TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
BẢN ÁN 112/2017/HSPT NGÀY 22/02/2017 VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN
Ngày 22 tháng 02 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số 1103/2016/HSPT ngày 31 tháng 10 năm 2016 đối với bị cáo Hoàng Văn D, do có kháng cáo của ông Hoàng Văn C đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 37/2016/HSST ngày 26 tháng 9 năm 2016 của Tòa án nhân dân huyện P2, thành phố Hà Nội:
Bị cáo:
Hoàng Văn D, sinh năm: 1985; Nơi đăng ký nhân khẩu thường trú: Thôn P, xã P1, huyện P2, thành phố Hà Nội; Nghề nghiệp: Không; Trình độ văn hóa: 9/12; con ông Hoàng Văn C và bà Kiều Thị L; vợ con: chưa có; Danh chỉ bản số 59 lập ngày 19/02/2016 tại Công an huyện P2, thành phố Hà Nội; tiền án, tiền sự: có 01 tiền án về tội Trộm cắp tài sản năm năm 2007, đã xóa; bị tạm giam từ ngày 18/02/2016 đến ngày 17/5/2016, bị cáo tại ngoại, vắng mặt.
NHẬN THẤY
Theo Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện P2, Bản án hình sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện P2, thành phố Hà Nội, vụ án có nội dung như sau:
Khoảng 15h ngày 18/02/2016 D đi đến khu vực cầu Đỗ Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thanh Trì, Hà Nội mục đích lên xe khách để lấy trộm tiền. Lúc này anh Phạm Đăng Q lái xe ô tô khách BKS 35N5-4895 theo hướng Hà Nội- Ninh Bình đến thì D vẫy xe ô tô trên dừng lại. D lên xe ô tô, quan sát thấy hàng ghế thứ tư (tính từ trên xuống bên lái xe) có hai mẹ con là bà Phạm Thị S và chị Điền Thị Thúy H ngồi ở phía trong đang ngủ. Thấy chị H để 01 chiếc túi xách ở giữa ghế thì D liền đến ngồi ở hàng ghế đối diện với chị H. Khi ô tô chạy đến đoạn đường quốc lộ 1 A thuộc địa phận Guột, xã P1, huyện P2, Hà Nội thì D vươn người qua bà S, dùng tay phải mở chốt nam châm miệng túi xách và lấy được số tiền 4.400.00đ cầm ở tay. Thấy vậy, anh Đặng Văn T (phụ xe) tri hô, anh Q lái xe dừng đỗ ô tô lại và D bị lực lượng Công an huyện P2 đến bắt quả tang, thu giữ vật chứng là số tiền D trộm cắp được 4.400.000đ.
Ngày 25/3/2016, Cơ quan điều tra đã trả lại chị Điền Thị Thúy H số tiền 4.400.000đ. Chị H đã nhận lại số tiền này và không có yêu cầu gì về trách nhiệm dân sự.
Trong quá trình điều tra, gia đình Hoàng Văn D cung cấp hồ sơ bệnh án điều trị tâm thần, cơ quan điều tra đã quyết định trưng cầu giám định. Tại bản kết luận giám định tâm thần số 182/KLGĐ ngày 16/6/2016 của Viện giám định pháp y tâm thần trung ương kết luận: «Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định Hoàng Văn D bị bệnh động kinh toàn thể cơn lớn. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về rối loạn tâm thần và hành vi bệnh có mã số G40.6. Tại thời điểm trên Hoàng Văn D đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi».
Tại Bản án sơ thẩm số 37/2016/HSST ngày 26/9/2016 Tòa án nhân dân huyện P2, thành phố Hà Nội đã ¸p dụng khoản 1 Điều 138; điểm n,p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Hoàng Văn D 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, hạn thử thách 16 tháng kể từ ngày tuyên án.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn quyết định về án phí, quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 10 tháng 10 năm 2016, ông Hoàng Văn C (bố đẻ bị cáo) kháng cáo kêu oan cho bị cáo.
Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm:
Đề nghị hoãn phiên tòa do vắng mặt bị cáo và đại diện hợp pháp cho bị cáo. Ngoài ra, sau khi xét xử sơ thẩm, người đại diện hợp pháp cho bị cáo có đơn kêu oan cho bị cáo, do vậy, đề nghị hoãn phiên tòa để xác minh thời gian điều trị tâm thần của bị cáo D sau khi xét xử sơ thẩm.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ và thẩm tra chứng cứ tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ toàn diện ý kiến của Kiểm sát viên, của bị cáo.
XÉT THẤY
Về tố tụng:
Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã nhiều lần triệu tập bị cáo và ông Hoàng Văn C đến tham gia phiên tòa phúc thẩm vào các ngày: 23/11/2016; 08/12/2016; 09/01/2017; 22/02/2017, nhưng các lần báo, bị cáo và ông C đều vắng mặt không lý do hoặc cho rằng bị cáo ốm đang điều trị tâm thần tại bệnh viện nhưng không xuất trình tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh.
Do đó, Tòa án xét xử vụ án theo điểm c khoản 2 Điều 187 Bộ luật tố tụng hình sự.
Về nội dung:
Xét lời khai của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng, phù hợp với Biên bản bắt người phạm tội quả tang, vật chứng và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ, như vậy đủ cơ sở kết luận:
Khoảng 15h ngày 18/02/2016, trên xe ô tô khách BKS 35N5-4895 đi theo hướng Hà Nội-Ninh Bình do anh Phạm Đăng Q điều khiển trên đoạn đường quốc lộ 1 A thuộc địa phận Guột, xã P1, huyện P2, Hà Nội, bị cáo Hoàng Văn D đã mở chốt nam châm miệng túi xách và lấy số tiền 4.400.00đ của chị Điền Thị Thuý H. Thấy vậy, anh Đặng Văn T (phụ xe) tri hô, anh Q lái xe dừng đỗ ô tô lại và D bị lực lượng Công an huyện P2 đến bắt quả tang, thu giữ vật chứng là số tiền D trộm cắp được 4.400.000đ.
Lợi dụng lúc chị H đang ngủ say, bị cáo đã lén lút mở túi xách và lấy của chị H số tiền 4.400.000đ, đây là hành vi trộm cắp, Toà án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội «Trộm cắp tài sản » theo khoản 1 Điều 138 BLHS là có căn cứ, đúng pháp luật.
Xét kháng cáo của ông Hoàng Văn C, Hội đồng xét xử nhận thấy, hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, làm mất trật tự trị an pháp luật, đã xâm phạm tài sản của công dân được pháp luật bảo vệ . Bị cáo do cần tiền tiêu xài cá nhân đã trộm cắp của chị H số tiền 4.400.000đ.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ông Hoàng Văn C (bố đẻ của bị cáo) đã làm đơn kêu oan cho bị cáo với lý do bị cáo bị bệnh động kinh toàn thể cơn lớn, mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, kết luận giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo là không chính xác, bị cáo không phạm tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, lý do kháng cáo của ông C là không có cơ sở. Tại quá trình điều tra, ông C đã xuất trình hồ sơ bệnh án điều trị tâm thần của bị cáo D và được cơ quan điều tra ra Quyết định trưng cầu giám định tâm thần đối với bị cáo. Tại Kết luận giám định pháp y tâm thần số 182/KLGĐ ngày 16/6/206 của Viện pháp y tâm thần trung ương đã kết luận «Trước, trong và sau khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định Hoàng Văn D bị bệnh động kinh toàn thể cơn lớn. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về rối loạn tâm thần và hành vi bệnh có mã số G40.6. Tại thời điểm trên Hoàng Văn D đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi». Như vậy, mặc dù bị cáo Hoàng Văn D bị bệnh động kinh toàn thể cơn lớn, nhưng vẫn có đầy đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, do vậy bị cáo phải chịu về toàn bộ hành vi bị cáo đã thực hiện.
Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét tính chất và mức độ hành vi phạm tội cũng như các tình tiết giảm nhẹ của bị cáo, xử phạt bị cáo D 08 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, hạn thử thách 16 tháng là phù hợp.
Tại cấp phúc thẩm, bị cáo cũng như ông Hoàng Văn C không xuất trình bất cứ tài liệu, chứng cứ nào mới thể hiện bị cáo đang điều trị tâm thần tại bệnh viện, mà chỉ có tài liệu bị cáo điều trị bệnh động kinh, thì theo kết luận giám định tâm thần đã khẳng định về vấn đề này. Do vậy Tòa án không có căn cứ để xác minh như đề nghị của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội.
Không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng Văn C và bị cáo, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Trong vụ án này, Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm như sau:
Trong Kết luận giám định pháp y tâm thần số 182/KLGĐ ngày 16/6/2016 của Viện pháp y Tâm thần Trung ương-Bộ y tế kết luận:
… “Trước, trong, sau khi thực hiện hành vi phạm tội và tại thời điểm giám định Hoàng Văn D bị bệnh động kinh toàn thể cơn lớn. Theo phân loại bệnh quốc tế lần thứ 10 năm 1992 về các rối loạn tâm thần và hành vi bệnh có mã G40.6. Tại các thời điểm trên Hoàng Văn D đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”.
Tại Công văn số 972/VPYTTTƯ ngày 26/9/2016 của Viện pháp y Tâm thần Trung ương-Bộ y tế giải thích kết luận số 182/KLGĐ ngày 16/6/2016 của Viện pháp y Tâm thần Trung ương:
… “Như vậy: Đối tượng Hoàng Văn D có bệnh động kinh toàn thể cơn lớn nhưng chưa có rối loạn tâm thần và biến đổi nhân cách kèm theo, hành vi phạm tội xảy ra ở giai đoạn ngoài cơn động kinh, vì vậy đối tượng đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi”…
Với kết luận của Viện giám định pháp y tâm thần trung ương nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm lại nhận định bị cáo là người có bệnh, bị hạn chế khả năng nhận thức, khả năng điều khiển hành vi, cho bị cáo hưởng tình tiết giảm nhẹ quy định tại điểm n khoản 1 Điều 46 BLHS và xác định bố đẻ bị cáo ông Hoàng Văn C là đại diện hợp pháp cho bị cáo là không đúng với quy định của pháp luật.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 248Bộ luật tố tụng hình sự;
Không chấp nhận kháng cáo của ông Hoàng Văn C, giữ nguyên quyết định của bản án hình sự sơ thẩm số 37/2016/HSST ngày 26/9/2016 của Tòa án nhân dân huyện P2, Hà Nội.
Áp dụng khoản 1 Điều 138; điểm p khoản 1 Điều 46; Điều 60 Bộ luật hình sự; khoản 2 Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí về lệ phí Tòa án.
Xử phạt Hoàng Văn D 08 (tám) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, hạn thử thách 16 tháng kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã P1, huyện P2, thành phố Hà Nội giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.
Bị cáo không phải nộp án phí hình sự phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 112/2017/HSPT ngày 22/02/2017 về tội trộm cắp tài sản
Số hiệu: | 112/2017/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hà Nội |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 22/02/2017 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về