Bản án 10/2021/HS-ST ngày 27/04/2021 về tội huỷ hoại rừng

TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN TIÊN YÊN, TỈNH QUẢNG NINH

BẢN ÁN 10/2021/HS-ST NGÀY 27/04/2021 VỀ TỘI HUỶ HOẠI RỪNG

Ngày 27 tháng 4 năm 2021 tại Trụ sở Uỷ ban nhân dân xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh, Toà án nhân dân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 10/2021/TLST-HS ngày 01 tháng 4 năm 2021, theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 10/2021/QĐXXST-HS ngày 15 tháng 4 năm 2021 đối với bị cáo:

Lý Văn V, sinh ngày 01/01/1970 tại Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; Nơi cư trú: Số nhà 4, ngõ 6, phố L, thị trấn T, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh; Nghề nghiệp: Lao động tự do; trình độ văn hóa: Không biết chữ; Dân tộc: Tày; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; con ông: Lý Xuân N và bà Tô Thị L; Có vợ và 02 con; Tiền án, tiền sự: Không.

Nhân thân: Ngày 12/9/2019, bị Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp.

Bị bắt ngày 11/12/2020, hiện đang tạm giam. Có mặt.

- Nguyên đơn dân sự: Ủy ban nhân dân huyện T, tỉnh Quảng Ninh Địa chỉ: phố Đ, thị trấn T, huyện Tiên Yên, Quảng Ninh.

Đại diện theo uỷ quyền: Ông Lục Văn L1 - Chức vụ: Trưởng Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (theo Quyết định ủy quyền số 465/QĐ-UBND ngày 23/02/2020). Có mặt.

- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Tô Phúc H, sinh năm 1944; địa chỉ: thôn B, xã H, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

2. Bà Mạ Thị D – sinh năm 1946; địa chỉ: thôn B, xã H, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Người đại diện theo uỷ quyền của bà Mạ Thị D: Ông Tô Phúc H, sinh năm 1944, địa chỉ: thôn B, xã H, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh (Theo Giấy uỷ quyền ngày 25/01/2021). Vắng mặt (Có đơn xin xét xử vắng mặt).

- Người tham gia tố tụng khác:

*. Người làm chứng:

1. Anh Lý Văn D, sinh năm 1969.

Địa chỉ: Thôn C, xã T, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Vắng mặt (Không có lý do).

2. Chị Hoàng Thị X, sinh năm 1971.

Địa chỉ: Số nhà 4, ngõ 6, phố L, thị trấn T, tỉnh Quảng Ninh. Có mặt.

3. Chị Vi Thị P, sinh năm 1959.

Địa chỉ: Thôn B, xã H, huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Vắng mặt (Không có lý do).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Năm 2013, bị cáo Lý Văn V nhận chuyển nhượng của ông Lã Thanh B và bà Vy Thị P ở xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên quyền sử dụng đất theo giấy chứng nhận số BC 264209 do Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên cấp ngày 26/3/2011. Toàn bộ diện tích đều là đất rừng sản xuất thuộc khu vực thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên nhưng chưa hoàn thiện thủ tục chuyển nhượng theo quy định. Quá trình sử dụng, tháng 9/2020 V đã thuê người và nhờ người nhà của mình là anh Lý Văn D (anh rể) dùng dao, cưa máy chặt phá 602 cây rừng tự nhiên gồm loài cây Dẻ, Chẹo, Thành, Ngạch, Trám... trên diện tích 15,229m2, tại lô 2 và lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 227 thuộc thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, trong đó: Chặt phá trên diện tích 12,453m2 tại lô 5 thuộc thửa đất số 442 của Việt là 355 cây; trên diện tích 2.276m2 tại lô 2 thuộc thửa đất số 424 liền kề của ông Tô Phúc H và bà Mạ Thị D là 247 cây. Hành vi chặt phá rừng do V thực hiện nêu trên đã bị lực lượng Kiểm Lâm tuần tra, phát hiện ngày 30/9/2020.

Tại biên bản khám nghiệm hiện trường, thể hiện: Vị trí cây rừng bị chặt phá tại lô 2 và lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 227 thuộc thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Diện tích rừng bị chặt phá là 15,229m2. Trong đó: 2.276m2 tại lô 2 thuộc thửa đất số 424 Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên cấp cho gia đình ông Tô Phúc H và bà Mạ Thị D theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BC 264311 có 247 cây đã bị chặt phá; 12,453m2 tại lô 5 thuộc thửa đất số 442 Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên cấp cho gia đình ông Lã Thanh B và bà Vy Thị P theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất số BC 264209 có 355 cây đã bị chặt phá). Toàn bộ cây rừng tự nhiên gồm loài cây Dẻ, Chẹo, Thành, Ngạch, Trám... bị chặt phá thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất (theo Quyết định số 3722 /QĐ-UBND ngày 19/9/2018, của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh). Tổng số cây rừng bị chặt phá 602 cây/1,5229ha (liền vùng), chiều cao vút ngọn trung bình là 8,15m; đường kính trung bình tại vị trí 1,3m tính từ mặt đất trở lên là 13,08cm; Dấu vết hủy hoại xác định bằng cưa máy và dao để lại tại vị trí gốc cây cách mặt đất trung bình từ 10-30cm, các thân cây bị chặt phá nằm rải rác cạnh gốc chặt, tán cây nằm phủ trên mặt đất, lá bị héo úa chưa rụng. Tổng khối lượng cây gỗ bị chặt phá là 41,034m3; Tổng diện tích tán của tổng số cây rừng bị chặt phá là 3671,83m2.

Tại bản kết luận giám định số 1159 ngày 26/10/2020, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, kết luận: Diện tích cây rừng bị chặt phá 15.229 m2 thuộc lô 2 và lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 227, thuộc thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2015 và kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019 của tỉnh Quảng Ninh kết hợp với kết quả điều tra tại hiện trường thì diện tích 15.229m2 cây rừng tự nhiên bị chặt hạ là rừng tự nhiên. Đối chiếu bản đồ kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng kèm theo QĐ số 3722/QĐ -UBND ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh “Về việc phê duyệt kết quả rà soát ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh” xác định diện tích 15.229m2 cây rừng tự nhiên bị chặt hạ thuộc quy hoạch rừng sản xuất, mật độ số cây rừng bị hủy hoại là 602 cây/1,5229ha = 395 cây/ha, chiều cao vú t ngọn trung bình là 8,15m. Đường kính trung bình tại vị trí 1,3m tính từ mặt đất trở lên là 13,08cm. Tổng khối lượng gỗ 41,034m3/1,5229ha = 26,944m3/ha, trạng thái rừng tự nhiên là “Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo kiệt” (Đối chiếu phụ lục I Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018), độ tàn che = 0,241.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 161/KLĐG ngày 17/3/2021, của Hội đồng định giá tài sản huyện Tiên Yên, kết luận:

“1. Áp dụng giá rừng sản xuất là rừng tự nhiên loại rừng nghèo trữ lượng gỗ từ 10m3 đến dưới 50m3/ha của thành phố Cẩm Phả.

2. Tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng:

- Giá trị lâm sản: 15.660.066 + [(70.470.299 - 15.660.066) : (50 - 10)] x (26,945 - 10) = 38.879.051 đồng.

- Giá trị môi trường (bằng giá trị của rừng về lâm sản nhân với hệ số K, đối với rừng sản xuất là rừng tự nhiên hệ số K là 3): 38.879.051 x 3 = 116.637.153 đồng.

- Tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại về rừng (01ha): 38.879.051 + 38.879.051 x 3 = 155.516.204 đồng/ha - Tiền bồi thường thiệt hại đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại về rừng sản xuất là rừng tự nhiên, đối với rừng nghèo trữ lượng từ 10 -< 50m3 (26,945 m3/ha), với diện tích 1,5229ha là: 1,5229 x 155.516.204 = 236.835.627 đồng. Tổng số tiền bồi thường thiệt hại 236.835.627 đồng (Hai trăm ba mươi sáu triệu, tám trăm ba mươi lăm nghìn, sáu trăm hai mươi bẩy đồng)”.

Tại bản Cáo trạng số: 11/CT-VKSHL ngày 31/3/2021, của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Yên đã truy tố bị cáo Lý Văn V về tội “Huỷ hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, Đại diện viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Yên luận tội đối với bị cáo và giữ nguyên nội dung bản cáo trạng đã truy tố bị cáo và đề nghị Hội đồng xét xử: Áp dụng điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự. Xử phạt bị cáo Lý Văn V từ 30 tháng đến 33 tháng tù. Không áp dụng hình phạt bổ sung bằng tiền đối với bị cáo theo quy định tại khoản 4 Điều 243 của Bộ luật hình sự; về bồi thường: Buộc bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 236.835.627 đồng; về xử lý vật chứng: Đối với 602 cây rừng tự nhiên bị chặt phá, có tổng khối lượng là 41,034m3, theo Báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên yên và Công văn số 31/CV-UBND ngày 23/4/2021 của UBND xã Hà Lâu đang bảo quản vật chứng này thông báo, thì khối lượng gỗ này hiện nay đã bị mục nát không còn giá trị sử dụng, tại phiên toà đại diện UBND huyện Tiên Yên đề nghị tiêu huỷ, nên đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu, tiêu huỷ. Đối với 01 máy cưa xích, nhãn hiệu ZENOAH G365; 01 điện thoại di động Nokia 105 thu của bị cáo Lý Văn V, đây là phương tiện phạm tội nên tịch thu, sung ngân sách nhà nước. Đối với sim thuê bao số 0352.762.212 và 0942.113.528 thu của bị cáo Lý Văn V, đây là phương tiện phạm tội không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu huỷ.

Còn đối 01 điện thoại di động OPPO A9, gắn sim thuê bao số 0977.814.902 và 0814.814.928 thu của người làm chứng Lý Văn D, không liên quan đến tội phạm cần tuyên trả cho anh Lý Văn D;

Về án phí: Bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Bị cáo đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội của mình, công nhận quyết định truy tố của Viện kiểm sát nhân dân huyện Tiên Yên là đúng người, đúng tội; Lời nói sau cùng của bị cáo: Ngoài đề nghị Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt, bị cáo không có ý kiến, tranh luận gì.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại gì về hành vi, quyết định của Điều tra viên, Kiểm sát viên. Do đó, các hành vi tố tụng, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử là hợp pháp, phù hợp với các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

[2] Về tội danh và điều luật áp dụng: Trong quá trình điều tra và tại phiên toà, một lần nữa bị cáo khai nhận hành vi phạm tội của mình, lời khai này phù hợp với lời khai tại Cơ quan điều tra và thừa nhận việc đưa ra truy tố, xét xử bị cáo về tội “Huỷ hoại rừng” là đúng người, đúng tội, bị cáo rất ân hận về hành vi phạm tội của mình.

Lời khai nhận của bị cáo tập hợp lại thấy cơ bản phù hợp nhau, phù hợp với lời khai của nguyên đơn dân sự, của người làm chứng anh Lý Văn D, chị Hoàng Thị X, chị Vi Thị P và lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ Liên quan anh Tô Phúc H, chị Mạ Thị D. Đồng thời các lời khai nhận của bị cáo còn phù hợp với Biên bản khám nghiệm, Biên bản kiểm tra hiện trường; Bản ản chụp hiện trường; Phiếu điều tra cây rừng tự nhiên bị chặt hạ; sơ đồ xác định vị trí khu rừng bị huỷ hoại; Kết luận giám định số 1159 ngày 26/10/2020 của Chi cục Kiểm Lâm tỉnh Quảng Ninh; Bản kết luận định giá tài sản số 161/KLĐG ngày 17/3/2021 của Hội đồng định giá tài sản huyện Tiên Yên, đó chính là các căn cứ xác định:

Ngày 19/9/2020, bị cáo Lý Văn V đã thoả thuận với một người đàn ông ở Lào Cai (không rõ lai lịch, địa chỉ mà trước đây V đã thuê phát rừng) thoả thuận thuê chặt, phát dây leo và cây rừng tự nhiên của bị cáo tại khoảnh 4, tiểu khu 227 thuộc thôn bản Buôn xã Hà Lâu, huyện Tiên yên để lấy đất trồng keo để phát triển kinh tế. Hôm sau, người đàn ông này dẫn 08 người khác đến xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, bị cáo V chỉ vị trí rừng cần chặt phá và thoả thuận tiền công; ngày 23/9/2020, bị cáo V đến kiểm tra thấy chỉ còn các cây rừng tự nhiên lớn, bị cáo tiếp tục thuê người này cưa các cây rừng còn lại với giá 1.000.000 đồng và trả tất cả tiền công là 6.500.000 đồng. Tối cùng ngày, bị cáo nhờ thêm anh rể là Lý Văn D chặt phá cây rừng cùng với số người V thuê, đến ngày 26/9/2020 thì chặt phá xong. Khi thuê người, bị cáo V không nói cho họ biết là loại rừng gì và khi nhờ anh D, bị cáo nói dối là được phép chặt phá khu rừng này. Những người được bị cáo thuê và được nhờ (anh Lý văn D) đã dùng dao, cưa máy chặt phá 602 cây rừng tự nhiên gồm loài cây Dẻ, Chẹo, Thành, Ngạch, Trám... trên diện tích 15,229m2, tại lô 2 và lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 227 thuộc thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, trong đó: Chặt phá trên diện tích 12,453m2 tại lô 5 thuộc thửa đất số 442 của bị cáo đã nhận chuyển nhượng là 355 cây; và còn chặt phá trên diện tích 2.276m2 tại lô 2 thuộc thửa đất số 424 liền kề là của ông Tô Phúc H và bà Mạ Thị D là 247 cây (đã được UBND huyện Tiên Yên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Tô Phúc H và bà Mạ Thị D). Toàn bộ cây rừng tự nhiên gồm loài cây Dẻ, Chẹo, Thành, Ngạch, Trám... bị chặt phá thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất (theo Quyết định số 3722/QĐ-UBND ngày 19/9/2018, của UBND tỉnh Quảng Ninh về việc phê duyệt kết quả rà soát, điều chỉnh ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh). Tổng số cây rừng bị chặt phá 602 cây/1,5229ha (liền vùng), chiều cao vút ngọn trung bình là 8,15m; đường kính trung bình tại vị trí 1,3m tính từ mặt đất trở lên là 13,08cm; Dấu vết hủy hoại xác định bằng cưa máy và dao để lại tại vị trí gốc cây cách mặt đất trung bình từ 10-30cm, các thân cây bị chặt phá nằm rải rác cạnh gốc chặt, tán cây nằm phủ trên mặt đất, lá bị héo úa chưa rụng. Tổng khối lượng cây gỗ bị chặt phá là 41,034m3; Tổng diện tích tán của tổng số cây rừng bị chặt phá là 3.671,83m2.

Tại bản kết luận giám định số 1159 ngày 26/10/2020, của Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ninh, kết luận: Diện tích cây rừng bị chặt phá 15.229 m2 thuộc lô 2 và lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 227, thuộc thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Căn cứ kết quả kiểm kê rừng năm 2015 và kết quả theo dõi diễn biến rừng năm 2019 của tỉnh Quảng Ninh kết hợp với kết quả điều tra tại hiện trường thì diện tích 15.229m2 cây rừng tự nhiên bị chặt hạ là rừng tự nhiên. Đối chiếu bản đồ kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch ba loại rừng kèm theo QĐ số 3722/QĐ -UBND ngày 19/9/2018 của UBND tỉnh Quảng Ninh “Về việc phê duyệt kết quả rà soát ba loại rừng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tỉnh Quảng Ninh” xác định diện tích 15.229m2 cây rừng tự nhiên bị chặt hạ thuộc quy hoạch rừng sản xuất, mật độ số cây rừng bị hủy hoại là 602 cây/1,5229ha = 395 cây/ha, chiều cao vút ngọn trung bình là 8,15m. Đường kính trung bình tại vị trí 1,3m tính từ mặt đất trở lên là 13,08cm. Tổng khối lượng gỗ 41,034m3/1,5229ha = 26,944m3/ha, trạng thái rừng tự nhiên là “Rừng gỗ tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo kiệt” (Đối chiếu phụ lục I Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018), độ tàn che = 0,241.

Tại bản Kết luận định giá tài sản số 161/KLĐG ngày 17/3/2021, của Hội đồng định giá tài sản huyện Tiên Yên, kết luận: Tổng giá trị thiệt hại 236.835.627 đồng.

Như vậy, với các chứng cứ nêu trên đã đủ cơ sở kết luận: Trong khoảng thời gian từ ngày 19/9/2020 đến ngày 26/9/2020, tại lô 2 và lô 5, khoảnh 4, tiểu khu 227 thuộc thôn Bản Buông, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên. Bị cáo Lý Văn V thuê người và nhờ anh Lý Văn D dùng dao và cưa máy chặt phá 602 cây rừng tự nhiên thuộc rừng sản xuất. Diện tích rừng tự nhiên bị hủy hoại là 15.229m2 (1,5229ha), tổng giá trị lâm sản và giá trị môi trường bị hủy hoại là 236.835.627 đồng. Hành vi này của bị cáo Lý Văn V phạm tội “Huỷ hoại rừng” theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 243 của Bộ luật hình sự.

Điều 243 của Bộ luật Hình sự quy định:

“1. Người nào đốt, phá rừng trái phép hoặc có hành vi khác hủy hoại rừng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

...

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

...

đ) Rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2)”.

Đối với anh Lý Văn D và những người được bị cáo Lý Văn V thuê và nhờ chặt phá rừng, nhưng không biết đó là rừng sản xuất và nghĩ là rừng của V đã được xin phép chặt phá nên không đề cập xử lý.

[3] Về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội thì thấy: Hành vi của bị cáo V là nguy hiểm cho xã hội, đã xâm phạm đến chế độ quản lý và bảo vệ rừng của Nhà nước. Mặc dù ý thức của bị cáo đơn thuần chỉ là phát rừng để trồng keo, làm kinh tế gia đình. Nhưng bị cáo buộc phải nhận thức được rằng hành vi này là trực tiếp hủy hoại rừng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, xâm hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước. Mặt khác, ngày 12/9/2019 bị cáo đã bị UBND huyện Tiên Yên xử phạt hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp (Hành vi Phá rừng trái pháp luật là rừng sản xuất), tuy nhiên hành vi này đến nay đã được xoá, nhưng bị cáo không lấy đấy làm bài học mà tiếp tục phạm tội.

Như chúng ta biết, rừng là nguồn tài nguyên thiên nhiên có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự sống của con người, rừng có vai trò cân bằng hệ sinh thái, ổn định và điều hòa khí hậu, điều hòa và điều tiết nguồn nước, giúp sự sống trên trái đất được duy trì bền vững. Bên cạnh đó, rừng còn có giá trị cao về kinh tế, về khoa học đồng thời là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, là nguồn cung cấp nguyên liệu, vật liệu, dược liệu quí hiếm phục vụ cho các ngành khoa học như: Y học, sinh học, hóa chất, là nguồn nguyên liệu cung cấp cho nhiều ngành công nghiệp, là cơ sở để phát triển ngành du lịch sinh thái. Hơn thế nữa, rừng còn có tầm quan trọng chiến lược trong việc tạo tuyến phòng thủ vững chắc trong an ninh quốc phòng.

Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng chặt phá, hủy hoại và lấn chiếm đất rừng trên toàn tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Tiên Yên nói riêng diễn ra hết sức phức tạp, thực trạng tài nguyên rừng đã và đang bị tàn phá nghiêm trọng, diện tích đất rừng ngày càng cạn kiệt và bị thu hẹp; gây ảnh hưởng xấu đến môi trường sinh thái nói chung và ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội. Mặc dù Nhà nước rất quan tâm, thường xuyên tuyên truyền và xử lý nghiêm nhưng tình trạng chặt phá, hủy hoại và lấn chiếm đất rừng vẫn diễn ra, nguyên nhân chủ yếu do thiếu ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân. Do vậy, cần phải xử lý nghiêm đối với bị cáo để răn đe và phòng ngừa chung.

4. Tuy nhiên cũng cần phải xét xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo, thấy:

4.1. Về tình tiết tăng nặng: Không có.

4.2. Về tình tiết giảm nhẹ: Trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa ngày hôm nay bị cáo đều thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải về hành vi phạm tội của mình, là người dân tộc thiểu số, không biết chữ, đã nộp số tiền 120.835.627 đồng tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Yên để khắc phục hậu quả, ngoài ra bị cáo còn được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ khác là bố bị cáo ông Lý Xuân N có công với nước được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng nhì. Do vậy, bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự khi quyết định hình phạt.

[5] Căn cứ quy định của Bộ luật hình sự, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân của bị cáo, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, Hội đồng xét xử xét thấy: Đến nay bị cáo đã nhận thức rõ hành vi phạm tội của mình, bị cáo có 02 tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 và có cả tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 2 Điều 51 của Bộ luật hình sự và không có tình tiết tăng nặng nào, nên khi quyết định hình phạt có thể xem xét giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo, để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật và áp dụng khoản 1 Điều 54 của Bộ luật hình sự cho bị cáo được hưởng mức hình phạt thấp hơn mức thấp nhất của khung hình phạt, để cho bị cáo yên tâm cải tạo thành người có ích cho gia đình và xã hội. Nhưng dù có xét thế nào chăng nữa thì cũng nhất thiết buộc bị cáo phải cách ly xã hội một thời gian mới đáp ứng được yêu cầu trong việc đấu tranh, phòng ngừa tội phạm nói chung.

[6] Về hình phạt bổ sung: Ngoài hình phạt chính, lẽ ra bị cáo còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền theo quy định tại khoản 4 Điều 243 của Bộ luật hình sự. Nhưng xét thấy bị cáo không có nghề nghiệp ổn định, nên không cần thiết phải áp dụng. Vì vậy, Hội đồng xét xử không áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo.

[7] Về bồi thường: Buộc bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước toàn bộ thiệt hại do hành vi huỷ hoại rừng của bị cáo gây ra, tổng số tiền là 236.835.627 đồng. Nhưng được trừ vào số tiền 120.835.627 đồng bị cáo đã tác động gia đình nộp tại Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Yên.

[8] Về xử lý vật chứng vụ án: Đối với 602 cây rừng tự nhiên bị chặt phá, có tổng khối lượng là 41,034m3 theo Báo cáo của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Yên và Công văn số 31/CV-UBND ngày 23/4/2021 của UBND xã Hà Lâu đang bảo quản vật chứng này thông báo, thì khối lượng gỗ này hiện nay đã bị mục nát không còn giá trị sử dụng. Tại phiên toà đại diện UBND huyện Tiên Yên đề nghị tiêu huỷ nên cần tịch thu tiêu huỷ.

Đối với 01 máy cưa xích, nhãn hiệu ZENOAH G365; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 105 thu của bị cáo Lý Văn Việt, đây là phương tiện phạm tội nên tịch thu, sung ngân sách nhà nước.

Đối với sim thuê bao số 0352.762.212 và 0942.113.528 thu của bị cáo Lý Văn V, đây là phương tiện phạm tội không còn giá trị sử dụng nên tịch thu, tiêu huỷ.

Còn đối 01 điện thoại di động OPPO A9, gắn sim thuê bao số 0977.814.902 và 0814.814.928 thu của người làm chứng Lý Văn D, không liên quan đến tội phạm cần tuyên trả cho Lý Văn D.

[9] Xét đề nghị của Kiểm sát viên: Hội đồng xét xử thấy đề nghị này phù hợp với tính chất, mức độ, hành vi phạm tội của bị cáo và phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên chấp nhận.

[10] Về án phí: Buộc bị cáo phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 Điều 243; điểm b, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; khoản 1 Điều 54; điểm a khoản 1 Điều 47; khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hình sự; điểm a, c khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 106; khoản 2 Điều 136; khoản 1 Điều 331, khoản 1 Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự; các Điều 357, 584, 586, 589 của Bộ luật dân sự; điểm a, g khoản 1 Điều 23 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Tuyên bố bị cáo Lý Văn V phạm tội “Huỷ hoại rừng” Xử phạt bị cáo Lý Văn V 30 tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 11 tháng 12 năm 2020.

Về bồi thường: Buộc bị cáo phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 236.835.627 đồng. Nhưng được trừ vào số tiền 120.835.627 đồng bị cáo đã tự nguyện nộp vào Chi cục thi hành án dân sự huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh theo biên lai thu tiền số 0006428 ngày 23/4/2021 và biên lai thu tiền số 0006429 ngày 26/4/2021 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh. Bị cáo Lý Văn V còn phải bồi thường cho Nhà nước số tiền 116.000.000 đồng (Một trăm mười sáu triệu đồng).

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án, mà người phải thi hành án chưa thi hành thì phải trả lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Mức lãi suất theo quy định tại Điều 357 của Bộ luật dân sự.

Trường hợp bản án này được thi hành theo quy định tại Điều 2 của Luật thi hành án dân sự, thì người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a và 9 của Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 của Luật thi hành án dân sự.

Về vật chứng: Tịch thu, tiêu hủy 602 cây rừng tự nhiên bị chặt phá, có tổng khối lượng là 41,034m3.

Tình trạng vật chứng trên theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 06/4/2021 giữa Công an, Hạt Kiểm Lâm và Uỷ ban nhân dân xã Hà Lâu huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Tịch thu, sung ngân sách nhà nước 01 máy cưa xích, nhãn hiệu ZENOAH G365; 01 điện thoại di động nhãn hiệu Nokia 105.

Tịch thu tiêu huỷ sim thuê bao số 0352.762.212 và số 0942.113.528 của bị cáo Lý Văn V.

Trả lại 01 điện thoại di động nhãn hiệu OPPO A9, gắn sim thuê bao số 0977.814.902 và 0814.814.928 cho anh Lý Văn D.

Tình trạng vật chứng trên theo biên bản giao nhận vật chứng số 17/CCTHADS-BB ngày 05/4/2021 giữa Công an huyện Tiên Yên với Chi cục Thi hành án dân sự huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.

Về án phí: Bị cáo Lý Văn V phải chịu 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm và 5.800.000 đồng (Năm triệu, tâm trăm nghìn đồng) án phí dân sự trong vụ án hình sự.

Về quyền kháng cáo: Bị cáo có quyền kháng cáo bản án trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án; Nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến việc bồi thường thiệt hại trong thời hạn 15 ngày kể từ tuyên án; Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo phần bản án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong thời hạn 15 ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

341
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 10/2021/HS-ST ngày 27/04/2021 về tội huỷ hoại rừng

Số hiệu:10/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tiên Yên - Quảng Ninh
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 27/04/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về