Bản án 105/2019/HS-PT ngày 12/03/2019 về tội bắt giữ người trái pháp luật

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK

BẢN ÁN 105/2019/HS-PT NGÀY 12/03/2019 VỀ TỘI BẮT GIỮ NGƯỜI TRÁI PHÁP LUẬT

Ngày 12/3/2019, tại Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 427/2018/TLPT-HS ngày 14 tháng 12 năm 2018, do có kháng cáo của bị cáo Hà Văn C, người bị hại anh Đỗ Việt A đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HS-ST ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk.

Bị cáo có kháng cáo:

Hà Văn C, sinh ngày 20/6/1992 tại huyện B, tỉnh Hà Nam; Nơi cư trú và chỗ ở hiện nay: Thôn X, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: Y sĩ; trình độ văn hóa: 12/12; dân tộc: kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn T, sinh năm 1962 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1962; có vợ: Vũ Thị Q, sinh năm 1999 và có 02 con cùng sinh năm 2017; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo hiện đang tại ngoại, có mặt.

Bị cáo bị kháng cáo:

Hà Văn T, sinh năm 1962, tại huyện B, tỉnh Hà Nam; Nơi cư trú và chỗ ở hiện nay: Thôn X, xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk; nghề nghiệp: làm nông; trình độ văn hóa: 0/12; dân tộc: kinh; giới tính: Nam; tôn giáo: không; quốc tịch: Việt Nam; con ông Hà Văn Kh (chết) và bà Đào Thị M (chết); có vợ: Nguyễn Thị H, sinh năm 1962 và có 03 con, con lớn nhất sinh năm 1988, con nhỏ nhất sinh năm 1992; tiền án, tiền sự: Không; bị cáo hiện đang tại ngoại, có mặt.

- Người bào chữa cho bị cáo Hà Văn C:

+ Luật sư Lê Xuân Anh P – Luật sư thuộc chi nhánh Công ty Luật TNHH MTV T, đoàn luật sư H;

Địa chỉ: 159T, Tp. B, tỉnh Đăk Lăk; có mặt.

+ Luật sư Nguyễn Văn K – Luật sư thuộc chi nhánh Công ty Luật TNHH MTV T, đoàn luật sư H;

Địa chỉ: 159T, Tp. B, tỉnh Đăk Lăk; có mặt.

- Người bị hại có kháng cáo: Anh Đỗ Việt A, sinh năm 1996. Địa chỉ: Thôn Y, xã E, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, có mặt.

- Người làm chứng:

+ Bà Nguyễn Thị H;

Địa chỉ: Thôn X, xã C, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, có mặt.

+ Bà Nguyễn Thị H1;

Địa chỉ: Thôn A , xã E, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, có mặt.

+ Ông Trần Trung N;

Địa chỉ: Số 270N, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, có mặt.

+ Ông Lê Đình D;

Địa chỉ: Số 270N, thị trấn M, huyện M, tỉnh Đăk Lăk, vắng mặt.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào tháng 12/2017, vợ chồng ông Hà Văn T, bà Nguyễn Thị H cùng con trai là Hà Văn C đến tiệm cầm đồ 289 tại thị trấn M do anh Trần Trung N làm chủ để vay tiền. Đến ngày 09/01/2018, do đã quá hẹn trả tiền nhưng gia đình ông T không trả tiền cho anh N nên khoảng 15 giờ 30 phút cùng ngày, anh N điều khiển xe ô tô biển kiểm soát 47A-192.86 chở anh Lê Đình D và anh Đỗ Việt A đến nhà ông T tại thôn 09, xã C, huyện M để đòi tiền. Khi đến nhà thì có Hà Văn C và ông T đang ngồi coi ti vi ở trong nhà, còn bà H đang ở trên sân thượng. Khi vào nhà, anh N ông T khi nào trả nợ, thì ông T xin khất thêm vài ngày nữa nên anh N nói “vào đánh thằng già này”, anh Đỗ Việt A đi vào dùng tay giữ cổ áo ông T. C thấy vậy cầm chai thuỷ tinh dưới bàn ném về phía anh N, rồi cầm con dao nhảy lên bàn. Anh N và anh D thấy vậy nên bỏ chạy ra ngoài. Lúc này anh A và ông T đang giằng co nhau, C liền lao đến đâm anh A một nhát vào sườn, anh A bỏ chạy thì C đá vào chân làm anh A ngã xuống, C ngồi lên người anh A rồi tiếp tục dùng dao đâm anh A 02 nhát nữa vào sườn bên trái. Sau khi đâm anh A bị thương, C và ông T kéo anh A vào giữa nhà rồi C giữ tay anh A để ông T dùng dây điện thoại trói hai chân hai tay anh A lại với nhau. Lúc này bà H trên tầng thượng chạy xuống đóng cửa lại, anh D và anh N ở ngoài xô cửa vào thì bị bà H dùng đá ném trúng vào vùng mắt trái của anh D, sao đó anh D và anh N bỏ chạy, để xe ô tô lại trong sân nhà ông T. Sau đó, C gọi điện báo công an xã và đến khoảng 16 giờ cùng ngày Công an đến làm việc thì C mới cởi trói cho anh A. Sau đó anh A được mọi người đưa đi cấp cứu. Tiến hành kiểm tra xe ô tô 47A-192.86 phát hiện 02 cây kiếm và 01 cây gậy 03 khúc.

Tại bản kết luận giám định pháp y thương tích số 302/PY-TgT ngày 27/02/2018 của Trung tâm pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận: Anh Đỗ Việt A bị đa chấn thương vùng ngực trái, tràn máu màng phổi tỷ lệ thương tích 23%. Vết thương ngón 1 chân trái tỷ lệ thương tích 01%. Tổng tỷ lệ thương tích (tổn thương cơ thể) 24%. Vật tác động: Sắc nhọn.

Tại bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HS-ST ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M'Đrắk đã quyết định:

Tuyên bố bị cáo Hà Văn C phạm tội “ Có ý gây thương tích” và tội “Bắt giữ người trái pháp luật”. Bị cáo Hà Văn T phạm tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

- Căn cứ khoản 1 Điều 157; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự: Xử phạt bị cáo: Hà Văn C 06 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

- Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS:

Xử phạt bị cáo: Hà Văn C 02 (Hai) năm 03 (Ba) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng Điều 55 BLHS: Buộc bị cáo Hà Văn C phải chấp hành phạt chung cho cả hai tội là 02 năm 09 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Căn cứ khoản 1 Điều 157; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo: Hà Văn T 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 năm, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, ngày 06/11/2018.

Ngoài ra bản án còn tuyên về xử lý vật chứng, trách nhiệm dân sự, về án phí và quyền kháng cáo.

Ngày 06/11/2018, bị hại anh Đỗ Việt A kháng cáo bản án sơ thẩm với nội dung: Đề nghị xem xét tăng hình phạt cho các bị cáo, tăng mức bồi thường trách nhiệm dân sự. Ngày 15/01/2019, bị hại rút một phần kháng cáo về về phần trách nhiệm dân sự chỉ kháng cáo về phần hình phạt.

Ngày 09/11/2018, bị cáo Hà Văn C kháng cáo với nội dung xin giảm nhẹ hình phạt và xem xét cho bị cáo được hưởng án treo.

Tại phiên tòa bị cáo Hà Văn C vẫn giữ nguyên nội dung đơn kháng cáo, trước khi mở phiên tòa người bị hại đã rút một phần kháng cáo yêu cầu tăng mức bồi thường, giữ nguyên nội dung kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo.

Đại diện Viện kiểm sát đã phân tích, đánh giá tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo và cho rằng Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Hà Văn C về tội “ Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134; xét xử các bị cáo Hà Văn C và Hà Văn T về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

- Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Hà Văn C: Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo C 06 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, 02 năm 03 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi và hậu quả do bị cáo gây ra. Tuy nhiên tại phiên toà bị cáo cung cấp thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới, đó là các biên lai thu tiền do bị cáo đã khắc phục hậu quả cho người bị hại. Vì vậy cần xem xét giảm một phần trách nhiệm hình sự cho bị cáo đối với tội Cố ý gây thương tích, giữ nguyên hình phạt đối với bị cáo C về tội “bắt giữ người trái pháp luật”. Hành vi của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, do đó cần cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian để bị cáo cải tạo, rèn luyện mình trở thành công dân tốt. Vì vậy chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo – Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HS-ST ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk về hình phạt đối với bị cáo C về tội “Cố ý gây thương tích”.

- Đối với kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo Hà Văn C và bị cáo Hà Văn T của người bị hại: Cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo T 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo, bị cáo C 06 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội do các bị cáo đã gây ra cho người bị hại. Như đã phân tích ở trên, kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo C về tội “cố ý gây thương tích” có căn cứ để chấp nhận, nên không có căn cứ để chấp nhận kháng cáo tăng hình phạt đối với bị cáo C và bị cáo T của người bị hại.

- Đối với kháng cáo về trách nhiệm dân sự của người bị hại: Tại cấp phúc thẩm người bị hại đã rút một phần kháng cáo đối với kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét về trách nhiệm dân sự theo hướng tăng số tiền bồi thường thiệt hại cho bị hại. Do đó Toà án đã đình chỉ xét xử một phần đối với nội dung kháng cáo của bị hại về trách nhiệm dân sự, nên không xem xét.

Nhận thấy bị hại không có quan hệ hay mâu thuẫn gì với các bị cáo, nhưng đã đến nhà các bị cáo gây sự và đánh bị cáo T, do đó bị cáo C bị kích động về tinh thần do bị hại đã có hành vi trái pháp luật với ông T (Bố của bị cáo), bị cáo T bị kích động về tinh thần do bị hại đã có hành vi trái pháp luật với bị cáo, nên bị cáo đã trói và giữ bị cáo T. Song cấp sơ thẩm không áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 BLHS đối với các bị cáo, nên cần áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự này cho các bị cáo.

Từ phân tích trên để nghị Hội đồng xét xử căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hà Văn C về phần trách nhiệm hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hà Văn C về phần biện pháp chấp hành hình phạt. Không chấp nhận kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự của người bị hại Đỗ Việt A đối với bị cáo Hà Văn T và bị cáo Hà Văn C – Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HS-ST ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, về hình phạt đối với bị cáo Hà Văn C.

[2] Căn cứ khoản 1 Điều 157; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo: Hà Văn C 06 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

- Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS: Xử phạt bị cáo: Hà Văn C 02 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự: Buộc bị cáo Hà Văn C phải chấp hành phạt chung cho cả hai tội là 02 năm 06 tháng tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

Luật sư Lê Xuân Anh P trình bày: Bị cáo C phạm tội do bị kích động mạnh về tinh thần do có hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra theo quy định tại Điều 135 BLHS, bởi lẽ sự việc diễn ra không chỉ vào ngày 09/01/2018, mà trước đó vào ngày 25/12/2017 thì bị cáo chứng kiến C mẹ bị cáo khóc xin anh D và N giảm lãi suất số tiền 130.000.000 đồng cho khoản vay 600.000.000 đồng, chính bản thân bị cáo phải ký khoản nợ thay cho mẹ bị cáo là 470.000.000 đồng, tiếp đến ngày 09/01/2018 anh N đến nhà bố bị cáo là ông Hà Văn T để đòi nợ, ông T xin khất thêm vài ngày nữa nên anh N nói “vào đánh thằng già này”, lập tức Nguyễn Việt A đi vào dùng tay giữ cổ áo ông T, nên xâu chuỗi các sự việc có thể thấy sự đè nén về tinh thần lâu ngày của bị cáo dẫn đến sự kích động về tinh thần. Hành vi của người bị hại và người làm chứng là anh N và anh D dùng kiếm đến đòi nợ đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản. Khi mà bị hại xông vào đánh bố bị cáo thì bị cáo mới bột phát đánh lại. Do đó, hành vi cướp tài sản của bị hại đủ kích động mạnh về tinh thần dẫn đến việc bị cáo gây thương tích cho bị hại. Thương tích bị cáo gây ra cho bị hại là 23% do bị cáo đâm bị hại, còn thương tích 01% ở chân của bị hại chưa xác định được do ai gây ra, nhưng nếu do bị cáo gây ra cũng là lỗi gián tiếp không phải cố ý. Nên cấp sơ thẩm tính tổng tỷ lệ thương tích của bị hại 24% là chưa chính xác. Về hành vi bắt giữ người trái pháp luật: Mục đích động cơ trói anh A là để anh A không làm hư hỏng tài sản trong nhà và việc bắt giữ người trái pháp luật không nhằm hạn chế quyền tự do của bị hại mà để phòng việc đánh nhau và để báo công an đến bắt người, do đó hành vi của bị cáo không cấu thành tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

Từ phân tích trên đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 358 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung. Hoặc đề nghị HĐXX cân nhắc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo được hưởng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Luật sư Nguyễn Văn K trình bày: Nhất trí như quan điểm tranh luận của Luật sư P, trình bày thêm một số vấn đề như sau: Sự việc vay tiền giữa bị cáo C, mẹ bị cáo với anh N và anh D, có ông Đào Ngọc H chứng kiến nhưng cơ quan điều tra không lấy lời khai của ông H, cấp sơ thẩm không đưa ông H vào người làm chứng là vi phạm tố tụng. Về hành vi bắt giữ người trái pháp luật: Sự việc diễn ra từ lúc 15 giờ 30 phút và đến 16 giờ khi Công an đến thì bị cáo đã cởi trói cho bị hại, bị cáo trói bị hại mục đích để bị hại không xâm phạm tài sản, sức khỏe của bị cáo. Do đó bị cáo không thực hiện hành vi bắt giữ người trái pháp luật. Đề nghị HĐXX áp dụng khoản 1 Điều 358 BLTTHS hủy bản án sơ thẩm trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Bị cáo Hà Văn T không tranh luận vấn đề gì.

Bị cáo Hà Văn C thống nhất với quan điểm tranh luận của người bào chữa, không tranh luận gì thêm và nhận thấy hành vi của mình là sai, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo.

Bị hại anh Đỗ Việt A tranh luận: Tôi không chấp nhận quan điểm của luật sư cho rằng tôi đánh ông T, bởi ông T không có thương tích.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Lời khai nhận tội của bị cáo Hà Văn T, bị cáo Hà Văn C tại phiên tòa phúc thẩm cơ bản phù hợp với lời khai của các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm phù hợp với lời khai của người bị hại, người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu khác đã thu thập có trong hồ sơ vụ án. Như vậy, đã có đủ căn cứ kết luận: Vào khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 09/01/2018, bị cáo Hà Văn C đã thực hiện hành vi dùng dao là hung khí nguy hiểm gây thương tích cho anh A với tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định là 24%. Sau khi bị cáo Hà Văn C đã gây thương tích cho anh A. Các bị cáo Hà Văn C và Hà Văn T đã thực hiện hành vi dùng dây điện trói anh A và giữ anh A trong nhà của ông Hà Văn T, tước đi quyền tự do thân thể của anh A được pháp luật bảo vệ. Vì vậy cấp sơ thẩm xét xử bị cáo Hà Văn C về tội “ Cố ý gây thương tích” theo điểm đ khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự; xét xử bị cáo Hà Văn C và bị cáo Hà Văn T về tội “bắt giữ người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 157 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng người, đúng tội.

[2] Xét kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt và xin hưởng án treo của bị cáo Hà Văn C: Cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Hà Văn C 06 tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, 02 năm 03 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích” là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội mà các bị cáo đã thực hiện. Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp phúc thẩm, bị cáo C đã tự nguyện bồi thường, khắc phục một phần thiệt hại cho người bị hại với số tiền 10.000.000 đồng, nộp tại Cơ quan thi hành án dân sự huyện M (tại các biên lai số AA/2013/16480 ngày 21/01/2019; biên lai số AA/2013/16482 ngày 05/3/2019). Mặt khác bị cáo C phạm tội “Cố ý gây thương tích” một phần cũng do hành vi trái pháp luật của bị hại gây ra, nên cần áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo, cho bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: “Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra”, theo quy định tại điểm e khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự. Tại phiên tòa bị cáo trình bày điều kiện gia đình các bị cáo đang gặp khó khăn, hiện bị cáo không có việc làm, bị cáo có hai con còn nhỏ. Bị cáo C được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS đối với tội “Bắt giữ người trái pháp luật”, điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 BLHS đối với tội “Cố ý gây thương tích”. Do có thêm tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự mới nên cần xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo C, thể hiện chính sách nhân đạo của Nhà nước. Xét thấy hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm đến sức khỏe, tự do thân thể của người bị hại, bị cáo bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 3 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/5/2018 (những trường hợp không cho hưởng án treo) của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng Điều 65 của Bộ luật hình sự: ... “4. Người phạm tội bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội, trừ trường hợp người phạm tội là người dưới 18 tuổi”, bị cáo thuộc trường hợp không được hưởng án treo. Do đó cần cách ly bị cáo ra ngoài đời sống xã hội một thời gian để bị cáo có điều kiện cải tạo, rèn luyện mình trở thành người công dân tốt, có ý thức chấp hành pháp luật. Vì vậy, Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo xin được hưởng án treo của bị cáo.

Bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm b, e, s khoản 1 khoản 2 Điều 51 Bộ luật Hình sự. Vì vậy cần áp dụng Điều 54 Bộ luật hình sự quyết định hình phạt dưới nhất thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng đối với bị cáo.

[3] Đối với kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo C và bị cáo T của người bị hại: Bị cáo T là người không biết chữ nên nhận thức pháp luật cũng có phần hạn chế, điều kiện gia đình bị cáo đang gặp khó khăn, bị cáo phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra, bị cáo phạm tội lần đầu thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, sau khi phạm tội đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Do đó, bị cáo được hưởng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại các điểm e, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự. Ngoài ra, bị cáo có nhân thân tốt, nên cấp sơ thẩm tuyên phạt bị cáo T 06 tháng tù cho bị cáo được hưởng án treo về tội “Bắt giữ người trái pháp luật” là thỏa đáng, tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả hành vi phạm tội do bị cáo đã gây ra cho bị hại.

Như đã phân tích, đánh giá ở trên, sau khi cân nhắc tính chất, mức độ, hậu quả do hành vi phạm tội của bị cáo C gây ra, cân nhắc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nhân thân người phạm tội. Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bị cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo. Do đó kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự đối với bị cáo C của bị hại không có căn cứ chấp nhận.

[4] Đối với kháng cáo về trách nhiệm dân sự của người bị hại: Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử vụ án tại cấp phúc thẩm, người bị hại đã rút một phần kháng cáo đối với kháng cáo yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét về trách nhiệm dân sự theo hướng tăng số tiền bồi thường thiệt hại cho bị hại. Do đó Tòa án đã đình chỉ xét xử một phần đối với nội dung kháng cáo của bị hại về trách nhiệm dân sự.

[5] Xét quan điểm của người bào chữa cho bị cáo Hà Văn C đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 358 bộ luật hình sự, hủy bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HS-ST ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M'Đrắk, để điều tra xét xử lại. Hoặc cân nhắc tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo được hưởng để giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo. Hội đồng xét xử nhận thấy đối với quan điểm của người bào chữa cho rằng:

- Người làm chứng cầm kiếm đến uy hiếp gia đình bị cáo đã cấu thành tội cướp tài sản là không có cắn cứ, bởi lẽ qua tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của bị cáo tại cơ quan điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo xác nhận người làm chứng và người bị hại khi vào nhà bị cáo không mang theo công cụ gì. Mục đích người làm chứng và người bị hại đến nhà bị cáo để đòi nợ, không có dấu hiệu của tội cướp.

- Bị cáo bị đè nén về tinh thần do xuất phát từ việc người làm chứng đã đòi nợ mẹ bị cáo từ trước, nên bị cáo gây thương tích cho bị hại trong trường hợp bị kích động mạnh về tinh thần là không có căn cứ; hành vi của bị hại và người làm chứng tác động đến bị cáo chưa đến mức kích động mạnh về tinh thần để bị cáo gây thương tích cho bị hại. Mặt khác, khi người làm chứng và người bị hại đến nhà bị cáo để đòi nợ thì bị cáo và gia đình đã tấn công bị hại và người làm chứng, dẫn đến bị hại đã bị thương tích và bị bắt, giữ sau khi bị thương, ngoài ra anh D cũng bị thương tích do mẹ bị cáo gây ra, các bị cáo không ai có thương tích hay tổn thương gì trên cơ thể.

- Sự việc vay tiền giữa bị cáo, mẹ bị cáo với anh N và anh D, có ông Đào Ngọc H chứng kiến, nhưng Cơ quan điều tra không lấy lời khai của ông H, cấp sơ thẩm không đưa ông H vào người làm chứng là vi phạm tố tụng. Nhận thấy theo tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và lời khai của các bị cáo, bị hại cũng như những người tham gia tố tụng khác, sự việc diễn ra tại nhà bị cáo ngày 09/01/2018 không có mặt ông H, ông H không chứng kiến sự việc liên quan đến hành vi phạm tội của các bị cáo. Do đó Cơ quan điều tra không lấy lời khai của ông H, không đưa ông H vào người làm chứng là phù hợp quy định của pháp luật.

- Thương tích bị cáo C gây ra cho bị hại là 24% là chưa chính xác, bị cáo chỉ gây ra vết thương ở vùng ngực tỷ lệ thương tích 23%, vết thương ngón chân tỷ lệ thương tích 1% không phải do bị cáo gây ra. Nhận thấy, theo bản kết luận giám định thương tích xác định vết thương kết luận bị hại bị đa thương vùng ngực trái, tràn máu màng phổi 23 %, vết thương ngón 01 chân trái 1%, vật tác động sắc nhọn. Nhận thấy bị cáo dùng chai thủy tinh ném vào anh N làm chai thủy tinh bị vỡ, khi bị cáo dùng dao đâm bị hại bị thương, sau đó kéo bị hại để trói dẫn đến bị hại bị thương tích ở chân do vật tác động sắc nhọn. Do đó thương tích 1% ở chân bị hại là do bị cáo gây ra với lỗi cố ý gián tiếp. Vì vậy xác định bị cáo gây thương tích cho bị hại với tỷ lệ tổn thương cơ thể được xác định là 24 % là có căn cứ.

- Người bào chữa cho bị cáo C cho rằng mục đích bị cáo giữ và trói bị hại để bị hại không gây thiệt hại về sức khỏe và tài sản của gia đình bị cáo, để báo công an nên các bị cáo không cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật là không có căn cứ. Bởi lẽ các bị cáo thực hiện hành vi trói tay, chân anh A, đóng cửa và giữ anh A ở trong nhà bị cáo, tước đoạt quyền tự do thân thể của người bị hại được pháp luật bảo vệ, đã đủ yếu tố cấu thành tội bắt giữ người trái pháp luật.

Từ phân tích, nhận định trên, Hội đồng xét xử nhận thấy không có căn cứ để chấp nhận quan điểm của người bào chữa.

[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[7] Về án phí: Do kháng cáo của bị cáo được chấp nhận, nên bị cáo không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm. Người bị hại không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

[1] Căn cứ vào điểm b khoản 1 Điều 355; điểm c khoản 1 Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo Hà Văn C về phần trách nhiệm hình sự, không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Hà Văn C về phần biện pháp chấp hành hình phạt. Không chấp nhận kháng cáo tăng nặng trách nhiệm hình sự của người bị hại Đỗ Việt A đối với bị cáo Hà Văn T và bị cáo Hà Văn C – Sửa bản án hình sự sơ thẩm số 25/2018/HS-ST ngày 06/11/2018 của Tòa án nhân dân huyện M'Đrắk, tỉnh Đắk Lắk, về hình phạt đối với các bị cáo Hà Văn C.

[2] Căn cứ khoản 1 Điều 157; điểm s khoản 1, khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo: Hà Văn C 06 (Sáu) tháng tù về tội “Bắt giữ người trái pháp luật”.

- Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, e, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 54 BLHS;

Xử phạt bị cáo: Hà Văn C 01 (Một) năm 06 (Sáu) tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

- Áp dụng Điều 55 Bộ luật hình sự: Buộc bị cáo Hà Văn C phải chấp hành phạt chung cho cả hai tội là 02 (Hai) năm tù. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

- Căn cứ khoản 1 Điều 157; điểm e, i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1, khoản 2 Điều 65 Bộ luật hình sự:

Xử phạt bị cáo: Hà Văn T 06 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 01 năm, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm, ngày 06/11/2018. Giao bị cáo Hà Văn T cho Ủy ban nhân dân xã C, huyện M, tỉnh Đắk Lắk giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách. Gia đình bị cáo có trách nhiệm phối hợp với chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo thay đổi nơi cứ trú thì cơ quan Thi hành án hình sự Công an cấp huyện giải quyết theo quy định tại khoản 1 Điều 69 Luật thi hành án hình sự.

Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên, thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo. Trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Tòa án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp với hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của BLHS.

[3] Về án phí hình sự phúc thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự; điểm d khoản 2 Điều 23 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Bị cáo Hà Văn C không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, anh Đỗ Việt A không phải chịu án phí hình sự phúc thẩm, được nhận lại 200.000 đồng tiền tạm ứng án phí do anh A đã nộp tại chi cục thi hành án dân sự huyện M’Đrắk, theo biên lai thu tạm ứng án phí số 0006121 ngày 06/11/2018.

[4] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

[5] Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1160
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 105/2019/HS-PT ngày 12/03/2019 về tội bắt giữ người trái pháp luật

Số hiệu:105/2019/HS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Đăk Lăk
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về