TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN MƯỜNG KHƯƠNG - TỈNH LÀO CAI
BẢN ÁN 14/2020/HS-ST NGÀY 23/09/2020 VỀ TỘI MUA BÁN NGƯỜI
Ngày 23 tháng 9 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 17/2020/TLST-HS, ngày 09 tháng 9 năm 2020, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 14/2020/QĐXXST-HS, ngày 10 tháng 9 năm 2020 đối với bị cáo:
Vàng Thị M tên gọi khác: Không; Giới tính: Nữ; Sinh năm 1982 (không xác định được ngày sinh, tháng sinh) tại huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Nơi ở: Thôn PB, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai;
Nghề nghiệp: Tự do; Trình độ học vấn: Không biết chữ. Dân tộc: Mông; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam;
Con ông Vàng K và con bà Vừ Thị C (đã chết); Có chồng là Sùng Seo CH (đã chết) và có 03 con lớn nhất sinh năm 2000, nhỏ nhất sinh năm 2004.
Tiền án: Không; Tiền sự: Không;
Bị cáo đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn tạm giữ, tạm giam từ ngày 05 tháng 6 năm 2020, hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam Công an tỉnh Lào Cai - Có mặt.
Người bào chữa cho bị cáo: Bà Trần Thị Chinh - Trợ giúp viên Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước, tỉnh Lào Cai, vắng mặt.
Bị hại:
* Chị Sùng Thị S; Sinh ngày 21 tháng 8 năm 1990; Địa chỉ: Thôn ĐG, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, vắng mặt.
Người đại diện hợp pháp của bị hại: Ông Sùng Seo D; địa chỉ: Thôn ĐG, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai (là bố đẻ của bị hại), vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông Sùng Seo D: Anh Sùng Seo CH1; địa chỉ: Thôn ĐG, xã Bản Lầu, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có mặt.
Người làm chứng:
* Anh Sùng Seo Tr; địa chỉ: Thôn TB, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có mặt.
Người phiên dịch: Ông Giàng S1 - Cán bộ Phòng kinh tế hạ tầng huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai, có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Khoảng đầu tháng 9/2006, Sùng Seo Tr sang Trung Quốc làm thuê có gặp một người đàn ông Trung Quốc tên là LV (không rõ tên, tuổi, địa chỉ). LV bảo Tr về Việt Nam tìm phụ nữ đưa sang Trung Quốc để LV đưa đi bán, tùy theo ngoại hình của người phụ nữ đó được trả từ 5.000 đến 6.000 CNY, Tr đồng ý.
Trưa ngày 20/9/2006, Tr đến nhà HP tại thôn PB, xã bản Lầu ăn cơm uống rượu cùng Vàng Thị M và Hoàng Thị D là vợ của P. Tr đặt vấn đề hỏi M về việc tìm người để đưa sang Trung Quốc, mỗi phụ nữ bán được Tr sẽ trả cho M 1.000.000 đồng. M trả lời có “cái này” tức là Sùng Thị S là cháu gọi M bằng thím). Tr hỏi M “thế giờ S ở đâu”, M trả lời “ ở gần đây thôi”. M bảo Tr đợi ở ngã ba thôn PB, xã Bản Lầu để M đi tìm S. M đến gặp S đang đứng bán măng ở khu vực ngã ba thôn PB. Vì muốn lừa S nên M bảo S có muốn đi Trung Quốc lấy chồng không, S đồng ý. Lúc này có bố của S đi đến thấy M và S đang nói chuyện, M bảo S đi ra chỗ khác để tránh bị ông D phát hiện không cho đi. S liền đưa tiền bán măng cho ông D bảo ông D đi mua thức ăn, còn M và S đi gặp Tr, cả ba người lên xe máy để Tr chở đi. Khi đến khu vực gần nhà M M bảo Tr cho M xuống. S hỏi M “ sao thím không đi”, M nói “ cháu cứ đi cùng chú Tr trước, thím sang Trung Quốc sau”. Tr tiếp tục chở M đi lên Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mường Khương gặp Hoàng Seo P để gửi xe máy, sau đó Tr dẫn S đi bộ ra khu vực biên giới thuộc thôn DCT, thị trấn Mường Khương và đưa S sang Trung Quốc. Đến sáng ngày 21/9/2006, Tr đưa S đến khu vực chợ Nà Sỉ - Hà Khẩu – Vân Nam - Trung Quốc bán cho LV với giá 7.000CNY rồi quay về Việt Nam lấy xe máy đi ra chợ Mường Khương đổi được 14.000.000 đồng. Khoảng 01 tuần sau M bảo chồng là Sùng Seo CH chở lên nhà Tr CH1, M gặp và hỏi Tr về số tiền bán S. Tr bảo bán được 7.000CNY nhưng người ta chưa trả tiền, Tr đưa cho M 1.600.000 đồng. M chi tiêu hết 1.300.000 đồng, còn 300.000 đồng M đưa cho chồng trả nợ. Còn Tr sau khi có được số tiền bán S, Tr tiêu sài cá nhân hết. Đối với Sùng Thị S bị Tr và M lừa bán sang Trung Quốc hiện không biết ở đâu. Riêng M sau khi sự việc bị phát hiện, bị Cơ quan điều tra triệu tập lên làm việc, M đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, sau đó bỏ trốn sang Trung Quốc sinh sống cho đến khi trở về Việt Nam và bị bắt.
Về trách nhiệm dân sự: Gia đình bị hại đã ủy quyền cho anh Sùng Seo CH1 là người đại diện tham gia tố tụng. Anh CH1 yêu cầu bị cáo M phải bồi thường danh dự, nhân phẩm cho chị S với số tiền 50.000.000 đồng.
Tại bản cáo trạng số: 39/CT-VKST-P2, ngày 08/9/2020 của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai truy tố bị cáo Vàng Thị M về tội: “Mua bán người” theo điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Tại phiên toà :
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai luận tội đối với bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo Vàng Thị M phạm tội: “Mua bán người”.
Trong đó:
Về hình phạt chính: Áp dụng điểm d khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015 xử phạt bị cáo Vàng Thị M từ 4 năm đến 4 năm 6 tháng tù. Đề nghị giải quyết về trách nhiệm dân sự và xử lý vật chứng theo quy định. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo; đề nghị tuyên án phí, quyền kháng cáo đối với bị cáo.
- Người bào chữa cho bị cáo Vàng Thị M vắng mặt tại phiên tòa có gửi bài phát biểu trình bày quan điểm bào chữa cho HĐXX với nội dung: Nhất trí với nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai truy tố đối với bị cáo cũng như luận tội của Kiểm sát viên tại phiên tòa. Đồng thời phân tích, đánh giá nhân thân và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Vàng Thị M mức án từ 03 năm 06 tháng đến 4 năm tù. Không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
- Bị cáo Vàng Thị M đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1]. Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lào Cai, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện là hợp pháp.
[2]. Về hành vi phạm tội của bị cáo: Tại phiên toà bị cáo Vàng Thị M đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung vụ án đã được tóm tắt ở phần trên. Lời khai nhận tội của bị cáo tại phiên toà phù hợp với lời khai của Sùng Seo Tr và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.Vì vậy, có đủ cơ sở kết luận: Ngày 20/9/2006, bị cáo Vàng Thị M đã cùng Sùng Seo Tr thực hiện hành vi lừa và đưa chị Sùng Thị S vượt biên trái phép sang Trung Quốc bán lấy tiền, M được Tr chia cho 1.600.000 đồng. Sau khi thực hiện hành vi phạm tội, Sùng Seo Tr đã bị Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai xét xử và tuyên phạt mức án 05 năm tù, còn bị cáo M bỏ trốn sang Trung Quốc, bị Cơ quan điều tra Công an huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai ra quyết định truy nã số 02 ngày 19/01/2007. Đến ngày 05/6/2020, Vàng Thị M bị Công an tỉnh Lào Cai bắt giữ. Hành vi phạm tội của bị cáo đã đủ yếu tố cấu thành tội “Mua bán người” với tình tiết định khung “Đưa nạn nhân ra khỏi biên giới Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam”. Như vậy, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lào Cai truy tố bị cáo Vàng Thị M về tội: "Mua bán người" theo điểm d khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.
Bị cáo là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Bị cáo nhận thức được việc mua bán người là vi phạm pháp luật, song sau khi được Sùng Seo Tr khởi xướng, rủ rê và hứa hẹn chia tiền, bị cáo đã đồng ý và là người trực tiếp lừa Sùng Thị S rủ sang Trung Quốc lấy chồng sau đó chuyển giao S cho Tr đưa sang Trung Quốc bán. Hành vi của bị cáo thuộc trường hợp rất nghiêm trọng, trực tiếp xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm của con người, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh chính trị tại địa phương. Do đó, cần phải xử phạt bị cáo nghiêm khắc, đồng thời cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội một thời gian để cải tạo, giáo dục bị cáo và phòng ngừa chung. [3]. Về các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng trách nhiệm hình sự:
Về tình tiết tăng nặng: Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.
Về tình tiết giám nhẹ: Trong quá trình điều tra và tại phiên toà, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự qui định tại điểm s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015. Bị cáo là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, không được đi học, không biết chữ, nhận thức pháp luật có nhiều hạn chế, nên xem xét giảm nhẹ cho bị cáo một phần hình phạt là phù hợp.
Do hành vi phạm tội của bị cáo xảy ra từ năm 2006 đây là thời điểm Bộ luật Hình sự 1999 vẫn đang có hiệu lực. Theo quy định tại khoản 2 Điều 119 Bộ luật Hình sự năm 1999 có khung hình phạt từ 05 năm đến 20 năm tù, còn theo quy định tại khoản 2 Điều 150 Bộ luật Hình sự năm 2015 có khung hình phạt từ 08 năm đến 15 năm tù là nhẹ hơn so với Bộ luật Hình sự năm 1999. Theo khoản 3 Điều 7 của Bộ luật Hình sự 2015; điểm h khoản 2 Điều 2 Nghị quyết 41/2017/QH, ngày 20/6/2017 của Quốc hội, do đó áp dụng có lợi cho bị cáo thì khoản 2 Điều 150 của Bộ luật Hình sự năm 2015 là điều luật có lợi cho người phạm tội. Tuy nhiên, căn cứ vào tính chất mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy chỉ cần áp dụng mức khởi điểm của khung hình phạt đối với bị cáo tại thời điểm xảy ra sự việc. Do vậy, cần áp dụng điểm d khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Hình sự năm 1999 để quyết định hình phạt đối với bị cáo là phù hợp với quy định của pháp luật.
[4]. Về hình phạt bổ sung: Xét thấy bị cáo không có tài sản, nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.
[5] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa người đại diện theo ủy quyền của bị hại đề nghị HĐXX giải quyết buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 10.000.000 đồng. Mặc dù việc bồi thường này đã được Hội đồng xét xử Tòa án nhân dân tỉnh Lào Cai giải quyết tại Bản án số 40/2007/HSST, ngày 28/6/2007 nhưng tại phiên tòa bị cáo nhất trí bồi thường cho gia đình bị hại số tiền 5.000.000 đồng. Kể từ thời điểm chị S bị lừa bán sang Trung Quốc đến nay không có tin tức, gây cho gia đình ông Sùng Seo D nỗi đau về tinh thần nên cần chấp nhận ý kiến của bị cáo.
[6]. Xét quan điểm của Kiểm sát viên và quan điểm của người bào chữa: Xét thấy tại phiên tòa Kiểm sát viên đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo là phù hợp. Người bào chữa đề nghị Hội đồng xét xử xử phạt bị cáo mức án từ 3 năm 6 tháng đến 4 năm tù là phù hợp nên chấp nhận quan điểm và đề nghị của người bào chữa.
[7] Về vật chứng: Đã được giải quyết tại bản án 40/2007/HSST, ngày 28/6/2007 nên HĐXX không giải quyết lại.
Đối với số tiền 1.600.000 đồng bị cáo M được Sùng Seo Tr chia cho, đây là tiền do phạm tội mà có nên cần truy thu sung quỹ Nhà nước.
[8]. Về án phí: Bị cáo phải chịu tiền án phí hình sự sơ thẩm và án phí DSST theo qui định của pháp luật.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
1. Căn cứ điểm d khoản 2 Điều 119 của Bộ luật Hình sự năm 1999; Điều 17, điểm s khoản 1 Điều 51, Điều 58 của Bộ luật Hình sự năm 2015:
1.1. Tuyên bố bị cáo Vàng Thị M phạm tội “Mua bán người”.
1.2. Xử phạt bị cáo Vàng Thị M 04 năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 05 tháng 6 năm 2020.
2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, 585, 592 – Bộ luật Dân sự 2015: Buộc bị cáo Vàng Thị M phải bồi thường cho ông Sùng Seo D số tiền là 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).
3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng điểm b khoản 2 Điều 106 của Bộ luật Tố tụng hình sự truy thu nộp ngân sách Nhà nước số tiền 1.600.000 đồng (Một triệu sáu trăm nghìn đồng) của bị cáo Vàng Thị M do phạm tội mà có.
Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cơ quan Thi hành án chủ động ra quyết định thi hành đối với khoản tiền truy thu nộp ngân sách Nhà nước và kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án đối với khoản tiền bồi thường cho đến khi thi hành xong các khoản tiền trên, hàng tháng bị cáo còn phải chịu khoản tiền lãi xuất của số tiền chậm thi hành tương ứng với thời gian chậm thi hành án theo quy định tại Điều 357 và Điều 468 của Bộ luật Dân sự.
4. Về án phí: Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016: Bị cáo phải chịu 200.000 đồng (Hai trăm nghìn đồng) tiền án phí hình sự sơ thẩm và 300.000 đồng (Ba trăm nghìn đồng) án phí DSST. Tổng cộng 500.000đồng (Năm trăm nghìn đồng).
5. Quyền kháng cáo: Bị cáo, người đại diện hợp pháp của bị hại có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.
Bản án 14/2020/HS-ST ngày 23/09/2020 về tội mua bán người
Số hiệu: | 14/2020/HS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện Mường Khương - Lào Cai |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 23/09/2020 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về