TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH THANH HOÁ
BẢN ÁN 10/2018/KDTM-PT NGÀY 21/08/2018 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG XÂY LẮP VÀ YÊU CẦU BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
Ngày 21 và 22 tháng 8 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Thanh Hoá xét xử phúc thẩm công khai vụ án Kinh doanh thương mại thụ lý số 03/2018/KDTM-PT ngày 27/4/2018 về việc “Tranh chấp Hợp đồng xây lắp và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng”. Do bản án Kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 19/3/2018 của Toà án nhân dân Thành phố Sầm Sơn bị kháng cáo. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 05/2018/QĐ-PT ngày 01 tháng 6 năm 2018, giữa các đương sự:
I. Nguyên đơn:
Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị V..
Địa chỉ: Tầng N, số nhà X phố V, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Nguyễn P.H - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc công ty.
- Người đại diện theo ủy quyền:
Ông Nguyễn Ph.Q – Cán bộ Công ty.
Ông Ngô Huy Ng – Cán bộ Pháp chế Công ty.
II. Bị đơn:
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Điện tử - Tin học - Viễn thông E..
Địa chỉ: Số Y và Z đường L.L, phường Tr.S, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Phạm Văn Đ. - Giám đốc Cty.
- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn N. - Phó Giám đốc.
- Người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bị đơn: Ông Lâm Văn Q.
Luật sư - Công ty luật hợp doanh D.C, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
III. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất H.L.
Địa chỉ: Số... phố N.Tr, phường Tr.B, quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội.
- Người đại diện theo pháp luật: Ông Huỳnh Công L. - Giám đốc C.ty.
- Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Hồng H. - sinh năm 1965. Địa chỉ: Số nhà.., phố Tr.T, quận Hoàn Kiếm, Thành phố Hà Nội.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp: Ông Nguyễn Sơn H và Đoàn Tùng L. Luật sư Văn phòng Luật sư G.N. - Đoàn luật sư TP Hà Nội.
Tại phiên tòa có mặt các bên đương sự và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
1. Theo đơn Nguyên đơn (Công ty V.) trình bày:
Để thực hiện xây dựng công trình tại địa chỉ số 25 L.L, phường Tr.S, thị xã Sầm Sơn (nay là thành phố Sầm Sơn) do Chi nhánh Công ty trách nhiệm hữu hạn Điện tử - Tin học - Viễn thông E. làm chủ đầu tư (sau đây viết tắt là Công ty E.). Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị V. (sau đây viết tắt Công ty V.) và Công ty E. đã ký kết Hợp đồng xây lắp số 28/07/2010 – HĐXL ngày 28/7/2010. Theo đó, Công ty V. thực hiện nhiệm vụ thi công ép cọc cừ LarssenVI loại 12 mét và thi công xây dựng tòa nhà theo hồ sơ thiết kế.
Để thực hiện Hợp đồng xây lắp số 28/HĐXL, ông Nguyễn Phạm H. Giám đốc Công ty V., ký kết Hợp đồng kinh tế số 08/2010/HĐTK, ngày 15/8/2010 với Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất H.L (sau đây viết tắt Công ty H.L) để thuê thiết bị thi công ép, rút cừ thép Larssen IV xây dựng tầng hầm tại Tòa nhà trung tâm thương mại Great Dragon Hotel 25 phường Tr.S, thành phố Sầm Sơn.
Trước khi thực hiện thi công ép cọc cừ thì trước đó, Công ty E. đã thực hiện ép cọc bê tông làm nền móng công trình từ tháng 01/2010 đến tháng 04/2010 nên đã gây ra lún nứt công trình nhà ở của các hộ dân liền kề, các hộ dân đã có đơn khiếu nại báo cáo đến các Cơ quan chức năng của địa phương, sau đó Công ty E. đã phối hợp với Ủy ban nhân dân phường Tr.S, tiến hành lập biên bản cam kết đền bù cho các hộ dân bị thiệt hại, các chứng cứ này được thể hiện tại các biên bản ngày 02/3; ngày 01/6 và ngày 15/10/2010. Trong các biên bản cam kết đền bù nói trên, Công ty E. đã thừa nhận do ép cọc làm nền móng tại công trình, đã gây ra lún nứt đối với các công trình liền kề này, nhưng việc đền bù không thỏa đáng và Công ty E. vắng mặt tại các cuộc họp nhiều lần nên dẫn đến các hộ dân có hành vi cản trở, không cho Công ty V. và nhà thầu phụ thi công thu hồi số cọc cừ 235 còn nằm lại công trình. Vì vậy, khi Công ty V. và Công ty H.L tiến hành thu hồi cọc cừ thì bị một số hộ dân bị thiệt hại có hành vi “cản trở” không cho thi công rút cừ. Việc không rút được số cọc cừ trên đã dẫn đến gây thiệt hại về kinh tế cho Công ty V., vì số cọc cừ không thu hồi được Công ty V. phải thuê ngày của Công ty H.L.
Nay Công ty V. yêu cầu: Buộc phía Công ty E. bị đơn phải bồi thường toàn bộ thiệt hại về tài sản là giá trị cừ còn lại trên công trình 235 cọc cừ Larssen VI và tiền thuê cọc cừ từ 30 tháng 6 năm 2012 đến 31 tháng 12 năm 2014 bồi thường cho Công ty H.L.
Về nội dụng ký kết Phụ lục Hợp đồng số 04/PLHĐ-XL ký ngày 20/12/2012 thì đề nghị Hội đồng xét xử tuyên hủy phụ lục hợp đồng bị vô hiệu, lý do vì việc lún nứt đã xảy ra trước đó nên trách nhiệm bồi thường cho các hộ dân bị thiệt hại thì Công ty chỉ hỗ trợ còn không chịu trách nhiệm 30% như quan điểm của Công ty E. trình bày, 2. Theo bị đơn (Công ty E.) trình bày:
Giữa nguyên đơn và bị đơn đã ký kết Hợp đồng xây lắp số: 28/ HĐXL ngày 28/7/2010. Theo đó, Công ty V. thực hiện nhiệm vụ thi công ép cọc cừ LarssenVI, tiêu chuẩn cừ dài 12 mét và thi công xây dựng tòa nhà theo hồ sơ thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho Chủ đầu tư.
Khi thực hiện xây dựng công trình tòa nhà Great Dragon Hotel tại vị trí: 25 phường Tr.S, thành phố Sầm Sơn, tuy có thay đổi về thiết kế nhưng đã được cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt. Quá trình thi công xây dựng tầng hầm tòa nhà ở cốt – 7.2m, tại trục E - H, đơn vị thi công đã ép cừ không đúng chủng loại dài 12 mét; đất đào sâu hơn so với đỉnh cừ âm 3,7m nhưng không hàn văng chống kịp thời, dẫn tới toàn bộ tuyến cừ giáp ranh nhà dân không ổn định nghiêng vào bên trong, làm hở me cừ nên không ngăn được dòng cát chảy, nước chảy dẫn đến công trình của các hộ dân và một số hạng mục của Hạt Kiểm Lâm ven biển bị lún nứt. Để dẫn chứng hành vi thi công không đảm bảo kỷ thuật trong thi công ép cừ, Công ty E. đưa ra các dẫn chứng: Biên bản hiện trường lập ngày 06/11/2011; nhật ký thi công ngày 27 và 28/12/2010; ngày 09/01/2011; ngày 22/01/2011 và ngày 24/01/2011 do bộ phận giám sát thi công lập.
Ngày 30/12/2011, các hộ dân liền kề đã có đơn khiếu nại, báo cáo lên Ủy ban nhân phường Tr.S. Trong quá trình giải quyết của Chính quyền địa phương thì các hộ dân chỉ khiếu nại và yêu cầu Công ty E. bồi thường thiệt hại, còn không có hành vi trực tiếp “ ngăn cản” thi công công trình và ngăn cản việc “rút cừ ” của nhà thầu. Công ty E. đã khẳng định sẽ thực hiện đền bù thiệt hại cho các hộ dân theo nguyên tắc; công trình hư hỏng nặng không còn khả năng khắc phục thì đền bù 100%, công trình rạn nứt sẽ đền bù thỏa đáng, đúng quy định. Căn cứ vào đánh giá thiệt hại do Phòng quản lý đô thị lập hiện trạng đối với từng trường hợp cụ thể. Tuy nhiên, trong giai đoạn thi công ép cừ nhà thầu đã gây ra thiệt hại cho các hộ dân và Công ty V. đã thừa nhận nghĩa vụ bồi thường như cam kết tại biên bản ngày 23/4/2014. Đến nay Công ty E. đã giải quyết bồi thường xong cho các hộ dân bị thiệt hại.
Căn cứ Hợp đồng xây lắp số: 28/HĐXL và tại Điều 5.1 và 5.2 Phụ lục Hợp đồng số: 04 ngày 20/12/2012 giữa bị đơn (E.) và nguyên đơn (V.) thì vấn đề gây ảnh hưởng nhà dân, cơ quan trong quá trình thi công, nhà thầu đã không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, biện pháp thi công không hợp lý đã gây ảnh hưởng (lún, nứt) đến các nhà dân và cơ quan giáp ranh dự án. “Toàn bộ chi phí bồi thường do Nhà thầu và Chủ đầu tư tự thỏa thuận” và trách nhiệm giàng buộc pháp lý theo Phụ lục hợp đồng số 04/2012. Việc phát sinh ký kết Phụ lục Hợp đồng số: 04/PLHĐ ngày 20/12/2012 là do phía nguyên đơn khi thi công bị chậm tiến độ nhiều lần, biện pháp thi công không đúng kỹ thuật, không hợp lý nên đã dẫn đến thiệt hại công trình các hộ dân.
Mặc dù lỗi gây ra thiệt hại chủ yếu là của nhà thầu thi công gây ra nhưng Công ty E. đã chấp nhận đền bù 70% cho các hộ dân liền kề công trình bị lún nứt, Công ty V. chỉ chịu trách nhiệm 30% theo cam kết nhưng Công ty V. vẫn cố tình không chấp nhận tỷ lệ đền bù mà chỉ đưa ra quan điểm “ Hỗ trợ” cho Công ty E. theo từng trường hợp cụ thể là thiếu trách nhiệm, không thực hiện đúng như thỏa thuận (văn bản ngày 03/12/2013). Do đó, giữa nguyên đơn và bị đơn không thống nhất được phương án bồi thường thiệt hại cho dân. Một số hộ dân sau khi đã nhận bồi thường còn thúc giục nhà thầu thi công rút cọc cừ để họ xây dựng nhà ở nhưng phía Công ty V. vẫn không thi công rút cừ. Như vậy, là không có hành vi cản trở rút cừ của các hộ dân như nguyên đơn trình bày. Đến nay nhà thầu thi công không rút được cừ thì không phải là lỗi của công ty E. gây ra. Vì công ty E. không ký hợp đồng với nhà thầu phụ để thuê ép cừ. Nên Công ty E. không chịu trách nhiệm bồi thường theo yêu cầu của Công ty V. và đối với Công ty H.L.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công ty H.L) trình bầy:
Căn cứ Hợp đồng kinh tế số: 08/HĐKT ngày 15/8/2010 và Phụ lục Hợp đồng kinh tế số: 10/PLHĐ ngày 29/10/2010, giữa Công tyV. và Công ty H.L thì Công ty H.L có trách nhiệm thi công ép, rút cừ và vận chuyển thiết bị máy, vật tư đến và đi khỏi công trình sau khi Công ty V. thanh toán theo nghĩa vụ hợp đồng đã ký kết. Phần thi công hàn văng chống cừ do Công ty V. đảm nhận. Việc thi công ép cừ Larssen theo Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT được Công ty H.L thực hiện ép từ ngày 19/8/2010 đến ngày 02/9/2010, số lượng cọc cừ 585 cây. Trong giai đoạn thi công ép cừ, nhà thầu đã được chủ đầu tư nghiệm thu từng hạng mục thi công và không có tranh chấp. Lý do đến nay Công ty H.L không thực hiện được việc rút cừ là do; Chủ đầu tư không thực hiện việc bồi thường thiệt hại cho các hộ dân nên khi triển khai rút cừ theo kế hoạch thì bị các hộ dân cản trở. Hiện công trường còn lại 235 cọc cừ chưa thu hồi được nên dẫn đến thiệt hại cho Công ty H.L. Mọi thiệt hại Công ty H.L đã trình bầy và tại phiên tòa vẫn giữ nguyên như yêu cầu. Đề nghị Hội đồng xét xử buộc Công ty E. phải bồi thường toàn bộ. Căn cứ vào các quy định của pháp luật thì đủ cơ sở để chứng minh Công ty E. hoàn toàn có lỗi gây ra thiệt hại. Về công tác quản lý về xây dựng. Công ty H.L đề nghị Hội đồng xét xử kiến nghị cơ quan quản lý Nhà nước địa phương để khắc phục vi phạm, vì Công ty E. chưa đủ điều kiện xây dựng và chưa được cấp phép xây dựng tòa nhà như hiện nay nhưng vẫn tiến hành thi công là vi phạm Luật xây dựng.
* Ngày 14 tháng 02 năm 2017, Tòa án đưa vụ án ra xét xử. Sau khi mở phiên tòa, Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tạm dừng phiên tòa để các bên được sự cung cấp chứng cứ, trong đó tiếp tục trưng cầu giám định để xác định nguyên nhân sụt lún gây thiệt hại cho các hộ dân. Trong giai đoạn xét xử vụ án Tòa án đã gửi công văn và quyết định trưng cầu giám định Tư pháp trong xây dựng tại các tổ chức: Sở Xây Dựng Thanh Hóa; Cục giám định Nhà nước, Viện khoa học công nghệ thuộc Bộ Xây Dựng nhưng đều không thực hiện giám định. Đến nay, vụ án không có căn cứ xác định nguyên nhân sụt, lún, rạn nứt công trình là do lỗi của bị đơn hay nhà thầu thi công, vì các tổ chức thực hiện giám định trong xây dựng từ chối giám định.
Nay Công ty E. đã có văn bản xin rút yêu cầu đề nghị trưng cầu giám định và không yêu cầu nguyên đơn hoàn trả 30 % số tiền mà công ty đã chi trả bồi thường cho các hộ dân.
Tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, buộc bị đơn phải bồi thường theo giá trị thực tính của Công ty H.L theo dơn phản tố; bị đơn vẫn giữ nguyên quan điểm không chấp nhận bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên quan yêu cầu phản tố, đề nghị bị đơn và nguyên đơn phải liên đới bồi thường số tiền thuê cừ còn thiếu đến ngày 31/03/2014: 10.474.358.162đ. theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/03/2014 và thiệt hại cọc cừ còn nằm tại công trình không thu hồi được là 235 cây, có giá trị là 2.558m dài x 76kg x 15.000đ = 2.927.000.000đ.
* Tại bản án số 01/2018/DSST ngày 19/3/2018 của Toà án nhân dân Thành phố Sầm Sơn đã quyết định: Áp dụng điểm đ khoản 1 Điều 192, điểm g khoản 1 Điều 217, khoản 3 Điều 218, Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 688 của Bộ luật dân sự 2015; Khoản 2 Điều 27 Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Điều 48 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội.
- Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị V. đối với bị đơn Công ty TNHH Điện tử - tin học – Viễn Thông E..
- Đình chỉ đối với yêu cầu độc lập của Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất H.L, vì nội dung yêu cầu không thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân thành phố Sầm Sơn. Công ty H.L có quyền khởi kiện bằng vụ án dân sự khác.
Án sơ thẩm còn quyết định về án phí và quyền kháng cáo của các đương sự.
* Ngày 26/3/2018, nguyên đơn (Công ty V.) và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Công ty H.L) kháng với nội dung: Không đồng ý với bản án và đề nghị cấp phúc thẩm hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại.
* Tại phiên toà phúc thẩm:
- Nguyên đơn vẫn giữ nguyên đơn khởi kiện, người kháng cáo không rút đơn kháng cáo, và đề nghị xét xử theo quy định của pháp luật.
- Ý kiến của Đại diện theo ủy quyền và Người bảo vệ quyền, lợi ích của Nguyên đơn và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
Quá trình giải quyết và xét xử tại cấp sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng, không xem xét đánh giá các chứng cứ một cách toàn diện, khách quan, làm bất lợi cho Công ty V. và Công Ty H.L. Vì vậy đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo, hủy bản án sơ thẩm và giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết xét xử lại theo quy định để đảm bảo quyền lợi của Công ty.
- Ý kiến của Đại diện theo ủy quyền và Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Cấp sơ thẩm đã xem xét toàn diện khách quan vụ án nên quyết định là hoàn toàn đúng pháp luật, thấu tình đạt lý. Công ty V. và Công ty H.L kháng cáo nhưng không có tài liệu chứng cứ nào mới xuất trình và việc trình bày là không có căn cứ nên đề nghị HĐXX không chấp nhận kháng cáo và giữ nguyên Bản án sơ thẩm.
- Ý kiến của Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa:
+ Thủ tục kháng cáo: Ngày 26/3/2018 Cty V. và Cty H.L là đương sự trong vụ án có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm theo quy định của bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên việc TAND Thành phố Sầm Sơn thông báo nộp án phí phúc thẩm là 300.000đ là không đúng theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hoá đã ban hành kiến nghị về nội dung này, nên đề nghị HĐXX xem xét theo đúng quy định + Việc chấp hành pháp luật của những người tiến hành tố tụng:
Về việc tuân theo pháp luật của các thẩm phán và thư ký tòa án từ khi thụ lý vụ án tới thời điểm xét xử phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Hội đồng xét xử đã thực hiện đúng các quy định của BLTTDS về phiên tòa phúc thẩm; đảm bảo đúng nguyên tắc xét xử, thành phần hội đồng xét xử, sự có mặt của thành viên hội đồng xét xử và thư ký phiên tòa; phạm vi xét xử phúc thẩm và thủ tục phiên tòa.
Đối với các đương sự từ khi tòa án cấp phúc thẩm thụ lý vụ án đến thời điểm xét xử đã được thực hiện đúng các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
+ Đối với các nội dung kháng cáo:
Kháng cáo của nguyên đơn: Công ty V. cho rằng việc nứt, lún công trình xảy ra trước khi Công ty V. thực hiện Hợp đồng 28/HĐXL ngày 28/7/2010 trên nền móng đã thi công ổn định do Cty E. thực hiện. Tuy nhiên quá trình thi công tại các nhật ký thi công số cọc cừ loại 8m -10m, không đảm bảo kỹ thuật, gia cố sụt lún các công trình của các hộ dân liền kề. Dẫn đến các hộ dân có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại trong việc thi công công trình làm nứt, lún công trình của các hộ dân. Công ty V. cho rằng việc bồi thường chưa thoả đáng nên các hộ dân cản trở không rút được cọc cừ. Trước khi xảy ra tranh chấp Công ty E. đã có nhiều công văn đôn đốc Công ty V. rút cừ sau khi thi công xong tầng hầm toà nhà vào các ngày 12/5 và ngày 27/6/2011. Nhưng theo báo cáo của tổ dân phố ngày 22/12/2011, các hộ dân báo cáo không gây ồn ào mất trật tự, vẫn tạo điều kiện cho cho việc thi công công trình.
Do đó, kháng cáo của Công ty V. không có căn cứ chấp nhận.
Kháng cáo của người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Thực hiện Hợp đồng số 08/HĐKT ngày 15/8/2010 và phụ lục Hợp đồng kinh tế số 10/PLHĐ ngày 29/10/2010, giữa Công ty V. và Công ty H.L. Công ty H.L có trách nhiệm thi công ép, rút cọc cừ và vận chuyển máy, vật tư đến và đi khỏi công trình sau khi Công ty V. thanh toán theo nghĩa vụ Hợp đồng đã ký kết và theo cam kết. Trong quá trình thi công ép cừ, Công ty H.L và Công ty V. để xảy ra một số lỗi kỹ thuật nhưng không làm thay đổi nội dung Hợp đồng kinh tế. Giai đoạn thi công rút cừ từ ngày 30/9/2011 đến 02/6/2012, Công ty H.L đã rút được 350 cọc cừ, còn lại 235 cọc cừ đang nằm lại công trình cho đến nay dẫn đến gây thiệt hại cho Công ty H.L trong quá trình thực hiện Hợp đồng với Công ty V. là có căn cứ. Tuy nhiên, yêu cầu của Công ty H.L cần thực hiện theo như Hợp đồng số 08/HĐKT, ngoài Hợp đồng kinh tế giữa Công ty V. và Công ty H.L không có thoả thuận nào khác về yêu cầu giải quyết khi có tranh chấp xảy ra. Vì vậy, nội dung yêu cầu của Công ty H.L không xem xét trong vụ án này là đúng.
Do đó, kháng cáo của Công ty H.L không có căn cứ chấp nhận.
Đề nghị Hội đồng xét xử:
Căn cứ khoản 1 điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự:
Bác kháng cáo của Công ty V. và Công ty H.L. Giữ nguyên Bản án sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 19/3/2018 của Toà án nhân dân thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa.
Về án phí: Căn cứ Nghị quyết 326 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc hội các đương sự phải chịu án phí KDTM phúc thẩm theo quy định của pháp luật.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, được thẩm tra tại phiên toà, ý kiến tranh luận của các đương sự và quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1].Về thủ tục tố tụng: Tại phiên toà phúc thẩm, nguyên đơn vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vẫn giữ nguyên yêu cầu độc lập và giữ nguyên đơn kháng cáo, các bên không có thỏa thuận được với nhau về các nội dung tranh chấp nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét các nội dung kháng cáo:
2.1. Xét kháng cáo của Công ty V. (nguyên đơn).
- Hợp đồng xây lắp số 28/HĐXL và phụ lục Hợp đồng số 04/PLHĐ giữa Công ty V. (nhà thầu) và Công ty E. (nhà đầu tư) ký kết trên cơ sở hoàn toàn tự nguyện và thực hiện theo quy quy định của pháp luật. Công ty V. cho rằng khi ký kết thì Công ty E. chưa có đầy đủ các giấy tờ cần thiết cho việc xây dựng, đây là trách nhiệm của Công ty E. và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Còn Công ty V. có đầy đủ chức năng tư vấn xây dựng theo quy định, tự nguyện ký HĐ với Công ty E., nếu có vi phạm thì Công ty E. phải chịu trách nhiệm với Công ty V.. Vì vậy Hợp đồng xây lắp số 28/HĐXL ngày 28/7/2010 và Phụ lục Hợp đồng số 04/PLHĐ ngày 04/12/2012 là hợp lệ nên không có cơ sở để tuyên bố vô hiệu theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 như đề nghị của Công ty V..
Theo các tài liệu, hồ sơ các bên cung cấp và Tòa án cấp sơ thẩm đã thu thập thì để thực hiện hợp đồng, Công ty V. đã ký hợp đồng số 08/2010/HĐKT ngày 15/8/2010 và Phụ lục Hợp đồng số 10//2010/PLHĐ ngày 29/10/2010 với Công ty H.L (nhà thầu phụ) để thực hiện nhiệm vụ mà Công ty V. đã ký với Công ty E.. Tuy nhiên trong quá trình thực hiện thì dù nhà thầu phụ thi công nhưng Công ty V. vẫn phải chịu trách nhiệm với Công ty E.. Trong quá trình thi công, nhà thầu đã không thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, đưa vào thi công không đúng chủng loại cừ như Hợp đồng, những vi phạm này được phía Công ty E. lập biên bản hiện trường ngày 06/11/2011; nhật ký thi công ngày 27 và 28/12/2010; ngày 09/01/2011; ngày 22/01/2011; ngày 24/01/2011. Mặc dù có sự vi phạm về hợp đồng nhưng Công ty V. và Công ty E. không yêu cầu chấm dứt và thanh lý hợp đồng, như vậy giữa hai bên không có tranh chấp, các thiệt hại mà Công ty V; yêu cầu Công ty E. bồi thường là thiệt hại phát sinh ngoài hợp đồng.
- Xét yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty V. đối với Công ty E.: Công ty V. là nhà thầu có đủ tư cách pháp nhân đã ký kết Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT ngày 15/8/2010 và Phụ lục hợp đồng kinh tế số 10/PLHĐKT ngày 29/10/2010 với Công ty H.L để thực hiện nội dung công việc thi công việc ép, rút cừ tại công trình do Công ty ký kết trước đó với Công ty E.. Công ty E. không tham gia ký kết Hợp đồng với Công ty H.L mà chỉ tham gia giám sát việc thi công, nghiệm thu kỹ thuật cho từng hạng mục đối với nhà thầu Công ty V. thi công. Quá trình thi công ép cừ, Công ty H.L đã thực hiện đúng tiến độ và đưa vào công trình đúng chủng loại cừ theo Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT ngày 15/8/2010 giữa Công ty V. và Công ty H.L ký kết. Tuy nhiên, chủng loại cừ được thi công ở hai tuyến cừ còn lại phía tây và phía N. công trình không đúng tiêu chuẩn cừ 12 mét theo điều 8 của Hợp đồng xây lắp số 28/ HĐXL. Do đó Công ty E. đã có nhiều công văn đôn đốc Công ty V. rút cừ sau khi thi công xong tầng hầm tòa nhà vào các ngày 12/5 và 27/6/2011. Nội dung này đã được các bên đánh giá tại cuộc họp ngày 15/9/2011, thời điểm các bên chưa phát sinh ký kết Phụ lục Hợp đồng số 04/PLHĐ-XL và công trình đã được xây dựng xong tầng 03 và xây lên tầng 04. Theo đơn đề nghị ngày 22/12/2011 thì những hộ dân cam kết tạo điều kiện cho Công ty E. thi công và không gây cản trở cho nhà thầu rút cừ. Công ty V. cho rằng việc nhà thầu không rút được cừ là do người dân cản trở, gây khó khăn nên đến nay Công ty không thu hồi được số cọc cừ còn lại 235 cây. Thực tế người dân bị thiệt hại chỉ có đơn khiếu nại gửi đến UBND phường Tr.S, UBND thị xã Sầm Sơn và Sở xây dựng Thanh Hóa và chỉ yêu cầu Công ty E. thực hiện cam kết bồi thường do hành vi trước đó gây ra. Còn thực tế người dân không thực hiện hành vi gây cản trở việc rút cừ của nhà thầu thi công như trình bày của Công ty V.. Trong quá trình giải quyết khiếu nại, không có tài liệu, biên bản nào thể hiện việc nhà thầu bị các cấp có thẩm quyền yêu cầu tạm dừng thi công và việc rút cừ bị người dân cản trở. Các tài liệu, chứng cứ các bên cung cấp cho thấy, sau khi hoàn thành rút hai tuyến cừ phía đông và phía bắc công trình từ các ngày 30/5/2011 đến 04/6/2012, nhưng cho đến ngày 15/9/2011 Công ty V. vẫn chậm thanh toán tiền thuê cừ và tiền phát sinh cho Công ty H.L. Căn cứ này được thể hiện tại công văn số 22 ngày 11/5/2011 của Công ty V., công văn số 23 ngày 14/5/2011 và công văn số 0630 ngày 30/6/2011 của công ty H.L. Từ đó, giữa Công ty V. và Công ty H.L đã có nhiều văn bản trao đổi và cam kết thanh toán qua lại với nhau, cụ thể; Công ty H.L có công văn số 1011 ngày 10/10/2011 (dự kiến tiến độ thi công), ngày 12/10/2011 Công ty H.L và Công ty V. lập cam kết thanh toán, trong đó thống nhất số tiền nợ tính đến ngày 30/9/2011 là 4.265.340.562đ. Theo biên bản đối chiếu công nợ ngày 31/3/2014, thì Công ty V. còn nợ Công ty H.L số tiền thuê cừ 10.474.358.162đ, số nợ này được tính từ ngày 30/9 2011.
Như vậy, việc Công ty H.L không rút được 235 cọc cừ còn lại là do Công ty V. không thực hiện nghĩa vụ thanh toán theo Hợp đồng với Công ty H.L, không thuộc lỗi của Công ty E.. Do đó, không làm căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với Công ty E. theo theo quy định của Bộ luật dân sự 2005 và Luật thương mại 2005.
2.2. Xét kháng cáo của Cty H.L (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan): Trên cơ sở Hợp đồng số 08/2010/HĐKT ngày 15/8/2010 và Phụ lục Hợp đồng số 10//2010/PLHĐ ngày 29/10/2010 đã ký giữa Công ty H.L và Công ty V.: Công ty H.L đã vận chuyển đến công trình là 585 cây cừ Lassen để thực hiện hạng mục thi công ép, rút cừ thép Larssen xây dựng tầng hầm tại Tòa nhà trung tâm thương mại Great Dragon Hotel, 25 phường Tr.S, thành phố Sầm Sơn. Việc thực hiện thi công được Công ty H.L thực hiện đúng tiến độ theo hợp đồng với Công ty V.. Công ty H.L đã thực hiện việc rút cừ từ ngày 30/9/2011 đến 02/6/2012 và đã rút được 350 cọc cừ, còn lại 235 cọc cừ đang nằm tại công trình. Nên thiệt hại của Công ty H.L trong quá trình thực hiện Hợp đồng với Công ty V. cho đến nay là có căn cứ. Tuy nhiên trách nhiệm bồi thường thiệt hại đối với Công ty H.L được thực hiện và giải quyết theo Điều 6 Hợp đồng kinh tế số 08/HĐKT ngày 15/8/2010 mà Công ty H.L và Công ty V. đã ký kết. Vì vậy Công ty H.L có quyền khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm HĐ số 08/HĐKT ngày 15/8/2010 đối với Công ty V. theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Do đó yêu cầu bồi thường thiệt hại của Công ty H.L đối với Công ty E. không được xem xét trong vụ án này nên Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ và trả lại đơn yêu cầu, giành quyền khởi kiện cho Công ty H.L bằng vụ án dân sự khác là phù hợp với hợp đồng hai bên đã ký và quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Tại gia đoạn phúc thẩm, các đương sự kháng cáo nhưng không xuất trình thêm được tài liệu chứng cứ nào mới so với cấp sơ thẩm đã xem xét, đánh giá. Vì vậy không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị V. (nguyên đơn) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất H.L (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan), giữ nguyên quyết định của Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 19/3/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Sầm Sơn [3]. Về án phí phúc thẩm: Các đương sự kháng cáo không được chấp nhận nên phải chịu án phí Kinh doanh thương mại phúc thẩm là 2.000.000đ theo quy định khoản 4 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
Tuy nhiên việc thông báo nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm của Toà án nhân dân thành phố Sầm Sơn đối với các đương sự với mức 300.000đ là không đúng với quy định của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội. Vì vậy, các đương sự phải nộp phần còn thiếu của mức án phí KDTM phúc thẩm.
[4]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
* Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự:
Không chấp nhận kháng cáo của Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị V. (nguyên đơn) và Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất H.L (người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan). Giữ nguyên quyết định của Bản án kinh doanh thương sơ thẩm số 01/2018/KDTM-ST ngày 19/3/2018 của Tòa án nhân dân Thành phố Sầm Sơn
* Án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Căn cứ khoản 4 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của UBTV Quốc Hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.
- Công ty cổ phần tư vấn xây dựng Dân dụng và Đô thị V. phải nộp 2.000.000đ án phí phúc thẩm. Được trừ 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0004036 ngày 03/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Sầm Sơn. Còn phải nộp tiếp 1.700.000đ (một triệu bảy trăm nghìn đồng).
- Công ty trách nhiệm hữu hạn Thương mại và Sản xuất H.L phải nộp 2.000.000đ án phí phúc thẩm. Được trừ 300.000đ tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu tiền số 0004035 ngày 03/4/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự Thành phố Sầm Sơn. Còn phải nộp tiếp 1.700.000đ (một triệu bảy trăm nghìn đồng).
* Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 10/2018/KDTM-PT ngày 21/08/2018 về tranh chấp hợp đồng xây lắp và yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Số hiệu: | 10/2018/KDTM-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Thanh Hoá |
Lĩnh vực: | Kinh tế |
Ngày ban hành: | 21/08/2018 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về