Bản án 1107/2017/HNGĐ-PT ngày 06/12/2017 về ly hôn

TÒA ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 1107/2017/HNGĐ-PT NGÀY 06/12/2017 VỀ LY HÔN

Trong ngày 06 tháng 12 năm 2017 tại trụ sở Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 96/2017/TLPT-HNGĐ ngày 14 tháng 9 năm 2017 về việc ly hôn.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 1040/2017/HNGĐ-ST ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận C, Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 2607/2017/QĐ-PT ngày 06 tháng 11 năm 2017, giữa các đương sự:

- Nguyên đơn: Ông T, sinh năm 1975 (vắng mặt)

Địa chỉ: Đường A, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh

- Bị đơn: Bà H, sinh năm 1975 (có mặt)

Địa chỉ: Đường A, Phường B, quận C, Thành phố Hồ Chí Minh

- Người kháng cáo: Bị đơn - bà H

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo nguyên đơn là ông T trình bày:

Ông và bà H tự nguyện chung sống với nhau năm 1993 và được Ủy ban nhân dân xã D, huyện E, tỉnh F cấp Giấy chứng nhận kết hôn số 14, quyển số 06 ngày 20-4- 2004 (đăng ký lại). Chung sống đến năm 2010 thì phát sinh mâu thuẫn do bà H nghi ngờ ông có quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác, vợ chồng luôn bất đồng quan điểm sống, mâu thuẫn về tiền bạc. Bên cạnh đó, ông có mâu thuẫn với gia đình bên vợ dẫn đến bất đồng giữa ông và bà H ngày càng nhiều hơn. Ông đã cố gắng giải tỏa, hàn gắn tình cảm với bà H nhưng không kết quả, nên từ năm 2010 ông và bà H sống riêng cho đến nay, không còn quan tâm đến nhau, hạnh phúc không còn nên ông yêu cầu được ly hôn với bà H.

Về con chung: ông và bà H có 02 con chung tên là G (nam), sinh ngày 13/11/1994 (đã trưởng thành) và H1 (nữ), sinh ngày 22/8/2002. Nếu ly hôn ông đồng ý giao cho bà H trực tiếp nuôi trẻ H1 đến tuổi trưởng thành, ông tự nguyện cấp dưỡng nuôi con 3.000.000 đồng (ba triệu đồng)/ tháng, bắt đầu thực hiện ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật.

Về tài sản chung: Không yêu cầu chia tài sản khi ly hôn.

Theo bị đơn là bà H trình bày:

Bà và ông T chung sống hạnh phúc đến tháng 6/2011 thì phát sinh mâu thuẫn do ông T lén lút quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác. Ông T thường cáu gắt với bà, không tôn trọng ý kiến của bà trong công việc làm ăn dẫn đến công việc làm ăn không được thuận lợi. Bà rất khổ sở, mệt mỏi nhưng bà cố gắng chịu đựng để giữ gìn hạnh phúc gia đình cho các con. Bà đã nhờ bố mẹ chồng, anh em chồng khuyên ông T quay về với vợ con nhưng không được. Ông T đã sống riêng và ly thân với bà từ tháng 02/2012 cho đến nay, bà không còn tình cảm với ông T nữa. Bà và ông T đứng tên chủ quyền căn nhà đường A, Phường B, quận C. Nếu ông T đồng ý sang tên căn nhà cho con trai thì bà đồng ý ly hôn.

Bà cũng thống nhất lời trình bày của ông H về thời gian chung sống, việc kết hôn và con chung là đúng. Về con chung bà đồng ý tiếp tục nuôi dưỡng trẻ H đến khi trưởng thành và đồng ý mức cấp dưỡng ông T đưa ra như trên.

Tại biên bản hòa giải ngày 27/6/2017, bà H đồng ý ly hôn và yêu cầu Tòa án chia cho bà ½ giá trị căn nhà đường A, Phường B, quận C nhưng bà không làm đơn yêu cầu chia tài sản khi ly hôn. Tuy nhiên sau đó bà H thay đổi ý kiến, cho rằng còn thương ông T nên không đồng ý ly hôn, muốn giữ gìn hạnh phúc gia đình cho các con.

Tại bản án hôn nhân sơ thẩm số 1040/2017/HNGĐ-ST ngày 03 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân quận C, Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định:

Căn cứ vào Khoản 1 Điều 51 và Khoản 2 Điều 56 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn.

1. Về quan hệ hôn nhân: Ông T được ly hôn với bà H. Giấy chứng nhận kết hôn số 14, quyển số 06 do Ủy ban nhân dân xã D, huyện E, tỉnh F cấp cho ông T và bà H vào ngày 20/4/2004 hết hiệu lực.

2. Về con chung: Ông T và bà H có 02 con chung tên G, sinh ngày 13/11/1994 (đã trưởng thành) và H1, sinh ngày 22/8/2002. Giao cho bà H trực tiếp nuôi trẻ H1 đến tuổi trưởng thành. Ông T tự nguyện cấp dưỡng nuôi con 3.000.000 đồng (ba triệu đồng)/01 tháng.

3. Về tài sản chung: Ông T và bà H không yêu cầu chia tài sản khi ly hôn.

Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ đối với con chung sau khi ly hôn, quy định trách nhiệm của người cấp dưỡng khi chậm thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con, về án phí, về việc thi hành án và thời hạn kháng cáo của các đương sự theo quy định pháp luật.

Ngày 14/8/2017, bị đơn là bà H có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Nguyên đơn là ông T vắng mặt, đã triệu tập hợp lệ. Bị đơn là bà H trình bày:

Vợ chồng bà chung sống hạnh phúc đến tháng 6/2011 thì phát sinh mâu thuẫn do ông T lén lún quan hệ tình cảm với người phụ nữ khác nên thay đổi thái độ, thường cáu gắt và không tôn trọng ý kiến của bà, ngoài ra cũng có mâu thuẫn với gia đình vợ; bà đã nhờ gia đình chồng tác động, khuyên giải ông T quay về nhưng không có kết quả. Thực tế bà và ông T đã sống riêng, ly thân từ 2012 đến nay, lúc đầu ông T còn đi đi về về, khoảng hai, ba năm nay thì đi hẳn không về nhà nữa. Bà không đồng ý ly hôn do ông T vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng mà vẫn được ly hôn. Thực tế khoảng hai, ba năm nay hai bên chỉ gặp và nói chuyện với nhau như hai người quen biết chứ không phải là vợ chồng, vào những lúc ông T về nhà thăm con; khoảng 4, 5 tháng ông T ghé về nhà thăm con một lần rồi đi ngay, bà đã từng khuyên ông quay về đoàn tụ nhưng ông không đồng ý.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến của Viện Kiểm sát về việc tuân theo pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án dân sự ở giai đoạn phúc thẩm:

Về tố tụng:

Những người tiến hành tố tụng và những người tham gia tố tụng đã chấp hành đúng quy định pháp luật.

Về nội dung kháng cáo:

Xét thấy mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bà H xảy ra đã lâu không giải quyết, thực tế cả hai ly thân đã lâu, bà H cho rằng ông T có quan hệ với người phụ nữ khác nhưng không có chứng cứ chứng minh; bà H không đồng ý ly hôn nên kháng cáo nhưng không đưa ra được giải pháp nào để hàn gắn quan hệ vợ chồng nên án sơ thẩm xử cho ông T ly hôn bà H là có cơ sở, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm giữ nguyên bản án sơ thẩm, không chấp nhận yêu cầu kháng cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án cùng các tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ đã được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến của các đương sự và đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về hình thức:

Đơn kháng cáo của bà H làm trong hạn luật định, đã nộp tạm ứng án phí theo quy định, được chấp nhận xem xét theo trình tự phúc thẩm.

[2] Về tố tụng:

Tòa án đã triệu tập hợp lệ ông T đến tham gia phiên tòa phúc thẩm lần thứ nhất vào lúc 13 giờ 30 phút ngày 27/11/2017 và lần thứ hai vào lúc 07 giờ 30 phút ngày 06/12/2017 nhưng đến ngày giờ trên ông T vắng mặt tại phiên tòa, không rõ lý do; trước đó ông T đã có lời khai tại tòa, việc xét xử vắng mặt ông T không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án, căn cứ quy định tại Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Hội đồng xét xử quyết định xét xử vắng mặt ông T.

[3] Về nội dung kháng cáo:

Theo lời trình bày của các đương sự và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì ông T bà H tự nguyện chung sống với nhau từ năm 1993, đến ngày 20/4/2004 có đăng ký kết hôn tại Uỷ ban nhân dân xã D, huyện E, tỉnh F nên đây là hôn nhân hợp pháp. Nay ông T xin ly hôn với bà H vì vợ chồng mâu thuẫn từ năm 2010 do bà nghi ngờ ông có quan hệ với người phụ nữ khác, bất đồng quan điểm sống và mâu thuẫn với gia đình vợ nhưng hàn gắn không có kết quả. Phía bà H không đồng ý ly hôn.

Xét thấy, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ông T bà H là có thật và kéo dài từ năm 2010 đến nay không giải quyết được, ông T bà H trình bày đã nhờ gia đình đứng ra khuyên giải nhưng không có kết quả nên cả hai đã sống riêng từ năm 2012 đến nay.

Hội đồng xét xử nhận thấy quan hệ hôn nhân cần được xây dựng trên cơ sở tự nguyện và tình cảm từ hai phía, nay ông T xác định không còn tình cảm gì với bà H nên tình cảm nếu có thì chỉ là tình cảm đơn phương một phía của bà H; Tại phiên tòa phúc thẩm bà H cũng thừa nhận trên thực tế khoảng hai, ba năm nay bà chỉ thỉnh thoảng gặp ông T khi ông ghé về nhà thăm con rồi đi ngay, những lúc gặp nhau như vậy hai người có nói chuyện qua lại vài lời như hai người quen biết với nhau chứ không phải là vợ chồng, bà cũng có lần đề nghị ông quay về nhà sống với vợ con nhưng ông T không đồng ý. Nay bà H không đồng ý ly hôn nhưng không đưa ra được cách thức nào hiệu quả để cải thiện tình trạng và mối quan hệ giữa hai vợ chồng, ông T đã được triệu tập tham gia phiên tòa đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không đến chứng tỏ không còn tha thiết đến việc hàn gắn lại quan hệ vợ chồng với bà H điều đó cho thấy mâu thuẫn giữa ông T bà H đã đến mức trầm trọng, nếu có cố níu kéo thì cũng không có hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được nên bản án sơ thẩm cho ông T được ly hôn với bà H là có cơ sở; do đó cần giữ nguyên bản án sơ thẩm như đề nghị của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa. Tuy nhiên về căn cứ cho ly hôn bản án sơ thẩm căn cứ vào quy định tại Khoản 2 Điều 56 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, nội dung quy định về trường hợp cho ly hôn do vợ hoặc chồng của người xin ly hôn bị tòa án tuyên bố mất tích là không chính xác, vì vậy Hội đồng xét xử phúc thẩm điều chỉnh cho phù hợp, tòa sơ thẩm cần rút kinh nghiệm về việc này.

Về con chung, tài sản chung bà H không yêu cầu gì nên không xét. Về nợ chung bà H khai không có.

[4] Về án phí:

Ông T phải chịu án phí dân sự sơ thẩm về việc ly hôn, theo quy định pháp luật; án phí dân sự phúc thẩm: Do giữ nguyên bản án sơ thẩm nên người kháng cáo phải chịu án phí, theo quy định pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ Điều 147, Điều 138, Khoản 3 Điều 296, Điều 306 và Khoản 1 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Khoản 1 Điều 56, Điều 57, Điều 58, Điều 81, Điều 82, Điều 83 và Điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014;

Căn cứ Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã sửa đổi, bổ sung năm 2014;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Về hình thức: Chấp nhận đơn kháng cáo của bà H về mặt hình thức.

- Về nội dung: Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của H. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 1040/2017/HNGĐ-ST ngày 03/8/2017 của Tòa án nhân dân quận C, Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. Về quan hệ vợ chồng: Ông T được ly hôn với bà H. Giấy chứng nhận kết hôn số 14, quyển số 06 do Ủy ban nhân dân xã D, huyện E, tỉnh F cấp cho ông T và bà H vào ngày 20/4/2004 hết hiệu lực.

2. Về con chung: Ông T và bà H có 02 con chung tên G (nam), sinh ngày 13/11/1994 đã trưởng thành và H1 (nữ), sinh ngày 22/8/2002. Giao cho bà H trực tiếp nuôi trẻ H1 đến tuổi trưởng thành, ông T tự nguyện cấp dưỡng nuôi con3.000.000đ/tháng; Thực hiện cấp dưỡng nuôi con ngay sau khi án có hiệu lực pháp luật đến khi con chung tròn 18 tuổi.

Ông T có quyền, nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc và giáo dục con mà không ai được cản trở.

Người không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.

Trên cơ sở lợi ích của con, theo yêu cầu của cha, mẹ hoặc cá nhân, tổ chức, Tòa án có thể quyết định thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng nuôi con có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng nuôi con do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan Thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Khoản 2 Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015.

3. Về tài sản chung: Tự thỏa thuận, không yêu cầu tòa án giải quyết.

4. Về nợ chung: Bà H khai không có.

5. Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế theo quy định tại Điều 6, Điều 7 và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành được thực hiện tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

6. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

224
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 1107/2017/HNGĐ-PT ngày 06/12/2017 về ly hôn

Số hiệu:1107/2017/HNGĐ-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hồ Chí Minh
Lĩnh vực:Hôn Nhân Gia Đình
Ngày ban hành: 06/12/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về