Bản án 113/2017/HSST ngày 21/11/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN EA H’LEO, TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 113/2017/HSST NGÀY 21/11/2017 VỀ TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

Ngày 21 tháng 11 năm 2017, tại Phòng xử án - Tòa án nhân dân huyện Ea H’leo mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 111/2017/HSST, ngày 02 tháng 11 năm 2017 đối với bị cáo: Họ và tên: Lê Văn Đ; Sinh ngày: 01/01/1967, tại: Tỉnh P; Nơi đăng ký HKTT và chỗ ở hiện nay: Thôn 1, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Trình độ học vấn: 9/12; Nghề nghiệp: Buôn bán; Con ông: Lê Thanh Đ1 (Đã chết); Con bà: Nguyễn Thị Â; Có vợ: Nguyễn Thị Hồng H; có 03 người con, con lớn nhất sinh năm 1990, con nhỏ nhất sinh năm 2002; Tiền án, tiền sự: Không; Bị cáo bị áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú kể từ ngày 23/8/2017; Có mặt.

2. Nguyên đơn dân sự: Sở lao động thương binh - xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Người đại diện theo ủy quyền: ông Lê Hải L - Trưởng phòng người có công; Có đơn yêu cầu xét xử văng mặt.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Nguyễn Đình H1; sinh năm: 1971; địa chỉ: Thôn 2, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.

Nguyễn Thị Ngọc K; sinh năm: 1962; địa chỉ: Thôn 7, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

Trần Ngọc B, sinh năm: 1964; địa chỉ: Thôn 1, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.

Nguyễn Văn S, sinh năm: 1960; địa chỉ: Thôn 2, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

Y G Niê, sinh năm: 1972; địa chỉ: Buôn TS, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

Võ Quốc Tr, sinh năm: 1958; địa chỉ: Thôn 1, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.

Lê Văn T, sinh năm: 1958; địa chỉ: Thôn 3, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.

4. Người làm chứng.

Nguyễn Ngọc P, sinh năm: 1963; địa chỉ: Thôn ĐT, xã N, thị xã N1, tỉnh Khánh Hòa; Vắng mặt.

Nguyễn Th, sinh năm: 1965; địa chỉ: thôn PĐ, xã N, thị xã N1, tỉnh Phú Yên; Vắng mặt.

Lê Thanh H2, sinh năm: 1960; địa chỉ: Khu phố TS, thị trấn C, huyện S, tỉnh Phú Yên; Vắng mặt.

Nguyễn Văn H3, sinh năm: 1964; địa chỉ: 05/01 NH, phường 2, Thành phố T, tỉnh Phú Yên; Vắng mặt.

Nguyễn Thị Hồng H, sinh năm: 1972; địa chỉ: Thôn 1, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Có mặt.

Hoàng Văn D, sinh năm: 1968; địa chỉ: Thôn 2, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk; Vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào tháng 2 năm 1985, Lê Văn Đ tham gia quân đội nhân dân Việt Nam và được huấn luyện tại Tiểu đoàn 47, đóng quân tại ĐT, huyện TH, tỉnh Phú Yên. Đến tháng 5/1985, sau khi huấn luyện xong, Đ được điều đi học y tá tại ĐN 7705, MT 479. Đến tháng 12 năm 1985, Đ học xong lớp trung cấp y tá và được điều đến công tác tại Đ 2, TĐ53, ĐN 7705 đóng tại X- C. Năm 1986, Lê Văn Đ bị thương tại PTB - C và được chuyển đến điều trị tại trạm xá ĐN 7705. Sau khi điều trị xong thì Đ được cấp giấy ra viện. Năm 1988, Đ được phục viên trở về địa phương sinh sống. Sau đó Đ làm thất lạc giấy ra viện.

Vào khoảng tháng 8 năm 2010, Đ ngồi uống cà phê với ông Hoàng Văn D tại thôn 2, xã E1, huyện Ea H’Leo thì Đ đề cập đến việc Đ đã từng đi bộ đội và bị thương và muốn làm hồ sơ thương binh nên D nói với Đ có ông H1 (không rõ tên, và địa chỉ) có thể làm hồ sơ thương binh. Cùng lúc đó, ông H1 đến nên Đ hỏi H1 về cách làm hồ sơ thương binh thì H1 hẹn mấy ngày sau đến nhà Đ xem các giấy tờ có liên quan. Khoảng 2 ngày sau, H1 đến nhà Đ tại thôn 2, xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk. Tại đây, Đ cho H1 xem Quyết định phục viên và các giấy tờ liên quan đến việc đi bộ đội của Đ rồi Đ nói với H1 trong quá trình đi bộ đội có bị thương và được cấp giấy ra viện nhưng hiện nay đã làm thất lạc. Sau đó, Đ nói với H1 về các vết thương trên người khi đi bộ đội thì H1 nói với Đ là sẽ làm giấy chứng nhận bị thương để làm hồ sơ thương binh. Khoảng vài tháng sau, H1 đến đưa cho Đ 01 giấy chứng nhận bị thương mang tên Lê Văn Đ và các thông tin trên giấy chứng nhận đúng với nhưng thông tin Đ cung cấp cho H1. Khi Đ nhận giấy chứng nhận bị thương thì Đ biết chắc chắn đó là giả vì khi Đ bị thương và xuất viện thì không có giấy chứng nhận bị thương mà chỉ có giấy xuất viện. Nhưng vì muốn nhận tiền trợ cấp nên Đ dùng giấy chứng nhận bị thương giả trên để thiết lập hồ sơ thương binh. Sau khi làm xong hồ sơ, Đ đưa toàn bộ hồ sơ cho H1. Đến năm 2012 và năm 2013, Đ được đi giám định thương tật 2 lần tại Bệnh xá quân –dân y 48 thuộc Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk. Tại biên bản giám định thương tật số 19.298/GĐYK ngày 24/4/2013, kết luận Lê Văn Đ tỷ lệ suy giảm khả năng lao động là 33% vĩnh viễn. Đến ngày 25/05/2013 Bộ tư lệnh Quân khu 5 quyết định về việc cấp giấy chứng nhận thương binh và trợ cấp thương binh cho Lê Văn Đ. Từ tháng 5 năm 2013 đến tháng 2 năm 2015, Đ đã nhận được trợ cấp từ hồ sơ thương binh giả với tổng số tiền là 47.606.000 đồng. Đến ngày 13/3/2015 Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định số 149/QĐ-SLĐTBXH, về việc tạm đình chỉ trợ cấp hàng tháng chế độ thương binh đối với Lê Văn Đ, vì lý do có dấu hiệu làm giả hồ sơ để hưởng chế độ thương binh, thời gian tạm đình chỉ chế độ ưu đãi kể từ ngày 01/3/2015.

Tại Công văn số: 791/BTM-PQL ngày 05/02/2015, của Bộ Tham mưu – Quân khu 7 khẳng định: Đối với giấy chứng nhận bị thương số 185/CNBT ngày 10/5/1986 của Đoàn 7705/MT479/QK7 cấp cho đồng chí Lê Văn Đ, chưa tìm thấy thông tin gì liên quan đến cấp giấy chứng nhận bị thương của đồng chí Lê Văn Đ.

Tại Công văn số: 380/BTM-PQL ngày 20/01/2017, về nhân sự Đoàn 7705 vào thời điểm năm 1986 đến năm 1988, không có ai tên Phạm Khắc M, cấp bậc trung tá tại Đoàn 7705/MT479/QK7. Trong khi, tại Giấy chứng nhận thương binh số 185/CNBT của Lê Văn Đ người cấp là Trung tá Phạm Khắc M. Do đó, giấy chứng nhận bị thương của Lê Văn Đ dùng để thiết lập hồ sơ thương binh là giấy tờ giả.

Tại bản kết luận giám định số: 436/PC45 ngày 16 tháng 8 năm 2017, của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Hình tròn có nội dung “QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM « ĐOÀN 7705«” trong tài liệu gửi đi giám định được tạo ra bằng phương pháp kẻ, vẽ.

Trong quá trình điều tra Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã thu giữ gồm: Một tập hồ sơ thương binh mang tên Lê Văn Đ gồm 20 tờ; 01 giấy chứng nhận thương binh mang tên Lê Văn Đ số: 108843/GCNBT do Thiếu tướng Lê Anh T2 ký ngày 25/5/2013, đây là tài liệu, chứng cứ của vụ án.

Trong quá trình điều tra, Lê Văn Đ cho rằng Nguyễn Đình H1 là người lầm giấy chứng nhận bị thương giả cho Đ. Nhưng qua lấy lời khai và đối chất H1 khẳng định không quen biết và không làm giấy chứng nhận bị thương cho Đ.

Trong quá trình điều tra, Lê Văn Đ tự nguyện trả lại số tiền 47.606.000 đồng mà bị cáo đã chiếm đoạt của nhà nước.

Tại bản Cáo trạng số 115/KSĐT-HS, ngày 01 tháng 11 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ea H’leo truy tố để xét xử đối với bị cáo Lê Văn Đ về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự. Đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử:

Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 139, các điểm b, h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46, khoản 1 và khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo từ 12 tháng đến 15 tháng tù, nhưng cho hưởng án treo.

Thời gian thử thách bằng hai lần mức án tuyên.

- Về xử lý vật chứng: Áp dụng khoản 2 Điều 41 Bộ luật hình sự; Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Đề nghị Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đăk Lăk chuyển số tiền 20.000.000 đồng cho Sở lao động thương binh - xã hội tỉnh Đắk Lắk để trả về Ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật. Đề nghị HĐXX tuyên trả 01 giấy chứng nhận phục viên mang tên Lê Văn Đ vì đây là những giấy tờ cá nhân của Đ.

- Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự và Điều 589 Bộ luật dân sự: chấp nhận việc Lê Văn Đ đã tự nguyện giao trả số tiền 47.606.000 đồng cho Sở Lao động – Thương Binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Tại phiên tòa, bị cáo không có ý kiến gì về quyết định truy tố của Viện kiểm sát và cũng không tranh luận gì với đại diện Viện kiểm sát.

Bị cáo trình bày lời nói sau cùng: Bị cáo xin Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

 [1] Về nội dung: Lời khai của bị cáo tại phiên tòa, về cơ bản phù hợp với lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của những người tham gia tố tụng khác, cũng như các tài liệu, chứng cứ khác được Cơ quan điều tra thu thập lưu tại hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ cơ sở để kết luận:

Vì mục đích tư lợi cá nhân, muốn chiếm đoạt trái phép tài sản của Nhà nước nên vào năm 2010, Lê Văn Đ đã có hành vi gian dối làm giả hồ sơ thương binh để hưởng chế độ phụ cấp của Nhà nước. Trong khoảng thời gian từ tháng 5 năm 2013 đến tháng 02 năm 2015, Lê Văn Đ đã chiếm đoạt tiền chế độ thương binh của Nhà nước tổng cộng 47.606.000 đồng.

Tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự quy định:

 “Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tại không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.”

Như vậy, bằng thủ đoạn gian dối làm giả hồ sơ nhằm mục đích chiếm đoạt tiền chế độ chính sách của Nhà nước hành vi của bị cáo đã có đủ yếu tố cấu thành tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” được qui định tại khoản 1 Điều 139 Bộ luật Hình sự.

Lời luận tội của đại diện viện kiểm sát tại phiên tòa đối với bị cáo là có căn cứ pháp luật, nên cần chấp nhận.

Xét hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, không những trực tiếp xâm phạm đến tài sản của Nhà nước mà còn gây ảnh hưởng đến trật tự quản lý của cơ quan Hành chính Nhà nước, xâm hại đến chính sách của Nhà nước đối với người có công, tạo nên sự nghi ngờ và sự bất công trong xã hội, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, gây tác hại xấu đối với xã hội. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy cần xử phạt nghiêm nhằm tác dụng trừng trị đồng thời giáo dục bị cáo thành công dân sống biết tôn trọng pháp luật. Ngoài ra, còn để răn đe, phòng ngừa chung trong xã hội.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo đã tự nguyện bồi thường toàn bộ số tiền đã chiếm đoạt; bị cáo phạm tội gây thiệt hại không lớn; bị cáo phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng; bị cáo có nhân thân tốt, không có tiền án, tiền sự và có nơi cư trú rõ ràng; bị cáo có thời gian tham gia quân đội. Do đó, cần cho bị cáo hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định tại điểm b, g, h, p khoản 1 và khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự để thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử xét thấy không cần thiết phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội, mà cho bị cáo được hưởng án treo, để bị cáo tự rèn luyện mình dưới sự giám sát của gia đình và chính quyền địa phương cũng đủ tác dụng trừng trị, răn đe đối với bị cáo.

Đối với Nguyễn Đình H1, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành làm việc và tiến hành đối chất giữa Lê Văn Đ và Nguyễn Đình H1 nhưng H1 không thừa nhận làm giấy chứng nhận bị thương cho Đ nên không có căn cứ để xử lý.

 [2] Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Cần trả 01 giấy chứng nhận phục viên mang tên Lê Văn Đ vì đây là những giấy tờ cá nhân của Đ.

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự và Điều 589 Bộ luật dân sự: cần chấp nhận việc Lê Văn Đ đã tự nguyện giao trả số tiền 47.606.000 đồng cho Sở Lao động – Thương Binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk.

 [3] Về án phí: Cần buộc bị cáo phải chịu án phí Hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Bị cáo Lê Văn Đ phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Áp dụng khoản 1 Điều 139, các điểm b, g, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46, khoản 1, khoản 2 Điều 60 Bộ luật Hình sự.

Xử phạt bị cáo Lê Văn Đ 01 (một) năm tù, nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách 02 (hai) năm, thời hạn tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Trong thời gian thử thách, giao bị cáo cho UBND xã E1, huyện E, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo qui định tại Điều 62 Luật thi hành án hình sự.

Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 76 Bộ luật tố tụng hình sự: Trả lại 01 giấy chứng nhận phục viên mang tên Lê Văn Đ (Tòa án đã trả).

Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng khoản 1 Điều 42 Bộ luật Hình sự và Điều 589 Bộ luật dân sự: chấp nhận việc Lê Văn Đ đã tự nguyện giao trả số tiền 47.606.000 đồng cho Sở Lao động – Thương Binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk.

Về án phí: Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30 tháng 12 năm 2016 quy định về mức thu, miễn giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Buộc bị cáo Lê Văn Đ phải chịu 200.000 (Hai trăm nghìn) đồng án phí Hình sự sơ thẩm.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án. Nguyên đơn dân sự Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Lắk, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được bản án hoặc niêm yết bản án hợp lệ.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

331
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 113/2017/HSST ngày 21/11/2017 về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Số hiệu:113/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ea H'leo - Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 21/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về