Bản án 134/2018/DS-PT ngày 30/07/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 134/2018/DS-PT NGÀY 30/7/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG MUA BÁN TÀI SẢN

Trong các ngày 25 và 30 tháng 7 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 82/2018/TLPT-DS ngày 02 tháng 7 năm 2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản.

Do bản án sơ thẩm số: 24/2018/DS-ST ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 114/2018/QĐPT-DS ngày 11 tháng 7 năm 2018 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông Đỗ Thanh G, sinh năm 1972. Địa chỉ: ấp B, xã C, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

- Bị đơn: Ông Bành Thanh N, sinh năm 1980.

Địa chỉ: khu phố D, thị trấn Đ, huyện A, tỉnh Kiên Giang. Địa chỉ hiện nay: Ấp E, xã G, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Bành Thanh C, sinh năm 1986.

2. Bà Hà Mỹ H, sinh năm 1946.

Cùng địa chỉ: khu phố D, thị trấn Đ, huyện A, tỉnh Kiên Giang.

- Người kháng cáo: Bị đơn ông Bành Thanh N; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H.

(Ông G, ông N, ông C, bà H có mặt ngày 25/7/2018; Ông C, bà H vắng mặt ngày 30/7/2018)

NỘI DUNG VỤ ÁN

- Nguyên đơn ông Đỗ Thanh G trình bày: Ông là chủ cửa hàng vật tư nông nghiệp, năm 2013 ông Bành Thanh N đến cửa hàng vật tư nông nghiệp của ông G để mua phân bón và thuốc trừ sâu để sản xuất lúa cho gia đình, hình thức mua và thanh toán là mua thiếu đến cuối vụ sẽ trả tiền và hai bên có thỏa thuận là sau 04 tháng kể từ đầu vụ mà không trả thì còn phải trả lãi phát sinh 3% tháng của thời gian chậm trả.

Ông N bắt đầu mua vật tư nông nghiệp từ đầu vụ hè thu năm 2013 đến hết vụ hè thu 2016 là 07 vụ, cụ thể từng vụ và số tiền thiếu như sau:

- Vụ Hè thu năm 2013, mua thiếu với số tiền 47.191.000đ.

- Vụ Đông xuân năm 2013 – 2014, thiếu số tiền 80.110.000đ và tiền lãi của vụ hè thu năm 2013 của số tiền 47.191.000đ lãi suất 3%/tháng, số ngày là 252 ngày, từ ngày 19/8/2013 đến ngày 01/5/2014 là 8 tháng 12 ngày là 11.893.000đ. Cộng với số tiền Đông xuân 2013 - 2014 là 80.110.000đ, tổng cộng là 139.194.000đ, ông N có trả được số tiền là 70.000.000đ. Đối trừ ông N còn thiếu 69.194.000đ.

- Vụ Hè thu năm 2014, ông N mua thiếu với số tiền là 73.566.000đ và có mượn thêm số tiền 5.000.000đ. Cộng với số tiền vụ Đông xuân 2013 – 2014 còn thiếu 69.194.000đ. Tổng cộng đến hết vụ hè thu năm 2014 là 147.760.000đ. ông N vẫn chưa trả số tiền 147.760.000đ.

- Vụ Đông xuân năm 2014 – 2015, ông N mua thiếu với số tiền 47.442.000đ. Cộng với số tiền gốc nợ lại của vụ Đông xuân 2013 -2014 là 69.194.000đ lãi suất 3%/tháng, số ngày 357 ngày, từ ngày 01/5/2014 đến ngày 28/4/2015 là 11 tháng 27 ngày thành tiền là 24.703.000đ và tiền lãi của số tiền vay 5.000.000đ x 5%/tháng, số ngày 257 ngày, từ ngày 18/8/2014 đến ngày 28/4/2015 là 8 tháng 10 ngày thành tiền là 2.083.000đ. Tổng cộng đến cuối vụ Đông Xuân 2014 - 2015 ông N còn thiếu số tiền 239.679.000đ. Ông N có trả được số tiền là 66.560.000đ, sau khi đối trừ ông N còn thiếu 173.119.000đ.

- Vụ Hè thu năm 2015 ông N thiếu 58.682.000đ, mượn hai lần tiền là 6.000.000đ và tiền mua xăng dầu thiếu là 3.920.000đ. Tổng cộng vụ này ông N thiếu 68.602.000đ. Cộng số tiền vụ Đông xuân 2015 còn thiếu 173.119.000đ và tiền lãi 3%/tháng, thời gian tính từ ngày 28/4/2015 đến ngày 04/9/2015 là 04 tháng 6 ngày là 21.813.000đ; tiền mượn 6.000.000đ và tiền mua dầu thiếu 3.920.000đ, tiền lãi của hai khoản này là 837.000đ. Tổng cộng số tiền thiếu đến cuối vụ Hè thu năm 2015 là 264.371.000đ, ông N có trả được 30.000.000đ, đối trừ đi còn nợ lại 234.371.000đ.

- Vụ Đông xuân 2015 – 2016, ông N mua thiếu với số tiền 63.699.000đ, tiền hỏi mượn là 04 lần là 10.500.000đ; tiền mua thiếu xăng, dầu 3.881.000đ. Tổng cộng số tiền thiếu vụ Đông xuân 2015 – 2016 là 78.050.000đ, cộng với số tiền vụ Hè thu năm 2015 còn thiếu là 234.371.000đ và tiền lãi 3%/tháng từ ngày 04/9/2015 đến ngày 18/3/2016. Thành tiền là 45.937.000đ, cộng tiền lãi mượn và tiền mua dầu thiếu là 1.467.000đ. Tổng cộng các khoản ông N thiếu đến cuối vụ Đông xuân 2015 – 2016 là 359.825.000đ, ngày 18/3/2016 ông C là em ông N gửi trả được 40.000.000đ, trừ đi còn nợ lại 319.825.000đ, sau khi trả và tính toán xong ông C có ký xác nhận nợ.

- Vụ Hè thu năm 2016 ông N mua thiếu với số tiền 88.638.000đ, tiền mượn là 2.500.000đ, tiền mua thiếu xăng dầu là 7.444.000đ. Tổng cộng vụ Hè thu năm 2016 anh N thiếu 98.582.000đ. Cộng với số tiền thiếu vụ Đông xuân 2015 – 2016 là 319.825.000đ và tiền lãi là 43.228.000đ. Tổng cộng số tiền ông N thiếu đến ngày 04/9/2016 là 461.635.000đ. Ông G có đòi nhiều lần nhưng ông N không trả, lúc này ông C và bà Hà Mỹ H đứng ra bảo lãnh nhận số nợ và cam kết sẽ trả toàn bộ số nợ này, hình thức trả theo mùa vụ. Tuy nhiên đến nay ông N, ông C, bà H vẫn không trả.

Tại phiên Tòa sơ thẩm ông G xin thay đổi rút lại một phần yêu cầu khởi kiện xin giảm lại một phần lãi cho phía bị đơn, ông G đồng ý giảm lãi từ 3% xuống còn 1,125%/tháng, cụ thể như sau:

- Vụ Hè thu năm 2013, mua thiếu với số tiền 47.191.000đ.

- Vụ Đông xuân năm 2013 – 2014, thiếu số tiền 80.110.000đ và tiền lãi của vụ Hè thu năm 2013 của số tiền gốc 47.191.000đ x 1,125%/tháng x 252 ngày (tính từ ngày 19/8/2013 đến ngày 01/5/2014) = 4.459.000đ. Cộng số tiền thiếu vụ Đông xuân 2013- 2014 là 80.110.000đ, tổng cộng là 131.760.000đ, ông N trả được số tiền là 70.000.000đ. Đối trừ ông N còn nợ 61.760.000đ.

- Vụ Hè thu năm 2014, ông N mua thiếu với số tiền gốc 73.566.000đ và mượn thêm 5.000.000đ. Cộng số tiền của vụ Đông xuân 2013 – 2014 còn thiếu 61.760.000đ. Tổng cộng là 140.326.000đ. Vụ này ông N không trả phần nào và cũng không tính lãi.

- Vụ Đông xuân năm 2014 – 2015, ông N mua thiếu với số tiền 47.442.000đ. Cộng số tiền gốc còn nợ lại của vụ Đông xuân 2013 -2014 là 140.326.000đ x 1,125%/tháng (từ ngày 01/5/2014 đến ngày 28/4/2015) x 11 tháng 27 ngày = 18.786.000đ. Tổng cộng ông N còn thiếu 206.554.000đ. Ông N trả được 66.560.000đ, sau khi đối trừ ông N còn thiếu 139.994.000đ.

- Vụ Hè thu năm 2015, ông N thiếu 58.682.000đ, mượn hai lần tiền là 6.000.000đ và tiền mua xăng dầu thiếu là 3.920.000đ. Tổng cộng 68.602.000đ. Cộng với số tiền vụ Đông xuân 2014 còn thiếu là 139.994.000đ và tiền lãi tính 1,125%/tháng (tính từ ngày 28/4/2015 đến ngày 04/9/2015) là 04 tháng 6 ngày thành tiền lãi là 6.614.000đ. Tổng cộng là 215.210.000đ. Ông N trả được 30.000.000đ, đối trừ đi còn nợ lại 185.210.000đ.

- Vụ Đông xuân 2015 – 2016 ông N mua thiếu với số tiền 63.669.000đ, tiền hỏi mượn là 04 lần là 10.500.000đ và tiền mua thiếu xăng, dầu 3.881.000đ. Tổng cộng là 78.050.000đ, cộng với số tiền vụ Hè thu năm 2015 còn thiếu là
185.210.000đ x 1,125%/tháng từ ngày 04/9/2015 đến ngày 18/3/2016 là 06 tháng 14 ngày = 13.474.000đ. Tổng cộng ông N thiếu 276.734.000đ, ngày 18/3/2016 anh C là em của ông N trả được 40.000.000đ, đối trừ còn nợ lại
236.734.000đ, ông N, ông C có ký xác nhận nợ.

- Vụ Hè thu năm 2016 ông N mua thiếu với số tiền 88.638.000đ, tiền mượn là 2.500.000đ, tiền mua thiếu xăng dầu là 7.444.000đ. Tổng cộng vụ Hè thu năm 2016 ông N thiếu 98.582.000đ. Cộng số tiền thiếu vụ Đông xuân 2015 – 2016 là 236.734.000đ x 1,125%/tháng tính từ ngày 18/3/2016 đến ngày 04/9/2016 là 05 tháng 16 ngày = 14.736.000đ. Tổng cộng ông N thiếu đến ngày 04/9/2016 là 350.052.000đ.

Ông G yêu cầu ông N phải trả số tiền thiếu khi chốt nợ là 350.052.000đ và tiền lãi tính từ ngày chốt nợ 04 9/2016 đến ngày 04/9/2017 là 12 tháng, lãi suất 1,125%/tháng là 47.257.000đ. Tổng cộng là 397.309.000đ. Trường hợp ông N không trả được thì yêu cầu ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H phải có nghĩa vụ trả nợ thay cho ông N là 397.309.000đ. Ngoài ra không yêu cầu gì thêm.

- Bị đơn Bành Thanh N trình bày:

Ông thừa nhận có mua vật tư nông nghiệp của ông G từ vụ Hè thu năm 2013 đến hết vụ Hè thu năm 2016 như ông G trình bày là đúng, tuy nhiên về số nợ mà ông G trình bày là không đúng, mà cụ thề số nợ như sau:

- Vụ Hè thu năm 2013 mua từ ngày 08/4/2013 đến ngày 16/7/2013 mua thiếu ông G số tiền 47.191.000đ như phía ông G trình bày.

- Vụ Đông xuân 2013 – 2014 có mua thiếu ông G nửa vụ lúa thì ngưng mua, lý do không mua nữa là do ông G bán thuốc không đúng chất lượng, vì vậy mùa này chỉ thiếu ông G số tiền là 34.116.000đ, không phải thiếu 80.110.000đ như phía ông G trình bày, số tiền chênh lệch không thừa nhận là 45.994.000đ.

- Mùa Hè thu năm 2014 ông có mua vật tư nông nghiệp của ông G với số tiền thiếu là 73.566.500đ như ông G trình bày.

- Vụ Đông xuân năm 2014 – 2015 ông có mua vật tư nông nghiệp của ông G, nhưng chỉ thiếu với số tiền theo sổ mua bán là 28.655.000đ, không phải 47.442.000đ như ông G trình bày. Vì vậy chỉ đồng ý trả 28.655.000đ.

- Vụ Hè thu năm 2015 ông có mua vật tư nông nghiệp của ông G từ ngày 03/5/2015 đến ngày 30/7/2015 với số tiền 58.682.000đ như ông G trình bày, việc ông G trình bày ông có mua thiếu xăng dầu là 3.920.000đ ông không thừa nhận, ông chỉ thiếu tiền xăng dầu 2.000.000đ.

- Vụ lúa Đông xuân năm 2015 – 2016 ông có mua vật tư nông nghiệp của ông G từ ngày 18/11/2015 đến ngày 20/2/2016 với số tiền 63.699.000đ như ông G trình bày. Ông thiếu tiền xăng dầu là 2.000.000đ, không phải 3.881.000đ như phía ông G trình bày, ông thừa nhận khi kết thúc vụ lúa đông xuân 2015 – 2016 phía ông G có ghi tờ giấy hè thu 2016 thì ông là người tự viết "số nợ này tôi thừa nhận" nhưng không biết nhận số tiền bao nhiêu.

- Vụ Hè thu năm 2016 ông mua vật tư từ ngày 10/5/2016 đến ngày 05/8/2016 với số tiền 88.638.000đ như ông G trình bày, tiền mua xăng dầu thiếu là 7.444.000đ, tiền mượn là 9.000.000đ.

Ông thừa nhận còn nợ ông G tổng cộng 414.991.000đ, đã trả cho ông G số tiền cụ thể: Đông xuân 2013 – 2014 trả 60.000.000đ; mùa Hè thu 2014 trả 40.000.000đ; Đông xuân năm 2015 – 2016 trả 60.000.000đ; mùa Hè thu năm 2016 trả 40.000.000đ. Tổng cộng trả được 04 lần là 200.000.000đ. Việc mua thiếu vật tư nông nghiệp giữa ông với ông G là không có lãi vì tại thời điểm ông G bán vật tư nông nghiệp cho ông thì ông G đã kê số tiền lên, vì vậy nay ông G yêu cầu tính lãi ông không đồng ý, việc mua bán này là giữa ông với ông G không có liên quan đến ông C và mẹ ông là bà H, lý do ông C và bà H ký vào tờ giấy xin trả nợ dùm là do ông G bắt ép, nên mẹ ông và ông C mới viết và ký vào tờ giấy này.

Nay ông đồng ý trả cho ông G số tiền gốc sau khi trừ đi số tiền đã trả là 200.000.000 là 214.991.000đ. Nhưng vì hiện nay hoàn C khó khăn không có tiền trả một lần mà xin trả dần theo vụ lúa.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Bành Thanh C trình bày:

Việc mua bán vật tư nông nghiệp giữa ông N với ông G như thế nào ông hoàn toàn không biết, ông thừa nhận vào vụ lúa Đông xuân 2015 – 2016 ông N có nhờ ông mang 40.000.000đ đến trả cho ông G và có ký và có ghi "thừa nhận sự thật", ông chỉ thừa nhận có trả số tiền 40.000.000đ, còn việc có ghi tờ nhận nợ tiền phân và thuốc ngày 04/9/2016 là lúc đó ông N không ở có nhà, ông G đến nhà nhiều lần nói cần phải xác nhận công nợ và cho trả dần theo mùa lúa và để khi nào ông N về thì sẽ tính lại nợ sau.

Nay ông không đồng ý cùng ông N trả nợ vì việc này không có liên quan gì đến ông. Sau khi ông N và ông G tính nợ với nhau xong thì ông N phải có nghĩa vụ trả nợ cho ông G. Ngoài ra ông không trình bày gì thêm.

- Bà Hà Mỹ H trình bày: Việc mua bán giữa con bà là ông N với ông G như thế nào bà không biết, bà chỉ biết trước đây khi ông N không có ở nhà thì ông G có đến nhà kêu con bà viết tờ nhận nợ tiền phân và thuốc ngày 04/9/2016 với số tiền 461.635.000đ và cho trả dần thì bà có ký vào tờ giấy này. Nay việc mua bán vật tư nông nghiệp giữa ông N với ông G như thế nào thì hai bên tự giải quyết, bà không đồng ý cùng ông N đứng ra trả nợ cho ông G. Ngoài ra bà không trình bày gì thêm.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 24/2018/DS-ST ngày 23/4/2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Thanh G yêu cầu ông Bành Thanh N phải trả nợ tiền mua vật tư nông nghiệp còn thiếu.

- Buộc ông N phải trả cho ông G số tiền mua vật tư nông nghiệp còn thiếu cả gốc và lãi là 397.309.000đ.

Trường hợp ông N không trả nợ được cho ông G thì buộc ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H phải có nghĩa vụ liên đới trả nợ thay cho ông N số nợ cho ông G là 397.309.000đ.

Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền chưa thi hành án hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự 2015.

- Bác yêu cầu của ông N chỉ đồng ý trả cho ông G số tiền 214.991.000đ và xin được trả nợ làm nhiều lần.

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông G về việc yêu cầu tính lãi 3%/tháng mà chỉ yêu cầu tính lại lãi 1,125%/tháng và số tiền khởi kiện từ 523.955.000đ giảm còn 397.309.000đ.

Ngoài ra bản án còn quyết định về án phí sơ thẩm và quyền kháng cáo của đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 03/5/2018 ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H có đơn kháng cáo vối cùng nội dung: yêu cầu Tòa án không buộc trách nhiệm của ông C, bà H cùng ông N trả nợ cho ông G.

Ngày 04/5/2018 ông Bành Thanh N có đơn kháng cáo bản án sơ thẩm: yêu cầu xem xét lại toàn bộ Bản án sơ thẩm, ông chỉ thiếu ông G số tiền 214.000.000 đồng nên chỉ đồng ý trả số tiền này, ông không thống nhất trả số tiền 397.309.000 đồng theo quyết định của Tòa sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm nguyên đơn ông G thống nhất số nợ vốn, lãi theo quy định pháp luật (tính tròn lãi) tổng cộng ông N nợ là 350.000.000đ và yêu cầu trách nhiệm bảo lãnh của bà H ông C nếu ông N không trả được nợ, không chấp nhận cho trả nợ dần mà trả một lần.

Bị đơn ông N giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không thống nhất số nợ theo bản án sơ thẩm đã tuyên, chỉ chấp nhận trả số nợ 214.000.000 đồng, lãi suất 0,75%/tháng, yêu cầu hủy án sơ thẩm; ông không nhờ ông C bà H trả nợ thay, bà H ông C ký giấy trả nợ thay cho ông là do ông G ép buộc, khi đó giữa ông và ông G chưa đối chiếu nợ.

Người liên quan ông C bà H giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, không đồng ý trách nhiệm bảo lãnh theo bản án sơ thẩm đã tuyên buộc trả một lần, nếu trả dần theo khả năng theo năm thì mới chịu trách nhiệm bảo lãnh cho ông N theo giấy “nhận tiền phân và thuốc” ngày 04/9/2016.

- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang phát biểu quan điểm: Việc tuân tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và việc chấp hành pháp luật của các bên đương sự từ khi thụ lý vụ án đến trước khi Hội đồng xét xử vào nghị án đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Xét giao dịch mua bán giữa ông N và ông G được các bên thực hiện từ tháng 4/2013 đến tháng 8/2016 thì kết sổ, ông N còn nợ chưa thanh toán hết tiền hàng cho ông G. Theo quy định tại Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì vụ án này phải áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 để giải quyết, nhưng bản án sơ thẩm áp dụng quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015 để giải quyết là không đúng, gây thiệt hại quyền lợi của đương sự, nên cần phải xem xét và áp dụng cho đúng quy định.

Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, các bên đương sự thừa nhận việc mua bán là có thật, ông G khi giao hàng có sổ ghi chép cụ thể, từ vụ lúa đầu tháng 4/2013 đến vụ lúa cuối tháng 8/2016, khi kết sổ ông N có ký tên thừa nhận số tiền còn nợ lại ông G. Riêng việc ông G cho rằng hai bên có thỏa thuận tính lãi, chỉ nói miệng không có văn bản, ông N không thừa nhận. Cấp sơ thẩm xử công nhận số tiền lãi phát sinh cho ông G do ông N chậm trả là không đúng quy định của pháp luật và áp dụng mức lãi suất 1,125%/tháng trái với quy định tại khoản 2 Điều 305 Bộ luật Dân sự năm 2005. Căn cứ lời khai của các bên đương sự, các tài liệu chứng cứ thu thập được và quy định của pháp luật thì ông N còn nợ ông G tiền mua vật tư nông nghiệp, tiền mượn, tiền mua xăng dầu tổng cộng
291.983.000 đồng và tiền lãi theo yêu cầu của ông G là 12 tháng tính từ ngày 04/9/2016 đến ngày 04/9/2017, mức lãi suất cơ bản 0,75%/tháng. Do vậy kháng cáo của ông N là có cơ sở xem xét chấp nhận một phần.

Đối với kháng cáo của ông C, bà H về việc không đồng ý trả nợ thay cho ông N khi ông N không trả được nợ cho ông G là có cơ sở chấp nhận.

Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308, khoản 1 Điều 309 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông N, chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà H ông C. Sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện A theo hướng: Buộc ông N trả cho ông G số tiền nợ tổng cộng 291.983.000 đồng và tiền lãi theo yêu cầu của ông G là 12 tháng tính từ ngày 04/9/2016 đến ngày 04/9/2017, mức lãi suất cơ bản 0,75%/tháng; Không buộc ông C, bà H liên đới trả nợ thay ông N cho ông G khi ông N không trả được; Tính lại tiền án phí các bên đương sự phải nộp theo quy định pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1]. Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Bành Thanh N, Hội đồng xét xử xét thấy ông G và ông N thống nhất hai bên có giao dịch mua bán vật tư nông nghiệp từ vụ Hè thu 2013 đến Hè thu 2016 là 07 vụ, thỏa thuận thanh toán là cuối vụ. Trong 07 vụ mua hàng của ông G, ông N thống nhất số tiền mua hàng của 05 vụ, còn lại 02 vụ Đông xuân 2013-2014 và Đông xuân 2014-2015 ông N thừa nhận số tiền ít hơn khởi kiện của ông G, chênh lệch 64.771.000đ/2 vụ. Tuy nhiên qua xem xét chứng cứ là sổ ghi chép của ông G về việc bán hàng cho ông N thì đến ngày 18/3/2016 ông N có ký tên và ghi xác nhận “số nợ này tôi thừa nhận” (BL 19), tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm ông N thừa nhận chữ viết và ký tên N là do ông N ghi, như vậy có căn cứ chấp nhận số nợ mua bán hàng hóa theo ông G trình bày của 02 vụ Đông xuân 2013-2014 và Đông xuân 2014-2015.

Đối với số tiền mua xăng dầu theo khởi kiện của ông G ông N không thống nhất, thừa nhận ít hơn khởi kiện đối với vụ Hè thu 2015, Đông xuân 2015-2016, chênh lệch 3.801.000 đồng. Việc giao nhận hàng giữa hai bên ông N không ký nhận mà chỉ ghi sổ theo dõi của ông G vì như nhận định trên là đến ngày 18/3/2016 ông N có xác nhận tổng số nợ với ông G; số nợ phát sinh mua hàng vụ Hè thu 2016 không tranh chấp.

Xét thấy tổng số nợ theo ông G kiện ông N gồm các khoản nợ: nợ mua bán vật tư nông nghiệp, nợ vay mượn, nợ mua xăng dầu. Trong đó nợ mua vật tư nông nghiệp và mua xăng dầu giữa hai bên không thống nhất các khoản nợ như nhận định trên, khoản nợ vay mượn tiền giữa hai bên thống nhất không tranh chấp. Số tiền ông N đã trả cho ông G bốn lần hai bên thống nhất là 206.560.000đ.

[2]. Xét kháng cáo của ông N việc tính lãi chậm trả của ông G thấy rằng: ông N không thống nhất có thỏa thuận lãi suất nợ mua hàng như trình bày của ông G. Tuy nhiên tại trang bìa của sổ mua hàng do ông G giao cho ông N giữ có in chữ “bán nợ 120 ngày, quá hạn lãi 0,1 ngày; 3%/tháng”.

Theo yêu cầu khởi kiện của ông G về số tiền tổng còn nợ của ông N đến ngày 04/9/2016 là 350.052.000đ là đã có tính lãi. Ông G yêu cầu tính lãi từ 04/9/2016 đến 04/9/2017 là lãi chồng lãi gây thiệt thòi quyền lợi của bị đơn. Tại phiên tòa phúc thẩm ông G chấp nhận yêu cầu tổng số vốn và lãi là 350.000.000đ, không tính thêm lãi. Ông N chấp nhận trả lãi chậm trả theo quy định pháp luật, yêu cầu tính lại mức lãi.

Đối với mức lãi suất chậm trả ông N không thừa nhận có thỏa thuận với ông G. Theo quy định tại Điều 428, Điều 438 Bộ luật Dân sự 2005 về việc mua bán và nghĩa vụ chậm thanh toán thì bên mua trả lãi theo mức lãi suất cơ bản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Mức lãi suất cơ bản tại thời điểm 2013- 2016 theo quy định của Ngân hàng nhà nước là 9%/năm = 0,75%/tháng.

Số tiền vốn và lãi chậm trả theo yêu cầu của ông G được tính lại theo mức lãi suất 0,75%/tháng theo từng thời điểm nợ và các lần thanh toán:

- Vụ Hè thu 2013: ông N thiếu 47.191.000đ.

- Vụ Đông xuân 2013-2014: ông N thiếu 80.110.000đ, cộng 47.191.000đ vụ Hè thu 2013 và tiền lãi của 47.191.000đ, lãi suất 0,75%/tháng từ ngày 19/8/2013 đến 01/5/2014 là 8 tháng 12 ngày bằng 2.973.020đ. Tổng cộng ông N thiếu: 80.110.000đ + 47.191.000đ + 2.973.020đ = 130.164.020đ. Trừ số tiền ông N trả 70.000.000đ = 60.164.020đ.

- Vụ Hè thu 2014: Ông N thiếu 73.566.000đ + tiền mượn 5.000.000đ, cộng với số tiền của vụ Đông xuân 2013-2014 là 60.164.020đ. Tổng cộng 138.730.020đ, ông N không thanh toán.

- Vụ Đông xuân 2014-2015: N thiếu 47.442.000đ, cộng tiền thiếu của vụ Hè thu 2014 là 138.730.020đ và lãi của số tiền này từ 02/5/2014 đến 28/4/2015 là: 138.730.020đ x 0,75%/tháng x 11 tháng 26 ngày = 12.346.957đ. Tổng cộng là 47.442.000đ + 138.730.020đ + 12.346.957đ = 198.518.977đ. Trừ số tiền ông N trả 66.560.000đ = 131.958.977đ.

- Vụ Hè thu 2015: ông N thiếu tiền vật tư, tiền xăng, tiền mượn tổng cộng 68.602.000đ, cộng số tiền của Đông xuân 2014-2015 là 131.958.977đ và lãi của số tiền này tính từ 29/4/2015 đến 4/9/2015 là: 131.958.977đ x 0,75%/tháng x 4 tháng 5 ngày = 4.123.713đ. Tổng cộng 68.602.000đ + 131.958.977đ + 4.123.713đ = 204.684.690đ. Trừ số tiền ông N trả 30.000.000đ = 174.684.690đ.

- Vụ Đông xuân 2015-2016: Ông N thiếu 78.050.000đ, cộng số tiền của vụ Hè thu 2015 là 174.684.690đ và lãi của số tiền này tính từ 05/9/2015 đến 18/3/2016 là: 174.684.690đ x 0,75%/tháng x 6 tháng 13 ngày = 8.428.583đ. Tổng cộng: 78.050.000đ + 174.684.690đ + 8.428.583đ = 261.163.273đ. Trừ số tiền ông N trả 40.000.000đ = 221.163.273đ.

- Vụ Hè thu 2016: Ông N thiếu 88.638.000đ tiền vật tư, mượn 2.500.000đ, thiếu tiền xăng 7.444.000đ, tổng là 98.582.000đ, cộng số tiền vụ Đông xuân 2015-2016 N thiếu 221.163.273đ và lãi của số tiền này tính từ 19/3/2016 đến 04/9/2016 là: 221.163.273đ x 0,75%/tháng x 5 tháng 15 ngày = 9.122.970đ. Tổng cộng 98.582.000đ + 221.163.273đ + 9.122.970đ = 328.868.243đ vốn lãi theo pháp luật, trong đó vốn 291.873.000đ, lãi 36.995.243đ.

Ông G yêu cầu tính lãi suất 0,75%/tháng đối với số tiền này từ ngày 04/9/2016 đến 04/9/2017 (tính tròn là 12 tháng), tiền lãi được tính trên vốn gốc là: 291.873.000đ x 0,75%/tháng x 12 tháng = 26.268.570đ. Tổng cộng số tiền ông N nợ ông G vốn lãi theo pháp luật đến ngày 04/9/2017 là: 355.136.813đ.

Tại phiên tòa phúc thẩm ông G đồng ý tính tròn vốn lãi yêu cầu ông N trả 350.000.000đ, là có lợi cho ông N và phù hợp với thừa nhận nợ của ông N tại cấp sơ thẩm nên Hội đồng xét xử ghi nhận, buộc ông N có nghĩa vụ trả ông G nợ mua vật tư nông nghiệp và lãi chậm trả theo pháp luật tổng cộng là 350.000.000đ.

Đối với yêu cầu trả nợ dần của ông N không được ông G chấp nhận. Thẩm quyền xét trả dần thuộc cơ quan Thi hành án nên Hội đồng xét xử không xem xét.

[3]. Đối với trách nhiệm bảo lãnh: xét kháng cáo của ông C bà H nội dung

“Tờ nhận tiền phân và thuốc” ngày 04/9/2016 thể hiện là chuyển nghĩa vụ nợ của ông N nợ ông G sang ông C bà H với số tiền 461.635.000đ vốn và lãi, “kể từ nay ông N không còn thiếu tiền ông G nữa”, giấy nhận nợ này chỉ có ông C, bà H ký, ông G ông N không ký tên.

Căn cứ Điều 362 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về bảo lãnh, thì hình thức và nội dung “tờ nhận tiền phân và thuốc” ngày 04/9/2016 không có giá trị bảo lãnh, không có xác nhận tổng số nợ của ông N với ông G, không thể hiện ông N đồng ý hoặc yêu cầu ông C bà H bảo lãnh. Nếu xét về việc chuyển nghĩa vụ theo tờ nhận nợ này thì cũng chưa đảm bảo theo quy định tại Điều 315 Bộ luật Dân sự, do ông G không ký tên trong văn bản này. Do vậy xét về hình thức nội dung “tờ nhận tiền phần và thuốc” không phát sinh trách nhiệm bảo lãnh của ông C bà H.

Trong thảo luận nghị án, Hội đồng xét xử thống nhất chấp nhận quan điểm đề nghị của Vị đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang, chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Bành Thanh N; chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H, sửa bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện A về phần lãi suất chậm trả và nghĩa vụ bảo lãnh.

Về án phí:

Án phí sơ thẩm: Bị đơn ông N phải chịu án phí sơ thẩm là 350.000.000đ x 5% = 17.500.000đ.

Buộc ông G chịu án phí đối với yêu cầu trách nhiệm bảo lãnh của bà H ông C không được chấp nhận là 300.000đ, khấu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền của cơ quan thi hành án.

Án phí phúc thẩm: Ông N, ông C, bà H không phải chịu, mỗi người được hoàn trả 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền của cơ quan thi hành án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015;

Áp dụng Điều 315, 362, 430, khoản 3 Điều 440 Bộ luật Dân sự năm 2005; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận một phần kháng cáo của bị đơn ông Bành Thanh N.

- Chấp nhận kháng cáo của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H.

- Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 24/2018/DS-ST ngày 23 tháng 4 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện A, tỉnh Kiên Giang.

Xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Thanh G yêu cầu ông Bành Thanh N thanh toán tiền mua vật tư nông nghiệp.

Buộc ông Bành Thanh N có nghĩa vụ trả cho ông Đỗ Thanh G số tiền mua vật tư nông nghiệp gốc và lãi chậm trả theo pháp luật là 350.000.000 (ba trăm năm mươi triệu) đồng. Kể từ ngày nguyên đơn có đơn yêu cầu thi hành án nếu bị đơn không trả số tiền trên, thì bị đơn còn phải trả cho nguyên đơn khoản tiền lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật Dân sự tương ứng với thời gian chưa thi hành án.

- Không chấp nhận yêu cầu của ông Đỗ Thanh G về việc buộc bà Hà Mỹ H, ông Bành Thanh C liên đới chịu trách nhiệm bảo lãnh số nợ của ông Bành Thanh N.

- Đình chỉ một phần yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Thanh G đối với rút một phần khởi kiện số tiền lãi 173.995.000đ, trong tổng số tiền theo đơn khởi kiện 523.955.000đ.

Về án phí:

Án phí sơ thẩm: Bị đơn ông Bành Thanh N phải chịu án phí sơ thẩm là 17.500.000 (mười bảy triệu năm trăm nghìn) đồng.

Buộc ông Đỗ Thanh G chịu án phí đối với yêu cầu trách nhiệm bảo lãnh của bà H ông C không được chấp nhận là 300.000 (ba trăm nghìn) đồng. Khấu trừ tiền tạm ứng án phí đã nộp 12.479.000 đồng, ông G được nhận lại 12.179.000 (mười hai triệu một trăm bảy mươi chín nghìn) đồng theo biên lai thu số 0009150 ngày 31/8/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A.

Án phí phúc thẩm: Ông Bành Thanh N, ông Bành Thanh C, bà Hà Mỹ H không phải chịu, hoàn trả cho ông N, bà H, ông C mỗi người 300.000 (ba trăm nghìn) đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp theo các biên lai thu tiền số 0003447, 0003448, 0003449 cùng ngày 4/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện A.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a và 9 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

306
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 134/2018/DS-PT ngày 30/07/2018 về tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản

Số hiệu:134/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 30/07/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về