TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 109/2019/HS-PT NGÀY 14/03/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Ngày 14/3/2019, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử công khai vụ án hình sự thụ lý số: 62/2019/TLPT-HS ngày 16/01/2019 đối với bị cáo Lê Minh P, do có kháng cáo của bị cáo và người bị hại đối với bản án hình sự sơ thẩm số 111/2018/HSST, ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk.
Bị cáo có kháng cáo: Lê Minh P, sinh năm 1981, tại thành phố Đà Nẵng; nơi cư trú: Thôn X, xã D, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Làm nông; trình độ học vấn: 09/12; con ông Lê Văn B và bà Nguyễn Thị C; có vợ là Võ Minh L và có 02 con, con lớn sinh năm 2008, con nhỏ sinh năm 2011; tiền án, tiền sự: Không. Bị cáo bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, kể từ ngày 06 tháng 9 năm 2018. Bị cáo hiện đang tại ngoại, có mặt.
- Người bị hại: Ông Võ Văn T, sinh năm 1973; nơi cư trú: Thị trấn E, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, có mặt.
- Người làm chứng: Chị Hứa Thị P1, sinh năm 1988. Nơi cư trú: Buôn B, xã E, huyện L, tỉnh Đắk Lắk, vắng mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Vào khoảng 8 giờ sáng ngày 26 tháng 5 năm 2018, Lê Minh P điều khiển xe mô tô đi từ nhà của mình đến địa phận Buôn C, xã S, huyện L, thì nhìn thấy chị Hứa Thị P1 và anh Võ Văn T đang đứng nói chuyện bên đường. P điều khiển xe mô tô đi đến gần thì nghe chị P1 hô to: “Cướp” đồng thời thấy anh T điều khiển xe mô tô chạy về hướng nghĩa địa buôn C, xã S nên P điều khiển xe mô tô đuổi theo rồi dùng chân đạp vào xe của anh T làm anh T ngã xuống đường thì P nhận ra anh T nên không đuổi nữa. Lúc này, chị P1 cũng vừa chạy đến. P hỏi chị P1 có chuyện gì, thì chị P1 nói T chặn lại đòi lấy điện thoại và hôm qua T còn đánh chị P1. Nghe vậy, P lấy một cây le ở nghĩa địa và cầm cây le đánh một cái trúng vào vùng đầu bên trái của anh T gây thương tích.
Tại bản kết luận pháp y thương tích số: 843/PY-TgT ngày 11/7/2018, của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk, kết luận: Võ Văn T bị đa thương phần mềm, tỉ lệ thương tật là 06 %, vật tác động cứng tày.
Đối với cây le mà Lê Minh P dùng để đánh anh Võ Văn T, P đã bỏ lại khu vực nghĩa địa buôn C, xã S. Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Ea H’Leo đã tiến hành truy tìm nhưng không có kết quả.
Quá trình giải quyết vụ án, người bị hại Võ Văn T yêu cầu bị cáo P bồi thường thiệt hại số tiền 53.200.000 đồng (năm mươi ba triệu hai trăm nghìn đồng). Bị cáo P đã tự nguyện bồi thường cho người bị hại số tiền 1.200.000 đồng (một triệu hai trăm nghìn đồng) để hỗ trợ tiền thuốc, tiền đi lại cho người bị hại. Người bị hại đồng ý nhận số tiền này.
Tại bản án hình sự sơ thẩm số 111/2018/HSST ngày 29/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện EaH’leo, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Tuyên bố: Bị cáo Lê Minh P phạm tội: “Cố ý gây thương tích”.
Áp dụng điểm a, i khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự; khoản 3 Điều 21, các điểm a, c khoản 1 Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH của Ủy ban thường vụ Quốc Hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Xử phạt: Bị cáo Lê Minh P 06 (sáu) tháng tù, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 48 Bộ luật hình sự; Các Điều 584, 585 và 590 Bộ luật dân sự năm 2015. Buộc bị cáo phải tiếp tục bồi thường số tiền còn lại cho ông Võ Văn T là 7.660.000 đồng (Bảy triệu sáu trăm sáu mươi nghìn đồng).
Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, án phí và quyền kháng cáo của bị cáo và các đương sự.
Ngày 10/12/2018 bị cáo Lê Minh P có đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo.
Ngày 11/12/2018, người bị hại anh Võ Văn T có đơn kháng cáo đề nghị HĐXX phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại vụ án
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình đúng như nội dung bản cáo trạng và bản án sơ thẩm đã nêu cũng như lời khai của của bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, tại cơ quan điều tra và vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, người bị hại cho rằng, chị Hứa Thị P1 đã có hành vi giúp sức bị cáo về mặt tinh thần nhưng không bị xử lý là bỏ lọt tội phạm; kết quả giám định thương tật không đúng với thương tích thực tế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người bị hại; cấp sơ thẩm cho rằng tang vật của vụ án là cây le là không đúng với thực tế sự việc vì thực tế bị cáo sử dụng côn để đánh anh T; về mức hình phạt 06 tháng tù đối với bị cáo là quá nhẹ và mức bồi thường như bản án sơ thẩm đã tuyên là không đúng với thực tế chi phí chữa trị của anh T. Do đó, anh T giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo đề nghị HĐXX hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại toàn bộ vụ án.
Đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự là có căn cứ pháp lý, đảm bảo đúng người, đúng tội. Tại cấp phúc thẩm bị cáo cung cấp tình tiết giảm nhẹ mới bị cáo đã bồi thường, khắc phục hậu quả cho bị hại, nên đề nghị Hội đồng xét xử xem xét theo quy định. Xét mức hình phạt 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xử phạt đối với bị cáo là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ hành vi phạm tội do bị cáo gây ra; các tình tiết giảm nhẹ đã được cấp sơ thẩm áp dụng đầy đủ, do đó không có căn cứ chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo.
Đối với kháng cáo của người bị hại thấy rằng: Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án, lời khai của bị cáo, bị hại, người làm chứng trong quá trình điều tra vụ án và tại phiên tòa, không có tài liệu chứng cứ nào xác định chị P1 đồng phạm đối với bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích”, cũng như công cụ bị cáo đánh bị hại là khúc côn, thương tích của bị cáo gây ra cho bị hại được thể hiện tại bệnh án, kết luận giám định và công văn trả lời của trung tâm giám định pháp y xác định tỷ lệ thương tích bị cáo gây ra cho bị hại là 06%. Bị hại cũng không cung cấp được tài liệu chứng cứ gì chứng minh cho kháng cáo của mình; mức án cấp sơ thẩm áp dụng với bị cáo là thỏa đáng. Do đó không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bị hại.
Tại phiên tòa người bị hại xin rút một phần kháng cáo đối với kháng cáo yêu cầu bị cáo tăng mức bồi thường cho bị hại, đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết theo quy định.
Từ phân tích, nhận định trên đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 355, Điều 356 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo và người bị hại - Giữ nguyên bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo.
Áp dụng điểm a, i khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự;
Xử phạt: Bị cáo Lê Minh P 06 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bị cáo không tranh luận, bào chữa gì chỉ đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo và cho bị cáo được hưởng án treo.
Người bị hại không đồng ý với quan điểm tranh luận của đại diện Viện kiểm sát, không tranh luận gì thêm.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, phù hợp với lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra, tại phiên tòa sơ thẩm và phù hợp với các tài liệu, chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy đã có đủ cơ sở để kết luận: Vào khoảng 08 giờ, ngày 26 tháng 5 năm 2018, mặc dù giữa bị cáo và người bị hại không có mâu thuẫn gì, song bị cáo Lê Minh P đã thực hiện hành vi dùng cây le là hung khí nguy hiểm đánh vào đầu anh Võ Văn T, gây thương tích cho anh T, với tỉ lệ tổn thương cơ thể được xác định là 06 %. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại điểm a, i khoản 1 Điều 134 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.
[2] Xét đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Hội đồng xét xử nhận thấy: Mức hình phạt 06 tháng tù mà Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử đối với bị cáo là tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo gây ra. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cấp sơ thẩm đã áp dụng đầy đủ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo. Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo đã tự nguyện bồi thường khắc phục toàn bộ hậu quả cho người bị hại (nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đắk Lắk, tại biên lai số AA/2013/13921 ngày 06/3/2019), đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, đo đó Hội đồng xét xử xét thấy cần giảm cho bị cáo một phần trách nhiệm hình sự để thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước. Bị cáo phạm tội với tình tiết định khung “có tính chất côn đồ”, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị quyết số 02/2018/NQ–HĐTP ngày 15/5/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng Điều 65 Bộ luật hình sự về án treo, bị cáo thuộc trường hợp không được hưởng án treo. Do đó, không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo.
Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Vì vậy cần áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo.
[3] Xét kháng cáo của người bị hại anh Võ Văn T, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[3.1] Anh T cho rằng, Tòa án cấp sơ thẩm đã bỏ lọt tội phạm đối với bà Hứa Thị P1: Theo lời khai của bị cáo, người bị hại, lời khai của chị P1 và các tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án xác định khi bị cáo đánh bị hại, chị P1 và bị cáo không có sự bàn bạc, trao đổi, thống nhất ý chí. Mặc dù chị P1 có nói với bị cáo việc bị hại có đánh chị P1, nhưng chị P1 không có mục đích đánh bị hại. Việc bị cáo gây thương tích cho bị hại là ngoài ý chí của chị P1, do đó không có căn cứ xác định chị P1 đồng phạm với bị cáo trong vụ án.
[3.2] Công cụ bị cáo đánh bị hại là côn chứ không phải cây le. Ngoài lời khai của bị hại trong quá trình giải quyết vụ án thì bị hại không cung cấp được tài liệu chứng cứ xác định công cụ bị cáo dùng để gây thương tích cho bị hại là khúc côn. Mặt khác Cơ quan điều tra đã truy tìm hung khí bị cáo đã sử dụng gây thương tích cho bị hại nhưng không có kết quả. Do đó bị hại cho rằng công cụ bị cáo đánh bị hại là côn chứ không phải cây le là không có căn cứ.
Thương tích của bị hại trong bệnh án và giấy ra viện có ba vết thương, nhưng giám định bỏ qua một phần thương tích chưa được giám định dẫn đến % thương tích không đúng thực tế bị cáo đã gây ra. Sau khi nghiên cứu tài liệu có trong hồ sơ vụ án, căn cứ vào công văn số 45/CV-TTPY ngày 08/3/2019 của Trung tâm pháp y thuộc Sở y tế tỉnh Đắk Lắk, phúc đáp công văn số 104/CV-TA ngày 27/02/2019 của Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk, xác định:
Dấu vết tổn thương của nạn nhân Võ Văn T được thể hiện trong Hồ sơ Bệnh án sơ bộ số 5954/2018 của Bệnh viện đa khoa huyện L ghi nhận: Vết thương ở đỉnh đầu dài 4x1x1cm, xung quanh vết thương sưng nề, vết thương chảy máu nhiều; tại cánh tay phải có vết bầm tím dài # 5x1cm, ngực không thấy vết thương. Khám giám định tỷ lệ thương tích trên cơ thể bị hại Võ Văn T được ghi nhận cụ thể từng vết thương như sau: Sẹo nham nhở ở đỉnh #4cm; đau đầu. Định tỷ lệ tổn thương cơ thể là 06%; chấn thương cánh tay phải không để lại dấu tích, tỷ lệ tổn thương 00%; ngực không ghi nhận vết thương nên không định tỷ lệ. Kết luận đa thương phần mềm, có tỷ lệ 06% + 00% = 06%. Như vậy kháng cáo của bị hại cho rằng giám định bỏ qua một phần thương tích chưa được giám định dẫn đến % thương tích không đúng thực tế bị cáo đã gây ra, là không có căn cứ.
[3.3] Mức án cấp sơ thẩm xử đối với bị cáo là nhẹ. Như đã phân tích, đánh giá ở trên, sau khi cân nhắc tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra, cân nhắc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội. Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Do đó kháng cáo của bị hại về yêu cầu tăng hình phạt đối với bị cáo không có căn cứ chấp nhận.
[3.4] Xét kháng cáo của người bị hại về việc yêu cầu cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải tăng mức bồi thường cho người bị hại: Tại phiên tòa người bị hại đã rút kháng cáo đối với nội dung kháng cáo này. Do đó, căn cứ vào khoản 3 Điều 342; khoản 2 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự, đình chỉ xét xử một phần kháng cáo của người bị hại đối với nội dung kháng cáo: Yêu cầu cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải tăng mức bồi thường cho người bị hại.
[4] Về phần trách nhiệm dân sự: Khoản tiền tổn thất về tinh thần cấp sơ thẩm buộc bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 03 tháng lương cơ bản; tại thời điểm xét xử sơ thẩm mức lương cơ bản theo quy định là 1.390.000 đồng/tháng; cấp sơ thẩm áp dụng mức lương cơ bản để buộc bị cáo bồi thường cho bị hại với mức 1.300.000 đồng/tháng là chưa chính xác. Song, bị hại không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị đối với nội dung nói trên, nên không thuộc phạm vi giải quyết của cấp phúc thẩm. Tuy nhiên đây là thiếu sót cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
[5] Về án phí hình sự phúc thẩm: Do kháng cáo của bị cáo được chấp nhận một phần nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Kháng cáo của người bị hại không được chấp nhận, nên người bị hại phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ vào khoản 3 Điều 342; khoản 2 Điều 348 Bộ luật tố tụng hình sự; đình chỉ xét xử một phần kháng cáo của người bị hại đối với nội dung kháng cáo: Yêu cầu cấp phúc thẩm buộc bị cáo phải tăng mức bồi thường cho người bị hại.
[2] Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, điểm c khoản 2 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự;
Không chấp nhận kháng cáo của người bị hại anh Võ Văn T. Chấp nhận đơn kháng cáo của bị cáo Lê Minh P về phần hình phạt, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Minh P về biện pháp chấp hành hình phạt - Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 111/2018/HS-ST ngày 29/11/2018, của Tòa án nhân dân huyện Ea H’Leo, tỉnh Đắk Lắk về phần hình phạt.
[3] Áp dụng điểm a, i khoản 1 Điều 134; các điểm b, i, s khoản 1 Điều 51; Điều 54 Bộ luật Hình sự Xử phạt: Bị cáo Lê Minh P 03 (Ba) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”, thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.
[4] Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm đ khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Bị cáo Lê Minh P không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Người bị hại anh Võ Văn T phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự phúc thẩm.
[5] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. [6] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 109/2019/HS-PT ngày 14/03/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 109/2019/HS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 14/03/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về