Bản án 13/2019/DS-ST ngày 29/08/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN YÊN LẠC, TỈNH VĨNH PHÚC

BẢN ÁN 13/2019/DS-ST NGÀY 29/08/2019 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG VAY TÀI SẢN

Ngày 29 tháng 8 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc mở phiên tòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 30/2019/TLST-DS ngày 02 tháng 4 năm 2019, về việc: “Tranh chấp hợp đồng vay tài sản”, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 19/2019/QĐXXST-DS ngày 10 tháng 7 năm 2019 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Đỗ Văn Q, sinh năm 1941 và bà Phạm Phương N, sinh năm 1945; đều trú tại: Tổ dân phố 6, phường T, thị xã S, thành phố Hà Nội; Người đại diện theo ủy quyền của ông Q: Bà Phạm Phương N; nơi cư trú: Tổ dân phố 6, phường T, thị xã S, thành phố Hà Nội. (Theo giấy ủy quyền ngày 07 tháng 5 năm 2019);

Bị đơn: Ông Nguyễn Văn G, sinh năm 1956 và bà Chu Thị T, sinh năm 1963; đều trú tại: Thôn T, xã T, huyện Y, tỉnh Vĩnh Phúc; (Có mặt bà N, bà T; vắng mặt ông G)

NỘI DUNG VỤ ÁN

Trong đơn khởi kiện đề ngày 20 tháng 02 năm 2019 và trong quá trình xét xử, nguyên đơn ông Đỗ Văn Q và bà Phạm Phương N trình bày:

Vợ chồng ông Nguyễn Văn G và bà Chu Thị T ở xã T, tỉnh Vĩnh Phúc sang khu vực thị xã S, thành phố Hà Nội nơi ông bà ở để kinh doanh. Do ông G và bà T có nhu cầu vay tiền nên trong thời gian từ ngày 18/10/2012 (tức ngày 04/02/2012 âm lịch) đến ngày 02/7/2013 (tức ngày 25/5/2013 âm lịch), ông bà cho ông G và bà T vay 06 lần tiền, cụ thể:

Lần 1: Ngày 18/10/2012 (tức ngày 04/02/2012 âm lịch), ông bà cho ông G và bà T vay số tiền 37.000.000 đồng (Ba nươi bảy triệu đồng).

Lần 2: Ngày 04/02/2013 (âm lịch), ông bà cho ông G và bà T vay số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).

Lần 3: Ngày 04/4/2013 (âm lịch), ông bà cho ông G bà T vay số tiền 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng).

Lần 4: Ngày 04/5/2013 (âm lịch), ông bà cho ông G bà T vay số tiền 5.000.000 đồng (Năm triệu đồng).

Lần 5: Ngày 30/6/2013 (tức ngày 23/5/2013 âm lịch), ông bà cho ông G, bà T vay 2.000.000 đồng.

Lần 6: Ngày 02/7/2013 (tức ngày 25/5/2013 âm lịch), ông bà cho ông G, bà T vay 3.000.000 đồng (Ba triệu đồng).

Tổng cộng 6 lần, ông bà cho ông G, bà T vay tổng số tiền là 55.000.000 đồng (Năm mươi năm triệu đồng).

Khi giao dịch vay tiền, ông G và bà T là người trực tiếp nhận tiền và viết giấy nhận nợ với ông bà. Hai bên thỏa thuận thỏa thuận lãi suất là 4%/tháng, vay lần 1, ông G bà T thỏa thuận với ông bà trả nợ cả gốc và lãi vào ngày 31/12/2012 (âm lịch). Các lần vay sau từ ngày 04/2/2013 (âm lịch) đến ngày 04/5/2013 (âm lịch), hai bên chỉ làm giấy tờ vay tiền vào cùng tờ giấy nhận nợ lần 1, không thỏa thuận lãi suất và thời hạn trả nợ. Riêng 02 lần vay vào ngày 30/6/2013 (tức ngày 23/5/2013 âm lịch) và ngày 02/7/2013 (tức ngày 25/5/2013 âm lịch), do ông bà tin tưởng nên không bắt ông G bà T ghi lại giấy nhận nợ cho ông bà mà ông bà tự tay viết vào phía cuối trang sau của giấy nhận nợ các lần vay trước của ông G bà T để nhớ số tiền ông bà cho ông G, bà T vay. Do thời gian đã lâu, ông bà lại tuổi cao nên ông bà không nhớ các lần vay sau, ông bà và vợ chồng ông G bà T đã thỏa thuận lãi suất cụ thể như thế nào nhưng hai bên có thỏa thuận với nhau là khi nào ông bà cần sử dụng đến tiền thì ông bà báo trước cho ông G, bà T một tháng để ông G bà T chuẩn bị tiền trả nợ cho ông bà.

Sau khi cho ông G bà T vay tiền, ban đầu ông G bà T trả lãi cho ông bà đầy đủ. Vì thời gian đã lâu, ông bà lại không ghi chép số tiền lãi mà ông G bà T đã trả cho ông bà nên ông bà không nhớ số tiền lãi mà ông G bà T đã trả cho ông bà là bao nhiêu. Đến ngày 11/6/2013 (tức ngày 04/5/2013 âm lịch), ông G bà T không trả lãi cho ông bà nữa nên từ cuối năm 2013 đến khoảng tháng 9 năm 2017, ông bà thường xuyên sang nhà ông G bà T để đòi nợ số tiền vay trên nhưng ông G bà T cứ hẹn hết tháng này lại sang tháng khác. Cụ thể, ông G, bà T hẹn ngày 11/2017 sẽ trả cho ông bà từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng. Đến ngày hẹn trả nợ ông G bà T không trả nợ cho ông bà nên ông bà điện thoại đòi tiền thì khất lần khất lượt không chịu trả nợ cho ông bà. Khoảng tháng giêng năm 2018, ông bà điện thoại rồi viết thư thậm trí sang tận nhà ông G bà T để đòi nợ nhưng ông G bà T vẫn tiếp tục khất lần khất lượt không chịu trả nợ.

Tính đến thời điểm này, ông G bà T còn nợ ông bà tổng số tiền nợ gốc là 55.000.000 đồng (Năm mươi năm triệu đồng). Ông bà khởi kiện, yêu cầu Tòa án buộc ông G, bà T phải trả nợ ngay cho ông bà toàn bộ số tiền nợ gốc trên, ông bà tự nguyện không tính lãi suất.

Tại phiên tòa, bà N xin thay đổi yêu cầu khởi kiện của mình, tự nguyện chỉ yêu cầu Tòa án buộc ông G, bà T phải trả nợ ngay cho ông bà số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng), ông bà tự nguyện không tính lãi suất.

Về khoản tiền lãi của ông G, bà T đã trả cho ông bà từ trước, do thời gian đã lâu, bản thân ông bà không nhớ chính xác số tiền lãi mà ông G, bà T đã trả được cho ông bà là bao nhiêu nên ông bà tự nguyện không đề nghị Tòa án tính lại lãi suất đối với số tiền lãi của ông G, bà T trả cho ông bà trước thời điểm ông bà khởi kiện.

Bị đơn là ông Nguyễn Văn G vắng mặt tại phiên tòa lần thứ 2 không có lý do chính đáng và bà Chu Thị T, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa trình bày như sau:

Bà và ông G thừa nhận, ông bà có vay của ông Q bà N nhưng ông bà chỉ vay nợ của ông Q bà N số tiền 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng) nên ông bà chỉ đồng ý trả nợ cho ông Q bà N số tiền 50.000.000 đồng. Tại phiên tòa bà N yêu cầu ông bà phải trả nợ cho ông Q bà N 50.000.000 đồng. Bà T đồng ý.

Về thỏa thuận lãi suất và thời hạn trả nợ, bà T thừa nhận như lời trình bày trên của bà N là đúng. Khi vay tiền, ông bà là người trực tiếp nhận tiền và viết giấy nhận nợ với ông Q bà N. Ban đầu, ông bà làm ăn thuận lợi nên hàng tháng, ông bà đã trả tiền lãi cho ông Q bà N đầy đủ. Đến tháng 6/2013, công việc làm ăn của ông bà khó khăn nên ông bà không còn khả năng trả lãi cho ông Q bà N nữa. Do thời gian trả lãi cũng lâu vì vậy ông bà cũng không nhớ chính xác, ông bà đã trả tiền lãi cho ông Q bà N số tiền là bao nhiêu nên ông bà cũng tự nguyện không yêu cầu Tòa án tính lại tiền lãi của ông bà đã trả cho ông Q bà N trước thời điểm ông Q bà N khởi kiện đòi nợ ông bà.

Tại phiên tòa bà T thừa nhận, sau khi ông bà không còn khả năng trả nợ cho ông Q bà N nữa thì ông Q bà N nhiều lần điện thoại, viết thư và sang tận nhà ông bà để đòi nhưng vì điều kiện kinh tế khó khăn nên ông bà không có tiền để trả nợ cho ông Q bà N mà ông bà chỉ biết xin khất ông Q bà N cho nợ đến khi nào có điều kiện thì trả. Thời điểm, trước và sau tết nguyên đán năm 2017, ông Q bà N sang tận nhà ông bà để đòi nợ nhưng vì không có tiền nên ông bà tiếp tục xin khất nợ đến khi nào có điều kiện thì trả nợ cho ông Q bà N, tại phiên hôm nay ông bà cũng xin khất nợ, chưa có tiền để trả nợ ngay cho ông Q bà N.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Yên Lạc phát biểu quan điểm về việc tuân theo pháp luật. Trong quá trình giải quyết và tại phiên tòa, Thẩm phán; Thư ký Toà án và Hội đồng xét xử đã làm đầy đủ và tuân theo đúng trình tự thủ tục tố tụng dân sự. Nguyên đơn đã chấp hành đúng quy định của pháp luật từ khi thụ lý vụ án cho đến khi đưa vụ án ra xét xử, bị đơn là ông G không có mặt, không chấp hành đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, ông G đã được Tòa án tống đạt hợp lệ nên Đại diện Viện kiểm sát không có kiến nghị gì.

Về đường lối giải quyết vụ án, đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Q bà N, buộc ông G bà T phải tra nợ cho ông Q bà N tổng số tiền nợ gốc là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).

Về lãi suất: Do nguyên đơn không yêu cầu nên không xem xét.

Đối với số tiền lãi đã trả do các bên đương sự không nhớ cụ thể số tiền lãi đã trả cho nhau là bao nhiêu và đều không yêu cầu tính lại lãi suất nên không xem xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về thủ tục tố tụng:

- Văn bản áp dụng pháp luật: Theo nguyên tắc, sự kiện pháp lý xảy ra ở thời điểm nào thì áp dụng văn bản pháp luật ở thời điểm đó. Giao dịch dân sự giữa vợ chồng ông Q bà N và vợ chồng ông G bà T được xác lập từ cuối năm 2012 đến năm 2013, đến nay xảy ra tranh chấp. Căn cứ vào điểm c khoản 1 Điều 688 của Bộ luật dân sự năm 2015, văn bản pháp luật cần áp dụng để giải quyết là Bộ luật dân sự năm 2005.

- Ông Nguyễn Văn G là bị đơn trong vụ án, đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 227 của Bộ luật tố tụng dân sự, Tòa án tiến hành xét xử vụ án vắng mặt anh Nguyễn Văn G.

- Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Ông Q bà N là nguyên đơn khởi kiện ông G bà T là bị đơn, về việc ông G bà T vi phạm nghĩa vụ trả nợ đối với số tiền gốc là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng). Căn cứ vào lời khai của bà N và lời thừa nhận của ông G bà T thì thấy. Khoản vay nợ lần thứ nhất của ông G bà T là khoản vay nợ có kỳ hạn, còn các khoản vay nợ từ lần thứ hai trở đi của ông G bà T là khoản vay nợ không kỳ hạn, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, các đương sự đều thừa nhận từ năm 2013 cho đến nay, ông Q bà N thường xuyên đòi nợ ông G bà T. Căn cứ vào điểm a, khoản 1 Điều 157 của Bộ luật dân sự, thời hiệu khởi kiện của vụ án này được tính lại và thời hiệu khởi kiện được tính lại là thời điểm ông Q bà N thường xuyên đòi nợ đối với ông G bà T năm 2017. Căn cứ vào điều 471; điều 474 của Bộ luật dân sự năm 2005, Hội đồng xét xử xác định đây là vụ án dân sự tranh chấp về giao dịch dân sự nên quan hệ pháp luật trong vụ án này được xác định lại là tranh chấp hợp đồng vay tài sản.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 26 của Bộ luật tố tụng dân sự; điểm a, khoản 1 Điều 35 của Bộ luật tố tụng dân sự, vụ án trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc. Vì vậy, Tòa án nhân dân huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc đã thụ lý và giải quyết theo thủ tục sơ thẩm là đúng trình tự tố tụng dân sự.

[2].Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn: Trong thời gian từ ngày 18/10/2012 đến ngày 30/6/2013, ông Q bà N cho ông G bà T vay tổng số tiền 55.000.000 đồng. Tại phiên tòa, bà T chỉ thừa nhận trong thời gian từ ngày 18/10/2012 đến ngày 04/5/2013 (âm lịch), ông bà vay nợ của ông Q bà N số tiền 50.000.000 đồng nên ông G bà T chỉ đồng ý trả nợ cho ông Q bà N số tiền 50.000.000 đồng, do vậy bà N thay đổi yêu cầu khởi kiện của mình, yêu cầu Tòa án buộc ông G bà T trả cho ông bà số tiền 50.000.000 đồng. Xét thấy yêu cầu khởi kiện của ông Q bà N là có căn cứ, việc bà T và ông G đồng ý trả nợ cho ông Q bà N số tiền 50.000.000 đồng là phù hợp với các chứng cứ tài liệu có trong hồ sơ vụ nên cần chấp nhận và buộc ông G bà T phải trả nợ cho ông Q bà N số tiền 50.000.000 đồng. Ông G, bà T xin khất nợ, trả dần nhưng không đưa ra được phương án trả nợ cụ thể và nguyên đơn không đồng ý với đề nghị xin trả dần của bị đơn nên không có căn cứ chấp nhận đề nghị của bị đơn.

Về lãi suất: Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông Q bà N không yêu cầu ông G bà T phải trả tiền lãi phát sinh trên số tiền gốc 50.000.000 đồng. Các bên đương sự không nhớ cụ thể số tiền lãi đã trả cho nhau là bao nhiêu và không ai yêu cầu tính lại lãi suất nên không Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét giải quyết.

Về án phí: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được Tòa án chấp nhận, căn cứ vào khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án. Ông Q bà N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Ông G bà T phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch theo quy định của pháp luật. Trong vụ án này, ông G sinh năm 1956, năm nay 63 tuổi tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án Tòa án đã triệu tập ông G nhiều lần nhưng ông không đến làm việc, tại phiên tòa ông vắng mặt nên không có quan điểm của ông về việc ông có xin miễn án phí dân sự sơ thẩm hay không. Vì vậy ông không có đủ điều kiện để được miễn án phí theo quy định tại các Điều 12; 14 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Vì vậy quan điểm đề nghị của Viện kiểm sát là có căn cứ nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Áp dụng các điều 471; điều 474 của Bộ luật dân sự năm 2005; khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 2 Điều 26 của Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Đỗ Văn Q bà Phạm Phương N. Buộc ông Nguyễn Văn G và bà Chu Thị T phải tra nợ cho ông Q bà N tổng số tiền nợ gốc là 50.000.000 đồng (Năm mươi triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với c ác trường hợp Cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự năm 2015.

Về án phí: Ông Đỗ Văn Q và bà Phạm Phương N không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch. Ông Nguyễn Văn G và bà Chu Thị T phải chịu 2.500.000 đồng (Hai triệu, năm trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch.

Đương sự có mặt có quyền làm đơn kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt có quyền làm đơn kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày được nhận bản án hoặc từ ngày bản án được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; 7; 7a; 7b và 9 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật thi hành án dân sự năm 2014; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

176
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 13/2019/DS-ST ngày 29/08/2019 về tranh chấp hợp đồng vay tài sản

Số hiệu:13/2019/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Yên Lạc - Vĩnh Phúc
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/08/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về