Bản án 135/2021/DS-PT ngày 08/04/2021 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

 BẢN ÁN 135/2021/DS-PT NGÀY 08/04/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG ĐẶT CỌC

 Ngày 08 tháng 04 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Tiền Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 80/2021/TLPT-DS ngày 10 tháng 3 năm 2021 về việc tranh chấp “Hợp đồng đặt cọc”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 182/2020/DS-ST ngày 31/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 108/2021/QĐ-PT ngày 16 tháng 03 năm 2021 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Anh Trương Ngọc P, sinh năm 1983; Địa chỉ: Ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Người đại diện theo ủy quyền: Anh Trần Đăng K, sinh năm 1996; (có mặt) Địa chỉ: Ấp M, xã M, thị xã C, tỉnh Tiền Giang.

Theo văn bản ủy quyền ngày 19/01/2021.

- Bị đơn: Ông Võ Văn U, sinh năm 1966; (có mặt) Địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Người làm chứng:

1. Nguyễn Văn T, sinh năm 1953;

Địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

2. Nguyễn Thanh T1, sinh năm 1982;

Địa chỉ: Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

3. Lê Thị Diễm T2, sinh năm 1974;

Địa chỉ: Khu X, thị trấn C, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn – Trương Ngọc P; Bị đơn – Võ Văn U.

Theo bản án sơ thẩm;

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn – anh Trương Ngọc P trình bày: Ngày 28/10/2019, ông Võ Văn U có thỏa thuận chuyển nhượng cho anh P đất vườn có diện tích 1.200m2, là một phần diện tích của thửa đất số 215, tờ bản đồ số 17, có diện tích 2.351,9m2 tại Ấp H, xã H, huyện C, tỉnh Tiền Giang với giá 870.000.000 đồng/1000m2. Ngay trong ngày, anh P có đặt cọc cho ông U số tiền 65.000.000 đồng, đến ngày 14/11/2019 và ngày 28/11/2019, ông U đưa cọc thêm cho ông U 20.000.000 đồng. Tổng cộng anh P đã đặt cọc tiền chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho ông U số tiền 85.000.000 đồng. Thỏa thuận khi nào có bản vẽ đo đạc của địa chính xong thì anh P đưa đủ số tiền còn lại nhưng đến nay ông U thay đổi ý kiến, không chuyển nhượng đất cho anh P nữa mà chuyển nhượng cho người khác nhưng không chịu trả lại tiền đặt cọc dù anh P đã nhiều lần yêu cầu. Nay, anh P yêu cầu ông U trả lại số tiền 85.000.000 đồng, ngay khi án có hiệu lực pháp luật.

Bị đơn – ông Võ Văn U trình bày: Ông có thỏa thuận chuyển nhượng đất và nhận tiền cọc như anh P trình bày. Nguồn gốc đất là của ông nhưng do ông nợ tiền của bà Lê Thị Diễm T2 600.000.000 đồng nên đã sang tên phần đất này cho bà T2 đứng tên. Do giá trị đất cao hơn số tiền thiếu nên ông chuyển nhượng lại một phần diện tích của thửa đất cho anh P với giá 870.000.000 đồng để lấy tiền trả nợ, việc này bà T2 cũng biết và đồng ý cùng ông làm thủ tục chuyển nhượng cho anh P. Quá trình thực hiện hợp đồng ông đã nhận tiền đặt cọc của anh P là 85.000.000 đồng, hai bên có làm giấy chuyển nhượng viết tay có thỏa thuận nội dung khi nào có bản vẽ đo đạc của địa chính xong thì ông P đưa số tiền còn lại và làm thủ tục chuyển nhượng, giấy thỏa thuận đưa cho anh P giữ có người làm chứng là ông Nguyễn Văn T ký vào.

Do giấy đất bà T2 đứng tên sau khi có bản vẽ đo đạc đất thì ông và bà T2 có gọi điện cho anh P nhiều lần trong thời gian hơn 02 tháng nhưng không liên lạc được, do thiếu nợ người khác quá nhiều nên ông và bà T2 tự ý chuyển nhượng lại cho anh Nguyễn Phát H để lấy tiền trả nợ và nhận cọc 20.000.000 đồng, nhưng sau đó anh H không vay được tiền mua đất nên bỏ cọc và kêu ông bán cho người khác. Sau đó anh P có lên nhà gặp ông, ông có nói “Theo thỏa thuận đã có bản vẽ đo đạc đất xong nếu mày không mua nữa thì mất cọc”. P nói “Ông kêu bán người khác rồi nói tôi làm gì nữa”, ông có nói “Người ta hồi rồi không mua nữa, mày không mua thì mất cọc” rồi P tự ý lên xe bỏ về không liên lạc nữa, khoảng 03 tháng sau thì ông và bà T2 đã chuyển nhượng đất cho ông Nguyễn Văn T với giá 600.000.000 đồng.

Nay không đồng ý trả lại tiền cọc theo yêu cầu của anh P vì lỗi do anh P tự ý bỏ việc mua đất theo thỏa thuận dẫn đến ông chuyển nhượng lại đất lại cho người khác với giá rẻ hơn 270.000.000 đồng là đã quá thiệt thòi cho ông.

Người làm chứng – bà Lê Thị Diễm T2 trình bày: Chị không có mâu thuẫn hay bà con thân thích với ông U và anh P. Do ông U thiếu chị 600.000.000 đồng nên làm thủ tục sang tên phần đất cho chị đứng tên như ông U trình bày, ông U có chuyển nhượng lại một phần diện tích đất cho anh P như ông U trình bày là đúng. Quá trình thực hiện hợp đồng, ông U đã nhận tiền đặt cọc của anh P 85.000.000 đồng, hai bên có làm giấy chuyển nhượng viết tay có thỏa thuận nội dung khi nào có bản vẽ đo đạc của địa chính xong thì anh P đưa số tiền còn lại để chị và ông U làm thủ tục chuyển nhượng đất cho anh P, có ông Nguyễn Văn T ký vào rồi đưa cho anh P giữ. Do giấy đất chị đứng tên nên chị là người trực tiếp đến Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện C lấy bản vẽ đo đất đem về cho ông U. Từ lúc có bản vẽ chị và ông U có điện thoại cho anh P nhiều lần trong thời gian hơn 02 tháng nhưng không liên lạc được, do ông U thiếu nợ nhiều người khác và cần tiền trả nợ nên chị và ông U đã chuyển nhượng lại đất cho anh Nguyễn Phát H và nhận cọc 20.000.000 đồng, nhưng sau đó anh H không vay được tiền mua đất nên bỏ cọc và kêu ông U bán đất cho người khác. Sau đó anh P có lên gặp ông U và biết được đã có bản vẽ đo đất nhưng không đồng ý mua vì anh P nói đã kêu bán cho người khác rồi nhưng thực tế ông U chưa bán đất cho ai, mãi gần 06 tháng sau khi có bản vẽ mới bán được cho ông T với giá 600.000.000 đồng. Chị biết rõ việc này vì là người đứng tên trên giấy đất nên ông U bán đất cho ai, khi nào, thỏa thuận mua bán ra sao cũng đều bàn bạc với chị để phối hợp thực hiện làm thủ tục mua bán đất.

Người làm chứng – ông Nguyễn Văn T trình bày: Ông không có mâu thuẫn hay bà con thân thích với ông U và anh P. Nhà ông bên cạnh nhà ông U nên thỏa thuận chuyển nhượng đất giữa ông U và ông P ông biết rất rõ và có ký tên làm chứng vào giấy tay mua bán đất. Cụ thể: Do ông U thiếu chị T2 600.000.000 đồng mới làm thủ tục sang tên phần đất cho chị T2 đứng tên như ông U trình bày. Quá trình thực hiện hợp đồng ông U đã nhận tiền đặt cọc của anh P 85.000.000 đồng, hai bên có làm giấy chuyển nhượng viết tay có thỏa thuận nội dung khi nào có bản vẽ đo đạc của địa chính xong thì anh P phải đưa số tiền còn lại để ông U và chị T2 làm thủ tục chuyển nhượng đất cho anh P rồi đưa cho anh P giữ. Do giấy đất chị T2 đứng tên nên chị là người trực tiếp lên Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện C lấy bản vẽ đo đất đem về cho ông U, sau đó chị T2 và ông U điện thoại cho anh P nhiều lần trong thời gian hơn 02 tháng nhưng không liên lạc được, do ông U thiếu nợ người khác quá nhiều nên chị T2 và ông U đã chuyển nhượng lại đất cho anh Nguyễn Phát H và nhận cọc 20.000.000 đồng, nhưng sau đó anh H không vay được tiền mua đất nên bỏ cọc và kêu ông U bán đất cho người khác. Trong thời gian này anh P có lên gặp ông U và biết được đã có bản vẽ đo đất nhưng không đồng ý mua vì anh P nói đã kêu bán cho người khác rồi nhưng thực tế ông U chưa bán đất cho ai mãi gần 06 tháng sau khi có bản vẽ ông U mới bán đất cho ông với giá 600.000.000 đồng, ông biết rõ nội dung này vì ông là người làm chứng ký tên vào giấy bán đất, chuyện gì chị T2, ông U cũng thảo luận và bàn bạc với ông, thấy đất bán rẻ ông mới mua.

Người làm chứng - anh Nguyễn Thanh T1 trình bày: Anh không có mâu thuẫn với ông U và anh P. Ông U là cậu ruột của anh, còn Phát là người quen biết. Qua lời trình bày của ông T và chị T2 là đúng sự thật, khi chuyển nhượng đất giữa ông U và anh P có làm giấy chuyển nhượng viết tay có thỏa thuận khi nào có bản vẽ đo đạc của địa chính xong thì ông P đưa số tiền còn lại để chị T2 và ông U làm thủ tục chuyển nhượng đất cho anh P, rồi đưa cho anh P giữ. Khi có bản vẽ anh P có lên gặp ông U và biết được đã có bản vẽ đo đất nhưng không đồng ý mua vì anh P nói đã kêu bán cho người khác rồi nhưng thực tế ông U chưa bán đất cho ai mãi gần 06 tháng sau mới bán được cho ông T với giá 600.000.000 đồng. Anh biết việc này vì là cháu ông U và là bạn anh P.

Bản án dân sự sơ thẩm số 182/2020/DS-ST ngày 31/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã căn cứ khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 5 Bộ luận tố tụng dân sự; Điều 328 Bộ luật dân sự; Nghị quyết số 01/2019/NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí và lệ phí Tòa án. Xử:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của anh Trương Ngọc P.

Buộc ông Võ Văn U phải trả lại cho anh Trương Ngọc P số tiền 42.500.000 đồng ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật.

Kể từ ngày anh P có đơn yêu cầu thi hành án, nếu ông U chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng còn phải chịu thêm tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự 2015 tương ứng với số tiền và khoảng thời gian chậm thi hành án.

Ngoài ra bản án còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 15/01/2021, bị đơn – Võ Văn U kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc giải quyết theo hướng sửa án sơ thẩm, bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh Trương Ngọc P.

Ngày 18/01/2021, nguyên đơn – Trương Ngọc P kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu cấp phúc giải quyết theo hướng sửa án sơ thẩm,chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của anh P, buộc ông U phải trả số tiền cọc là 85.000.000 đồng.

Tại phiên tòa phúc thẩm: Nguyên đơn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu kháng cáo. Bị đơn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận với nhau về việc giải quyết toàn bộ vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự. Người tham gia tố tụng chấp hành đúng nội qui phòng xử án và thực hiện quyền, nghĩa vụ đúng pháp luật. Xét đơn kháng cáo của nguyên đơn, bị đơn là trong thời hạn luật định nên được xem xét. Nhận thấy, bản án sơ thẩm đã vi phạm về tố tụng và nội dung như sau:

- Về tố tụng: Quá trình khởi kiện thì nguyên đơn khởi kiện ông U, bà L. Tòa án sơ thẩm đã thông báo thụ lý vụ án, thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải đều xác định có 02 bị đơn là ông U, bà L. Khi Tòa án hòa giải lần 1 vắng mặt bà L nhưng Tòa sơ thẩm vẫn hòa giải và đưa vụ án ra xét xử. Quyết định đưa vụ án ra xét xử và phiên tòa sơ thẩm đều không có bà L. Tại biên bản hòa giải thì nguyên đơn có rút một phần yêu cầu khởi kiện mà Tòa sơ thẩm không đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là không đúng. Tòa án sơ thẩm đưa người làm chứng vào tham gia cũng không đúng qui định của pháp luật. Về nội dung: Tòa án xét xử như trên là chưa có cơ sở vững chắc. Bởi lẽ, chưa thu thập chứng cứ làm rõ thời gian có bản vẽ, trong khi đó lời khai người làm chứng có mâu thuẫn nhau nhưng Tòa án sơ thẩm đã xét xử buộc bị đơn trả nguyên đơn số tiền 42.500.000 đồng là không phù hợp. Những vi phạm của Tòa án sơ thẩm là nghiêm trọng, Tòa án phúc thẩm không thể bổ sung khắc phục được nên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm căn cứ khoản 3 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự tuyên hủy bản án sơ thẩm.

Qua nghiên cứu toàn bộ tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn, lời trình bày của các đương sự và kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng: Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật tranh chấp “Tranh chấp Hợp đồng đặt cọc” là có căn cứ, đúng pháp luật. Sau khi xét xử sơ thẩm thì nguyên đơn và bị đơn đều có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm đồng thời nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm theo qui định, nên được xem xét theo thủ tục phúc thẩm.

[2] Qua xem xét toàn bộ hồ sơ phúc thẩm, nhận thấy Tòa án sơ thẩm có những sai sót nghiêm trọng như sau:

[2.1] Tại đơn khởi kiện ngày 19/8/2020 (bút lục số 13) đã được Tòa án sơ thẩm nhận đơn và cho nộp tạm ứng án phí sơ thẩm ngày 14/10/2020 thì nguyên đơn Trương Ngọc P khởi kiện bị đơn là:1/ Võ Văn U, sinh năm 1966; 2/ Võ Thị Kim L, sinh năm 1950 với yêu cầu khởi kiện: Buộc Võ Văn U và Võ Thị Kim L hoàn trả số tiền đặt cọc là 85.000.000 đồng. Như vậy, theo khoản 3 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì ông U và bà L cùng là bị đơn trong vụ án. Ngày 15/10/2020, Tòa án sơ thẩm ra thông báo thụ lý vụ án cùng xác định ông U và bà L cùng là bị đơn trong vụ án. Ông U, bà L cùng có văn bản nêu ý kiến đối với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn giao nộp cho Tòa án. Quá trình công khai chứng cứ và hòa giải vụ án đều xác định ông U, bà L là bị đơn trong vụ án.

[2.2] Tại biên bản hòa giải ngày 08/12/2020 thì nguyên đơn yêu cầu ông U trả số tiền 85.000.000 đồng. Ngày 12/10/2020, Tòa án sơ thẩm ra quyết định đưa vụ án ra xét xử (bút lục số 28) thì đã loại trừ tư cách bị đơn của bà Võ Thị Kim L, không đưa bà L tiếp tục tham gia tố tụng là không đúng với khoản 3 Điều 68 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.3] Đối với quyết định đưa vụ án ra xét xử (BL 28) thì không có người làm chứng tham gia tố tụng; Ngày 28/12/2020 thì diễn biến phiên tòa sơ thẩm (Biên bản phiên tòa) và bản án sơ thẩm thì có 03 người làm chứng tham gia gồm: 1/ Nguyễn Văn T; 2/ Nguyễn Thanh T1; 3/ Lê Thị Diễm T2.

- Trong hồ sơ vụ án không thể hiện việc yêu cầu thu thập chứng cứ đối với người làm chứng theo qui định tại Điều 70 của Bộ luật Tố tụng dân sự (quyền và nghĩa vụ của đương sự) hoặc Thẩm phán tự thu thập chứng cứ; Biên bản phiên tòa không thể hiện những người làm chứng tham gia theo phương thức nào (do đương sự yêu cầu hay do Tòa án tự thu thập).

- Tại phiên tòa sơ thẩm có sự tham gia của 03 người làm chứng, phần nhận định của bản án sơ thẩm có xác định tại phiên tòa bị đơn cung cấp 03 người làm chứng, Hội đồng xét xử sơ thẩm đã chấp nhận 03 người này để làm chứng theo qui định tại điều 77 của Bộ luật Tố tụng dân sự. Xét thấy, biên bản phiên tòa sơ thẩm không thể hiện yêu cầu hay trình bày của đương sự về việc thu thập lời khai người làm chứng. Tòa án sơ thẩm cũng đã căn cứ vào lời khai của những người làm chứng và đánh giá chứng cứ là lời khai của họ phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án để giải quyết vụ án. Như vậy, theo qui định tại khoản 5 Điều 95 của Bộ luật Tố tụng dân sự thì lời khai của người làm chứng tại phiên tòa được xem là chứng cứ trong vụ án. Trường hợp này thì phải có sự tham gia của Kiểm sát viên tại phiên tòa sơ thẩm theo qui định tại Điều 21 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[2.4] Tại biên bản phiên tòa sơ thẩm (bút lục 34) nguyên đơn trình bày thay đổi yêu cầu khởi kiện, nguyên đơn chỉ yêu cầu một mình ông U trả 85.000.000 đồng, không yêu cầu bà L cùng trả tiền thì Tòa án sơ thẩm tự đưa bà L ra khỏi vụ án và không đình chỉ yêu cầu này của nguyên đơn là vi phạm pháp1uật.

[2.5] Ngoài ra, các chứng cứ mà tòa án sơ thẩm thu thập, đóng dấu đã đối chiếu bản chính nhưng cũng chưa rõ ràng. Tại bản phô tô giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bút lục số 05) đã được Tòa sơ thẩm đối chiếu bản chính, nhưng bản phô tô này tại mục IV. Những thay đổi sau khi cấp giấy chứng nhận thì có dấu hiệu của việc che thông tin rồi phô tô lại. Tại phiên tòa phúc thẩm thì cả nguyên đơn và bị đơn đều xác định từ khi khởi kiện cho đến nay cả hai bên đương sự đều không có giữ bản chính và không giao nộp bản chính cho Tòa án sơ thẩm xem đối chiếu. Cả hai bên đương sự đều cho rằng bản chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do bà T2 cất giữ đồng thời bà T2 là người đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tại bản tự khai của ông U, bà L (Bút lục số 19, 20) đều trình bày do bà T2 đứng tên quyền sử dụng đất. Trường hợp này cần đưa bà Lê Thị Diễm T2 vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan để có cơ sở xem xét lỗi của các bên trong quá trình thỏa thuận hợp đồng đặt cọc và thời gian nhận bản vẽ như các bên trình bày.

Từ những vi phạm như trên của Tòa án sơ thẩm, Tòa phúc thẩm không thể bổ sung khắc phục được nên hủy án sơ thẩm và chưa xem xét nội dung kháng cáo của nguyên đơn và bị đơn.

[3] Xét đề nghị của vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Tiền Giang tại phiên tòa phúc thẩm là có căn cứ phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên được chấp nhận.

[4] Về án phí: Các đương sự kháng cáo không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm nên được hoàn lại.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật Tố tụng dân sự 2015;

- Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Xử: 1. Hủy toàn bộ án án sơ thẩm số 182/2020/DS-ST ngày 31/12/2020 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang đã xét xử vụ án “tranh chấp hợp đồng đặt cọc” giữa nguyên đơn là Trương Ngọc P và bị đơn là Võ Văn U.

2. Giao hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Tiền Giang giải quyết lại theo đúng qui định của pháp luật.

3. Về án phí phúc thẩm: Các đương sự không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm, nên hoàn lại cho anh Trương Ngọc P số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0006368 ngày 18/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang. Hoàn lại cho ông Võ Văn U số tiền 300.000 đồng tạm ứng án phí phúc thẩm theo biên lai thu số 0006361 ngày 15/01/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C, tỉnh Tiền Giang.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

349
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

 Bản án 135/2021/DS-PT ngày 08/04/2021 về tranh chấp hợp đồng đặt cọc

Số hiệu:135/2021/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Tiền Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 08/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về