Bản án 11/2020/DS-PT ngày 21/02/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và di dời tài sản trên đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN 

BẢN ÁN 11/2020/DS-PT NGÀY 21/02/2020 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT, TÀI SẢN GẮN LIỀN VỚI ĐẤT VÀ DI DỜI TÀI SẢN TRÊN ĐẤT

Ngày 21 tháng 02 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Lạng Sơn xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 66/2019/TLPT-DS, ngày 17 tháng 12 năm 2019 về việc tranh chấp về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và di dời tài sản trên đất.

Do Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 08/2020/QĐ-PT ngày 22 tháng 01 năm 2020 và Thông báo chuyển ngày xét xử số 02/TB-TA ngày 14 tháng 02 năm 2020, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Bà Đặng Thị P; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Triệu Thị Kim L; cư trú tại: Số 7/7, đường C, khối 5, phường Đ, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Bị đơn: Bà Hoàng Thị N; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Bà Hoàng Thị T; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

Người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị T: Bà Đặng Thị P; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn (Giấy ủy quyền ngày 14/10/2019); có mặt.

2. Ông Nguyễn Văn C;

3. Chị Nguyễn Thị Vân A;

4. Anh Nguyễn Thiên H;

Cùng cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; đều vắng mặt.

Ngưi đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn C, chị Nguyễn Thị Vân A, anh Nguyễn Thiên H: Bà Đặng Thị P; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn (Giấy ủy quyền ngày 16/7/2019); có mặt.

5. Bà Đặng Thị T; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

6. Bà Đặng Thị H; cư trú tại: Thôn T, xã P, thành phố B, tỉnh Bắc Ninh; có mặt.

7. Bà Đặng Thúy L; cư trú tại: Thôn L, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

8. Anh Đặng Văn N; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

9. Chị Đặng Thị L; cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; vắng mặt.

10. Bà Đặng Thị L; cư trú tại: Thôn P, xã H, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt

11. Bà Đặng Thị T; cư trú tại: Tổ 6, khối 5, phường Đ, thành phố L, tỉnh Lạng Sơn; có mặt.

- Người làm chứng:

1. Ông Hoàng Duy T; có mặt

2. Ông Đặng Thanh T; có mặt

3. Bà Phùng Thị H (vợ ông Trần Văn L); có mặt.

4. Ông Trần Văn A; vắng mặt

5. Chị Trần Thị H (con gái bà Chu Thị Y); vắng mặt.

Cùng cư trú tại: Thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn.

- Người kháng cáo: Bà Đặng Thị P là nguyên đơn.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và Bản án dân sự sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Bà Đặng Thị P và bà Hoàng Thị N tranh chấp với nhau quyền quản lý, sử dụng 1.486,3m2 đất thuộc thửa đất số 179 và một phần thửa đất số 189 cùng tờ bản đồ số 104, bản đồ địa chính xã G đo đạc năm 2013, địa danh khu đất Đ, tọa tại thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn; trong đó, thửa đất số 179 có 377,8m2, thửa đất số 189 có 212,8m2 nm trong phạm vi hành lang an toàn giao thông; vị trí đất tranh chấp tiếp giáp các phía như sau: Phía Đông tiếp giáp với đất bà Chu Thị Y; phía Tây tiếp giáp với đất ông Hoàng Duy T; phía Nam tiếp giáp với đất ông Trần Văn L, ông Đặng Thanh T; phía Bắc tiếp giáp với đường giao thông Quốc lộ 4B. Trên đất có 01 cây vối, 02 cây chanh, 01 cây xoài, 08 cây đào, 04 cây chuối đang có quả, 200 cây chuối mới trồng, 01 cây bạch đàn, 09 cây xoan, 05 cây ổi, 05 cây mận, 01 cây táo, 01 cây khế, 01 cây đu đủ, 01 bụi tre, 03 cây nhãn, 01 cây quýt.

Theo nguyên đơn bà Đặng Thị P trình bày: Bố mẹ bà là cụ Đặng Văn Ư (đã chết năm 2003) và cụ Hoàng Thị T có tất cả 07 người con gồm: Đặng Thị T, Đặng Thị L, Đặng Thị T, Đặng Văn L (đã chết); Đặng Văn M (đã chết), Đặng Thị H, Đặng Thị P. Năm 1989, bố mẹ bà chia tài sản cho 02 người con trai là anh Đặng Văn L và Đặng Văn M, khi đó bà Đặng Thị P chưa đi lấy chồng nên cũng được bố mẹ chia đất. Nguồn gốc diện tích đất tranh chấp là của bố mẹ bà chia cho bà từ năm 1989, khi chị có lập bằng văn bản nhưng bà đã làm thất lạc. Đến năm 1992 bà mua với bà Hoàng Thị D gần 01 sào ruộng liền kề với phần đất được bố mẹ cho. Đến tháng 5 năm 1992, bà chuyển ra xã M, thị xã L (nay là thành phố L) sinh sống. Do không có nhu cầu sử dụng đất nữa nên bà đã để cho vợ chồng ông Đặng Văn M và bà Hoàng Thị N quản lý sử dụng toàn bộ diện tích đất nói trên. Đến năm 1995, bà xác định cho hẳn vợ chồng ông Đặng Văn M số đất đó với điều kiện vợ chồng ông Đặng Văn M, bà Hoàng Thị N phải phụng dưỡng, cư xử tốt với bố mẹ, không được tranh chấp đất đai với anh em trong gia đình. Nhưng năm 1998 vợ chồng ông Đặng Văn M và bà Hoàng Thị N vi phạm các điều kiện phụng dưỡng bố mẹ, không cấp dưỡng nuôi cụ Hoàng Thị T. Vì vậy, bà Đặng Thị P yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Hoàng Thị N phải trả lại toàn bộ diện tích đất tranh chấp và công nhận quyền quản lý, sử dụng của bà. Bà Đặng Thị P thừa nhận trên đất tranh chấp có cây vối, cây xoan là cây mọc tự nhiên, số cây còn lại là do bà Hoàng Thị N trồng; nếu Tòa án công nhận quyền quản lý sử dụng đất cho bà Đặng Thị P thì bà yêu cầu Tòa án buộc bà Hoàng Thị N di dời cây đi nơi khác.

Về phía bị đơn bà Hoàng Thị N và người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị N trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là do cụ Đặng Văn Ư và cụ Hoàng Thị T khai phá, sau đó chia cho bà Đặng Thị P. Khi bà Đặng Thị P chưa đi lấy chồng thì bà Đặng Thị P chung sống cùng bố mẹ tại ngôi nhà trình tường dựng trên diện tích đất đang tranh chấp; đến khi bà Đặng Thị P chuyển ra xã M Pha, Lạng Sơn ở thì vợ chồng bà Hoàng Thị N về sống cùng bố mẹ tại ngôi nhà nói trên. Quá trình quản lý sử dụng, vợ chồng bà Hoàng Thị N đã san ủi đất (trước đất là mỏm đồi, nay san bằng), phá nhà trình tường, trồng cây. Năm 2008 khi Nhà nước có dự án làm đường, diện tích đất tranh chấp cũng bị ảnh hưởng một phần nên gia đình bà đã kê khai và nhận được tiền đền bù. Nhưng quá trình đó không phát sinh tranh chấp trong khi bà Đặng Thị P đã trở về G sinh sống (cách vị trí đất tranh chấp 500m) từ năm 1998. Vì vậy, bà Hoàng Thị N không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn đưa ra.

Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:

Cụ Hoàng Thị T trình bày: Năm 1991 vợ chồng bà chia cho con gái là Đặng Thị P khu đất Đ thuộc thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn. Sau khi chia đất, Đặng Thị P đã làm nhà trình tường trên đó, vợ chồng bà có ra ở cùng Đặng Thị P một thời gian. Năm 1992, Đặng Thị P chuyển ra sinh sống tại xã M, thành phố L thì vợ chồng bà về ở tại ngôi nhà cũ mà hiện nay bà Đặng Thị T đang ở, còn nhà ở khu đất Đ là do vợ chồng ông Đặng Văn M, Hoàng Thị N ở.

Ông Nguyễn Văn C, chị Nguyễn Thị Vân A, anh Nguyễn Thiên H nhất trí với ý kiến, yêu cầu mà bà Đặng Thị P đã trình bày.

Bà Đặng Thị T, bà Đặng Thị H, bà Đặng Thúy L thừa nhận lời trình bày của bà Đặng Thị P là đúng thực tế, các bà không có yêu cầu gì đối với khu đất này.

Bà Đặng Thị T, bà Đặng Thị L trình bày: Năm 1998 bà Đặng Thị T giúp kinh phí để vợ chồng ông Đặng Văn M san ủi mặt bằng khu đất đang tranh chấp, bà cũng mong bà Đặng Thị P suy nghĩ lại, đã cho anh chị mình sử dụng thì thôi, không nên đòi lại làm mất đoàn kết trong gia đình. Còn bản thân bà không có yêu cầu gì đối với thửa đất tranh chấp.

Với những nội dung trên, Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 07 tháng 11 năm 2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc đã quyết định: Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị P về việc được quyền quản lý, sử dụng diện tích 1.486,3m2 đất thuộc thửa đất số 179 một phần thửa 189 cùng tờ bản đồ địa chính số 104, tại thôn B, xã G, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Bà Hoàng Thị N được quyền quản lý, sử dụng 1.486,3m2 đất thuộc thửa đất số 179 một phần thửa 189, cùng tờ bản đồ địa chính số 104 tại thôn B, xã G, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn và sở hữu toàn bộ tài sản trên đất gồm: 01 cây vối, 02 cây chanh, 01 cây xoài, 08 cây đào, 04 cây chuối đang có quả, 200 cây chuối mới trồng, 01cây bạch đàn, 09 cây xoan, 05 cây ổi, 05 cây mận, 01 cây táo, 01 cây khế, 01 cây đu đủ, 01 bụi tre, 03 cây nhãn, 01 cây quýt. (Có sơ họa khu đất kèm theo). Bà Hoàng Thị N có nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Ngoài ra bản án còn tuyên về chi phí thẩm định, định giá và án phí; quyền kháng cáo và quyền yêu cầu thi hành án của các đương sự.

Trong thời hạn luật định, nguyên đơn bà Đặng Thị P kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm xử sửa bản án sơ thẩm, buộc bà Hoàng Thị N phải trả lại cho bà Đặng Thị P quyền sử dụng 1486.3m2 đt thuộc thửa đất số 179 và thửa số 189, tờ bản đồ số 104 bản đồ địa chính xã G đo vẽ năm 2013.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Người kháng cáo là nguyên đơn bà Đặng Thị P và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Đặng Thị P trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là do bà Đặng Thị P được bố mẹ chia cho vào năm 1988. Đến năm 1992 thì bà Đặng Thị P cho vợ chồng bà Hoàng Thị N ở nhờ với điều kiện phải phụng dưỡng bố mẹ và không được tranh chấp với anh em trong gia đình nhưng do vợ chồng bà Hoàng Thị N vi phạm cam kết đó, nên bà Đặng Thị P khởi kiện. Toàn bộ tài sản trên đất tranh chấp là do bà Hoàng Thị N tạo dựng, sau khi đã có tranh chấp. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 166, 236 của Bộ luật Dân sự; Điều 5, 12 của Luật Đất đai 2013 và Điều 309 của Bộ luật Tố tụng dân sự, Điều 21 của Nghị định 43/2014/NĐ-CP; chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị P; sửa Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc theo hướng chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị P, buộc bà Hoàng Thị N phải trả cho bà Đặng Thị P diện tích đất tranh chấp.

Bị đơn bà Hoàng Thị N và người đại diện theo ủy quyền của bà Hoàng Thị N trình bày: Không đồng ý với kháng cáo của bà Đặng Thị P. Diện tích đất tranh chấp đã được gia đình bà Hoàng Thị N sử dụng, quản lý từ năm 1992. Quá trình quản lý, sử dụng đã san ủi, tạo thành mặt bằng như hiện nay và trồng cây trên đất. Trong thời gian đó, bà Đặng Thị P sinh sống cách đất tranh chấp khoảng 500m nhưng không có ý kiến gì. Năm 2008, gia đình bà Hoàng Thị N kê khai và nhận tiền đền bù với cơ quan Nhà nước nhưng các chị, em trong gia đình không ai có thắc mắc. Đề nghị Hội đồng xét xử bác kháng cáo của nguyên đơn.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn phát biểu ý kiến về việc chấp hành pháp luật tố tụng và giải quyết vụ án cụ thể như sau:

Về việc chấp hành pháp luật tố tụng: Quá trình thụ lý, giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và các đương sự có mặt chấp hành đúng quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự; những người tham gia tố tụng có mặt tại phiên tòa đã được thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự; đương sự vắng mặt nhưng đã có đơn xin xét xử vắng mặt hoặc đã thực hiện việc ủy quyền hoặc đã có bản khai tại cấp sơ thẩm nên việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án theo trình tự phúc thẩm.

Về nội dung kháng cáo: Các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là của cụ Đặng Văn Ư và Hoàng Thị T khai phá, khoảng năm 1989 gia đình bà Đặng Thị P làm nhà trình tường trên đất và và Đặng Thị P sinh sống cùng bố mẹ ở đó; năm 1992 bà Đặng Thị P chuyển ra xã Mai Pha, thành phố Lạng Sơn sinh sống thì vợ chồng ông Đặng Văn M và bà Hoàng Thị N quản lý sử dụng nhà đất này. Bà Đặng Thị P trình bày bà được bố mẹ là cụ Đặng Văn Ương và Hoàng Thị T chia cho khu đất này từ năm 1991 đến năm 1992 bà tạm cho vợ chồng bà Hoàng Thị N quản lý sử dụng với điều kiện phải phụng dưỡng bố mẹ; nhưng ngoài lời trình bày của mình bà Đặng Thị P không xuất trình được căn cứ chứng minh.

Xét quá trình quản lý, sử dụng đất: Vợ chồng bà Hoàng Thị N đã quản lý sử dụng từ năm 1992, đã thực hiện việc san ủi khu đất, trồng cây trên đất, năm 2008 Nhà nước thực hiện dự án cải tạo, ông Đặng Văn M là người kê khai, vằ nhận tiền đền bù; việc này những người trong gia đình đều biết nhưng không ai có ý kiến gì. Do đó bản án sơ thẩm xử bà Hoàng Thị N được quyền quản lý, sử dụng các thửa đất 179, 189 có tổng diện tích 1.486,3 m2 và tài sản trên đất là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Việc kháng cáo của nguyên đơn Đặng Thị P yêu cầu được quản lý sử dụng đất tranh chấp là không có căn cứ chấp nhận, cần bác toàn bộ kháng cáo. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng quy định tại khoản 1, Điều 308 BLTTDS xử không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng: Đây là phiên tòa triệu tập hợp lệ lần thứ nhất, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan là cụ Hoàng Thị T, ông Nguyễn Văn C, chị Nguyễn Thị Vân A, anh Nguyễn Thiên H vắng mặt nhưng đã ủy quyền cho bà Đặng Thị P tham gia tố tụng; bà Đặng Thúy L, chị Đặng Thị L có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; người làm chứng là chị Trần Thị H và ông Trần Văn A đã có lời khai trong hồ sơ nên việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc xét xử. Vì vậy, Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 296 của Bộ luật Tố tụng dân sự tiến hành xét xử vụ án vắng mặt những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, người làm chứng có tên nói trên.

[2] Xét về nguốc gốc đất tranh chấp: Quá trình giải quyết vụ án, các đương sự đều thừa nhận nguồn gốc đất tranh chấp là của bố mẹ (cụ Đặng Văn Ư và Hoàng Thị T) khai phá.

[3] Ngoài lời trình bày của bà Đặng Thị P và lời trình bày của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về phía bà Đặng Thị P thì không có tài liệu chứng cứ, chứng minh việc bà Đặng Thị P tạm giao (cho gia đình bà Hoàng Thị N ở nhờ) quyền sử dụng đất diện tích đất tranh chấp cho gia đình bà Hoàng Thị N quản lý, sử dụng. Mặt khác, năm 1992 bà Đặng Thị P chưa được Nhà nước công nhận quyền quản lý, sử dụng đối với diện tích đất tranh chấp nói trên.

[4] Xét về quá trình quản lý, sử dụng đất: Bà Đặng Thị P có một thời gian sinh sống cùng với bố mẹ là cụ Đặng Văn Ư và cụ Hoàng Thị T trên diện tích đất tranh chấp; tháng 5/1992 bà Đặng Thị P chuyển ra thị xã L sinh sống nên vợ chồng bà Hoàng Thị N quản lý sử dụng đất tranh chấp, còn cụ Đặng Văn Ư và cụ Hoàng Thị T lại về nhà cũ ở. Đến năm 1998 bà Đặng Thị P lại quay về thôn G (cách chỗ đất tranh chấp khoảng 500m) sinh sống từ đó cho đến nay. Quá trình quản lý sử dụng đất tranh chấp từ năm 1992 đến nay, gia đình bà Hoàng Thị N đã phá nhà trình tường, san ủi khu đất để tạo mặt bằng, trồng cây trên đất, kê khai, nhận tiền đền bù do một phần diện tích đất thuộc dự án cải tạo nâng cấp đường quốc lộ. Việc này diễn ra nối tiếp nhau trong thời gian tương đối dài, cụ Đặng Thị T hiện còn sống và các con của cụ đều biết nhưng không ai có ý kiến phản đối; cho đến năm 2013 bà Đặng Thị P mới có đơn khởi kiện đến UBND xã G, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

[5] Từ những phân tích và đánh giá nêu trên, Hội đồng xét xử thấy Tòa án cấp sơ thẩm bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị P là có căn cứ.

[6] Sau khi xét xử sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm, bà Đặng Thị P không cung cấp được tài liệu chứng cứ mới chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình. Do đó, Hội đồng xét xử không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị P. Vì vậy, việc giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS- ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn mà Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Lạng Sơn đề nghị là có căn cứ, phù hợp với nhận định của Hội động xét xử.

[7] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo của bà Đặng Thị P không được chấp nhận nên bà Đặng Thị P phải chịu án phí dân sự phúc thẩm theo quy định tại khoản 1 Điều 148 của Bộ luật Tố tụng dân sự.

[8] Các Quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Vì các lẽ trên, 

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ:

Khon 1 Điều 308, khoản 1 Điều 148, khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 165 của Bộ luật Tố tụng dân sự; Khoản 1, 3 Điều 95; khoản 3 Điều 100; khoản 1, 5 Điều 166; khoản 2 Điều 203 của Luật Đất đai năm 2013; Khoản 1 Điều 11 của Bộ luật Dân sự năm 2015; Điểm a khoản 2 Điều 27, khoản 1 Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Không chấp nhận kháng cáo của bà Đặng Thị P, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 05/2019/DS-ST ngày 07/11/2019 của Tòa án nhân dân huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, cụ thể:

1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Đặng Thị P về việc đòi quyền quản lý, sử dụng 1.486,3m2 đất thuộc thửa đất số 179 và một phần thửa đất số 189, cùng tờ bản đồ số 104, bản đồ địa chính xã G, địa chỉ thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn.

2. Bà Hoàng Thị N được quyền quản lý, sử dụng 1.486,3m2 đt, thuộc thửa đất số 179 và một phần thửa đất số 189, cùng tờ bản đồ số 104, bản đồ địa chính xã G, địa chỉ thôn B, xã G, huyện C, tỉnh Lạng Sơn. (trong đó: Thửa đất số 179 có diện tích là 673,5m2; thửa đất số 189 có diện tích là 812,8m2 ); khu đất được sơ họa bằng hình vẽ nối các điểm: FGHKLA, có vị trí tiếp giáp và độ dài các cạnh như sau:

- Phía Đông tiếp giáp với đất bà Chu Thị Y, có chiều dài cạnh DE = 27,29m.

- Phía Tây tiếp giáp với đất ông Hoàng Duy T, có chiều dài cạnh HK = 8.05m, KL = 26,03, LA = 15,52m.

- Phía Nam tiếp giáp với đất ông Trần Văn L, có chiều dài cạnh EF = 19,09m;

giáp với đất ông Đặng Thanh T, có chiều dài cạnh FG = 5,89m, GH = 3.02.

- Phía Bắc tiếp giáp với đường giao thông Quốc lộ 4B, có chiều dài cạnh AB = 41,44m, BC = 20,25m, CD = 3,99m.

(Kèm theo sơ đồ khu đất tranh chấp đo vẽ ngày 09/9/2019 ).

3. Bà Hoàng Thị N được sở hữu toàn bộ tài sản trên diện tích đất nói trên bao gồm: 01 (một) cây vối, 02 (hai) cây chanh, 01 (một) cây xoài, 08 (tám) cây đào, 04 (bốn) cây chuối đang có quả, 200 (hai trăm) cây chuối mới trồng, 01 (một) cây bạch đàn, 09 (chín) cây xoan, 05 (năm) cây ổi, 05 (năm) cây mận, 01 (một) cây táo, 01 (một) cây khế, 01 (một) cây đu đủ, 01 (một) bụi tre, 03 (ba) cây nhãn, 01 (một) cây quýt.

4. Buộc bà Đặng Thị P chấm dứt việc tranh chấp quyền sử dụng đất với bà Hoàng Thị N về diện tích đất nói trên. Bà Hoàng Thị N có nghĩa vụ kê khai, đăng ký quyền sử dụng đất đối với diện tích đất nói trên theo quy định của pháp luật.

5. Về chi phí tố tụng: Bà Đặng Thị P phải chịu 12.400.000 (mười hai triệu bốn trăm nghìn) đồng tiền chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản. Xác nhận bà Đặng Thị P đã nộp đủ số tiền 12.400.000 đồng (mười hai triệu bốn trăm nghìn đồng) nói trên.

6. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Đặng Thị P phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) án phí dân sự sơ thẩm, sung Ngân sách Nhà nước; số tiền này được trừ vào tiền tạm ứng án phí sơ thẩm mà bà Đặng Thị P đã nộp theo biên lai thu tiền tạm ứng án phí số AA/2012/05347 ngày 26 tháng 6 năm 2019 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

7. Về án phí dân sự phúc thẩm: Bà Đặng Thị P phải chịu 300.000 (ba trăm nghìn) đồng án phí dân sự phúc thẩm, sung Ngân sách nhà nước; số tiền này được trừ vào tiền tạm ứng án phí phúc thẩm mà bà Đặng Thị P đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/201205291 ngày 25 tháng 11 năm 2019 tại Chi cục Thi hành án Dân sự huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Trưng hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

854
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2020/DS-PT ngày 21/02/2020 về tranh chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và di dời tài sản trên đất

Số hiệu:11/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Lạng Sơn
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 21/02/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về