TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH HƯNG YÊN
BẢN ÁN 11/2019/DS-PT NGÀY 23/05/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 16 và ngày 23 tháng 5 năm 2019, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Hưng Yên, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 07/2019/TLPT-DS ngày 22 tháng 01 năm 2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/DS-ST ngày 04/12/2018 của Toà án nhân dân huyện V bị kháng cáo.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 10/2019/QĐ-PT ngày 21 tháng 3 năm 2019, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Dương Văn T, sinh năm 1954;
Địa chỉ: Số 6/101/16 H, phường Ô, quận Đ, thành phố Hà Nội;
2. Bị đơn: Ông Dương Văn M, sinh năm 1948;
Địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên;
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Dương Thị X, sinh năm 1942;
Địa chỉ: Tổ 6, thôn D, phường T1, quận N1, tỉnh Quảng Nam.
Bà X ủy quyền cho ông Dương Văn T.
- Bà Nguyễn Thị P, sinh năm 1950;
- Anh Dương Văn D1, sinh năm 1964;
- Anh Dương Văn K, sinh năm 1963;
- Anh Dương Văn P1, sinh năm 1959;
Đều có địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên;
- Chị Dương Thị H1, sinh năm 1957;
Địa chỉ: Phố N2, thị trấn N2, huyện V, tỉnh Hưng Yên;
- Chị Dương Thị Thanh B, sinh năm 1973;
Địa chỉ: Số 01/101 ngõ 16 H, phường Ô, quận Đ, thành phố Hà Nội;
- Chị Dương Thị H2, sinh năm 1975;
Địa chỉ: Số 35B, ngõ 79/44 T2, phường K1, quận Đ, thành phố Hà Nội;
- Chị Dương Thị Thu H3, sinh năm 1988;
Địa chỉ: Số 42 Phố H4, phường Đ1, quận L, thành phố Hà Nội;
- Anh Dương Văn K2, sinh năm 1979;
Địa chỉ: Số 36 H5, phường P2, quận H6, thành phố Hà Nội;
- Chị Dương Thị D2, sinh năm 1983;
Địa chỉ: Thôn T3, xã N3, huyện V1, tỉnh Hưng Yên;
- Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1961;
Địa chỉ: Số 6/101/16 H, phường Ô, quận Đ, thành phố Hà Nội;
- Bà Nguyễn Thị B1, sinh năm 1963;
- Ông Lê Mạnh H7, sinh năm 1961;
- Bà Lê Thị H8, sinh năm 1973;
- Ông Lê Văn H9, sinh năm 1965;
Đều địa chỉ: Thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên;
- Chị Dương Thị S, sinh năm 1969;
Địa chỉ: Số nhà 41, tổ 23C, phường T1, quận S1, thành phố Đà Nẵng ( Chị S ủy quyền cho anh Dương Văn D1);
4. Người kháng cáo: Bị đơn ông Dương Văn M.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện nguyên đơn ông Dương Văn T trình bày: Bố ông là cụ Dương Văn Đ2 có hai vợ, vợ thứ nhất là cụ Trần Thị M sinh được một người con là ông Dương Văn M1, liệt sỹ hy sinh năm 1968, ông M1 có vợ là bà Lê Thị M2 chết năm 2012. Vợ chồng ông M1 sinh được năm người con gồm: Chị Dương Thị H1, anh Dương Văn P1, anh Dương Văn K, anh Dương Văn D1, chị Dương Thị S. Các anh chị đều tự nguyện không có yêu cầu gì đối với các thửa đất mà ông M, ông T đang có tranh chấp.
Sau khi cụ M mất, cụ Đ2 kết hôn với cụ Nguyễn Thị T5 sinh được 03 người con gồm: Bà Dương Thị X, ông Dương Văn M, ông Dương Văn T. Cụ Dương Văn Đ2 chết năm 1983, cụ Nguyễn Thị T5 chết năm 1985 đều không để lại di chúc.
Tài sản của cụ Đ2 cụ T5 để lại gồm quyền sử dụng 779 m2 đất ở, trên đất có một ngôi nhà cũ và 100 m2 đất ao, khoảng 430 m2 đất vườn Cửa Chùa tại thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên. Khi các con còn nhỏ ở chung với bố mẹ, hai cụ quản lý sử dụng tài sản, sau đó các con trưởng thành. Năm 1963 bà X kết hôn, do công tác tại xã T nên bà X làm một ngôi nhà nhỏ trên đất bố mẹ để ở, ngôi nhà này sau đó ông M đã phá dỡ đi. Từ năm 1977 bà X vào Quảng Nam ở cho đến nay, ông và ông M cũng đi công tác, sau đó ông tự tạo lập tài sản ở ngoài Hà Nội hiện nay. Bà X cũng tự tạo lập tài sản ở Quảng Nam. Riêng ông M sau khi nghỉ công tác về quản lý tài sản của bố mẹ để lại. Năm 1979 ông M đã phá dỡ ngôi nhà cũ của bố mẹ, làm ngôi nhà hiện nay ông M đang ở.
Năm 2010 ông có về trao đổi với ông M chia cho mỗi anh chị em một phần hương hỏa của bố mẹ để lại thì ông M có nói từ năm 2006 ông đã được Ủy ban nhân dân huyện V cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, không còn là tài sản của bố mẹ nữa, ông M không đồng ý chia cho anh chị em. Ông đã làm đơn, Ủy ban nhân dân huyện đã ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho ông M. Giữa anh em có lập biên bản thỏa thuận về tài sản là của bố mẹ để lại. Ban đầu ông khởi kiện yêu cầu chia tài sản chung. Đến ngày 24/01/2018 ông T bổ sung yêu cầu khởi kiện chia thừa kế đối với các tài sản nêu trên.
Bị đơn ông Dương Văn M khai thống nhất như nguyên đơn về nguồn gốc gia đình.
Ông M xác định tài sản bố mẹ để lại gồm thửa đất thổ cư 778 m2 ông đang ở, thửa đất ao diện tích 103 m2, thửa đất nông nghiệp Cửa Chùa diện tích trên 430 m2. Thửa đất ao ông đã đổi với ông Lê Văn H9. Thửa đất Cửa Chùa ông xác định do bố mẹ mua, năm 1993 đã bị thu hồi, gia đình ông đổi đất với bà V2 để lấy lại thửa đất này. Ông M xác định thửa đất Cửa Chùa là đất nông nghiệp của gia đình ông, thửa đất ao cũng là đất của gia đình ông vì đã bị trừ đất nông nghiệp ngoài đồng của vợ con ông.
Ông M đề nghị Tòa án chỉ xem xét giải quyết mảnh đất thổ cư ông đang ở, đề nghị chia làm ba cho bà X, ông và ông T mỗi người một phần, ông và ông T lấy đất thì thanh toán trả bà X bằng tiền. Ông T lấy mảnh vườn phía sau, ông cắt cho ông T lối đi rộng 03 m phía sau nhà từ ngoài phía đường vào, các công trình xây dựng trên đất ông tự nguyện tháo dỡ và đề nghị giành 200 m2 để xây nhà thờ, xem xét phần công sức cho vợ con ông. Ông không nhất trí với việc bà X ủy quyền cho ông T, yêu cầu bà X phải ủy quyền cho một trong các con của bà.
Bà Nguyễn Thị P và các con của ông M, bà P gồm chị H2, chị H3, anh K2, chị D2 nhất trí với lời khai của ông M, xác định thửa đất ao và thửa đất Cửa Chùa là đất nông nghiệp của gia đình, không nhất trí chia thừa kế.
Bà D là vợ ông T trình bày: Vợ chồng bà có đưa cho ông M số tiền 20.000.000 đồng (hai mươi triệu đồng) để đổ cát san lấp thửa đất ao, xây tường bao và trồng cây trên thửa đất ở vườn Chùa. Ông T bà D xác định là đất của bố mẹ nên ông bà mới đưa tiền để ông M đổ cát, ông bà trồng cây, xây tường bao, nay xảy ra tranh chấp ông M thấy bất lợi lại trình bày đất ao và Cửa Chùa là của gia đình ông M là không đúng. Bà đề nghị giải quyết theo quy định pháp luật.
Anh T6, anh T7, chị T8 là các con của bà X thể hiện thống nhất với lời khai của các đương sự khác về quan hệ gia đình. Các anh, chị đều nhất trí việc bà X ủy quyền cho ông T khởi kiện chia thừa kế tài sản của ông bà ngoại anh chị để lại. Anh T6, anh T7 và chị T8 còn trình bày nội dung vào khoảng năm 2010 ông M và bà X cũng có viết giấy thỏa thuận các thửa đất mà bố mẹ để lại chia làm ba phần cho ba anh chị em ruột là ông M, bà X và ông T.
Tại biên bản định giá xác định đất ở trị giá 800.000 đ/m2. Đất vườn 71.000đ/m2. Đất ao là 85.000đ/ m2.
Bản án số 19/2018/DS-ST ngày 04/12/2018 của Tòa án nhân dân huyện V đã quyết định: Áp dụng: Khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm c khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 157, điểm b khoản 2 Điều 227, khoản 3 Điều 228 Bộ luật Tố tụng dân sự. Điều 609, Điều 610, Điều 612, Điều 649, Điều 650, Điều 651, khoản 2 Điều 660 điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990.
Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn T. Chia thừa kế theo quy định của pháp luật. Xác định quyền sử dụng các thửa đất gồm: Quyền sử dụng thửa số 114, tờ bản đồ năm 2003 diện tích thực tế 788 m2; quyền sử dụng thửa đất ao thửa số 168 diện tích thực tế 103 m2; quyền sử dụng ½ diện tích thửa đất vườn khu vực Cửa Chùa 215 m2 thửa số 8, tờ bản đồ số 11 năm 2003; địa chỉ các thửa đất đều ở thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên, đều là di sản cụ Dương Văn Đ2 và cụ Nguyễn Thị T5 để lại.
Chia cho ông Dương Văn T 285 m2 đất thổ cư.
Chia cho ông Dương Văn M 257 m2 đất thổ cư, cộng với 50 m2 là công sức của vợ chồng ông M bà P, tổng diện tích đất là 307 m2.
Chia cho bà Dương Thị X 196 m2 đất thổ cư. Đều thuộc thửa số 114, tờ bản đồ năm 2003.
Đối với thửa đất ao số 168 bản đồ năm 2003 diện tích 103 m2:
Chia cho ông Dương Văn T 51,5 m2 đất ao.
Chia cho ông Dương Văn M 51,5 m2 đất ao Đối với thửa đất vườn (đất nông nghiệp) khu vực Cửa Chùa thửa số 8, bản đồ năm 2003 diện tích 430 m2:
Chia cho ông Dương Văn T 107,5m2 đất Chia cho ông Dương Văn M 107,5 m2 đất Diện tích đất còn lại của thửa đất là 215 m2 là của gia đình ông M.
Buộc ông Dương Văn T phải thanh toán trả kỷ phần đất thổ cư của bà Dương Thị X còn thiếu là 31.200.000 đồng (ba mươi mốt triệu, hai trăm nghìn đồng); kỷ phần đất ao và đất Cửa Chùa trả cho bà Dương Thị X là 1.459.166 đồng (một triệu bốn trăm năm mươi chín nghìn, một trăm sáu mươi sáu đồng) và 5.688.333 đồng (năm triệu sáu trăm tám mươi tám nghìn, ba trăm ba mươi ba đồng), tổng là 37.747.499 đồng (ba mươi bảy triệu, bảy trăm bốn mươi bảy nghìn, bốn trăm chín mươi chín đồng).
Buộc bà Dương Thị X phải thanh toán trả vợ chồng ông Dương Văn M sau khi đã đối trừ các khoản là 176.538.501 đồng (một trăm bảy mươi sáu triệu, năm trăm ba mươi tám nghìn, năm trăm linh một đồng). Công trình nhà trọ trên phần diện tích đất của bà X thuộc quyền sở hữu của bà X.
Buộc ông Dương Văn M phải trả vợ chồng bà Nguyễn Thị D số tiền 10.000.000 đồng (mười triệu đồng) tiền san lấp cát.
Chấp nhận sự tự nguyện của đương sự không yêu cầu thanh toán phần giá trị cây cối, tường bao trên đất. Tài sản trên đất được giao của ai người đó được quyền quản lý, sử dụng. Công trình, nhà trọ trên phần đất bà X được chia thuộc quyền sở hữu của bà Dương Thị X. Việc phân chia có sơ đồ kèm theo. Cây cối trên phần đất ranh giới, lối đi được chặt bỏ.
Ngoài ra bản án còn quyết định về lãi suất, án phí và quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật.
Ngày 11/12/2018, bị đơn ông Dương Văn M kháng cáo toàn bộ bản án.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Nguyên đơn, ông T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, không đồng ý kháng cáo của bị đơn là ông M, đề nghị Tòa giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Bị đơn, ông M giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, đề nghị cấp phúc thẩm xác định di sản thừa kế của bố mẹ để lại là diện tích đất ở hiện nay ông đang quản lý. Đất ao có nguồn gốc của bố mẹ để lại, tuy nhiên gia đình ông khi chia đất nông nghiệp đã bị trừ vào diện tích đất ao này, vì vậy là của gia đình ông. Đất Cửa Chùa khi chia lại đất năm 1993 đã bị thu hồi, sau đó gia đình ông đổi cho bà V để được lấy lại mảnh đất này. Ông xác định đất Cửa Chùa và đất ao không còn là di sản của bố mẹ để lại mà là đất của gia đình ông, đề nghị Tòa không phân chia. Khi phân chia đất ở đề nghị Tòa xem xét đến nhu cầu sử dụng đất của bà X, trước đây bà đã được chia 01 sào đất nhưng không sử dụng mà để lại cho cháu. Trên đất Tòa V chia cho bà X có công trình gia đình ông xây dựng, đề nghị Tòa xem xét để vợ chồng ông quản lý đất của bà X, ông sẽ trả chênh lệch bằng tiền. Xem xét lại ngõ đi của ông T cho phù hợp. Các phần khác ông nhất trí, không đề nghị gì.
Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án. Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên phát biểu ý kiến:
- Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, những người tiến hành tố tụng, các đương sự tuân thủ đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
- Đường lối giải quyết vụ án: Kháng cáo của ông Dương Văn M là có căn cứ, đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự, chấp nhận kháng cáo của ông M, sửa bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/DS-ST ngày 04 - 12 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện V theo hướng: Xác định di sản của các cụ để lại là 788 m2 đất ở tại thửa 114, TBĐ năm 2003. Áng trích công sức cho vợ chồng ông M, sau đó phân chia cho các đồng thừa kế. Giao phần đất phân chia cho bà X cho ông M quản lý, ông M có trách nhiệm trả bà X trị giá tài sản bằng tiền. Chuyển ngõ đi của gia đình ông T ra phía sau nhà của ông M.
Đối với diện tích đất ao và đất Cửa Chùa gia đình ông M đang quản lý không đủ căn cứ xác định là di sản thừa kế của các cụ. Đề nghị Hội đồng xét xử không xem xét.
Căn cứ vào các tài liệu chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa, kết quả tranh tụng tại phiên tòa. Trên cơ sở xem xét, đánh giá toàn diện, khách quan, đầy đủ các chứng cứ, lời trình bầy của các đương sự, quan điểm của Kiểm sát viên tại phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về tố tụng: Nguyên đơn, ông Dương Văn T khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế của bố mẹ để lại tại Thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên. Tòa án nhân dân huyện V đã thụ lý giải quyết là đúng theo quy định tại khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự.
Ông Dương Văn M kháng cáo trong thời hạn quy định của pháp luật, đã nộp tiền tạm ứng án phí, vì vậy Tòa án nhân dân tỉnh Hưng Yên thụ lý, giải quyết vụ án là đúng, đảm bảo về tố tụng.
[2]. Về nội dung:
[2.1] Về xác định thời hiệu thừa kế, người thừa kế:
Cụ Dương Văn Đ2 có hai vợ là cụ Trần Thị M và Nguyễn Thị T5. Cụ Đ2 và cụ M sinh được ông Dương Văn M1 là liệt sỹ có vợ là bà Lê Thị M2 chết năm 2012. Vợ chồng ông M1 sinh được năm người con gồm: chị Dương Thị H1, anh Dương Văn P1, anh Dương Văn K, anh Dương Văn D1, chị Dương Thị S. Tất cả các con của ông M1 và bà M2 đều không yêu cầu được hưởng di sản của các cụ để lại mà ông M và ông T đang tranh chấp.
Cụ M mất, cụ Đ2 kết hôn với cụ T5 sinh được 03 người con gồm: Bà X, ông M, ông T. Cụ Đ2 chết năm 1983, cụ T5 chết năm 1985 đều không để lại di chúc.
Tòa cấp sơ thẩm đã xác định người thừa kế di sản của các cụ gồm 03 người con: bà Dương Thị X, ông Dương Văn M, ông Dương Văn T là đúng quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.
Căn cứ vào Pháp lệnh thừa kế năm 1990, Điều 623 Bộ luật dân sự năm 2015, hướng dẫn của Tòa án nhân dân Tối cao về việc xác định thời hiệu thừa kế là 30 năm kể từ ngày 10/9/1990, vì vậy cấp sơ thẩm xác định thời hiệu phân chia di sản thừa kế của các cụ vẫn còn là đúng quy định của pháp luật.
[2.2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:
Ông Dương Văn T khởi kiện đề nghị Tòa án chia thừa kế di sản là đất ở, đất ao, đất nông nghiệp của bố mẹ để lại hiện ông Dương Văn M đang quản lý gồm:
- Đất thổ cư thửa số 114, diện tích 788 m2 - Thửa đất ao số 168 diện tích 103 m2.
- Thửa đất vườn số 08 Cửa Chùa diện tích 430 m2.
Căn cứ vào lời khai của các đương sự là ông T và ông M, biên bản xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T, Tòa án cấp sơ thẩm xác định thửa đất thổ cư số 114, diện tích 788 m2 là di sản của cụ Đ2 và cụ T5 để lại, sau khi trừ 50 m2 đất tính công sức cho vợ chồng ông M đã phân chia cho ông M, ông T, bà X là đúng quy định của pháp luật về thừa kế tài sản. Tuy nhiên khi phân chia Tòa chưa xem xét đến nhu cầu sử dụng đất cũng như việc tạo lối đi cho thửa đất bên trong. Cụ thể, bà X hiện nay đã 77 tuổi, sức khỏe yếu, bà đã có chỗ ở ổn định tại Quảng Nam. Trước đây bản thân bà cũng đã được Hợp tác xã phân chia đất tại thôn N, bà không có nhu cầu sử dụng mà để cho cháu quản lý sử dụng. Hiện tại trên phần đất phân chia cho bà X có các công trình nhà trọ do vợ chồng ông M xây dựng, nhưng cấp sơ thẩm phân chia cho bà X diện tích đất này và buộc bà X trả vợ chồng ông M hơn 191 triệu đồng trị giá công trình nhà trọ là không phù hợp. Chính vì vậy, cấp phúc thẩm sẽ sửa theo hướng giao kỷ phần của bà X được hưởng cho ông M quản lý, ông M có trách nhiệm trả bà X trị giá bằng tiền.
Cấp sơ thẩm đã căn cứ vào lời khai của các đương sự, người làm chứng xác định ông M xây ngôi nhà hiện tại từ năm 1979 khi cụ Đ2 còn minh mẫn, được cụ đồng ý, nên phân chia cho ông M ở vị trí có ngôi nhà đang ở, giao cho ông T phần đất phía trong là phù hợp. Tuy nhiên, khi xem xét lối đi cho ông T cấp sơ thẩm cắt phần sân trước cửa nhà ông M là chưa thỏa đáng, trong khi phía sau nhà ông M vẫn còn một phần đất trống, theo như ông M khai trước đây các cụ phân chia để lại làm ngõ đi cho ông T sau này. Đất phía sau có một số công trình phụ của gia đình ông M, ông M khai sẽ tự nguyện tháo dỡ. Vì vậy cần chuyển ngõ đi của ông T sang phía sau nhà ông M sẽ tận dụng được phần đất phía sau, không ảnh hưởng đến việc thờ cúng tâm linh cũng như công trình hiện tại là sân của gia đình ông M.
Đối với thửa đất Cửa Chùa: Thể hiện tại thửa số 8, TBĐ số 11, đo đạc thực tế là 430 m2. Ông M xác định trước đây là của các cụ mua, sau sử dụng là đất % của các cụ. Việc ông M khai là đất các cụ mua phù hợp với lời khai của ông T, bà D tại phiên tòa. Theo ông M thì đến năm 1993, khi chia lại đất nông nghiệp theo Nghị quyết 03 của tỉnh Hải Hưng, đất của các cụ đã bị thu hồi. Đất hiện tại là gia đình ông được chia đất nông nghiệp tại Cổng Đa 1 đã đổi cho bà V để được lấy lại mảnh đất này. Lời khai của ông M phù hợp với biên bản xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T (Bút lục 139), việc đổi đất giữa gia đình ông M và bà V trước khi xã ghi nhận vào sổ Biên bản giao đất số 43. Phù hợp với lời khai của ông D3 tại Bút lục 145, 337, ông D3 xác nhận đất Cửa Chùa là đất % của bố ông M, ông T, năm 1993 đã bị thu hồi, sau đó gia đình lấy lại thế nào ông không biết. Tại Biên bản xem xét thẩm định ngày 14/8/2017 (Bút lục 51, 52) ông M bà P đều xác định đây là đất nông nghiệp của vợ con ông M. Hiện tại đất Cửa Chùa có diện tích hiện tại là 430 m2. Địa phương xác nhận diện tích đất tăng lên là do trước đây trên đất có rất nhiều mộ và cạnh có một nhong thủy lợi dẫn nước, hiện nay không còn, gia đình tự lấn thêm ra nhong nước và các ngôi mộ nên mới có diện tích như hiện nay. Đối với diện tích lấn thêm địa phương nhất trí để gia đình ông M tiếp tục tăng gia.
Đối với diện tích đất ao tại thửa 168, TBĐ số 13, diện tích 109 m2: Ông M khai nguồn gốc là của bố mẹ để lại, lời khai của ông M phù hợp với lời khai của ông H9 là người đã chuyển đổi đất ao này. Tuy nhiên ông M xác định đến năm 1993 gia đình ông đã bị trừ đất nông nghiệp ngoài đồng vào diện tích ao. Cấp sơ thẩm nhận định ông M thừa nhận nguồn gốc là của bố mẹ, sau thay đổi lời khai không phù hợp với chứng cứ ban đầu, không đưa ra được ly do tại sao lại thay đổi khi thấy bất lợi đối với phần lợi ích cho mình, nhưng ông M xác định trước đây anh em hòa thuận nên ông đã đồng ý để ông T cùng ông hút cát san lấp thửa đất này, cũng như đồng ý để ông T đứng tên thửa đất Cửa Chùa. Sau đó ông T thay đổi, khởi kiện chia tài sản của bố mẹ, vì vậy ông mới thay đổi không đồng ý. Ông M cho rằng đã khởi kiện ra Tòa thì đề nghị Tòa án phân chia theo pháp luật. Lời khai của ông M phù hợp với biên bản xác minh tại Ủy ban nhân dân xã T về tiêu chuẩn được chia đất nông nghiệp của gia đình ông M đó là: Theo cung cấp của Ủy ban nhân dân xã thì tiêu chuẩn đất nông nghiệp của gia đình được chia 06 khẩu, mỗi khẩu được 1,2 sào. Tại Biên bản giao đất nông nghiệp, gia đình ông M được giao 2.150,4 m2 như vậy là còn thiếu. Tại địa phương khi chia ruộng có gia đình thỏa thuận chuyển đổi diện tích ít hơn nhưng ở vị trí đẹp đổi với gia đình có diện tích nhiều hơn ở vị trí xấu hơn. Nhưng gia đình ông M đổi đất cho bà V hai mảnh có diện tích bằng nhau. Vì vậy không có việc gia đình ông M đổi đất nhiều ở vị trí xấu lấy đất ít hơn ở vị trí đẹp dẫn đến diện tích ít hơn, mà phần đất nông nghiệp bị thiếu một phần là do đã bị trừ vào đất ao như ông D3 là đội trưởng đội sản xuất của thôn từ năm 1987 đến năm 1995 xác nhận nguồn gốc đất ao là của bố mẹ ông M, sau vào Hợp tác xã ông M quản lý sử dụng, gia đình ông M đã bị trừ đất nông nghiệp vào đất ao này (Bút lục 145; 337) là phù hợp với thực tế tại địa phương.
Từ những căn cứ nêu trên, ông M xác định đất Cửa Chùa và đất ao không còn là di sản của bố mẹ để lại mà là đất của gia đình ông, đề nghị Tòa không phân chia là có căn cứ, được chấp nhận.
Tại phiên tòa ông M tự nguyện trả ông T số tiền hút cát 20.000.000 đồng ở thửa đất ao. Ông T bà D tự nguyện không yêu cầu đề nghị gì đối với số tiền bỏ ra xây tường, trồng cây tại thửa đất Cửa Chùa. Xét thấy, sự tự nguyện của các đương sự tại phiên tòa phù hợp với quy định của pháp luật, nên được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[3]. Xét kháng cáo của bị đơn, ông Dương Văn M:
Ông M đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, xác định đất Cửa Chùa và đất ao là của gia đình ông. Chuyển ngõ đi của ông T ra phía sau nhà, giao phần đất có công trình của ông đã được tòa sơ thẩm phân chia cho bà X cho gia đình ông quản lý, ông sẽ có trách nhiệm trả bà X trị giá bằng tiền là có căn cứ như đã phân tích ở trên, được Hội đồng xét xử chấp nhận.
Tòa án cấp sơ thẩm xác định thửa đất thổ cư số 114, diện tích 788 m2 là di sản của cụ Đ2 và cụ T5 để lại, cấp sơ thẩm áng trích công sức cho ông M bà P 50 m2 đất là phù hợp. Sau khi trừ 50 m2 đất, còn lại 738 m2 chia cho ông M, ông T, bà X, mỗi người được hưởng là 246 m2 đất. Tuy nhiên, căn cứ vào vị trí thực tế gia đình ông M đang sử dụng, cần xem xét phân chia diện tích đất cho phù hợp, ai được nhận nhiều hơn sẽ trả giá trị chênh lệch bằng tiền cho người được nhận ít hơn kỷ phần được hưởng.
Cụ thể: Phân chia cho ông Dương Văn T 299 m2 đất. Phân chia cho ông Dương Văn M 292 m2 đất, trong đó có 50 m2 là công sức của vợ chồng ông M bà P. Phân chia cho bà Dương Thị X 196 m2 đất. Giao cho ông Dương Văn M quản lý sử dụng 196 m2 đất chia cho bà X.
Ông M có trách nhiệm trả cho bà X trị giá tài sản là 156.800.000 đồng. Ông T trả cho bà X trị giá chênh lệch tài sản là 40.000.000 đồng.
Ông T trả cho ông M trị giá chênh lệch tài sản là 2.400.000 đồng.
[4]. Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hưng Yên tại phiên tòa là có căn cứ nên được chấp nhận.
[5]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[6]. Về án phí: Ông M kháng cáo được chấp nhận nên không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.
Do sửa bản án sơ thẩm nên Hội đồng xét xử cần tính toán lại án phí dân sự sơ thẩm cho phù hợp.
Vì các lẽ trên, Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự.
QUYẾT ĐỊNH
Chấp nhận kháng cáo của ông Dương Văn M.
Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 19/2018/DS-ST ngày 04 - 12 - 2018 của Tòa án nhân dân huyện V, tỉnh Hưng Yên như sau:
Căn cứ: Khoản 5 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a, c khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Điều 609, Điều 610, Điều 612, Điều 649, Điều 650, Điều 651, khoản 2 Điều 660 điểm d khoản 1 Điều 688 Bộ luật Dân sự năm 2015;
Điều 36 Pháp lệnh thừa kế năm 1990. Nghị Quyết số 326/2016/QH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử: Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Dương Văn T.
1. Xác định di sản của cụ Dương Văn Đ2 và cụ Nguyễn Thị T5 để lại là quyền sử dụng thửa đất số 114, tờ bản đồ năm 2003 diện tích thực tế 788 m2 đất thổ cư tại thôn N, xã T, huyện V, tỉnh Hưng Yên.
2. Phân chia di sản cụ thể như sau:
Phân chia cho ông Dương Văn T được hưởng 299 m2 đất theo hình CDEFPQGH.
Phân chia cho ông Dương Văn M được hưởng 292 m2 đất theo hình ABCHG.
Phân chia cho bà Dương Thị X được hưởng 196 m2 đất theo hình ABIK.
Giao cho ông Dương Văn M quản lý sử dụng 196 m2 đất chia cho bà X, ông M có trách nhiệm trả cho bà Dương Thị X trị giá tài sản là 156.800.000 đồng.
Ông Dương Văn T phải trả cho bà Dương Thị X trị giá chênh lệch tài sản là 40.000.000 đồng.
Ông Dương Văn T phải trả cho ông Dương Văn M trị giá chênh lệch tài sản là 2.400.000 đồng.
Chấp nhận sự tự nguyện của ông Dương Văn M trả ông Dương Văn T 20.000.000 đồng tiền hút cát. Đối trừ số tiền 2.400.000 đồng ông T phải trả ông M, ông M còn phải trả ông T số tiền 17.600.000 đồng.
Việc phân chia đất có sơ đồ kèm theo.
Kể từ ngày người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án hợp lệ, cơ quan Thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án mà bên phải thi hành án chưa thi hành xong nghĩa vụ trả tiền thì phải chịu lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự 2015, tương ứng với số tiền và thời gian chậm thi hành án.
3. Đối với thửa đất ao số 168 tờ bản đồ năm 2003 diện tích 103 m2, thửa đất vườn (đất nông nghiệp) khu vực Cửa Chùa thửa số 8, tờ bản đồ năm 2003 diện tích 430 m2 hiện gia đình ông Dương Văn M đang quản lý không phải là di sản thừa kế của các cụ để lại nên Hội đồng xét xử không xem xét.
4. Về án phí:
- Ông Dương Văn M không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Ông M phải chịu 9.840.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm. Đối trừ 300.000đ tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0000040 ngày 11/12/2018 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện V. Ông M còn phải nộp 9.540.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
- Ông Dương Văn T phải chịu 9.840.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 1.201.000 đồng tiền án phí đối với hai thửa đất không được chấp nhận. Tổng bằng 11.041.000 đồng. Đối trừ 5.000.000đ tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 014653 ngày 25/4/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện V. Ông T còn phải nộp 6.041.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
- Bà Dương Thị X phải chịu 9.840.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
5. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng nghị có hiệu lực thi hành kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
Bản án 11/2019/DS-PT ngày 23/05/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 11/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hưng Yên |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 23/05/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về