Bản án 11/2018/HS-ST ngày 19/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN KỲ ANH, TỈNH HÀ TĨNH

BẢN ÁN 11/2018/HS-ST NGÀY 19/04/2018 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH

Ngày 19 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh – tỉnh Hà Tĩnh, xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 38/2017/TLST-HS ngày 23-11-2017 đối với các bị cáo:

1. Họ và tên: Nguyễn Văn M Tên gọi khác: Không Sinh Ngày: 22 tháng 5 năm 1996 tại xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi cư trú: Thôn B, xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Làm ruộng; Trình độ văn hóa: 07/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Nguyễn Văn D và bà Bùi Thị Kh; Anh chị em ruột: Có 04 người (bị cáo là con thứ ba trong gia đình); Vợ: Đặng Thị Bảo N; Con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Biện pháp ngăn chặn: Tạm giam (tại Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh) từ Ngày 04 – 10 – 2017 đến Ngày 14 – 11 – 2017 được thay đổi biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.

2. Họ và tên: Phạm Văn Ng Tên gọi khác: Không Sinh ngày: 25 tháng 10 năm 1995 tại xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi cư trú: Thôn H, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Phạm Hữu U và bà Lê Thị X; Anh chị em ruột: Có 02 người (bị cáo là con thứ hai trong gia đình); Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Biện pháp ngăn chặn: Tạm giam (tại Trại tạm giam Công an Hà Tĩnh) từ ngày Ngày 04 – 10 – 2017 đến ngày 10 – 11 – 2017 được thay đổi biện pháp ngăn chặn bảo lĩnh. Có mặt.

3. Họ và tên: Nguyễn Văn S Tên gọi khác: Không Sinh ngày: 08 tháng 01 năm 1999 tại xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Nơi cư trú: Thôn B, xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh; Nghề nghiệp: Lao động tự do; Trình độ văn hóa: 07/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Nguyễn Văn D và bà Bùi Thị Kh; Anh chị em ruột: Có 04 người (bị cáo là con thứ tư trong gia đình); Vợ, con: Chưa có; Tiền án, tiền sự: Không; Biện pháp ngăn chặn: Cấm đi khỏi nơi cư trú. Có mặt.

Người bào chữa cho bị cáo Nguyễn Văn M và bị cáo Nguyễn Văn S: Ông Mai Xuân Đ – Luật sư của Công ty Luật TNHH Pháp Viện thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Hà Tĩnh.

Địa chỉ: Tổ dân phố A, phường T, thị xã K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

Bị hại: Anh Dương Văn H Sinh Ngày: 22 – 01 – 1993; Nơi cư trú: Thôn P, xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Ông Vũ Văn V – Luật sư của Văn phòng Luật sư Bảo Kim thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.

Địa chỉ: Số 8, ngách 1, ngõ 10, phường L, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội. Có mặt.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan: Anh Lê Đại G Sinh Ngày: 14 – 9 – 1989; Nơi cư trú: Thôn H, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt.

Người làm chứng:

1. Anh Trần Phương O Sinh Ngày: 03 – 12 – 1996; Nơi cư trú: Thôn H, xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt.

2. Anh Dương F Sinh Ngày: 04 – 6 – 1980; Nơi cư trú: Thôn P, xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

3. Anh Hoàng Văn Th Sinh năm: 1971; Nơi cư trú: Thôn P, xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Vắng mặt.

4. Chị Mai Thị R Sinh Ngày: 15 – 9 – 1994; Nơi cư trú: Thôn P, xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh. Có mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Khoảng 13 giờ 30 phút, ngày 16-4-2017, Nguyễn Văn M, Phạm Văn Ng, Nguyễn Văn S (em trai của M) và Trần Phương O đi dự đám cưới ở thôn P, xã Kỳ T về. Khi đi đến ngã ba trước nhà chị Trần Thị C ở thôn P, xã T thì xe mô tô do M điều khiển chở S bị xe mô tô do Dương Văn H điều khiển chở theo Lê Đại G và con trai của H đi lấn đường va quyệt làm xe của M ngã xuống vệ đường. Sau khi xảy ra va chạm, G và H dọa đánh M, S, Ng, còn anh Dương F (anh trai của H) nhà ở gần đó chạy đến tát M 3 cái rồi quát đuổi nhóm của M, S, Ng và O về. Bị H và G đe dọa và bị F đánh, nhóm M, Ng, S và O sợ nên miễn cưỡng xin lỗi, rồi M chở S, O chở Ng đi về hướng xã Kỳ T. Tuy nhiên, G xin đi nhờ xe của một người đàn ông (không rõ nhân thân, lai lịch) đuổi theo phía sau, khi đến trước cửa nhà anh Hoàng Văn Th ở thôn P, xã T phát hiện thấy G đuổi theo nên M dừng xe lại, O cũng dừng xe theo. Thấy vậy, G xuống xe đi bộ lại chỗ M và S đe dọa, đồng thời gọi điện cho H đến để hỗ trợ. Sau khi nghe G gọi điện, H điều khiển xe mô tô cầm theo một chiếc cuốc (cán bằng gỗ, lưỡi bằng sắt) đến rồi dừng xe cầm cuốc đi lại chỗ nhóm của M đang đứng. Thấy H cầm cuốc đi đến nên M bảo cả nhóm lại bên ven đường lấy cọc hàng rào bằng gỗ để đánh lại. M và Ng rút mỗi người một cọc gỗ, M bẻ đôi cọc gỗ của mình đưa cho S một nửa, sau đó nhóm M, Ng, S đi về phía H. Khi hai bên giáp mặt nhau thì H dùng cuốc đánh vào đầu S, thấy vậy M dùng gậy gỗ đỡ, còn S né tránh nên S chỉ bị đánh sượt xước da đầu chảy máu và được O dìu lại ngồi nghỉ, còn M và Ng tiếp tục đánh nhau với H làm cho cuốc của H rơi xuống đường. Sau khi bị rơi cuốc H bỏ chạy vào vườn nhà anh Th thì M, Ng, S cầm gậy đuổi theo. H chạy được khoảng 20 mét thì Ng đuổi kịp và lao vào đấm một cái vào mặt H, H xô Ng và tiếp tục bỏ chạy ra phía sau vườn. M, Ng, S tiếp tục cầm gậy truy đuổi, khi chạy đến chỗ bụi chuối phía sau vườn nhà anh Th thì H bị vấp ngã, M, Ng, S đuổi kịp, dùng gậy gỗ đánh liên tiếp vào vai, tay và người H. Sau đó được anh Th ra can ngăn nên M, S, Ng lên xe bỏ về, còn anh H được mọi người đưa đi điều trị tại bệnh viện đa khoa Kỳ Anh từ ngày 16 – 4 – 2017 đến Ngày 19 – 4 – 2017 thì H xin ra viện về nhà điều trị tiếp theo đơn thuốc của Bệnh viện. Ng đã bồi thường trước cho anh H 15.000.000đ. Bố M và S đã thay M và S nộp cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh 16.000.000đ (kỷ phần mỗi bị cáo 8.000.000đ) để bồi thường trước cho anh H.

M, Ng và S đều thừa nhận hành vi của mình và diễn biến sự việc cơ bản đúng như nội dung vụ án nêu trên. Ba bị cáo cho rằng chỉ từ khi H dùng cuốc đánh vào đầu S thì 3 bị cáo mới bắt đầu tấn công H để phòng vệ. H, G, O, F và anh Th đều khai diễn biến sự việc phù hợp với nội dung vụ án.

Tại bản kết luận giám định pháp y số 34/TgT ngày 30-3-2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Hà Tĩnh kết luận thương tích của Dương Văn H: gãy 1/3 dưới xương trụ tay trái đã liền xương; vết sẹo mặt sau cẳng tay trái 1/3 đường kính 0,5cm (tương ứng với chỗ gãy tay); vết thương khuỷu tay phải sưng, tụ máu vừa, tay biến dạng, cử động hạn chế, không để lại di chứng; vết sẹo mặt gan đốt 2 ngón IV tay phải kích thước 02cm x 0,3cm, liền, màu nâu. Tỷ lệ tổn thương cơ thể do thương tích gây nên là: 11%.

Vật chứng thu giữ gồm: 01 chiếc cuốc dài 108cm, cán bằng gỗ được bọc bằng vòng sắt nối với lưỡi cuốc. Phần lưỡi cuốc bằng sắt đã hoen rỉ dài 12cm, phần rộng nhất là 13cm, hẹp nhất là 04cm; 01 gậy gỗ dài 117cm có vỏ màu xám đen, hơi cong, đầu lớn nhất đường kính 4,5cm, đầu nhỏ nhất đường kính 0,5cm; 01 gậy gỗ dài 110cm có vỏ màu xám nâu, hơi cong, đầu lớn nhất đường kính 04cm, đầu nhỏ nhất bị chẻ ra nhiều phần đường kính 03cm. Đối với chiếc gậy gỗ mà S dùng để đánh H sau đó đã vứt lại tại hiện trường, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã tổ chức truy tìm nhưng không thu hồi được.

Quá trình điều tra S không yêu cầu giám định thương tích do H gây ra cho mình, không yêu cầu khởi tố đối với H và không yêu cầu H bồi thường dân sự, nhưng tại phiên tòa S yêu cầu được giám định thương tích và khởi tố đối với H.

Tại bản Cáo trạng số 37/CTr-KSĐT ngày 21 tháng 11 năm 2017, Viện kiểm sát nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh đã truy tố ra trước Tòa án nhân dân huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để xét xử Nguyễn Văn M, Phạm Văn Ng, Nguyễn Văn S về tội Cố ý gây thương tích" theo quy định tại Khoản 2 §iÒu 104 của Bộ luật hình sự năm 1999; Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 – 6 – 2017 của Quốc hội, Khoản 3 Điều 7 và Điểm đ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa, trong phần tranh luận, sau khi phân tích, đánh giá các chứng cứ, vị đại diện Viện kiểm sát trình bày sửa đổi một phần nội dung vụ án so với kết luận của Cáo trạng: Cáo trạng kết luận thương tích của anh H là 12%, nhưng căn cứ vào kết quả trưng cầu giám định lại của Tòa án nay sửa đổi lại thương tích của anh H là 11%. Vị đại diện Viện kiểm sát tiếp tục giữ nguyên quyết định truy tố, đồng thời đề nghị:

- Áp dụng Khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 – 6 – 2017 của Quốc hội, Khoản 3 Điều 7 và Điểm đ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 20, Điều 53, các Điểm b, p Khoản 1 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với cả ba bị cáo; áp dụng thêm Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với Nguyễn Văn M, áp dụng thêm Điều 60 của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với Phạm Văn Ng và Nguyễn Văn S xử phạt:

+ Nguyễn Văn M từ 25 đến 28 tháng tù.

+ Phạm Văn Ng từ 25 đến 28 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách từ 50 đến 56 tháng.

+ Nguyễn Văn S từ 24 đến 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách từ 48 đến 52 tháng.

- Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 587, 588, 590 của Bộ luật dân sự buộc các bị cáo M, Ng, S phải liên đới bồi thường cho anh H từ 20.000.000đ đến 25.000.000đ, kỷ phần Phạm Văn Ng 15.000.000đ theo sự thỏa thuận của Ng, phần còn lại chia đều cho M và S.

- Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 41 Bộ Luật hình sự năm 1999, các Điểm a, c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy 01 chiếc cuốc; 02 gậy gỗ.

- Áp dụng Khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 6, điểm a Khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30-12-2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo buộc mỗi bị cáo M, Ng, S pH chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm. Không buộc các bị cáo pH chịu án phí dân sự sơ thẩm vì các bị cáo đã bồi thường trước cho H mức cao hơn so với mức do pháp luật quy định.

Luật sư Mai Xuân Đ bào chữa cho các bị cáo M và S cho rằng: Nguyên nhân xẩy ra vụ án xuất phát từ H và G: H và G điều khiển xe máy đi lạng lách va quệt làm cho xe M và S ngã xuống đường, sau đó H dùng tay đấm, G dùng mũ cối đánh, còn anh F tát nhóm M, Ng, S. Mặc dù không có lỗi gì và bị làm nhục nhưng nhóm M, Ng, S đã nhẫn nhịn, xin lỗi và ra về được 2 km. Tuy vậy, H và G tiếp tục đuổi theo gây sự, H dùng cuốc đánh vào đầu S làm cho nhóm M, Ng, S bị kích động mạnh về tinh thần và buộc phải đánh lại nhằm mục đích phòng vệ. Việc M, Ng, S vẫn đuổi đánh H sau khi H đã bỏ chạy là vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, thuộc trường hợp phòng vệ quá muộn vì trước đó H đã đuổi theo 2km để đánh nhóm M, Ng, S, rất có thể H chỉ chạy đi tìm công cụ để đánh lại. Do M và S gây thương tích cho H với tỷ lệ thương tích là 11% trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh và vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng nên hành vi của M và S không cấu thành tội phạm. Kết luận giám định thương tích không nêu cụ thể tỷ lệ thương tích của từng vết thương, tổng tỷ lệ thương tích quá cao so với quy định của Thông tư 20/2014/TT-BYT ngày 12 – 6 – 2015 của Bộ y tế. Tại phiên tòa S có yêu cầu giám định thương tích và khởi tố H. Vì các lẽ đó Luật sư Mai Xuân Đ đề nghị trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung.

M, Ng, S đồng tình với lời bào chữa của Luật sư. Ng nhất trí bồi thường cho H 15.000.000đ và đã bồi thường trước số tiền này nên nay không bồi thường thêm.

M và S đề nghị xem xét mức bồi thường theo quy định của pháp luật, số tiền 16.000.000đ mà M và S đã nộp cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh để bồi thường trước nếu còn thừa thì cho M và S rút về.

Luật sư Vũ Văn V bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của H cho rằng: H bị thương khá nặng, tuy viện phí không cao, thời gian điều trị không dài nhưng nguyên nhân là do H xin về nhà tự điều trị chứ không phải theo chỉ định của Bác sĩ. Vì vậy đề nghị chấp nhận yêu cầu của H về việc buộc các bị cáo bồi thường số tiền 45.000.000đ tiền chi phí điều trị và tổn thất tinh thần.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1]. Về tố tụng: Các hành vi và các quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử cơ bản đảm bảo hợp pháp, đúng với quy định của pháp luật về tố tụng hình sự. Tuy nhiên, Quyết định trưng cầu giám định số 43/TCGĐ ngày 21 – 6 – 2017 của Cơ quan cảnh sát điều tra yêu cầu giám định tỷ lệ tổn hại sức khỏe của H nhưng không nêu rõ tổn hại sức khỏe sinh ra trong vụ việc nào, theo bệnh án nào, dẫn đến hoạt động giám định thực hiện giám định cả vết sẹo ở vùng vai bên trái không được phản ánh trong Bệnh án của H, tức là giám định cả những thương tích không sinh ra trong vụ án cố ý gây thương tích này, làm cho Kết luận giám định thương tích số 59/TgT ngày 29 – 6 – 2017 bị sai sót. Điều tra Viên và Kiểm sát viên cũng không nghiên cứu đối chiếu giữa Bệnh án của H và Kết luận giám định nên không phát hiện được sai sót của Kết luận giám định. Từ sai sót này dẫn đến Kết luận điều tra của Cơ quan cảnh sát điều tra và Cáo trạng của Viện kiểm sát đều kết luận sai thương tích của H bị gây ra trong vụ án: Theo Kết luận điều tra và Cáo trạng thì tỷ lệ tổn hại sức khỏe của H trong vụ án này là 12%, nhưng sau khi Tòa án trưng cầu giám định lại thì tỷ lệ thương tích của H giảm xuống còn 11%. Ngoài ra Cáo trạng xác định các bị cáo M, Ng bị bắt vào Ngày 2 – 10 – 2017 là không chính xác, theo Lệnh bắt và Biên bản bắt người có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa thì Ngày 2 – 10 – 2017 là Ngày ra lệnh bắt, đến Ngày 4 – 10 – 2017 mới thi hành lệnh bắt.

[2]. Về tội danh: Hành vi của M, Ng, S (dùng gậy gỗ cứng, chắc, đường kính khá lớn, được coi là hung khí nguy hiểm để đánh gây thương tích cho người khác, tỷ lệ tổn hại sức khỏe là 11%) đủ yếu tố cấu thành tội cố ý gây thương tích quy định tại Khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 được sửa đổi bổ sung tại Điểm đ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015. Do Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định mức hình phạt nhẹ hơn so với mức hình phạt quy định tại Khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999 nên ba bị cáo được áp dụng Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 ngày 20 – 6 – 2017 của Quốc hội và Khoản 3 Điều 7 của Bộ luật hình sự năm 2015 để xem xét trách nhiệm hình sự theo hướng có lợi cho người phạm tội.

Luật sư Mai Xuân Đ cho rằng các bị cáo gây thương tích cho H thuộc trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng và trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh do hành vi trái pháp luật nghiêm trọng của nạn nhân là không chính xác, vì ba bị cáo vẫn tiếp tục đánh H khi H đã hoàn toàn chấm dứt hành vi tấn công và bỏ chạy một quảng xa; ba bị cáo bị kích động về tinh thần không pH do hành vi trái pháp luật của riêng H mà còn do hành vi trái pháp luật của G và F.

[3]. Về hình phạt: Mặc dù ba bị cáo phạm vào Khoản 2 của Điều 104 Bộ luật hình sự năm 1999 nhưng tỷ lệ thương tích ở mức đầu của khung hình phạt, nguyên nhân dẫn đến ba bị cáo đánh bị hại là do bị hại chủ động mang theo cuốc tiếp tục đe dọa, tấn công các bị cáo sau khi cả ba bị cáo đã xin lỗi và đi về. Cả ba bị cáo đồng phạm giản đơn, M là người khởi xướng, cả ba cùng thực hành nhưng M và Ng tích cực hơn S, do đó khi quyết định hình phạt cần căn cứ vào các Điều 20, 53 của Bộ luật hình sự năm 1999 để ấn định mức hình phạt tương xứng với vai trò của từng bị cáo. Khi phạm tội tinh thần ba bị cáo bị kích động do hành vi trái pháp luật của bị hại và hành vi trái pháp luật của G, F; sau khi phạm tội ba bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; M và S đã nhờ bố nộp cho Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh 16.000.000đ (kỷ phần mỗi bị cáo 8.000.000đ) để bồi thường trước, Ng đã đưa cho H 15.000.000 để bồi thường trước; M có thời gian tham gia quân đội từ năm 2014 đến năm 2016. Gia đình M và gia đình S đều là hộ nghèo theo chuẩn mới. Vì vậy, M, Ng và S đều được hưởng ba tình tiết giảm nhẹ quy định tại các Điểm b, p Khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999, riêng M được hưởng thêm một tình tiết giảm nhẹ quy định tại Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999. Về nhân thân, từ trước đến khi có hành vi vi phạm pháp luật này, cả ba bị cáo chưa có vi phạm gì. Do đó, vị đại diện Viện Kiểm sát đề nghị xử phạt Ng từ 25 đến 28 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách từ 50 đến 56 tháng, S từ 24 đến 26 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách từ 48 đến 52 tháng là phù hợp, Hội đồng xét xử chấp nhận cho Ng và S được hưởng án treo theo quy định của Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999. Đối với M, vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị xử M từ 25 đến 28 tháng tù, mức hình phạt vị đại diện Viện kiểm sát đề nghị đối với M là phù hợp. Tuy nhiên, về biện pháp xét M là người khởi xướng nhưng lại là bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhất, M đã từng là quân nhân, có nhân thân tốt nhất trong ba bị cáo, động cơ phạm tội của M là do muốn bảo vệ em (S), tinh thần M bị kích động khi em mình bị đánh bị thương, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến vụ án này là do bị hại, sau khi phạm tội M đã thực sự ăn năn hối cải, nhận thức được lỗi lầm của mình, do đó căn cứ vào Điều 60 Bộ luật hình sự năm 1999 cho M được hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách tương ứng cũng đủ sức trừng trị và giáo dục, cải tạo.

[4]. Về dân sự: Theo Bệnh án của Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh thì anh H được đưa đến khám và điều trị từ Ngày 16 – 4 – 2017 đến Ngày 19 – 4 – 2017 (4 Ngày). Căn cứ vào các Điều 584, 585, 586, 587, 588, 590 của Bộ luật dân sự thì ba bị cáo phải liên đới bồi thường cho anh H các khoản sau:

- Viện phí, chi phí mua thuốc điều trị: 960.000đ (theo bảng kê chi phí khám, chữa bệnh của Bệnh viện đa khoa thị xã Kỳ Anh).

- Tiền thuê xe chở anh H cùng người chăm sóc đi điều trị và trở về: 350.000đ x 2 chuyến = 700.000đ (tính giá đi taxi).

- Tiền thuê xe chở vợ anh H đi về tiếp tế trong thời gian điều trị: 50.000đ x2 lượt = 100.000đ.

- Tiền thu nhập bị mất của anh H và vợ anh H chăm sóc anh H trong thời gian điều trị: 200.000đ/người/Ngày x 2 người x 4 Ngày = 1.600.000đ (theo trình bày của anh H và vợ anh H tại phiên tòa thì cả hai đều có thu nhập 200.000đ/người/Ngày).

- Chi phí phục hồi chức năng bị mất: 10.000.000đ.

- Tiền bồi thường tổn thất tinh thần: 8.000.000đ Tổng cộng: 21.360.000đ.

Kỷ phần Ng 15.000.000đ theo sự thỏa thuận của Ng; M, S mỗi bị cáo (21.360.000đ – 15.000.000đ) : 2 = 3.180.000đ/bị cáo.

Sau khi khấu trừ 15.000.000đ mà Ng đã đưa cho anh H để bồi thường trước và 16.000.000đ mà M và S đã nhờ bố nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (theo biên lai thu tiền số 0004094 ngày 20 – 11 – 2017) để bồi thường trước thì anh H được nhận tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh 6.360.000đ, M và S được nhận tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh số tiền bồi thường thừa 9.640.000đ.

[5]. Về vật chứng: Chiếc cuốc H dùng đánh S nay không còn giá trị sử dụng, 2 chiếc gậy gỗ là công cụ phạm tội và không có giá trị sử dụng, do đó tịch thu tiêu hủy các vật chứng này theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 41 Bộ Luật hình sự năm 1999 và các Điểm a, c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự.

[6]. Về án phí: Mỗi bị cáo M, Ng, S phải chịu 200.000đ (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm theo quy định tại Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 6, điểm a khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Ngày 30 – 12 - 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo. Các bị cáo đã bồi thường xong trước khi xét xử, không phải chịu án phí dân sự.

[7]. Tại phiên tòa S yêu cầu được giám định thương tích và khởi tố H, tuy nhiên quá trình điều tra S không có yêu cầu giám định thương tích của mình, cho nên không có căn cứ để khởi tố hành vi của H tại phiên tòa. Hành vi của H dùng cuốc đánh S được tách riêng xử lý trong một vụ án khác, S trực tiếp liên hệ với cơ quan điều tra để được giải quyết yêu cầu của mình.

[8]. Về quyền kháng cáo: Theo quy định tại Điều 234 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, các bị cáo M, Ng, S và anh H có mặt, được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ Ngày tuyên án. G vắng mặt, được quyền kháng cáo trong hạn 15 Ngày kể từ Ngày nhận được Bản án hoặc niêm yết Bản án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Tuyên bố: Các bị cáo Nguyễn Văn M, Phạm Văn Ng, Nguyễn Văn S phạm tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng Khoản 2 Điều 104 của Bộ luật hình sự năm 1999, Điểm b Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 41/2017/QH14 Ngày 20 – 6 – 2017 của Quốc hội, Khoản 3 Điều 7 và Điểm đ Khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 20, Điều 53, các Điểm b, p Khoản 1 Điều 46, Điều 60 của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với cả ba bị cáo; áp dụng thêm Khoản 2 Điều 46 của Bộ luật hình sự năm 1999 đối với Nguyễn Văn M xử phạt:

+ Nguyễn Văn M 27 (Hai mươi bảy) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 54 (Năm mươi bốn) tháng, thời hạn thử thách tính từ Ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Phạm Văn Ng 26 (Hai mươi sáu) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 52 (Năm mươi hai) tháng, thời hạn thử thách tính từ Ngày tuyên án sơ thẩm.

+ Nguyễn Văn S 24 (Hai mươi bốn) tháng tù nhưng cho hưởng án treo, thử thách 48 (Bốn mươi tám) tháng, thời hạn thử thách tính từ Ngày tuyên án sơ thẩm.

Giao Nguyễn Văn M và Nguyễn Văn S cho chính quyền xã T, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

Giao Phạm Văn Ng cho chính quyền xã L, huyện K, tỉnh Hà Tĩnh giám sát, giáo dục trong thời gian thử thách.

- Áp dụng các Điều 584, 585, 586, 587, 588, 590 của Bộ luật dân sự buộc các bị cáo Nguyễn Văn M, Phạm Văn Ng, Nguyễn Văn S phải liên đới bồi thường cho anh Dương Văn H 21.360.000đ (Hai mươi mốt triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng), kỷ phần Phạm Văn Ng 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng), Nguyễn Văn M 3.180.000đ (Ba triệu một trăm tám mươi nghìn đồng), Nguyễn Văn S 3.180.000đ (Ba triệu một trăm tám mươi nghìn đồng).

Sau khi khấu trừ 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng) mà Phạm Văn Ng đã đưa cho anh Dương Văn H để bồi thường trước và 16.000.000đ (Mười sáu triệu đồng) mà Nguyễn Văn M và Nguyễn Văn S đã nhờ bố nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh (theo biên lai thu tiền số 0004094 ngày 20 – 11 – 2017) để bồi thường trước thì anh Dương F được nhận tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh 6.360.000đ (Sáu triệu ba trăm sáu mươi nghìn đồng), Nguyễn Văn M và Nguyễn Văn S được nhận tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh tổng cộng 9.640.000đ (Chín triệu sáu trăm bốn mươi nghìn đồng). Phạm Văn Ng đã bồi thường xong.

- Áp dụng Điểm a Khoản 1 Điều 41 Bộ Luật hình sự, các Điểm a, c Khoản 2 Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự tịch thu tiêu hủy 01 chiếc cuốc; 02 gậy gỗ. Đặc điểm và tình trạng vật chứng có tại Biên bản giao nhận vật chứng lập Ngày 21 – 11 – 2017 giữa Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh và Chi cục thi hành án dân sự huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

- Áp dụng Khoản 2 Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; Điều 6, điểm a Khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 Ngày 30 – 12 – 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội và Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án kèm theo buộc mỗi bị cáo Nguyễn Văn M, Phạm Văn Ng, Nguyễn Văn S phải chịu 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

Các bị cáo Nguyễn Văn M, Phạm Văn Ng, Nguyễn Văn S, anh Dương Văn H được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Anh Lê Đại G được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được Bản án hoặc niêm yết Bản án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

305
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 11/2018/HS-ST ngày 19/04/2018 về tội cố ý gây thương tích

Số hiệu:11/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Kỳ Anh - Hà Tĩnh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/04/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về