TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH PHƯỚC
BẢN ÁN 101/2019/HSPT NGÀY 15/11/2019 VỀ TỘI CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH
Trong ngày 15 tháng 11 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước, mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự thụ lý số: 91/2019/TLPT-HS ngày 11 tháng 10 năm 2019, đối với bị cáo Vy Thị P do có kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước và kháng cáo của bị cáo Vy Thị P, bị hại bà Trần Thị H đối với Bản án hình sự sơ thẩm số 78/2019/HSST ngày 30/08/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước.
Bị cáo có kháng cáo:
Vy Thị P, sinh năm 1978 tại Cao Bằng; Nơi cư trú: Tổ 4, ấp 6, xã M, huyện C, tỉnh Bình Phước; nghề nghiệp: Làm rẫy; trình độ văn hóa: 5/12; dân tộc: Tày; tôn giáo: Không; con ông Vy Văn S và bà Triệu Thị K; chồng Nguyễn Phú N và có 04 người con, lớn nhất sinh năm 1999, nhỏ nhất sinh năm 2012; tiền án, tiền sự: không; nhân thân: Bị cáo chưa lần nào bị xử lý hành chính hoặc xét xử về hành vi vi phạm pháp luật; bị cáo bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
Bị hại: Bà Trần Thị H, sinh năm 1984; Địa chỉ: Tổ 2, ấp 7, xã M, huyện C, tỉnh Bình Phước (có mặt)
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại bà Trần Thị H: Luật sư Nguyễn Tăng H, Văn phòng Luật sư Tín Nghĩa (có mặt) Địa chỉ: Số 59, Tôn Đức Thắng, phường T, thành phố B, tỉnh Đăk Lak.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
Bị cáo Vy Thị P và bà Trần Thị H có mối quan hệ là chị em dâu với nhau. Nguyễn Phú N, sinh năm 1977 (chồng của P) là anh trai của Nguyễn Phú B, sinh năm 1978 (chồng của Trần Thị H).
Gia đình bị cáo P và ông N có vườn cao su diện tích khoảng 08ha giáp ranh với vườn cao su diện tích khoảng 3,6ha của ông B và bà H tại ấp 7, xã M, huyện C. Đất của ông B và bà H không có lối đi nên hàng ngày, ông B và bà H thường đi xe ngang qua đất vườn cao su của gia đình bị cáo P và ông N cạo mủ cao su. Trong quá trình sinh sống, giữa hai gia đình có xảy ra mâu thuẫn. Vì vậy, gia đình bị cáo P và ông N không muốn cho gia đình ông B và bà H đi trên phần đất của mình.
Khoảng 14 giờ, ngày 07/01/2019, ông N gọi điện thoại di động cho bà H nói “bây giờ tao không cho vợ chồng mày đi xe tải qua vườn nhà tao, chỉ cho đi xe hai bánh thôi, đi xe bốn bánh là tao chém chết”. Nghe ông N đe dọa như vậy thì bà H không trả lời nên ông N ngắt cuộc gọi không nói gì thêm. Đến khoảng 15 giờ cùng ngày, giữa bị cáo P và bà H nói chuyện với nhau qua điện thoại và dẫn đến cãi, chửi nhau. Bị cáo P chửi bà H “Mày sống với thằng B, ăn cức gà, cứt chó nhà thằng B, chứ làm cái đách gì”, H chửi lại P “Chị cũng như tôi, phận đàn bà có gì hơn tôi không mà chửi tôi, lấy chồng mà bị chồng đánh, tôi mà như chị thì tôi cắn lưỡi chết cho rồi, tôi chỉ nói chuyện với người kinh, người dân tộc tôi không nói chuyện” (do P là dân tộc Tày). Sau đó, bị cáo P tắt máy điện thoại và không nói gì thêm.
Khoảng 11giờ 30 phút ngày 09/01/2019, ông N điều khiển xe mô tô chở bị cáo đi từ trong vườn cao su tại ấp 7, xã Minh Thắng về nhà. Khi đó, bị cáo ngồi sau ôm khoảng 04 đến 05 khúc cây tầm vông (mỗi khúc dài khoảng 01m), số tầm vông này bị cáo chặt ở trong rẫy mang về nhà để cắm cọc làm vườn rau. Trên đường về, bị cáo nói ông N dừng xe tại điểm thu mua mủ cao su của chị Trương Ngọc L, sinh năm 1979, HKTT: tổ 1 KP T, TT C, huyện C (thuộc ấp 7, xã M, huyện C) để bị cáo P vào tìm gặp bà H nói chuyện nhưng không thấy bà H nên ông N chở bị cáo ra về. Sau đó, chị L điện thoại nói cho bà H biết việc ông N chở bị cáo đi tìm bà H. Do nghĩ bị cáo tìm mình để đánh nên khoảng 12 giờ cùng ngày, bà H điện thoại nói chuyện với bị cáo P và cả hai hẹn nhau buổi chiều cùng ngày thì gặp nhau tại nhà bà Trần Thị M ở tổ 4, ấp 6, xã M, huyện C để nói chuyện.
Khoảng 17 giờ 00 phút cùng ngày 09/01/2019, bà H điều khiển xe mô tô đến trường Tiểu học M đón con đi học về. Sau đó, bà H chạy xe đến nhà bà M nhưng không thấy bị cáo P đến. Bà H điện thoại hỏi bị cáo P sao không đến gặp để nói chuyện thì bị cáo P trả lời không muốn gặp bà H. Vì vậy, bà H điều khiển xe mô tô từ nhà bà M ra về.
Do bực tức về việc bị bà H chửi nên bị cáo P cố tình không đến nhà bà M để gặp bà H, mà ở nhà chờ bà H đi về ngang nhà sẽ đánh bà H. Khoảng 17 giờ 20 phút cùng ngày, bị cáo P thấy bà H điều khiển xe môtô chở con đi về trên đường Quốc lộ 14 ngang qua nhà thì bị cáo gọi “con H”. Khi bà H nghe có người gọi tên mình nên dừng xe lại bên lề đường đất đỏ. Lúc này, bị cáo liền lấy một khúc cây tầm vông tươi, màu xanh, dài 93cm tại nhà và chạy bộ băng qua đường Quốc lộ 14 đến chỗ H dừng xe. Bà H thấy bị cáo Pcầm cây chạy đến thì bà H xuống xe và gạt chân chống dựng xe. Bị cáo P đến đứng cách bà H khoảng 01 mét và cầm khúc cây tầm vông bằng hai tay đánh bà H 01 cái trúng vào miệng gây thương tích chảy máu, rồi bị cáo P đánh thêm 01 cái nữa vào đầu nhưng bà H đội nón bảo hiểm nên trượt xuống trúng vai. Sau khi bị đánh, bà H liền chụp khúc cây tầm vông và cả hai giằng co với nhau khúc tầm vông làm cây thụt trúng vào đùi bà H. Lúc này, chị Bùi Thị L1 và một số người xung quanh chạy đến can ngăn. Chị L1 lấy được khúc cây tầm vông vứt vào bụi cỏ bên đường, thấy bà H bị thương tích nên mọi người xung quanh đưa bà H đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cấp cứu, còn bị cáo bỏ đi về nhà.
Tại Giấy chứng nhận thương tích số 23/CN ngày 17/01/2019, của Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Phước xác định Trần Thị H bị thương tích: Vết thương đứt lìa môi trên xuyên từ ngoài vào trong miệng, gãy răng 11 còn 1/3 thân răng, gãy răng 41 còn 1/2 chân răng, răng 12 mẻ 1/3 cạnh cắn, sưng nề môi trên, sưng nề và bầm tím vai trái, đùi trái, khối sưng nề vùng đỉnh trái kích thước 2cm x 1cm. (BL 24).
Bản Kết luận giám định pháp y về thương tích số 51/2019/GĐPY ngày 29/01/2019 của Trung tâm pháp y Bình Dương kết luận Trần Thị H bị tổn thương cơ thể do thương tích gây nên hiện tại là 14%.
Tại Bản án hình sự sơ thẩm số 78/2019/HSST ngày 30/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước đã quyết định:
“Tuyên bố bị cáo Vy Thị P phạm tội “Cố ý gây thương tích”.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 50; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Vy Thị P 02 (hai) năm tù, thời hạn tính từ ngày bắt thi hành án.
Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017; Điều 584, 590 Bộ luật dân sự năm 2015 Buộc bị cáo có trách nhiệm bồi thường cho bị hại Trần Thị H số tiền 38.653.000đ, bị cáo đã nộp 13.060.000đ, còn phải bồi thường 25.593.000đ, tách yêu cầu đòi bồi thường tiền làm môi, răng sứ ra giải quyết bằng một vụ án khác khi người bị hại có yêu cầu.
Ngoài ra, bản án còn quyết định về vật chứng vụ án, án phí và quyền kháng cáo.
Tại đơn kháng cáo ngày 03/9/2019 bị cáo Vy Thị P kháng cáo yêu cầu được hưởng án treo.
Tại đơn kháng cáo ngày 13/9/2019 bị hại Trần Thị H kháng cáo đề nghị hủy Bản án sơ thẩm để thay đổi tội danh từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Giết người” hoặc tăng nặng hình phạt đối với bị cáo, tăng mức bồi thường 370.000.000 đồng.
Ngày 11/9/2019 Viện kiểm sát nhân dân huyện C Quyết định kháng nghị phúc thẩm phần hình phạt của Bản án hình sự sơ thẩm số 78/2019/HSST ngày 30/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước. Đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Bình Phước xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng cho bị cáo P được hưởng án treo.
Tại phiên tòa phúc thẩm:
Bị hại Trần Thị H thay đổi kháng cáo về yêu cầu hủy Bản án sơ thẩm để thay đổi tội danh từ tội “Cố ý gây thương tích” sang tội “Giết người”, thành kháng cáo tăng nặng hình phạt và tăng tiền bồi thường thiệt hại 100.876.676 đồng, ngoài số tiền 38.653.000 đồng.
Bị cáo Vy Thị P thừa nhận hành vi phạm tội và đề nghị HĐXX chấp nhận kháng cáo yêu cầu được hưởng án treo. Sau khi xét xử sơ thẩm bị cáo đã tự nguyện giao nộp số tiền bồi thường 38.653.000 đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đồng ý bồi thường thêm cho bị hại số tiền 100.876.676 đồng ngoài hóa đơn, chứng từ mà bị hại đã cung cấp.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 Bộ luật tố tụng hình sự sửa Bản án sơ thẩm số 78/2019/HSST ngày 30/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước theo hướng chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước và chấp nhận kháng cáo của bị cáo về yêu cầu được hưởng án treo. Về phần trách nhiệm dân sự: Xét thỏa thuận giữa bị cáo và bị hại là tự nguyện, không trái đạo đức xã hội, cần ghi nhận.
Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án và tại phiên tòa thì Tòa án cấp sơ thẩm tuyên xử bị cáo phạm tội cố ý gây thương tích là có căn cứ. Tuy nhiên, bị cáo là người có sự chuẩn bị hung khí và đánh bị hại, lời khai của bị cáo có sự mâu thuẫn lúc thì thừa nhận mình đánh bị hại, lúc thì cho rằng do hai bên giằng co nên gây ra, chứng tỏ bị cáo không thành khẩn khai báo. Bị cáo có ý định gây thương tích ngay tức khắc cho bị hại, đánh vào miệng và đầu. Dùng hung khí nguy hiểm, hành vi hung hãn, quyết liệt, tới cùng. Sau khi gây án bị cáo không thăm hỏi, tự nguyện bồi thường cho bị hại. Viện kiểm sát cho rằng bị cáo thành khẩn khai báo là không chính xác, Kháng nghị cho bị cáo hưởng án treo là không có căn cứ. Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận Kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C và kháng cáo của bị cáo, tuyên xử bị cáo từ 02 năm đến 06 năm tù. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại: Yêu cầu bị cáo phải bồi thường cho bị hại tổng số tiền 100.876.676 đồng, ngoài số tiền 38.653.000 đồng.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:
[1] Xét kháng cáo của bị hại bà Trần Thị H, Hội đồng xét xử thấy rằng:
Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo Vy Thị P khai nhận hành vi phạm tội như nội dung Bản án sơ thẩm đã xác định. Xét lời nhận tội của bị cáo phù hợp với lời khai của bị hại, người làm chứng và các tài liệu, chứng cứ của vụ án. Do đó, có căn cứ xác định Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên bố bị cáo Vy Thị P về tội “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 134 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 là có căn cứ, đúng quy định pháp luật. Do bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ hình phạt như sau khi phạm tội tại cơ quan điều tra và tại phiên tòa bị cáo thành khẩn khai báo, đã tự nguyện giao nộp số tiền để bồi thường một phần thiệt hại cho bị hại, bị cáo chưa có tiền án, tiền sự, là phụ nữ dân tộc thiểu số, nuôi con nhỏ. Đây là những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51 Bộ luật hình sự nên Tòa án cấp sơ thẩm đã tuyên phạt bị cáo 02 (hai) năm tù, mức khởi điểm của khung hình phạt là phù hợp nên kháng cáo tăng nặng hình phạt của bị hại là không có căn cứ, không được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[2] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa phúc thẩm bị hại và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại yêu cầu bị cáo phải bồi thường thêm cho bị hại số tiền 100.876.676 đồng, ngoài số tiền 38.653.000 đồng. Tổng số tiền bị cáo phải bồi thường cho bị hại là 139.529.676 đồng. Bị cáo đồng ý bồi thường theo yêu cầu của bị hại. Xét đây là sự tự nguyện không trái đạo đức xã hội, phù hợp với quy định pháp luật nên Hội đồng xét xử cần ghi nhận.
[3] Xét kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước và kháng cáo của bị cáo về yêu cầu cho bị cáo được hưởng án treo, nhận thấy:
Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự và có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như đã nêu trên. Tại phiên tòa hôm nay bị cáo cũng đồng ý bồi thường thêm cho bị hại ngoài các khoản mà bị hại đã nộp hóa đơn, chứng từ. Bên cạnh đó, xét bị cáo có nơi cư trú rõ ràng và có khả năng tự cải tạo được, đủ điều kiện theo quy định của Nghị quyết số 02/2018 ngày 15/5/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn về án treo để được hưởng án treo. Hội đồng xét xử thấy không cần cách ly bị cáo khỏi đời sống xã hội, cần giữ nguyên mức hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên nhưng cho bị cáo hưởng án treo. Vì vậy, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C và kháng cáo của bị cáo là có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[4] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Phước tại phiên tòa là có căn cứ được Hội đồng xét xử chấp nhận.
[5] Quan điểm của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại: Có căn cứ một phần nên được Hội đồng xét xử chấp nhận một phần.
[6] Án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo P không phải chịu. Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch:
Bị cáo phải chịu 139.529.676 đồng x 5% = 6.976.483 đồng.
[7] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị đã có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ điểm b khoản 1 Điều 355, Điều 357 của Bộ luật tố tụng hình sự; Chấp nhận một phần kháng cáo của bị hại bà Trần Thị H;
Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Vy Thị P;
Chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước; Sửa Bản án hình sự sơ thẩm số 78/2019/HSST ngày 30/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước.
Căn cứ điểm đ khoản 2 Điều 134; điểm b, s khoản 1, 2 Điều 51, Điều 50; Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Xử phạt bị cáo Vy Thị P 02 (hai) năm tù, cho hưởng án treo. Thời gian thử thách là 48 (bốn mươi tám) tháng tính từ ngày tuyên án phúc thẩm.
Giao bị cáo cho Ủy ban nhân dân xã M, huyện C, tỉnh Bình Phước nơi bị cáo cư trú giám sát, giáo dục bị cáo trong thời gian thử thách.
Trong thời gian thử thách, nếu người được hưởng án treo cố ý vi phạm nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự 02 lần trở lên thì Tòa án có thể quyết định buộc người đó phải chấp hành hình phạt tù của bản án đã cho hưởng án treo; trường hợp thực hiện hành vi phạm tội mới thì Toà án buộc người đó phải chấp hành hình phạt của bản án trước và tổng hợp hình phạt của bản án mới theo quy định tại Điều 56 của Bộ luật Hình sự.
Trong trường hợp thay đổi nơi cư trú thì thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 69 của Luật Thi hành án Hình sự.
Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 584, Điều 585, Điều 590 Bộ luật dân sự năm 2015 ghi nhận sự thỏa thuận của bị cáo và bị hại về việc bị cáo bồi thường cho bị hại số tiền 139.529.676 đồng.
Về án phí hình sự phúc thẩm: Bị cáo Vy Thị P không phải chịu.
Về án phí dân sự sơ thẩm có ngạch giá: Bị cáo Vy Thị P phải chịu 6.976.483 đồng.
Các quyết định khác của Bản án hình sự sơ thẩm số 78/2019/HSST ngày 30/8/2019 của Tòa án nhân dân huyện C, tỉnh Bình Phước có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 101/2019/HSPT ngày 15/11/2019 về tội cố ý gây thương tích
Số hiệu: | 101/2019/HSPT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Bình Phước |
Lĩnh vực: | Hình sự |
Ngày ban hành: | 15/11/2019 |
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về