TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TÂY NINH
BẢN ÁN 137/2018/DS-PT NGÀY 08/08/2018 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 08 tháng 8 năm 2018; tại trụ sở, Tòa án nhân dân tỉnh Tây Ninh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 61/2018/TLPT-DS, ngày 14 tháng 5 năm 2018 về “Tranh chấp thừa kế tài sản”.
Do Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2018/DS-ST ngày 02 tháng 4 năm 2018, của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 97/2018/QĐ-PT ngày 10 tháng 7 năm 2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Trần Văn T, sinh năm 1967; địa chỉ cư trú tại: Tổ T1, ấp T2, xã T3, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, có mặt.
- Bị đơn: Ông Trần Văn U, sinh năm 1971; địa chỉ cư trú tại: Tổ U1, ấp U2, xã T3, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của ông U: Ông Phạm Văn A, sinh năm 1973; địa chỉ cư trú tại: Thôn A1, xã A2, huyện A3, tỉnh Bình Định; văn bản ủy quyền ngày 21-6-2017, có mặt.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
1. Ông Trần Văn Q, sinh năm 1953; địa chỉ cư trú tại: Tổ U1, ấp U2, xã T3, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, có mặt;
2. Bà Trần Thị B, sinh năm 1961; địa chỉ cư trú tại: Tổ U1, ấp U2, xã T3, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, vắng mặt;
Người đại diện theo ủy quyền của bà B là ông Trần Văn Q, sinh năm 1953; văn bản ủy quyền ngày 22-6-2017;
3. Ông Trần Văn M, sinh năm 1969; địa chỉ cư trú tại: Ấp M1, xã M2, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, có mặt;
4. Ông Trần Văn N, sinh năm 1964; địa chỉ cư trú tại: Tổ N1, ấp N2, xã T3, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, có mặt;
5. Bà Nguyễn Thị Kim L, sinh năm 1968; địa chỉ cư trú tại: Tổ U1, ấp U2, xã T3, huyện T4, tỉnh Tây Ninh, vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà L: Ông Phạm Văn A, sinh năm 1973; văn bản ủy quyền ngày 21-6-2017.
- Người kháng cáo: Ông Trần Văn T là nguyên đơn; ông Trần Văn Q, Trần Văn N, ông Trần Văn M là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Viện kiểm sát kháng nghị: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện và trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn – ông Trần Văn T trình bày:
Cha ông tên Trần Văn O, chết ngày 21-11-2001(âl). Mẹ ông tên Nguyễn Thị G, chết ngày 26-3-2013. Cha mẹ ông có 07 người con chung, trong đó có 01 người chết khi còn nhỏ, còn lại 06 người gồm: Ông, ông Trần Văn Q, bà Trần Thị B, ông Trần Văn N, ông Trần Văn M và ông Trần Văn U. Cha mẹ ông không ai có con riêng hay con nuôi. Cha mẹ ông không để lại di chúc.
Khi cha mẹ ông còn sống, đã phân chia đất cho tất cả các con. Còn một phần đất khoảng 5.200 m2 thì cha mẹ chưa chia cho ai. Phần đất này của cha mẹ ông khai phá từ trước năm 1975, chưa được chế độ cũ cấp giấy tờ quyền sở hữu. Vào năm 1976, Nhà nước trưng dụng toàn bộ phần đất trên để xây dựng kho lương thực, nhưng chỉ sử dụng một nửa để xây kho, một nửa còn lại để trống. Việc trưng dụng không thực hiện bằng giấy tờ.
Năm 1990, do thấy kho lương thực bỏ hoang nên ông N về đó ở. Đến năm 2009, Nhà nước trả lại một phần đất cha mẹ ông sử dụng trước đây và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho vợ chồng ông N, diện tích 2.561,7 m2 gồm thửa 227 và 229 tờ bản đồ số 07, còn phần xây kho lương thực thì Nhà nước xây trường học. Năm 2010, vợ chồng ông N làm thủ tục tặng toàn bộ diện tích đất trên cho vợ chồng ông Trần Văn U, bà Nguyễn Thị Kim L. Việc Nhà nước trả đất của cha mẹ ông lại cho vợ chồng ông N, rồi sau đó vợ chồng ông N tặng cho đất lại cho vợ chồng ông U thì ông, mẹ ông và các anh chị em khác đều không ai biết. Năm 2014, vợ chồng ông U chuyển nhượng phần đất thuộc thửa 227 diện tích 1.811,8 m2 cho người khác, phần này ông không tranh chấp; còn lại diện tích 691,7 m2, thuộc thửa 229 hiện vợ chồng ông U, bà L đang quản lý.
Nay ông yêu cầu Tòa án chia thừa kế phần đất diện tích 691,7 m2, thuộc thửa số 229 tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp U2, xã T3, huyện T4 ra làm 05 phần bằng nhau cho 05 người gồm: Ông, ông Q, ông N, ông M và bà B, không chia cho ông U, vì ông U đã được hưởng thửa 227 rồi. Ông yêu cầu được nhận đất không nhận bằng tiền. Trong thửa 229 còn có diện tích 58,2 m2 là mương thoát nước ông không tranh chấp.
Tại bản tự khai và quá trình làm việc, bị đơn Trần Văn U và người đại diện theo ủy quyền của U trình bày: Thống nhất với lời trình bày của ông T về quan hệ huyết thống, hàng thừa kế; ngày tháng cụ O, cụ G chết; không có di chúc; khi cụ O, cụ G còn sống đã phân chia đất cho tất cả các con.
Về nguồn gốc phần đất đang tranh chấp, ông U cũng thống với ông T là đất trước năm 1976 do cha mẹ ông tạo lập; nhưng năm 1976 Nhà nước đã trưng dụng làm kho lương thực, nên trở thành đất công. Vợ chồng ông N được cấp giấy mới lần đầu vào năm 2010 là hợp pháp. Sau đó, vợ chồng ông N đã tự nguyện tặng cho lại cho vợ chồng ông để nuôi mẹ già. Đất này không phải là di sản của cụ O, cụ G để lại, nên vợ chồng ông U không đồng ý chia thừa kế phần đất này.
Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn Q, bà Trần Thị B, ông Trần Văn M đều thống nhất trình bày: Thống nhất lời trình bày của ông T. Năm 2014, sau khi cụ G chết các anh em mới biết Nhà nước đã trả lại đất cho vợ chồng ông N, sau đó vợ chồng ông N tặng cho lại cho ông U, bà L. Khi đó các anh em không có khiếu nại việc Nhà nước trả lại đất cho vợ chồng ông N và không tranh chấp với ông U là vì ông U khi bán phần đất thửa 227, diện tích 1.811,8 m2 hứa sẽ cho tiền các anh em, xây mồ mả cho cha mẹ và xây nhà trọ cho bà B dưỡng già. Ông U chỉ hứa nhưng không thực hiện, nên nay các anh em mới khởi kiện chia thừa kế. Ông M, bà B có yêu cầu nhận di sản bằng hiện vật. Ông Q có yêu cầu nhận bằng tiền.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan - ông Trần Văn N trình bày:
Thống nhất lời trình bày của ông T. Năm 1990, thấy kho lương thực bỏ hoang nên ông về sống ở đây. Việc Nhà nước trả đất lại cho vợ chồng ông khi nào thì vợ chồng ông không biết, đến khi làm thủ tục tặng cho đất lại cho ông U, bà L ông mới biết mình được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mục đích vợ chồng ông tặng cho đất cho ông U, bà L là để ông U, bà L tặng cho lại vợ chồng ông phần đất này 05 mét chiều ngang, dài hết đất. Nay ông yêu cầu Tòa án chia thừa kế phần đất diện tích 691,7 m2 trong thửa số 229, tờ bản đồ số 07 ra làm 05 phần cho 05 người như trình bày của ông T, ông yêu cầu được nhận đất.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Kim L là vợ ông U thống nhất như lời trình bày, yêu cầu của ông U.
Bản án dân sự sơ thẩm số: 21/2018/DS-ST, ngày 02 tháng 4 năm 2018, của Tòa án nhân dân huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh, căn cứ các Điều 612, 650 của Bộ luật Dân sự và khoản 7 Điều 27 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, quyết định:
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản” của nguyên đơn ông Trần Văn T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N, bà Trần Thị B đối với bị đơn ông Trần Văn U và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị Kim L.
Về án phí: Ông Trần Văn T, ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N, bà Trần Thị B mỗi người phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm; nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm ông T, ông Q, ông M, ông N, bà B mỗi người đã nộp 1.700.000 đồng, hoàn trả lại cho mỗi người 1.400.000 đồng.
Ngoài ra, Bản án còn tuyên về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản; quyền, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo.
Ngày 16-4-2018, ông T, ông Q, ông M, ông N kháng cáo yêu cầu chia di sản thừa kế là phần đất diện tích 691,7 m2.
Ngày 02-5-2018, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh kháng nghị, cho rằng phần đất 691,7 m2 thuộc thửa 227 là di sản của cụ O và cụ G nên phải chia thừa kế cho các con của cụ O, cụ G; do các đương sự yêu cầu chia bằng hiện vật nhưng cấp sơ thẩm chưa xem xét công sức quản lý, giữ gìn tài sản của ông U nên đề nghị hủy bản án sơ thẩm.
Tại phiên toà phúc thẩm, các đương sự giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh giữ nguyên kháng nghị.
Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh tham gia phiên tòa:
Về thủ tục tố tụng: Thẩm phán, Thư ký, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục giải quyết vụ án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Những người tham gia tố tụng chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.
Về nội dung: Đề nghị HĐXX chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh và kháng cáo của những người kháng cáo, hủy bản án sơ thẩm, giao hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu đã được xem xét tại phiên tòa; kết quả tranh tụng tại phiên tòa; xét kháng cáo của ông T, ông Q, ông M, ông N; xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, Hội đồng xét xử nhận định:
[1] Về hàng thừa kế, diện thừa kế, thời điểm mở thừa kế và người chết không không để lại di chúc các đương sự khai thống nhất, không kháng cáo; không bị kháng nghị.
[2] Về xác định di sản: Nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cho rằng phần đất có diện tích 691,7 m2, thuộc thửa số 229 tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp U2, xã T3, huyện T4 (một phần thửa 229 có diện tích 58,2 m2 là mương nước không tranh chấp) là di sản của cụ O và cụ G nên yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.
[2.1] Xét nguồn gốc phần đất này nằm trong tổng diện tích khoảng 5.200 m2 do cụ O và cụ G khai phá từ trước năm 1975. Sau giải phóng, Nhà nước trưng dụng làm kho lương thực. Khoảng năm 1989-1990, do thấy kho lương thực không còn sử dụng nên vợ chồng ông N là con của cụ O và cụ G vào bao chiếm sử dụng phần đất trống nằm ngoài nhà kho, đến năm 2009 ông N đăng ký và năm 2010 vợ chồng ông N được Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 2.561,7 m2, gồm thửa 227 và 299, tờ bản đồ số 7. Còn phần nhà kho thì Nhà nước tiếp tục quản lý và xây trường học. Cùng năm 2010 ông N và vợ là bà Hòa lập hợp đồng tặng cho lại vợ chồng ông U, bà L toàn bộ diện tích 2.561,7 m2 nêu trên để vợ chồng ông U phụng dưỡng mẹ. Như vậy, phần đất tranh chấp mặc dù có nguồn gốc của cụ O và cụ G khai phá nhưng Nhà nước đã trưng dụng làm đất công.
[2.2] Phần đất này từ trước và sau giải phóng cụ O và cụ G không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cũng không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1, 2 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003, tương ứng là khoản 1, 2 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và cũng không có công trình xây dựng, cây lâu năm trên đất. Cụ O và cụ G không quản lý, sử dụng đất. Theo hướng dẫn tại tiểu mục 1.2 mục II của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP, ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì đất tranh chấp không phải là di sản của cụ O và cụ G.
[2.3] Tại văn bản số 1311/UBND-TD, ngày 05-12-2017 của UBND huyện Gò Dầu xác định: Việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn N và bà Trần Thị Hòa thuộc dạng bao chiếm sử dụng đất ổn định trước ngày 15-10-1993, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, không phải là trả lại đất đã trưng dụng cho ông N cũng không phải là trả đất cho cụ O và cụ G. Trước khi cấp giấy cho ông N thì Ủy ban nhân dân xã Phước Đông có niêm yết công khai hồ sơ đăng ký đất tại Ủy ban nhân dân xã Phước Đông, huyện Gò Dầu (BL 168). Sau đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Gò Dầu công khai danh sách các trường hợp đủ điều kiện được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (BL 172). Ủy ban nhân dân huyện Gò Dầu xác định khi cấp giấy cho vợ chồng ông N thì đất không tranh chấp; thuộc trường hợp sử dụng đất công.
[3] Quá trình vợ chồng ông N sử dụng, đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng, vợ chồng ông N tặng cho vợ chồng ông U, vợ chồng ông U được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng và chuyển nhượng cho người khác thửa 227 có diện tích 1.881,8 m2; các anh em của ông U đều không có ý kiến phản đối.
[4] Do đất tranh chấp là của vợ chồng ông N được Nhà nước công nhận, nên hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông N và vợ chồng ông U ngày 25-01-2010 được công chứng là hợp đồng hợp pháp; không có cơ sở xác định hợp đồng này vô hiệu và các chủ thể của hợp đồng này cũng không tranh chấp với nhau. Vợ chồng ông U được nhận từ việc tặng cho hợp pháp, ngay tình nên được pháp luật công nhận và bảo vệ.
[5] Như vậy, phần đất có diện tích 691,7 m2, thuộc thửa số 229 tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp U2, xã T3, huyện T4 hiện do vợ chồng ông U, bà L đứng tên không phải là di sản của cụ O và cụ G nên nguyên đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan yêu cầu chia thừa kế là không có căn cứ. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của những người có yêu cầu là đúng pháp luật. Kháng cáo của ông T, ông Q, ông M, ông N và kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh không có cơ sở chấp nhận.
[6] Trong trường hợp có căn cứ cho rằng phần đất thửa 229 là di sản của cụ O và cụ G thì việc tặng cho quyền sử dụng đất giữa vợ chồng ông N và vợ chồng ông U vẫn có hiệu lực pháp luật, vợ chồng ông N phải có nghĩa vụ hoàn trả giá trị cho những người được hưởng thừa kế khác.
[7] Về án phí phúc thẩm: Do không chấp nhận kháng cáo của ông T, ông Q, ông M, ông N nên các đương sự này phải chịu án phí phúc thẩm dân sự như quy định tại Điều 29 Nghi quyết 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự; các Điều 612, 649 của Bộ luật Dân sự; Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP, ngày 10/8/2004 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
1. Không chấp chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Trần Văn T, ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N; không chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Tây Ninh, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện “Tranh chấp về thừa kế tài sản” của nguyên đơn ông Trần Văn T và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N, bà Trần Thị B đối với bị đơn ông Trần Văn U và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Nguyễn Thị Kim L đối với phần đất có diện tích 691,7 m2, thuộc thửa số 229 tờ bản đồ số 07, tọa lạc tại ấp U2, xã T3, huyện T4.
2. Về án phí dân sự sơ thẩm và chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản:
- Án phí DSST: Ông Trần Văn T, ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N, bà Trần Thị B mỗi người phải chịu 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm. Nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí sơ thẩm ông T, ông Q, ông M, ông N, bà B mỗi người đã nộp 1.700.000 đồng theo biên lai thu tiền số 0012216 ngày 07-6-2017 và các biên lai thu tiền số 0012285, 0012284, 0012282, 0012283 ngày 22-6-2017 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Gò Dầu. Ông T, ông Q, ông M, ông N, bà B mỗi người được nhận lại số tiền tạm ứng án phí là 1.400.000 (một triệu bốn trăm nghìn) đồng.
- Chi phí xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản: Ông Trần Văn T, ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N, bà Trần Thị B phải chịu 1.500.000 đồng tiền chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản (đã nộp xong).
3. Về án phí phúc thẩm: Ông Trần Văn T, ông Trần Văn Q, ông Trần Văn M, ông Trần Văn N mỗi người phải chịu 300.000 (ba trăm ngàn) đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm, được trừ vào 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo Biên lai thu số 0013344, 0013332, 0013331, 0013335, ngày 16-4-2018, của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Gò Dầu.
4. Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 của Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật Thi hành án dân sự.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 137/2018/DS-PT ngày 08/08/2018 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 137/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Tây Ninh |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 08/08/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về