Bản án 120/2018/DS-ST ngày 13/09/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KIÊN LƯƠNG, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 120/2018/DS-ST NGÀY 13/09/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Trong ngày 13 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở Tòa án Nhân Dân huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 117/2015/TLST-DS, ngày 10 tháng 11 năm 2015 về: “Tranh chấp quyền sử dụng đất ” theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 92/QĐXXST-DS, ngày 7 tháng 8 năm 2018 và thông báo về việc dời phiên tòa số 03/2018/TB-TA ngày 24 tháng 8 năm 2018 giữa các đương sự:

- Ng uyên đơn Chùa Ông B Gồm những người trong ban quản trị chùa gồm:

1./ Hứa Chấn M;

2./ Trần Văn Đ ;

3./ Huỳnh Quốc T;

4./ Khoa Phước L;

5./ Hạ Đức M;

6./ Lâm Hồng H;

Cùng ngụ tại: ấp H xã B huyện K tỉnh K .

7./ Lâm Vũ O Địa chỉ: ấp B xã B huyện K tỉnh K .

8./ Lâm Hồng G Địa chỉ: ấp B xã B huyện K tỉnh K .

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Lâm Hồng H – sinh năm 1964 (Có mặt).

Địa chỉ: ấp H, xã B, huyện K, tỉnh K .

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Phạm Anh V thuộc văn phòng luật sư Phạm Anh V - Đoàn luật sư tỉnh K .

- Bị đơn Ông Hàng Thành N – sinh năm 1973 (Có mặt).

Địa chỉ: 195, ấp H, xã B , huyện K, tỉnh K.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Mai Thành C sinh năm 1964 (Có mặt).

Địa chỉ hiện nay: số 188 ấp B xã B huyện K tỉnh K.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo khởi kiện ngày 15/09/2015 và lời khai tại tòa người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Lâm Hồng H trình bày.

Ngày 26/12/1995 Chùa Ông B được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang hợp thức hóa quyền sử dụng đất tại Quyết định số 1374/QĐ-UB với diện tích 2.500m2 tọa lạc tại ấp H, xã B, huyện H tỉnh Kiên Giang (nay là huyện K), tuy nhiên hiện nay diện tích đất của chùa theo bản vẽ trích đo địa chính số 2875/TCĐC ngày 28/5/2012 về việc chùa ông B xin công nhận quyền sử dụng đất có xác nhận của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kiên Lương ngày 31/5/2012 thì diện tích hiện nay là 1.546,7m2 thì chùa cũng đồng ý với diện tích này.

Vào ngày 20/6/1997 Chùa Ông B đã cho ông Hàng Văn B là cha ruột của ông Hàng Thành N mượn đất phía trước của C với diện tích khoảng 88m2 (ngang 5,5m, dài 16m cặp lộ H – Rạch Đ) để làm ăn sinh sống với điều kiện khi C có nhu cầu sử dụng phần đất đó thì ông B sẽ tự di dời và trả lại phần đất đã mượn theo yêu cầu của chùa.

Chùa có cho ông Hàng Văn B làm tờ cam kết ngày 20/6/1997 với nội dung “Gia đình tôi hiện nay được Ban quản trị chùa ông B ấp H cho cất nhà sát hàng rào của chùa để làm ăn sinh sống, gia đình tôi cam kết không lấn chiếm sang đất của chùa theo sơ đồ quy định gốc rào phía tây cách bờ rào của chùa là 0,5m, cách cổng chùa 6,53m (sáu mét năm mươi ba) đảm bảo cảnh quan chùa.

Vậy gia đình tôi làm tờ cam kết này trước chính quyền địa phương và ban quản trị chùa ông B, gia đình thực hiện đúng tờ cam kết, nếu gia đình tôi vi phạm nghĩa vụ sẽ chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật nhà nước”.

Thời gian đầu ông Hàng Văn B chỉ cất nhà tạm, đến năm 2010 ông Hàng Thành N là con của ông Hàng Văn B đã xây dựng kiên cố (lúc đó ông Sử D làm trưởng Ban trị sự và không có ngăn cản việc xây dựng trên của ông N).

Nay chùa ngày càng xuống cấp trầm trọng, mặt tiền nhỏ hẹp, chùa lại không có khuôn viên và nơi để xe, hơn nữa tình trạng lấn chiếm mặt tiền của chùa ngày càng nhiều, chính vì vậy mà lối đi vào chùa càng bị thu hẹp hơn làm lượng khách đến viếng chùa ngày càng thưa thớt, cho nên Chùa Ông B đã bàn với ông Hàng Thành N là con ông Hàng Văn B để dở bỏ mái che phía trước nhà của ông N vì mái che của nhà ông N đã chiếm một phần mặt tiền của chùa, nhưng ông N không thừa nhận đã mượn đất của chùa (mặc dù cha ông N là ông Hàng Văn B đã có ký giấy mượn đất trên). Do vậy Chùa Ông B khởi kiện yêu cầu ông N di dời nhà trả lại đất cho Chùa diện tích dài 16m, rộng 5,5m tổng cộng 88m2 tọa lạc tại ấp H xã B huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang.

Chùa không đồng ý cho Tòa án và các cơ quan chuyên môn tiến hành đo đạc hiện trạng khuôn viên đất của chùa vì việc đo đạc là không cần thiết mà Tòa án cần căn cứ vào trích đo địa chính khu đất số 2875/TCĐC được đo vẽ ngày 28/5/2012 có xác nhận của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kiên Lương ngày 31/5/2012 để làm cơ sở xét xử vì trong bản vẽ đó đã có số liệu kích thước diện tích cụ thể, chùa thừa nhận diện tích còn lại của chùa hiện nay là 1.546,7m2.

* Bị đơn ông Hàng Thành N do ông Mai Thành C làm đại diện theo ủy quyền trình bày:

Nguồn gốc đất tranh chấp trước đây là của Hợp Tác Xã B. Khoảng năm 1976-1977 Hợp tác xã đã hóa giá cho ông Hàng Văn B (là cha của anh Hàng Thành N) cất nhà ở trên phần đất này với diện tích 180m2 để ở và sử dụng liên tục đến nay (trong 180m2 có 116m2 nằm trong hành lang lộ giới). Đến ngày 21/10/1988 ông B có làm đơn xin phép cất nhà gửi Ủy Ban Nhân Dân xã B với nội dung “Nguyên vào khoảng năm 1986 hợp tác xã mua bán xã có tổ chức mở cửa hàng ăn uống của xã tại ngã Ba H và hợp tác xã mua bán có bàn thống nhất với gia đình tôi để tôi đứng ra chế biến hưởng ăn chia cùng hợp tác xã mua bán sau một thời gian làm ăn thua lỗ hợp tác xã mua bán có hóa giá cho gia đình tôi gồm: một cái nhà vách lá nền đất và bàn ghế để tiếp tục mua bán và đến nay thì căn nhà đã bị hư hỏng không thể tiếp tục buôn bán, nay gia đình tôi xin được phép cất lại nhà mới trên nền cũ để tiếp tục buôn bán, với diện tích căn nhà cây lá được sửa lại là 60m2 )” và được Ủy Ban Nhân Dân xã B xác nhận ngày 22/10/1988 với nội dung “Căn cứ theo đơn xin cất nhà mới lại (trên nền đất cũ của HTXMB xã) của ông Hàng Văn B ngụ tại ấp H, UBND xã tạm cho ông cất nhà lại và khi nào chính quyền địa phương cần thiết để xây dựng cơ sở vật chất để mở rộng thêm thì ông B sẽ trả lại nền cho xã còn nhà dời hoặc hóa giá cho xã theo thỏa thuận đôi bên” Ông N trình bày thêm, tờ cam kết 20/6/1997 của ông Hàng Văn B viết gửi cho C và chính quyền địa phương gồm có ấp, chính quyền xã, và Chùa ký đã thể hiện nội dung cam kết là “Gia đình tôi hiện nay được ban quản trị Chùa ông B cho cất nhà sát hàng rào của Chùa để làm ăn sinh sống, gia đình tôi cam kết không lấn chiếm sang đất của chùa theo sơ đồ quy định gốc rào phía tây cách bờ rào của chùa là 0,5m, cách cổng chùa là 6,53m đảm bảo cảnh quan của chùa” như vậy với nội dung trên thì không có chỗ nào thể hiện việc ông B mượn đất của chùa và cũng không có một giấy tờ nào thể hiện ông B mượn đất của chùa.

Căn nhà này ông B ở từ trước đến nay. Đến năm 2000 ông B chết thì giao nhà đất trên cho con là ông Nguyên sử dụng.

Năm 2010 ông N sửa lại nhà và xây căn nhà kiên cố trên đất với tổng diện tích khoảng 180m2 thì chùa cũng không có bất kỳ sự ngăn cản nào và ở cho đến nay. Trong diện tích 180m2 thì có 116m2 nằm trong hành lang lộ giới còn lại 64m2 là đất của ông N chứ không phải đất của Chùa Ông B.

Ông N cũng không cho Tòa án tiến hành đo đạc phần đất mà gia đình hiện đang sử dụng vì trước đây vào ngày 22/3/2016 Tòa án đã lập biên bản thỏa thuận giữa ông và phía bên chùa, và bên ông N đã thực hiện xong thỏa thuận theo yêu cầu của chùa nhưng chùa vẫn khởi kiện thì ông không đồng ý cho tiến hành đo đạc thẩm định nữa. Nay Chùa Ông B yêu cầu ông N trả 88m2 thì ông N không đồng ý vì phần đất này là của gia đình anh sử dụng ổn định từ trước đến nay, không phải là đất của chùa. Đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện của Chùa Ông B.

Luật sư Phạm Anh V là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Đất này đã được chùa xin hợp thức hóa theo quyết định số1374/QĐ-UB ngày 26/12/1995 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang với diện tích 2.500m2 tọa lạc tại ấp H, xã B, huyện Hà Tiên tỉnh Kiên Giang (nay là huyện Kiên Lương), tuy nhiên hiện nay diện tích đất của chùa theo bản vẽ trích đo địa chính số 2875/TCĐC ngày 28/5/2012 thì diện tích của chùa hiện nay là 1.546,7m2 thì Chùa cũng thừa nhận. Việc chùa không cho đo đạc các lần là do chịu sự quản lý chung của ban trị sự Chùa. Phía bị đơn không có chứng cứ nào thể hiện việc hợp tác xã B hóa giá phần đất ông N đang ở. Mặc dù nguyên đơn không đo đạc vì vậy không xác định được 88m2 có nằm trong đất của chùa hay không, tuy nhiên Tòa án cần công nhận quyền sử dụng đất của chùa là 1.546,7m2 để chùa làm thủ tục xin đăng ký quyền sử dụng đất.

Tại phiên tòa đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Kiên Lương phát biểu:

Về thủ tục tố tụng: Nhìn chung kể từ khi thụ lý đến khi xét xử Thẩm phán, thư ký, Hội đồng xét xử đã thực hiện hoạt động tố tụng đúng quy định, tuy nhiên vụ án đã bị quá thời hạn xét xử.

Về nội dung: Đề nghị hội đồng xét xử bác đơn khởi kiện của chùa vì không có bất kỳ một chứng cứ nào thể hiện việc ông Hàng Văn B mượn đất của chùa như phía chùa trình bày. Hơn nữa phần đất này ông B và anh N đã sử dụng ổn định từ trước đến nay không xảy ra tranh chấp, cụ thể năm 1988 ông B có đơn xin phép cất nhà được Uỷ ban nhân dân xã B chấp thuận, và năm 2010 ông N cất nhà kiên cố cũng không gặp bất kỳ sự phán đối nào từ chùa.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về quan hệ pháp luật: Tranh chấp giữa Chùa ông B và ông Hàng Thành N là tranh chấp quyền sử dụng đất theo Khoản 9 Điều 26 và điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang .

[2] Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án, ngày 07/01/2016 người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn đã có đơn gửi Tòa án yêu cầu định giá tài sản, xem xét thẩm định tại chỗ.Tòa án đã ban hành các quyết định định giá tài sản, quyết định xem xét tại chỗ theo quy định của Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự năm 2015.

Lần thứ nhất tiến hành đo đạc thẩm định, định giá vào ngày 22/3/2016 thì giữa nguyên đơn và bị đơn và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đã thống nhất thỏa thuận về việc di dời hai mái tôn bên góc trái của nhà anh N tính từ trụ mái hiên có chiều dài 3,7m, còn chiều ngang từ góc kèo ngang qua trụ xi măng là 1,75m để trả lại sự thông thoáng cho chùa trước mặt tiền.

Sau đó anh N đã thực hiện di dời đúng thỏa thuận cam kết, nhưng bên đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn không đồng ý và đưa ra lý do là mặc dù biết ông N đã thực hiện xong thỏa thuận cam kết trên, sau đó ông Lâm Hồng H có báo lại với Ban Quản Trị chùa về việc ông N đã thực hiện xong thỏa thuận cam kết nhưng các thành viên trong Ban quản trị chùa cũng không đồng ý. Vì vậy ngày 20/5/2016 đã có cuộc họp giữa các thành viên Ban Quản Trị chùa và đi đến ý kiến là bắt buộc ông Hàng Thành N phải trả lại toàn bộ phần đất đã mượn của chùa ông B vào năm 1997 theo đơn khởi kiện và di dời căn nhà trên đất để chùa ông B cải cách hàng lang và sân chùa, yêu cầu Tòa án tiếp tục giải quyết vụ án.

Do vậy Tòa án tiến hành đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ và thẩm định giá tài sản lần 2 vào ngày 14/3/2018 nhưng cả nguyên đơn và bị đơn đều không cho Tòa án và các cơ quan chuyên môn tiến hành đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, mỗi bên đưa ra ý kiến như sau.

Chùa Ông B không đồng ý cho Tòa án tiến hành đo đạc hiện trạng khuôn viên đất của chùa vì cho rằng việc đo đạc là không cần thiết, Tòa án chỉ cần căn cứ vào trích đo địa chính khu đất số 2875/TCĐC được đo vẽ ngày 28/5/2012 có xác nhận của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kiên Lương ngày 31/5/2012 với diện tích của chùa hiện nay là 1.546,7m2 để làm cơ sở xét xử vì trong bản vẽ trên đã có số liệu kích thước đầy đủ nên không cần thiết phải đo vẽ thẩm định đất gì nữa.

Bên bị đơn không đồng ý cho Tòa án tiến hành đo đạc phần đất mà gia đình ông hiện đang sử dụng vì trong quá trình Tòa án thụ lý giải quyết vụ án, giữa ông và chùa có thỏa thuận vào ngày 22/3/2016 được Tòa án Tòa án đã lập biên bản ghi nhận, bên ông N đã thực hiện xong thỏa thuận đó vì vậy không đồng ý cho tiến hành đo đạc thẩm định nữa.

Trên cơ sở ý kiến và yêu cầu của nguyên đơn, ngày 20/3/2018 Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương có công văn số 54/CV-TA gửi UBND huyện Kiên Lương để xác định phần trích đo trên có diện tích bao nhiêu m2 đất đã được cấp giấy CNQSDĐ chưa? Và phía chùa có đơn xin công nhận quyền sử dụng đất không? Phần đất theo trích đo ngày 31/5/2012 có bao gồm luôn phần đất của ông Hàng Thành N đang sử dụng? Ngày 18/5/2018 UBND huyện Kiên Lương có công văn số 145/UBND-TNMT trả lời Tòa án với nội dung như sau:

“ Theo rà soát các tài liệu có liên quan, khu vực đất tranh chấp nêu trên chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Mặt khác thửa đất tranh chấp chưa tổ chức thực hiện đo đạc kiểm tra thực địa nên UBND huyện Kiên Lương chưa thể trả lời cụ thể các vấn đề liên quan theo yêu cầu của Tòa tại công văn số 54/CV-TA ngày 20/3/2018.

Đề nghị Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương tổ chức đo đạc thực địa khu đất, khi nào có kết quả UBND huyện Kiên Lương sẽ có ý kiến cụ thể đối với vụ việc tranh chấp này” Trên cơ sở ý kiến của UBND huyện Kiên Lương ngày 14/6/2018 Tòa án tiến hành tổ chức đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ lần 3 nhưng nguyên đơn và bị đơn vẫn không cho tiến hành đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá, với lý do đưa ra như lần 2.

Ngày 07/8/2018 Tòa án lập biên bản hòa giải và tiếp tục động viên giải thích việc tiến hành đo đạc thẩm định tại chỗ đối với phần đất của bên nguyên đơn và bị đơn đang sử dụng để biết diện tích thực tế mỗi bên đang sử dụng bao nhiêu m2 để làm căn cứ xét xử, nhưng các đương sự đều cương quyết không đồng ý để Tòa án tiến hành đo đạc thẩm định, định giá và đề nghị Tòa án căn cứ vào các tài liệu chứng cứ mà các bên đã nộp để đưa vụ kiện ra xét xử.

Hội đồng xét xử thấy rằng nguyên đơn khởi kiện và có đơn yêu cầu đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ, định giá tài sản và đã đóng chi phí theo quy định nhưng không cho Tòa án tiến hành đo đạc thẩm định đối với phần đất mình đang quản lý sử dụng do đó không biết hiện tại nguyên đơn đang sử dụng bao nhiêu m2 đất? Và hiện nay cũng không thể biết được diện tích 88m2 nguyên đơn đang khởi kiện nằm trong hay ngoài phần diện tích đất 1.546,7m2? Việc nguyên đơn có yêu cầu thu thập tài liệu chứng cứ thông qua biện pháp xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nhưng không cho tòa án tiến hành thực hiện các biện pháp trên được xem là từ chối cung cấp tài liệu chứng cứ để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, không thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của đương sự theo quy định tại điểm 5 và điểm 7 điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Do Tòa án không thể thực hiện các biện pháp thu thập tài liệu chứng cứ theo điểm d và đ khoản 2 điều 97 và điều 101, điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 được nên không biết được diện tích cụ thể mỗi bên đương sự đang sử dụng là bao nhiêu m2 để tìm ra sự thật khách quan của vụ án.

Theo khoản 1 và khỏan 4 điều 91 bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh như sau.

“1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp …” 4.“Đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh mà không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì Tòa án giải quyết vụ việc dân sự theo những chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ việc”.

Trong khi đó Chùa ông B không cung cấp được bất kỳ một chứng cứ nào thể hiện ông Hàng Văn B là cha anh N mượn 88m2 đất (ngang 5,5m, dài 16m) của chùa. Riêng tờ cam kết ngày 20/6/1997 của ông Hàng Văn B không có nội dung nào thể hiện việc ông B sử dụng phần đất trên là mượn đất của chùa do đó Tòa án không đủ chứng cứ để xét xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

[3] Về nội dung: Mặc dù phía bị đơn không có chứng cứ xác định việc đất này được Hợp tác xã B hóa giá từ năm 1976- 1977 nhưng thực tế đất này gia đình ông B sử dụng ổn định từ trước đến nay được thể hiện ở đơn xin phép cất nhà ngày 21/10/1988 của ông B gửi Ủy ban nhân dân xã B. Hơn nữa trong tờ cam kết ngày 20/6/1997 của ông Hàng Văn B chỉ thể hiện là gia đình ông B được Ban quản trị chùa ông B ấp H cho cất nhà sát hàng rào của chùa để làm ăn sinh sống và cam kết không lấn chiếm sang đất của chùa theo sơ đồ quy định gốc rào phía Tây cách bờ rào của chùa là 0,5m, cách cổng chùa 6,53m đảm bảo cảnh quan của chùa. Việc ông B làm tờ cam kết này trước chính quyền địa phương và ban quản trị chùa ông B là không lấn sang đất của chùa chứ không có nội dung nào thể hiện ông Hàng Văn B có mượn đất của chùa với diện tích như phía nguyên đơn trình bày. Nếu là đất của chùa thì tại sao khi ông N xây dựng nhà kiên cố vào năm 2010 trên toàn bộ phần đất trên không gặp bất kỳ sự phản đối nào từ phía chùa? Trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa hôm nay nguyên đơn cũng không đưa ra được bất kỳ một chứng cứ nào thể hiện việc ông B mượn 88m2 đất của chùa.

Từ những cơ sở trên Tòa án không có đủ căn cứ xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Xét quan điểm của luật sư Phạm Anh V là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn là không có cơ sở bởi vì không có bất kỳ một chứng cứ nào thể hiện việc ông B mượn đất của chùa 88m2, phần đất này ông B và anh N đã sử dụng ổn định và cất nhà kiên cố từ trước đến nay không gặp bất kỳ sự phản đối nào từ phía chùa. Hơn nữa Tòa án đã tiến hành đo đạc xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản nhiều lần nhưng nguyên đơn nhiều lần ngăn cản, mặc dù Tòa án đã giải thích nhưng nguyên đơn vẫn không cho nên không thể tiến hành đo đạc thẩm định tại chỗ được do đó hội đồng xét xử không có căn cứ chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Đối với bản vẽ số 2875/TCĐC ngày 28/5/2012 có xác nhận của văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Kiên Lương ngày 31/5/2012 thì phía luật sư và chùa cho rằng diện tích của chùa hiện nay là 1.546,7m2, Hội Đồng Xét Xử thấy rằng phần diện tích trên nếu đủ căn cứ và không có ai tranh chấp thì chùa cứ làm thủ tục xin cấp giấy CNQSDĐ phần diện tích đất trên theo quy định.

Xét quan điểm của vị đại diện Viện Kiểm Sát nhân dân huyện Kiên Lương là có cơ sở nên hội đồng xét xử chấp nhận.

[4] Về án phí: Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quy định.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 9 Điều 26 và điều 35 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ điểm 5 và điểm 7 điều 70 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

Căn cứ khoản 1 và khỏan 4 điều 91 Bộ Luật Tố Tụng Dân Sự năm 2015 về nghĩa vụ chứng minh.

Căn cứ vào điểm d và đ khoản 2 điều 97 và điều 101, điều 104 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015

1./ Tuyên xử: Bác yêu cầu khởi kiện của Chùa Ông B .

2. Về án phí: Căn cứ vào điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016.

Căn cứ điều 27 và mục 3 phần I danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án của Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Buộc Chùa ông B phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm nhưng được đối trừ số tiền tạm ứng án phí đã nộp trước là 200.000đ theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 06404 ngày 10/11/2015 của chi cục thi hành án dân sự huyện Kiên Lương (đã thực hiện xong).

Về phí: Trả lại cho Chùa Ông B số tiền tạm ứng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 7.000.000đ (Bảy triệu đồng) mà ông Lâm Hồng H đã nộp vào ngày 15/8/2017, nộp vào tài khoản số 7712201000111 của Tòa án nhân dân huyện Kiên Lương tại Ngân hàng nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam chi nhánh ba Hòn huyện Kiên Lương tỉnh Kiên Giang.

3. Quyền kháng cáo: Các bên đương sự được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7a, b và 9 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.Thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2014.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

518
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 120/2018/DS-ST ngày 13/09/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:120/2018/DS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Kiên Lương - Kiên Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 13/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về