Bản án 08/2021/HS-ST ngày 15/09/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BA TƠ, TỈNH QUẢNG NGÃI

BẢN ÁN 08/2021/HS-ST NGÀY 15/09/2021 VỀ TỘI VI PHẠM QUY ĐỊNH KHAI THÁC, BẢO VỆ RỪNG VÀ LÂM SẢN

Ngày 15 tháng 9 năm 2021 tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 06/2021/TLST- HS ngày 02 tháng 8 năm 2021 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2021/QĐXXST-HS ngày 31 tháng 8 năm 2021 đối với bị cáo:

Phạm Văn H; tên gọi khác: không; sinh ngày 05 tháng 6 năm 1999, nơi sinh huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; nơi cư trú: Thôn N, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi; Nghề nghiệp: nông; trình độ học vấn: 09/12; Dân tộc: Hre; Giới tính: Nam; Quốc tịch: Việt Nam; Tôn giáo: Không; con ông Phạm Văn A và bà Phạm Thị B; vợ: Phạm Thị N, con: 01 người con, sinh năm 2018; tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại, áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú, có mặt tại phiên tòa.

* Người bào chữa cho bị cáo: Ông Nguyễn Chí K, Trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ngãi.

Địa chỉ: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

* Nguyên đơn dân sự: Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Q.

Đại diện cho Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi: Ông Hoàng Văn H, Phó Giám đốc phụ trách.

Địa chỉ: thành phố Q, tỉnh Quảng Ngãi.

Người đại diện theo ủy quyền: Ông Phạm B, Trạm Trưởng Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện Ba Tơ.

Địa chỉ: Xã V, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Anh Phạm Văn S, sinh năm 1994;

Địa chỉ: Thôn N, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

* Người làm chứng:

- Chị Phạm Thị N, sinh năm 2002;

- Chị Phạm Thị C, sinh năm 2002;

- Anh Phạm Văn T, sinh năm 1980;

Cùng địa chỉ: Thôn N, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Đương sự và các người làm chứng có mặt tại phiên tòa.

* Người phiên dịch: Ông Phạm Văn T, Công tác tại Ủy ban nhân dân thị trấn B, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào tháng 8 năm 2020, Phạm Văn H đi đến khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn thuộc suối C, thôn N, xã X, huyện B, để tìm cây gỗ với mục đích cưa hạ về làm nhà. Sau thời gian 03 ngày thì Phạm Văn H phát hiện tại Lô 14, Khoảnh 1, Tiểu khu 449, thôn N, xã X có 01 (một) cây gỗ Chò đứng ở sát vách núi gần con suối C, nên Phạm Văn H quyết định chọn cây này để cưa xẻ gỗ rồi sau đó đi về nhà. Đến ngày hôm sau, Phạm Văn H lấy máy cưa xăng của cha vợ là Phạm Văn T và mua 05 (năm) lít xăng đi đến vị trí cây gỗ Chò mà Phạm Văn H đã tìm thấy trước đó, dùng máy cưa để cưa hạ và dứt ra thành 06 (sáu) lóng (trong đó lóng ngắn nhất là 2,1m, lóng dài nhất là 4,2m), sau đó xẻ ra thành những thanh nhỏ để vận chuyển về. Khi xẻ được 03 (ba) lóng khoảng 40 thanh Phạm Văn H vận chuyển về để tại nhà ông Phạm Văn T được 09 thanh, số gỗ còn lại để tại gốc trên 30 thanh. Đến tối ngày 16/8/2020, Phạm Văn H đến nhà anh Phạm Văn S nhờ vợ, chồng của Phạm Văn S đi kéo gỗ đổi công cho Phạm Văn H, thì được vợ, chồng anh Phạm Văn S đồng ý. Đến sáng ngày 17/8/2020, Phạm Văn H dẫn vợ là Phạm Thị N cùng Phạm Văn S và Phạm Thị C, đều ở cùng thôn N, xã X đến vị trí đã cưa xẻ gỗ trái phép trước đó để vận chuyển gỗ xẻ về nhà. Tại đây, vợ chồng Phạm Văn S kéo 01 (một) thanh kích thước (16cmx12cmx3,5m), còn vợ chồng Phạm Văn H kéo 01 (một) thanh có cùng kích thước như trên. Trên đường về đến Nhà văn hóa thôn N, xã X, thì bị lực lượng chức năng Công an huyện B phối hợp với Công an xã X, phát hiện bắt giữ tang vật gỗ và phương tiện xe môtô 76B1-140.50 của Phạm Văn S. Riêng vợ chồng Phạm Văn H khi phát hiện lực lượng Công an huyện, đã bỏ gỗ tại hiện trường và điều khiển xe môtô chở vợ Phạm Thị N về nhà tại thôn N, xã X.

Trên cơ sở kết quả giám định số 823/CCKL-GĐTP, ngày 24/11/2020 Giám định viên Tư pháp Lâm nghiệp thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi có kết luận:

- Vị trí cây rừng bị khai thác thuộc Lô 14, Khoảnh 1, Tiểu khu 449, thôn N, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi. Có tọa độ vị trí như sau: X: 0553969; Y: 1620217.

- Loại rừng, chức năng quy hoạch cho lâm nghiệp tại vị trí có cây rừng bị khai thác.

+ Loại rừng: Rừng tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo (TXN).

+ Chức năng quy hoạch cho lâm nghiệp: Phòng hộ đầu nguồn.

- Khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại do khai thác: 8,334m3 (tám khối ba ba bốn) Ngày 31/3/2021 Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, tại thành phố Hà Nội, có kết luận giám định số 2161/C09-TT3 về việc giám định các loại mẫu gỗ, kết luận: Bốn (04) mẫu gỗ (ký hiệu lần lược “Gốc 1”; “L3+6”; “N11” và “N30”) gửi giám định đều là gỗ Chò chỉ (có tên khoa học là Parashorea chinensis). Gỗ Chò chỉ thuộc nhóm III trong Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước, ban hành kèm theo Quyết định số 2198-CNR, ngày 26/11/1997 của Bộ Lâm nghiệp - nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngày 21/5/2021, Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Ba Tơ, có Kết luận số 07/KL-HĐĐDTS về việc định giá tài sản trong tố tụng hình sự xác định giá trị bị thiệt hại phải bồi thường cho Nhà nước do hành vi khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản trái pháp luật của Phạm Văn H gây thiệt hại về lâm sản: 8,334m3 gỗ rừng tự nhiên quy hoạch cho lâm nghiệp là rừng phòng hộ đầu nguồn, kết luận: Giá trị lâm sản bị thiệt hại 8,334m3 tại lô 14, khoảnh 1, tiểu khu 449, thôn N, xã X: 395.865.000 đồng, trong đó: giá trị lâm sản là: 79.173.000 đồng, giá trị môi trường là: 316.692.000 đồng.

Trong quá trình điều tra và tại phiên tòa Phạm Văn H khai nhận: Bản thân Phạm Văn H đã được nghe chính quyền địa phương và Kiểm lâm địa bàn tổ chức họp tuyên truyền cho người dân không được tự ý lên rừng tại xã X, huyện B để chặt phá và khai thác gỗ trái trái pháp luật. Phạm Văn H biết rõ khu vực rừng nói trên là do Nhà nước quản lý, cấm chặt phá và khai thác gỗ, nhưng vì điều kiện gia đình khó khăn không có cây gỗ để làm nhà; nên vào khoảng tháng 8 năm 2020 Phạm Văn H lên khu vực tại Lô 14, Khoảnh 1, Tiểu khu 449, thôn N, xã X sử dụng máy cưa xăng để cưa hạ 01 (một) cây gỗ Chò chỉ, nhóm III, mục đích cưa xẻ để vận chuyển về làm nhà, gây thiệt hại 8,334m3 gỗ.

Theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, về việc phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, thì tại lô 14, khoảnh 1, tiểu khu 449, thuộc thôn N, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi là khu vực rừng tự nhiên núi đất lá rộng thường xanh nghèo, được quy hoạch chức năng cho lâm nghiệp, rừng phòng hộ đầu nguồn. Về trách nhiệm quản lý, ngày 26/12/2018, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi ban hành Quyết định số 2378/2012/QĐ-UBND về việc thành lập Bản Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi và phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi và Trạm Ban quản lý bảo vệ rừng huyện B quản lý, sử dụng và phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn.

Tại Cáo trạng số 06/QĐ-VKS ngày 28 tháng 7 năm 2021 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ đã truy tố Phạm Văn H tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm d khoản 1 Điều 232 của Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.

Tại phiên tòa đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ giữ nguyên quyết định truy tố đối với bị cáo Phạm Văn H, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

Điểm d, khoản 1 Điều 232, điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 38 Bộ luật Hình sự; xử phạt bị cáo Phạm Văn H từ 14 tháng đến 18 tháng tù.

Về trách nhiệm dân sự, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều Điều 584, 585, 586 và Điều 589 Bộ luật dân sự năm 2015:

Buộc bị cáo Phạm Văn H phải bồi thường thiệt hại cho Nhà nước tổng số tiền là 395.865.000 đồng.

Về vật chứng: Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng Điều 47 Bộ luật hình sự và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự:

- Trả cho Phạm Văn S 01 (một) giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy biển kiểm soát 76B1-140.50 tên Lê Văn C và 01 xe mô tô biển kiểm soát 76B1- 140.50, hiệu Yamaha.

- Tịch thu sung công quỹ Nhà nước 71 (bảy mươi mốt) thanh gỗ xẻ chò chỉ, gỗ nhóm III, khối lượng 2,875 m3.

Đại diện của Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi, trình bày ý kiến: Đề nghị Hội đồng xét xử giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật và xem xét đến hoàn cảnh của bị cáo để thể hiện tính nhân đạ o của pháp luật.

Trợ giúp viên pháp lý bào chữa cho bị cáo, trình bày:

Do các bị cáo ở vùng sâu học vấn thấp, nhận thức pháp luật của bị cáo hạn chế. Mục đích khai thác cây chò là lấy gỗ làm nhà, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn chứ không phải để lấy gỗ bán lấy tiền mang tính thương mại. Bị cáo thành khẩn khai báo, thể hiện sự ăn năn hối cải về hành vi của mình, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, có nhân thân tốt. Bị cáo thuộc hộ gia đình khó khăn. Để thể hiện tính nhân đạo của pháp luật, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng:

Điểm d Khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51, Điều 65 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo Phạm Văn H từ 14 tháng đến 18 tháng tù cho hưởng án treo. Mức bồi thường thống nhất với đề nghị của Viện kiểm sát.

Bị cáo Phạm Văn H không có tranh luận gì mà chỉ đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

- Về tố tụng:

[1]. Về các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, người bào chữa trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ Luật tố tụng hình sự (viết tắt là BLTTHS). Quá trình điều tra, truy tố và tại phiên tòa bị cáo và những người tham gia tố tụng không có ai có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều đảm bảo theo quy định của pháp luật.

- Về nội dung vụ án:

[2]. Tại phiên tòa bị cáo Phạm Văn H khai nhận hành vi phạm tội, lời khai nhận của bị cáo phù hợp với lời khai của người làm chứng và các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ vụ án.

[3]. Căn cứ vào Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi; Kết quả giám định số 823/CCKL-GĐTP, ngày 24/11/2020 Giám định viên Tư pháp Lâm nghiệp thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Ngãi; Kết luận giám định số 2161/C09-TT3 ngày 31/3/2021 của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an về việc giám định các loại mẫu gỗ; Kết luận số 07/KL-HĐĐDTS ngày 21/5/2021 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện Ba Tơ, thì hành vi của bị cáo Phạm Văn H khai thác lâm sản tại Lô 14, Khoảnh 1, Tiểu khu 449, thôn N, xã X, huyện B, tỉnh Quảng Ngãi là rừng tự nhiên, chức năng quy hoạch cho lâm nghiệp: Phòng hộ đầu nguồn, khối lượng gỗ tròn bị thiệt hại do khai thác: 8,334m3, gỗ Chò chỉ thuộc nhóm III trong Bảng phân loại tạm thời các loại gỗ sử dụng thống nhất trong cả nước, ban hành kèm theo Quyết định số 2198-CNR, ngày 26/11/1997 của Bộ Lâm nghiệp - nay là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Giá trị bị thiệt hại là: 395.865.000 đồng, trong đó: giá trị lâm sản là: 79.173.000 đồng, giá trị môi trường là: 316.692.000 đồng.

[4] Xét hành vi của bị cáo, Hội đồng xét xử xét thấy, hành vi phạm tội của bị cáo Phạm Văn H đã đủ yếu tố cấu thành tội: “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” theo điểm d khoản 1 Điều 232 của Bộ luật Hình sự như Cáo trạng Viện kiểm sát nhân dân huyện Ba Tơ đã truy tố.

[5]. Xét tính chất, mức độ và hậu quả hành vi phạm tội của bị cáo:

Bị cáo Phạm Văn H là người có đầy đủ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi, bị cáo biết rừng do bị cáo khai thác lâm sản trái phép là rừng phòng hộ đầu nguồn do Nhà nước quản lý nhưng chỉ vì mục đích lấy gỗ làm nhà, mà bị cáo đã bất chấp quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Do đó, cần phải xử lý đúng với tính chất và hành vi phạm tội đối với bị cáo mới có tác dụng giáo dục riêng và phòng ngừa chung cho xã hội.

[6]. Xét về nhân thân và các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với hai bị cáo:

Về nhân thân: Ngoài hành vi bị truy tố trên thì bị cáo đều có nhân thân tốt, chưa có tiền án, tiền sự.

Bị cáo không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự.

Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm dân sự: Bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng, ăn năn hối cải về hành vi của mình, là người đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống ở vùng cao có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn nên nhận thức pháp luật hạn chế và thuộc diện hộ khó khăn. Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại điểm b, s khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự.

Do tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội nên cần cách ly bị cáo ra khỏi cộng đồng xã hội một thời gian, nhằm giáo dục bị cáo ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa bị cáo phạm tội mới; đồng thời giáo dục người khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

[7]. Xét đề nghị của Kiểm sát viên đề nghị các mức xử phạt cho bị cáo là phù hợp nên được chấp nhận.

Xét đề nghị của Trợ giúp viên pháp lý, bào chữa cho bị cáo đề nghị mức xử phạt đối với bị cáo Phạm Văn H là chưa phù hợp với tình hình phá rừng phòng hộ để lấy gỗ hoặc lấy đất trồng cây keo đang diễn biến phức tạp tại địa bàn huyện Ba Tơ hiện nay. Do đó, cần phải xử phạt tù đối với bị cáo mới đủ răn đe, giáo dục riêng đối với bị cáo, phòng ngừa chung trên địa bàn xã X nói riêng và huyện B nói chung nên không được Hội đồng xét xử chấp nhận.

[8]. Xét thấy hoàn cảnh kinh tế của bị cáo là gia đình khó khăn, có xác nhận của chính quyền địa phương nên không cần thiết phạt bổ sung bằng hình thức phạt tiền đối với bị cáo.

[9]. Xét vai trò của Phạm Thị N, Phạm Văn S, Phạm Thị C và Phạm Văn T:

Đối với Phạm Thị N: Khi Phạm Văn H đi lên rừng để kiếm cây gỗ cưa hạ về làm nhà, thì Phạm Văn H không có nói và cũng không có bàn bạc gì với Phạm Thị N về việc này. Bởi vì khoảng thời gian tháng 8 năm 2020, Phạm Thị N đi phát chồi keo ở thôn M, xã V. Hơn nữa là chị N nghĩ chồng mình là Phạm Văn H đi lên rừng khai thác gỗ đã có đơn xin phép chính quyền địa phương. Nên ngày 17/8/2020 Phạm Thị N có đi cùng với chồng là Phạm Văn H, Phạm Văn S và Phạm Thị C lên khu vực rừng thuộc suối C, xã X, nhưng khi đi lên đến nơi Phạm Thị N không tham gia kéo gỗ mà chỉ vác máy cưa cho chồng là Phạm Văn H. Hơn nữa, Phạm Thị N khi đi cùng là do sự chỉ đạo của Phạm Văn H. Việc khai thác gỗ trái phép là do một mình Phạm Văn H thực hiện, bản thân Phạm Thị N không cố ý cùng thực hiện một tội phạm với Phạm Văn H. Vì vậy, hành vi của bà Phạm Thị N chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm d, khoản 01, Điều 232 Bộ luật Hình sự, với vai trò là người giúp sức. Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với bà Phạm Thị N với vai trò đồng phạm trong vụ án là có cơ sở.

Đối với Phạm Văn S và Phạm Thị C: Khi tham gia đi lên rừng kéo gỗ cùng với Phạm Văn H vào ngày 17/8/2020 thì anh S và chị C nghĩ Phạm Văn H đã làm đơn xin phép chính quyền địa phương xã X và không biết cây gỗ mà Phạm Văn H khai thác là do Nhà nước quản lý; hơn nữa Phạm Văn S và Phạm Thị C làm đổi công cho Phạm Văn H chứ không có vụ lợi. Đồng thời, Phạm Văn S và Phạm Thị C là người dân tộc H’re, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Việc khai thác gỗ trái pháp luật chỉ có một mình Phạm Văn H thực hiện; bản thân Phạm Văn S và Phạm Thị C không cố ý cùng thực hiện một tội phạm với Phạm Văn H. Vì lẽ trên, hành vi của Phạm Văn Siêng và Phạm Thị Chiều không đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm d, khoản 01, Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với vai trò là người giúp sức. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với Phạm Văn S và Phạm Thị C với vai trò đồng phạm trong vụ án là có cơ sở.

Đối với ông Phạm Văn T: Khi Phạm Văn H lấy máy cưa của ông để đi lên rừng cưa cây chò thì ông T không biết. Bởi vì lúc đó vợ, chồng ông T đi phát chồi keo ở Gòi H, xã X và ngủ lại không về nhà nên việc Phạm Văn H lấy máy cưa của ông, Phạm Văn H cũng không hỏi mượn hay nói gì về việc lấy máy cưa của ông để đi lên rừng cưa cây. Sau khi H cưa gỗ xong máy cưa bị hư, H đem về bỏ ở ngoài chuồng heo phía sau nhà của ông. Vì vậy, việc Phạm Văn H sử dụng máy cưa của ông để đi lên rừng cưa hạ gỗ trái phép, thì ông T không biết và cũng không cho H mượn máy cưa để lên rừng khai thác gỗ. Do đó, hành vi của ông Phạm Văn T chưa đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản” quy định tại điểm d, khoản 01, Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với vai trò là người giúp sức. Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Phạm Văn T với vai trò đồng phạm trong vụ án là có cơ sở.

[10]. Đối Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi và Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khu Tây huyện B: Được Nhà nước giao nhiệm vụ phân cấp quản lý Nhà nước trực tiếp quản lý và bảo vệ rừng tại Lô 14, Khoảnh 1, Tiểu khu 449, thôn N, xã X, huyện B, nhưng đơn vị chủ rừng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác lâm sản trái phép của Phạm Văn H, sự phối hợp giữa Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi với Trạm Quản lý bảo vệ rừng Khu Tây huyện B chưa được chặt chẽ. Công tác kiểm tra, tuyên truyền giáo dục về phòng, chống chặt phá cây rừng, khai thác gỗ có thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao dẫn đến xảy ra tình trạng khai thác lâm sản trái phép nói trên. Tuy nhiên, trong thời gian qua Ban Quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi và Trạm Quản lý bảo vệ rừng huyện B cũng đã xây dựng kế hoạch, tổ chức, chỉ đạo lực lượng cán bộ Trạm quản lý, cùng phối hợp chính quyền địa phương xã X truy quét, kiểm tra để phòng, chống chặt phá rừng, khai thác lâm sản tổ chức họp dân tuyên truyền. Do đó, Cơ quan điều tra không xem xét trách nhiệm về hình sự đối với đơn vị chủ rừng.

[11]. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ vào các Điều 584, 585, 586, 587 và 589 Bộ luật dân sự 2015 buộc: Bị cáo Phạm Văn H phải nộp sung ngân sách Nhà nước số tiền là 395.865.000 đồng.

[12]. Về vật chứng vụ án:

01 xe mô tô biển kiểm soát 76B1-140.50 (giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy ghi tên Lê Văn C) dùng để kéo 01 thanh gỗ cho Phạm Văn H là của Phạm Văn S mua tại Cửa hàng mua bán xe máy số 59 Phạm Văn Đồng, thị trấn Ba Tơ, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi nhưng chưa sang tên. Xe mô tô này là phương tiện đi lại hàng ngày của vợ chồng anh S, chị C. Mục đích dùng xe kéo gỗ cho Phạm Văn H là làm đổi công cho Phạm Văn H, chứ không thu lợi từ việc kéo gỗ này; mặc khác, xe mô tô này là phương tiện đi lại của vợ chồng anh S, không phải là phương tiện chuyên dùng cho việc kéo gỗ và tại phiên tòa vợ chồng anh S đều xin nhận lại xe mô tô này nên Hội đồng xét xử trả lại xe mô tô này cho anh Phạm Văn S quản lý, sử dụng.

71 (bảy mươi mốt) thanh gỗ xẻ chò chỉ, gỗ nhóm III, khối lượng 2,875 m3 là do phạm tội mà có nên tịch thu sung công vào ngân sách Nhà nước.

[13]. Về án phí: Xét bị cáo Phạm Văn H là người đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn, theo quy định tại điểm đ, khoản 1 điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội thì bị cáo thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí. Căn cứ các Điều 12, 14, 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng xét xử xét miễn nộp tiền án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm cho bị cáo.

[14]. Đối với Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý rừng tại tiểu khu 449 nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn kịp thời hành vi khai thác lâm sản trái phép. Để nâng cao trách nhiệm trong công tác quản lý và bảo vệ rừng ở địa phương, Ban quản lý rừng phòng hộ tỉnh Quảng Ngãi kết hợp với Ủy ban nhân dân xã X, Kiểm lâm địa bàn, trong thời gian đến thường xuyên tuyên truyền bảo vệ và phát triển rừng, tổ chức tuần tra, truy quét để phát hiện, ngăn chặn kịp thời hành vi hủy hoại rừng và các hành vi vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản, đồng thời nâng cao trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo quản lý và bảo vệ rừng tại địa phương của mình.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ vào điểm d khoản 1 Điều 232; điểm i, s khoản 1, khoản 2 Điều 51; Điều 38 Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Tuyên bố bị cáo Phạm Văn H phạm tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Xử phạt bị cáo Phạm Văn H 14 (mười bốn tháng) tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt bị cáo chấp hành án. Tiếp tục cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bị cáo cho đến khi có quyết định thi hành án.

2. Về trách nhiệm dân sự: Căn cứ Điều 48 Bộ luật hình sự; Điều 584, 585, 586 và Điều 589 Bộ luật dân sự:

Buộc bị cáo Phạm Văn H phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền là 395.865.000 đồng (ba trăm chín mươi lăm triệu tám trăm sáu mươi lăm ngàn đồng).

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

3. Về vật chứng trong vụ án: Căn cứ Điều 47 Bộ luật hình sự và Điều 106 của Bộ luật tố tụng hình sự:

- Trả cho Phạm Văn S 01 (một) giấy chứng nhận đăng ký xe mô tô, xe máy số 009787 mang tên Lê Văn C (sinh năm 1971) ở thôn 1, xã D, TP. Q và 01 xe mô tô biển kiểm soát 76B1-140.50; nhãn hiệu Yamaha; số loại Jupiter; màu sơn: Đỏ- Xám-Bạc; số máy: 2S01006515; số khung: 2S0105Y006515.

- Tịch thu, nộp vào ngân sách Nhà nước 71 (bảy mươi mốt) thanh gỗ xẻ chò chỉ, gỗ nhóm III, khối lượng 2,875 m3.

(Vật chứng hiện đang tạm giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B theo biên bản giao nhận vật chứng ngày 29/7/2021)

4. Về án phí: Căn cứ Điều 136 của Bộ luật tố tụng hình sự; điểm đ, khoản 1, Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bị cáo Phạm Văn H được miễn nộp án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

5. Về quyền kháng cáo, căn cứ Điều 331 và Điều 333 của Bộ luật tố tụng hình sự: Bị cáo, đương sự, có mặt tại phiên tòa có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án, đương sự vắng mặt tại phiên tòa hoặc không có mặt khi tuyên án mà có lý do chính đáng thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản án hoặc được tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự./.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

284
Bản án/Quyết định được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Quyết định đang xem

Bản án 08/2021/HS-ST ngày 15/09/2021 về tội vi phạm quy định khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản

Số hiệu:08/2021/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Ba Tơ - Quảng Ngãi
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành:15/09/2021
Là nguồn của án lệ
Bản án/Quyết định sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Quyết định liên quan cùng nội dung
Bản án/Quyết định phúc thẩm
Mời bạn Đăng nhập để có thể tải về