Bản án 1452/2017/HNGĐ-ST ngày 30/10/2017 về tranh chấp ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1452/2017/HNGĐ-ST NGÀY 30/10/2017 VỀ TRANH CHẤP LY HÔN

Ngày 30/10/2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân dân Thành phố Hồ Chí Minh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 328/2016/TLST-HNGĐ ngày 27 tháng 7 năm 2016 về tranh chấp ly hôn.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 862/2017/QĐXXST-HNGĐ ngày 10 tháng 10 năm 2017, giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Bà H, sinh năm: 1989

Địa chỉ: Số A, phường B, Quận C, Thành phố Hồ Chí Minh.

Bị đơn: Ông D, sinh năm: 1982

Quốc tịch: Australia

Địa chỉ: Australia.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và trình bày của bà H:

Ngày 24/4/2015 bà và ông D tự nguyện đăng ký kết hôn tại Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, được cấp Giấy chứng nhận kết hôn vào sổ đăng ký số 1101, quyển số 06 ngày 27/4/2015.

Sau khi kết hôn, ông D trở lại Australia sinh sống và làm việc, bà vẫn sống ở Việt Nam. Thời gian đầu sau khi kết hôn, cả hai vẫn duy trì liên lạc qua điện thoại sau đó chúng tôi xảy ra bất đồng, thường xuyên mâu thuẫn.

Nguyên nhân mâu thuẫn bắt nguồn từ việc suốt thời gian bà mang thai và sinh con ông D chưa từng trở lại Việt Nam để thăm bà cũng như quan tâm đến con. Sau khi bà sinh con vào ngày 01/01/2016, bà làm thủ tục khai sinh cho con thì gặp trở ngại do ông D đang sống ở nước ngoài, nên theo yêu cầu của cơ quan đăng ký hộ tịch thì ông D phải về Việt Nam hoặc gửi văn bản xác nhận là cha của đứa trẻ có hợp pháp hóa lãnh sự thì ông D mới có thể đứng tên cha trong giấy khai sinh cho con chung của ông bà. Mặc dù bà đã thuyết phục ông D nhưng ông không đồng ý về Việt Nam cũng không đến cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Australia để làm văn bản xác nhận là cha của đứa trẻ gửi về để bà hoàn tất thủ tục khai sinh cho con. Vì con chung của ông bà sinh ra có cả cha lẫn mẹ nên bà lo ngại việc khai sinh không có tên cha sẽ là một thiệt thòi lớn cho con, nhất là về mặt tâm lý của con sau này. Với tư cách là một người mẹ, vì lợi ích lâu dài của con, bà đã thuyết phục nhiều lần và chờ đợi ông D hợp tác nhưng ông hoàn toàn không có thiện chí.

Từ khi bà sinh con đến nay đã hơn 06 tháng nhưng vẫn chưa được làm giấy khai sinh dẫn đến những thiệt thòi cho bé như không được hưởng các quyền lợi về y tế, cũng không được đăng ký hộ khẩu. Không nỡ nhìn con mình không được hưởng bất kỳ quyền lợi nào mà lẽ ra con được hưởng, ngày 11/7/2016 bà buộc lòng phải đăng ký khai sinh trễ hạn cho con mà không có tên cha.

Mâu thuẫn giữa bà và ông D ngày càng tăng từ việc đăng ký khai sinh cho con, xung đột lên đến đỉnh điểm khi bà phát hiện ra anh D tuy hứa hẹn nhiều lần nhưng ông không hề làm thủ tục bảo lãnh cho bà định cư ở Australia để vợ chồng đoàn tụ với nhau, ông D cũng không có ý định về Việt Nam sinh sống lâu dài. Khoảng cách địa lý xa xôi khiến ông bà không có điều kiện chia sẻ và thông cảm cho nhau, không còn tin tưởng nhau như trước. Ông D cũng không thể hiện bất kỳ sự quan tâm nào đến vợ con, rất ít khi hỏi han đến tình hình sức khỏe của mẹ con bà cũng như sự phát triển của con. Bà đã phải tự mình vượt qua tất cả những khó khăn về sức khỏe, tâm lý và vật chất trong suốt thời gian mang thai và sinh con. Bà cảm thấy ông D không có trách nhiệm và không còn yêu thương vợ con nữa. Mặc dù gia đình đã nhiều lần tác động cho hai vợ chồng hòa giải nhưng không thành. Hiện nay tình cảm giữa ông bà ngày càng phai nhạt và không còn liên lạc với nhau nữa.

Bà cảm thấy mối quan hệ vợ chồng không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được, cuộc sống hôn nhân không thể kéo dài nên bà yêu cầu được ly hôn với ông D để sớm ổn định cuộc sống riêng.

Con chung: Có 01 con chung tên T, sinh ngày 01/01/2016, giới tính nam. Như đã trình bày ở trên, vì ông D không về nước cũng không gửi văn bản xác nhận là cha của con nên trong Giấy khai sinh số 189/2016 ngày 11/7/2016 của trẻ T phần tên cha được bỏ trống.

Bà là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng bé T từ ngày sinh ra đến nay. Bà đề nghị Tòa án giải quyết cho bà được tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng bé T cho đến khi bé đủ 18 tuổi. Bà không yêu cầu ông D cấp dưỡng nuôi con chung.

Tài sản chung, nợ chung: Không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết. Tòa án không thể tiến hành hòa giải đoàn tụ được vì ông D đang cư trú tạiAustralia.

Tại phiên tòa sơ thẩm,

Bà H có đơn yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, thư ký phiên tòa và đương sự đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án. Đối với các đương sự vắng mặt, Tòa án đã thực hiện đầy đủ các thủ tục tố tụng.

Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận đơn khởi kiện của bà H, cho bà H được ly hôn với ông D. Giao con chung là trẻ T, sinh ngày 01/01/2016 cho bà H trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục đến khi trưởng thành, ghi nhận sự tự nguyện của bà Hương không yêu cầu ông D cấp dưỡng nuôi con chung.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định:

Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:

Bà H đang cư trú tại Việt Nam có đơn xin ly hôn với ông D hiện đang cư trú và làm việc tại Australia. Đây là tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh theo quy định tại Điều 28, Điều 37, Điều 40 của Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015. Tòa án đã triệu tập hợp lệ bà H tham gia phiên tòa vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 30/10/2017 nhưng bà H có đơn đề nghị Tòa án xét xử vắng mặt ngày17/10/2017.

Đối với ông D, sau khi thụ lý vụ án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã tiến hành thủ tục ủy thác tư pháp hợp lệ Thông báo về việc thụ lý và xét xử vụ án dân sự sơ thẩm cho ông D, sinh năm 1982 tại địa chỉ 2/16 Churchill Ave Ascot Vale Vic 3030, Australia theo văn bản số 971/TTTPDS-TA ngày 06 tháng 9 năm 2016 gửi Bộ Tư pháp. Ngày 13 tháng 12 năm 2016 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận được văn bản của Bộ Tư pháp số 5705/BTP- PLQT ngày 25 tháng 11 năm 2016 về việc đã thực hiện ủy thác tư pháp đối vớiông D. Tuy nhiên, đến ngày mở phiên tòa sơ thẩm lần 2 ngày 04 tháng 8 năm2017 ông D không đến Tòa án cũng không có văn bản trả lời, không có đơn xin xét xử vắng mặt được cơ quan đại diện ngoại giao của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Autralia xác nhận chữ ký hoặc hợp pháp hóa lãnh sự.

Ngày 16 tháng 8 năm 2017 Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có gửi văn bản số 875/TATP-TGĐVNCTN gửi Bộ tư pháp về việc đề nghị BộTư pháp thông báo kết quả ủy thác tư pháp đối với ông D, sinh năm 1982, quốc tịch Australia tại địa chỉ 2/16 Churchill Ave Ascot Vale Vic 3030, Australia. Ngày 19 tháng 9 năm 2017, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhận được văn bản số 2754/BTP-PLQT ngày 07/9/2017 của Bộ Tư pháp về tiến độ thực hiện ủy thác đối với ông D tuy nhiên đến thời điểm hiện nay Bộ Tư pháp vẫn chưa nhận được kết quả trả lời về việc tống đạt từ Bộ Ngoại giao (Cục lãnh sự).

Căn cứ Khoản 2 Điều 227, Điều 228, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 477 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Tòa án vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

Xét yêu cầu ly hôn của bà H có đủ căn cứ để xác định:

- Quan hệ hôn nhân: Căn cứ vào Giấy chứng nhận kết hôn Ủy ban nhân Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho bà H và ông D vào vào sổ đăng ký số 1101, quyển số 06 ngày 27/4/2015 thì hôn nhân giữa bà H và ông D là hôn nhân hợp pháp.

Theo như bà H trình bày, thì sau khi kết hôn vợ chồng phát sinh mâu thuẫn trong quá trình sống chung do bất đồng về quan điểm, lối sống hàng ngày. Mâu thuẫn cao điểm bắt nguồn từ việc suốt thời gian bà mang thai và sinh con ông Huy chưa từng trở lại Việt Nam để thăm bà cũng như quan tâm đến con. Và khi làm thủ tục khai sinh cho con thì ông D không quan tâm dù bà đã nhiều lần nói chuyện nhưng ông D vẫn không về Việt nam để hoàn tất thủ tục khai sinh cho con chung. Nên tháng 07/2016 bà phải đi khai sinh quá hạn cho trẻ và mục cha phải để trống đã làm tổn thương đến trẻ sau này khi mà trả biết được nguyên nhân.

Bà cảm thấy ông D không có trách nhiệm và không còn yêu thương vợ con nữa. Mặc dù gia đình đã nhiều lần tác động cho hai vợ chồng hòa giải nhưng không thành. Hiện nay tình cảm giữa ông bà ngày càng phai nhạt và không còn liên lạc với nhau nữa. Bà thấy mối quan hệ vợ chồng không hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được, khoản cách vợ chồng xa cách lại không có điều kiện gần gũi, chăm sóc nhau dẫn đến tình cảm vợ chồng bị phai nhạt, hạnh phúc vợ chồng không có nên không thể kéo dài cuộc hôn nhân này. Về phía ông D, Tòa án đã tiến hành ủy thác tư pháp theo đúng thủ tục luật định nhưng ông D vẫn không có hồi báo. Điều này cũng chứng tỏ ông D không quan tâm đến cuộc hôn nhân này nữa. Xét thấy mục đích hôn nhân chỉ có thể đạt được khi vợ chồng thương yêu, quan tâm, chăm sóc nhau, cùng chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống. Do đó bà H yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đối với ông D là có căn cứ để chấp nhận để tạo điều kiện cho các bên ổn định cuộc sống riêng sau này.

Con chung: Có 01 con chung là trẻ T, sinh ngày 01/01/2016, giới tính nam. Hiện nay, trẻ T đang sống với bà Hương tại Việt Nam. Bà H đề nghị bà là người trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung đến khi trưởng thành và không yêu cầu ông D phải cấp dưỡng nuôi con chung. Để đảm bảo quyền lợi cho trẻ phát triển toàn diện, không làm xáo trộn cuộc sống cũng như là nguyện vọng của trẻ nên giao trẻ T cho bà H trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chung đến khi trưởng thành là phù hợp quy định.

Trẻ T được sinh ra trong thời kỳ hôn nhân nên là con chung của ông D và bà H. Để đảm bảo quyền và lợi ích mọi mặt cho trẻ nên bà H được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký bổ sung vào khai sinh cho trẻ T có cha là ông D, sinh năm 1982; dân tộc: Hoa; quốc tịch: Úc; nơi cư trú tại 2/16 Churchill Ave Ascot Vale Vic 3030, Australia.

Tài sản chung, nợ chung: Không có và không yêu cầu Tòa án giải quyết.

- Về án phí dân sự sơ thẩm bà H phải chịu theo quy định của pháp luật. Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 28, Điều 37, Điều 40, Điều 147, Điều 273, Điều 277, Điều278, Điều 477 và Điều 479 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Căn cứ Điều 51, 56 và Điều 88 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014; Căn cứ Khoản 8 Điều 27 Pháp lệnh Án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận yêu cầu của bà H.

Quan hệ hôn nhân: Bà H được ly hôn với ông D.

Về con chung: Có 01 con chung là trẻ T, sinh ngày 01/01/2016, giới tính nam.

Giao con chung là T, sinh ngày 01/01/2016 cho bà H trực tiếp trông nom,chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục đến khi trưởng thành.

Ghi nhận sự tự nguyện của bà H không yêu cầu ông D cấp dưỡng nuôi con chung. Tạm hoãn việc cấp dưỡng nuôi con chung đối với ông D. Ông D được quyền thăm nom, chăm sóc, giáo dục con chung mà không được ai cản trở.

Vì quyền và lợi ích của con chung, các bên có quyền yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con và yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Bà H được quyền liên hệ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký bổ sung vào khai sinh cho trẻ T, sinh ngày 01/01/2016 có cha là ông D, sinh năm 1982; dân tộc: Hoa; quốc tịch: Úc; nơi cư trú tại 2/16 Churchill Ave Ascot Vale Vic 3030, Australia.

Tài sản chung, nợ chung: Không có, không yêu cầu Tòa án giải quyết.

2. Án phí dân sự sơ thẩm: Bà H chịu 200.000 đồng được cấn trừ vào Biên lai thu tạm ứng án phí số 03156 ngày 25/7/2016 của Cục thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Án xử công khai sơ thẩm, thời hạn kháng cáo là 15 ngày kể từ ngày bà H nhận tống đạt hợp lệ bản án. Đối với ông D thời hạn kháng cáo bản án là 12 tháng kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

150
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 1452/2017/HNGĐ-ST ngày 30/10/2017 về tranh chấp ly hôn

Số hiệu:1452/2017/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 30/10/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về