TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 110/2019/DS-PT NGÀY 10/10/2019 VỀ TRANH CHẤP THỪA KẾ TÀI SẢN
Ngày 10 tháng 10 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự phúc thẩm thụ lý số 106/2019/DS-PT ngày 04 tháng 9 năm 2019 về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”. Do Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DSST ngày 04/07/2019 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng cáo, kháng nghị.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 132/2019/QĐPT-DS ngày 30 tháng 9 năm 2019, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1962, địa chỉ: Tổ 4, ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt).
- Bị đơn: Ông Nguyễn Văn Đ, sinh năm 1968, địa chỉ: Tổ 4, ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông Nguyễn Văn Đ: Ông Phạm Trọng Ê, sinh năm 1972, địa chỉ: Công ty Luật TNHH MTV Bình Phước, đường Phạm Viết Chánh, khu phố D, thị trấn E, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập: Ông Nguyễn Văn K, sinh năm 1961, địa chỉ: Tổ 4, ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt).
Người đại diện theo ủy quyền của ông K: Ông Đỗ Văn T, sinh năm 1962, địa chỉ: Ấp 1, xã G, huyện H, tỉnh Bình Dương (có mặt).
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác:
1. Bà Huỳnh Thị Nhanh E, sinh năm 1976, địa chỉ: Tổ 4, ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt).
2. Ông Nguyễn Văn H, sinh năm 1969, địa chỉ cư trú: Tổ 4, ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt).
- Người làm chứng:
1. Ông Nguyễn Văn H1, sinh năm 1951 (xin vắng mặt).
2. Ông V Quang M, sinh năm 1967 (có mặt).
3. Ông Nguyễn Văn V, sinh năm 1965 (có mặt).
Cùng trú tại: Tổ 4, ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước.
- Người kháng cáo: Bị đơn ông Nguyễn Văn Đ.
- Người kháng nghị: Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Trong đơn khởi kiện ngày 27 tháng 6 năm 2018, quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn bà Nguyễn Thị H trình bày:
Mẹ của bà H là cụ Nguyễn Thị S, sinh năm 1937 (chết ngày 22 tháng 3 năm 2018 âm lịch), và cha là cụ Nguyễn Văn C (chết năm 1964) có 02 con là bà Nguyễn Thị H và Ông Nguyễn Văn K. Ngoài ra, cụ S còn có 02 người con là ông Nguyễn Văn Đ và ông Nguyễn Văn H với người chồng sau là cụ Nguyễn Văn Đ1. Ngoài ra cụ S không còn người con nào khác. Cha mẹ của cụ S cũng đã chết hiện không còn ai. Năm 2018 cụ S chết, khi chết cụ S có để lại tài sản là thửa đất có diện tích 39.661,7 m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH -02676, mang tên bà Nguyễn Thị S và toàn bộ tài sản gắn liền với đất là cây cao su. Hiện nay ông Đ và vợ là bà Huỳnh Thị Nhanh E đang quản lý diện tích đất nói trên và khai thác mủ cao su, do cụ S chết không để lại di chúc, do đó bà H yêu cầu Tòa án nhân dân huyện C chia di sản thừa kế của cụ S để lại là thửa đất nói trên và toàn bộ tài sản gắn liền với đất là cây cao su, chia làm 04 phần bằng nhau, bà H yêu cầu được hưởng một phần di sản nói trên bằng hiện vật.
Đối với số tiền tiết kiệm của cụ S là 1.600.000.000 đồng gửi tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, bà H rút yêu cầu khởi kiện chia di sản đối với số tiền này vì bà xác định hiện nay cụ S không còn số tiền này trong ngân hàng nữa.
Ngoài ra, bà H không có ý kiến hay yêu cầu nào khác.
* Quá trình giải quyết vụ án bị đơn ông Nguyễn Văn Đ trình bày:
Ông Đ thừa nhận thửa đất có diện tích 39.661,7 m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH - 02676, mang tên bà Nguyễn Thị S là di sản thừa kế của cụ S để lại khi chết và chưa được phân chia cho ai. Đối với cây cao su trên thửa đất nói trên là tài sản của ông Đ, không phải là tài sản của cụ S, cụ S cho ông Đ trồng cây trên đất, ông Đ không nhớ trồng năm nào nhưng ông Đ là người trực tiếp đi mua giống cây, làm đất, trồng, chăm sóc và khai thác từ khi trồng cây cho đến nay. Vì vậy, ông Đ yêu cầu Tòa án chia di sản của cụ S là quyền sử dụng đất đối với thửa đất có diện tích 39.661.7 m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, không chia tài sản là cây cao su trên đất.
Về cách thức chia, ông Đ yêu cầu chia di sản thừa kế của cụ S là thửa đất nói trên thành 05 phần, gồm ông Đ và bà H, ông K, ông H mỗi người một phần và một phần để ông Đ quản lý, sử dụng để lo thờ cúng.
Đối với việc bà H, ông K rút yêu cầu khởi kiện về số tiền 1.600.000.000đồng thì ông Đ không có ý kiến gì. Ngoài ra, ông Đ không có ý kiến hay yêu cầu nào khác.
* Tại đơn yêu cầu độc lập ngày 12/7/2018, trong quá trình giải quyết người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ông Nguyễn Văn K trình bày:
Cụ Nguyễn Thị S có 04 người con là ông Nguyễn Văn Đ, ông Nguyễn Văn H, bà Nguyễn Thị H và Ông Nguyễn Văn K. Năm 2018, cụ S chết và có để lại tài sản là thửa đất có diện tích 39.661.7 m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH - 02676, mang tên bà Nguyễn Thị S và toàn bộ tài sản gắn liền với đất là cây cao su. Khi cụ S chết không để lại di chúc định đoạt tài sản cho ai nên ông K yêu cầu chia di sản thừa kế đối với tài sản nêu trên 04 phần bằng nhau, yêu cầu được nhận 01 phần bằng tài sản.
Đối với số tiền tiết kiệm của cụ S là 1.600.000.000 đồng gửi tại Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam, ông K rút yêu cầu khởi kiện chia di sản đối với số tiền này vì ông xác định hiện nay cụ S không còn số tiền này trong ngân hàng nữa.
* Trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn H trình bày:
Cụ Nguyễn Thị S, có 04 người con là ông Nguyễn Văn H, Ông Nguyễn Văn K, ông Nguyễn Văn Đ, bà Nguyễn Thị H, cha ông Hvà ông Đ là ông Nguyễn Văn Đ1 đã chết từ trước năm 1975. Năm 2018 cụ S chết, không có di chúc, trước khi chết cụ S có tài sản là thửa đất có diện tích 39.661,7m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số CH -02676, mang tên bà Nguyễn Thị S và toàn bộ tài sản gắn liền với đất là cây cao su. Hiện nay vợ chồng ông Đ, bà Nhanh E đang quản lý tài sản này, cuối năm 2018 ông Đ có chia cho ông Hkhoảng 300 cây cao su để khai thác mủ, phần còn lại do ông Đ đang khai thác. Ông Hkhông yêu cầu Tòa án phân chia di sản thừa kế của cụ Nguyễn Thị S đối với thửa đất có diện tích 39.661,7m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước như nói trên. Trường hợp, sau khi Tòa án giải quyết xong vụ án ông Đ cho ông H được bao nhiều phần thì nhận, ông H không có tranh chấp, không yêu cầu Tòa án phân chia di sản của cụ S trong vụ án này.
Ngoài ra, ông H không có ý kiến hay yêu cầu nào khác.
*Trong quá trình giải quyết vụ án người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan bà Huỳnh Thị Nhanh E trình bày:
Bà Huỳnh Thị Nhanh E chung sống và kết hôn với ông Đ vào năm 2006, có làm thủ tục kết hôn theo quy định của pháp luật tại Ủy ban nhân dân xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước. Khi về chung sống với ông Đ tại căn nhà trên thửa đất của ông Đ được cụ S tặng cho và đang làm thủ tục để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cụ S cũng ở cùng cho đến khi cụ S chết. Khi về chung sống bà cùng ông Đ phụ chăm sóc và thu hoạch mủ cao su trên thửa đất có diện tích 39.661,7m2 thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45, đất tại: Ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ CH 02676 do Ủy ban nhân dân huyện C cấp ngày 11/9/2015 mang tên bà Nguyễn Thị S, tiền thu được thì vợ chồng bà Nhanh E, ông Đ đưa cho cụ S cất giữ và quản lý. Việc tranh chấp di sản thừa kế của bà H, ông K thì bà E không có ý kiến gì.
Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DSST ngày 04/7/2019, Tòa án nhân dân huyện C đã tuyên xử:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị H và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn K về việc “Tranh chấp về thừa kế tài sản”.
Chia giao cho bà H được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 9827.3 m2, có tứ cận như sau: Phía Tây giáp với phần đất giao cho ông Đ quản lý, sử dụng; Phía Đông giáp các thửa đất số 27, 34 (Thửa đất số 34 của bà H) và 36; Phía Nam giáp với đương đất và Phía Bắc giáp với phần đất chia giao cho ông Đ quản lý, sử dụng và toàn bộ tài sản gắn liền với đất.
Chia giao cho ông Đ được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 9924.3 m2, có tứ cận như sau: Phía Đông giáp với các thửa đất chia giao cho ông K; Phía Tây giáp với thửa đất số 36; Phía Nam giáp với phần đất giao cho ông Đ quản lý, sử dụng và phía Bắc giáp suối và toàn bộ tài sản gắn liền với đất Chia giao cho ông K được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 9972.0 m2, có tứ cận như sau: Phía Đông giáp với các thửa đất số 09 (Thửa đất số 09 của ông K) và 19; Phía Tây giáp với phần đất chia giao cho ông Đ quản lý, sử dụng; Phía Bắc giáp suối và phía Nam giáp với thửa đất số 19 và toàn bộ tài sản gắn liền với đất Giao cho ông Đ được quyền quản lý, sử dụng phần đất có diện tích 9.938,1 m2, có tứ cận như sau: Phía Đông giáp với thửa đất số 19; Phía Tây giáp với phần đất chia giao cho bà H quản lý, sử dụng; Phía Bắc giáp phần đất chia giao cho ông Đ quản lý, sử dụng và phía Nam giáp với đường đất và toàn bộ tài sản gắn liền với đất.
Các phần đất nói trên là phần diện tích đất nằm trong tổng diện tích 39661.7m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45, đất đã được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số H-02676, cấp ngày 11/9/2015 mang tên bà Nguyễn Thị S và tài sản gắn liền với đất là cây cao su (Có sơ đồ đất kèm theo).
Bà Nguyễn Thị H có nghĩa vụ thanh toán cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền là: 79.244.860đồng.
Ông Nguyễn Văn K có nghĩa vụ thanh toán cho ông Nguyễn Văn Đ số tiền là: 109.427.860đồng.
Các đương sự có quyền và nghĩa vụ liên hệ với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về quản lý đất đai để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật theo đúng với phần diện tích đất đã được chia giao.
Đình chỉ yêu cầu phân chia di sản thừa kế của cụ S đối với số tiền 1.600.000.000đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí, chi phí tố tụng khác, nghĩa vụ thi hành án và quyền kháng cáo của các bên đương sự.
Ngày 17/7/2019, bị đơn ông Nguyễn Văn Đ kháng cáo bản án sơ thẩm đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm theo hướng bác toàn bộ yêu cầu phân chia thừa kế của nguyên đơn bà Nguyễn Thị H và yêu cầu cầu độc lập của Ông Nguyễn Văn K vì bà Nguyễn Thị S đã lập di chúc ngày 30/12/2004 để lại toàn bộ tài sản thừa kế cho ông Đ.
Ngày 01/8/2019, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước ban hành Quyết định kháng nghị số 08/QĐ/KNPT-VKS yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm sửa một phần bản án sơ theo hướng sửa lại cách tuyên án cho phù hợp quy định của pháp luật và đảm bảo cho công tác thi hành án, theo đó cần tuyên “tạm giao” cho ông Đ được quyền quản lý, sử dụng phần di sản thừa kế ông H được nhận chứ không phải tuyên “chia giao” như bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tại cấp phúc thẩm, người làm chứng ông Nguyễn Văn H1 cung cấp cho Tòa án bản gốc tờ di chúc đề ngày 30/12/2004 của bà Nguyễn Thị S và trình bày: Vào ngày 30/12/2004 tại nhà bà Nguyễn Thị S, cùng 04 người con là bà Nguyễn Thị H, Ông Nguyễn Văn K, ông Nguyễn Văn H, ông Nguyễn Văn Đ thống nhất lập di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Văn Đ. Khi lập di chúc thì ông V Quang M khi đó là Công an viên của xã B là người viết di chúc thay cho bà S vì bà S không biết chữ, ông H1 khi đó là ấp phó của thôn và ông Nguyễn Văn V là dân quân cùng chứng kiến việc lập di chúc này. Khi lập di chúc có mặt tất cả các con của bà S là ông H, ông K, ông Đ và bà H. Sau khi ông M viết xong bản di chúc thì bà S, ông K, bà H và ông H1 ký vào bản di chúc, còn ông H có mặt nhưng không ký vì vợ ông H nói ông H đã được cho đất rồi nên không cần phải ký nữa. Ông V có mặt nhưng nghĩ ông H1 đã ký tên nên ông V không ký tên vào bản di chúc này. Từ năm 2004 cho đến nay ông H1 là người giữ bản di chúc trên cho bà S.
Người làm chứng ông Văn Quang M trình bày: Ông là người viết bản di chúc ngày 30/12/2004 tại nhà bà Nguyễn Thị S, khi đó ông là Công an viên của xã B. Khi lập di chúc có mặt bà S và tất cả các con của bà S là bà H, ông Đ, ông K, ông H và có ông Nguyễn Văn H1- ấp phó, ông Nguyễn Văn V là dân quân chứng kiến. Ông M chỉ viết giùm cho bà S bản di chúc nên không ký tên người chứng kiến còn việc sau khi ông M viết xong thì các bên ký như thế nào thì ông M không rõ.
Người làm chứng ông Nguyễn Văn V trình bày: Ngày 30/12/2004 tại nhà bà Nguyễn Thị S thì bà S và các con bà S là bà Nguyễn Thị H, Ông Nguyễn Văn K, ông Nguyễn Văn H, ông Nguyễn Văn Đ có nhờ ông M viết di chúc để lại tài sản là quyền sử dụng đất cho ông Đ. Khi lập bản di chúc thì có bà S, ông K, ông H, ông Đ, bà H, ông Nguyễn Văn H1, ông Văn Quang M. Sau khi ông M viết di chúc xong thì bà S cùng các con của bà S và ông H1 ký tên vào di chúc. Ông V không ký vào bản di chúc vì ông V chỉ đi cùng ông H1, ông M, hơn nữa đã có ông H1 ký người làm chứng.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Bị đơn ông Đ giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.
- Đại diện Viện kiểm sát giữ nguyên nội dung kháng nghị và nêu quan điểm:
Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán và Hội đồng xét xử, kể từ khi thụ lý vụ án và tại phiên toà, Thẩm phán và Hội đồng xét xử tuân thủ đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về hướng giải quyết vụ án: Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Văn Đ, chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước, sửa bản án sơ thâm theo hướng tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị H và yêu cầu độc lập của Ông Nguyễn Văn K.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Căn cứ vào các chứng cứ, tài liệu có tại hồ sơ vụ án được thẩm tra công khai tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[1] Tại phiên tòa hôm nay, các bên đương sự đều xác nhận di sản thừa kế bà Nguyễn Thị S để lại sau khi chết là diện tích đất 39.661,7m2, thuộc thửa đất số 23, tờ bản đồ số 45 tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, đất đã được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BX 775706, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số: H-02676 cho bà Nguyễn Thị S vào ngày 11/9/2015; Nguồn gốc đất là do bà S tự khai phá từ năm 1975 được sử dụng ổn định từ đó đến nay; Đồng thời, các bên cũng thừa nhận ông Nguyễn Văn Đ từ nhỏ đến khi lấy vợ, sinh con đều sinh sống cùng với bà S và cùng bà S lấy hoa lợi thu được từ vườn cây cao su trên diện tích đất do bà S để lại làm nguồn sống; Ngày 07/5/2018 bà S chết, ông Đ là người đứng ra lo ma chay và thực hiện việc thờ cúng bà S. Theo quy định tại Điều 92 Bộ luật tố tụng dân sự thì những nội dung trên được xác định là sự thật không cần phải chứng minh.
[2] Xét yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị H và yêu cầu độc lập người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ông Nguyễn Văn K về việc những người này yêu cầu mỗi người được chia nhận ¼ di sản do bà S để lại, thấy rằng:
[3] Bà H và ông K cho rằng khi chết bà S không để lại di chúc. Tuy nhiên, quá trình giải quyết tại cấp phúc thẩm người làm chứng ông Nguyễn Văn H1 cung cấp cho Tòa án bản di chúc do bà S lập ngày 30/12/2004 có nội dung: “Tôi tên Nguyễn Thị S SN 1937. Nay tôi làm giấy di chúc này kính đến các cơ quan ban ngành nghiên cứu và giúp đỡ cho tôi được êm xuôi thì tôi xuôi tay nhắm mắt qua đời. Nguyên tôi có 4 người con.
1. Nguyễn Văn Kia SN 1958
2.Nguyễn Thị H SN 1962
3.Nguyễn Văn H SN 1968
4.Nguyễn Văn Đ SN 1967
Nguyên nhân khi con tôi lớn lên xây dựng gia đình là Nguyễn Văn K tôi cho 01 mẫu đất và ở riêng. Con Nguyễn Thị H tôi cho 2 mẫu đất. Con Nguyễn Văn H tôi cho 2 mẫu đất, 1 chỉ vàng 9999 + 1 con trâu + 5 phân, còn mượn tôi 2,5 triệu, tôi cho 500.000đ. Phần còn lại tôi để cho con tôi là Nguyễn Văn Đ cùng sống chung gia đình với tôi chỉ có hai mẹ con. Nếu sau này tôi có qua đời thì nhờ cơ quan các cấp nghiên cứu và giúp đỡ cho tôi và con tôi là Nguyễn Văn Đ không được hạn hẹp trong khoảng anh em giành lấn. Giấy này có giá trị từ ngày tôi viết tờ di chúc này…”.
Dưới mục “Người viết di chúc” là chữ ký của bà Nguyễn Thị S, chữ ký xác nhận người làm chứng của ông Nguyễn Văn H1 dưới mục “Phó khu phố” và chữ ký xác nhận của bà Nguyễn Thị H, Ông Nguyễn Văn K.
Xét hiệu lực của di chúc ngày 30/12/2004:
[4] Về hình thức của bản di chúc: Giấy di chúc ngày 30/12/2004 do ông V Quang M viết thay cho bà Nguyễn Thị S có sự chứng kiến của ông Nguyễn Văn H1, ông Văn Quang M, ông Nguyễn Văn V. Theo quy định tại Điều 659 Bộ luật dân sự năm 1995 thì “Trong trường hợp người lập di chúc không thể tự mình viết bản di chúc, thì có thể nhờ người khác viết, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc”.
[5] Các bên đều xác nhận vào thời điểm bà S lập di chúc: Ông H1 là Phó trưởng khu phố nơi bà S sinh sống, ông M là Công an viên tại xã còn ông V là Dân quân thuộc Tổ bảo vệ dân phố. Những người này đều cam đoan việc bà S lập di chúc là sự tự nguyện, khi đó sức khỏe bà S hoàn toàn khỏe mạnh, minh mẫn, tỉnh táo, việc lập di chúc cũng không bị ai ép buộc, lừa dối và bản thân các ông đến nay cũng không có mâu thuẫn gì với bà S và tất cả các con của bà.
[6] Về việc trong bản di chúc chỉ có chữ ký làm chứng của ông Nguyễn Văn H1 mà không có chữ ký của ông M và ông V: Quá trình lấy lời khai của ông H1 và lời trình bày của ông M và ông V thì cả ba ông đều khẳng định việc ông M và ông V chỉ viết giùm và làm chứng việc lập di chúc mà không ký vào bản di chúc là vì lúc đó ông M, ông V nghĩ ông H1 là Ấp trưởng đã ký vào rồi thì các ông không cần ký nữa. Tuy nhiên, những người làm chứng này đều khẳng định khi đó có mặt cả ông K và bà H, thực tế ông K và bà H cũng là những người ký vào di chúc.
[7] Xét tại phiên tòa, bà H thì không thừa nhận chữ ký trong bản di chúc là của bà, còn ông K thừa nhận chữ ký trong bản di chúc là của ông. Đồng thời, cả bà H và ông K đều cho rằng trước đây ông bà chỉ ký vào giấy để mẹ bán ruộng chứ không ký vào bản di chúc nào. Xét lời trình bày của bà H và ông K là không phù hợp vì bà H, ông K không có chứng cứ chứng minh cho lời trình bày của mình là đúng, bên cạnh đó khi được hỏi ý kiến thì bà H lại không yêu cầu giám định đối với chữ ký của mình trong bản di chúc.
[8] Từ những nhận định trên,có căn cứ xác định bản di chúc ngày 30/12/2004 là di chúc bằng văn bản có người làm chứng phù hợp quy định tại Điều 659 Bộ luật dân sự năm 1995.
[9] Về nội dung di chúc: Tại tòa, các bên đương sự đều xác định vào thời điểm năm 2004 bà S có hai diện tích đất là thửa đất các bên đang tranh chấp do bà S đứng tên và diện tích 25.664,5m2 mà ông Đ đang đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Cả hai thửa đất này vào thời điểm năm 2004 đều chưa được cấp quyền sử dụng đất, đến năm 2014 thì bà S đi làm thủ tục đăng ký cấp quyền sử dụng đất để bà S đứng tên trên diện tích 39.661,7m2 và cho ông Đ đứng tên 25.664,5m2 (thửa này ông Đ làm thủ tục xin đăng ký cấp quyền sử dụng đất từ năm 2014 nhưng đến tháng 5/2019 ông mới được cấp). Tuy nhiên, hiện nay các bên xác định chỉ tranh chấp đối với diện tích 39.661,7m2 mà bà S đứng tên.
[10] Phía bị đơn ông Đ và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan bà E cho rằng: Năm 2006 ông Đ cưới bà E, vợ chồng tiếp tục chung sống cùng bà S. Toàn bộ vườn cây cao su trên hai thửa đất là do vợ chồng ông bà cùng bà S trồng. Sau này khi được thu hoạch cao su, do sống cùng mẹ nên mọi lợi nhuận thu được mẹ (bà S) đều giữ và lấy ra để chi phí cho sinh hoạt gia đình cũng như chi phí chăm sóc vườn cây. Khi còn sống bà S vẫn nói bà cho ông Đ cả hai diện tích đất. Việc vào năm 2014 bà S đi đăng ký cấp quyền sử dụng đất nhưng bà chỉ cho ông Đ đứng tên trên diện tích 25.664,5m2 còn diện tích 39.661,7m2 bà S đứng tên là do bà S muốn giữ cho ông Đ nếu để ông Đ đứng tên thì bà S sợ bà E xúi giục ông Đ bán mất đất do ông Đ không phải là người nhanh nhẹn như người khác. Còn bà H và ông K cho rằng, khi bà S còn sống vợ chồng ông Đ không làm gì trên vườn cây chỉ có bà S là người bỏ tiền ra thuê người khác làm về nuôi vợ chồng ông Đ, vợ chồng ông Đ chỉ phụ bà S chăm sóc, cạo mủ trên vườn.
[11] Xét thấy, mặc dù nội dung bản di chúc không thể hiện cụ thể phần tài sản mà bà S để lại cho ông Đ nhưng các bên đương sự đều công nhận vào thời điểm năm 2004 thì bà S có hai diện tích đất như đã nêu trên. Và theo lời trình bày của người làm chứng là ông H1, ông M, ông V thì tài sản mà bà S để lại cho ông Đ trong di chúc là toàn bộ phần đất mà bà S có vào thời điểm lập di chúc, bởi lẽ khi đó các ông có nghe nói bà S đã cho những người con khác là bà H, ông K, ông H mỗi người một phần riêng, bà S muốn để lại cho ông Đ toàn bộ tài sản vì ông Đ sống với bà S từ nhỏ lại là người sẽ thờ cúng cha mẹ sau này. Điều này cũng phù hợp với trình bày của ông H tại phiên tòa về việc ông xác nhận trước đây mẹ ông đã cho ông tài sản như nội dung bản di chúc đã ghi; phù hợp với trình bày mâu thuẫn của bà H về việc tại tòa bà cho rằng mẹ bà trước nay chưa cho bà đất như di chúc ghi nhưng lại thừa nhận tại Biên bản lấy lời khai ngày 13/9/2019 và tại phiên tòa là “trước mẹ tôi có cho tôi một cái nền”; phù hợp với lời trình bày của ông K về việc ông xác nhận trước mẹ ông có cho ông một diện tích đất mà mẹ ông đã “rìa” (bao chiếm); phù hợp với lời trình bày của bà E và ông Đ về lý do bà S chỉ cho ông Đ đăng ký cấp quyền sử dụng đất chỉ với diện tích 25.664,5m2 vào năm 2014; phù hợp với thực tế mà chính các bên đương sự đều xác nhận là từ nhỏ tới nay chỉ có ông Đ là sinh sống cùng bà S, chăm sóc bà S khi ốm đau, lo ma chay cho bà S khi bà chết và thờ cúng sau khi bà S chết; phù hợp với mong muốn của bà S ghi trong di chúc: “...Phần còn lại tôi để cho con tôi là Nguyễn Văn Đ cùng sống chung gia đình với tôi chỉ có hai mẹ con.............nhờ cơ quan các cấp nghiên cứu giúp đỡ cho tôi và con tôi là Nguyễn Văn Đ không được hạn hẹp trong khoảng anh em giành lấn.”
[12] Về trình bày của người đại diện theo ủy quyền của của ông K cho rằng mặc dù ngày 30/12/2004 bà S lập di chúc để lại toàn bộ hai thửa đất cho ông Đ nhưng việc vào năm 2014, khi làm thủ tục đăng ký cấp quyền sử dụng đất, bà S không cho ông Đ đứng tên toàn bộ trên cả hai thửa mà chỉ cho ông Đ đứng tên một thửa, còn lại bà S vẫn đứng tên trên thửa 39.661,7m2, việc này thể hiện bà S đã tự thay đổi nội dung di chúc nên diện tích 39.661,7m2 mà bà S đứng tên là di sản thừa kế và phải được chia theo quy định của pháp luật. Xét trình bày này là không phù hợp bởi lẽ việc bà S có đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất này hay không thì cũng không làm thay đổi được ý chí của bà S muốn để lại tài sản này cho ai sau khi bà chết. Do bản di chúc ngày 30/12/2004 không có văn bản khác thay thế, sửa đổi nên di chúc này vẫn có hiệu lực pháp luật. Do đó, trình bày trên của người đại diện theo ủy quyền của ông K là không có căn cứ chấp nhận.
[13] Do đó, có căn cứ xác định diện tích 39661,7m2 đã được bà S định đoạt cho ông Đ theo di chúc lập ngày 30/12/2004, phù hợp với quy định tại Điều 649 Bộ luật dân sự năm 1995.
[14] Từ những phân tích nêu trên, đối chiếu quy định tại các điều 649, 650, 652, 653, 655, 656, 659 Bộ luật dân sự năm 1995 thì “Giấy di chúc” ngày 30/12/2004 của Nguyễn Thị S là hợp pháp. Do đó, việc bà Nguyễn Thị H và Ông Nguyễn Văn K yêu cầu chia di sản của bà S theo pháp luật là không có căn cứ nên không được chấp nhận, cần sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu khởi kiện, yêu cầu độc lập nên kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn Đ được chấp nhận.
[15] Xét kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước về việc đề nghị Tòa phúc thẩm sửa lại cách tuyên của bản án sơ thẩm, từ tuyên “chia giao” thành “tạm giao” cho ông Đ được quyền quản lý, sử dụng phần di sản thừa kế ông Hđược nhận: Xét thấy, nội dung kháng nghị trên là đúng, tuy nhiên do Tòa án cấp phúc thẩm sửa án sơ thẩm theo hướng không chấp nhận yêu cầu chia tài sản thừa kế của bà H, ông Đ nên việc tuyên án như kháng nghị nêu là không còn phù hợp nên kháng nghị không được chấp nhận.
[16] Về việc bà H và ông K rút yêu cầu chia thừa kế đối với số tiền 1.600.000.000đồng, Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ giải quyết, các đương sự không ai kháng cáo, kháng nghị nên Hội đồng xét xử không xem xét.
[17] Do sửa bản án sơ thẩm nên án phí sơ thẩm và chi phí tố tụng khác được tính lại như sau:
- Về án phí dân sự sơ thẩm: Ông Nguyễn Văn Đ không phải chịu; Bà Nguyễn Thị H phải chịu 300.000đồng; Ông Nguyễn Văn K phải chịu 300.000đồng.
- Chi phí đo đạc, xem xét, thẩm định tại chỗ, định giá tài sản là 14.375.288đồng (làm tròn thành 14.375.000đồng), Ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị H mỗi người phải chịu ½ tương ứng với 7.187.500đồng/người. Do bà H đã nộp toàn bộ số tiền 14.375.000 đồng nên ông K có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Nguyễn Thị H số tiền 7.187.500đồng.
[18] Quan điểm của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa về việc đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H và yêu cầu độc lập của ông K là có căn cứ nên được chấp nhận.
[19] Án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên ông Nguyễn Văn Đ không phải chịu.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật tố tụng dân sự; Chấp nhận kháng cáo của bị đơn ông Nguyễn Văn Đ;
Không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước.
Sửa Bản án dân sự sơ thẩm số 10/2019/DS-ST ngày 04/7/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước;
Áp dụng các điều 649, 650, 652, 653, 655, 656,659 Bộ luật dân sự năm 1995; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa 14 quy định về mức thu, miễn giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên:
1. Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị H và yêu cầu độc lập của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Ông Nguyễn Văn K về việc chia thừa kế đối với tài sản là diện tích đất 39661,7m2, tọa lạc tại ấp A, xã B, huyện C, tỉnh Bình Phước, đất đã được UBND huyện C cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số vào sổ cấp số H-02676, cấp ngày 11/9/2015 cho bà Nguyễn Thị S (đã chết ngày 07/5/2018).
2. Đình chỉ yêu cầu phân chia di sản thừa kế đối với số tiền 1.600.000.000đồng do bà H và ông K rút yêu cầu.
3. Chi phí tố tụng: Chi phí đo đạc, xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản là 14.375.288 đồng (làm tròn thành 14.375.000 đồng), Ông Nguyễn Văn K và bà Nguyễn Thị H mỗi người phải chịu ½ tương ứng với 7.187.500đồng/người. Do bà H đã nộp toàn bộ số tiền 14.375.000 đồng nên ông K có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Nguyễn Thị H số tiền 7.187.500đồng.
4. Án phí dân sự sơ thẩm:
Bà Nguyễn Thị H phải chịu 300.000 đồng, được khấu trừ vào số tiền 19.500.000 đồng tạm ứng án phí bà H đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009486 ngày 03/7/2018. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C hoàn trả cho bà H số tiền 19.200.000 đồng;
Ông Nguyễn Văn K phải chịu 300.000đồng, được khấu trừ vào số tiền 19.500.000 đồng tạm ứng án phí ông K đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009550 ngày 30/7/2018. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C hoàn trả cho ông K số tiền 19.200.000 đồng.
5. Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông Nguyễn Văn Đ không phải chịu. Chi cục Thi hành án dân sự huyện C hoàn trả cho ông Đ số tiền tạm ứng án phí 300.000 đồng đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0003680 ngày 17/7/2019.
Các phần quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 110/2019/DS-PT ngày 10/10/2019 về tranh chấp thừa kế tài sản
Số hiệu: | 110/2019/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 10/10/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về