Bản án 1134/2020/HNGĐ-ST ngày 10/09/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN GÒ VẤP, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1134/2020/HNGĐ-ST NGÀY 10/09/2020 VỀ TRANH CHẤP THAY ĐỔI NGƯỜI TRỰC TIẾP NUÔI CON SAU KHI LY HÔN

Ngày 10 tháng 9 năm 2020 tại Phòng xử án của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số 108/2020/TLST-HNGĐ ngày 10/02/2020 về tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 273/2020/QĐXXST-HNGĐ ngày 20 tháng 9 năm 2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông P, sinh năm 1984; Cư trú tại: Số 123/1 đường LL, Phường W, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; (có mặt).

Bị đơn: Bà N, sinh năm 1984; Cư trú tại: Phòng số 301 địa chỉ 565 đường ĐL, Phường F, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh; (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự:

Luật sư TA – Văn phòng luật sư VH và Cộng sự bảo vệ quyền và lợi ích của bà N; (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện ngày 09/02/2020, và trong quá trình giải quyết vụ án, ông P trình bày: Ông và bà N kết hôn và chung sống với nhau năm 2007. Quá trình chung sống, ông và bà N có 02 con chung là trẻ NK, sinh ngày 21/9/2008 và trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012. Tại Quyết định công nhận thuận tình ly hôn số 1073/2019/QĐST-HNGĐ ngày 22/8/2019, ông bà thỏa thuận giao 02 con chung là trẻ NK và GK cho bà N trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục, ông cấp dưỡng nuôi 02 con chung số tiền 10.000.000 đồng/tháng. Sau khi ly hôn với bà N, công việc của ông gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, bản thân vẫn phải sống nương nhờ cha mẹ nên ông không có khả năng cấp dưỡng nuôi con, từ đó bà Ngân đã có hành động ngăn cản không cho ông được thăm non, chăm sóc con chung. Vì vậy, ông đề nghị Tòa án nhân dân quận Gò Vấp xem xét cho ông được trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012, bà N sẽ trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ NK, sinh ngày 21/9/2008, không ai phải cấp dưỡng nuôi con.

Thu nhập hiện nay của tôi hiện nay khoảng 06 triệu đồng/tháng từ việc bán quán tại nhà cha mẹ. Do việc buôn bán tại nhà nên không có tài liệu cung cấp cho Tòa án. Ngoài ra nguyên đơn không trình bày thêm ý kiến gì. Trường hợp Tòa án giao trẻ GK cho ông trực tiếp nuôi dưỡng, ông không yêu cầu bà N phải cấp dưỡng nuôi con, trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của ông, ông không yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con trong vụ án này, ông sẽ yêu cầu thay đổi mức câp dưỡng nuôi con trong thời điểm thích hợp.

Bà N trình bày: Bị đơn không đồng ý với yêu cầu của nguyên đơn về việc nguyên đơn yêu cầu trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012. Bà N trình bày từ khi ly hôn đến nay, ông P không hề thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, bà đã nhiều lần trực tiếp đến gặp ông P để nhắc nhở về nghĩa vụ này nhưng ông P không cấp dưỡng nuôi con mặc dù ông P và gia đình đều biết tiền cấp dưỡng là để dùng cho học tập và sinh hoạt của trẻ, việc ông P không cấp dưỡng nuôi con kể từ thời điểm ly hôn đến nay gây cho bà nhiều khó khăn khi phải một mình nuôi con nhưng bà vẫn cố gắng để chăm sóc các con cho tốt. Bà N cho rằng, hiện nay trẻ GK và trẻ NK vẫn sống cùng với nhau, phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, các cháu đã sống cùng với nhau từ nhỏ và yêu thương nhau, việc tách rời các cháu ra sẽ làm ảnh hưởng đến tình cảm và tâm lý của trẻ khi trẻ đã thiệt thòi khi không được chung sống cùng với cả cha và mẹ. Bản thân 02 trẻ trong buổi làm việc tại Tòa án cũng thể hiện nguyện vọng được sống chung với mẹ. Những lời khai của ông P về việc bà ngăn cản không cho ông P thăm nom và chăm sóc con là không đúng, ông P đến thăm con nhưng không thông báo cho bà biết vì vậy bà không sắp xếp thời gian được. Bà N cho rằng việc ông P muốn thăm con bà N không hề ngăn cản mà còn muốn các con cảm nhận được tình cảm của cha nhưng khi ông Phi muốn thăm con ông phải hỏi ý kiến của bà vì hiện nay bà là người đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục 02 con chung.

Công việc hiện tại của bà N là nhân viên của siêu thị Coop mart. Tổng thu thập hiện nay là 5.200.000 đồng/tháng. Ngoài ra, bà N còn căn nhà tại số 170/11/20 (số mới là 318/11/24) đường Thống Nhất, Phường 16, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh cho thuê là 7.000.000 đồng/tháng, căn nhà này là tài sản cha mẹ bà cho bà và được cập nhật sang tên bà từ ngày 09/8/2018 tại Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận Gò Vấp.

Tại phiên tòa hôm nay ông P bổ sung yêu cầu trong trường hợp tòa án không chấp yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con của ông, ông yêu cầu Tòa án xem xét giảm tiền cấp dưỡng nuôi con từ 10.000.000 (mười triệu) đồng/tháng xuống 4.000.000 (bốn triệu) đồng/tháng.

Bà N vẫn giữ nguyên ý kiến như trên, đối với yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con của ông Phi tại phiên tòa, bà N không đồng ý giải quyết trong vụ án này.

Luật sư TA trình bày: Bà TA cho rằng phía nguyên đơn không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con thể hiện ông P là người không có trách nhiệm trong nuôi dưỡng, chăm sóc con, vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, không xem xét yêu cầu khởi kiện bổ sung của nguyên đơn tại phiên tòa.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp phát biểu ý kiến:

1/ Về tố tụng: Thẩm phán được phân công thụ lý giải quyết vụ án đã thực hiện đầy đủ quy định của Bộ luật tố tụng dân dự. Hội đồng xét xử, thư ký đã tuân theo đúng các quy định tại Bộ luật tố tụng dân sự về việc xét xử sơ thẩm vụ án. Nguyên đơn, bị đơn đã thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ tố tụng theo quy định của pháp luật.

2/ Về nội dụng: Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp cho rằng trẻ GK đang sống cùng mẹ, trẻ phát triển tốt, ngoan và học tập tốt. Xét về điều kiện kinh tế thì bà N có thu nhập ổn định và tốt hơn ông P. Bà N không đồng ý giao trẻ GK cho ông P trực tiếp nuôi dưỡng. Trẻ GK cũng có nguyện vọng muốn ở cùng mẹ. Để đảm bảo cho sự phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cũng như đảm bảo sự ổn định để trẻ học tập, sinh hoạt thì yêu cầu cùa ông P không có cơ sở để chấp nhận.

Đối với yêu cầu của ông P yêu cầu giảm mức cấp dưỡng xuống 4.000.000 đồng/tháng cho 02 con. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án ông P không trình bày yêu cầu của mình. Căn cứ Điều 244 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 thì yêu cầu này vượt quá yêu cầu khởi kiện ban đầu do đó không xem xét.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định:

1. Về quan hệ tranh chấp và thẩm quyền giải quyết vụ án:

Quan hệ giải quyết trong vụ án giữa ông P và bà N được xác định là “Tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn”. Căn cứ Khoản 3 Điều 28, điểm a Khoản 1 Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015, vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh.

2. Về nội dung:

Xét yêu cầu của ông P muốn thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012. Hội đồng xét xử NHẬN THẤY

Quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ông P xác nhận lý do chính ông Phi thay đổi người trực tiếp nuôi con vì thời điểm hiện nay công việc của ông gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, bản thân vẫn phải sống nương nhờ cha mẹ nên không có khả năng cấp dưỡng nuôi con, từ đó bà N đã có hành động ngăn cản không cho ông được thăm non, chăm sóc con chung. Tòa án nhân dân quận Gò Vấp đã gửi phiếu yêu cầu xác minh ngày 14/7/2020 yêu cầu Hội phụ nữ Phường 16, quận Gò Vấp nơi trẻ GK và NK đang sinh sống cùng bà N về nội dung ông P trình bày việc bà N có hành động ngăn cản không cho ông được thăm nom, chăm sóc con chung, tại kết quả trả lời xác minh ngày 18/8/2020 của Hội liên hiệp phụ nữ Phường X, quận G, Thành phố Hồ Chí Minh thể hiện nội dung “chưa ghi nhận đơn thư phản án về sự việc trên”.

Tại khoản 2 Điều 84 Luật hôn nhân gia đình quy định:

“2. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con:

b) Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con”.

3. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên…” Tại biên bản làm việc ngày 10/7/2020 tại Trường tiểu học Nguyễn Thượng Hiền; địa chỉ số 76 đường TH, Phường Z, quận G là nơi trẻ GK đang theo học thể hiện trẻ GK ngoan ngoãn, có thành tích học tập tốt và luôn được sự quan tâm của mẹ là bà N. Tại biên bản ghi nhận ngày 07/5/2020 tại Tòa án nhân dân quận Gò Vấp, trẻ NK và trẻ GK đều có nguyện vọng được ở với mẹ là N.

Nội dung đơn khởi kiện và quá trình làm việc tại Tòa án, ông P xác nhận hiện nay công việc của ông gặp nhiều khó khăn, thu nhập bấp bênh, bản thân phải sống nương nhờ cha mẹ, từ khi ly hôn đến nay ông chưa thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con.

Xét điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của bà N, Hội đồng xét xử nhận thấy: Bà N có công việc và thu nhập ổn định, từ thời điểm sống ly hôn cho đến nay bà N vẫn là người trực tiếp nuôi dưỡng hai con, cuộc sống của các con vẫn tốt. Mặt khác việc nuôi con trẻ ở những năm đầu đời thì sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi của người mẹ là hết sức cần thiết, nó không chỉ đáp ứng nhu cầu về sinh hoạt, đời sống mà còn bảo đảm cho trẻ phát triển bình thường về tình cảm, tâm sinh lý. Trẻ NK và GK từ khi sinh ra đã cùng được mẹ chăm sóc, lớn lên bên nhau cùng gắn bó, yêu thương nhau nếu chia tách sẽ làm hụt hẫng, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm sinh lý của hai cháu.

Từ những cơ sở phân tích trên, Hội đồng xét xử nhận thấy việc giao trẻ GK cho bà N tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục là phù hợp với quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 81, Khoản 2, Khoản 3 Điều 84 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 cùng như lời đề nghị của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân quận Gò Vấp tại phiên tòa, không chấp nhận yêu cầu xin thay đổi người trực tiếp nuôi trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012 của ông P.

Về nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con: Quá trình giải quyết vụ án, ông P và bà N không yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con, tại phiên tòa, ông P bổ sung yêu cầu xin giảm mức cấp dưỡng nuôi con chung từ 10.000.000 (mười triệu) đồng/tháng xuống 4.000.000 (bốn triệu) đồng/tháng trong trường hợp Tòa án không chấp nhận yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn của ông. Xét thấy trong quá trình làm việc tại Tòa án ông P không yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con trong vụ án này, vì vậy Hội đồng xét xử không xem xét giải quyết. Ông P có quyền khởi kiện yêu cầu thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con trong vụ án khác.

3. Về án phí: Ông P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 (ba trăm ngàn) đồng nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0025568 ngày 10 tháng 02 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông P đã nộp đủ án phí.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào các Điều 5, Khoản 3 Điều 28, điểm a khoản 1 Điều 35, Điều 39, Khoản 1 Điều 147, Điều 220, Khoản 2 điều 227, Điều 235, Điều 271, Điều 273 và Điều 278 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015:

Căn cứ vào Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:

Căn cứ Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án:

Tuyên xử:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc thay đổi người trực tiếp nuôi dưỡng trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012.

2. Tiếp tục giao 02 trẻ là NK, sinh ngày 21/9/2008 và trẻ GK, sinh ngày 10/10/2012 cho bà N trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục.

Ông P có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở. Trường hợp lạm dụng việc thăm nom con để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm con của người không trực tiếp nuôi con.

Trên cơ sở lợi ích của con, theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức thì Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng nuôi con có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

3. Về án phí: Ông P phải chịu án phí dân sự sơ thẩm là 300.000 (ba trăm ngàn) đồng nhưng được cấn trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0025568 ngày 10 tháng 02 năm 2020 của Chi cục thi hành án dân sự quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh. Ông P đã nộp đủ án phí.

Trường hợp Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014) thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014); thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự (sửa đổi bổ sung năm 2014).

4. Về quyền kháng cáo: Ông P, bà N được quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

180
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 1134/2020/HNGĐ-ST ngày 10/09/2020 về tranh chấp thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn

Số hiệu:1134/2020/HNGĐ-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Quận Gò Vấp - Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 10/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về