháng, 11%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay đã thỏa thuận. Để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả vốn vay và các chi phí phát sinh theo hợp đồng nêu trên, hai bên ký kết Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 được xác nhận bởi Ủy ban nhân dân (viết tắt là UBND) xã H, huyện I. Theo đó tài sản bảo đảm cho khoản vay nêu trên là 618 m2 đất và toàn bộ các tài sản gắn liền với đất tại thôn G, xã H, huyện I, Hải Phòng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859 do UBND huyện I cấp ngày 0Q/1997 cho ông F. Giá trị định giá tài sản thế chấp là 660.000.000 đồng. Ngày 14/7/2015, bà E đã trả nợ cho Ngân hàng I toàn bộ số tiền gốc, lãi của Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-2014 30201/HĐTD và hai bên đã thanh lý hợp đồng.

Cùng ngày 14/7/2015, Ngân hàng I và vợ chồng bà E, ông F ký kết hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-2015 02961 với nội dung: số tiền vay là 300.000.000 đồng; mục đích vay: kinh doanh mua bán thóc; thời hạn vay 12 tháng kể từ ngày rút tiền vay lần đầu; trả gốc 1 kỳ, trả nợ lãi theo gốc; lãi suất vay: 10%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 150% lãi suất vay trong hạn. Để đảm bảo nghĩa vụ hoàn trả vốn vay và các chi phí phát sinh theo hợp đồng nêu trên, hai bên ký kết Phụ lục hợp đồng thế chấp số 16-07/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 (Kèm theo hợp đồng thế chấp số: 2014TL720, ký ngày 19/7/2014).

Tài sản bảo đảm cho khoản vay nêu trên là 618m2 đất và toàn bộ các tài sản gắn liền với đất tại thôn G, xã H, huyện I, thành phố Hải Phòng theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859 do UBND huyện I cấp ngày 01/5/1997 cho ông F (theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 2014TL720 ngày 19/7/2014). Giá trị định giá tài sản thế chấp là 660.000.000 đồng.

Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho bà E và ông F số tiền 300.000.000 đồng theo Khế ước nhận nợ số 2107-LAV-201502961  ngày 15/7/2015.

Ý kiến của nguyên đơn:

Quá trình thực hiện hợp đồng, bà E và ông F đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Ngân hàng đã liên tục có thông báo và gặp trực tiếp yêu cầu trả nợ nhưng bà E, ông F không trả nợ và cũng không hợp tác với Ngân hàng để xử lý tài sản bảo đảm. Vì vậy, Ngân hàng A yêu cầu Tòa án buộc:

- Bà E, ông F phải trả cho Ngân hàng số tiền tính đến ngày 27/3/2017 là362.541.667 đồng, trong đó: nợ gốc là 300.000.000 đồng; nợ lãi trong hạn: 51.833.333 đồng; nợ lãi quá hạn: 10.708.333 đồng.

- Trường hợp bà E, ông F không thanh toán được khoản nợ nêu trên, Ngân hàng đề nghị Tòa án tuyên phát mại toàn bộ tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp tài sản số 2014TL720 ngày 19/7/2014.

Ý kiến của bị đơn bà E, ông F:

Anh S là Phó Trưởng phòng Tín dụng của Ngân hàng nhận bìa đỏ của ông bà, tự xây dựng hồ sơ để bà E ký vay tiền tại Ngân hàng. Anh S nhận tiền và sử dụng vào mục đích cá nhân. Việc Ngân hàng tự lập phương án vay vốn và giải ngân cho bà không đúng mục đích; lập khống hồ sơ để lập báo cáo thẩm định trái quy định của pháp luật, vi phạm nghiêm trọng Quy chế cho vay số 66/QĐ-HĐTV- KHDN ngày 22/01/2014 của Hội đồng thành viên Ngân hàng I và Điều 94 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010. Theo báo cáo thẩm định thì nói bà mua thóc nhưng thực tế thì bà không mua thóc, những người bán thóc không có thật tại địa phương.

Tài sản của gia đình ông bà là quyền sử dụng đất 618m2 cùng ngôi nhà mái bằng kiên cố và toàn bộ tài sản trên đất tại thửa 19,20; tờ bản đồ số 01 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859 mang tên F tại địa chỉ thôn G, xã H, I, Hải Phòng được thế chấp cho khoản vay kể trên. Hợp đồng thế chấp2014TL720 không còn hiệu lực pháp luật nên hợp đồng tín dụng số 2107-LAV- 201502961 ngày 14/7/2015 và Hợp đồng thế chấp 2014TL720 vô hiệu. Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 được xác nhận bởi UBND xã H, huyện I nhưng Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16-07/2015PL-HĐ ngày 14/7/2015 kèm theo Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 lại được công chứng tại Văn phòng Công chứng O là trái quy định của Luật Công chứng. Tài sản thế chấp theo Phụ lục hợp đồng không được tra cứu, đăng ký theo quy định của pháp luật.

Do vậy đề nghị Tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Vợ chồng ông bà không phải trả số tiền 300.000.000 đồng mà anh S là người sử dụng số tiền trên thì anh S phải trả. Đề nghị Tòa tuyên Phụ lục Hợp đồng số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 vô hiệu. Buộc Ngân hàng trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859 mang tên F cho vợ chồng bà.

Giải quyết của Tòa án cấp sơ thẩm:

Tại Bản án sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện I, thành phố Hải Phòng đã áp dụng khoản 16 Điều 4 và Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010; khoản 1 Điều 4 Nghị định 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Điều 290 Bộ luật Dân sự; căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 147, Điều 266 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 51, 52 Luật Công chứng; Điều 47 Nghị định 23/2015/NĐ-CP về Chứng thực; Điều 5, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009;Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí và lệ phí Tòa án; xử:

- Bà E, ông F phải trả cho Ngân hàng A số tiền nợ gốc và tiền lãi tính đến ngày 27/3/2017, cụ thể như sau:

Tổng số tiền nợ gốc là : 300.000.000 đồng

Tổng số tiền nợ lãi trong hạn là: 51.833.333 đồng. Tổng tiền lãi quá hạn là: 10.708.333  đồng. Tổng cộng bằng 362.541.667 đồng (Ba trăm sáu hai triệu, năm trăm bốn một ngàn, sáu trăm sáu bảy đồng).

Kể từ ngày 28/3/2017, bà E, ông F phải tiếp tục chịu lãi đối với số tiền nợ gốc cho đến khi trả xong nợ gốc cho Ngân hàng theo mức lãi suất quy định trong Hợp đồng tín dụng số 2107LAV201502961 ngày 14/7/2015 đã ký giữa Ngân hàng A - Chi nhánh huyện I, Hải Phòng và bà E, ông F.

- Nếu bà E, ông F không trả được cho Ngân hàng A các khoản tiền nợ theo hợp đồng tín dụng nêu trên, thì sẽ phát mại toàn bộ các tài sản thế chấp sau đây để thu hồi toàn bộ nợ cho Ngân hàng A:

Quyền sử dụng đất ở 618 m2, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859. Vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 33 do UBND huyện I cấp ngày 01/05/1997 đứng tên ông F. Tài sản trên đất có căn nhà ở mái bằng 1 tầng cùng công trình phụ. Nhà đất tọa lạc tại thôn G, xã H, huyện I, thành phố Hải Phòng.

- Tuyên bố Văn bản công chứng Phụ lục Hợp đồng số 16-17/2015/PLHĐngày 14/7/2015 bị vô hiệu.

Ngoài ra bản án còn tuyên nghĩa vụ nộp phí và quyền kháng cáo của các đương sự.

2. Nội dung kháng cáo:

Sau khi xét xử, ngày 28/3/2017, bị đơn là bà E và ông F đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét lại toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện I, thành phố Hải Phòng.

3. Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người đại diện hợp pháp của nguyên đơn trình bày:

Ngân hàng I đã thực hiện ký hợp Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV- 201502961 ngày 14/7/2015 đúng quy định và đúng quy trình. Theo đó Ngân hàng I đã giải ngân cho bà E và ông F số tiền vay là 300.000.000đ, theo Khế ước nhận nợ số 2107-LAV-201502961 ngày 15/7/2015.

Thời điểm Ngân hàng I ký hợp Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-201502961 ngày 14/7/2015 thì Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 vẫn còn hiệu lực. Việc Ngân hàng I và ông F, bà E ký Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16- 17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 chỉ nhằm mục đích nhắc lại quyền và nghĩa vụ của các bên về tài sản đảm bảo vẫn thực hiện theo Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014. Do thời hạn đăng ký tài sản thế chấp còn nên không phải thực hiện đăng ký lại.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn trình bày:

Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 dùng tài sản để thế chấp cho khoản vay theo Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-2014 30201/HĐTD ngày 19/7/2014 được chứng thực tại UBND xã H. Nhưng Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 (nội dung có thể hiện dùng tài sản thế chấp theo Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014) để thế chấp cho khoản vay theo Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-2015 02961 ngày 14/7/2015 lại được công chứng tại Văn phòng Công chứng O. Như vậy là trái với quy định tại Điều 54 của Luật Công chứng và trái với quy định của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về Chứng thực. Theo Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 thì tài sản đảm bảo chưa được đăng ký giao dịch đảm bảo. Do vậy đề nghị Tòa không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn. Đề nghị Tòa tuyên Phụ lục Hợp đồng số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 vô hiệu, Ngân hàng không có quyền yêu cầu phát mại tài sản của ông F, bà E. Buộc Ngân hàng trả lại Giấy CNQSDĐ số G372859 mang tên F cho vợ chồng ông F và bà E.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn trình bày về quá trìnhgiải quyết vụ án tại Tòa án cấp sơ thẩm:

Tòa án cấp sơ thẩm chỉ xác định và triệu tập ông F là bị đơn là chưa đầy đủ mà cần phải xác định thêm ông F vừa là bị đơn và vừa phải là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên qua trong vụ án vì tài sản thế chấp là nhà đất mang tên ông F. Tòa án cấp sơ thẩm không triệu tập ông S là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; không giải quyết yêu cầu phản tố của bị đơn.

Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 được chứng thực tại UBND xã H, huyện I, Hải Phòng. Nhưng Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 lại được công chứng tại Văn phòng Công chứng O là trái với quy định tại của Luật công chứng.

Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-2015 02961 ngày 14/7/2015 không thể hiện mục đích vay vốn của bà E, ông F.

Mặt khác, Đăng ký kinh doanh của hộ gia đình ông F chỉ có giá trị đến ngày31/12/2014. Phải  đối chất với cán bộ Ngân hàng I liên quan đến khoản vay của ông F, bà E.

Từ những lý do nêu trên đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm tuyên hủy Bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện I, thành phố Hải Phòng

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án ở giai đoạn phúc thẩm và phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo:

- Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục phúc thẩm, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định về quyền và nghĩa vụ của mình.

- Về nội dung kháng cáo:

Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-201502961 ngày 14/7/2015 ký giữa Ngân hàng, ông F, bà E có nội dung và hình thức đều đảm bảo đúng quy định của pháp luật. Các bên giao kết hợp đồng trên cơ sở tự nguyện. Như vậy, hợp đồng tín dụng là hợp pháp có hiệu lực thực hiện đối với các bên tham gia ký kết. Thực hiện hợp đồng, Ngân hàng đã giải ngân cho ông F, bà E số tiền 300.000.000 đồng. Như vậy, Ngân hàng đã hoàn thành nghĩa vụ cho vay của mình và ông F, bà E phải có nghĩa vụ trả nợ theo hợp đồng đã ký kết.

Đối với đơn phản tố đề ngày 18/01/2017 của ông F, bà E: Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Tố tụng dân sự thì “Bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải”. Phiên họp tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải lần đầu tiên vào ngày 05/12/2016, đến ngày 18/01/2017 ông F, bà E mới có đơn phản tố. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm không thụ lý và giải quyết đơn phản tố của ông F, bà E là có cơ sở pháp luật.

Đối với Phụ lục hợp đồng số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015: Phụ lục này được công chứng ngày 14/7/2015 tại Văn phòng Công chứng O, hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 được chứng thực bởi UBND xã H, huyện I. Căn cứ Điều 54 Luật Công chứng, Điều 47 Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015, việc Văn phòng Công chứng O công chứng Phụ lục này là vi phạm pháp luật. Do đó, văn bản công chứng vô hiệu dẫn đến Phụ lục này vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức theo quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự. Do Phụ lục này vô hiệu nên tài sản thế chấp theo hợp đồng chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 không bảo đảm cho khoản vay theo hợp đồng tín dụng số 2107- LAV-201502961 ngày 14/7/2015. Mặt khác, tại Điều 6 đồng tín dụng số 2107- LAV-201502961 ngày 14/7/2015 quy định “thực hiện bảo đảm tiền vay theo phụ lục hợp đồng số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015”, không quy định thực hiện bảo đảm tiền vay theo hợp đồng chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014. Do đó, yêu cầu phát mại tài sản thế chấp của Ngân hàng là không có cơ sở để chấp nhận.

Do đó, đề nghị HĐXX căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn, sửa bản án sơ thẩm số 02/2017/KDTM-ST ngày 27 tháng 3 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện I, thành phố Hải Phòng.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, yêu cầu kháng cáo của bị đơn, việc giải quyết xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm và ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa;

[1] Về thủ tục tố tụng:

1.1. Đơn kháng cáo và nội dung kháng cáo, thủ tục kháng cáo của bị đơn là bà E, ông F hợp lệ nên được Tòa án chấp nhận xem xét.

1.2. Về xét xử vắng mặt: Phiên tòa đã được triệu tập hợp lệ lần hai, tại phiên tòa bị đơn ông F vắng mặt nhưng đã ủy quyền tham gia tố tụng cho ông J. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là Văn phòng Công chứng O đã được triệu tập hợp lệ lần hai nhưng vắng mặt. Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định tại Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

1.3. Về xác định quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là tranh chấp hợp đồng tín dụng giữa Chi nhánh Ngân hàng A tại huyện I, Hải Phòng và vợ chồng ông F, bà E. Theo đề nghị của ông F, bà E mục đích vay vốn đề kinh doanh thóc gạo được thể hiện tại Giấy đề nghị vay vốn ngày 14/7/2015 và Phương án kinh doanh ngày14/7/2015. Do vậy, Tòa án nhân dân huyện I xác định đây là vụ án kinh doanh thương mại và thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện I là đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

1.4. Về xác định thêm người tham gia tố tụng trong vụ án: Trong vụ án ông F là bị đơn và là người trực tiếp thế chấp tài sản của mình cho Ngân hàng I để vay tiền cho gia đình kinh doanh theo hộ gia đình nên không phải triệu tập ông F là người có quyền lợi nghĩa vụ, liên quan trong vụ án.

[2] Về nội dung kháng cáo:

2.1. Đối với kháng cáo về việc Tòa án nhân dân huyện I không xem xét thủ tục phản tố đối với yêu cầu phản tố của ông F, bà E:

Theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thể hiện ngày 18/01/2017 ông F, bà E có đơn phản tố đề nghị tuyên hủy Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày19/7/2014 và Phụ lục hợp đồng thế chấp tài sản số 16-17/2015/PLHĐ  ngày 14/7/2015, buộc Ngân hàng I phải trả lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859 doUBND huyện I cấp ngày 01/05/1997 đứng tên ông F.

Hội đồng xét xử xét thấy văn bản ngày 18/01/2017 chỉ là văn bản nêu ý kiến của ông F và bà E đối với nội dung vụ án và ý kiến này đã được Tòa án xem xét trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết theo thủ tục phản tố là đúng quy định tại khoản 2 Điều 200 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

2.2. Đối với kháng cáo về hợp đồng tín dụng:

Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-201502961 ngày 14/7/2015 giữa Ngân hàng và bà E, ông F được ký kết trên cơ sở tự nguyện, không bị ai lừa dối ép buộc. Tại hồ sơ vụ án thể hiện, ông bà là người ký hợp đồng tín dụng và là người nhận tiền trực tiếp tại Ngân hàng (thể hiện tại Giấy lĩnh tiền vay ngày 15-7-2015). Ông F, bà E cũng thừa nhận những điều trên. Nhưng ông bà cho rằng ông bà ký tên vào hợp đồng tín dụng, giấy nhận tiền để hoàn tất thủ tục, không phải là người nhận tiền và không có trách nhiệm phải trả số tiền 362.541.667 đồng nợ gốc và nợ lãi. Người nhận tiền là anh S, sinh năm 1983 nguyên Phó phòng tín dụng của Ngân hàng. Anh S là con nhận nuôi miệng của ông F, bà E, anh S nhờ ông bà vay tiền giúp để anh S đáo hạn tại Ngân hàng, do tin tưởng anh S, cũng do trình độ còn hạn chế nên ông F, bà E đã ký tên vào hợp đồng tín dụng.

Hội đồng xét xử xét thấy trước khi ký hợp đồng tín dụng số 2107-LAV- 201502961 ngày 14/7/2015, ông bà đã vay vốn tại Ngân hàng theo hợp đồng tín dụng số 2107LAV2014 03201 ngày 19/7/2014 với số tiền 300.000.000 đồng. Hợp đồng tín dụng này đã được tất toán, ông F, bà E đã trả tiền cho Ngân hàng. Như vậy, ông bà đã biết rõ quy trình vay vốn cần thực hiện những thủ tục gì, trách nhiệm của người vay đối với Ngân hàng như thế nào. Việc ông bà vay vốn của Ngân hàng nhưng không sử dụng đúng mục đích vay mà lại cho người khác vay lại là vi phạm các điều khoản đã thỏa thuận tại hợp đồng. Trường hợp ông, bà yêu cầu anh S, sinh năm 1983 nguyên Phó phòng tín dụng của Ngân hàng I phải thanh toán số tiền 300.000.000 đồng cho ông, bà thì ông, bà có quyền khởi kiện bằng vụ án khác

Theo phân tích trên thì ông F, bà E là người ký hợp đồng tín dụng và là người nhận tiền nên ông bà phải có trách nhiệm phải thanh toán số tiền vay gốc và tiền lãi cho Ngân hàng theo quy định tại khoản 16 Điều 4 và Điều 95 Luật các Tổ chức tín dụng năm 2010.

2.3. Đối với kháng cáo về Hợp đồng thế chấp:

Ngân hàng I và ông F, bà E đã ký Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16- 07/2015PL-HĐ ngày 14/7/2015, được công chứng tại Văn phòng Công chứng Bảo O. Phụ lục số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 dùng các tài sản trong Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 (được chứng thực tại UBND xã H) để thế chấp cho khoản vay trong Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-201502961 ngày 14/7/2015. Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 dùng để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ của ông F, bà E tại các hợp đồng cấp tín dụng giữa Ngân hàng, ông F, bà E; đảm bảo cho khoản vay tối đa là 330.000.000 đồng và có giá trị trong phạm vi 36 tháng kể từ ngày 19/7/2014 theo quy định tại Điều 2 của Hợp đồng.

Thời điểm ông F, bà E ký Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-201502961 ngày 14/7/2015 thì hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 vẫn còn hiệu lực. Số tiền 300.000.000 đồng mà ông F, bà E vay theo Hợp đồng tín dụng số 2107LAV201403201 ngày 19/7/2014 đã được tất toán. Ngân hàng dùng hợp đồng thế chấp này để đảm bảo cho khoản vay tại Hợp đồng tín dụng số 2107-LAV- 201502961 ngày 14/7/2015 với mức dư nợ là 300.000.000 đồng là đúng quy định pháp luật.

Mặt khác, khi ký hợp đồng tín dụng số 2107-LAV-201502961 ngày 14/7/2015, Ngân hàng đã tiến hành xác định lại giá trị tài sản bảo đảm theo Biên bản số 16-07/2015ĐG ngày 14/7/2015, định giá lại giá trị tài sản là 660.000.000 đồng. Ông F, bà E đã ký tên vào biên bản này.

Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 và Phụ lục Hợp đồng thế chấp tài sản số 16-07/2015PL-HĐ ngày 14/7/2015 được công chứng, chứng thực tại hai cơ quan khác nhau là chưa đúng quy định tại Điều 54 Luật Công chứng và Điều 38, Điều 47 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Nhưng theo Phụ lục Hợp đồng đã thể hiện được ý chí tự nguyện thỏa thuận  của các bên, theo đó Ngân hàng I đã giao tiền cho bà Hà, ông Ngũ và bà F, bà E đồng ý thế chấp tài sản theo Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014 là quyền sử dụng đất 618m2  cùng ngôi nhà mái bằng kiên cố và toàn bộ tài sản trên đất tại thửa 19,20; tờ bản đồ số 01 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G 372859 mang tên F tại địa chỉ thôn G, xã H, I, Hải Phòng được thế chấp cho khoản vay kể trên (hợp đồng thế chấp còn thời hạn). Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm tuyên Phụ lục số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 vô hiệu là không cần thiết vì nội dung của Phụ lục số 16-17/2015/PLHĐ ngày 14/7/2015 thể hiện sự tự nguyện thỏa thuận của các bên đương sự, theo đó quyền và nghĩa vụ của các bên đương sự đã phát sinh, mặt khác cũng không phát sinh thêm người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nhà đất của ông F, bà E.

Như vậy, Ngân hàng đã thực hiện đúng quy trình, thủ tục cho vay vốn và giải ngân theo quy định.

Theo quy định tại Điều 2 của  Hợp đồng thế chấp số 2014TL720 ngày 19/7/2014: “…tại các Hợp đồng tín dụng được ký giữa hai bên (bao gồm nợ gốc, lãi trong hạn, phạt quá hạn, các khoản chi phí phát sinh khác liên quan - nếu có) với mức dư nợ đảm bảo cao nhất là 330.000.000 đồng…”. Nhưng do tài sản thế chấp là nhà đất của ông F, bà E nên ông bà vẫn phải trả cho Ngân hàng số tiền vượt quá 330.000.000 đồng và được trừ vào tiền phát mại tài sản đảm bảo cho khoản vay (nếu có yêu cầu phát mại).

Từ những phân tích nêu trên, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn là ông F, bà E; không chấp nhận ý kiến của người đại hợp pháp và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn tại phiên tòa cũng như không chấp nhận ý kiến của Kiểm sát viên; sửa bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm.

[3] Về án phí: Do bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm bị sửa nên bị đơn là ông F, bà E không phải chịu án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Áp dụng khoản 16 Điều 4 và Điều 95 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010; khoản 1 Điều 4 Nghị định số 163/2006/NĐ-CP ngày 29/12/2006 của Chính phủ về giao dịch bảo đảm; Điều 290 Bộ luật Dân sự 2005;

Căn cứ khoản 1 Điều 30, Điều 35, Điều 147, Điều 266 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Điều 51, Điều  52 Luật Công chứng; Điều 38, Điều 47 Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16-02-205 của Chính phủ về Chứng thực;

Căn cứ Điều 5, Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27-02-2009 Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Điều 28, Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội; Xử:

Sửa một phần bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, không chấp nhận kháng cáo của bị đơn là bà E, ông F.

1. Bà E, ông F phải trả cho Ngân hàng A số tiền tính đến ngày 27/3/2017 là 362.541.667 đồng (Ba trăm sáu hai triệu, năm trăm bốn một ngàn, sáu trăm sáu bảy đồng), trong đó: nợ gốc là 300.000.000 đồng, nợ lãi trong hạn là 51.833.333 đồng, nợ lãi quá hạn là 10.708.333 đồng).

Kể từ ngày 28/3/2017, bà E, ông F phải tiếp tục chịu khoản tiền lãi quá hạn của số tiền nợ gốc chưa thanh toán, theo mức lãi suất mà các bên thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng số 2107LAV201502961 ngày 14/7/2015 đã ký giữa Ngân hàng A - Chi nhánh huyện I, Hải Phòng và bà E, ông F cho đến khi thanh toán xong tiền nợ gốc.

2. Nếu bà E, ông F không trả cho Ngân hàng A các khoản tiền nợ theo hợp đồng tín dụng nêu trên, thì Ngân hàng A có quyền yêu cầu phát mại toàn bộ các tài sản thế chấp sau đây để thu hồi nợ cho Ngân hàng A:

Quyền sử dụng đất ở 618 m2 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số G372859, vào sổ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số 33 do Ủy ban nhân dân huyện I cấp ngày 01/05/1997 cho ông F và tài sản gắn liền với đất là căn nhà ở mái bằng 01 tầng cùng công trình phụ tại thôn G, xã H, huyện I, thành phố Hải Phòng.

3. Về án phí kinh doanh thương mại:

- Án phí sơ thẩm: Bà E, ông F phải chịu án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm là 18.127.083 đồng (Mười tám triệu một trăm hai mươi bảy nghìn không trăm tám mươi ba đồng).

Trả lại cho Ngân hàng A số tiền 8.300.000 đồng (Tám triệu ba trăm nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại sơ thẩm đã nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện I theo Biên lai thu tiền tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2012/6996 ngày 17/10/2016.

- Án phí phúc thẩm:

Bà E, ông F không phải chịu phí kinh doanh thương mại phúc thẩm.

Trả lại cho E, ông F số tiền 2.000.000 (Hai triệu đồng) đồng tiền tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2014/0005323 ngày 09/4/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện I, thành phố Hải Phòng.

Trường hợp Bản án được thi hành theo qui định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

629
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 16/2017/KDTM-PT ngày 31/07/2017 về tranh chấp hợp đồng tín dụng

Số hiệu:16/2017/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hải Phòng
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành:31/07/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về