Bản án 12/2020/DS-ST ngày 15/05/2020 về tranh chấp đòi tài sản, hợp đồng dân sự vay tài sản và hợp đồng dân sự mua bán tài sản  

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 12/2020/DS-ST NGÀY 15/05/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI TÀI SẢN, HỢP ĐỒNG DÂN SỰ VAY TÀI SẢN VÀ HỢP ĐỒNG DÂN SỰ MUA BÁN TÀI SẢN

Ngày 15 tháng 5 năm 2020 tại trụ sở Toà án nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai theo thủ tục thông thường vụ án thụ lý số 194/2019/TLST-DS ngày 23 tháng 9 năm 2019 về tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản và hợp đồng dân sự mua bán tài sản, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 09/2020/QĐXXST-DS ngày 23 tháng 3 năm 2020 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị H, sinh năm 1975

Địa chỉ: 226 Nguyễn Chí Thanh, tổ 17, phường 2, thành phố B, tỉnh Lâm Đồng.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lê Thanh D, sinh năm 1967

Địa chỉ: 11A Lam Sơn, phường Lộc S, thành phố B, tỉnh Lâm Đồng.

2. Bị đơn: Ông Vũ Thế T, sinh năm 1971 và bà Đồng Thị B, sinh năm 1965.

Đa chỉ: Thôn 4, xã Lộc A, huyện B, tỉnh Lâm Đồng.

Bà H, ông D, bà B có mặt, ông T vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Tại đơn khởi kiện đề ngày 08/4/2019 được sửa đổi bổ sung ngày 04/8/2019 và các lời khai tại Tòa án, nguyên đơn bà Trần Thị H trình bày: Do có mối quan hệ quen biết, làm ăn với nhau nên khoảng từ năm 2009 đến năm 2018 bà H có cho vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T vay tiền, bán thiếu tài sản nhiều lần, cụ thể như sau: Ngày 26/8/2009 cho vay 10.000.000 đồng, bà B có viết giấy vay và nhận tiền, hẹn 01 tháng trả nợ, lãi thỏa thuận miệng 3%/tháng, chưa trả gốc và lãi. Ngày 19/7/2009 âm lịch (07/9/2009 dương lịch) cho vay 30.000.000 đồng, bà B có viết giấy vay nợ và nhận tiền, không ghi thời hạn vay và lãi suất, nhưng có thỏa thuận miệng 3%/tháng, lãi trả được 20.700.000 đồng, gốc đòi nhiều lần không trả. Ngày 10/7/2010 cho vay số tiền 80.000.000 đồng, bà B và ông T trực tiếp vay, nhận tiền và ký tên, giấy vay bà B viết, lãi thỏa thuận miệng 3%/tháng, hẹn 02 tháng sẽ trả gốc, nay chưa trả gốc và lãi. Ngày 13/02/2011 cho vay 100.000.000 đồng, bà B viết giấy nợ và nhận tiền, không ghi thời hạn trả, lãi thỏa thuận miệng 3%/tháng, trả lãi được 01 tháng không nhớ bao nhiêu, đòi nhiều lần vẫn không trả gốc và lãi. Ngày 24/01/2011 cho vay 155.000.000 đồng để đáo hạn ngân hàng, bà B có viết giấy vay nợ, không ghi thời hạn trả nợ, có thỏa thuận miệng lãi suất nhưng không nhớ bao nhiêu, bà B đã trả được 13.000.000 triệu đồng tiền lãi, gốc đòi nhiều lần không trả. Ngày 01/3/2012 cho vay 160.000.000 đồng, bà B có viết giấy vay nợ và có thỏa thuận miệng lãi suất nhưng không nhớ cụ thể, đòi nhiều lần chưa trả gốc và lãi. Ngày 02/8/2011 cho vay 200.000.000 đồng, bà B và ông T trực tiếp vay và nhận tiền, có viết giấy vay nợ và cùng ký tên, lãi suất thỏa thuận miệng không nhớ bao nhiêu, thời hạn vay 02 tháng sẽ trả nhưng đòi nhiều lần chưa trả nợ. Ngày 25/10/2018 bà B chốt nợ các khoản mua tài sản của bà H gồm có: mua rượu ngâm các loại cây thuốc quý là 35.000.000 đồng, vay vàng quy thành tiền 30.000.000 đồng, mua bộ bàn ghế gỗ Giổi 18.000.000 đồng, mua bộ bàn ghế gỗ Gõ 38.000.000đồng, mua hai bộ bàn ghế gỗ Gõ 65.000.000 đồng, bộ bàn ăn gỗ Giổi 17.000.000 đồng, mua cà phê tươi thành tiền 20.000.000 đồng, lấy cà phê tại Đại lý khác bà H phải trả là 54.000.000 đồng, mua thảo quả 30.000.000 đồng, nợ tiền cà phê quy thành tiền từ 20/12/2016 là 190.000.000 đồng, mượn tiền ngày 12/8/2017 là 60.000.000 đồng. Bà B cộng tất cả các khoản nợ mua tài sản và vay thành 557.000.000 đồng, tự tính lãi thành 113.000.000 đồng, cộng thành 670.000.000 đồng và tự viết chốt nợ, nhận nợ, ký tên. Các lần vay, mua tài sản của bà H đến nay vợ chồng bà B và ông T chưa trả gốc, tiền lãi trả được một vài tháng còn lại đến nay không trả. Các lần vay tiền bà B và ông T nói vay làm ăn, đáo hạn ngân hàng, mua đất, làm lò sấy cà phê, mua đồ dùng cho gia đình, có lần hai vợ chồng cùng ký tên, các lần khác bà B ký tên nhưng bà H đến đòi nợ ông T đều biết và có khất nợ với bà H nhiều lần. Tết năm 2018 (âm lịch) bà H xuống đòi nợ thì bà B, ông T có trả được số tiền 200.000.000 đồng còn lại đến nay không trả.

Bà H khởi kiện yêu cầu vợ chồng bà B và ông T có trách nhiệm trả cho bà H tổng số nợ gốc là 1.405.000.000 đồng, phải trả tiền lãi trên số tiền vay các khoản là 735.000.000 đồng x 0.83%/tháng x 90 tháng (từ 01/01/2012 đến 01/7/2019) = 549.045.000 đồng. Số tiền 200.000.000 đồng vợ chồng bà B, ông T trả bà H yêu cấn trừ vào tiền lãi, nên tiền lãi tạm tính còn lại 349.045.000 đồng. Cộng cả gốc và lãi bà H yêu cầu vợ chồng bà B, ông T phải trả là 1.754.045.000 đồng. Bà H yêu cầu tiếp tục duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” do Tòa án áp dụng đối với bà B, ông T cho đến khi trả nợ xong cho bà H.

Bị đơn vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng không đến làm việc nên không có lời khai nào.

Tòa án đã tiến hành mở phiên họp về kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải vào các ngày 11/12/2019, 13/01/2020 nhưng không được. Lý do nguyên đơn bà H có mặt, bị đơn vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T đã được Tòa án triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt. Tại buổi hòa giải ngày 13/01/2020 bà H thay đổi yêu cầu khởi kiện, đối với các khoản nợ có thời hạn trả nhưng đã quá thời hạn trả nợ mà bà H không khởi kiện, nay đã quá thời hiệu khởi kiện nên yêu cầu lấy lại tiền gốc không yêu cầu tính lãi, còn các khoản nợ khác vẫn giữ nguyên như yêu cầu khởi kiện ban đầu. Tính tổng cộng tiền gốc và lãi bà H yêu cầu bà B, ông T trả nợ là 1.665.031.000 đồng.

Tại phiên tòa:

Nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện, đối với khoản chốt nợ ngày 25/10/2018 trong đó có 113.000.000 đồng tiền lãi do bà B tự tính không nhớ là lãi suất bao nhiêu, nay đồng ý tính lại lãi theo lãi suất 1,67%/tháng đối với 02 khoản trong giấy nợ là 190 triệu đồng tính từ ngày chốt thành nợ vay và tiền vay 60 triệu đồng tính từ ngày vay cho đến ngày 25/10/2018, sau đó cộng với tiền gốc nợ do mua tài sản thành khoản nợ do bà B chốt sổ của ngày 25/10/2018. Tổng số nợ gốc bà H yêu cầu bà B, ông T có trách nhiệm trả là 1.375.834.000 đồng, lãi phát sinh 212.300.000 đồng, số tiền bà B, ông T đã trả 200.000.000 đồng đồng ý trừ vào lãi. Còn các yêu cầu khởi kiện trước đây vẫn giữ nguyên như cũ. Đồng thời bà H tiếp tục yêu cầu duy trì quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “Phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với bị đơn để bảo đảm thi hành án.

Bị đơn bà Đồng Thị B trình bày: Vợ chồng có quen biết, làm ăn với bà H nên có vay tiền để đáo hạn ngân hàng, làm lò sấy cà phê, mua tài sản sử dụng trong gia đình, chủ yếu là bà B đứng ra vay tiền, mua tài sản, ông T cũng biết và đồng ý trả, việc làm ăn do bà B quyết định. Về các giấy tờ gốc nguyên đơn khởi kiện và nộp cho Tòa án đều do bà B tự viết, ký ghi họ tên, có hai khoản vay do cả hai vợ chồng cùng ký tên. Bà B cho rằng khi vay có khoản có lãi, có khoản không có thỏa thuận gì về lãi suất với bà H, lúc trả lãi không nhớ trả cho khoản nào vì bà H không ghi giấy tờ cho bà B. Đối với tiền lãi đã trả thì chỉ có bà H biết và thừa nhận thì bà đồng ý. Nay các khoản vay không có hạn trả thì đồng ý chịu lãi theo pháp luật và theo bà H yêu cầu, đối với các khoản vay đã quá thời hiệu khởi kiện bà đồng ý trả gốc vì việc không đòi nợ là do bà H vẫn lấy tiền lãi nhưng bà không có giấy tờ gì. Đối với số tiền vay 100.000.000 đồng ngày 13/01/2011 bà đã trả xong bà H đã gạch sổ nợ nên không đồng ý trả. Đối với các khoản nợ đã chốt nợ ngày 25/10/2018 thì đồng ý tính lại lãi hai khoản vay 190 triệu đồng và 60 triệu đồng theo lãi suất 1,67%/tháng. Đối với giấy trả nợ ngày 03/02/2019 thể hiện vợ chồng đã trả cho bà H 200.000.000 đồng thì thì đồng ý trừ vào tiền lãi phát sinh. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bà B đồng ý tiếp tục duy trì một phần Quyết áp dụng áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với quyền sử dụng đất thửa đất 553- Tờ bản đồ 30- xã Lộc A, huyện B, tỉnh Lâm Đồng, yêu cầu hủy bỏ một phần Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với quyền sử dụng đất tại các thửa đất số 607-Tờ bản đồ 25- xã Lộc An và thửa 590- Tờ bản đồ 31- xã Lộc A, huyện B. Bà B cho rằng theo chứng thư thẩm định giá của Công ty cổ phần thẩm định giá và dịch vụ tài sản Toàn Cầu do bà cung cấp thì giá trị tài sản đã định giá đủ để đảm bảo nghĩa vụ thi hành án cho bà H.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và những người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án và phát biểu ý kiến về việc giải quyết vụ án như sau: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H, buộc vợ chồng bà B, ông T phải trả cho bà H số tiền gốc là 1.275.834.000 đồng, lãi phát sinh còn lại là 12.300.000 đồng. Bác một phần yêu cầu khởi kiện của bà H về việc yêu cầu vợ chồng bà B, ông T trả số tiền 100.000.000 đồng. Buộc bị đơn phải chịu lãi chậm trả thi hành án phát sinh. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đề nghị chấp nhận yêu cầu của bà B, đề nghị tiếp tục áp dụng quyết định áp dụng biệp pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với quyền sử dụng đất tại thửa số 553- TBĐ 30- xã Lộc A, huyện B đứng tên ông T, bà B; hủy một phần quyết định áp dụng biệp pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với quyền sử dụng đất tại thửa 607- TBĐ 25 và thửa 590- TBĐ 31- xã Lộc A, huyện B đứng tên bà B, ông T. Về án phí đề nghị xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về thủ tục tố tụng:

Bị đơn ông Vũ Thế T đã được triệu tập hợp lệ lần thứ hai nhưng vắng mặt tại phiên tòa không vì sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan. Căn cứ vào điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 của Bộ luật tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án theo quy định của pháp luật.

2. Về quan hệ tranh chấp:

Nguyên đơn bà Trần Thị H khởi kiện bị đơn vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T để yêu cầu trả nợ tiền vay nhiều lần (vay có thời hạn và vay không có thời hạn) và tiền mua tài sản. Hội đồng xét xử xác định quan hệ tranh chấp: Kiện đòi tài sản, vay tài sản và mua bán tàn sản được quy tại khoản 2, khoản 3 Điều 26 Bộ luật tố tụng dân sự.

3. Về nội dung vụ án:

Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Trần Thị H đối với bị đơn vợ chồng bà Đồng Thị B và ông Vũ Thế T thấy rằng:

Bà Trần Thị H với vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T có mối quan hệ quen biết, có làm ăn với nhau nên đã có việc cho vay tiền, mua bán tài sản nhiều lần với nhau.

Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 26/8/2009 thể hiện bà H cho bà B vay số tiền 10.000.000 đồng, thời hạn vay 01 tháng, không thể hiện lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B”. Nay đã quá thời hạn trả và đã quá thời hiệu khởi kiện, bà H cũng không có giấy tờ khất nợ của bà B nên đồng ý lấy nợ gốc, không yêu cầu tính lãi. Bà B thừa nhận có vay 10.000.000 đồng và chưa trả, nay đồng ý trả nợ gốc 10.000.000 đồng cho bà H.

+ Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 19/7/2009 âm lịch (nhằm ngày 07/09/2009 dương lịch) thể hiện bà H cho bà B vay số tiền 30.000.000 đồng, không ghi thời hạn vay và lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B. Bà H trình bày lãi suất thỏa thuận miệng 3%/tháng, bà B trả được 20.700.000 đồng tiền lãi. Bà B trình bày có vay 30 triệu đồng nhưng không tính lãi, có trả tiền nhưng không biết bà H trừ vào khoản nào. Do không thống nhất về lãi suất nên bà H đồng ý tính lại tiền lãi từ ngày 01/01/2012 đến nay (chỉ tính tròn 96 tháng) với lãi suất 0.75%/tháng: 30.000.000 đồng x 0,75%/tháng x 96 tháng = 21.600.000 đồng, trừ tiền lãi đã đưa 20.700.000 đồng, còn nợ lãi 900.000 đồng, cộng cả gốc và lãi thành 30.900.000 đồng. Bà B đồng ý trả 30.900.000 đồng cho bà H.

Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 10/7/2010 thể hiện bà H cho vợ chồng bà B, ông T vay số tiền 80.000.000 đồng, ghi thời hạn vay là 02 tháng (đến ngày 10/9/2010) sẽ thanh toán, không ghi lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B”, “Vũ Thế T”. Đến hạn trả nợ nhưng vợ chồng bà B, ông T không trả, nay đã quá thời hiệu khởi kiện, bà H yêu cầu trả nợ gốc 80.000.000 đồng, không tính lãi. Bà B trình bày vợ chồng bà có vay 80.000.000 đồng của bà H và đến nay chưa trả, nay bà đồng ý trả khoản nợ này cho bà H.

Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 13/02/2011 thể hiện bà B có nhờ bà H mượn số tiền 100.000.000 đồng, không ghi rõ thời hạn vay, không thể hiện lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B”. Bà H trình bày bà B trực tiếp vay và nhận tiền, thời hạn vay 01 tháng, lãi suất thỏa thuận miệng 3%/tháng, bà B trả lãi được 01 tháng là 3.000.000 đồng, còn lại đến nay chưa trả gốc và lãi. Tuy nhiên do khi viết thời gian trả lãi thì bà H sơ suất để bút gạch một đường tại nội dung vay, thực tế bà B, ông T chưa trả nợ. Bà B trình bày có trả lãi nhưng không nhớ cụ thể bao nhiêu và cũng đã trả gốc. Khi trả gốc thì trả cả lãi và bà H là người gạch giấy vay tiền nên không lấy giấy gốc về, còn tiền lãi đã trả cho bà H không yêu cầu tính lại. Xét thấy tại nội dung giấy vay nợ ngày 13/01/2011 thì đã bị gạch chéo một đường bằng mực bút mực màu tím. Bà H cho rằng là do sơ suất nên để ngòi bút gạch vào tờ giấy vay nhưng không yêu cầu bà B xác nhận lại là chưa trả nợ. Đồng thời nhiều lần sau ngày 13/01/2011 bà H tiếp tục cho bà B vay tiền, bán thiếu tài sản nhưng không đề cập gì đến việc xác nhận lại khoản nợ này. Bà B không thừa nhận sự việc trên và khẳng định đã trả nợ xong nên mới gạch nội dung vay tiền. Do nội dung cho vay đã bị gạch nên Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu trả nợ 100.000.000 đồng của bà H.

Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 24/01/2011 thể hiện bà B vay của bà H số tiền 155.000.000 đồng, không ghi thời hạn vay, không thể hiện lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B”. Bà H trình bày có thỏa thuận lãi suất 3%/tháng, đã trả được 13.000.000 đồng tiền lãi. Bà B trình bày có vay 155.000.000 đồng, lãi suất không nhớ bao nhiêu. Nay bà H yêu cầu tính lãi theo lãi suất 0,75%/tháng từ ngày 01/01/2012 đến nay (chỉ tính tròn 96 tháng): 96 tháng x 0,75%/tháng x 155.000.000 đồng = 111.600.000 đồng, trừ đi 13.000.000 đồng, còn 98.600.000 đồng. Bà B đồng ý theo yêu cầu của bà H tính lãi như trên, cộng gốc và lãi bà B đồng ý trả 253.600.000 đồng.

Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 02/8/2011 thể hiện bà B, ông T vay của bà H số tiền 200.000.000 đồng, thời hạn vay 02 tháng (ngày 02/10/2011 sẽ trả nợ), không thể hiện lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B” và “Vũ Thế T”, đến nay chưa trả gốc và lãi. Do quá thời hiệu khởi kiện nên Bà H yêu cầu trả nợ gốc không yêu cầu tính lãi. Bà B thừa nhận vợ chồng có vay khoản tiền 200.000.000 đồng và đồng ý trả nợ theo yêu cầu của bà H.

Tại “giấy mượn tiền” ghi ngày 01/3/2012 thể hiện bà B vay của bà H số tiền 160.000.000 đồng, không ghi thời hạn vay, không thể hiện lãi suất, người mượn tiền có ký tên và ghi tên “Đồng Thị B”, đã đòi nợ nhiều lần không trả nợ gốc. Bà H trình bày lãi suất thỏa thuận miệng 3%/tháng, chưa trả lãi. Bà B thừa nhận có vay 160.000.000 đồng, không nhớ cụ thể lãi suất bao nhiêu. Nay bà H yêu cầu tính lãi từ 01/3/2012 đến 01/5/2020 (làm tròn): 94 tháng x 0,75%/tháng x 160.000.000 đồng= 112.800.000 đồng. Bà B đồng ý tính lãi như bà H yêu cầu, đồng ý trả cả gốc và lãi là 272.800.000 đồng.

Tại giấy ghi nhận nợ ngày 25/10/2018 thể hiện bà B chốt sổ nợ cho bà H số tiền 670.000.000 đồng, có ghi người mượn, ký tên và ghi tên “Đồng Thị B”. Mặt trước của giấy chốt sổ được liệt kê các khoản nợ tiền mua tài sản và vay tiền gồm có: mua rượu ngâm các loại cây thuốc quý là 35.000.000 đồng, vay vàng quy thành tiền 30.000.000 đồng, mua bộ bàn ghế gỗ Giổi 18.000.000 đồng, mua bộ bàn ghế gỗ Gõ 38.000.000đồng, mua hai bộ bàn ghế gỗ Gõ 65.000.000 đồng, bộ bàn ăn gỗ Giổi 17.000.000 đồng, mua cà phê tươi thành tiền 20.000.000 đồng, lấy cà phê tại Đại lý khác bà H phải trả là 54.000.000 đồng, mua thảo quả 30.000.000 đồng, nợ tiền cà phê quy thành tiền từ 20/12/2016 là 190.000.000 đồng, mượn tiền ngày 12/8/2017 là 60.000.000 đồng. Cộng toàn bộ tiền mua tài sản và tiền vay thêm thành 557.000.000 đồng, tính lãi 113.000.000 động thành 670.000.000 đồng. Số tiền này khớp với số tiền bà B đồng ý đã ghi chốt nợ ngày 25/10/2018 còn nợ số tiền 670.000.000 đồng, ký tên, ghi tên “Đồng Thị B”. Bà H trình bày đối với các khoản tiền mua tài sản bà H không tính lãi, chỉ có hai khoản tiền 190 triệu đồng và 60 triệu đồng bà B tính lãi suất bao nhiêu, từ thời gian nào không rõ. Bà B thừa nhận các khoản nợ mua tài sản và vay được làm rõ tại phiên tòa như trên là đúng, bà ghi chốt nợ là 670.000.000 đồng trong đó có tiền lãi là 113 triệu đồng nhưng không nhớ tính thế nào. Bà cũng thừa nhận là chỉ tính lãi hai khoản như bà H trình bày. Nay bà H và bà B thống nhất tính lại lãi theo lãi suất 1,67%/tháng x 190.000.000 đồng x 22 tháng (20/12/2016 đến 20/10/2018 làm tròn) = 69.806.000 đồng và 60.000.000 đồng x 1,67%/tháng x 14 tháng (từ 12/8/2017 đến 12/10/2018 làm tròn)= 14.028.000 đồng. Như vậy số nợ theo giấy nhận nợ ngày 25/10/2018 được thống nhất tính lại thành 640.834.000 đồng (gốc 557.000.0000 đồng, lãi 83.834.000 đồng). Nay bà H không yêu cầu tính lãi phát sinh từ ngày 25/10/2018 đến nay, bà B đồng ý trả số nợ 640.834.000 đồng cho bà H.

Về việc trả nợ thì ngày 03/02/2019 vợ chồng bà B đã trả cho bà H được 200.000.000 đồng, được bà H viết giấy nhận tiền. Nay bà H, bà B thống nhất trừ số tiền này vào tiền lãi phát sinh.

Như vậy, tổng số tiền nợ gốc bà H đã cho vay, bán tài sản cho vợ chồng bà B, ông T đến nay chưa trả là 1.275.834.000 đồng, lãi phát sinh là 212.300.000 đồng, số tiền 200.000.000 đồng được trừ vào tiền lãi nên tiền lãi còn 12.300.000 đồng. Cộng cả gốc và lãi là 1.288.134.000 đồng. Các khoản nợ phát sinh là có thật được thể hiện trong các giấy mượn tiền, giấy chốt nợ, có chữ ký của người vay tiền do nguyên đơn nộp cho Tòa án và được các bên thừa nhận. Trong 07 giấy mượn tiền phát sinh từ năm 2009 đến năm 2012 thì có 02 giấy mượn tiền ngày 10/7/2010 (vay 80.000.000 đồng) và ngày 02/8/2011 (vay 200.000.000 đồng) thể hiện vợ chồng bà B, ông T cùng ký vay tiền, bà H trình bày các lần vay khác không có mặt ông T nhưng khi đến đòi nợ ông T đều biết và khất nợ, do quen biết nên đã làm ăn, cho vay tiền nhiều lần. Hiện nay bà B và ông T vẫn đang là vợ chồng. Việc vay tiền đều phục vụ cho việc làm ăn, đáo hạn của vợ chồng, mua tài sản là đồ dùng thiết yếu, phục vụ đời sống trong gia đình. Tại phiên tòa bà B cũng thừa nhận vợ chồng vay để làm ăn, đáo hạn nợ ngân hàng, làm lò sấy cà phê, mua tài sản sử dụng trong gia đình, việc làm ăn do bà B quyết định, ông T biết và đồng ý. Các khoản nợ trên đến nay vợ chồng bà B, ông T chưa thanh toán cho bà H. Vì vậy bà H khởi kiện yêu cầu trả nợ là có căn cứ và được chấp nhận. Cần buộc vợ chồng bà Đồng Thị B và ông Vũ Thế T có trách nhiệm trả nợ cho bà Trần Thị H tổng số tiền là 1.288.134.000 đồng.

Về Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời: Quá trình giải quyết vụ án, Tòa án có ra quyết định áp dụng biệp pháp khẩn cấp tạm thời “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” số 14/2019/QĐ-BPKCTT ngày 27/9/2019 đối với bị đơn vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T. Nguyên đơn yêu cầu tiếp tục duy trì biệp pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên nhằm đảm bảo thi hành án. Bị đơn bà B xuất trình cho 01 chứng thư thẩm định giá đề ngày 13/5/2020 và một hợp đồng dịch vụ thẩm định giá giữa bà Đồng Thị B với công ty thẩm định giá và dịch vụ tài sản T đối với tài sản là quyền sử dụng đất tại thửa đất 553- TBĐ30- Thôn 4- xã Lộc A, huyện B. Bà B cho rằng Tòa án đang phong tỏa tài sản của vợ chồng bà có giá trị hơn nhiều so với nghĩa vụ trả nợ của vợ chồng. Bà B yêu cầu tiếp tục duy trì một phần quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với quyền sử dụng đất thửa 553-TBĐ 30-xã Lộc A, huyện B và cầu hủy một phần phần quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với quyền sử dụng đất thửa 607- TBĐ 25 và thửa 590- TBĐ 31- xã Lộc A, huyện B. Xét việc ra quyết định áp dụng BPKCTT “phong tỏa tài sản của người có nghĩa vụ” đối với vợ chồng bà B, ông T là đúng trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật. Bà B cũng đã có đơn khiếu nại và đã được Chánh án TAND huyện Bảo Lâm có văn bản trả lời giữ nguyên quyết định. Phía nguyên đơn cũng đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền bảo đảm để bảo đảm cho việc mình yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và đến nay chưa xảy ra thiệt hại gì. Đồng thời trong số tài sản phong tỏa thì có tài sản là thửa đất 590- TBĐ 31- Lộc An vợ chồng bà B đang chuyển nhượng cho người khác, còn lại chưa thực hiện việc chuyển quyền, thế chấp. Về chứng thư thẩm định giá là do cá nhân bà B yêu cầu Công ty thẩm định giá thực hiện, không có sự chứng kiến của nguyên đơn, đại diện Tòa án đang giải quyết vụ án, nguyên đơn không đồng ý hủy một phần quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời như bà B yêu cầu. Vì vậy việc tiếp tục duy trì Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời số số 14/2019/QĐ- BPKCTT ngày 27/9/2019 đối với bị đơn vợ chồng bà Đồng Thị B, ông Vũ Thế T là cần thiết và đúng pháp luật.

4. Về án phí: Đây là vụ án dân sự có giá ngạch, do yêu cầu của nguyên đơn bà Trần Thị H không được chấp nhận yêu cầu bà B, ông T trả nợ 100.000.000 đồng nên không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm 5.000.000 đồng (100.000.000 đồng x 5%). Buộc bị đơn vợ chồng ông Vũ Thế T và bà Đồng Thị B phải chịu toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm là 50.644.000 đồng (36.000.000 đồng + 488.134.000 đồng x 3%).

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2, khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228, Điều 235, Điều 266 Bộ luật tố tụng dân sự.

Căn cứ vào các điều 280, 281, 474, 476 Bộ luật dân sự 2005; Các điều 275, 463, 466, 468 Bộ luật dân sự 2015; Điều 27, Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.

Căn cứ vào Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự, áp dụng Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH 14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H đối với vợ chồng bà Đồng Thị B và ông Vũ Thế T về việc “Tranh chấp đòi tài sản, tranh chấp hợp đồng dân sự vay tài sản và tranh chấp hợp đồng dân sự mua bán tài sản”.

Buộc vợ chồng bà Đồng Thị B và ông Vũ Thế T phải trả cho bà Trần Thị H số tiền 1.288.134.000 (một tỷ hai trăm tám mươi tám triệu một trăm ba mươi tư nghìn) đồng.

Bác một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị H đối với vợ chồng bà Đồng Thị B và ông Vũ Thế T về việc yêu cầu trả số tiền 100.000.000 đồng.

“Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.

2. Về án phí: Buộc vợ chồng ông Vũ Thế T và bà Đồng Thị B phải nộp 50.644.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Buộc bà H phải nộp 5.000.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào số tiền 32.663.475 đồng tạm ứng án phí sơ thẩm đã nộp tại các biên lai thu tạm ứng án phí lệ phí Tòa án số AA/2016/0013148 ngày 23/9/2019 và AA/2016/0013193 ngày 23/10/2019 của Chi cục thi hành án dân sự huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng, hoàn trả lại cho bà H 27.663.475 đồng.

3. Quyền kháng cáo: Nguyên đơn, bị đơn bà Đồng Thị B có mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Bị đơn ông Vũ Thế T vắng mặt tại phiên tòa có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được tống đạt hợp lệ để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6; Điều 7, Điều 7a, Điều 7b và Điều 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

448
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 12/2020/DS-ST ngày 15/05/2020 về tranh chấp đòi tài sản, hợp đồng dân sự vay tài sản và hợp đồng dân sự mua bán tài sản  

Số hiệu:12/2020/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 15/05/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về