Bản án 14/2022/HS-ST ngày 30/03/2022 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Bản Án 14/2022/Hs-St Ngày 30/03/2022 Về Tội Lừa Đảo Chiếm Đoạt Tài Sản

Bản án 14/2022/HS-ST ngày 30/03/2022 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Ngày 30 tháng 3 năm 2022, tại Trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Long An xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 45/2021/TLST-HS ngày 24 tháng 11 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 15/2022/QĐXXST-HS ngày 28 tháng 02 năm 2022 đối với:

Bị cáo: Nguyễn Thị A, sinh ngày 18/4/1986, tại Long An. Nơi cư trú: Khu phố 3, thị trấn V, huyện V, tỉnh Long An; nghề nghiệp: Thợ may; quốc tịch: Việt Nam; dân tộc: Kinh; tôn giáo: Không; giới tính: Nữ; trình độ học vấn:

06/12; con ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1952 và bà Tô Thị L, sinh năm 1953;

có chồng tên Phạm Văn T, sinh năm 1984, đã ly hôn vào tháng 8/2019; có 01 người con sinh 2008; tiền án, tiền sự: Không; bị bắt tạm giam từ ngày 20/4/2021 đến nay, có mặt.

Người bào chữa chỉ định cho bị cáo Nguyễn Thị A: Ông Võ Công Danh là Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư Nguyễn Anh Trí thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Long An, có mặt.

Bị hại:

1. Bà Trần Thị Thúy D (Tên gọi khác: H), sinh năm: 1980. Nơi cư trú: Số 39 đường B, Khu phố 1, thị trấn V, huyện V, tỉnh Long An, có mặt.

2. Bà Đỗ Thị X, sinh năm: 1960. Nơi cư trú: Số 81 đường N, Khu phố 3, thị trấn V, huyện V, tỉnh Long An, vắng mặt.

3. Bà Nguyễn Thị L1, sinh năm 1977. Nơi cư trú: Khu phố M, thị trấn V, huyện V, vắng mặt.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án:

1. Bà Lê Thị Ái L2, sinh năm 1982, Nơi cư trú: Số 68 đường N1, Khu phố 3, thị trấn V, huyện V, tỉnh Long An.

2. Bà Hồ Thị Mỹ H1, sinh năm 1980, Nơi cư trú: Khu phố B1, thị trấn V, huyện V, tỉnh Long An.

3. Bà Võ Thanh L3, sinh năm 1981, Nơi cư trú: Khu phố 3, thị trấn V, huyện V, tỉnh Long An.

4. Ông Phạm Văn T, sinh năm 1984. Nơi cư trú: Khu phố 3, thị trấn V, huyện V, Long An.

(Các người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án vắng mặt) Người làm chứng:

1. Nguyễn Ngọc H2, sinh năm 1966.

2. Nguyễn Văn H3, sinh năm 1962.

3. Nguyễn Thị L4, sinh năm 1970.

4. Trần Trung D1, sinh năm: 1985.

5. Nguyễn Ngọc T1, sinh năm 1979.

6. Võ Thị N2, sinh năm 1960.

7. Tô Thị L, sinh năm 1953.

8. Lê Thị H4, sinh năm 1979.

(Các người làm chứng vắng mặt)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Nguyễn Thị A làm nghề thợ may, A có quen biết với Trần Thị Thúy D (tên thường gọi là H), bà Đỗ Thị X, bà Nguyễn Thị L1. Do cần tiền để chi tiêu trong gia đình, nên cuối năm 2018 A hỏi vay tiền góp của bà D, bà X, bà L1 với lãi suất 3000 đồng/ngày/triệu. Số tiền A vay mỗi người từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng. Khi số tiền góp ban đầu chưa trả xong thì A tiếp tục hỏi vay tiền góp. Trong khi thu nhập của A từ nghề may khoảng 200.000 đồng/ngày nên A đã mất khả năng trả tiền góp ngày cho bà D, bà X, bà L1.

Đầu năm 2019, A lấy lý do làm đáo hạn ngân hàng để bà D, bà X, bà L1 tin tưởng cho A vay số tiền lớn. A thỏa thuận trả lãi cho bà D 3.000đồng/triệu/ngày, sau đó A nâng lãi suất lên 4.000 đồng/triệu/ngày. Khi cần vay tiền, A viết giấy hoặc nhắn tin vào điện thoại của bà D để D gom tiền đưa cho A. Những lần hỏi vay tiền và nhận tiền vay của bà D, giữa A và D không có làm hợp đồng, bà D chỉ ghi số tiền cho A vay vào 01 quyển sổ ghi nợ của D, sau đó A ký và ghi tên vào sổ, khi A trả tiền lãi và tiền vốn vay thì bà D gạch sổ. Tính đến ngày 19/5/2019 (Âm lịch), tổng số tiền gốc A vay của bà D là 10.700.000.000 đồng, cụ thể: Trước ngày 19/5/2019 (Âm lịch), A còn nợ bà D số tiền gốc là 5.800.000.000 đồng (A có viết 01 biên nhận vay 3.200.000.000 tỷ đồng, 01 biên nhận vay 2.600.000.000 đồng); ngày 19/5/2019 (Âm lịch), A tiếp tục hỏi vay bà D số tiền 4.900.000.000 đồng. Sau đó bà D cộng tổng tiền vốn mà A hỏi vay T biên nhận mượn nợ số tiền 10.700.000.000 đồng. Ngày 22/5/2019 (Âm lịch, nhằm ngày 24/6/2019 Dương lịch), A trả cho bà D số tiền 5.350.000.000 đồng, còn nợ số tiền 5.350.000.000 đồng, A lấy lý do là kẹt sổ, khách chưa trả kịp. Ngay sau đó, A đưa thông tin có người cần tiền để đáo hạn Ngân hàng gấp, nói bà D cho mượn lại số tiền 5.350.000.000 đồng vừa trả, ngày sau A gom đủ rồi trả hết luôn cho bà D cả tiền vốn và tiền lãi. Bà D đồng ý và nói “03 ngày sau phải gom trả đủ hết số tiền 10.700.000.000 đồng cho bà vì số tiền này bà cũng mượn của người ta chứ không phải tiền của bà”, A đồng ý nên bà D không kêu A viết lại biên nhận vì biên nhận A mượn nợ ngày 19/5/2019 (Âm lịch) bà D còn giữ.

Ngày 23/5/2019 (Âm lịch), A tiếp tục đưa ra thông tin sai sự thật vay tiền dùm cho chị dâu của A để chữa bệnh cho anh ruột đang nằm tại Bệnh viện ở T phố Hồ Chí Minh, cần tiền vô hóa chất nên bà D cho A vay số tiền 150.000.000 đồng. Ngày 28/6/2019 (Dương lịch), đến hạn trả lại tiền vốn vay thì A không còn khả năng trả tiền cho bà D. A luôn tìm cách lẫn tránh bà D, sau đó lợi dụng sơ hở của bà D, A lén lấy cắp sổ nợ của bà D mục đích để cho bà D không còn chứng từ, biên nhận gì buộc A phải trả lại số tiền A đang thiếu nợ của bà D, hành vi của A đã bị camera gia đình của nhà bà D ghi lại, buộc A phải giao nộp lại quyển sổ ghi nợ cho bà D tại Công an thị trấn V.

Cũng với thông tin giả mà A đưa ra là làm đáo hạn ngân hàng, A đã lừa và vay của bà X với số tiền 3.400.000.000 đồng, có hợp đồng vay tiền ngày 20/6/2019; bà Nguyễn Thị L1 số tiền 550.000.000 đồng, có viết giấy mượn nợ ngày 14/02/2019 số tiền 250.000.000 đồng, còn số tiền 300.000.000 đồng, A vay cuối tháng 6/2019 nhưng không viết giấy, lời khai của bà L1 và A phù hợp số tiền A đã vay của bà L1 là 550.000.000 đồng.

A còn thừa nhận mượn của bà Hồ Thị Mỹ H1 (Bà H5 bán tạp hóa), số tiền 50.000.000 đồng, đã trả 2.900.000 đồng, còn nợ 47.100.000 đồng; mượn của bà Lê Thị Ái L2 (Cửa hàng vật tư nông nghiệp N3) số tiền 40.000.000 đồng, chưa trả.

Số tiền vay được, A trả tiền góp ngày cho bà D, bà X, bà L1; trả một phần tiền vốn gốc; phần tiền còn dư ra A tiêu xài cá nhân.

Do thấy A nhiều lần không thực hiện đúng cam kết trả tiền cho bà D nên ngày 18/01/2021 bà D có đơn tố cáo Nguyễn Thị A tại Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An và nộp kèm theo 02 tờ giấy biên nhận mượn nợ của A ngày 19/5/2019 (Âm lịch) số tiền là 10.700.000 đồng và ngày 23/5/2019 số tiền là 150.000.000 đồng. Bà X, bà L1, bà H1, bà L2 không có đơn tố cáo Nguyễn Thị A. Trong quá trình điều tra, Nguyễn Thị A khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình.

Ngày 10/5/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh ra Quyết định trưng cầu giám định chữ viết trên hai 02 tờ giấy biên nhận mượn nợ ngày 19/5/2021 và biên nhận mượn nợ ngày 23/5/2021. Tại Kết luận giám định số 442/2021/KLGĐ ngày 26 tháng 5 năm 2021 của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Long An kết luận chữ ký trong biên nhận mượn nợ ngày 19/5/2019 (Âm lịch) và ngày 23/5/2019 (Âm lịch) là của Nguyễn Thị A .

Tài liệu, chứng cứ thu thập được: Biên nhận mượn nợ ngày 19/5/2021 (Âm lịch) và ngày 23/5/2021 (Âm lịch) giữa Nguyễn Thị A với Trần Thị Thúy D; 01 hợp đồng vay tiền giữa Nguyễn Thị A với bà Đỗ Thị X ngày 20/6/2019;

01 tờ giấy thể hiện A có mượn của bà Nguyễn Thị L1 số tiền 250.000.000 đ vào ngày 14/02/2019; dữ liệu tin nhắn hỏi vay tiền giữa Nguyễn Thị A và Trần Thị Thúy D.

Về trách nhiệm dân sự: Bà Trần Thị Thúy D yêu cầu Nguyễn Thị A trả lại số tiền gốc đã vay là 10.850.000.000 đồng; Bà Đỗ Thị X yêu cầu Nguyễn Thị A trả lại số tiền gốc đã vay là 3.400.000.000 đồng; Bà Nguyễn Thị L1 cho A vay số tiền 550.000.000 đồng, A đã tác động gia đình khắc phục được 250.000.000đ, bà L1 yêu cầu A trả lại số tiền vay còn nợ là 300.000.000 đồng.

Ngoài ra, Nguyễn Thị A còn mượn của bà Hồ Thị Mỹ H1 (H5) số tiền 50.000.000 đồng. A đã trả 2.900.000đ, bà H1 yêu cầu A trả lại số tiền vay còn nợ là 47.100.000đ. Bà Lê Thị Ái L2 yêu cầu A trả lại số tiền 40.000.000 đồng.

Tại bản cáo trạng số 48/CT-VKSLA-P1 ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An truy tố bị cáo Nguyễn Thị A về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa sơ thẩm, Bị cáo Nguyễn Thị A thừa nhận hành vi phạm tội của mình như nội dung cáo trạng đã truy tố. Bị cáo đã gian dối, tự bịa đặt ra các thông tin giả là đáo nợ ngân hàng để đánh lừa các bị hại như Trần Thị Thúy D, Đỗ Thị X và Nguyễn Thị L1 là những người có tiền cho vay để hưởng lợi. Thông qua hợp đồng vay tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại là 14.800.000.000 đồng. Đối với số tiền chiếm đoạt của bị hại Nguyễn Thị L1 bị cáo có khắc phục được 250.000.000 đồng, còn lại số tiền 14.550.000.000 đồng, bị cáo không còn khả năng chi trả. Số tiền bị cáo chiếm đoạt bị cáo đồng ý trả cho các bị hại. Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long an truy tố bị cáo về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự là đúng, không oan. Trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử bị cáo tự nguyện khai báo, không bị bức cung hay nhục hình trong khi khai báo.

Bị hại Trần Thị Thúy D trình bày: Bị cáo Nguyễn Thị A đưa ra thông tin giả là vay tiền để đáo hạn Ngân hàng để bà tin tưởng đưa cho bị cáo vay số tiền 10.700.000.000 đồng và 150.000.000đ là vay dùm cho chị dâu của bị cáo để trị bệnh cho anh ruột của bị cáo, nhưng thực tế bị cáo A không đáo hạn Ngân hàng và cũng không vay dùm mà dùng số tiền vào việc khác. Về trách nhiệm hình sự bà yêu cầu xử lý bị cáo theo quy định pháp luật. Về trách nhiệm dân sự bà yêu cầu bị cáo A trả cho bà số tiền 10.850.000.000 đồng.

Lời trình bày của bị hại Đỗ Thị X, Nguyễn Thị L1 và các người có quyền và nghĩa vụ liên quan đến vụ án có trong hồ sơ phù hợp với cáo trạng truy tố.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An tham gia phiên tòa vẫn giữ nguyên quan điểm như Cáo trạng đã truy tố bị cáo về tội danh và điều luật, đồng thời phân tích, đánh giá tính chất, mức độ của hành vi phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Bị cáo phạm tội nhiều lần thuộc trường hợp “Phạm tội 2 lần trở lên” là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra bị cáo T khẩn khai báo về hành vi phạm tội, đã khắc phục một phần hậu quả, bị cáo chưa có tiền án tiền sự, có hoàn cảnh gia đình khó khan là tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Nguyễn Thị A phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38; Điều 50, khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự, đề nghị tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thị A từ 10 năm đến 12 năm tù.

- Về vật chứng: Áp dụng Điều 47 Bộ luật Hình sự; Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự. Đề nghị tịch thu lưu hồ sơ tài liệu gồm: 01 biên nhận mượn nợ ngày 19/5/2021 (âm lịch) và ngày 23/5/2021 (âm lịch) giữa Nguyễn Thị A với Trần Thị Thúy D; 01 hợp đồng vay tiền giữa Nguyễn Thị A với bà Đỗ Thị X ngày 20/6/2019; 01 tờ giấy thể hiện A có mượn của bà Nguyễn Thị L1 số tiền 250.000.000 đ vào ngày 14/02/2019; Dữ liệu tin nhắn hỏi vay tiền giữa Nguyễn Thị A và Trần Thị Thúy D.

-Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật Hình sự. Đề nghị buộc bị cáo Nguyễn Thị Ẩm hoàn trả cho các bị hại số tiền theo yêu cầu của các bị hại.

Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo qui định.

Luật sư Võ Công Danh bào chữa chỉ định cho bị cáo trình bày: Thống nhất với tội danh và điều luật mà Viện kiểm sát truy tố bị cáo. Khi quyết định hình phạt, đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết như: TRong quá trình điều tra, xét xử bị cáo T khẩn khai báo, đã khắc phục một phần thiệt hại cho bị hại, là các tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại các điểm s, b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra bị cáo có nhân thân tốt, chưa có tiền án tiền sự, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, là các tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự nên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự xét xử bị cáo với mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình hình phạt được áp dụng. Về trách nhiệm dân sự: Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại mức lãi suất mà các bị hại cho bị cáo vay là quá cao so với lãi suất mà Bộ luật Dân sự quy định. Đề nghị Hội đồng xét xử xem xét số tiền lãi bị cáo đã trả cho các bị hại để khấu trừ vào phần tiền còn nợ, nhắm khắc phục một phần tiền nợ của bị cáo đối với các bị hại.

Kiểm sát viên đối đáp: Luật sư đề nghị bổ sung tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo là hoàn cảnh gia đình bị cáo có khó khăn, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận. Về phần lãi suất bị cáo đã trả cho bị hại thì trong quá trình điều tra bị cáo không trình bày được số tiền đã trả lãi cho các bị hại, ngoài ra bị cáo cũng không có tài liệu chứng cứ gì chứng minh số tiền trả lãi, nên Luật sư đề nghị xem xét phần lãi suất là không có căn cứ.

Bị cáo nói lời sau cùng: Bị cáo biết mình vi phạm pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Trong quá trình điều tra, truy tố, các quyết định tố tụng và hành vi tố tụng của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Long An, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An, của Điều tra viên, Kiểm sát viên và Luật sư bào chữa cho bị cáo đều thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự.

[2] Tại phiên tòa, vắng mặt bị hại Đỗ Thị X, Nguyễn Thị L1, các người có quyền và nghĩa vụ liên quan và những người làm chứng. Xét thấy, đối với các bị hại Đỗ Thị X, Nguyễn Thị L1 và người có quyền và nghĩa vụ L2 quan đến vụ án Võ Thanh L1, Phạm Văn T thì có đơn xin vắng mặt tại phiên tòa, còn những người khác thì đã có lời khai trong quá trình điều tra và công bố lời khai của họ tại phiên tòa, nên việc vắng mặt này không gây trở ngại cho việc xét xử. Do đó, căn cứ Điều 292, 293 Bộ luật Tố tụng hình sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[3] Bị cáo Nguyễn Thị A khai nhận hành vi phạm tội của mình như nội D bản Cáo trạng, phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra trước tòa, thể hiện: Do cần tiền để chi tiêu gia đình và không còn khả năng trả góp ngày nên đầu năm 2019, Nguyễn Thị A đưa ra các thông tin giả là có nhiều khách hàng cần vay tiền để đáo nợ ngân hàng làm bà Trần Thị Thúy D, bà Đỗ Thị X, bà Nguyễn Thị L1, tin tưởng cho A vay tiền. A đã hỏi vay và chiếm đoạt tiền vốn gốc của bà Trần Thị Thúy D 10.700.000.000 đ, bà Đỗ Thị X 3.400.000.000 đ, bà Nguyễn Thị L1 550.000.000 đ. Ngoài ra, A đưa ra thông tin sai sự thật vay tiền dùm cho chị dâu của A để chữa bệnh cho anh ruột đang nằm tại Bệnh viện Thành phố Hồ Chí Minh, cần tiền vô hóa chất nên bà D cho A vay số tiền 150.000.000 đồng. Khi không còn khả năng trả tiền vay, A luôn lẫn tránh bà D, sau đó lén lấy cắp sổ nợ của bà D, hành vi của A bị camera gia đình của nhà bà D ghi lại, buộc A phải giao nộp lại quyển sổ ghi nợ cho bà D tại Công an thị trấn V. Tổng số tiền bị cáo A chiếm đoạt của các bị hại là 14.800.000.000 đồng. Như vậy, hành vi của bị cáo Nguyễn Thị A đã có đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được quy định tại điểm a khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Do đó, Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long An truy tố bị cáo Nguyễn Thị A theo điều luật và tội danh trên là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.

[4] Hành vi phạm tội của bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến quyền sở hữu của người khác mà pháp luật nghiêm cấm. Bị cáo đã nhận thức rõ hành vi do bị cáo thực hiện là gian dối, trái pháp luật, nhưng bị cáo vẫn thực hiện để lừa đảo nhằm chiếm đoạt của các bị hại số tiền rất lớn, nên đối với bị cáo cần phải xử lý nghiêm, có mức án phù hợp và cần phải áp dụng hình phạt tù có thời hạn mới có tác dụng trừng phạt, răn đe, giáo dục, cải tạo bị cáo và phòng ngừa chung.

[5] Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với bị cáo: Bị cáo thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần đối với nhiều bị hại nên thuộc trường hợp “Phạm tội 2 lần trở lên” theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử bị cáo thành khẩn khai báo, đã khắc phục một phần hậu quả, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, có hoàn cảnh gia đình khó khăn là các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự qui định tại điểm s, b khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật Hình sự, nên có xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo khi lượng hình. Tuy nhiên, mặc dù bị cáo có 2 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự nhưng bị cáo có một tình tiết tăng nặng quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, số tiền bị cáo khắc phục cho bị hại thì quá ít so với số tiền bị cáo chiếm đoạt. Do đó, không có căn cứ áp dụng khoản 1 Điều 54 Bộ luật Hình sự để áp dụng hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo, như đề nghị của Kiểm sát viên tham gia phiên tòa và Luật sư bào chữa cho bị cáo.

[6] Về xử lý vật chứng: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra có thu giữ tài liệu gồm: Biên nhận mượn nợ ngày 19/5/2021 (Âm lịch) và ngày 23/5/2021 (Âm lịch) giữa Nguyễn Thị A với Trần Thị Thúy D; 01 hợp đồng vay tiền giữa Nguyễn Thị A với bà Đỗ Thị X ngày 20/6/2019; 01 tờ giấy thể hiện A có mượn của bà Nguyễn Thị L1 số tiền 250.000.000 đ vào ngày 14/02/2019; dữ liệu tin nhắn hỏi vay tiền giữa Nguyễn Thị A và Trần Thị Thúy D. Đây là các tài liệu có liên quan đến hành vi phạm tội của bị cáo nên tịch thu lưu hồ sơ vụ án là phù hợp.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Theo cáo trạng truy tố bị cáo và lời trình bày của bị cáo và các bị hại tại phiên tòa và có trong hồ sơ thì phù hợp số tiền bị cáo chiếm đoạt của các bị hại là 14.800.000.000 đồng. Cụ thể, số tiền bị cáo còn phải trả cho bà Trần Thị Thúy D là 10.850.000.000đ, bà Đỗ Thị X số tiền 3.400.000.000đ. Còn phần tiền của bà Nguyễn Thị L1 bị cáo đã trả được 250.0000.000đ, còn nợ lại 300.000.000đ. Tại tòa, bị cáo đồng ý trả số tiền chiếm đoạt của các bị hại. Do đó, cần buộc bị cáo phải trả cho các bị hại số tiền chiếm đoạt nên là có căn cứ.

[8] Đối với đề nghị của người bào chữa cho bị cáo yêu cầu xem xét phần lãi suất bị cáo đã trả cho các bị hại: Xét thấy: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra đã tiến hành đối chất giữa bị cáo và bị hại nhưng bị cáo không trình bày được số tiền lãi đã trả và cũng không có tài liệu chứng cứ gì chứng Minh. Tại phiên tòa xét xử bị cáo và bị hại đều thống nhất trình bày là những lần vay trong thời gian từ năm 2018 đến tháng 5/2019, bị cáo đã thanh toán xong vốn, lãi cho các bị hại, tức là các lần vay từ tháng 5/2019 về trước đã thanh lý xong, sau đó bị cáo mới vay lại. Do đó, đề nghị của người bào chữa cho bị cáo yêu cầu tính lại lãi mà bị cáo đã trả cho bị hại để khấu trừ vào số tiền còn nợ hiện nay là không có căn cứ.

[9] Đối với hành vi bị cáo A mượn tiền của bà Hồ Thị Mỹ H1 số tiền 50.000.000 đồng; bà Lê Thị Ái L2 số tiền 40.000.000 đồng, mặc dù A khai nhận là có chiếm đoạt tiền của bà H1 và L2 nhưng bà H1, bà L2 khẳng định lúc mượn tiền, A nói lý do là xoay sở việc gia đình, cần tiền chi tiêu, chỉ cho mượn, không lấy lãi. Đây chỉ là quan hệ dân sự nên không cấu thành hành vi phạm tội lừa đảo. Do đó, bà H1 và bà L2 có thể khởi kiện bị cáo A bằng vụ án dân sự khác khi có tranh chấp là phù hợp.

[10] Đối với Phạm Văn T là chồng của A đã kết hôn ngày 03/3/2008, như đã ly hôn vào ngày 22/8/2019. Trong thời gian chung sống, T không biết A lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số tiền A chiếm đoạt T hoàn toàn không biết và không cùng sử dụng, A khai nhận số tiền chiếm đoạt đã trả một phần vốn gốc, lãi, còn lại tiêu xài cá nhân hết. Như vậy, không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với T là phù hợp.

[11] Đối với việc T và A chuyển nhượng quyền sử dụng 6.142 m2 đất trồng lúa ngày 09/7/2019 và 525 m2 đất ở ngày 05/7/2019 cho vợ chồng ông Nguyễn Ngọc H2 và bà Nguyễn Thị C trong khi đang nợ tiền của bà D, bà X, bà L1 và những người khác, bà D cho rằng vợ chồng A tẩu tán tài sản, xét thấy đây là giao dịch hợp đồng dân sự, nên giải quyết bằng vụ án dân sự khi có tranh chấp.

[12] Về án phí: Căn cứ Điều 135 và 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án thì bị cáo phải bàu án phí hình sự sơ thẩm và dân sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Nguyễn Thị A phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

 Áp dụng điểm a khoản 4 Điều 174; điểm g khoản 1 Điều 52; điểm s, điểm b khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Xử phạt: Bị cáo Nguyễn Thị A 15 (Mười lăm) năm tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù được tính từ ngày 20/4/2021.

Áp dụng khoản 1, khoản 3 Điều 329 Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015. Tiếp tục tạm giam bị cáo Nguyễn Thị A 45 (Bốn mươi lăm) ngày kể từ ngày 30/3/2022 để đảm bảo thi hành án.

2. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Điều 47 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tịch thu lưu vào hồ sơ vụ án: Biên nhận mượn nợ ngày 19/5/2021 (Âm lịch) và ngày 23/5/2021 (Âm lịch) giữa Nguyễn Thị A với Trần Thị Thúy D; 01 (Một) hợp đồng vay tiền giữa Nguyễn Thị A với bà Đỗ Thị X ngày 20/6/2019;

01 (Một) tờ giấy thể hiện A có mượn của bà Nguyễn Thị L1 số tiền 250.000.000 đồng vào ngày 14/02/2019; dữ liệu tin nhắn hỏi vay tiền giữa Nguyễn Thị A và Trần Thị Thúy D.

3. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 48 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Buộc bị cáo Nguyễn Thị A trả cho: Bà Trần Thị Thúy D số tiền 10.850.000.000 (Mười tỷ tám trăm năm mươi triệu) đồng; bà Đỗ Thị Xiềng số tiền 3.400.000.000 (Ba tỷ bốn trăm triệu) đồng; bà Nguyễn Thị L1 300.000.000 (Ba trăm triệu) đồng.

Trường hợp bên có nghĩa vụ chậm trả tiền thì bên đó phải trả lãi đối với số tiền chậm trả theo lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, tương ứng với thời gian chậm trả.

4. Về án phí: Căn cứ Điều 135 và 136 Bộ luật Tố tụng Hình sự; Điều 23, Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Nguyễn Thị A phải nộp 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí hình sự sơ thẩm và 122.500.000 (Một trăm hai mươi hai triệu năm trăm ngàn) đồng án phí dân sự sơ thẩm, sung ngân sách Nhà nước.

5. Về quyền kháng cáo: Bị cáo, bị hại có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ L2 quan đến vụ án vắng mặt có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận bản án hợp lệ.

6. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

88
  • Tên bản án:
    Bản án 14/2022/HS-ST ngày 30/03/2022 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 
  • Cơ quan ban hành:
  • Số hiệu:
    14/2022/HS-ST
  • Cấp xét xử:
    Sơ thẩm
  • Lĩnh vực:
    Hình sự
  • Ngày ban hành:
    30/03/2022
  • Từ khóa:
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 14/2022/HS-ST ngày 30/03/2022 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản 

Số hiệu:14/2022/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành:
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 30/03/2022
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về